Là Tiết Dĩnh.
Người được trịnh trọng giới thiệu và cũng là một nhân vật cấp cao của hội Thánh Nữ giáo chính là Tiết Dĩnh, cô hộ lý năm xưa của bệnh viện Bà mẹ trẻ em số 1, người rất hòa hợp với Chu Tiêm Tiêm, và cũng là người đã về thôn Đại Đường để bí mật tiếp xúc với con bé, sau khi Hoàng Chức xuất viện.
Chị trưởng ban to béo kia đã không lừa tôi. Hội Thánh Nữ giáo này đúng là có mối liên hệ mật thiết đến vụ án sát hại Hoàng Chức. Nhìn Tiết Dĩnh, nhớ về Chu Tiêm Tiêm còn đang mất tích, tôi bất giác nảy ra một vài liên tưởng về tên gọi của hội tà giáo này.
Tiết Dĩnh – kẻ đang thao thao bất tuyệt trên bục diễn thuyết, quả là có một phong độ khí khái khác người. Không ai có thể ngờ mới vài năm trước đây, cô ta chỉ là một hộ lý chăm sóc người bệnh trong bệnh viện.
Nội dung những điều cô ta nói hơi khác với điều người đàn ông ban nãy vừa phát biểu. Dựa trên bước đệm hiệu quả người đàn ông kia tạo ra trước, Tiết Dĩnh đi thẳng vào vấn đề tín ngưỡng.
“Tôi biết rất nhiều người trong số các vị đang ngồi phía dưới, vừa mới phải trải qua không ít sóng gió, làm người trên cõi đời này ai chẳng phải gặp khó khăn, chỉ khác nhau ở chỗ ta đang hoặc đã, hoặc sẽ gặp khó khăn mà thôi. Mọi người thấy đấy, bất kể ta đau khổ thế nào, thì trên thực tế nó cũng chỉ là một điều hết sức bình thường”.
Giọng Tiết Dĩnh vừa nhỏ nhẹ, vừa trầm trầm pha chút khàn khàn. Những điều được cô ta lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần này, giờ nghe ra lại có vẻ rất hay.
“Sao một điều hết sức bình thường đó lại khiến ta đau khổ vậy? Là bởi vì ta đã quá để tâm, quá coi trọng một số thứ nào đó, nên mới bị tổn thương. Nhưng thực sự chúng có quan trọng như vậy không? Hãy thử nghĩ lại xem, trước khi được sinh ra ta là gì, sau khi chết đi ta là gì, và trong mấy chục năm ngắn ngủi của cuộc đời thì điều gì mới thực sự là quan trọng?”
“Chỉ có tình cảm mới là thứ thực sự khiến trái tim ta rung động. Tình cảm ta dành cho bản thân, cho người khác, tình cảm giữa người với nhau. Ngoài nó ra, mọi cái khác đều chỉ là hư ảo. Chẳng phải vậy sao? Cảm giác vui mừng, sung sướng của nhà sưu tầm đá khi tìm thấy một viên đá lạ nơi sa mạc; của đứa trẻ khi nó nhặt được một chiếc vỏ ốc rất đẹp, rất đặc biệt ngoài bãi biển, hay của người đào vàng khi đãi được những bụi vàng ròng v. v… chẳng phải rất giống nhau sao? Song trên thực tế, hòn đá, chiếc vỏ ốc và bụi vàng, những thứ mang đến cho họ cảm giác đó, lại không hề quan trọng.
“Bởi thế nên ta có thể nói: phần lớn, thậm chí là tất cả mọi thứ trên thế gian này, đều không quan trọng, đều là hư ảo, chỉ có trạng thái tinh thần trong nội tâm mỗi người chúng ta mới là cái có thật. Khi bạn hiểu ra điều này, mọi phong ba bão tố của cuộc sống bên ngoài sẽ chẳng thể đánh gục được bạn”.
Tiết Dĩnh vẫn tiếp tục thao thao nói, nhưng tôi dần cảm thấy hơi kỳ lạ. Những lời cô ta nói càng lúc càng gần với học thuyết hư vô của chủ nghĩa duy tâm. Hay nói cách khác, giáo lý của Thánh Nữ giáo cũng mang khuynh hướng của chủ nghĩa duy tâm. Tuy nhiên điều này không phù hợp với sự sùng bái trong tà giáo, vì theo lệ thường, tà giáo liên quan đến sự sùng bái của một cá nhân và có giáo lý hết sức cuồng tín. Trong khi đó, chủ nghĩa duy tâm là thứ tiêu cực đến mức không thể tiêu cực hơn được nữa. Cô ta đã nói một hồi lâu, mà vẫn chưa đề cập tới việc liên quan đến “Thánh Nữ”. Vậy một giáo phải kiểu này tập hợp tín đồ dựa trên căn cứ gì? Với chính giáo hay tà giáo? Mà thiếu khả năng tập hợp tín đồ, cũng đồng nghĩa với sự diệt vong.
“Những bạn bè xung quanh tôi đều có cách nhìn riêng về thế giới, về cuộc đời. Những cách nhìn này có thể giúp ta can đảm tiến bước trên đường đời, khiến ta không cảm thấy e ngại, run sợ trước bất kì phong ba bão táp nào. Vòng tròn nhỏ này của chúng tôi được đặt tên là “Thánh Nữ”. Vậy tại sao lại là “Thánh Nữ”? Hôm nay tôi xin mạn phép được đưa ra câu hỏi này cho mọi người. Nếu bạn thấy môi trường của chúng tôi hòa hợp thân thiện, muốn tiếp tục đến tham gia buổi họp sau, tới khi đó bạn sẽ biết câu trả lời. Vấn đề lớn nhất của người Trung Quốc hiện giờ là thiếu tín ngưỡng. Song may là bây giờ chúng tôi đã tìm thấy tín ngưỡng kiên định cho bản thân, chân thành hi vọng bạn cũng có thể gia nhập với chúng tôi”.
Tiết Dĩnh kết thúc bài diễn thuyết, hoặc bài giảng đạo của mình bằng đoạn thuyết giảng trên. Tuy nhiên, buổi tụ họp này chưa dừng lại ở đó, các thính giả bên dưới kết thành các nhóm nhỏ, bắt đầu chia sẻ thu hoạch sau buổi nói chuyện hôm nay, đồng thời khích lệ những người mới đến tham gia lần đầu, nói về những khó khăn mới đây của bản thân để “thư giãn thân tâm”.
Viên Cát kéo tôi nhập vào một nhóm – chừng hơn hai chục người, các thành viên trong nhóm lần lượt phát biểu theo thứ tự. Không lâu sau, Tiết Dĩnh cũng xuất hiện, cô ta hình như chỉ đến nghe, nhưng đã lập tức bị những tín đồ cũ níu lấy, khẩn khoản đề nghị cô ta chút nữa lên phát biểu lời kết sau cùng cho buổi họp.
Đến lượt mình, tôi mang câu chuyện tình yêu – đã được soạn sẵn ra, thuật lại một lượt và nhận được rất nhiều ánh mắt an ủi của mọi người. Vì không thể không giới thiệu qua đôi nét về bản thân, nên tôi cứ có gì nói đấy, rằng tôi là một phóng viên. Lúc nhắc đến công việc này, qua đuôi mắt mình, tôi quan sát thấy thần sắc Tiết Dĩnh hơi dao động, Viên Cát cũng có phần bất ngờ. Anh ta hỏi tôi làm gì, song tôi chỉ trả lời một cách mơ hồ.
Điều Tiết Dĩnh phát biểu sau đó không nằm ngoài những điều ban nãy cô ta đã nói, nhưng bây giờ lại được phát triển thêm lên dựa trên ý kiến của các thành viên trong các nhóm nhỏ. Sau khi cô ta nói xong, tiếng vỗ tay vang rền như sấm dậy, còn cô ta thì cáo lui.
Lúc đó về cơ bản, các nhóm nhỏ cũng đã kết thúc thảo luận, Viên Cát dẫn tôi đi gặp mọi người hàn huyên dăm ba câu rồi chuẩn bị ra về. Bấy giờ có một người chạy tới, ghé sát tai Viêm Cát thầm thì đôi câu; sau đó anh ta, bảo tôi đợi một lát, rồi chạy về phía một góc khác trong phòng.
Đưa mắt nhìn theo, tôi phát hiện thấy người đang đợi anh ta chính là Tiết Dĩnh.
Tiết Dĩnh trao đổi vài câu với đối phương. Trong lúc nói chuyện, thấy tôi đang nhìn về phía mình, cô ta hơi gật gật đầu ra hiệu với tôi.
Phải chăng thân phận phóng viên của tôi đã khiến Tiết Dĩnh trở nên cảnh giác? Vốn dĩ tôi đã định bịa ra một công việc ít nhạy cảm hơn, nhưng sau khi Tiết Dĩnh xuất hiện, tôi đã thay đổi chủ ý. Ba năm về trước, khi tôi đến bệnh viện phỏng vấn, rất có thể cô ta đã nhìn thấy tôi. Nếu thật sự trí nhớ cô ta còn tốt, thì việc tôi khai gian công việc sẽ chỉ biến “lợn lành thành lợn què” mà thôi.
Sau khi quay lại Viên Cát chẳng nói gì, khiến tôi càng cảm thấy bất an hơn.
Lúc bước chân ra khỏi lớp học, bầu không khí ban đêm tạt vào mặt tôi ở ngoài này rõ ràng dễ thở hẳn bầu không khí trong kia. Tôi và Viên Cát đi với nhau, xuyên qua sân tập, hướng về phía cổng trường.
“Na Đa, cậu thấy tối nay thế nào?”
“Không khí trong đó rất tuyệt, song tôi thấy hơi kì lạ, chắc do xưa nay tôi chưa từng tham gia những buổi tụ họp kiểu này!” – Là phóng viên thì cẩn thể hiện một chút nhạy cảm nghề nghiệp, nếu không sẽ thật giả dối.
“Tham gia thêm mấy lần nữa, dần dà cậu cũng sẽ quen thôi. Thực ra chúng tôi là một tổ chức giáo hội gồm những người có chung một tín ngưỡng”.
“Ủa?” – Tôi không ngờ Viên Cát ngửa bài nhanh và thẳng thắn vậy.
“Đừng lo. Chúng tôi không phải là tà giáo!” – Viên Cát vội nói, “Đúng ra, đến tham gia thêm mấy lần tự khắc cậu sẽ biết, song vừa nãy Tiết thượng sư bảo tôi nói thẳng với cậu, không cần che che giấu giấu nữa. Người làm nghề như của cậu ắt sẽ hiểu nhiều biết rộng, tín ngưỡng của chúng tôi rốt cuộc có thật hay không tin chắc cậu sẽ sớm nhận ra.”
Sợ tôi đoán ra nên mới nói thẳng? Hay Tiết Dĩnh nghĩ thu nhận thêm một tín đồ là phóng viên thì sẽ tạo ra hiệu quả thị phạm tốt. Nhưng vấn đề là làm thế nào cô ta có thể khẳng định là tôi sẽ “tin”?
“Xin ngợi ca người, đáng Thiên tôn, vị thần duy nhất!” – Viên Cát dừng lại bên đường biên của sân tập, hạ giọng niệm. Câu nói có vẻ như một câu chú này khiến thần sắc anh ta thoắt trở nên vô cùng thành kính, “Nhất định cậu sẽ tin vào đấng Thiên tôn, đó chẳng phải là câu nói suông, cậu sẽ nhìn ra chân tướng của thế giới này”.
“Chân tướng? Chân tướng gì?” – Tôi thầm nghi ngại, cái tên Thiên Tôn này quả chẳng có gì là sáng tạo.
Khóe miệng Viên Cát nhếch lên cười một cách thần bí: “Đúng ra có một số chuyện chỉ tín đồ đích thực như tôi mới được hay biết. Song nghe nói chẳng thể nào bằng tận mắt trông thấy. Một giờ rưỡi chiều mai, tại khu vực X sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử công khai. Tuy nói là công khai, song lại không công bằng, người bị đưa ra xét xử là một tín đồ của chúng tôi. Dù luật pháp của thế giới này phán quyết anh ta thế nào, thần hội cũng tuyên bố anh ta vô tội. Cậu nhất định phải đi, rồi cậu sẽ nhìn thấy thần tích”.
Vào giai đoạn mới hình thành ban đầu, mọi tôn giáo đều cỏ rất nhiều thần tích. Ví dụ như Jesus Christ với năm chiếc bánh cùng hai con cá, cũng khiến cho năm nghìn người no nê; như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tiên đoán vào thời gian Đức Phật qua đời, mặt đất rung động mạnh. Dựa trên hằng hà sa số những điều khó có thể tưởng tượng, khó có thể giải thích, họ tập hợp được tín đồ và khiến cho giáo lý của mình được lưu truyền.
Thánh Nữ giáo cũng cần thi triển thần tích; hơn thế, cần phải thi triển ngay tại tòa, nơi có vẻ khó giở trò nhất. Đó sẽ kiểu thần tích gì?
Cứ đợi xem.
Phiên tòa xét xử không công bằng ư? Một tín đồ vô tội ư?
Tôi rút di động ra gọi cho cảnh sát Vương.
“Phiên tòa xét xử mở màn của Lã Vãn Cường mà lần trước anh bảo tôi, được định ngày rồi à? Là ngày mai phải không?”
“Đúng, sao anh biết?”
“Ở tòa án chiều mai?”
“Không sai. Anh định đến dự à?”
“Ôi, trời!”
Đáng lẽ chiều hôm nay nóng gắt, nhưng khoảng tiếng rưỡi trước, lớp mây dày đã che ngang mặt trời, không khí càng lúc càng ngột ngạt hơn, báo hiệu cho một cơn mưa lớn sắp kéo đến.
Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực X – thành phố Thượng Hải là một tòa nhà bề thế, vuông vắn nổi bật, mọc lên sừng sững, mà từ phía xa ta đã có thể trông thấy. Đi đến trước cổng tòa án, ta mới nhận ra kì thực còn phải băng qua một quảng trường rộng cùng những bậc thang dài, thì mới vào được bên trong tòa án. Nếu là kẻ có điều khuất tất trong lòng, e là khi đặt chân lên những bậc thang trước tòa nhà màu trắng trang nghiêm đó, hẳn sẽ thấy vô cùng bứt rứt khó chịu.
Song lúc này, thu hút sự chú ý của tôi lại là hai chiếc xe cảnh sát cùng chiếc mô tô chuyên dụng đang đỗ trước cổng tòa án.
Lúc tôi đứng lại nhìn về phía mấy chiếc xe thì cửa chiếc xe đi trước bật mở, cảnh sát trưởng Vương bước ra ngoài.
“Anh dừng xe ngay chỗ này không sợ đánh rắn động cỏ sao?” – Tôi hỏi.
Cảnh sát trưởng Vương nhăn nhó cười: “Tôi muốn nó thấy kinh động rồi bỏ đi luôn ấy chứ, nếu có chuyện xảy ra ở tòa, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Nguồn tin của anh đáng tín không thế?”
Đây chẳng phải là lần đầu anh ta hỏi tôi; về phần mình, tôi đành phải lặp lại rằng: “Tôi đã thuật lại y nguyên toàn bộ điều tôi nghe thấy tối qua cho anh. Nếu phiên tòa kết thúc mà không có chuyện gì xảy ra, và cái gọi là “thần tích” không xuất hiện, thì chẳng những tên phóng viên tôi đây sẽ không trở thành tín đồ, mà ngay cả những tín đồ cũ cũng sẽ vô cùng thất vọng. Nếu không chắc chắn phần nào, tôi nghĩ chúng chẳng dám mạnh miệng tuyên bố vậy đâu”.
“Hi vọng không có chuyện gì xảy ra!”
– Cảnh sát trưởng Vương thở dài nói.
“Công việc chuẩn bị ở đây, anh bố trí vẹn toàn rồi chứ?”
“Vẹn toàn ấy hả? Làm quái gì có thứ gọi là vẹn toàn, huống chi bọn tôi và tòa án là hai hệ thống khác nhau, thời gian lại quá gấp, tính từ lúc anh gọi tôi tối hôm qua đến giờ mới chỉ mấy tiếng đồng hồ!” – Cảnh sát trưởng khẽ trách tôi.
“Chúng tôi đã báo bên tòa án, đề nghị họ tăng cường phòng bị, đồng thời bên tôi thì như anh thấy đấy, hai xe cảnh sát và một mô tô đặc chủng luôn trong tình trạng sẵn sàng nhận lệnh. Thực ra mạng lưới tuần tra ở khu vực quanh đây cũng đã được bố trí. Đó là toàn bộ những việc tôi có thể thu xếp trong ngần ấy thời gian. Ngoài ra, khắp bốn phía xung quanh tòa án đều được rà soát, không có vật gây cháy nổ, tôi còn chọn mấy trinh sát tinh mắt vào ngồi ở hàng ghế phía dưới, để đề phòng biến động lúc phiên tòa diễn ra. Thành thực mà nói, tôi thấy khó có thể tưởng tượng là bọn chúng sẽ chuẩn bị thực hiện thần tích này như thế nào. Trừ khi chúng tìm được một nhóm người trực tiếp xông vào tòa án tấn công”.
“Chắc không đến mức ngang nhiên như vậy!” – Lúc tôi đang nói, chiếc xe chở tội phạm đã hú còi đi vào tòa án qua lối cổng chính.
“Cậu ta ở trong à?”, tôi hỏi.
“Ừ”.
“Hai hôm nay cậu ấy thế nào? Có gì khác không?”
Cảnh sát trưởng lắc đầu: “Vẫn vậy thôi. Mấy ngày gần đây hắn không tiếp xúc người ngoài, nếu Thánh Nữ giáo có kế hoạch gì, chắc hắn cũng chẳng biết”.
“Vậy tôi vào trong trước, mong là đừng xảy ra chuyện gì”.
Vào phòng xét xử án hình sự, tôi chọn một ghế ngay phía trên rồi ngồi xuống. Xung quanh, người đến dự phiên tòa xét xử cũng chẳng phải là ít, tôi đảo mắt một vòng tìm kiếm, chưa thấy Viên Cát đâu. Giờ này chắc anh ta vẫn đang trong ca làm ở trạm tàu điện ngầm. Song tôi đoán, nhất định một vài tín đồ Thánh Nữ giáo sẽ đến xem, làm chứng cho thần tích của họ. Hoàng Chức chẳng còn ai thân thích nên chắc thôn sẽ cử người đến tham dự, dù tôi không biết ông ấy là ai.
Một lúc nữa phiên tòa mới bắt đầu mà phòng xét xử đã rất yên ắng, những người đang chuyện trò đều hạ thấp giọng hết mức có thể. Những phiên tòa xét xử, không rõ đã bao lần được tiến hành ngay trong gian phòng này, đã để lại một vẻ tĩnh mịch, thâm nghiêm cho bầu không khí nơi đây, khiến cho mọi người không dám ăn nói hồ đồ.
Dọc theo bốn bức tường quanh phòng xét xử có rất nhiều cảnh sát có vũ trang, không rõ vốn dĩ phải vậy hay là do bên công an yêu cầu nên họ mới được tăng cường thêm.
Đợi thêm lúc nữa, cánh cửa ngách phòng xử được mở ra, những người thuộc bên kiểm soát và tòa án như công tố viên, thư kí phiên tòa bắt đầu bước ra, đến đứng ở vị trí của mình. Tiếp đó là Lã Vãn Cường với sự áp tải của hai cảnh sát tòa án.
Cậu ta trông gầy gò, xanh xao hơn hôm tôi gặp ở chỗ tạm giam đôi chút, bộ quần áo tù trên người cậu ta có vẻ hơi quá khổ so với vóc dáng. Đầu cậu ta hơi cúi, nhưng không hiểu sao tôi không cảm thấy đó là dáng vẻ của kẻ hối lỗi, mà chỉ toát lên sự thờ ơ, bất cần.
Người vào sau cùng là vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử hôm nay, đó là một người đàn bà trung niên đeo kính. Bà ta ngồi xuống ghế chủ tọa phiên tòa, đưa mắt nhìn đồng hồ, chờ thêm một lát, rồi tuyên bố phiên tòa bắt đầu.
Tôi hít một hơi thật sâu, tiếp theo liệu sẽ có chuyện gì xảy ra đây?
Mở màn là bản cáo trạng dài được vị công tố viên của bên kiểm soát tuyên đọc trong hai mươi mấy phút. Tôi thầm thắc thỏm, mắt nhìn ngược nhìn xuôi, tai dỏng lên nghe ngóng cho tới khi ông ta đọc xong, đến lúc Lã Vãn Cường khai báo nhận tội, mới hơi thả lỏng. Không chi tiết nào trong những điều Lã Vãn Cường khai báo làm tôi ngạc nhiên, tất cả vẫn hệt như những gì cậu ta đã trả lời hôm tôi vào nhà tạm giam phỏng vấn.
Trông thấy Hoàng Chức ngoài đường lúc đi dạo phố, động lòng háo sắc, lại cũng muốn kiếm chút tiền tiêu, nên đã bám theo cô ấy về chỗ nhà trọ. Chưa dám động thủ ngay, phải qua một đêm đấu tranh tư tưởng đến sáng sớm hôm sau nghi phạm mới quay lại chỗ Hoàng Chức trọ, lừa cô ấy ra mở cửa rồi giết chết. Do hoảng loạn nên sau đó nghi phạm đã bỏ trốn mà không dám làm gì.
Toàn bộ câu chuyện được cậu ta tường thuật lại với vẻ lãnh đạm, thậm chí ung dung. Khi cậu ta gần dứt lời thì một người đàn ông trung niên đến dự phiên tòa xét xử ném mạnh một chai nước ngọt về phía nghi phạm, miệng lầu bầu câu phương ngôn mà tôi nghe không hiểu, dáng điệu đầy vẻ đau đớn phẫn uất. Cảnh sát giữ trật tự trong phiên tòa nhanh chóng tiến đến, nhưng họ không đuổi ông ta ra khỏi phòng xét xử, mà chỉ yêu cầu ông này ngồi xuống. Tôi đoán đó là cha đẻ của Lã Vãn Cường.
Lã Vãn Cường đưa mắt nhìn về phía cha mình một cái, rồi lại cúi đầu.
Ánh mắt đó của cậu ta như nhìn vào người mình không hề quen biết.
Tôi thấy hơi bất ngờ, hội Thánh Nữ giáo này có thể tẩy não tín đồ đến mức sẵn sàng xả thân quên mình vì giáo hội, mà ngay cả đến tình thân ruột thịt cũng bất chấp thì quả là đáng sợ
Sau phút biến động, phiên tòa lại tiếp tục. Sang phần biện hộ trước tòa, thực tế chẳng có mấy điều gì để nói, Lã Vãn Cường đã thừa nhận tội lỗi của bản thân, nên luật sư biện hộ – mà tòa chỉ định cho cậu ta, cũng chỉ có thể nói vài câu chung chung kiểu: “Thái độ nhận tội của bị cáo tương đối thành khẩn, nên đề nghị tòa lượng xét khi quyết định hình phạt”.
Vị chủ tọa phiên tòa khá có trách nhiệm, trong quá trình thẩm vấn trước tòa bà ta có hỏi Lã Vãn Cường về mấy vấn đề mà bên công an đã tìm ra trong quá trình điều tra, nhưng đã bị bên công tố bỏ qua, như: tại sao trong bản tường trình khai báo của Thôi Hành Kiện, người này nói anh ta bám theo Hoàng Chức lên tầng trên mà khi đi xuống lại không thấy Lã Vãn Cường? Thì Lã Vãn Cường trả lời rằng: “Cầu thang tối, tôi lại nép vào một bên nên anh ta không để ý”. Tóm lại, cậu ta hoàn toàn không định khai báo ẩn tình để chối tội cho bản thân.
Sau hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, chủ tọa phiên tòa tuyên bố tạm nghỉ mười lăm phút.
Khi phiên tòa tiếp tục sau giờ nghỉ, chắc sẽ chuyển sang phần tuyên án. Đối với vụ án giết người, tốc độ xử án như trong phiên tòa này có thể xem là nhanh.
Bị cáo không hề phản đối gì, định sẽ ngoan ngoãn thi hành án, bên kiểm sát được phen thảnh thơi nhàn nhã, thế sao lại chẳng nhanh?
Tôi nhìn Lã Vãn Cường đang được cảnh sát tòa án áp giải vào trong, thầm nghĩ, đến khi cậu ta lại được dẫn giải ra e sẽ có vài chuyện xảy ra.
Cho tới lúc này mọi việc vẫn đang sóng yên biển lặng, nếu không có chuyện gì xảy ra trong chút thời gian ngắn ngủi còn lại thì chẳng phải sẽ khiến những tín đồ đến theo dõi phiên tòa xét xử này thất vọng sao? Điều hôm qua Viên Cát nói: tòa án loài người tuyên bố Lã Vãn
Cường có tội, song Thiên Tôn của họ lại tuyên bố Lã Vãn Cường vô tội, thì thế nào mọi chuyện cũng sẽ được làm rõ ngay vào lúc này đây.
Tôi không vào nhà vệ sinh, chỉ ngồi lặng yên tại chỗ.
Từng phút giây chậm chạp trôi qua trong sự chờ đợi đầy khắc khoải.
Mười lăm phút sắp sửa kết thúc.
Lông mày tôi hơi nhíu lại, tim càng lúc càng đập nhanh hơn, chẳng phải do đã có chuyện xảy ra mà ngược lại, là vì chưa có gì xảy ra.
Thế này là thế nào, đã hết mười lăm phút nghỉ giải lao sao phiên tòa còn chưa được tiếp tục?
Không, tôi nhìn đồng hồ, đã mười tám phút hơn rồi.
Chủ tọa phiên tòa đã bước vào phòng xử án, người khác còn lại cũng nối đuôi nhau quay trở lại chỗ ngồi, riêng chỗ bị cáo thì vẫn trống trơn.
Những người đến dự phiên tòa phía dưới đã bắt đầu xì xầm bàn tán, song nhìn vẻ mặt của những người bên kiểm sát và phía tòa án, thì hình như họ cũng không biết có chuyện gì xảy ra.
Lại thêm mấy phút nữa trôi qua, rồi một người vóc dáng thấp nhỏ đã chạy đến bên vị chủ tọa phiên tòa qua lối cửa ngách, nghiêng người ghé sát tai bà ta thì thầm một câu.
Nét mặt chủ tọa phiên tòa lập tức thay đổi, bà mở to mắt, sững sờ nhìn người kia.
Chợt có ai đó đập nhẹ vai tôi một cái, tôi quay đầu lại, là cảnh sát trưởng Vương.
Mồ hôi ròng ròng chảy hai bên má mà anh ta chẳng hề để ý, anh hạ giọng bảo tôi: “Theo tôi ra ngoài, có chuyện xảy ra rồi!”.