ĐÔN KIHÔTÊ TRẲ LẠI TỰ DO CHO NHỮNG KẺ KHỐN NẠN BỊ ĐƯA ĐẾN MỘT NƠI HỌ KHÔNG MUỐN TỚI
Ngài Amêtê Bênenhêli, người Arập trú ngụ tại xứ Mantra, tác giả cuốn sách nghiêm túc, văn vẻ, giản dị, lý thú và ly kỳ này, kể tới đoạn chàng Đôn Kihôtê nổi tiếng đang trò chuyện với giám mã Xantrô ở cuối chương hai mươi mốt. Bỗng Đôn Kihôtê ngước mắt nhìn lên phía trước, thấy có khoảng mười hai người đang đi bộ tới, cổ đeo chung một dây xiềng to bằng sắt, tay đeo xích; đi theo họ có hai người cưỡi ngựa và hai người đi bộ; hai người cưỡi ngựa có súng, còn hai người đi bộ cầm gươm mác. Xantrô Panxa nhìn thấy bèn nói:
- Đây là đám tù khổ sai bị nhà vua bắt tội phải đi chèo chiến thuyền.
- Sao lại bị bắt tội là thế nào? Chẳng lẽ nhà vua bắt tội dân chúng ư?
- Không phải thế; tôi chỉ muốn nói rằng đây là những người có tội bị đưa đi chèo các chiến thuyền của nhà vua.
- Dù sao họ cũng bị giải đi một cách cưỡng bức, không phải tự ý họ muốn đi.
- Đúng thế.
- Đã vậy, bổn phận đòi hỏi ta phải ra tay chống cường bạo, cứu vớt những kẻ khốn cùng.
- Xin ngài nhớ cho rằng không phải công lý hay nhà vua cưỡng bức xúc phạm họ mà trừng phạt họ vì họ có tội.
Lúc này đám tội nhân đã đi tới; Đôn Kihôtê rất lễ độ yêu cầu những người lính áp giải cho biết lý do vì sao họ lại dẫn đám người này đi như vậy. Một người lính cưỡi ngựa đáp:
- Đây là những tội nhân bị đưa đi chèo các chiến thuyền của đức vua; ngoài ra tôi không có điều gì nói nữa và ngài cũng không có điều gì phải hỏi nữa.
- Tuy nhiên, xin cho tôi được biết nguyên nhân tội trạng của từng người, Đôn Kihôtê nói.
Để đạt mục đích, chàng còn dùng những lời lẽ rất ngọt ngào khiến người lính cưỡi ngựa thứ hai phải lên tiếng đáp:
- Chúng tôi có mang theo đây hồ sơ bản án của từng tên khốn kiếp này nhưng bây giờ không phải lúc chúng tôi dừng lại giở ra đọc cho ngài nghe. Xin ngài hãy đến hỏi từng đứa một, chúng sẽ kể nếu chúng muốn, và chắc chắn chúng sẽ kể vì hạng người này thích khoe những thành tích của mình lắm.
Được phép - thực ra, dù không được chàng cũng vẫn cứ làm, Đôn Kihôtê tiến lại gần đám tội nhân và hỏi người đầu tiên tội trạng ra sao mà đến nỗi khốn khổ như vậy. Y đáp:
- Vì tôi trót yêu.
- Có thế thôi ư? Đôn Kihôtê nói. Nếu chỉ vì yêu mà bị đưa đi chèo chiến thuyền thì có lẽ ta đã phải đi từ lâu rồi.
- Không phải tôi yêu như ngài tưởng đâu, người tù đáp. Trái lại, tôi yêu tha thiết một cái giành chứa đầy quần áo trắng, và tôi ôm chặt đến nỗi nếu pháp luật không bắt tôi phải nhả ra, có lẽ đến bây giờ tôi cũng chưa chịu buông. Tôi bị bắt quả tang, chẳng phải tra hỏi gì; tòa tuyên án một trăm roi vào lưng và còn phải ba năm chèo gurapa nữa mới xong việc.
- Gurapa là gì?
- Gurapa là thuyền chiến của nhà vua.
Tội nhân này cho biết y hai mươi bốn tuổi, quê ở Piêđraita.
Đôn Kihôtê lại hỏi tù nhân thứ hai. Người này không đáp, mặt buồn thiu. Anh chàng quê ở Piêđraita đỡ lời:
- Thưa ngài, nó bị trừng trị vì thích ca nhạc.
- Sao, thích ca nhạc cũng phải tội chèo chiến thuyền ư?
- Thưa ngài, đúng thế ạ, vì không có tội gì nặng bằng ca hát trong khi bị tra hỏi.
- Trái lại, ta thường nghe nói rằng hát lên là hết buồn đau.
- Đằng này không thế; kẻ nào đã hát một lần sẽ phải khóc suốt đời.
- Ta không hiểu.
Một người lính áp giải nói với Đôn Kihôtê:
- Thưa ngài hiệp sĩ, theo tiếng lóng của bọn lưu manh này thì hát trong khi bị tra tấn có nghĩa là nhận tội. Tên tội phạm này bị tra hỏi và đã khai hết tội lỗi. Nó đi ăn trộm gia súc, nhận tội và bị phạt sáu năm chèo chiến thuyền cộng với hai trăm roi. Nó bị bạn bè ghét bỏ, chế giễu, khinh rẻ vì nó đã thú tội và không có đủ can đảm để chối, cho nên bây giờ nó đâm ra suy nghĩ, buồn rầu. Bạn bè của nó nói rằng chữ không hay chữ có đều chỉ có một âm, và thật là điều may mắn cho một tội phạm một khi không có tang chứng nào buộc tội và có thể dùng đầu lưỡi của mình để thoát thân. Về điểm này, tôi cho rằng chúng nói phải.
- Tôi cũng nghĩ thế, Đôn Kihôtê đáp.
Chàng hỏi sang người thứ ba. Người này nhanh nhẹn đáp một cách rất thoải mái:
- Tôi phải chung sống năm năm với các ả gurapa vì thiếu mười đồng tiền vàng.
- Ta sẵn sàng bỏ ngay hai mươi đồng để giải thoát nỗi đau khổ này cho anh.
- Như thế khác nào một kẻ có tiền nhưng lênh đênh giữa biển cả, cuối cùng sẽ chết đói vì không mua được gì ăn. Tôi nói vậy vì rằng nếu lúc đó tôi có hai mươi đồng tiền vàng mà ngài cho tôi bây giờ, tôi sẽ đút lót lão lục sự và làm cho cái đầu của quan biện lý trở nên sáng suốt, và bây giờ tôi đã đang ung dung giữa quảng trường Xôcôđôver ở Tôlêđô rồi, chứ đâu đến nỗi bị trói gô như một con *thế này; nhưng Trời kia có mắt, chỉ cần nhẫn nại là được.
Đôn Kihôtê hỏi tội nhân thứ tư là một người đạo mạo, râu bạc phơ dài xuống tận ngực; thấy Đôn Kihôtê hỏi nguyên nhân vì sao đến bước đường này, lão òa lên khóc, không nói nên lời. Người đi bên cạnh phải nói đỡ:
- Con người đáng kính này bị phạt bốn năm chèo thuyền chiến sau khi đã cưỡi ngựa dạo qua những phố quen thuộc, có kẻ đưa người đón. 1
- Theo tôi hiểu, như thế có nghĩa là bị đưa ra trước công chúng để chịu nhục chứ gì, Xantrô Panxa nói.
- Đúng vậy, người tù đáp. Và ông ta phải chịu hình phạt đó vì đã đi làm nghề mách mối hàng và mách cả người nữa. Tôi muốn nói là ông ta làm nghề mối lái, lại còn dùng cả bùa mê bả dột.
- Nếu không kể tới việc dùng bùa mê, Đôn Kihôtê nói, một người làm nghề mối lái như ông ta không đáng bắt tội phải chèo thuyền chiến mà phải được phong chức chỉ huy các chiến thuyền. Thực ra không phải người nào cũng có thể mối lái được. Đó là một nghề khá tế nhị và rất cần thiết trong một quốc gia có tổ chức, chỉ có những người khôn ngoan lắm mới làm nổi. Trong nghề này cũng như trong những nghề khác, cần phải cử ra những vị thanh tra, giám khảo, số lượng tương đương như trong nghề mách mối hàng. Có như vậy mới tránh được những chuyện không hay mà những kẻ ngu xuẩn thường gây ra trong khi hành nghề; đó là những mụ mối bẻm mép, bọn người hầu bịp bợm non choẹt và ít kinh nghiệm, khi cần nói đúng câu, đúng chỗ thì họ lại quên khuấy đi, thậm chí quên cả tay nào là tay phải. Ta còn muốn nói thêm và giải thích tại sao Nhà nước phải kén người để làm một công việc quan trọng như vậy, nhưng bây giờ chưa phải lúc. Một ngày kia, ta sẽ nói với những người có khả năng giải quyết. Giờ đây, ta chỉ muốn nói một điều: ta không khỏi buồn phiền khi nhìn mớ tóc bạc và khuôn mặt đạo mạo của con người đã phải tù tội chỉ vì làm nghề mối lái, nhưng khi ta nghĩ rằng người đó đã dùng bùa mê bả dột thì nỗi ưu phiền của ta cũng tiêu tan đi. Tuy nhiên, ta biết rằng không có bùa yêu nào trên đời này có thể mê hoặc được ý chí con người, như một vài kẻ nghĩ đơn giản; ý chí con người ta không bị phụ thuộc và không có bùa mê nào ép buộc được. Những mụ mối bẻm mép và những tên bịp bợm thường luyện bùa yêu bằng những chất độc khiến cho người dùng trở nên điên dại, rồi chúng tự khoe là có phép làm cho con người biết yêu; nhưng như ta đã nói, không thể nào cưỡng bức được ý chí con người.
- Thưa ngài, đúng như vậy, phạm nhân già nói. Thực ra, tôi không hề dùng bùa mê mà chỉ làm nghề mối lái thôi, và tôi không bao giờ nghĩ rằng mình đã làm hỏng một việc nào. Tôi chỉ muốn cho mọi người sung sướng, sống yên lành, vui vẻ với nhau, không cãi cọ, không ưu phiền, nhưng ý định tốt đẹp đó của tôi không giúp tôi tránh khỏi phải đi đến một nơi mà tôi không hy vọng trở về phần vì hạn tù quá dài, phần vì tôi có bệnh bí tiểu tiện luôn luôn quấy rầy.
Nói rồi, phạm nhân này lại khóc. Xantrô mủi lòng, rút từ trong ngực một đồng bố thí cho.
Đôn Kihôtê tiếp tục hỏi một người tù khác, người này đáp một cách rất tự nhiên:
- Sở dĩ tôi đi tù vì tôi đùa quá nhả với hai cô em con dì của tôi và hai cô em họ của người khác, và vì đùa quá trớn nên số người trong gia đình cứ mỗi ngày mỗi tăng lên một cách vô tổ chức, không biết đằng nào mà tính nữa. Sự việc vỡ lở, tôi không được ai che chở, không có tiền chạy chọt, suýt bị treo cổ; tòa xử tội sáu năm chèo thuyền chiến, tôi nhận ngay vì tôi đáng tội. Nhưng tôi còn trẻ, đời còn dài, rồi đâu sẽ vào đấy. Thưa ngài hiệp sĩ, nếu ngài có gì cưu mang cho những kẻ khốn cùng này, trên thiên đàng Chúa sẽ đền bù lại cho ngài và ở dưới trần, chúng tôi sẽ cầu Chúa cho ngài mạnh khỏe, sống lâu.
Người tù này ăn mặc kiểu sinh viên; theo một người lính áp giải cho biết, hắn ta có khoa nói và giỏi tiếng Latinh.
Sau cùng là một người tù trạc ba mươi, mặt mũi sáng sủa, chỉ hiềm một nỗi mắt nọ nhìn mắt kia. Anh ta bị cùm kỹ hơn cả, chân đeo một cái xích to và dài chạy vòng quanh người, cổ mang hai chiếc gông, một chiếc nối liền vào cái xích chân, một chiếc có hai thanh sắt chạy dài đến tận thắt lưng móc vào hai cái còng tay có khóa, thành thử tay không với tới đầu, đầu không cúi tới tay. Đôn Kihôtê hỏi lý do vì sao người tù này mang nhiều gông cùm hơn những người khác. Lính áp giải cho biết tội nhân này có nhiều án hơn tất cả những người kia cộng lại; hắn rất táo tợn, mưu mẹo và tuy đã xiềng xích như vậy mà họ vẫn chưa yên tâm, chỉ sợ hắn chạy trốn mất.
- Anh ta có tội gì vậy, Đôn Kihôtê hỏi, và những tội đó có đáng phạt nặng hơn bắt đi chèo chiến thuyền không?
- Hắn bị mười năm khổ sai, một người giải tù đáp, có sống cũng như chết mà thôi; chỉ xin nói thêm một điều: hắn chính là tên Hinêx đê Paxamôntê khét tiếng mà người ta còn gọi là Hinêxiiô đê Parapiia.
- Này, ngài đội, người tù nói, xin chớ nặng lời và đừng phân biệt tên với bí danh. Tên tôi là Hinêx chứ không phải Hinêxiiô, còn họ của tôi là Paxamôntê, không phải Parapiia như ngài nói.
- Đừng có già mồm, ông tướng nhà trời kia, viên đội nói, kẻo ta khóa họng lại bây giờ.
- Đúng là trời bắt tội thì phải chịu, người tù nói, nhưng rồi một ngày kia, có kẻ sẽ biết tên ta có phải là Hinêxiiô đê Parapiia hay không?
- Thằng nói láo kia, chẳng phải người ta gọi mi như vậy ư? Viên đội vặn lại.
- Có thể, Hinêx đáp; nhưng tôi sẽ làm cho người ta không gọi tôi như vậy nữa, bằng không tôi sẽ tự vặt hết râu. Thưa ngài hiệp sĩ, nếu ngài có gì cho chúng tôi, xin hãy đưa ngay rồi mời ngài lên đường đi thôi vì chúng tôi cũng đã phát ngán cái kiểu moi móc chuyện của người khác rồi; còn nếu như ngài muốn biết về cuộc đời tôi, xin giới thiệu tôi tên là Hinêx đê Paxamôntê và cuộc đời của tôi do chính năm ngón tay này viết ra.
- Hắn nói thật đấy, người lính giải tù nói; chính hắn đã viết về cuộc đời của hắn, một quyển sách rất hay. Nhưng hắn đã gán quyển đó ở trong tù để lấy hai trăm đồng bạc rồi.
- Dù đã gán lấy hai trăm đồng vàng rồi, tôi cũng sẽ chuộc lại.
- Quyển sách ấy hay đến thế kia ư? Đôn Kihôtê hỏi.
- Còn hay gấp mấy lần quyển Laxariiô đê Tormêx và tất cả những quyển sách khác cùng loại đã được xuất bản cho tới nay, Hinêx đáp. Chỉ xin thưa với ngài rằng quyển sách của tôi viết về những sự việc có thật, hay ho và lý thú, không một truyện bịa nào có thể hay bằng.
- Tên quyển sách là gì?
- Cuộc đời của Hinêx đê Paxamôntê.
- Anh viết xong chưa?
- Làm sao đã có thể xong được một khi cuộc đời của tôi chưa kết thúc. Tôi chỉ mới kể từ khi tôi ra đời cho tới đoạn phải đi chèo thuyền chiến lần cuối cùng.
- Vậy ra trước đây anh đã phải chèo thuyền chiến rồi ư?
- Để phụng sự Chúa và đức vua, tôi đã ở trên thuyền chiến bốn năm, tôi đã nếm đủ mùi cay đắng, ngọt bùi, nhưng bây giờ trở lại tôi không thấy khổ vì ở đó tôi sẽ có thể viết xong cuốn sách; tôi còn nhiều điều muốn kể và ở trên các chiến thuyền Tây Ban Nha có nhiều lúc quá rỗi rãi; vả chăng tôi cũng không cần nhiều thời gian để viết vì tôi đã thuộc lòng tất cả rồi.
- Anh có tài đấy, Đôn Kihôtê nói.
- Và cả tai nữa, Hinêx đáp, vì chữ tài thường đi liền với chữ tai.
- Chữ tai chỉ đi liền với những kẻ ** thôi, viên đội nói.
- Ngài đội, tôi đã bảo ngài nên nói năng từ tốn cơ mà. Người ta trao cho ngài chiếc gậy kia không phải để ngài đánh đập chúng tôi mà để dẫn chúng tôi đi theo lệnh của đức vua. Nếu không, tôi thề sẽ... Nhưng thôi, một ngày kia, mọi điều bí ẩn sẽ được giải đáp, mặc ai muốn nói gì thì nói. Ta đi thôi, nói ấm ớ nhiều rồi.
Trước những lời dọa nạt của Paxamôntê, viên đội giơ gậy lên định đánh nhưng Đôn Kihôtê đứng ra can, yêu cầu không nên ngược đãi tù nhân vì một người đã bị khóa chặt tay chân tất nhiên phải được tự do mồm mép một chút. Rồi quay sang đám phạm nhân, chàng nói:
- Hỡi những người anh em rất thân mến, những điều anh em vừa nói ra chứng tỏ rằng tuy anh em có tội nhưng anh em không thích thú gì những hình phạt này và phải ra đi một cách rất miễn cưỡng. Có thể vì khiếp sợ trong lúc bị tra hỏi, vì không có tiền hối lộ, vì không được ai che chở, và cuối cùng vì sự phán đoán sai lệch của quan tòa mà anh em đã phải khổ sở như thế này. Đầu óc ta đang suy nghĩ về những điều đó và ta tự bảo, tự nghĩ, tự thấy rằng mình phải mang tài năng mà Trời đã phú cho để đảm đương nhiệm vụ của người hiệp sĩ trên đời này và để thực hiện nguyện vọng của ta là cứu vớt những kẻ khốn cùng và những kẻ bị quyền lực áp bức. Song, ta phải khôn khéo, biết dùng biện pháp mềm dẻo một khi không cần cứng rắn. Vì vậy, thưa ông đội và các ông lính giải tù, xin hãy tháo xiềng xích và giải thoát cho những tội nhân này. Sẽ không thiếu người phụng sự đức vua trong những trường hợp khác thuận lợi hơn. Thật là một điều cay nghiệt nếu ta giam * những người đã được Chúa và tạo hóa trao cho tự do. Vả chăng, thưa các ngài, những con người khốn khổ này không hề xúc phạm các ngài, hãy mặc họ với những tội lỗi của họ. Chúa ở trên trời sẽ không quên trừng phạt những kẻ độc ác và khen thưởng những người lương thiện; thật là một điều không hay một khi có những người lương thiện hành hạ những kẻ khác mà không được lợi lộc gì. Tôi thân ái yêu cầu các ngài, nếu các ngài nhận lời cho, tôi sẽ xin hậu tạ. Còn nếu các ngài không ưng thuận, mũi giáo và lưỡi gươm này cùng với cánh tay dũng mãnh của tôi sẽ buộc các ngài phải tuân theo.
- Rõ thật ấm ớ, viên đội đáp, nói dễ nghe thế! Muốn chúng tôi thả những tội nhân của đức vua ư? Làm như chúng tôi có quyền thả chúng ra hoặc ông có quyền ra lệnh cho chúng tôi ấy. Thôi, mời ông đội lại cái thau ngay ngắn trên đầu và hãy đi cho, đừng có tìm mèo ba chân làm gì.
- Chính mi là mèo, là chuột, là kẻ nói láo, Đôn Kihôtê nói.
Rồi nhanh như cắt, chàng xông thẳng tới viên đội đâm luôn một nhát giáo; viên này không kịp trở tay ngã lăn xuống đất. Thật may cho Đôn Kihôtê vì viên này có súng. 2
Những người lính kia sửng sốt, sững sờ trước cuộc tấn công bất ngờ; nhưng rồi họ trấn tĩnh lại, vung gươm mác, xông vào đánh Đôn Kihôtê; chàng hiệp sĩ ung dung chống đỡ. Cũng may đám phạm nhân thấy có cơ hội thoát thân, bèn phá tung xiềng xích khiến cho bọn lính bị lúng túng, vừa phải chống đỡ với Đôn Kihôtê, vừa phải ngăn chặn tù nhân phá xiềng. Trong khi đó, Xantrô đến tháo gông xích giúp Hinêx đê Paxamôntê. Được giải thoát, anh chàng này xông ngay tới viên đội đang nằm liệt dưới đất, tước luôn gươm và súng của y, rồi chĩa súng vào đám lính giải tù dọa bắn. Phần vì sợ oai khẩu súng của Paxamôntê, phần vì bị các phạm nhân khác ném đá, những người lính chạy tán loạn. Riêng Xantrô rất lo chuyện này; bác nghĩ rằng bọn lính vừa chạy trốn sẽ đi gặp đội Xanta Ermanđát, đội sẽ kéo chuông báo động và sẽ đi lùng những kẻ có tội. Bác ngỏ ý đó với chủ và khuyên nên đi trốn ngay vào khu rừng gần đấy.
- Đúng rồi, Đôn Kihôtê nói, nhưng trước đó còn có một việc phải làm đã.
Chàng gọi đám tù nhân lúc này đang chạy lung tung sau khi đã tước hết quần áo của viên đội; họ đứng vòng quanh Đôn Kihôtê chờ nghe ý kiến của chàng. Đôn Kihôtê nói:
- Những con người có giáo dục đã nhận ơn của ai thì phải đền bồi, và một trong những tội lỗi khiến Chúa bất bình nhất là sự vong ân bội nghĩa. Ta nói vậy vì các ngài đã tận mắt nhìn thấy ta giúp đỡ các ngài như thế nào. Để đền ơn đó, ta muốn rằng sau khi đã được ta giải thoát, các ngài lại đeo tất cả những gông cùm này vào cổ và đi tới thành Tôbôxô trình diện trước nàng Đulxinêa; các ngài sẽ thưa với nàng rằng hiệp sĩ của nàng tên là Mặt Buồn phái các ngài đến; hãy kể tỉ mỉ sự việc kinh thiên động địa vừa qua, từ đầu cho tới lúc các ngài được giải phóng, sau đó các ngài sẽ được tự do, muốn đi đâu tùy ý.
Thay mặt mọi người, Hinêx đê Paxamôntê đáp:
- Thưa vị cứu tinh của chúng tôi, quả thực điều ngài yêu cầu không sao thực hiện được vì rằng chúng tôi không dám đi cùng một đường; chúng tôi phải đi riêng lẻ, mỗi người một phía, rúc vào lòng đất mà đi để tránh đội Xanta Ermanđát lúc này chắc chắn đang trên đường truy lùng. Ngài có thể đòi hỏi chúng tôi - và ngài nên như vậy - đọc những bài kinh cầu phúc cho ngài thay thế cho việc đến trình diện nàng Đulxinêa ở thành Tôbôxô. Chúng tôi có thể đọc ngày đọc đêm, lúc chạy trốn cũng như khi nghỉ ngơi, lúc bình yên cũng như khi loạn lạc. Nhưng nếu ngài muốn chúng tôi trở về kiếp cũ, nghĩa là lại đeo gông cùm vào người và đi tới thành Tôbôxô thì có khác gì bảo rằng lúc này là đêm tuy rằng mới mười giờ sáng. Đòi hỏi chúng tôi làm việc đó khác nào đòi hỏi cây du sinh ra quả lê.
- Ta thề có Chúa, Đôn Kihôtê nổi khùng nói, hỡi tên Đôn Hinêxiiô đê Parôpiiô, đồ *, mi sẽ phải đi một mình một cách nhục nhã, với tất cả gông cùm xiềng xích trên người.
Paxamôntê chẳng lạ gì Đôn Kihôtê là một người điên rồ, chứng cớ là chàng đã làm một việc xằng bậy muốn giải thoát cho đám tội nhân; nhưng vốn không chịu được lời nói, thấy bị xỉ vả như vậy, y bèn đưa mắt ra hiệu cho đồng bọn lùi ra xa một chút, rồi tất cả quăng đá như mưa vào Đôn Kihôtê khiến chàng không còn tay nào giơ khiên ra đỡ nữa; trong khi đó, con Rôxinantê khốn khổ cứ đứng ì ra như ngựa đồng mặc cho đinh thúc vào sườn; Xantrô núp sau con lừa để tránh trận mưa đá đang đổ xuống đầu cả hai thầy trò. Đôn Kihôtê không sao tránh được hết, đành giơ mình hứng những hòn đá mạnh như trời giáng, cuối cùng ngã lăn xuống đất. Tù nhân có bộ mặt sinh viên xông ngay tới giật cái chậu trên đầu Đôn Kihôtê, phang ba bốn cái vào lưng chàng rồi thẳng tay quật xuống đất làm vỡ tan. Lũ bất nhân tước luôn cả áo choàng ngoài của chàng; chúng còn định lột cả chiếc quần nịt nhưng bị vướng áo giáp ngoài; Xantrô cũng bị lột mất áo ngoài. Xong xuôi, chúng chia nhau những chiến lợi phẩm rồi mỗi đứa đi một ngả, lo thoát khỏi tay đội Xanta Ermanđát hơn lo phải đeo gông xiềng đến trình diện trước nàng Đulxinêa ở Tôbôxô.
Còn trơ con lừa, Rôxinantê, Xantrô và Đôn Kihôtê. Chú lừa cúi gục đầu có vẻ suy nghĩ, đôi tai ve vẩy, tưởng đâu vẫn nghe thấy tiếng đá rít bên tai; Rôxinantê cũng bị trúng đòn nằm ngay bên cạnh chủ; Xantrô còn độc chiếc áo che thân, run lẩy bẩy nghĩ tới đội Xantra Ermanđát; còn Đôn Kihôtê thì rầu rĩ vì thấy bị những kẻ đã chịu ơn đối xử tồi tệ.