Từ Hắc Thủy phường thị đi về phía nam năm trăm dặm, đó chính là nơi cư ngụ của Huyền Thiên Tông.
Với tu sĩ thì năm trăm dặm, nói xa không xa, nói gần cũng không gần.
Phường thị tự do cách Huyền Thiên Tông gần nhất là Ngoan Đầu phường thị ở phía tây bắc Huyền Thiên Tông, nhưng quy mô của phường thị đó quá nhỏ, chủ yếu kinh doanh một ít tài liệu luyện chế bùa chú cấp thấp, và cung cấp một ít công pháp tu hành cần thiết cho tán tu.
Tu sĩ từ Trúc Cơ kỳ trở lên, bình thường cũng ít đi đến phố chợ loại nhỏ như thế này.
Khu vực của Huyền Thiên Tông cũng là năm trăm dặm, chu vi ba trăm dặm có mười bảy ngọn núi cao hơn ngàn trượng.
Mười bảy ngọn núi cao trên ngàn trượng này đều được bao phủ bởi một lớp băng dày, giữa mười bảy ngọn núi này hình thành luồng gió tự nhiên mạnh mẽ, tạo thành một hàng rào tự nhiên cho Huyền Thiên Tông.
Lớp băng trải qua vô số năm không còn là màu tuyết trắng hay xanh nhạt trong suốt, mà là một màu đen xì, dưới ánh mặt trời chiếu rọi, cũng có vẻ nặng nề mà sâu lắng.
Mười bảy ngọn núi này không có ngọn nào mà không bị thiên phạt đánh phải hay trải qua bao trận chiến giữa các tu sĩ mạnh mẽ, đỉnh của mỗi một ngọn núi đều bị nổ tung thành hình răng gãy, hơn nữa lớp băng bao trùm trên đó bị gió mạnh mài đến sắc bén như lưỡi dao, trông càng có vẻ lạnh lẽo.
Khu vực trung tâm của Huyền Thiên Tông là chu vi hai trăm dặm bên trong mười bảy ngọn núi này, lại là một cảnh tượng hoàn toàn khác.
Đây là một vùng thung lũng lõm tự nhiên, cương phong rét lạnh đến rìa bồn địa thì đột nhiên biến mất, bên trong bồn địa bốn mùa như xuân, linh hoa linh mộc khắp nơi đều có.
Trong bồn địa có ba mươi hai ngọn núi, đa số thật ra chỉ có thể xem như đồi núi, độ cao không quá mấy chục trượng. Số ngọn núi cao hơn trăm trượng cũng chỉ có mười ba ngọn, nhưng trong đó có một ngọn núi cao tới năm trăm trượng, cao hơn hai trăm trượng so với ngọn núi cao thứ hai. Nó nằm lẻ loi ở góc phía Bắc khu vực trung tâm của Huyền Thiên Tông. Nhìn từ trên cao xuống, nó giống như không hợp đàn mà cố ý cách xa ba mươi mốt ngọn núi còn lại.
Diện mạo của nó cũng rất độc đáo.
Ba mươi mốt ngọn núi còn lại của Huyền Thiên Tông có thể dùng từ mập lùn để hình dung, giống như là từng cái bánh bao tròn trịa. Nhưng nó lại vừa hẹp vừa cao, hiểm trở, làm cho người ta có cảm giác nó giống như là một mảnh từ bên ngoài đỉnh của mười bảy ngọn núi rơi xuống.
Mặc dù không có lớp băng bao phủ, nhưng phần lớn các vùng núi của nó đều là đá cứng rắn màu đen, ngoại trừ một ít cây tùng bách già, trong ngọn núi này cũng không có bao nhiêu linh mộc và linh hoa, chỉ có lạnh lẽo, không có cảm giác linh thiêng tú lệ.
Đây là một ngọn cô phong của Huyền Thiên tông.
Là nơi tu hành của đệ tử Huyền Thiên Tông Vương Ly và sư tỷ Lữ Thần Tịnh.
Trước kia trong Tiểu Ngọc Châu, Huyền Thiên Tông cũng không nổi danh bao nhiêu, nhưng mấy năm gần đây Lữ Thần Tịnh hay hay nổi hứng muốn tự bạo kim đan lại đi ngoài hành tẩu, ngọn cô phong này của Huyền Thiên Tông cũng có chút danh tiếng.
Cương phong bảo phủ mười bảy ngọn núi vòng ngoài Huyền Thiên Tông đối với đa số tu sĩ của Huyền Thiên tông đều là vô cùng hỗn loạn, không thể nắm bắt.
Sức gió nhỏ nhất so với pháp thuật cương phong do tu sĩ Luyện Khí nhất giai thi triển cũng không kém bao nhiêu. Nhưng sức gió mạnh nhất lại có thể so với một đòn toàn lực của tu sĩ Kim Đan đỉnh phong.
Cho dù tu sĩ Huyền Thiên Tông đã quen, quy hoạch mấy lối đi an toàn, nhưng qua mấy chục năm, vẫn có ít nhất ba tu sĩ Trúc Cơ kỳ của Huyền Thiên Tông bị cương phong hỗn loạn quét bay ra ngoài, giống như là đập con ruồi vậy, đập chết trên lớp băng.
Đương nhiên trong Huyền Thiên Tông cũng có trận pháp dịch chuyển thông với bên ngoài, nhưng bất kỳ trận pháp dịch chuyển nào cũng phải tiêu tốn linh khí, hơn nữa Huyền Thiên Tông cũng không cho phép tu sĩ cấp thấp đi lại bên ngoài thường xuyên. Cho nên Huyền Thiên Tông cũng không bận tâm việc phải mở ra một lối đi an toàn trăm phần trăm cho tu sĩ cấp thấp.
“Mười hai từ phải ghi nhớ khi nhập môn” mà Bạch Khê Chân Nhân đã nói với những mầm tiên của Tiên Kha Tông, thật ra cũng là chân ngôn mà đại đa số các tông môn thờ phụng.
Tu chân giả đoạt mệnh với trời, vốn là nghịch thiên mà đi, cá lớn nuốt cá bé, kẻ thắng làm vua kẻ thua làm giặc là tiêu chuẩn mà tất cả tông môn theo đuổi. Nếu ngay cả ra vào tông môn cũng bị cương phong thổi chết, vậy chứng tỏ bản thân không có số mệnh, sống cũng chỉ lãng phí linh sa của tông môn.
Trong mắt mọi người tư duy của Lữ Thần Tịnh không giống người bình thường, hiện tại nàng đang hóa thành kiếm quang bay đến vòng ngoài Huyền Thiên Tông, nàng vốn cũng không đi theo con đường tầm thường.