Hoàng Chức đã chết.
Dù lúc còn sống đẹp đẽ thế nào, nhưng khi chết đi mà không được “mông má” thì cũng khó mà tươi tắn như lúc còn sống, đặc biệt những người có cái chết bất thường đều trông vô cùng đáng sợ.
Mắt Hoàng Chức trợn trừng, cơ má méo xệch, miệng há to, chóp lưỡi cứng đờ thè ra dưới hàm răng trắng ngà, mái tóc đen rũ rượi. Cô ấy bị bóp cổ chết hay bị thít cổ chết? Người chết ngạt thường mất khả năng kiểm soát việc đại tiểu tiện; đấy chính là nguyên do vì sao tôi lại ngửi thấy thứ mùi khó chịu kia.
Dây dùng để buộc chân tay cô là dây ni lông, rất dai bền, dù trước lúc chết cô ấy ra sức vùng vẫy thế nào cũng đều vô ích, chỉ để lại vết cứa bật máu giờ đã khô lại trên cánh tay và cổ tay.
Hai chân cô bị trói vào hai bên chân ghế, tay bị trói giật cánh khuỷu ra sau lưng ghế. Ở tư thế này, cô khó mà có thể dồn lực vùng vẫy. Trong lúc giằng co giữa sự sống và cái chết, một người đàn bà yếu ớt cũng có thể bật lên một sức kháng cự đáng kinh ngạc, song những sợi dây ni lông nho nho kia đã chặn đứng chút cơ hội sống mong manh sau cùng này. Trong phòng không có dấu vết vật lộn gì rõ ràng, tôi nghĩ, rất có khả năng cô ấy bị đánh bất tỉnh trước, rồi bị trói vào ghế và sau đó mới bị thít cổ chết.
Trên sàn nhà cạnh giường có một con búp bê vải đang toét miệng ra cười. Nó chính là loại búp bê tôi thấy trong ngôi nhà ở thôn Đại Đường, có vẻ như đi đâu cô cũng mang nó theo.
Lúc trông thấy Hoàng Chức, bà cô to béo hét lên một tiếng thất thanh. Bây giờ tôi mới biết vì sao các ca sĩ opera thường đều sở hữu một thân hình đẫy đà như vậy, hét xong bà ta liền ngất xỉu và ngã vật ra sàn, mãi đến khi cảnh sát tuần tra đến mới tỉnh lại, mặt xám ngoét như gà cắt tiết.
Trước là cảnh sát tuần tra, sau đến tốp đông cảnh sát điều tra hình sự, Hà Tịch là giám định viên pháp y cũng đến. Lúc đó tôi đang bị cảnh sát xét hỏi, ánh mắt cô dừng lại trên mặt tôi chừng nửa giây như thể một lời chào rồi người nào lo việc người nấy.
Thẩm vấn tôi là một cảnh sát trung niên không thân thiện cho lắm. Hiện đội trinh sát hình sự của cục cảnh sát được cơ cấu thành tổ điều tra. Cách xưng hô rất Tây này khiến ta liên tưởng đến bộ phim “Thợ săn” của Mĩ từng một thời nổi đình nổi đám trong những năm 80 của thế kỉ trước ở Trung Quốc. Sĩ quan cảnh sát này chính là trưởng phòng điều tra.
“Họ tên, nghề nghiệp gì, anh phát hiện thấy xác chết khi nào?” – Anh ta nghiêm giọng hỏi, với một trinh sát trẻ đứng cạnh, họ kẹp tôi vào giữa, như có ý khống chế.
Biểu hiện của tôi khi đứng trước xác chết có phần bình tĩnh hơn bà cô to béo kia nhiều, hẳn điều này khiến cảnh sát trưởng thấy có chút nghi ngờ.
Tôi lần lượt trả lời từng câu hỏi, kết quả là ánh mắt viên cảnh sát trưởng hướng vào tôi càng lúc càng thêm phần sắc bén hơn.
“Anh là phóng viên? Sao anh có lại mặt ở đây, sao anh lại phá cửa xông vào phòng?”
Chuyện này kể ra thì dài lắm, phải thuật rõ nguyên do kết quả từ chuyện đứa trẻ giấy đến gã gầy đeo bám, chẳng thể vắn tắt vài câu là xong được.
Việc cần nói thì nhiều, song nhất thời tôi chẳng thể trả lời ngay. Thấy cảnh sát trưởng cười nhạt một tiếng rồi bảo điều tra viên trẻ: “Người này là nghi phạm, cậu cứ tạm dẫn về đồn trước!”
“Tuân lệnh!” – Cậu trinh sát viên đứng bên hô một tiếng, lách cách rút ra chiếc còng số tám.
“Này, đợi đã. Chỉ bởi tôi có khá nhiều điều muốn nói nên trả lời hơi chậm.”
“Giờ tôi làm gì có thời gian nghe, cứ
về cục rồi từ từ tính!” – Cảnh sát trưởng không chịu lép vế.
Tách tách hai tiếng, tôi đã bị còng lại, viên trinh sát trẻ khá mạnh tay, làm cổ tay tôi bị vặn đau điếng.
“Tôi mà đáng nghi? Thế tôi còn báo án làm gì?” – Tôi tức tối hỏi.
“Tự báo án chẳng nói lên điều gì.” – Hà Tịch ra khỏi phòng, công tác hiện trường đã hoàn tất, cô đang đợi người chuyển xác về cục để tiến hành giải phẫu giám định. Thấy tình hình bên đây, cô ấy mới góp thêm một câu.
“Này, sao em có thể nói thế?” – Tôi sốt tiết.
“Người này có hợp tác vài lần với phòng cảnh sát đặc nhiệm thành phố, nên chắc sẽ không làm mấy chuyện vớ vẩn, thiếu kĩ năng này đâu.” – Hà Tịch bảo cảnh sát trưởng, rồi liếc nhìn tôi một cái, khóe miệng hơi cong lên, quay người bỏ đi.
“Người bị hại? Phòng cảnh sát đặc nhiệm…” – Cảnh sát trưởng lẩm bẩm, ánh mắt hướng vào tôi đã từ nghiêm khắc lạnh lùng chuyển sang thành hồ nghi.
“Tôi có quen biết người bị hại, chuyện này tương đối phức tạp, nên tôi chỉ nói sơ qua một chút…” – Tôi chớp lấy thời cơ kể sơ lược lại một lượt.
Lúc tôi nói đến nửa chừng, cảnh sát trưởng ra hiệu bảo viên trinh sát trẻ tháo còng cho tôi.
“Ra là vậy!” – Cảnh sát trưởng gật gật đầu, “Anh đã động chạm vào vật gì ở hiện trường chưa?”
“Tôi đạp cửa một lần, để vào trong này xem Hoàng Chức còn thở không, rồi sau đó ra ngoài gọi điện báo cảnh sát.”
“Vừa xong nếu có phần hơi thô lỗ thì anh cho tôi xin lỗi.” – cảnh sát trưởng vừa cười cười vừa nói, “tuy nhiên chúng tôi vẫn phải mời anh về đồn thuật lại mọi chuyện thật chi tiết cho chúng tôi lập biên bản.”
“Tránh ra, tránh ra nào!” – Thi thể Hoàng Chức đã được cho vào túi đựng xác đang được hai cảnh sát khiêng qua trước mặt tôi.
Tôi nhìn chằm chằm vào chiếc túi đựng xác màu đen, lòng đầy nghi hoặc.
Ai đã giết hại Hoàng Chức. Sao hắn lại giết cô ấy?
Cướp của ư, người chọn quán trọ nhỏ này để nghỉ thì có bao tiền? Vì sắc ư, Hoàng Chức tuy đẹp thật nhưng lúc chết cô ấy vẫn ăn mặc chỉnh tề.
Cô ấy bị trói chặt vào ghế và thít cổ chết, không giống với kiểu của những kẻ bất ngờ nảy ra ý định mưu sát. Ai lại kè kè mang theo dây ni lông bên mình chứ, kẻ này rõ ràng là có ý đồ mưu sát từ trước.
Trong phòng, nhân viên khám nghiệm hiện trường vẫn đang cần mẫn dò tìm dấu vết hung thủ để lại, tôi nhìn qua vài lượt, đoán chừng ít nhất họ cũng đã tìm được dấu chân và sợi tóc đáng nghi.
“Phóng viên Na này, hay ta đi lấy mấy bức thư mà ban nãy anh nói trước rồi quay về cục sau?” – Cảnh sát còng tay tôi ban nãy nói.
“Cũng được”.
Lúc xuống tầng, tôi thấy cảnh sát trưởng đang thẩm vấn bà cô to béo kia. Mặt bà ta đầm đìa mồ hôi, các ngấn mỡ trên người rung lên khe khẽ, giọng vừa nhỏ vừa sắc, hẳn vẫn đang trong tâm trạng hoảng loạn.
“Anh cảnh sát ơi, việc này chẳng liên quan gì đến tôi, tôi không hề hay biết gì!” – Vẻ mặt bà cô rầu rầu như đưa đám.
“Người nghỉ ở đây giờ đã chết mà bà còn nói mình không biết gì hay sao? Tầng đó có tất cả bao nhân viên, người đâu rồi?” – Giọng điệu của cảnh sát trưởng lúc tra hỏi bà cô này nghiêm khắc hơn nhiều so với lúc thẩm vấn tôi.
“Chuyện của khách trọ tôi đâu quản được, chỗ tôi ít nhân viên, họ thường chỉ quét dọn sau khi khách đã trả phòng. Ban đầu mỗi tầng đều có một người trực, song gần đây một người xin nghỉ phép về quê nên về người làm có phần căng hơn.”
“Băng ghi hình từ camera giám sát thì sao?”
“Chưa… chưa, à không, nó bị hỏng rồi”.
“Cái này thiếu, cái kia cũng thiếu, thế nào mà quán trọ này của bà có thể lọt qua quá trình kiểm tra cấp phép nhỉ? Theo tôi cũng không nên để chỗ này tiếp tục mở cửa kinh doanh nữa”.
“Ô, ối, ô kìa!” – Lúc đang đi ở đoạn khúc quanh trên cầu thang để xuống tầng, tôi đã nghe thấy tiếng kêu khóc thảm thiết của bà cô.
Trên đường quay về tòa soạn, tôi mua vài cái bánh rán rồi vừa đi vừa ăn. Một tiếng đồng hồ trước, tôi đói đến mức bụng sôi ùng ục, còn bây giờ, một chút cảm giác thèm ăn cũng chẳng có, nên tôi chỉ ăn có một nửa, nửa còn lại nhờ tay cảnh sát trẻ thanh toán hộ, cậu ta cũng chưa ăn tối.
“Hóa ra anh quen người của phòng cảnh sát đặc nhiệm, ở phòng đó có một anh to béo được gọi là Chân đại nhân, trước đây từng có thời gian làm ở đội chúng em. Ồ, anh cũng biết anh ấy à, anh ấy quả là một bảo bối sống!” – Chàng cảnh sát này tỏ ra rất háo hức tò mò với chủ đề về phòng cảnh sát đặc nhiệm, còn tôi chỉ ậm ừ cho qua chuyện, bởi thực ra tôi không có hứng tán gẫu lúc này.
Về tòa soạn, tôi lật tìm khắp một lượt từ bàn làm việc đến tủ đựng đồ mà vẫn thiếu mấy bức thư. Việc này cũng chẳng thể trách, bởi sao tôi lại phải cất giữ cẩn thận thư từ được gửi đi từ một bệnh nhân tâm thần chứ?
Lưu Đường vẫn chưa về, thấy tôi về rồi lại đến, kèm thêm mấy viên cảnh sát, hắn ta nhiều chuyện hỏi: “Sao? Ông tìm gì à?”
“Bệnh nhân tâm thần đến tìm tôi hôm qua chết rồi. Đang tìm thư cô ấy viết gửi tôi”.
Lưu Đường giật mình, mở ngăn kéo lục tìm rồi lấy ra một bức thư bảo: “Chỗ tôi có một bức này, lần trước chuyền tay nhau đọc đến chỗ tôi thì quên gửi trả ông. Thế cô ấy bị giết hại à?”
Tôi cầm thư, gật gật đầu: “Lúc về sẽ nói chuyện với ông sau”.
Lưu Đường đang ngồi trên ghế đột nhiên nhảy dựng lên, vội vàng giật phắt lấy túi hào hứng hỏi: “Tin nóng, tin nóng, ở đâu thế, cho tôi biết đi!”
Tôi vừa cho hắn biết địa chỉ, Lưu Đường đã vụt lao ra ngoài.
Cái gã bộp chộp này, tôi nhìn theo bóng Lưu Đường dần mất hút ngoài cửa rồi đưa tay tắt điện thoại di động.
Đợi khi Lưu Đường nhận ra tôi là người đầu tiên phát hiện thấy xác chết, hắn nhất định sẽ gọi điện lại hỏi, nhưng tôi không có tâm trạng nào tiếp nhận cuộc phỏng vấn của gã.
Phải đợi một lúc lâu ở cục cảnh sát, cảnh sát trưởng mới vào ghi biên bản cho tôi, thái độ anh ta bây giờ khá hơn trước rất nhiều, tôi đoán chắc anh ta đã nắm được thêm các thông tin liên quan đến tôi. Mấy năm nay, tôi có mối quan hệ khá mật thiết với phía cảnh sát.
Quá trình lập biên bản đã tiến hành được hai tiếng đồng hồ. Cảnh sát trưởng hỏi han rất kĩ, khi nghe đến phần đứa trẻ giấy, anh ta rất ngạc nhiên. Lúc nghe tôi kể mình đã tận dụng anh chàng bám đuôi thế nào để tìm ra chỗ nghỉ trọ của Hoàng Chức, cảnh sát trưởng liền dừng bút, ngẩng đầu nhìn tôi một cái, chắc hẳn cảm thấy nếu nghĩ được cách này thì tôi cũng chẳng phải là tay vừa.
“Sao anh biết cô ấy đến tìm mình vì chuyện mất tích của con gái?”
“Tôi đoán vậy, bởi giữa tôi và cô ấy không còn bất kì quan hệ nào khác”.
“Trong thư viết cho anh, cô ấy nói là rất quan tâm, theo dõi những tin bài anh viết, anh thử nhớ lại những tin bài mình viết gần đây xem, liệu có bài nào khiến cô ấy đến tìm anh không?”
Điều này thì tôi chưa nghĩ đến, sau khi ngẫm nghĩ hồi lâu, tôi cười khổ rồi lắc đầu, đáp: “Tôi không biết, tôi chẳng thể nào đoán ra logic của cô ấy, cô ấy đâu phải người bình thường”.
“Cô ấy có kẻ thù nào không?” – Cảnh sát trưởng hỏi.
“Tôi không rõ, người ở thôn cô ấy chắc là biết!” – Đến đây, tôi nghĩ ra một điều, chần chừ nói: “Thực ra… theo như tôi biết, mối quan hệ giữa Hoàng Chức và mọi người trong thôn không được tốt cho lắm”.
Mắt cảnh sát trưởng chợt sáng lên, anh ta vội vàng hỏi tôi lý do, tôi kể lại một lượt chuyện người dân thôn Đại Đường coi Hoàng Chức là kẻ “xúi quẩy”. Cảnh sát trưởng ngẫm nghĩ một lát, rồi lắc lắc đầu.
“Chắc chưa đến mức đó!” – Anh ta nói: “Được rồi, cảm ơn anh đã hợp tác, mọi chuyện đến đây là xong, trong trường hợp còn vấn đề cần làm sáng tỏ thì tôi sẽ gọi điện cho anh”.
“Ồ, tôi có thể hỏi một câu không, hiện ta đã có manh mối gì chưa?”
Cảnh sát trưởng do dự một thoáng, rồi cũng cho tôi biết một vài thông tin: “Hoàng Chức qua đời vào khoảng sáng sớm hôm nay, đây là một vụ mưu sát, tuy nhiên hung thủ không phải là kẻ chuyên nghiệp, hắn để lại rất nhiều dấu vết. Tôi cho rằng chúng tôi sẽ tóm được hắn. Song động cơ gây án thì vẫn chưa rõ, ban đầu tôi muốn đợi xem liệu có thể tìm được gợi ý gì từ chỗ anh không, nhưng…” – Anh ta nhún vai rồi im lặng.
Ra khỏi cục cảnh sát, tôi bật điện thoại di động lên, gọi cho Hà Tịch, tôi đoán cô ấy vẫn chưa về.
“Anh đang đứng ngoài cổng cục cảnh sát, em có thể xuống đây đi ăn tối với anh không?” – Tôi hỏi.
“Không được đâu, em đang bận lắm!” – Câu trả lời khe khẽ của cô ấy vọng ra qua điện thoại.
“Giọng em sao nghe yếu thế?”
“Đã nói rồi, em bận lắm, đang phải kẹp điện thoại vào giữa vai và cổ để nghe đây này.” – Hà Tịch đáp.
“Em đang thực hiện công việc giám định pháp y đấy à?” – Tôi nhớ ra lý do vì sao cô ấy không rảnh tay.
“Đang làm được một nửa, không có việc gì thì em ngắt máy đây”.
“Gượm đã, là cái xác anh phát hiện à?”
“Hỏi thừa quá đấy!”
“Em xét nghiệm nhóm máu cô ấy chưa?” – Tôi không nghe thấy chút phấn khích nào từ giọng điệu cô ấy, đáng nhẽ phải ngược lại mới đúng chứ.
“Đã thực hiện các xét nghiệm cơ bản, nhóm máu O, rồi sao?”
“Anh biết nhóm máu của cô ấy, em xét nghiệm cẩn thận lại xem, nói cho em biết, cô ấy thuộc nhóm máu Sejmbey đấy!”
“Cái gì?” – Giọng nói vọng lại bất ngờ tăng âm.
“Nhóm máu Sejmbey, anh từng có lần phỏng vấn cô ấy, anh biết”.
“Ồ, em yêu anh, Na Đa!” – Hà Tịch thốt ra câu nói tôi đã mong đợi bao ngày, song những tiếng tút tút báo mất liên lạc cũng vang lên ngay sau đó, cô ấy đã cúp máy.
Tôi ngớ người ra một lúc, rồi mới gọi lại.
“Anh còn việc gì nữa?” – Giọng cô ấy bất chợt trở nên khó chịu hơn nhiều so với lúc vừa nãy, đúng là kì lạ, đây là kiểu yêu của cô ấy đối với tôi sao?
“Còn nhớ chuyện đứa trẻ giấy anh kể không, cô ấy chính là sản phụ đó”.
“Há ha!” – Hà Tịch kêu lên. Tôi đoán cô ấy nhất định sẽ phấn khích đến đỏ bừng mặt, một bác sĩ khùng.
“Thật tuyệt, thật tuyệt!” – Một tràng xuýt xoa cảm thán vọng lại từ máy bên kia, dù chẳng rõ là dành cho ai.
“Em nhớ anh nói gia đình cô ấy không còn ai thân thích nhỉ?” – Hà Tịch bất ngờ hỏi tôi một câu hỏi vô thưởng vô phạt.
“Ừ, em hỏi thế để làm gì? Này, gượm đã!” – Tôi chợt có một linh cảm không lành, “Em không định làm gì với cái xác của cô ấy đấy chứ?”
“Không còn nhân thân thì em muốn làm gì thì làm chứ, thứ của hiếm này giờ có thể giữ lại chỗ em lâu hơn một chút rồi.” – Hà Tịch chẳng hề che giấu ý định của bản thân, “Em là giám định viên pháp y, đây có thể xem như quyền hạn chính đáng của em, yên tâm đi, mổ xẻ thế nào em cũng ghép lại được hết”.
“Trời đất!” – Tôi chỉ có thể than trời, người con gái tôi yêu sao có thể thành ra thế này, tôi đã thực lòng muốn theo đuổi cô ấy ư?
“Đúng rồi, sao lúc trước em nói cái gì mà tự mình báo án chẳng nói lên được gì, làm anh thót cả tim. Lúc đó cảnh sát trưởng gần như đã coi anh là hung thủ rồi!” – Tôi buồn bực hỏi.
“Tự mình báo án thực sự chẳng thể nói lên được điều gì, vụ án bên Hàn Quốc đã có tiến triển mới”.
“Tiến triển mới? Ý em là vị kiến trúc sư người Pháp đã tự mình báo án, ông ta thế nào?”
“Là về cái xác hai đứa trẻ, đã có kết quả xét nghiệm ADN lần cuối. Mới đầu mọi người đều nghĩ đó là hai trẻ sinh đôi, nhìn chúng quả rất giống nhau, vì dù sao cũng đã bị đông lạnh một thời gian dài. Mẫu xét nghiệm ADN lần đầu và mẫu xét nghiệm ADN lần hai không được lấy từ cùng một đứa, thực tế là một trong hai đứa trẻ đó đúng là con của đôi vợ chồng Pháp đã chủ động báo án kia, còn đứa trẻ mang nhóm máu U - Sejmbey thì không phải. Hiện vụ này đã được chuyển cho cảnh sát Pháp thụ lý, Cournot cũng đã bị dẫn giải về Pháp”.
“Hả, nếu ông ta là hung thủ sao còn đi báo án?” – Tôi thắc mắc hỏi.
“Câu này để phía cảnh sát Pháp điều tra tiếp nhé!”
Sau khi kết thúc cuộc nói chuyện qua điện thoại với Hà Tịch, tôi phát hiện thấy trong lúc mình tắt máy Lưu Đường đã gửi rất nhiều tin nhắn cho tôi. Chẳng đọc một tin nào, tôi thẳng tay tắt luôn điện thoại.
Về đến nhà đặt mình xuống giường là tôi đánh thẳng một giấc say. Hôm sau tôi vừa bước chân vào tòa soạn, Lưu Đường đã nhào đến hậm hực hỏi: “Sao ông không nói với tôi ông là người đầu tiên có mặt ở hiện trường?”
“Thì ông có hỏi đâu!”
“Vậy hôm qua ông làm gì mà tắt điện thoại?” – Lưu Đường trừng mắt đến mức con ngươi như thể sắp vọt ra ngoài, đến mức khiến tôi băn khoăn không biết có cần lấy cốc cho hắn hứng không.
“Cảnh sát yêu cầu tôi tắt điện thoại”.
“Tại sao cảnh sát lại yêu cầu ông vậy?”
“Ông đi mà hỏi họ. Có lẽ khi rơi vào tình huống này và được đưa đến cục cảnh sát, ông sẽ biết”.
“Chà chà chà…” – Gã quỷ sứ Lưu Đường chép miệng một hồi, rồi hỏi tiếp, “Hôm qua ông làm bản tường trình đến mấy giờ? 12 giờ tôi gọi lại cho ông trước khi lên trang vẫn thấy ông tắt máy”.
Là vì ông gọi không đúng lúc, không kiên trì gọi lại cho tôi mỗi phút ba lần.
Đương nhiên tôi chẳng thể nào nói vậy, rất biết điều, tôi thu ánh mắt lại: “Quên mở máy”.
Hắn lẩm bẩm một hồi, rặn ra câu: “Đến phục ông” rồi tức tối quay về chỗ.
Dù thế nào thì tin bài lần này chỉ độc quyền có ở mỗi báo tôi, bởi thế Lưu Đường cũng nhận được khoản tiền thưởng kha khá. Hắn định mời tôi đi ăn khao và tiêu sạch chỗ tiền này, nhưng tôi đã từ chối. Tôi cảm thấy không thoải mái khi ăn khao bằng khoản tiền đó.
Hai ngày tiếp sau đó, tôi lấy hết tiền các bản thảo tin bài mình đã viết mấy tháng gần đây được cất trong kho lưu trữ ra nghiên cứu, thử xem có bài nào liên quan đến Hoàng Chức không; rồi lại lấy thư Hoàng Chức viết cho mình (bản gốc đã nộp lại cho cảnh sát, tôi giữ bản copy) ra đọc đi đọc lại, song kết luận vẫn vậy – ngoài việc con gái mất tích nên cô ấy lên Thượng Hải tìm tôi cầu cứu ra thì cô ấy gần như chẳng còn lý do gì để lên đây.
Lẽ nào vụ mưu sát này liên quan đến việc cô ấy đi tìm con gái? Có lẽ nào vì tìm được chút manh mối về sự mất tích của con gái mình mà cô ấy đã đe dọa đến quyền lợi của một vài nhân vật nào đó nên mới bị sát hại?
Tôi chia sẻ suy nghĩ này của mình với cảnh sát trưởng, bởi nếu tôi có thể nghĩ ra được thì ắt anh ta cũng đã lường đến. Với tư cách là bạn của người đã chết, tôi đề nghị anh ta nếu vụ án có tiến triển đột phá gì mới thì hãy cho tôi biết, và anh ta cũng đã đồng ý.
Liền mấy ngày chẳng thấy Hà Tịch hồi âm, gọi vào di động thì cô ấy tắt máy. Chuyện này làm tôi nhớ lại tình cảnh của Lưu Đường lúc gọi điện cho mình. Chắc chắn cô ấy đang say sưa lao đầu vào công việc giải phẫu mổ xẻ của mình.
Tối nay bộ phận của tôi sẽ có buổi tập trung đánh chén, chủ nhiệm bộ phận Tông Nhi bảo sắc mặt tôi mấy hôm nay không được tốt lắm, có vẻ như hơi mệt mỏi.
“Dạo này chẳng thấy cậu săn được tít bài gì đặc biệt nhỉ; chàng trai trẻ, hãy nhớ sức khỏe là tiền vốn của ta đấy nhé!” – Khi người đàn ông đứng tuổi này nói, lũ tiểu yêu vây xung quanh đều ồ lên cười, ngay chủ nhiệm Tông Nhi cũng toét miệng cười.
Tôi đau khổ cười, uống cạn chỗ bia trong cốc.
Tửu lượng của tôi vốn rất kém, nên lúc về đến nhà tôi vẫn mơ mơ màng màng, mệt mỏi tựa như có một ngọn núi bất chợt ụp xuống người mình vậy. Tắm rửa qua loa xong tôi lên giường nằm, song hóa ra chất cồn chẳng khiến tôi dễ ngủ hơn chút nào. Hoàn cảnh cái chết của Hoàng Chức, cùng hình ảnh đứa trẻ giấy đang đung đưa trên tay vị bác sĩ, thay nhau hiện lên trước mắt, khiến toàn thân tôi đổ đầy mồ hôi, cảm giác dinh dính rất khó chịu. Dù vậy nhưng tôi cũng chẳng còn hơi sức đâu để bò dậy tắm rửa thêm lần nữa.
Những hình ảnh hỗn loạn trong đầu cứ biến chuyển, rồi tôi lại nhớ đến Chu Tiêm Tiêm còn đang bị mất tích. Con bé đứng ở một góc khuất ánh nắng, chẳng nói chẳng rằng, chằm chằm nhìn tôi đầy lạnh lùng.
Tôi bất ngờ choàng tỉnh. Là tiếng điện thoại di động đánh thức tôi. Trong phòng tối đen, tôi mở to mắt, chẳng rõ giờ đang là mấy giờ. Chiếc điện thoại di động lì lợm kêu lên một hồi, tạm dừng một lát, rồi đến lượt điện thoại để bàn trong phòng tôi vang lên. Mắt tôi đã dần thích nghi với bóng tối. Tôi ngoảnh đầu nhìn đồng hồ báo thức, mới gần ba giờ sáng. Ai có thể gọi mình vào giờ này nhỉ?
Tôi quệt mồ hôi lạnh vã ra trên trán, đưa tay lần mò mặt tủ bàn đặt đầu giường tìm ống nghe, rồi nhấc máy.