Chương 20: Thiên quốc

Tôi vẫn chưa chết.

Tôi nhìn thế giới quen thuộc trở nên méo mó, biến hình, thay đổi màu sắc ngay trước mắt, tuy nhiên tôi vẫn chưa chết.

Tôi cảm thấy bản thân bị hút ra khỏi thế giới này, nhưng đồng thời vẫn có cảm giác rất bình thường lúc bị hút đi. Quá trình này diễn ra trong vòng mấy giây, hoặc có thể ngắn hơn, nhưng cảm giác ngột ngạt, rã rời lúc đó thì như thể tôi đã bị đóng đá cả trăm năm trên một núi băng.

Sau đó, toàn thân tôi bất ngờ được nới lỏng. Tôi biết mình đã lại có thể cử động.

Rốt cuộc thì tôi đã bị làm sao? Cảm giác về sự tồn tại của bản thân trong tôi sao kỳ lạ thế này? Ý tôi là, ở trạng thái thông thường bạn biết mình hiện diện trong trạng thái nào, như bạn đang đứng, đang ngồi hoặc đang chạy. Tuy giờ chắc là tôi đang đứng, song bàn chân tôi lại không có cảm giác như đang phải gánh chịu trọng lượng của toàn bộ cơ thể mình, da tôi không cảm thấy không khí, máu huyết gần như cũng không lưu thông, bên trong cơ thể tôi im ắng như tờ. Thường bạn không nhận ra sự hiện diện của những cảm giác này khi chúng tồn tại, song khi chúng biến mất, bạn sẽ cảm thấy mọi thứ đều không giống như trước đó.

Thế giới tôi thấy bên ngoài đã hoàn toàn khác hẳn, những sắc màu rực rỡ trước đây đã biến mất, tôi không thể nói rõ những màu sắc tạo thành thế giới đó là màu gì, xanh da trời? Hay xám tro? Hoặc cơ bản chẳng thể coi là màu sắc.

Hình như tôi vẫn đang đứng ở chỗ bãi ngô, song những thân ngô, lá ngô và bóng dáng của người tên Tiết Dĩnh và Chu

Tiêm Tiêm mà tôi nhìn thấy, đều trở thành cái gì vậy? Thật khó có thể miêu tả lại thế giới tôi nhìn thấy, phiến lá ngô to rộng đang phất phơ một cách hư ảo, chẳng phải là do gió thổi, phần đường diềm bên ngoài bao quanh hình dáng Tiết Dĩnh và Chu Tiêm Tiêm cũng đang biến ảo như thể tiêu điểm của mắt tôi đang liên tục thay đổi. Những vật thể này được tạo nên bởi những đường cong và đường gấp khúc; mỗi vật thể đều mang hình dáng hình học không gian, nhưng những vật thể hình học này không hề cản trở tầm nhìn của tôi, vì tôi có thể thấy mờ mờ những thứ phía sau hai bóng người một cao một thấp kia, trông chúng tựa như trùng trùng lớp lớp hình ảnh đang biến hóa.

Với Tiết Dĩnh và Chu Tiêm Tiêm, tôi chẳng còn tồn tại trên thế giới này, tôi thấy họ nói hai câu gì đó rồi quay người bỏ đi.

“Này, này!” – Tôi kêu lên thật to, nhưng họ không nghe thấy. Dù đã dự liệu trước, song tôi vẫn cảm thấy hoảng sợ. Tiếng nói phát ra từ tôi cũng đã đổi khác, giờ nó gần giống với kiểu âm thanh mà ta phát ra khi bịt chặt tai. Tôi nghĩ trong người mình toàn không khí nên mới nghe thấy âm thanh được tạo ra khi dây thanh quản làm chấn động không khi. Hơi thở của tôi cũng vậy, tôi không thể thở ra, cũng chẳng thể hít vào, đó chỉ còn là động tác theo thói quen, nhưng cho đến lúc đó tôi vẫn chưa có cảm giác ngạt thở.

Tôi nghĩ, mình chẳng còn ở trong thế giới trước đây nữa.

Tôi nghĩ đến Hà Tịch, chẳng bao lâu nữa cô ấy cùng đội cảnh sát sẽ xông vào khu viện dưỡng lão. Giờ tôi chẳng còn lòng dạ nào để lo lắng cho những cảnh sát đó, nhưng Hà Tịch thì…

Xuyên qua rất nhiều cây ngô, tôi nhìn thấy hai người Tiết Dĩnh và Chu Tiêm Tiêm đang đi về phía xa. Tôi định đuổi theo họ, một bước… tôi chỉ vừa mới bước một bước, mà phong cảnh trước mặt đã hoàn toàn thay đổi.

Tôi không rõ mình đã ở thế giới này bao lâu.

Ở đây chẳng có thứ gí để ghi nhớ thời gian, thời gian ở đây dường như đã hoàn toàn biến thành một dạng cảm giác thuộc về tinh thần. Có thể chỉ là hơn chục tiếng đồng hồ, hoặc vài ngày, song tôi lại cảm thấy như đã hơn chục ngày, hay cũng có thể là một tháng rồi vậy.

Tôi đã hiểu ra đôi chút manh mối của cái thể giới kì lạ này.

Dường như tôi đã đi vào thế giới của hình ảnh không gian ba chiều trong máy tính! Dù vẫn còn đôi chút khác biệt, song có thể nói đấy là ví dụng so sánh sát thực nhất, mà tôi có thể nghĩ ra. Thế giới nơi tôi đang ở này dường như chẳng có gì. Tôi có thể nhìn thấy những ngôi nhà, bàn ghế, những người đi lại trên đường kia, dù chẳng thể chạm vào họ, cũng như họ không nhìn thấy tôi.

Không gian ở đây có cấu trúc rất kì lạ, và cho đến giờ tôi vẫn chưa tìm ra bất kì quy tắc không gian nào. Tôi đã thử đứng ở lối ra vào một tiệm cà phê rất lâu, nhìn dòng người qua lại, cố gắng nhận biết họ là đàn ông hay đàn bà, suy đoán cô gái kia có xinh không, nhưng chỉ cần bước một bước là tôi đã ra đến biển. Trước mặt tôi, một chú chim hải âu vừa bổ nhào xuống biển rồi lại vọt lên với một chú cá to được kẹp chặt trong mỏ. Tôi nghĩ, chỗ này hẳn không quá xa bờ. Cơ thể tôi bập bềnh lên xuống theo từng gợn sóng, nhưng lại rất ổn định bởi trọng lực không tồn tại ở thế giới này. Tôi không rõ mình đang đứng kiểu gì, cũng không hiểu vì sao mình lại không ngã. Tôi chỉ biết: nếu mình đi một bước, dù chỉ là sự xê dịch một cen ti mét về phía trước, tôi sẽ đến một nơi khác.

“Aaaaaaaaa!” – Tôi kêu lên một tiếng thật to. Ở đây hoàn toàn vắng lặng, không một âm thanh, nên nếu không muốn mình phát điên, cứ cách một khoảng thời gian tôi lại hét lên một tiếng.

Nhưng điên và không điên thì có gì khác nhau?

Tôi không rõ đến khi nào mình sẽ phát điên, nhưng lúc còn chưa điên, tôi cần cố gắng nghĩ xem rốt cuộc mình đã đến chốn nào?

Tôi từng ngỡ mình đã chết và đây là thế giới sau khi ta qua đời. Nhưng sau đó tôi lại nghĩ không phải vậy. Chẳng phải tôi đang cố níu kéo cuộc sống, mà là tôi chưa gặp bất kì ai khác ở miền đất chết tĩnh lặng này. Nếu tôi là linh hồn của một người đã qua đời, thì tôi sẽ gặp những linh hồn của những người đã qua đời trước mình.

Ở đây không có âm thanh, không có vật chât, toi cũng không tìm được quy tắc không gian, và ngay đến dòng thời gian cũng trôi chảy hơi khác. Dù không nắm được những bằng chứng xác thực, nhưng tôi luôn cảm thấy chỉ cần mình dịch chuyển vị trí, khiến khung cảnh trước mắt thay đổi, thì dòng thời gian lại không tiếp nối. Để di chuyển từ Bắc Kinh sang Tokyo, tôi chỉ cần bước một bước; hành động này có thể diễn ra trong tích tắc, song cũng có thể là vài ba ngày. Với tôi, thời gian đang trôi qua với tốc độ chậm chạp, khó có thể nhận biết. Đúng vậy, tôi có thể khẳng định thời gian không ngừng lại, bởi cuối cùng tôi đã cảm thấy hơi thiếu dưỡng khí. Lượng oxy tôi hít vào trước khi bước sang thế giới này đang dần cạn, tôi không rõ nó có thể giúp mình chống đỡ được bao lâu, song ắt hẳn chẳng thể là mãi mãi.

Nhưng thế giới này vẫn có liên quan với thế giới bình thường. Vì mọi thứ tôi nhìn thấy đều là cảnh tượng xảy ra trong thế giới bình thường, cho dù giờ chúng đã bị biến hình, chẳng còn âm thanh và màu sắc.

Chu Tiêm Tiêm muốn tôi “không tồn tại”, thì ngay sau đó tôi đã thành ra thế này. Nếu một người không được ai nhìn thấy, nghe thấy, hay có thể chạm vào, và ta không thể liên lạc với họ dưới bất kì hình thức nào, thì hỏi rằng anh ta liệu còn tồn tại nữa hay không? Mà cho dù anh ta vẫn tồn tại đi chăng nữa, thì với người khác, anh ta đã chẳng còn tồn tại.

Có lẽ đó chính là khả năng của Chu Tiêm Tiêm, khả năng khiến cho người khác không thể nhìn thấy và chạm vào tôi.

Nói về tàng hình, khoa học ngày nay đang dần biến giấc mơ về chiếc áo tàng hình trở thành hiện thực. Tôi được biết, hiện không chỉ có một nhóm nghiên cứu tiến hành thí nghiệm trên phương diện này, và chiếc áo tàng hình được tạo ra ngày nay có thể khiến người mặc nó trở nên gần như trong suốt. Điều này đạt được là vì kiểu áo này đã bẻ cong đường đi của ánh sáng, nên khi bạn nhìn vào nó, ánh sáng sẽ không đi thẳng mà đi theo một đường cong trên bề mặt áo, nhờ đó bạn sẽ nhìn thấy những thứ vốn bị che khuất phía sau chiếc áo.

Nếu tồn tại một dạng khả năng dị thường, có thể khiến vật thể uốn cong đường đi của ánh sáng, rồi qua đó đạt đến hiệu quả tàng hình, thì tôi nghĩ mình sẽ không quá bất ngờ. Dạng lực trường do tinh thần con người tạo ra, đã được chứng minh là có khả năng thực hiện vô số việc kì diệu, song nếu không chỉ là uốn cong đường đi của ánh sáng, mà còn uốn cong không gian thì sao? Tưởng tượng là có một vật đang hiện diện trong thế giới này, nhưng không gian bao bọc quanh nó ban đầu bất ngờ bị bẻ cong, người trong không gian đó cũng bị bẻ cong theo, nên sẽ không cảm nhận thấy đồ vật khác.

Gượm chút, uốn cong không gian lại khiến tôi nhớ ra điều gì đó, à, chính là cuốn “Lược sử thời gian” mà tôi đã xem cách đây không lâu.

Nội dung cuốn sách này giới thiệu về “thuyết tương đối rộng” của Eistein, rằng vật thể có khối lượng lớn có thể uốn cong không gian quanh nó; không gian bị uốn cong cạnh lỗ đen sẽ hút ánh sáng vào trong. Do đó mới có nhà khoa học đưa ra một ý tưởng điên rồ về “lỗ giun” [1] – sau đi xuyên qua một lỗ trên bề mặt không gian bị uốn cong sang đến đầu bên kia, ta sẽ đến được nơi rất xa. Tôi tường ngơ ngẩn nghĩ, vào đầu này ra đầu kia, vậy quãng giữa là cái gì? Phía dưới bề mặt không gian bị uốn cong là cái gì? Nó có giống thế giới quanh tôi hiện giờ không.

[1] Trong vật lý, lỗ giun hay còn gọi là lỗ sâu, là một không – thời gian được giả định là có cấu trúc tô pô, tạo nên đường đi tắt trong không – thời gian.

Thực ra tôi biết, trong thuyết “tương đối rộng” tuy có không gian bị uốn cong, song không tồn tại không gian bên ngoài không gian bị uốn cong, vì không gian đâu phải là một tờ giấy mà ta có thể gập phồng lên, một ví dụ so sánh tuy giàu hình ảnh song lại không mấy chính xác.

Còn nơi quỷ quái tôi đang ở đây, tuy tôi gọi là “nơi” song chưa chắc nó đã là một không gian. Điều duy nhất tôi có thể xác định được là: nó nằm ngoài không gian thông thường. Do đang ở ngoài không gian bị uốn cong, nên thứ tôi nhìn ra được là mặt đất nhấp nhô lượn sóng cùng những vật thể đã bị thay hình đổi dạng.

Tôi đang ở trong một không con cạnh không gian thông thường, hoặc ta có thể thay không gian bằng từ trường cũng được. Quy tắc không – thời gian ở nơi đây khiến tôi hoàn toàn mất phương hướng, có lẽ so với thế giới mà tôi từng sống trước kia thì thế giới nơi đây có thêm một vài tiêu chí khác.

Trong thế giới bên kia của tôi, muốn định vị sự hiện diện của một sự vật hay một người nào đó, ta cần phải xác định được vị trí không gian và vị trí thời gian; vị trí không gian được hợp thành từ ba yếu tố là: chiều dài, chiều rộng, chiều cao, nên đó là một thế giới bốn chiều.

Còn với thế giới – nơi tôi đang ở lúc này, rõ ràng là chiều dài, chiều rộng, chiều cao và thời gian, hoàn toàn không thể định vị sự hiện diện của tôi, nên tất phải còn những tiêu chí khác mà tôi chưa tìm ra.

Đây là một thế giới đa chiều, có lẽ là năm, hoặc sáu chiều, nhưng cũng có thể chỉ là bốn chiều – với bốn độ dài của chiều rộng, chiều dài, chiều cao và thời gian khác nhau.

Lúc nghĩ đến đa chiều, là tôi đang đứng trên một đại lộ lớn. Tôi đoán chỗ này hẳn là một nơi nào đó bên châu Âu, có người đang ngồi kéo đàn violin ở góc đường.

Mỗi bước tôi đi đất trời lại thay đổi. Tôi từng bị đàn bò rừng chạy xuyên qua ngực nơi thảo nguyên mênh mông, từng thấy một cô gái đang tắm trong nhà tắm, từng thấy một người đâm chết người khác rồi ném xác người kia vào trong cốp ô tô. Tôi đã quen với những đường cong, đường gấp khúc luôn biến đổi nhấp nhô tựa như làn sóng, có thể nhanh chóng nhìn ra thứ ở trước mắt mình là gì. Thế nhưng sự tiến bộ này chẳng thể khiến tôi vui hơn tẹo nào, tôi bàng quan nhìn chúng, thấy bản thân như thể một hồn ma.

Người kéo đàn violin ngồi ở góc chênh chếch với tôi, cánh tay anh ta khẽ khàng chuyển động, dù tôi không nhìn rõ dây đàn vì nó quá nhanh, nhưng rõ ràng là anh ta đang kéo đàn. Không ai dừng lại nghe, song dường như anh ta vẫn rất chuyên tâm.

Và rồi tôi liền nghĩ đến “dây”.

Lẽ nào tôi thực xuất hiện trên một “dây” sao?

Tất nhiên “dây” tôi nói ở đây, không phải là dây đàn mà là “thuyết siêu dây”.

Người kéo đàn ngừng lại, anh ta dựng chiếc đàn dựa vào tường rồi ngẩng đầu nhìn về phía tôi bên này.

Ánh mắt anh ta dõi xuyên qua tôi rồi dừng lại ở một nơi nào đó. Cảm thấy hơi không bình thường, tôi quay đầu nhìn mà không rõ anh ta đang nhìn gì.

Rồi sau đó, vẻ mặt anh liền biến đổi.

Chỉ cần các cơ trên mặt anh ta hơi chuyển động, cũng đủ mang lại cho khuôn mặt một biểu cảm hoàn toàn khác. Tôi có thể nhận ra nét mặt anh ta hiện hơi khác so với lúc trước, khả năng quan sát của tôi đã mạnh hơn nhiều so với lúc mới đến thế giới này, song tôi thực sự không chắc vẻ mặt của anh ta biểu đạt điều gì.

Theo tôi đoán, thì phải chăng là sự nghi hoặc? Trời đất quỷ thần, lẽ nào anh ta không nhìn về phía sau mà là đang nhìn tôi? Anh ta nhận ra sự tồn tại của tôi ư?

Tuy không còn ở trong thế giới bình thường, nhưng tôi cũng chưa thoát li hoàn toàn khỏi thế giới này. Không chỉ là những thứ tôi nhìn thấy, tôi còn có thể đi đến những nơi mới lạ sau mỗi bước chân, mà không thể bay lên không trung hay đi vào trong lòng đất, hoàn toàn có thể chứng minh ảnh hưởng của thế giới bình thường lên sự tồn tại của tôi hiện giờ. Hai thế giới này tất phải giao nhau ở đâu đó.

Trong số hơn sáu tỉ người sống trên trái đất, đâu chỉ mình Chu Tiêm Tiêm có khả năng đặc biệt. Tôi từng tiếp xúc với không ít người như vậy, có lẽ những người này, như anh chàng kéo violin trước mặt tôi đây, có khả năng cảm nhận thấy dạng tồn tại đặc biệt của tôi. Nếu ai đó có thể cảm nhận được tôi, thì việc rời khỏi đây vẫn còn một chút hi vọng.

“Này, này!” – Tôi hét lên thật to, giọng nói vang lên trong tai tôi như tiếng sấm rền.

Người kéo đàn violin nhìn về phía tôi rất lâu, rồi lắc đầu, thu dọn đồ đạc, đứng lên bỏ đi.

Đây là tia hi vọng duy nhất mà tôi có, nên sao có thể để anh ta đi dễ dàng như vậy? Tôi không thể không đuổi theo, nhưng mới chỉ sau một bước chân, tôi đã thấy mình đứng giữa khu rừng bát ngát.

Tôi từ từ khuỵu xuống, thở dài một tiếng, song chẳng có hơi thở thoát ra khỏi miệng tôi. Tôi bật khóc nức nở, nước mắt dồn ứ trong tuyến lệ mà chẳng thể chảy ra. Không thứ gì trong cơ thể tôi được giải phóng ra ngoài, để lại dấu vết trong cái thế giới này. Tôi thực sự không hiểu quy tắc của cái thế giới này, nhưng điều đó không ngăn tôi bộc lộ nỗi niềm của bản thân qua tiếng khóc.

Không khóc thì tổn thọ, còn khóc mãi thì chẳng xứng mặt nam nhi. Khi cảm thấy đã khá hơn, tôi chầm chậm nuốt ngược lại dòng nước mắt còn chưa mất đến nửa giọt của mình, một trải nghiệm trước đây tôi chưa từng có bao giờ, rồi quay ra nghiền ngẫm tiếp về vấn đề “siêu dây”.

Trong hai hòn đá tảng của vật lý đương đại là “thuyết tương đối rộng” và vật lý lượng tử, thuyết tương đối rộng giải thích về vũ trụ ở cấp vĩ mô, còn vật lý lượng tử lại giải thích về vũ trụ ở cấp vi mô, nhưng hai lý thuyết lớn này lại không tương dung và hoàn toàn mâu thuẫn với nhau. Từ xưa đến giờ, mọi nhà vật lý học đều mơ ước mình có thể đưa ra một lý thuyết hợp nhất hai lý thuyết lớn này, “lý thuyết siêu dây” chính là giả thiết nổi tiếng nhất.

Theo “thuyết siêu dây”, thì trên thực tế thế giới được hợp thành từ các dây. Các dạng hạt cơ bản mới được liên tục tạo ra trong máy gia tốc hạt nhân, chẳng qua chỉ là sự chấn động của các dây dưới một phương thức khác, và được biểu hiện qua hình ảnh khác mà thôi.

Sau khi đọc xong cuốn “Lược sử thởi gian”, theo quán tính, tôi đã vào mạng tra cứu một vài tài liệu về lý thuyết siêu dây. Do tôi chưa xem kĩ lắm, nên nói hiểu được một nửa cũng đã là quá khen. Tôi nhớ phần giải thích trong các cuốn sách phổ cập đó nói rằng: siêu dây là vòng tròn khép kín cực nhỏ, vĩnh viễn thay đổi và dao động. Siêu dây tạo thành một góc vuông với không gian thực, nhưng nó chẳng phải là bốn chiều, mà số chiều của nó thường nhiều hơn thế giới bình thường, và ít nhất phải gồm chín chiều.

Thế giới chín chiều sẽ thế nào là điều chưa ai tưởng tượng ra. Vậy thế giới tôi đang ở đây có mấy chiều?

Đúng là trong giả thiết siêu dây, dây và các hạt cơ bản đều nhỏ như nhau, song quy tắc không gian trong một thế giới có ít nhất chín chiều như vậy đã hoàn toàn thay đổi. Câu nói hạt cát tựa như một thế giới hẳn có nghĩa là: khi nhỏ đến giới hạn nhất định cực độ nào đó, kích thước sẽ trở nên vô nghĩa. Bởi thế, có lẽ tôi thực sự đang ở trên một dây.

Tôi ngẩng đầu nhìn trời, thế giới này không có bầu trời. Cảm giác ngột ngạt khắp toàn thân của tôi đã rất rõ, rõ đến mức chẳng cần để tâm chú ý cũng có thể cảm thấy. Dựa trên kinh nghiệm nín thở khi bơi của mình, tôi đã dùng hết một phần ba ngụm không khí này. Nếu coi cái chết là cái kết chung cuộc, thì tôi vẫn có thể chịu đựng lâu hơn một chút, được thôi, tôi còn hai phần ba thời gian để dùng hết ngụm không khí này.

Chết tiệt! Những thứ tôi đang nghĩ rốt cuộc có ích lợi gì? Rốt cuộc thì tôi đang ở ngoài không gian hay đang đứng trên một dây? Điều này có ích lợi gì cho việc liệu tôi có thể quay về thế giới có không khí để hít một hơi không.

Từ lúc Watt phát hiện ra động năng hơi nước, đến khi chế tạo được máy hơi nước, đã mất bao lâu? Cứ xem như tôi cũng có một bộ óc uyên bác như thiên tài Einstein, thì sẽ mất bao nhiêu thời gian tôi mới hiểu được quy tắc của cái thế giới này? Và cần mất thêm bao lâu nữa thì tôi mới nghĩ ra cách thoát khỏi đây? Trong khi khoảng thời gian còn lại của tôi chỉ có thể kéo dài cho hai phần ba hơi thở.

Trong khi khoảng thời gian dài bằng hai phần ba hơi thở còn lại, tôi bác bỏ toàn bộ thành quả bản thân đã cân nhắc, suy xét trước đó. Vì làm rõ cái thế giới tôi đang mắc kẹt ở trong là gì thì cũng chẳng mang lại lợi ích gì, nên tôi cần phải nghĩ theo hướng khác, khi tôi chỉ muốn thoát ra khỏi nơi đây!

Chẳng phải là không có ai thoát ra khỏi thế giới này, dù khi thoát ra đây đứa trẻ đã chết.

Đấy chính là xác đứa trẻ đã xuất hiện ở một đất nước khác. Từ trong bụng mẹ, đứa trẻ đã bị Chu Tiêm Tiêm đưa sang thế giới này, để đầy đọa, đến ngay dây rốn cũng bị con bé cắt dựa trên hình mẫu của bản thân. Nó đã bò rất lâu trong thế

giới này để rồi cuối cùng xác nó lại xuất hiện ở bên thế giới thông thường kia.

Đứa trẻ ra khỏi đây bằng cách nào?

Ở thế giới kì lạ này không có sự sống như tôi tồn tại; người và vật còn sống trên địa cầu bị ném sang thế giới này, đến ngày nào đó rồi cũng phải chết. Có một giả thiết là: sau khi chết đi, họ tự động được quăng trả về thế giới bình thường bên kia và những người bị Chu Tiêm Tiêm làm cho “biến mất”, hẳn đã mục xác ở một nơi hoang vắng nào đó, không người đón nhận. Giả thiết khác là, trong một điều kiện nào đó, họ có thể sống sót quay trở về, như tôi đã bị ném vào đây, bởi hai thế giới không hoàn toàn độc lập và tách biệt nhau.

Trong lần gặp cuối cùng giữa tôi và Hà Tịch, cô ấy bảo tôi sau khi kết án, phía cảnh sát Pháp vẫn tiếp tục điều tra về một số vấn đề liên quan đến Véronique. Véronique được bác sĩ xác nhận là có vấn đề về tâm thần, nên phía cảnh sát khó có thể phân định độ thật giả trong những lời khai của bà ta. Song bây giờ ngẫm lại, với tôi điều đó lại mang ý nghĩa hết sức quan trọng.

Trước đó Véronique một mực khẳng định: xác hai đứa trẻ được tìm thấy trong tủ lạnh, là cặp song sinh mà bà ta sinh ngay tại nhà mình. Sau khi sinh, bà ta đã bóp cổ chúng đến chết, rồi cho vào tủ lạnh để cấp đông. Khi cuối cùng cảnh sát cũng cho bà ta biết, kết quả giám định AND cho thấy chỉ có một đứa là con ruột của bà ta, còn đứa kia không phải, thì ngay bà ta cũng hết sức bất ngờ.

Sau đó là phần tường thuật lại trước cảnh sát của Véronique về cái đêm bà ta tự tay sát hại con mình.

Đó là một đêm nhiều sấm sét. Qua cửa sổ, sét rạch từng đường sáng trắng ngoằn ngoèo trên bầu trời, xé màn đêm thành từng mảnh nhỏ, sấm nổ vang rền khiến bát đĩa trong chạn cũng va vào nhau lách cách. Véronique sinh con ngay trong nhà tắm. Với tâm thế hoang mang, sợ hãi bà ta bế đứa trẻ đặt vào trong bồn rửa ở nhà bếp. Băn khoăn không biết có nên giết nó hay không, bà ta cứ đi đi lại lại loanh quanh trong nhà. Đây chẳng phải là lần đầu bà ta làm vậy, muốn rõ lý do có lẽ ta phải nhờ các nhà tâm lý học phân tích tâm lý biến thái của bà ta.

Tóm lại, Véronique đã lại tìm được quyết tâm xuống tay, bà ta quay lại chỗ trước bồn rửa, bóp cổ đứa trẻ nằm trong bồn đến chết, rồi quay sang làm tương tự với đứa trẻ đặt nằm bên cạnh bồn rửa, trong khi nó gần như là đã chết. Tâm trạng và suy nghĩ của bà ta lúc đó cực kì tệ hại, bà ta mang máng nhớ mình chỉ sinh được một đứa, nhưng ai mà biết được, thực tế bày ra trước mắt là hai đứa trẻ, chẳng phải sự thật này chứng tỏ rằng bà ta đã sinh đôi sao?

Mãi đến khi cảnh sát cho bà ta biết: chỉ có một đứa trẻ là cốt nhục của mình, bà ta mới hiểu, hóa ra mình chỉ sinh ra một đứa, đứa trẻ xuất hiện trong nhà bếp kia không phải do bà ta sinh ra.

Cảnh sát Pháp chẳng thể tin vào lời khai của Véronique: trong một đêm giông bão sấm sét, người đàn bà này có thể sinh con một mình tại nhà, rồi sau một hồi loanh quanh luẩn quẩn, lại phát hiện

thấy một đứa trẻ khác. Lẽ nào việc này đã thực sự xảy ra?

Nhưng tôi tin.

Đứa trẻ bị Chu Tiêm Tiêm ném sang thế giới kì lạ này, đã quay trở về thế giới bình thường trong cái đêm định mệnh đó. Vậy buổi tối đó có gì đặc biệt?

Câu trả lời đơn giản là – sét.

Những tia sét mang nguồn năng lực cực lớn, có thể là cây cầu nối thông hai thế giới trong khoảnh khắc chúng xuất hiện.

Nếu có thể tìm được vùng có nhiều bão và sấm sét mạnh – trước khi dùng hết phần hơi thở còn lại, chắc chắn tôi sẽ tìm thấy cơ hội sống sót. Trong cả đời này, tôi chẳng thể tưởng tượng ra là có một ngày, tôi lại chắp tay nguyện cầu để mình bị sét đánh.

Trong khoảng thời gian còn lại, tôi mải miết đi, hết bước này sang bước khác.

Thành phố, nông thôn, sa mạc, đại dương, núi non…

Cảm giác hơi chóng mặt, tôi bắt đầu cảm thấy là do thiếu dưỡng khí gây nên.

Tôi cũng dần thấy hai chân mình nhũn ra mềm oặt. Liệu tôi còn có thể bước bao bước nữa đây?

Không phải tôi chưa đến vùng có mưa, mà đó chẳng phải là một cơn mưa lớn, nên e rằng đợi đến lúc mưa tạnh cũng chẳng thể có được một vài tia sét. Tôi không thể chờ được nữa, hơi thở của tôi không dài đến vậy.

Chiếc đồng hồ bên trong cơ thể tôi đang chầm chậm hướng về phía cái chết, đầy dứt khoát.

Sau khi thực hiện bước đi này, toàn thân tôi căng ra, nhịp đập thoi thóp nơi trái tim trong tích tắc cũng trở nên gấp gáp hơn. Không phải chỉ bởi cơn bão lớn tôi trông thấy đang ở ngay phía trước, mà hơn thế, sau khi thực hiện bước đi này, tôi cảm thấy có chút thay đổi nhỏ ở thế giới quanh mình.

Không còn là không gian tĩnh mịch, chết chóc, mà đã loáng thoáng có nhịp đập. Đây là thế giới thông thường, chắc do rối loạn trong luân chuyển nguồn năng lượng cực mạnh tại vùng trung tâm bão, đã tác động đến thế giới kì lạ kia.

Chứng tỏ phán đoán của tôi là hoàn toàn chính xác.

Thế giới tôi thấy trước mắt càng trở nên hỗn loạn, những đường cong, đường gấp khúc – trước đó tôi đã quen – giờ càng uốn lượn hơn lúc bình thường, khiến tôi khó có thể nhận ra ngay nơi mình đang dừng chân. Cơn bão này dữ dội đến mức, dù ở trong thế giới thông thường, tôi cũng sẽ như một kẻ dở mù.

Đột nhiên, có vệt gì đó xuyên thủng đường cong của màn mưa, vụt lóe qua. Tuy không nhìn thấy ánh sáng trắng, nhưng tôi biết đó là tia sét! Không chỉ nhìn thấy, tôi còn cảm thấy luồng sóng chấn động dữ dội đó. Vẫn chưa đủ, tôi cần những tia sét mạnh hơn nữa, ghê gớm hơn nữa, những tia sét bén ngọt đến mức có thể xuyên qua cái thế giới chết tiệt đang giam giữ tôi này.

Trước khi trút cạn toàn bộ dưỡng khí mình có, tôi chờ, chờ một tiếng sét đanh giòn sẽ giải phóng tôi.

Tôi đứng yên, chẳng dám nhúc nhích – dù chỉ là một chút, e rằng nếu không cẩn thận mình sẽ dịch chuyển đến một nơi nào khác. Khung cảnh hiện ra trước mắt tôi đã dần có thể phân biệt, ngay sát gần là một cái cột dài cao cao, hình chóp nón đâm thẳng lên trời. Thứ tôi giẫm lên không giống mặt đất thông thường, mà hình như là một vật thể có hình dáng tròn tròn như cái đĩa. Quay nhìn bốn phía, ngoại trừ màn mưa, tôi gần như chẳng thấy gì.

Đây là đâu? Tôi còn chưa hiểu ra thì tia sét tôi chờ đợi đã đến.

Trước đó, sóng chấn động đã không còn khác thường nữa. Nếu những chấn động dạng đường cong mà tôi nhìn thấy, đại diện cho từ trường, thì vào khoảnh khắc đó, từ trường lại bất ngờ rung lên, như đã dự cảm thấy có một nguồn năng lượng cực lớn trong những tầng mây đen bay là là trên trời đang chực chờ để bùng nổ.

Thình lình, một tia sét – tựa con rồng lửa đang nhe nanh giơ vuốt, giáng thẳng xuống tôi.

Sóng chấn động mạnh, mà tôi chưa từng cảm thấy trong thế giới này, gần như đã đẩy tôi ngã ngược ra sau. Trong tích tắc, mọi đường cong trước mắt tôi được con rồng điện phân tách ra thành hai nửa bằng chính thân hình của nó.

Ngay tại khoảng khắc đó, tôi hoàn toàn tin, mình sắp sửa được về nhà.