Kể tiếp về hiệp sĩ Sơn Lâm và cuộc đối thoại lý thú, độc đáo và tình cảm giữa hai giám mã
Thế là hiệp sĩ ngồi một nơi, giám mã đi một nẻo, giám mã kể cho nhau về thân thế của mình, còn hiệp sĩ kể cho nhau về những cuộc tình duyên của họ. Sách kể trước câu chuyên giữa hai người hầu rồi sau mới kể câu chuyện giữa hai ông chủ, như sau: khi cách xa chủ một quãng, giám mã của chàng Sơn Lâm bảo Xantrô:
- Thưa ngài, cuộc đời của chúng ta, những giám mã của hiệp sĩ giang hồ, thật là gian truân vì chúng ta phải đổi mồ hôi lấy miếng ăn. Quả thật đây là một trong những nỗi khổ cực mà Chúa bắt ông cha ta phải chịu.
- Cũng có thể nói rằng chúng ta phải đổi cái nghề rét ghê người lấy miếng ăn, Xantrô tố thêm. Thử hỏi ai phải chịu nóng chịu lạnh hơn các giám mã của ngành hiệp sĩ giang hồ? Ví thử kiếm được miếng ăn thì còn khá vì ăn làm dịu nỗi khổ đau, đằng này, có khi một hai ngày liền chẳng có gì cho đỡ đói lòng, chỉ ăn gió mà thôi.
- Ta có thể chịu đựng được tất cả những cái đó nếu có hi vọng được thưởng, giám mã của Sơn Lâm nói, vì nếu chủ ta là một hiệp sĩ giang hồ không quá vong ân, chỉ trong một thời gian ngắn, ít ra ta sẽ được phong chức thống đốc một hòn đảo xinh đẹp hoặc làm bá tước của một vùng lãnh địa trù phú nào đó.
Xantrô nói:
- Tôi đã nói với ông chủ tôi rằng tôi chỉ cai trị một hòn đảo là đủ rồi, nhưng ông ta lại quá tốt bụng và rộng rãi, hứa đi hứa lại với tôi rất nhiều lần.
- Đối với tôi, một chức tư giáo cũng đủ để trả công, giám mã của Sơn Lâm nói, ông chủ của tôi đã hứa với tôi điều đó rồi.
- Chắc ông chủ của ngài là hiệp sĩ của giáo hội nên mới thưởng những thứ đó cho các giám mã trung thành của mình, Xantrô nói. Ông chủ của tôi không đi tu; tôi nhớ có những người khôn ngoan nhưng, theo tôi, xấu bụng muốn khuyên ông chủ trở thành tổng giám mục, song ông chủ chỉ muốn làm hoàng đế. Quả thật, khi ấy tôi cũng run, chỉ lo ông chủ gia nhập giáo hội vì như vậy tôi chẳng kiếm chác được gì. Xin nói để ngài biết rằng tuy tôi cũng giống mọi người song làm nhà tu lại rất vụng.
- Nếu vậy thì ngài nhầm to rồi, giám mã của Sơn Lâm nói, vì rằng không phải các hòn đảo đều ngon ăn cả đâu. Có những nơi hoang tàn, xơ xác, tiêu điều, còn ở những nơi khang trang sầm uất cũng có bao nhiêu chuyện rắc rối phiền hà trút lên đầu kẻ nào vô phúc đặt chân tới. Điều tốt hơn hết đối với chúng ta, những kẻ làm cái nghề tôi tớ chết tiệt này, là trở về nhà, giết thời giờ bằng những công việc nhẹ nhàng như đi săn hay câu cá. Sao, có giám mã nào trên đời nghèo đến nỗi không có một chú ngựa con, một cặp *săn và một chiếc cần câu để giải trí ngay trong làng mình?
- Tất cả những cái đó tôi không thiếu, Xantrô đáp; quả thật tôi không có ngựa nhưng lại có một con lừa đáng giá gấp đôi con ngựa của chủ tôi cơ. Chúa cứ bắt tôi gặp điều rủi trong ngày lễ Phục sinh sắp tới nếu tôi đổi con lừa lấy con ngựa của ông ta, dù có các thêm cho tôi hai tạ lúa mạch đi chăng nữa. Còn ngài muốn đánh giá con xám của tôi thế nào, cái đó tùy - sở dĩ tôi gọi là con xám vì lông nó màu xám. Tôi cũng chẳng thiếu *săn vì vùng quê tôi rất sẵn, và đi săn càng thêm thú vị mỗi khi ta dùng *của người khác.
Giám mã của Sơn Lâm nói:
- Thưa ngài giám mã, quả thật tôi nhất quyết không theo những hành động ngông cuồng của các ngài hiệp sĩ này nữa và sẽ trở về làng nuôi dạy con cái; tôi có ba đứa con xinh đẹp như những viên ngọc phương Đông vậy.
- Tôi cũng có hai đứa con có thể đem ra trình diện giáo hoàng được, Xantrô nói, đặc biệt là đứa con gái mà tôi đang dạy làm bá tước, nếu Chúa phù hộ cho, mặc dù mẹ nó không muốn.
- Thế bà phu nhân mà ngài đang dạy cho làm bá tước năm nay bao nhiêu tuổi? - giám mã của Sơn Lâm hỏi.
- Mười lăm tuổi, hoặc hơn kém hai tuổi, Xantrô đáp; nhưng nó cao như một cây sào, tươi trẻ như sáng tháng tư và lực lưỡng như phu khuân vác.
- Với những đặc tính đó, không những nó làm bá tước mà còn làm nữ thần rừng xanh nữa, giám mã của Sơn Lâm nói. Thật là con nhà quỷ sứ, chắc con ranh đó phải có một sức khỏe phi thường!
Xantrô hơi cáu, đáp lại:
- Nó chẳng phải quỷ sứ, mẹ nó cũng chẳng phải quỷ sứ và, nhờ ơn Chúa, hai mẹ con nó sẽ không phải làm quỷ sứ chừng nào tôi còn sống trên đời này. Ngài hãy giữ mồm giữ miệng một chút. Một người sống bên cạnh hiệp sĩ giang hồ - hiện thân của sự lễ độ - mà nói năng như vậy, xem ra không được thích hợp lắm.
- Ồ, ngài giám mã chẳng hiểu thế nào là lời khen cả! Giám mã của Sơn Lâm thanh minh. Sao, ngài không biết rằng khi có một hiệp sĩ đâm nhát giáo trúng con bò ở trường đấu, hoặc khi có ai làm điều gì hay ho, người ta thường nói: "Con nhà quỷ sứ, tài quá!". Cứ tưởng như một lời chê nhưng đấy chính thức lại là một câu khen đấy. Và nếu con cái ngài không có những hành động đáng để thiên hạ tặng cho cha mẹ chúng những lời khen như vậy, tôi khuyên ngài hãy từ chúng nó đi.
- Nếu thế, tôi từ thật, Xantrô đáp; và ngài có lý do để gọi tôi, con cái tôi và vợ tôi là quỷ sứ vì tất cả những điều các con tôi nói và làm đều rất xứng đáng được hưởng những lời khen ngợi như vậy. Ôi, cầu mong Chúa đừng bắt tội tôi phải xa chúng nó cũng như đừng bắt tôi phải làm cái nghề giám mã nguy hiểm này nữa; chẳng qua tại tôi hám của nên mới đâm đầu vào vì chuyến trước tôi bắt được một cái túi đựng một trăm đồng tiền vàng ở trong núi Môrêna. Con quỷ nó nhử tôi khiến tôi nhìn đâu cũng thấy tiền, tưởng chừng như đi một bước là vớ là vồ được, là mang luôn về nhà, là làm ra lời ra lãi, là sống như một ông hoàng. Mỗi khi nghĩ như vậy, tôi dễ dàng vượt qua mọi khó khăn cùng ông chủ ngốc nghếch của tôi mà tôi biết chắc là một thằng điên chứ chẳng phải hiệp sĩ nào hết.
- Chính vì vậy người ta mới thường bảo rằng tham thì thâm. giám mã của Sơn Lâm nói. Bây giờ lại nói tới các ông chủ của chúng ta: quả thật trên đời này không có ai điên bằng ông chủ nhà tôi. Ông ta thuộc loại người cứ hay mua việc vào mình; và vì muốn chữa cho một hiệp sĩ bị mất trí mà ông ta hóa điên, cứ đi tìm kiếm một vật mà tôi e một khi tìm thấy, ông ta sẽ phải hối hận.
- Có phải ông ta mê gái không? Xantrô hỏi.
- Phải, giám mã của hiệp sĩ Sơn Lâm đáp. Ông ta mê một bà Caxilđêa đê Valđalia nào đó, một người đàn bà sống sượng nhất trên trái đất này; song, không phải bà ta chỉ có một tội là sống sượng mà trong bụng bà ta chứa đựng những điều xấu xa hơn, như ta sẽ thấy nay mai.
Xantrô bảo:
- Không có con đường nào bằng phẳng, không mấp mô đâu; ở đời này, chẳng ai không có nỗi khổ tâm cả, và người khôn thì ít, kẻ dại thì nhiều. Song, nếu quả như người ta thường nói gặp được người cùng cảnh thì nỗi khổ của mình cũng vơi đi, tôi có thể tìm thấy ở ngài một sự an ủi vì ngài có một ông chủ cũng điên rồ như ông chủ của tôi.
- Điên rồ những dũng cảm, giám mã của Sơn Lâm đáp, và lại quỷ quyệt hơn cả điên rồ và dũng cảm.
- Ông chủ của tôi không thế, Xantrô bảo; tôi xin nói là ông ta không quỷ quyệt chút nào mà hiền như đất; ông ta không biết làm hại ai, chỉ làm tốt cho mọi người, thật là một con người tốt bụng. Giá như có đứa trẻ nào bảo ông ta rằng giữa trưa là đêm, ông ta cũng tin ngay. Tôi yêu, tôi quý ông cũng chỉ vì cái nết hiền lành đó, và tôi không nghĩ tới việc bỏ rơi ông dù cho ông có những hành động ngông cuồng đến mấy đi chăng nữa.
Giám mã của Sơn Lâm lại bảo:
- Tuy nhiên, ông bạn ạ, nếu anh mù lại dắt anh mù, có ngày cả hai cùng lăn xuống hố mất. Tốt hơn hết là ta hãy rút lui có trật tự, trở về nhà ta. Không phải bao giờ đi tìm kiếm những chuyện phiêu lưu cũng gặp hay cả đâu.
Trong lúc nói chuyện, Xantrô cứ nhổ vặt, nước bọt quánh đặc; bác giám mã tốt bụng của Sơn Lâm nhận thấy bèn bảo:
- Từ nãy tới giờ, ta nói nhiều nên lưỡi như muốn dính chặt vào hàm; tôi có mang theo một thứ thuốc có thể làm cho lưỡi bong ra; thứ thuốc đó treo ở cốt yên của con ngựa tôi, chắc chắn là thần hiệu.
Nói rồi, bác đứng dậy, một lát sau bác quay trở lại với một bao rượu lớn bằng da dê và một cái bánh nhân thịt dài tới quá nửa thước, nói không ngoa vì bánh làm bằng cả một con thỏ trắng, to đến nỗi Xantrô cầm lên cứ tưởng là làm bằng cả một con dê bố chứ không phải một con dê con, bác bèn hỏi:
- Ngài mang theo cả cái này ư?
- Thế ngài cho tôi là người thế nào? Giám mã của Sơn Lâm vặn lại. Tôi đâu phải là một anh giám mã tầm thường? Lương ăn chất trên con ngựa của tôi còn nhiều hơn của một viên tướng ra trận cơ.
Chẳng phải mời mọc, Xantrô ăn luôn; gặp lúc tối trời, bác nuốt những miếng to như quả đấm, bác bảo:
- Ngài quả là một giám mã trung thực và hợp pháp 1, một giám mã hoàn hảo, cao quý và vĩ đại như bữa tiệc này đã chứng minh, một bữa tiệc tưởng đâu do phù phép mà có. Trái lại, tôi vừa nghèo túng, vừa đen đủi, trong túi hai ngăn mang theo đây chỉ có một ít pho mát rắn đến nỗi có thể đập vỡ đầu một tên khổng lồ, kèm theo 4 tá trái cây và chừng ấy hạt dẻ. Số là ông chủ tôi chẳng giàu có gì, lại chỉ khư khư giữ ý kiến và tuân theo luật lệ nói rằng các hiệp sĩ giang hồ chỉ cần ăn quả khô và cỏ đồng mà sống.
- Nói thật với ông anh, dạ dày của tôi không phải để chứa cây gai, cũng không phải cây lê dại hay rễ cây rừng, giám mã của Sơn Lâm nói. Mặc những ông chủ của chúng ta cùng với những ý kiến và luật lệ giang hồ của họ; họ muốn gì, tùy ý. Chỉ biết là tôi đây mang theo thịt nguội và cái bao rượu treo ở cốt yên; tôi yêu, tôi quý nó, chẳng mấy khi tôi không ôm nó vào lòng mà hôn mà hít.
Nói rồi, bác đặt bao rượu vào tay Xantrô; bác giám mã của Đôn Kihôtê nhấc bổng bao rượu dốc vào mồm, mặt ngửa lên trời ngắm sao suốt mười lăm phút đồng hồ. Uống xong, bác ngả đầu vào vai, xuýt xoa:
- Quỷ sứ, ngon thật!
Thấy Xantrô thốt lên hai chữ quỷ sứ, giám mã của Sơn Lâm nói:
- Làm sao ngài khen thứ rượu này mà lại gọi nó là quỷ sứ?
- Tôi xin nói... tôi thú thực... tôi biết chắc rằng gọi một người nào đó là quỷ sứ không phải là xỉ nhục một khi ta có ý định khen ngợi người đó. Nhưng thôi, xin hỏi, vì người quá cố mà ngài yêu quý nhất, xin cho biết rượu này có phải ở thành Rêal không?
- Giỏi lắm, sành lăm! Quả thật không thể ở nơi khác được, rượu để mấy năm rồi đấy.
- Việc này đối với tôi có gì là khó, Xantrô nói. Tưởng tôi không phân biệt nổi rượu của ngài thuộc loại gì ư? Thưa giám mã, xin nói để ngài rõ, trời phú cho tôi một biệt tài là thử rượu, ngửi là biết ngay rượu gì, làm ở đâu, làm bao giờ, mùi vị ra sao, cùng tất cả những tình huống đã xảy ra. Nhưng ngài đừng lấy thế làm lạ vì dòng họ nhà tôi có hai vị rất tài nếm rượu, bao năm nổi tiếng ở xứ Mantra. Xin kể ra đây một chuyện cũ để chứng minh: một hôm, người ta đưa cho hai vị nếm thử rượu ở một cái thùng, yêu cầu cho biết tình trạng, phẩm chất của rượu tốt xấu ra sao. Một vị lấy đầu lưỡi nếm, vị kia chỉ cần đưa lên mũi ngửi. Vị thứ nhất bảo rằng trong rượu có mùi sắt, vị thứ hai bảo rõ mùi da hơn. Người chủ nói rằng thùng sạch, rượu không pha phách gì để có mùi sắt và da được. Mặc dù vậy, hai vị nếm rượu nổi tiếng vẫn giữ nguyên ý kiến. Sau một thời gian, bán hết rượu, đem thùng ra cọ, thì thấy bên trong có một chiếc chìa khóa nhỏ đeo vào dây bằng da. Tôi kể câu chuyện để ngài thấy rằng, một người thuộc dòng dõi đó hẳn có thể có ý kiến về một vấn đề tương tự.
- Chính vì vậy mà tôi muốn nói một điều: ta đừng tìm kiếm những chuyện phiêu lưu mạo hiểm nữa; chớ nên thả mồi bắt bóng và trở về dưới mái nhà tranh. Chúa sẽ phù hộ cho chúng ta nếu Người muốn.
- Tôi sẽ theo hầu ông chủ tôi cho tới khi ông ta đến Xaragôxa, sau đó sẽ hay.
Hai bác giám mã của chúng ta vừa trò chuyện vừa uống rượu tràn cung mây, và lúc này, giấc ngủ là cần thiết để giữ chặt lưỡi và làm dịu cơn khát của họ - làm cho hết khát thì chịu. Và thế là, cả hai ôm lấy cái bao rượu gần cạn khô, mồm còn đầy thức ăn nhai dở, lăn ra ngủ. Bây giờ, ta hãy mặc họ nằm đấy để kể những chuyện xảy ra giữa hiệp sĩ Sơn Lâm và hiệp sĩ Mặt Buồn.