Chương 5: Hai đứa trẻ sơ sinh bị đông cứng

Suy cho cùng thì trong việc tìm kiếm người mất tích, công an vẫn có nhiều nghiệp vụ hơn. Nhờ người mốc nối quan hệ, yêu cầu công an Côn Sơn để ý hơn đến sự mất tích của Chu Tiêm Tiêm là việc làm thực tế nhất mà kẻ đang mang mặc cảm tội lỗi là tôi có thể thực hiện. Nếu ngay cả công an cũng không tìm ra manh mối gì, thì e rằng bảo tôi tự đi điều tra là điều hơi phi thực tế, vả lại hàng ngày tôi còn phải đến tòa soạn làm việc nữa chứ.

Do không quen ai làm công an ở Côn Sơn, tôi đã phải móc nối quan hệ qua phía người quen là cảnh sát ở Thượng Hải, đợi xem liệu những người cùng làm trong ngành có thể tương trợ, giúp đỡ nhau chăng.

Kể ra thì tôi cũng kết bạn với rất nhiều người làm trong ngành cảnh sát ở Thượng Hải, tính riêng đám anh em thân thiết đã vài người. Song lần này người tôi hẹn ăn trưa và nhờ giúp đỡ lại là một giám định viên pháp y.

Một nữ giám định viên pháp y trẻ trung xinh đẹp, là con lai với cặp mắt xanh nhạt, tôi nhớ cô ấy không mang quốc tịch Trung Quốc. Tên cô ấy là Hà Tịch.

Ồ vâng, tôi thừa nhận mình có hơi mượn việc công mưu việc riêng, hừm, hay ta nên nói là mượn hoa cúng Phât… hoặc theo cách khác là kẻ say không say vì rượu. Không rõ sao cứ nhắc đến cô ấy là tôi lại bắt đầu lắp bắp?

Đúng rồi, tôi nhớ cô ấy mang quốc tịch Thụy Sĩ. Một Hoa kiều mang quốc tịch Thụy Sĩ, bỗng dưng gia nhập hàng ngũ giám định viên pháp y trực thuộc hệ thống cảnh sát Thượng Hải cách đây không lâu, điều tuyệt đối chẵng bao giờ xảy ra trong hoàn cảnh thông thường, vậy mà giờ nó đã xảy ra. Trường hợp đặc biệt, xét về thứ bậc, tuy cô ấy chỉ là giám định viên pháp y, song nếu đánh tiếng chào hỏi công an Côn Sơn qua cô ấy thì hắn sẽ ổn.

Sỡ dĩ tôi phải giải thích nhiều như vậy bởi tôi muốn nói rằng Hà Tịch đúng là người có thể giúp tôi trọng vụ mất tích của Chu Tiêm Tiêm, đó hoàn toàn chẳng phải là lời viện cớ để đuối theo tán tỉnh.

Chẳng phái bắn một mũi tên trúng hai đích sẽ tốt hơn sao? Xưa nay tôi vẫn luôn thẳng thắn, mối quan hệ giữa tôi và Hà Tịch quả đúng là có chút không rõ ràng. Lại dùng sai thành ngữ nữa rồi, đáng nhẽ phải nói là khó nói hết trong một câu.

Lần đầu tôi gặp Hà Tịch, cô hãy còn là nhân viên nghiên cứu của một tổ chức y học tầm cỡ quốc tế. Hồi đó, do hai người đang bị cuốn vào mối nguy lớn, nên chúng tôi đã trở thành chiến hữu cùng chung lưng đấu cật bên nhau trong cơn hoạn nạn. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác, và tôi cũng không tiện đề cập sâu hơn ở đây. Khi chân tướng sự việc lần đó được làm sáng tỏ, mối nguy hiểm đã qua đi, rồi nếu không bị ép chia tay thì có lẽ giờ cô ấy được gọi là vợ anh Na rồi.

Sau một thời gian dài bặt vô âm tín, năm nay lúc bất ngờ hay tin Hà Tịch đã trở thành giám định viên pháp y của cơ quan cảnh sát Thượng Hải, tôi vừa ngạc nhiên vừa thấy mừng cho cô ấy. Nhưng hệt như một mô típ quen thuộc trong kiểu tiểu thuyết ngôn tình mà tôi cực ghét, cô ấy còn có một vài sự thay đổi khác.

Không phải là mất trí nhớ, song cũng chẳng khác là bao.

Các bạn bè biết về trải nghiệm ly kỳ – do mong muốn trở thành bất tử gây ra vào năm 2005, đều nghĩ nếu có ngày tôi gặp lại Hà Tịch, cô ấy hẳn đã có cuộc đời mới. Cụm từ “cuộc đời mới” ở đây được dùng để chỉ sự sống vượt lên trên hoàn cảnh không thể, và hơn thế, còn là cuộc đời mới.

Cô ấy chưa quên tôi, vẫn hoàn toàn lưu lại mọi ký ức, song tình yêu đâu chỉ đơn giản là sự ghi nhớ.

Có thể vì dấu tích sâu đậm mà tình yêu in dấu lại nơi con tim lúc cơn sóng tình rút khỏi bờ, nên khi gặp lại cô đối xử với tôi vẫn có phần hơi khác. Tôi không nên tiếp tục oán hận gì, rốt cuộc cô ấy đã xuất hiện trước mắt tôi, để ít nhất tôi có được cơ hội làm lại từ đầu.

Thứ tình cảm bùng cháy trong hiểm nguy thường rất dữ dội và mãnh liệt, nhưng giờ tôi đã học được cách giữ kiến trong lòng, để nó cứ bền bỉ, âm thầm chảy mãi như dòng nước nhỏ. Tôi chưa bao giờ nghi ngờ ngày nào đó tôi sẽ chinh phục được cô ấy, chỉ là tôi đang giúp cô ấy tìm lại những cảm giác đã mất.

Hà Tịch luôn luôn đúng hẹn, nhưng giờ đã quá mười phút so với giờ hẹn. Tôi bèn gọi hai đĩa đồ ăn nguột, ăn lót dạ trước.

Ngồi ở bàn bên là đôi tình nhân trẻ đang làm nũng nhau. Đang cầm đũa gắp hạt lạc xào cho vào mồm, chợt thoáng thấy anh chàng lúc nào cũng mỉm cười chăm chăm nhìn người yêu bất ngờ rời khỏi gương mặt đối phương…

Ngoảnh lại, tôi liền nhìn thấy Hà Tịch, cùng vô số ánh mắt – hoặc lén lút hoặc công khai, đang hướng về cô ấy.

“Hiếm khi nào được thấy em đến muộn.” – Tôi cười với Hà Tịch.

“Em vừa thực hiện xong một vụ mổ xẻ là vội vàng đi luôn” – Hà Tịch ngước mắt nhìn tôi, nói: “Anh có giấy không? Cho em lau tay chút!”

“Hả…” – Tôi giật thót mình, “Mổ xong em vẫn chưa … rửa tay mà đi ngay à?”

Hà Tịch tỉnh bơ chìa tay cho tôi xem

Mười ngón tay thon mảnh, trắng muốt và mềm mại. May mà không có vết máu nào.

“Đùa anh thôi, là do tắt đường!”. – Hà Tịch mỉm cười.

Trong mắt đồng nghiệp, Hà Tịch là cô gái vừa xinh đẹp vừa rất khác người, song dạo gần đây hình như cô rất hay cười trước mặt tôi.

Đây là nhà hàng Tứ Xuyên rất nổi tiếng. Tôi cố tình gọi mấy món tương đối cay cay, bởi tôi thích được nhìn Hà Tịch khi gương mặt cô ửng hồng và có những giọt mồ hôi lấm tấm nơi chóp mũi, một hình ảnh hoàn toàn trái ngược so với lúc thường ngày…

Trong lúc đợi món, tôi tường thuật vắn tắt lại câu chuyện về Chu Tiêm Tiêm cho cô hay.

“Được thôi, nhưng không chắc là sẽ tìm được”.

Tôi gật đầu. Với vụ mất tích xảy ra đã lâu, nếu công tác điều tra ban đầu không được tiến hành cẩn thận, thì việc tìm kiếm bây giờ quả thực là rất khó.

Hà Tịch không phải là người thích nói nhiều, nên nếu không muốn cuộc trò chuyện đi vào ngõ cụt, tôi luôn phải vắt óc nghĩ ra đủ kiểu đề tài lúc ở bên cô ấy. Tôi từng có lần thử thi gan với cô ấy đến cùng, kết quả là hai người chúng tôi chỉ giương mắt nhìn nhau hơn hai mươi phút. Mặc dù cô ấy rất đẹp, nhưng tôi chẳng thể nào tiếp tục giữ im lặng, đã giơ cờ trắng xin hàng. Đáng bực nhất là cô ấy vẫn tỏ vẻ thản nhiên như không.

Tôi dần tìm ra những chủ đề khiến Hà Tịch hứng thú. Sau khi thuật lại toàn bộ câu chuyện về sự mất tích của Chu Tiêm Tiêm, tôi quay sang kể cho cô ấy nghe về đứa trẻ giấy.

Do có thói quen dùng bút ghi chép lại những điều bản thân trải qua ra giấy, nên khi kể lại bằng miệng, tôi biết cần tạo cao trào để thu hút người nghe ở đoạn nào. Thêm vào đó, bản thân câu chuyện cũng đã rất huyền bí nên khi đồ ăn đã lần lượt mang lên, mà tần suất động đũa của Hà Tịch lại dần giảm xuống, rõ ràng cô ấy đang bị hút vào câu chuyện li kì này của tôi.

“Vậy đứa trẻ giấy về sau thế nào?” – Nghe xong Hà Tịch liền hỏi

“Về sau à? Anh không biết, chắc là được xử lý”.

“Chà, giá như để em giải phẫu thì tốt biết bao!” – Hà Tịch thở dài.

“Ối chà, cái này…” – Tôi không ngờ việc đầu tiên cô ấy nghĩ đến lại là vậy.

“Còn sản phụ thì sao?” – Hà Tịch lại hỏi.

“Hẳn em không định giải phẩu cả người sống nữa chứ? Về sau cô ấy phát bệnh tâm thần, hôm qua anh về thăm nhưng không gặp được”.

“Hừm nếu trong vòng ba năm trở lại đây cô ấy không sinh đứa nào nữa, thì có làm siêu âm kiểu B cũng chẵng rõ; làm siêu âm TVS [1] thì tốt nhất là phải xem

theo từng lớp cắt. Nhiều khả năng đó không chỉ là vấn đề ở tử cung, nên cần tiến hành kiểm tra sức khỏe toàn diện, giá như có thể để cô ấy mang thai thêm lần nữa để quan sát lâm sàng nhi. Chà, không được nhìn thấy đứa trẻ giấy quả thật là tiếc!”

[1] TVS là chữ viết tắt của Trans Vaginal Sonography, một loại siêu âm đặt ngang qua âm đạo, không chỉ rà ở bên ngoài ổ bụng.

Dù đã biết Hà Tịch hơi lập dị nhưng tôi vẫn ngây ra trước những lời cô lẩm bẩm với mình.

“Nói về chuyện này thì tuần trước em mới thực hiện ca mổ giám định trẻ sơ sinh đấy”.

Hiếm khi nào Hà Tịch chủ động đưa ra đề tài bàn luận khi trò chuyện với tôi, chỉ có điều đề tài này…

“Mổ á?” – Tôi ấp úng hỏi.

“Mổ giám định xác một đứa trẻ sơ sinh”.

Nhìn món ăn nóng hổi đang nghi ngút bốc khói trên bàn, cảm giác thèm ăn trong tôi bỗng như những bọt bong bóng xà phòng, dần thu nhỏ rồi tan biến vào hư không…

“À…” – tôi chẳng thể nào đáp trả cô với vẻ đầy thích thú, “Mà này, tuần trước ấy hả? Anh nhớ em nói là đi Hàn Quốc cơ mà”.

“Vâng, em sang đó mổ giám định xác của một đứa trẻ sơ sinh”.

“Liệu ta có thể không nhắc đến từ mổ… được không?”

Hà Tịch liếc tôi một cái, ra ý cười cười. Lẽ nào là cô ấy cố tình, dù chẳng còn sức đâu để nghĩ, song tôi lại cảm thấy vui vui.

“Anh biết em là thành viên thuộc tổ chức nghiên cứu bệnh lý học đặc biệt của quốc tề mà”.

“Anh biết? Anh biết từ khi nào vậy?” – Tôi lấy làm lạ hỏi.

“Ồ, thế em chưa nói gì à, nhưng giờ thì anh biết rồi đấy”.

“Đấy là tổ chức gì?”

“Là tổ chức nghiên cứu các bệnh lý học đặc biệt”.

“Quan tâm đến một vài trường hợp bệnh kì lạ, bao gồm cả trường hợp tử vong bất thường, tổ chức quốc tế chưa công khai chính thức này có liên quan với cảnh sát các nước, bởi cảnh sát là ngành hay phát hiện thấy những trường hợp tử vong bất thường nhất, và điều này thường gây khó khăn cho các giám định viên pháp y của họ.” – Cô khẽ giải thích.

“Em sang Hàn Quốc vì một trường hợp tử vong bất thường? Là một đứa trẻ sơ sinh?” – Tôi hỏi.

“Một vụ án kì lạ, giám định viên pháp y bên họ gặp phải một số khó khăn”.

“Kết quả là em đã giải quyết xong?”

“Vẫn chưa.” – Hà Tịch nhún vai, “Trên thực tế, sau khi qua đó, em mới phát hiện ra điều kì lạ nhất, rất khó giải thích”.

Điều cô nói càng thôi thúc tính hiếu kỳ trong tôi.

Hà Tịch vốn là nhân viên nghiên cứu của đơn vị y học hàng đầu. Sau “Sự kiện đứa trẻ nhà họ Nguyên”, nhất định cô ấy đã trau dồi được một vài năng lực đặc biệt. Chưa nói đến cái khác, cách nhìn cuộc đời của Hà Tịch hẳn đã đạt đến trình độ hoàn toàn mới. Nhìn cô ấy bây giờ mà xem, ngày ngày mải mê với công việc giải phẫu, mổ xẻ và mong muốn nghiên cứu kiểm chứng, vậy một trường hợp mà ngay đến cô ấy cũng xem là kì lạ thì sẽ như thế nào nhỉ?

“Kể anh nghe xem!” – Tôi dè dặt đề cập, dù thực ra bản thân đã rất tò mò.

Hà Tịch mở xắc tay, lấy mấy tấm ảnh ra đưa cho tôi xem.

“Đây là…” – Tôi nhíu mày.

“Xác đứa trẻ sơ sinh bị đông lạnh” – Hà Tịch nói.

Nhìn những món ăn nóng sốt trên bàn, dù thần kinh vững thế nào, tôi cũng chẵng dám chắc liệu chút nữa mình còn bụng dạ nào ăn tiếp không.

Vì cớ gì mà rất nhiều bộ phim kinh dị thích chọn trẻ con làm nhân vật chính, chính là bởi khi đứa trẻ đã trở nên hung ác, độc địa, thì tính cách hoàn toàn đối lập với bản tính thiên bẩm của chúng, điều này sẽ khiến người xem vô cùng kinh sợ. Rất nhiều nơi người ta cho rằng xác đứa trẻ sơ sinh là thứ có nhiều oán khí, linh hồn đứa trẻ khó bề siêu thoát, nên càng khó trừ bỏ hơn các linh hồn thông thường.

Chớ nghĩ rằng đứa trẻ sơ sinh sau khi qua đời sẽ trông giống như lúc nó đang ngủ. Trên thực tế, do máu trong cơ thể trẻ mất nhiệt và nhanh đông hơn nên khi cơ bắp cứng lại, hình dáng cơ thể chúng sẽ có dôi chút khác biệt so với khi còn sống, thêm vào đó, da đứa trẻ cũng sẽ thay đổi theo độ dài ngắn của thời gian tử vong. Một vài thay đổi không rõ ràng này cũng đủ gây nên cảm giác nhộn nhào không lấy làm dễ chịu ở người xem.

Vậy xác đứa trẻ bị đông lại thì thế nào? Hay nói chính xác hơn, xác đứa trẻ bị đông lạnh rồi lại được rã đông sẽ thế nào?

Nếu bạn mua một miếng thịt về nhà đem đi đông lạnh, rồi sau đó cho rã đông, thì miếng thịt trước khi đem đông lạnh và sau khi rã đông gần như không thay đổi nhiều, cùng lắm mùi vị của nó chỉ hơi khác đi một chút, nên bạn mới không để ý xem miếng thịt ban đông trông thế nào.

Một đứa trẻ sơ sinh thì lại khác.

Chẳng hạn như trên bề mặt da của trẻ sẽ xuất hiện nhiều nếp nhăn lạ hơn, một vài chỗ sẽ bị chảy nhão, một số chỗ thì bị nứt ra, ngũ quan trở nên méo mó, hay có thể nói là không rõ ràng; còn hai chân đứa trẻ, tôi bỗng nhớ đến hai chân giò được chặt rời, đang được cấp đông trong ngăn đá tủ lạnh ở nhà mình mới mua hôm trước.

Tôi hít một hơi thật sâu, nhằm xoa dịu cái dạ dày đang bắt đầu trở nên nhộn nhạo của mình.

Bức ảnh thứ nhất là xác hai đứa trẻ sơ sinh đặt song song cạnh nhau. Các ảnh sau chỉ đặc tả riêng từng đứa.

“Chuyện này là thế nào?” – Tôi đưa mắt nhìn lướt qua, nếu Hà Tịch không giải thích, tôi đã nhất thời không nhìn ra những điều kì lạ trong đó. Cô vừa mới nói đây là cái chết rất bất thường.

“Chuyện xảy ra vào tháng trước, khi một kĩ sư thiết kế người Pháp đang làm việc tại Seoul phát hiện thấy chúng trong tủ lạnh nhà mình”.

“Phát hiện thấy xác hai đứa trẻ sơ sinh trong tủ lạnh nhà ông ta sao?” – Tôi hình dung cảnh người đàn ông Pháp đó mở tủ lạnh mà thật kinh hoàng.

Câu chuyện hết như tình tiết trong một bội phim kinh dị này, thực sự đã xảy ra ngoài đời thực.

Sau khi kết thúc kỳ nghỉ vào tháng 7 năm 2006, một người Pháp tên Cournot, quay về căn hộ số 260 trong khu biệt thự Seocho tại thành phố Seoul của mình. Ban đầu, ông không hay biết trên ngăn đá trong tủ lạnh nhà mình có xác hai đứa trẻ sơ sinh đã đông cứng. Theo những điều ông báo lại với phía cảnh sát sau đó, sáng ngày 23 khi ra lấy bơ cất trong tủ lạnh vào phết bánh mỳ, ông mới để ý thấy trong tủ lạnh nhà mình có thêm một bọc ni lông. Buổi trưa cùng ngày, người đàn ông này đi siêu thị mua hai con cá thu muối, lúc về nhà cho cá vào tủ lạnh, ông mới bỏ bọc ni lông kia ra. Ông ta tưởng đó là gói đồ của cô giúp việc người Philippin gửi nhờ, kết quả sau khi mở ra xem ông ta bủn rủn cả người và phải vội vàng trình báo cảnh sát.

Riêng quá trình phát hiện trong trường hợp này đã rất ly kì rồi. Tôi vừa nghe Hà Tịch vừa tự đưa ra đủ kiểu suy đoán, đến lúc không kìm được nữa mới lên tiếng hỏi: “Là kẻ thù của người đàn ông này khủng bố á?”

Hà Tịch không trả lời, chỉ nói tiếp: “Hệ thống bảo vệ an ninh của tiểu khu nơi Cournot sống tưởng đối nghiêm mặt, gần đấy còn có cảnh vệ trông coi, muốn ra vào cổng chính phải có thẻ an ninh. Chìa khóa của căn hộ Cournot từng được giao cho mấy nữ giúp việc thân quen người Philippin, cùng số ít bạn bè người Pháp của người đàn ông này. Theo thông tin hàng xóm cung cấp, họ có thấy một cô gái da trắng lảng vảng trước cửa nhà ông ta một lúc lâu trong thời gian Cournot đi nghỉ ở nước ngoài, ngoài ra còn một người Pháp đến khá nhiều lần. Căn cứ vào đoạn băng ghi hình thu được từ camera an ninh, phía cảnh sát Hàn Quốc đã bắt đầu cho truy tìm hai người nay, song vẫn chưa tìm ra, xét nghiệm ADN của hai đứa trẻ sơ sinh đã có kết quả”.

Đến đây Hà Tịch mới dần chậm lại, như còn chưa tin hẳn vào kết quả xét nghiệm ADN.

“Trước đó cảnh sát Hàn Quốc đã lấy mẫu ADN của Cournot, kết quả xét nghiệm ADN tiếp đó cho thấy ông ta chính là cha của đứa trẻ. Ngay sau đó, cảnh sát Hàn Quốc đã lấy được lệnh cưỡng chế mẫu nước bọt của Véronique, người vợ còn đang ở bên Pháp của Cournot, và sau đó đã chứng minh được rằng bà ta cũng chính là mẹ của đứa trẻ”.

“Hả?” – Kết quả này khiến tôi rất ngạc nhiên. Nếu giết hại con mình sao Cournot còn đi báo cảnh sát?

“Nhưng bà Véronique khăng khăng phủ nhận, rằng nhất định đã có sự nhầm lẫn trong kết quả xét nghiệm ADN. Có rất nhiều người đến làm chứng cho Véronique. Những người thường tiếp xúc với bà ta cho biết họ chưa bao giờ thấy bụng bà ấy to lên, nếu thật sự có thai, bà ta ắt chẳng thể qua mặt tất cả mọi người. Ngay sau đó Véronique còn đưa ra một bằng chứng khác, bà ta đã cắt bỏ tử cung từ năm 2003”.

“Đã cắt bỏ… tử cung?” – Nếu vừa nãy là rất ngạc nhiên thì giờ tôi chỉ còn biết tròn mắt há miệng không thốt lên lời. Đã cắt bỏ tử cung thì đương nhiên bà ta chẳng thể sinh con, nhưng kết quả xét nghiệm ADN của đứa trẻ lại cho thấy bà ta là mẹ đẻ của chúng, chuyện này thế nào?”

“Liệu kết quả xét nghiệm ADN có sai không?” – Tôi hỏi, đưa ra phản ứng đầu tiên của mình.

“Độ chính xác của xét nghiệm ADN là rất cao”.

“Cũng chưa chắc, anh nghe nói, ngay như ở bệnh viện đẳng cấp ba sao của Thượng Hải vẫn có trường hợp đi chỗ A xét nghiệm thì nhận được một kết quả, sang chỗ B xét nghiệm thì lại có kết quả khác.” – Tôi hạ giọng nói.

“Ở những xét nghiệm thông thường, sự chênh lệch không đáng kể trong một vài chỉ số chẳng phải là điều hiếm gặp, nhưng xét nghiệm ADN thì khác!” – Dứt lời, Hà Tịch liền ngừng lại, lắc đầu rồi nói tiếp: “Nhưng kết quả xét nghiệm AND lần hai sau đó lại khác hoàn toàn với lần đầu, nên em đoán đã có sự nhầm lẫn khi lấy mẫu xét nghiệm. Giờ thì cảnh sát Hàn Quốc đã học được một bài học, chớ vội vàng đem công bố ngay kết quả xết nghiệm, mà trước hết phải tiến hành xét nghiệm lại cho thật chắc đã. Dẫu sao thì lý do em sang đấy cũng chẳng liên quan gì đến việc xét nghiệm ADN, anh thử nhìn mấy bức anh sau xem”.

“Là mấy tấm ảnh đặc tả cận cảnh này à? Xác đứa trẻ này có gì khác sao?” – Tôi nhìn mấy bức ảnh sau, tò mò hỏi.

“Đây là xác đứa trẻ đã được giải phẫu. Song song với việc tiến hành xét nghiệm ADN, tất nhiên giám định viên pháp y còn phải tiến hành một vài hóa nghiệm cơ bản khác. Và kết quả xác định nhóm máu ở lần hóa nghiệm thứ hai cũng hoàn toàn khác với lần đầu, nên em mới nói là có sự nhầm lẫn khi lấy mẫu xét nghiệm lần trước đó. Phen này giám viên pháp y bên họ bị dính một vố đau và hẳn giờ vẫn còn đang sống dở chết dở”.

“Đấy là việc của cảnh sát Hàn Quốc, em còn chưa cho anh biết vì sao em lại sang đó?” – Tôi nhận thấy khi bàn về vụ án này, Hà Tịch bất ngờ nói nhiều hơn. Xem ra vụ án này thực sự rất thu hút cô ấy.

“Đứa trẻ đó thuộc nhóm máu U – Sejmbey”.

“U – Sejmbey? Nhóm máu này là…”

– Tôi thầm chột dạ, nói về nhóm máu, người bình thường chỉ biết đến nhóm máu A, B, AB và nhóm máu O, còn tôi lại biết cả nhóm máu Hà Tịch vừa nhắc đến.

Nhìn bộ dạng tôi, Hà Tịch nhầm tưởng tôi cũng như mọi người bình thường khác, chưa nghe đến tên nhóm máu này bao giờ. Cô mới giải thích: “Đây là nhóm máu được phát hiện vào năm 1952 trên một người có tên là Sejmbey. Đó là một loại máu chưa hoàn thiệ và không có bất kỳ đặc trưng gì. Tế bào hồng cầu của loại máu này bị khuyết thiếu gen, không mang kháng nguyên thông thường, và cũng không phản ứng lại với bất kì loại huyết thanh nào. Thế nên rất dễ nhầm nhóm máu U – Sejmbey với nhóm máu O. Tính đến nay, trên toàn thế giới chỉ có hơn ba mươi người mang nhóm máu này”.

Vì mới chỉ biết tên nhóm máu này, nên đống thuật ngữ Hà Tịch nói khiến tôi đờ người ra, song câu cuối cùng thì tôi hiểu, đó chính là lý do vì sao cô ấy đi Hàn Quốc. Trên toàn thế giới chỉ có hơn ba mươi người, tỉ lệ này còn ít hơn cả một phần một trăm triệu, với cô ấy đây là đối tượng nghiên cứu hiếm mà gặp được.

“Qua Seoul, em bảo họ rằng dù sao cũng là hai đứa trẻ sinh đôi, nên cứ cho tiến hành giải phẫu một đứa, giữ lại một đứa kia là được”.

Tôi đau khổ cười, quả nhiên Hà Tịch đã quay lại với phong cách nói chuyện của mình.

“Thực ra ban đầu họ cũng định vậy, nhưng vì cặp vợ chồng người Pháp kia có khả năng bị dẫn độ về Pháp, tới khi đó xác hai đứa trẻ cũng phải chuyển giao cho cảnh sát Pháp. Thế nên với họ thì cho giải phẫu giám định hay không là cả một vấn đề, nhưng sau một hồi năn nỉ, thì cũng có thể xem như em đã giúp họ đưa ra quyết định”.

Theo tôi dự đoán, sự “năn nỉ” của Hà Tịch nhất định không đơn giản như vậy, chưa biết chừng cô phải viện đến mọi cách, huy động đến không ít mối quan hệ thân quen.

“Đây là bức ảnh chụp trước khi tiến

hành giải phẫu, còn sau đó là bị mổ tanh bành, em đoán anh không có hứng thú xem đâu”.

“Quả vậy, quả vậy” – tôi vội gật đầu, “nhưng chẳng phải dù có giải phẫu giám định thì cũng phải bảo lưu hình dáng bên ngoài của cái xác, sao ở đây em mổ xẻ tanh bành vậy…”.

“Có tanh bành cỡ nào em cũng ghép nối lại được.” – Hà Tịch trả lời không chút do dự, “Anh nghi ngờ trình độ chuyên môn của em à?”

“Tất nhiên là anh không dám.” – Tôi cười xòa, “Em tìm ra điểm gì mới lạ trong lúc tiến hành giải phẫu ư?”

Hai hàng lông mày cảu Hà Tịch từ từ nhíu lại, cô đáp: “Cấu tạo cơ bắp của đứa trẻ hơi không bình thường”.

Dứt lời cô ấy im lặng hồi lâu, không rõ đang nghĩ về điều gì. Đến khi tôi không chờ được nữa, định lên tiếng hỏi, cô mới nói tiếp: “Xác đứa trẻ đã bị đông lạnh trong thời gian khá dài, cảnh sát Hàn Quốc cho rằng do thời gian đông lạnh dài gây ra, nhưng em không cho là vậy. Do không thể giải thích sự thay đổi cơ bắp của đứa trẻ theo cách thông thường, họ mới khiên cưỡng liên hệ điều này với thời gian đông lạnh của cái xác”.

“Thay đổi thế nào?”

“Cứng cáp hơn”.

“Gì?” – Tôi chưa nghe ra.

“Cứng cáp. Phần cơ bắp của đứa trẻ đó rất cứng cáp”.

“Này, không phải kiểu cơ bắp như của Nam Vương đấy chứ?”

“Mức đó thì chưa.” – Thấy tôi chưa thật sự hiểu, Hà Tịch hỏi: “Anh nghĩ mình có thể luyện tập để có cơ bắp như Arnold không?”

Arnold là diễn viên cơ bắp nổi tiếng ở Hollywood trước đây, ông đã chuyển từ lĩnh vực điện ảnh sang chính trị, và trở thành thống đốc bang California. Ngay cả tôi cũng chẳng dám mang bắp đùi mình ra so với bắp tay Arnold nữa là.

Hình ảnh đại minh tinh Arnold vừa vụt lóe lên trước mắt, tôi đã cảm thấy nghẹt thở: “Bắp đùi này… hẳn không thể nào chứ”.

“Dù anh muốn tập luyện để có được cơ bắp như vậy, e cũng không mấy khả quan. Song tình trạng cơ bắp của đứa trẻ đó vốn chẳng thể nào vậy. Đây chính là sự khác biệt. Với đứa trẻ mới chào đời, thì ngày đến bò đã rất khó, sau rất nhiều tháng nó mới tập bò rồi đến tập đi và đến tập chạy. Việc thích nghi với môi trường sinh tồn hoàn toàn khác môi trường trong tử cung người mẹ, hấp thu chất bổ dưỡng giúp cơ thể lớn lên v. v… đều cần có thời gian, cũng như để một vài bộ phận cơ bắp trên người trẻ trở nên cứng cáp hơn lên trong quá trình tập luyện cũng vậy. Nhưng hai đứa trẻ sơ sinh qua đời không lâu sau khi chào đời chỉ sống không quá một tháng, hay thậm chí còn ngắn hơn, vậy mà xác đứa trẻ em tiến hành giải phẫu…”.

Hà Tịch khẽ hít vào, tôi để ý thấy cô đã dùng từ thuật ngữ chuyên môn “giải phẫu” mà không nói là “mổ xẻ” nữa.

“Đứa trẻ đó như thể đã biết bò bằng cả tay lẫn chân mấy tháng trước khi chết rồi vậy”.

“À, hay nói cách khác, đứa trẻ đó trông có vẻ như chết lúc vừa chào đời, nhưng một số cơ bắp của nó lại tựa như đứa trẻ đã mấy tháng tuổi?” – Tôi hỏi lại

“Em định nói là nó đã biết bò bằng cách phối hợp cả chân lẫy tay liên tục suốt mấy tháng rồi cơ” – Hà Tịch nói rõ hơn.

“Liên tục à?”

“Ở trẻ sơ sinh, thời lượng ngủ chiếm một khoảng lớn trong quĩ thời gian hàng ngày, và trẻ cũng chưa có khả năng bò quá xa. Khi trẻ có thể bò được một quãng ngắn, tức là mình và tứ chi của trẻ đã tương đối cứng cáp, thì không lâu đó chúng sẽ học đứng và tập đi. Chỉ có đứa trẻ người sói mới tiếp tục bò khi tứ chi đã dần trở nên cứng cáp và có thể đi bằng chân. Đây là lý thuyết đa trùng nghịch lý, anh hiểu không?”

Đây là một tam trùng nghịch lý:

Thứ nhất là, trẻ bình thường chẳng thể bò mãi mà lại không tập đi, nhóm cơ bắp được rèn luyện ở trẻ sau thời gian bò kéo dài khác với nhóm cơ bắp ở trẻ tập đi, rõ ràng kết quả giải phẫu của Hà Tịch nghiêng về ý đầu tiên.

Thứ hai, ngay cả đứa trẻ người sói cũng không thể vừa mới sinh ra đã có cơ bắp như đứa trẻ đã biết bò từ lâu. Đến đứa trẻ hai, ba tuổi cũng không có khả năng như vậy, còn đứa trẻ này thì lại chết không lâu sau khi ra đời.

Thứ ba, cứ cho là khi vừa mới sinh ra, đứa trẻ này đã có cơ bắp đáng ngạc nhiên như vậy, song nó chỉ sống được một thời gian ngắn, khoảng thời gian này chưa đủ để các cơ bắp được rèn luyện và phát triển đến mức như vậy.

Phải rất vất vẻ tôi hiểu được ba lớp ý này, bỏ qua lớp đầu tiên, bất kì lớp nào trong hai lớp còn lại, cũng đều có thể chứng minh việc này chẳng thể xảy ra, nó rõ ràng và hiển nhiên như thể mặt trời không thể nào mọc từ hướng tây vậy.

“Liệu có phải do thời gian đông lạnh kéo dài đã làm thay đổi cơ bắp của đứa trẻ? Hơn nữa, sau khi rã đông em mới tiến hành giải phẫu, lạnh rồi lại nóng làm chất thịt thay đổi…” – Tôi biết nói thế hẳn cũng không khác gì điều giám định viên

Hàn Quốc đã nói, song nó có vẻ dễ chấp nhận hơn là tam trùng nghịch lý kia. Dẫu như vậy, khi nói đến đoạn “chất thịt thay đổi”, thì tôi cũng cảm thấy hơi kì lạ.

“Không thể nào!” – Hà Tịch quả quyết.

“Vậy thì do đâu?”

“Em không biết!” – Hà Tịch thẳng thắn đáp, dù khẩu khí đã có phần yếu hơn.

“Vụ đó giờ thế nào rồi?”

“Em muốn mổ đứa kia song họ không cho, mà em cũng chẳng thể ở lì bên đó

nên mới quay về đây. Dù sao em vẫn sẽ lưu tâm đến vụ này”.

“Tốt thôi, nếu có tiến triển bất ngờ gì, chớ quên bảo anh đấy nhé”.

“Ừm!” – Hà Tịch gật đầu.

Tiếp đến, vấn đề giải quyết hết bàn ê hề đồ ăn trở thành vô cùng khó khăn. Hà Tịch tuy không mất cảm giác ngon miệng vì chuyện này, nhưng vốn dĩ cô vẫn ăn rất ít. Trong khi đó mỗi lần định ăn, tôi lại mường tượng đến những thứ như chất thịt ôi thiu, nên chẳng thể nào thoải mái đánh chén như chưa có gì xảy ra.

Lúc chia tay Hà Tịch, không kìm lòng được, tôi đã thốt ra một suy nghĩ đã nung nấu trong đầu mình từ lâu.

“Các thông số kết quả xét nghiệm ADN của đứa trẻ đó, em còn cầm chứ?”

“Vâng”.

“Có thể… chỉ có thể là, anh muốn nhờ em thực hiện một xét nghiệm so sánh ADN”.

“So sánh? Nhưng so đứa trẻ đó với ai?” – Hà Tịch lấy làm lạ hỏi.

“Ơ thì…, cũng phải nói thêm là, ngay bản thân anh cũng cảm thấy suy nghĩ này của mình là quá sức hoang đường”.

Hà Tịch không hỏi gì thêm, quay về sở cảnh sát làm việc.

Khi thấy bức ảnh chụp lại xác đứa trẻ lúc nãy, tôi đã nghĩ về một người khác.

Người này là Chu Tiêm Tiêm.

Ba năm về trước khi thấy con bé trong bệnh viên, hôm đó trời rất nóng, nó đang mặc chiếc áo sơ mi cộc tay, hơi ngắn, khiến rốn thỉnh thoảng lại bị hở ra. Hẳn

con bé được sinh ở một bệnh viện nhỏ, bởi người y tá cắt cuống rốn cho con bé rất xấu, làm rốn lồi ra ngoài, nhẽ ra trông rất khó coi, nhưng may là nó lại thành hình khum khum như nụ hoa sắp nở, khiến tôi thấy rất ấn tượng.

Phần rốn của đứa trẻ này trông cũng na ná vậy. Tuy rốn trẻ thường đều hơi lồi ra, song tôi lại nảy ra liên tưởng đó. Tôi phải thừa nhận, đó là suy nghĩ mù quáng, Hoàng Chức vẫn luôn tin, ngoài đứa trẻ giấy, cô còn có một đứa con khác. Đứa trẻ tan biến vào không khí không ai nhìn thấy này, liệu có liên quan gì với đứa trẻ sơ sinh đã chết kia không? Thực vô cùng hoang đường, sao tôi có thể nảy ra liên tưởng này dựa vào hình dạng chiếc rốn chứ, rốn đâu phải là thứ sẵn có do trời sinh, y tá cắt dây rốn thế nào, nó sẽ thành ra thế đó mà.

Vậy nhưng…