Phần 04.1: Bài học về tình yêu
“Khi bạn xét đoán người khác về
vẻ bề ngoài của họ,bạn sẽ không có đủ
thời gian để có thể thương mến họ được.”
Đó là một buổi sáng chủ nhật mùa đông lạnh lẽo. Tuyết phủ lên mọi vật một màu trắng xóa u buồn. Tuy vậy, bãi nhờ thờ vẫn đông đúc như mọi chủ nhật bình thường khác. Cho xe vào bãi xong, tôi vội vàng bước ngang qua mảnh sân ngập tuyết, cố vào bên trong thật nhanh để tránh cái lạnh kinh khủng như chực nuốt chửng mình. Bổng tôi thấy một người đàn ông ngồi dựa lưng vào bức tường dưới mái hiên bên ngoài nhà thờ. Có lẽ là một lão ăn mày. Ông ta gần như nằm trên sàn, chiếc áo khoác dài rách rưới che không hết người, để lộ bộ đồ mặc ấm bên trong cúng va víu tạm bợ. Đôi giày ông mang có lẽ ít nhất cũng đã ba mươi năm. Nó mòn vẹt, thủng lỗ chỗ thấy cả đôi tất cũ. Ông lão đội một chiếc mũ đen, kéo sùm sụp che cả khuôn mặt, chỉ nghe tiếng thở khò khè khó nhọc như đang ngủ. Tôi thoáng nhìn ông trong nữa giây, rồi quay mặt bước tiếp vào nhà thờ. Bên trong mọi người đã đến rất đông. Những quý ông mặc com-lê, sang trọng, những quý bà khoe đủ loại quần áo ấm đắt tiền đang rì rầm trò chuyện. Tôi cũng tìm cho mình một chỗ ngồi bên họ, chẳng mấy chốc đã quên ông lão ăn mày mình vừa thấy.
Chuông báo giờ lễ bắt đầu vang lên. Mọi người bên trong nhà thờ đứng dậy sẵn sàng để đón cha xứ vào làm lễ. Bỗng cánh cửa cuối nhà thờ mở ra lần nữa, và lão ăn mày bước vào. Ông chầm chậm đi theo những dãy ghế để lên trên trong sự ngạc nhiên và khó chịu của mọi người. Cuối cùng ông dừng lại và đưa tay lấy chiếc nón xuống. Thì ra đó là cha xứ.
Mọi người đứng yên kinh ngạc. Không ai nói được lời nào. Có lẽ không chỉ có hai má tôi đỏ ửng lên vì xấu hổ. Cha xứ từ tốn:
- Hôm nay, tôi chỉ muốn nói một câu đơn giản: “Khi bạn xét đoán người khác qua vẻ ngoài của họ, bạn sẽ không có đủ thời gian để có thể thương mến họ được”.
- Hoa Phượng -
Theo Love Lesson
Phần 04.2: Thiên thần không cần cánh để bay
“Không phải đôi cánh, mà chính trái tim
đã chấp cánh cho những thiên thần bay lên.”
Một trong những chuyến đi để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho tôi là chuyến đi đến Warsaw, Ba Lan cùng với đoàn gồm 30 học giả từ Viện Human Awareness ở San Mateo, California. Anh hướng dần viên Roben rất ngạc nhiên khi chúng tôi yêu cầu được đi thăm và tìm hiểu cộng đồng dân cư ở đây thay vì đến nhưng danh lam thắng cảnh - điều mà nhưng đoàn khách du lịch chẳng bao giờ đề nghị.
Địa điểm mà anh hăng hái giới thiệu với chúng tôi là dưỡng đường phục hồi sức khỏe cho các cụ bà.
Cuộc viếng thăm của chúng tôi đã khiến dưỡng đường rộn ràng hẳn lên. Các cụ bà ở đây đều vui vẻ và đón tiếp chúng tôi rất nồng hậu. Người lớn tuổi nhất cùng đã hơn 100 tuổi. Đó là một cụ bà có dòng dõi quý tộc với phong thái cao sang, quý phái. Bà đọc thơ cho chúng tôi nghe bằng nhiều thứ tiếng. Mặc dù không còn minh mẫn tắm nhưng nét dịu dàng, phúc hậu vẫn còn lưu giữ trên khuôn mặt bà.
Bệnh nhân trẻ nhất trong dưỡng đường là bà Olga, 58 tuổi, trước đây từng là mọt bác sĩ. Kể từ ngày vào viện, bà đã từ chối tiếp bất kỳ ai đến thăm, chỉ sống lặng lẽ như một chiếc bóng với nỗi ám ảnh của quá khứ. Cách đó tám lăm, người chồng yêu dấu và đứa con trai duy nhất của bà đã qua đời sau một vụ tai nạn giao thông đau đớn và suy sụp, bà không còn thiết sống nữa. Sau đám tang vài tuần, bà đã đâm đầu vào xe lửa tự vẫn. Đoàn tàu thắng kịp, bà không chết nhưng hai chân thì đã bị cán cụt.
Thế nhưng, nỗi đau thể xác cũng không thể làm vơi đi nỗi đau trong lòng bà. Khi nhìn người phụ nữ tội nghiệp này, tôi có thể thấu hiểu và cảm thông được với những gì bà đang phải chịu đựng. Nhẹ nhàng cầm lấy đôi bàn tay gầy guộc của bà, tôi ngồi xuống bên cạnh.
Chúng tôi cứ ngồi như thế với nhau, không ai nói lời nào. Nhưng sự im lặng không phải là hoàn toàn vô nghĩa. Một lúc sau, tôi thấy bàn tay nóng ấm của bà run lên, rồi bà siết nhẹ tay tôi. Một giọt lệ trên khóe mắt bà rơi xuống. Lần đầu tiên kể từ ngày vào đây bà đã có thể khóc. Và tôi cũng khóc. Nhẹ nhàng và từ tốn, tôi kể cho bà nghe câu chuyện về một thiên thần bị thương đôi cánh trắng tuyệt đẹp của mình. Khi một em bé hỏi thiên thần làm cách nào để bay được với đôi cánh bị thương ấy thiên thần đã trả lời: "Thiên thần không cần cánh để bay, con ạ! Ta bay được, vì ta có một trái tim biết yêu thương!".
Ngày chia tay thật là quyến luyến. Các cụ bà đều muốn giữ chúng tôi ở lại chơi lâu hơn. Một vài người ôm chúng tôi thật chặt như không muốn buông khi chúng tôi hôn chào từ biệt. Tôi thầm nghĩ đây sẽ là nơi mà tôi muốn đến thăm đầu tiên khi có dịp quay trở lại đất nước này. Tâm hồn trẻ trung, thân ái của các bà đã khiến chúng tôi thật sự xúc động.
Khi đoàn chúng tôi bước ra sảnh chính, thì một điều kỳ diệu xuất hiện trước mặt tôi. Bà Olga, tươi tắn trên chiếc xe lăn, đang mỉm cười với tôi. Đó cũng là lần đầu tiên từ bao nhiêu năm qua, bà ra khỏi phòng mình.
- Thùy Mai -
Theo Angels Don’t Need Legs To Fly
Phần 04.3: Chiếc thắt lưng bạc
“Những vật kỷ niệm chỉ nhắc nhở tình yêu,
con tin mới là nơi tình yêu tồn tại.”
Đang lang thang trên con phố yên tĩnh trong một thị trấn nhỏ nằm lẻ loi dưới chân đồi thuộc miền Bắc California, tôi bị thu hút ngay bởi một cửa hiệu cũ kỹ bán hàng lưu niệm của người da đỏ.
Chủ cửa hiệu là một người phụ nữ cao lớn, phúc hậu mà ra mới nhìn vào, ta đã có thể tin tưởng và cảm mến ngay. Tôi hỏi thăm bà về chiếc thắt lưng bạc, lòng khấp khởi hy vọng rằng biết đâu, bà cũng có bán một chiếc trong cửa hiệu của mình. Trước vẻ háo hức của tôi, bà dịu dàng nói, vẻ áy náy: "Không có con gái ạ! Trước đây, loại thắt lưng bạc ấy ở cửa hàng ta nhiều lắm, nhưng giờ thì không còn nữa". Thế là tiêu tan hy vọng. Đã bao lâu nay, tôi đi tìm mua cho bằng được một chiếc, vậy mà vẫn không tìm ra. Đứng tần ngần một lúc, không hiểu sao, tôi lại đem câu chuyện của mình kể cho bà nghe, như tìm một sự cảm thông từ người phụ nư hiền từ này - người có một vẻ gì đó rất giống mẹ tôi.
Chiếc thắt lưng bạc ấy là của mẹ tôi, một người cũng mang trong mình dòng máu mạnh mẽ của người da đỏ. Khi mẹ tôi mất, người đã trao lại nó cho tôi. Tôi đã gìn giữ vật của mẹ rất cẩn thận, cứ lau chùi và ngắm nghía mãi với một tình cảm tiếc thương khôn nguôi. Sự ra đi của mẹ đối với tôi là một mất mát quá lớn, không gì có thể bù đắp lại được. Vậy mà tôi vẫn không giữ được kỷ vật đó.
Trong một chuyến đi xa, kẻ trộm đã lấy cắp chiếc va ly đựng hành lý của tôi, trong đó có cả chiếc thắt lưng ấy. Tôi đã thật sự thất vọng và buồn bã vì chuyện này, đến độ một thời gian dài sau đó vẫn không thôi tự dằn vặt mình sao lại bất cẩn đến thế!
Nghe xong câu chuyện, người phụ nữ da đỏ phúc hậu âu yếm nhìn tôi. Bà đặt một tay lên vai tôi còn đôi mắt nhìn thẳng vào tôi mà nói: "Con hãy nhớ rằng món quà có ý nghĩa thật sự mà mẹ con đã trao lại cho con là món quà về tinh thần. Con đa được an ủi khi có được chiếc thắt lưng của mẹ mình, nhưng chính tâm hồn con mới là nơi bà hiện diện. Con đau buồn làm chi về một vật đã mất đi không thể lấy lại được nữa, trong khi mẹ vẫn ở trong con mỗi ngày. Bà mẹ nào sinh ra cũng mang trong mình một thiên chức: ở bên cạnh và che chở, yêu thương đứa con của mình. Mẹ của con sẽ thực hiện điều đó ngay cả khi bà không còn trên thế gian này nữa, con ạ!"
Nghe người phụ nữ da đỏ nói tôi chợt thấy lòng mình thanh thản lạ kỳ. Và từ đó, tôi không còn cố công tìm kiếm chiếc thắt lưng đã mất nữa. Mẹ tôi không phải chỉ hiện diện qua chiếc thắt lưng ấy, mà bà luôn ở trong tôi, mỗi ngày.
- Hoa Phượng -
Theo Selver Belt
Phần 04.4: Ngôi nhà mơ ước
“Bạn luôn có thể làm được, nếu bạn thử
mọi cách mà mình có thể.”
Tôi là một cảnh sát, chỉ mới vào nghề được vài năm. Tiền lương hàng tháng của tôi ngoài việc chỉ dùng cho cá nhân, gửi một ít về cho cha mẹ ở quê chỉ còn một khoản nhỏ để tiết kiệm. Tôi khá bằng lòng với cuộc sống của mình, một cuộc sống bình lặng, sáng đi làm, và tối lại về căn phòng nhỏ chưa đầy 10m mà tôi đã thuê từ năm ngoái. Có được một ngôi nhà của riêng mình, đối với tôi là cả một giấc mơ cao xa ngoài tầm với.
Trong hành trình tuần tra mỗi sáng, tôi vẫn thường đi ngang qua ngôi nhà gỗ rất dễ thương của một ông cụ bảy mươi tuổi, nằm gọn giữa trang trại rộng hơn 1500m nhìn ra thung lũng. Một hay hai lần một tuần, tôi lại ghé vào thăm ông.
Ông cụ sống cô đơn một mình, không con cháu, và cũng chưa bao giờ tôi nghe ông nhắc đến một người thân nào của mình. Chúng tôi thường ngồi uống trà, trò chuyện cùng nhau hoặc tản bộ vài phút trong vườn.
Quang cảnh nơi đây rất tuyệt vời: hàng phong cổ thụ ngả bóng xuống cánh đồng hoa hướng dương vàng cục một màu. Một con rạch nhỏ vắt ngang qua trang trại, uốn mình vươn dài đến vùng cỏ non xanh mướt của thung lũng.
Thế rồi một hôm, phía trước cánh cổng của trang trại xuất hiện một tấm bảng rao bán. Ông cụ buồn rầu nói với tôi rằng sức khỏe ông hiện rất kém. Ông đành phải bán ngôi nhà xinh đẹp rủa mình để dọn đến sống tại một khu dưỡng lão ở gần đó. Cái giá ông đưa ra là 300 ngàn đô la, không trả góp. Nghĩ đến việc toàn bộ khu trang trại xinh đẹp này phải thuộc về một người xa lạ, tôi cảm thấy tiếc nuối vô cùng, như thể nó đã gắn bó với mình từ rất lâu rồi vậy. Trong tôi bỗng dậy lên một nỗi ước ao: giá như tôi có thể mua lại nó. Song, tôi chỉ có 3 ngàn đô la tiền tiết kiệm và một khoản tiền luơngvừa phải hàng tháng.
Thật khó có thể hy vọng về một hơp đồng mua bán khi tôi chỉ có thể trả ngay % số tiền mà thôi. Thế nhưng, vào một buổi chiều nhạt nắng, tôi đã ngồi tâm sự cùng ông nỗi ao ước có đuợc một ngôi nhà để đón cha mẹ về ở cùng, kể ông nghe về vùng quê nơi tuổi thơ tôi gắn bó - một vùng quê thanh bình và yên ả như chính nơi này. Và rồi, tôi đề nghị:
Nếu ông bán cho cháu ngôi nhà này, cháu hứa sẽ đến viện dưỡng lão đón ông về chơi mỗi cuối tuần. Mẹ cháu sẽ làm cơm cho cả phần ông, chúng ta sẽ là một gia đình, ông ạ! Cháu sẽ chăm nom, gìn giữ cảnh vật nơi đây và không thay đổi bất cứ điều gì cả. Ông có thể ngồi dưới gốc cây này chơi cờ tướng với bố cháu hay tản bộ cùng cháu như truớc giờ.
Ông cụ không trả lời tôi ngay lúc đó, mà hẹn sẽ gọi điện thoại cho tôi khi nào đã suy nghĩ kỹ. Tôi ra về lòng không hy vọng gì mấy. Dù gì thì số tiền của tôi cũng quá ít ỏi so với yêu cầu của ông.
Tuyệt diệu thay,vài ngày sau, ông cụ bảo tôi hãy soạn thảo một hợp đồng với giá mua là 300 ngàn đô la, trả trước 3 ngàn, 29 ngàn đô la còn lại sẽ được trả dần cùng tiền lãi 500 đô la mỗi tháng. Ông còn vui vẻ tặng tôi tất cả những vật dụng trong nhà, cả cây đàn piano mà ông rất yêu quý.
Tôi thật không thể tin được cái mà mình đang có trong tay. Tôi đã thành công ngoài sức tưởng tưởng, đã biến giấc mơ tưởng như xa vời của mình thành hiện thực. Nhưng còn một điều tuyệt vời hơn nữa, là mối quan hệ tốt đẹp với ông. Tôi đã giữ đúng lời hứa, và từ ngày đó, chúng tôi là một gia đình.
- Thùy Mai -