[phần 1]
12 giờ đêm.
Sách cổ chép rằng, vào giờ này, gió rét căm căm, muôn âm thanh tịch mịch, vong linh xuất hiện…
Xuân Vũ đang run rẩy ngồi trên giường tầng trong phòng ký túc xá, trùm chăn, xem mẩu tin nhắn mà di động của cô vừa nhận được.
“Hoan nghênh bạn đã đến địa ngục”. Cô đọc lại rành rọt từng chữ một. Xuân Vũ thấy sống lưng lạnh toát, hình như cô đã ngửi thấy mùi của địa ngục. Cô nhìn căn phòng một cách bất lực, ánh đèn đầu giường sao mà nhạt nhòa, bên ngoài cửa sổ tối đen như mực, chẳng lẽ địa ngục ở ngay bên cạnh mình? Cô run run, lắc đầu. Tại sao Thanh U lại muốn đưa cô xuống địa ngục?
Cô đăm đăm nhìn màn hình di động, mẩu tin nhắn bảy chữ như một con dấu nóng bỏng in sâu vào đôi mắt cô.
Cô đang rất lúng túng, thì tiếng “tít tít” lại vang lên.
Vẫn là Thanh U nhắn tin.
“Nickname của bạn là gì?”
Đọc tin này, Xuân Vũ ngớ ra. Thế là gì vậy? Chỉ có chat trên mạng hoặc trên di động thì mới dùng nickname chứ! Chẳng lẽ Thanh U muốn trò chuyện với cô ở địa ngục?
“Nickname của mình ư?” Mọi ngày Xuân Vũ rất ít chat trên mạng, nên cũng không dùng nickname. Nghĩ ngợi một hồi, cô bỗng nảy ra một cái tên “Tiểu Chi”.
Tiểu Chi trong “Chung cư thôn vắng”? Đúng thế. Với cô, cái tên này có ý nghĩa rất đặc biệt. Thế là Xuân Vũ nhập 2 chữ Tiểu Chi vào di động, coi như nickname và nhắn trả lời luôn.
Vừa phát xong chưa đến 5 giây, Xuân Vũ lại nhận được tin nhắn trả lời.
Nhưng, nội dung tin nhắn này thực là lạ lùng.
“Bạn đã bước vào tầng 1 địa ngục, hãy lựa chọn: 1. Lâu đài Dracula; 2. Chùa Lan Nhược; 3. Khách sạn Jamaica; 4. Quán trọ U linh; 5. Phủ tiến sĩ thôn vắng.”
Xuân Vũ thầm nhẩm một lượt, cô càng không hiểu ra sao.
“Tầng 1 địa ngục?” Nghĩa là thế nào? Cô lập tức liên tưởng đến “18 tầng địa ngục” mà người ta vẫn nói. Hồi nhỏ thường nghe thấy người ta rủa nhau “Phải tống cổ mày xuống 18 tầng địa ngục!”
Nhưng tại sao lại đưa ra 5 địa danh: Lâu đài Dracula, Chùa Lan Nhược, Khách sạn Jamaica, Quán trọ u linh, Phủ tiến sĩ thôn vắng? Cô chưa từng nghe nói “Lâu đài Dracula”, nhưng có nghe nói về chùa Lan Nhược: truyện “Nhiếp Tiểu Sảnh” trong Liêu Trai chí dị kể rằng Ninh Thái Thần và Nhiếp Tiểu Sảnh đã yêu nhau ở chùa Lan Nhược.
“Khách sạn Jamaica” thì quá lẫy lừng, nhờ có cuốn tiểu thuyết cùng tên – bộ tiểu thuyết huyền bí rất có tiếng vang trên văn đàn của nữ văn sĩ Anh quốc Daphne du Maurier, bà cũng là tác giả cuốn “Giấc mộng hồ điệp”.
“Quán trọ u linh” là tên cuốn truyện kinh dị của người Trung Quốc sáng tác, Xuân Vũ cũng đã từng đọc rất say mê.
Còn về “Phủ tiến sĩ thôn vắng” thì lại càng rất ấn tượng với Xuân Vũ, vì cô đã từng đến đó và đã trải qua những chuyện không sao tưởng tượng nổi trên đời.
Bây giờ cô phải chọn một trong 5 địa điểm trên.
Mình đã chọn nickname là Tiểu Chi, thì đương nhiên phải trở về nhà của “Tiểu Chi”! Xuân Vũ mặc nhiên lựa chọn địa điểm số 5: Phủ tiến sĩ thôn vắng.
Cô soạn tin là “số 5”, và gửi trả lời.
Chỉ vài giây sau, cô đã nhận được tin nhắn của đối phương.
“Bạn đã bước vào Phủ tiến sĩ thôn vắng, cần lựa chọn: 1. Đại sảnh; 2. Lầu nhỏ; 3. Sân sau; 4. Địa cung”.
Đọc tin nhắn này, thì cô hình như lại trở về cái thôn vắng ấy. Ai đã đọc cuốn “Chung cư thôn vắng” thì đều biết “Phủ tiến sĩ” là một khu nhà lớn trong thôn, bên trong ẩn chứa bao điều huyền bí xa xưa, nơi ấy cũng là ác mộng đã từng hành hạ Xuân Vũ.
Giờ đây cô đang giở lại cơn ác mộng đó.
Cô thản nhiên soạn tin “Sân sau” và gửi đi.
Đối phương trả lời ngay:
“Bạn đã bước vào sân sau, ngoài cây mai ra, còn nhìn thấy: 1. Ngôi mộ; 2. Cái giếng cũ; 3. Cái ao; 4. Sơn động.”
Xuân Vũ đang dồn hết tâm trí, quên hẳn mình đang ở nơi nào, và cũng không thấy rét hay buồn ngủ. Đọc mẩu tin nhắn từ địa ngục này, cô cố hồi tưởng lại về thôn vắng… Đúng! Sân sau có một cây mai, một cái giếng cổ nhưng không có mồ mả, ao hồ hoặc sơn động…
Cái giếng! Xuân Vũ không nghĩ ngợi nữa, soạn “số 2” gửi trả lời.
Vài giây sau, đối phương nhắn lại ngay:
“Đã chọn đúng. Đến bên giếng nhìn xuống, sẽ thấy hình như đáy giếng có một đôi mắt. Hãy lựa chọn: 1. Tiếp tục; 2. Bỏ qua.”
Lúc này dường như Xuân Vũ không kiểm soát nổi mình nữa, cô chọn ngay “Tiếp tục”.
Sau khi phát đi số 1, đối phương trả lời luôn:
“Rất tiếc, sự lựa chọn của bạn khiến bạn phải hối hận suốt đời. Khi đứng bên nhìn xuống giếng, bạn sẽ bị một đôi tay đẩy bạn ngã xuống đáy giếng.”
[phần 2]
Xuân Vũ đọc xong mẩu tin này, đôi tay cô run bắn. Cô cảm thấy lưng cô nong nóng, hình như có đôi bàn tay đẩy cô một cái, khiến cô rơi xuống vực sâu không đáy.
Cô vội lắc người thật mạnh, suýt nữa ngã nhào xuống sàn, cả cái giường cũng chao đi. Cô không dám ngồi như thế nữa, bèn lại chui vào chăn nằm.
Tiếng “tit tít” lại vang lên, cô cầm máy vào trong chăn để đọc tin.
“Hiện giờ xung quanh bạn tối đen, chỉ có ánh sáng le lói trên đầu. Bạn giơ tay ra sờ, sẽ thấy xung quanh là thành giếng giá lạnh mọc đầy rêu trơn”.
Nằm trong chăn tối om đọc màn hình máy di động, Xuân Vũ cảm thấy mình đang ở dưới đáy giếng – một không gian chật hẹp tối om, chỉ thấy ánh sáng nhờ nhờ, là miệng giếng hay là màn hình di động?
“Mình đã rơi xuống giếng thật ư?”
Xuân Vũ cảm thấy tuyệt vọng và gần như ngạt thở, hai tay cố đưa về phía trước, nhưng quả nhiên cô sờ thấy thành giếng giá lạnh, bàn tay nhớp trơn – đó là rêu xanh lâu năm không được thấy ánh dương.
Đúng thế, cô đã đến thôn vắng, ngồi dưới đáy giếng ở sân sau của Phủ tiến sĩ xa xưa, ngồi trên những đám xương trắng của những người nhảy xuống giếng ngày trước nhìn lên vòng ánh sáng mặt trời nhợt nhạt trên đầu.
Cô đã bị giam cầm ở đây 100 năm.
Khi Xuân Vũ định hét to lên thì giai điệu “Phá gió đông” của Châu Kiệt Luân bỗng vang lên – đó là tiếng chuông di động của cô. Ai gọi điện cho mình nhỉ?
Mặc kệ, dù là đang ở trong chăn hay dưới đáy giếng, mặc kệ người gọi là ai, Xuân Vũ nhấn nút nghe ngay.
Sau vài giây ngập ngừng, một giọng nữ vang lên: “Chúng ta đã phạm tội gì, tại sao phải đến tầng 1 địa ngục mới có thể gặp nhau?”
Xuân Vũ ngớ người, giọng của đối phương rất kỳ quái. Cô chưa bao giờ nghe thấy giọng nói này, hình như không phải do miệng con người phát ra, nhịp điệu và âm sắc đều cứng ngắc, không thể hiện ngừng ngắt và ngữ điệu như của mọi người, các dấu giọng hầu như đều lơ lớ ngang ngang như nhau, lại eo éo như giọng thái giám trong các phim truyền hình.
Nhưng Xuân Vũ vẫn buột miệng hỏi lại: “Cô là ai? Thanh U phải không?”
Hình như đối phương không nghe thấy câu hỏi, vẫn tiếp tục nói với tốc độ vừa rồi: “Tôi là điển thê, cô gái bị ném xuống giếng, đã chết từ lâu”.
Điển thê? Đã chết, bị ném xuống giếng? Mình đang đối thoại với u linh ở dưới giếng hay sao? Xuân Vũ biết “điển thê” là gì: nông thôn Trung Quốc thời xưa có 1 phong tục, người nghèo đem vợ của mình cho nhà giàu “thuê” làm thiếp, sau khi hết hạn thuê, nhà giàu trả cô ta về cho chồng. Tiểu thuyết nổi tiếng “Người mẹ đi làm nô lệ” viết vào thập kỷ 30, lấy phong tục “cho thuê vợ” này làm đề tài.
Không đợi Xuân Vũ lên tiếng, cô gái kia lại tiếp tục kể lể: “Tôi vốn dĩ có chồng có con, nhưng vì gia cảnh khốn khó nên phải đến nhà họ u Dương, hạn thuê là 3 năm, vì ông u Dương muốn có con nối dõi. Năm sau đã sinh cho ông ta một đứa con trai, nên tôi muốn trở về nhà. Ông u Dương cấm tôi bước ra khỏi cửa, nên đã nhốt tôi vào sân sau. Có một hôm tôi đã trốn ra nhưng lại bị bắt trở lại ngay. Đàn bà dám bỏ trốn là tội lớn ở thôn quê, theo phép tắc thời đó, tôi phải bị ném xuống giếng. Thế là tôi bị đẩy xuống giếng ở sân sau.”
Tiếp đó, nghe thấy di động vang lên một tiếng “ùm”, hình như có thứ gì đó rơi xuống giếng, nước bắn tung tóe lên thành giếng, sau đó là bóng tối vĩnh viễn…
Những lời kể vừa rồi rất bình thản, qua những âm thanh quái dị ấy, Xuân Vũ hình như nhìn thấy cái oan hồn kia – cô ta mặc trang phục thùng thình theo kiểu những năm đầu Dân Quốc (sau năm 1911), có búi tóc khá to, chắc cô ta còn rất trẻ, khuôn mặt xinh đẹp, hơi xanh xao, đang ngồi ở đáy giếng u ám nhìn vào Xuân Vũ kể lể chuyện đời bi thảm của mình.
Cô ấy là một “điển thê”, chết vào những năm đầu Dân Quốc, và vẫn ở đáy giếng ngẩng nhìn lên trời, đôi mắt mang nỗi oán hận vĩnh viễn không nguôi. Nay cô ấy từ đáy giếng cổ ở thôn vắng, gọi điện cho Xuân Vũ – không, cô ấy ngồi đối diện với Xuân Vũ, chầm chậm giơ cánh tay trắng nhợt ra vuốt ve khuôn mặt đầy sợ hãi của Xuân Vũ.
Lúc này Xuân Vũ thấy điển thê đã nắm lấy chân cô và kéo xuống. Nơi đáy giếng tối tăm còn có một cái hang rất sâu. Đây là tầng thứ nhất địa ngục.
Người cô ngập trong sình lầy, tất cả đều sắp chìm trong bóng đen, Xuân Vũ thấy thần kinh của mình mỗi lúc càng thêm mơ hồ.
“Không!”
Cô bỗng thét lên, hai chân đạp thật mạnh, cho đến lúc đạp tung cả tấm chăn đang đắp.
Thoát ra khỏi cái chăn dày nặng, Xuân Vũ ngồi dậy. Đèn ở đầu giường vẫn sáng, rọi lên khuôn mặt nhợt nhạt của cô. Cứ như vừa mới ngoi lên khỏi giếng nước, Xuân Vũ thở hồng hộc, và hình như còn nôn ra nước.
Thở mãi 1 hồi lâu, giờ cô mới chú ý đến chiếc di động. Từ nãy đã ngừng cuộc điện thoại, bây giờ đã có một tin nhắn mới.
“Bạn đã đi qua tầng 1 địa ngục, bước vào tầng 2”
Đọc mẩu tin này, Xuân Vũ có phần mơ hồ khó hiểu. Lúc nãy coi như tầng 1 địa ngục ư?
Dường như đã nghĩ ra, cô lại gật gật đầu. Có lẽ, tựa như chơi game, đã vượt qua được 1 cửa, thì còn phải vượt cửa tiếp theo.
Nếu lúc nãy cô không chọn “Phủ tiến sĩ” mà chọn “lâu đài Dracula” hoặc “Chùa Lan Nhược” thì sự thể đã hoàn toàn khác. Cô sẽ không gặp cú phôn của điển thê gọi đến, mà sẽ đối thoại với ma nữ Nhiếp Tiểu Sảnh cũng nên? Nghĩ đến đây Xuân Vũ nhếch miệng cười cay đắng.
Khi nhịp thở đã tạm bình thường, Xuân Vũ mới nhìn ra tin nhắn này không phải của Thanh U, mà là do 1 số máy lạ gửi tới.
Số xxxxx741111.
Cô thấy hơi kỳ cục, bèn tra lại tin nhắn trước đó, thì không thấy máy lưu lại. Vậy là chỉ còn một tin nhắn cuối cùng này.
Cô lại lặng lẽ ngồi một lúc, không thấy có thêm tin mới nào nữa. Cô có thể thở phào được rồi.
Một cơn gió lạnh tràn vào căn phòng khiến Xuân Vũ đang mặc phong phanh phải rùng mình. Đã 1 giờ rưỡi sáng, cô không chịu đựng thêm được nữa, bèn tắt đèn đầu giường, nhắm mắt.
Địa ngục tầng nọ tầng kia, hãy quên đi! Xuân Vũ tự nhủ. Rồi cô chìm vào giấc ngủ.
Căn phòng lại yên tĩnh như thường, bên ngoài cửa sổ gió lạnh vẫn rú rít, không rõ có bao nhiêu vong linh đang lầm lũi đi trong đêm tối…
[phần 3]
Có lẽ vì đêm qua quá mệt mỏi, nên mãi đến 8 giờ sáng Xuân Vũ mới thức dậy.
Cô dụi mắt, xuống giường, mong sao mọi chuyện đêm qua chỉ là giấc mơ. Nhưng cô vẫn không dám nhìn di động của mình, vì sợ lại thấy những tin nhắn kiểu ấy.
Chẳng rõ Văn Nhã đã về phòng từ lúc nào, cô ta đang lặng lẽ ngồi trên giường tầng dưới đối diện, mải mê với các tin nhắn. Văn Nhã thu mình thành một khối, trông rất giống một con búp bê. Trông dáng vẻ này của bạn, Xuân Vũ bỗng thấy hơi lo lo, cô bèn ướm hỏi: “Nửa đêm qua cậu đi đâu thế?”
Văn Nhã chầm chậm ngẩng đầu, hình như không hài lòng vì Xuân Vũ đã làm cô bị gián đoạn gửi tin nhắn. Cô lầu bầu: “Không thấy tớ đang bận à? Nửa đêm tớ đi đâu, việc gì đến cậu?”
“Mình lo cậu xảy ra chuyện gì đó…”
“Này, đừng có rủa tớ!” Văn Nhã lườm Xuân Vũ, tuy nhiên giọng nói thì lại rất hững hờ; cô lại cắm cúi gửi tin nhắn.
Thế này thì còn biết nói gì nữa? Xuân Vũ lắc đầu, bước ra khỏi phòng.
Hôm nay thứ 7 không phải lên lớp, nhưng gần đây Xuân Vũ đang chuẩn bị luận văn tốt nghiệp cho năm sau. Cô định hôm nay sẽ đi điều tra các số liệu, nhưng những ngày này quả là không còn tâm trí nào để đi.
Đề tài cô đã lựa chọn là “Tin nhắn di động và sự kết nối của nhân loại”.
Có lẽ vì chịu ảnh hưởng của “giới Ngón tay cái” (chỉ bấm máy di động, soạn tin nhắn) xung quanh, nên từ năm ngoái cô đã suy nghĩ về đề tài này rồi. Vả lại, đề tài này cũng tương đối lạ, hình như chưa có ai làm; thầy giáo cũng cho là khá mới mẻ. Xuân Vũ đã ấp ủ suốt một năm trời, đã tra cứu rất nhiều thư tịch về lịch sử kết nối của nhân loại, thậm chí còn định đến thực tập ở công ty kinh doanh dịch vụ nhắn tin nữa.
Những ngày gần đây cô đã thử viết phần mở đầu của luận văn.
“Lịch sử kết nối để hiểu biết lẫn nhau của loài người, căn cứ vào công cụ và phương thức truyền tải, có thể chia làm năm giai đoạn: giai đoạn thứ nhất, người nguyên thủy dùng động tác để giao lưu, gọi là thời đại Thân thể; giai đoạn thứ hai, các bộ lạc dùng tiếng nói để giao lưu, gọi là thời đại Miệng; giai đoạn thứ ba, người cổ đại dùng văn tự để giao lưu, gọi là thời đại Chữ viết; giai đoạn thứ tư, người đương đại dùng bàn phím để giao lưu, gọi là thời đại Mười ngón tay; giai đoạn thứ năm, người hiện đại dùng tin nhắn di động để giao lưu, gọi là thời đại Ngón cái”.
Tuy luận văn viết thế nhưng Xuân Vũ cũng không rõ liệu tin nhắn di động có thể thay đổi phương thức sinh hoạt của loài người không? Tuy nhiên cô rất tin ở một điều: tình cảm tinh tế giữa con người với nhau là mãi mãi tồn tại. Có điều, trải qua các sự kiện ly kỳ trong mấy ngày qua, cô không thể bình tâm để viết tiếp luận văn nữa. Phải ngồi một mình trong phòng cảm nhận những dư hương mà Thanh U còn để lại, Xuân Vũ không nén nổi cảm giác chua xót.
Cô nghĩ đến hai chữ - địa ngục.
Nhớ đến các tin nhắn đêm qua, lại nghĩ đến tâm trạng của mình hôm nay, Xuân Vũ có cảm giác mình đã ở địa ngục rồi.
Địa ngục?
Bạn có biết địa ngục tầng thứ 19 là gì không?
Cái đêm Thanh U đi vòng tròn trong phòng, cũng hỏi câu này. Đêm qua Xuân Vũ nhận được tin nhắn di động của Thanh U, cũng là câu này.
Lẽ nào cái chết của Thanh U có liên quan đến địa ngục thật?”
Xuân Vũ bất lực nhún vai. Tuy nhiên cô vẫn muốn biết địa ngục là gì.
Có lẽ, đến thư viện trường có thể tìm thấy câu trả lời.
Đúng, mình phải làm thế. Bây giờ là 5 giờ chiều, còn một giờ nữa thì thư viện đóng cửa. Xuân Vũ hộc tốc chạy đi ngay.
Trời mùa đông tối nhanh, cô cắm cúi xuyên qua khu vườn cây, thở hồng hộc chạy đến thư viện nhà trường.
Khu nhà này xây từ những năm 50 kiểu Liên Xô cũ, có vẻ rất kiên cố, nhưng đã nhiều năm không được tu sửa nên bên trong thư viện trông rất nhếch nhác, tù mù không đủ ánh sáng, dù bật hết mọi loại đèn thì vẫn có một vẻ âm u đáng sợ.
Mọi ngày thường có rất đông bạn đọc vào đây, nhưng hôm nay có lẽ vì trời quá lạnh nên phòng đọc rộng lớn mà chẳng có mấy ai, dưới ánh sáng vàng vàng ảm đạm trông càng có vẻ trống vắng. Chỉ thấy vài ba sinh viên đang đọc sách hoặc gục đầu ngủ. Xuân Vũ nín thở rón rén bước vào nơi tịch mịch lạnh lẽo này, cố gắng không gây ra tiếng động. Cô lướt vào như một bóng ma. Khung cảnh này rất dễ khiến người ta liên tưởng đến một thư viện ở châu u thế kỷ 19, hoặc bộ phim Pháp “Dòng nước ngầm” kể về câu chuyện tàn nhẫn trong một khu trường đại học.
Xuân Vũ thận trọng đi qua phòng đọc, đến bên những giá sách đồ sộ ở phía trong, cô muốn tìm sách thuộc nhóm khoa học xã hội, thường xếp ở phía trong cùng. Thư viện của trường có 40 giá sách, với khoảng hơn 10 vạn cuốn. Đi qua vài hàng bên ngoài, cô thấy có vài nam nữ sinh viên đang thì thầm to nhỏ, cô nghĩ, họ thật biết cách tìm chỗ.
Bước đến bên mấy hàng giá sách cuối cùng, nơi này không thấy bóng ai nữa, chỉ toàn những cuốn sách cả năm chẳng ai đụng đến, thoang thoảng một thứ mùi om om khó chịu.
Nhìn đám sách gần như bị người ta lãng quên này, Xuân Vũ bỗng nảy ra một ý nghĩ kỳ quái: Chúng như những cái xác vô thừa nhận, còn giá sách là những cỗ quan tài. Điều cô cần làm lúc này là mở quan tài, nhấc các xác chết ra xem xét – như các bác sĩ pháp y giải phẫu tử thi để tìm các manh mối, phá án.
Cô đứng lùi lại nhìn các giá sách, tìm kiếm. Kho sách khoa học xã hội nhiều thế này, tìm một cuốn sách nói về địa ngục, thì khác nào mò kim đáy biển. Chẳng rõ bao lâu sau đó, Xuân Vũ bỗng nghe thấy những tiếng bước chân. Vào lúc này mà còn có người vào tận đây ư?
Tiếng bước chân ở quanh mấy giá sách phía trước, tuy bước lại càng gần cô hơn nhưng nghe lại càng nhẹ dần. Cứ như là làn gió đưa kỳ lạ, nghe xa xa thì rõ, lại gần thì không thấy gì nữa.
Xuân Vũ căng tai lắng nghe, cô tách các cuốn sách trên giá hở ra một khe hẹp nhìn sang hàng giá sách bên kia, nhưng không thấy gì cả. Tiếng bước chân như tan vào không khí, hay là, vốn không hề có, mà chỉ là ảo giác của mình thôi?
Đúng vào lúc này cô nhìn lên tầng trên cùng của giá sách, thấy một cuốn hình như có chữ “Địa ngục” in ở gáy sách.
Tim cô bất chợt đập nhanh dồn dập, cô vội đưa tay lên lấy nó xuống. Nhưng tầng sách quá cao so với cô, dù cố kiễng chân cũng không thể với tới.
Bỗng cô nhìn thấy một bàn tay của nam giới…
[PHẦN 4]
Đúng vào lúc Xuân Vũ đang kiễng chân với lên tầng sách cao nhất, cô nhìn thấy đôi bàn tay nam giới, rất đẹp. Cô chưa bao giờ nhìn thấy bàn tay nam giới nuột nà như thế này, với làn da trắng như tuyết mùa đông, những đường gân trên mu bàn tay chẳng khác gì những mạch nước ngầm chảy dưới lớp băng, những ngón tay thon dài, rắn rỏi, hơi cong cong đang với lên cao, lấy cuốn sách kia xuống.
Ánh mắt Xuân Vũ đưa theo cánh tay nọ, rồi cô nhìn thấy khuôn mặt người ấy. Anh ta không phải là một ảo ảnh.
Xuân Vũ ngây nhìn khuôn mặt của anh, tim cô bỗng đập rộn ràng, cô bất giác cúi đầu xuống.
Nguyên nhân khiến cô bẽn lẽn như thế, rất đơn giản: vì trước mặt cô là một thanh niên rất đẹp trai.
Anh mặc chiếc áo choàng mỏng màu đen, dài tới gối, quần đen, đi giày đen, cộng với mái tóc đen nhánh nữa; từ đầu đến chân là một màu đen, tinh khôi sáng láng không gợn chút bụi trần. Gương mặt anh trông có phần già dặn chững chạc, không “non choẹt” như đám nam sinh viên. Ít ra, có lẽ đang học nghiên cứu sinh cũng nên.
Sức mạnh đáng nể nhất là ở đôi mắt.
Một đôi mắt có thể hút hồn bất cứ nữ sinh viên nào. Đôi mắt đen láy, thẳm sâu đến vô cùng. Xuân Vũ chưa từng nhìn thấy một nam giới nào có đôi mắt có ma lực như thế, phải chăng mắt anh ta có 2 con ngươi như sách cổ từng viết?
Anh nói: “Cô muốn đọc cuốn sách này à?”
Xuân Vũ vẫn cúi gằm cứ như con cừu non đang sợ sệt, cô ngơ ngác lắc đầu. Cô cũng không hiểu tại sao mình lại lắc đầu, vừa rồi còn định lấy cuốn sách đó xuống, nhưng khi nhìn thấy chàng trai này thì mình lại thôi?
Chàng trai mỉm cười, giơ cuốn sách lên: “Tôi vừa thấy cô định lấy nó xuống nhưng không với tới, nên mới lấy hộ.”
Xuân Vũ lắp bắp, có lẽ vì quá hồi hộp: “Xin… xin lỗi… bây giờ em không cần nữa.”
“Không sao.” Anh khẽ nhún vai, rồi nhìn vào bìa, nhẩm đọc: “Truyền thuyết về địa ngục sơ kỳ văn minh nhân loại”, tác giả Heath Brown. May quá, chính tôi đang muốn tìm cuốn này.
Có vẻ như chỉ mải tìm tận đẩu tận đâu, ai ngờ nó ở ngay trước mắt, anh dường như không dám tin ở mắt mình nữa, cứ lắc đầu hoài: “Tôi khổ sở đi tìm cuốn này, cứ ngỡ là người ta mượn, rồi làm mất! Nào ngờ cô lại tìm thấy nó!”
Nụ cười của anh rất tươi, bên má lại có cái lúm đồng tiền nữa.
Anh lịch sự gật đầu: “Cảm ơn nhé!”
Anh cầm cuốn sách, đi ra, tà áo khoác đung đưa theo bước chân. Xuân Vũ đứng ngây ra, cứ như một cô gái mới lớn chưa mấy va chạm cuộc sống. Cô cúi đầu, hit thở thật sâu… sau vài giây ngập ngừng, cô can đảm chạy ra theo.
Trong thư viện vang lên bước chân của Xuân Vũ, các phòng ốc cũ kỹ vọng ra những hồi âm lạ lùng. Cô chạy ra phòng đọc, thấy chàng trai đã bước đến bàn làm thủ tục mượn sách.
“Chờ đã nào!”
Xuân Vũ gọi to, khiến các bạn đọc ngồi đó phải ngẩng lên nhìn, cô đành cười xin lỗi họ.
Anh rất nhạy bén ngoảnh lại ngay, và mỉm cười khi thấy Xuân Vũ. Anh hạ thấp giọng: “Này! Ở đây không được nói to. Có việc gì không?”
Nhìn vào mắt anh, Xuân Vũ lại thấy hơi hồi hộp, nên cô đành chỉ vào cuốn sách.
Anh hiểu ra ngay: “À cuốn sách này… cô cũng định mượn à?”
“Vâng. Em đang rất cần nó. Anh nhường em mượn trước được không?”
Anh nhìn lại cuốn sách, có phần tiếc nuối: “Heath Brown là nhà Nhân loại học nổi tiếng người Mỹ, cuốn này rất quan trọng đối với tôi. Nhưng, em đã tìm ra nó thì em đọc trước là rất phải!”
Anh từ tốn đưa cuốn sách cho Xuân Vũ.
Xuân Vũ cầm cuốn sách, cúi đầu nói: “Rất cảm ơn anh, anh ở khoa nào? Đọc xong em sẽ chuyển cho anh.”
Chàng trai mỉm cười: “Cứ đến khoa Mỹ thuật, hỏi Cao Huyền, là được.”
“Cao Huyền?”
“Hai chữ: núi cao, và huyền diệu!”
Cao siêu, huyền diệu. Cái tên hay thật. Cô nghĩ bụng.
Cao Huyền tủm tỉm: “Hôm nay em bắt anh phải trắng tay ra về rồi đây!”
Sắp đến giờ thư viện đóng cửa, phòng đọc lúc này chỉ còn có 2 người. Vị thủ thư đã giục họ ra về.
Xuân Vũ nhanh chóng làm xong thủ tục mượn sách, rồi cầm cuốn sách rất khó tìm ấy rảo bước ra ngoài.
Sáu giờ chiều, trời đã gần tối hẳn. Cô nhìn bầu trời mùa đông đầy mây xám, lại ngoái nhìn khu nhà thư viện âm u, nghĩ đến những dãy giá sách chẳng khác gì đám quan tài đang lặng lẽ ngủ say trong đó… Nếu có người coi đây là đề tài để làm phim kinh dị, chắc khán giả sẽ phải sợ mất vía!
Cao Huyền bước đến, nhìn vào mắt cô, hỏi: “Đã bao giờ đêm khuya đến thư viện này đọc sách chưa? Sẽ rất thú vị đấy!”
Xuân Vũ lè lưỡi nhăn mặt: “Em đâu dám thế. Xin lỗi, trời tối rồi, em phải về đây!”
Nói xong cô chạy thật nhanh, mái tóc dài tung bay, không dám ngoái nhìn lại nữa.
Cao Huyền nhìn theo bóng cô chìm dần trong màn đêm, má anh hiện rõ cái lúm đồng tiền nho nhỏ.
[phần 5]
Sau khi từ thư viện quay về, tim Xuân Vũ dường như đập nhanh hơn.
Ngồi ăn cơm ở nhà ăn mà tâm hồn cứ chơi vơi. Trở về phòng ở, thấy Tiểu Cầm cũng đã quay về. Văn Nhã thì đang ngồi thừ ra bên cửa sổ.
Xuân Vũ thấy mệt mỏi, không còn sức mà trò chuyện gì nữa, bèn ngồi vào một góc khuất, mở cuốn sách khó tìm ấy ra đọc: “Truyền thuyết về địa ngục sơ kỳ văn minh nhân loại.”
Xuân Vũ chưa từng nghe nói đến tác giả Heath Brown, tuy nhiên, trước khi xảy ra sự kiện thôn vắng, cô vẫn rất hứng thú với nền văn minh cổ đại và các chuyện thần bí. Thông thường, đây không phải là lĩnh vực mà các cô gái ham thích, nhưng Xuân Vũ từ bé đã mê Vệ Tư Lý, đã đọc quá nhiều tiểu thuyết của Nghê Khuông (tiểu thuyết “ly kỳ” của Nghê Khuông, nhà văn Hồng Kông), nên đầu óc chứa đầy những ý nghĩ viển vông động trời.
Nhưng, cuốn “Truyền thuyết về địa ngục sơ kỳ văn minh nhân loại” thì lại quá sâu đối với cô, nhìn lướt vài trang đầu, cô không sao đọc tiếp được nữa. Có lẽ chỉ những vị ở chuyên ngành triết học mới hiểu nổi. Trọng tâm của cuốn sách là các truyền thuyết về địa ngục ở thời kỳ đầu của văn minh loài người, phần lớn là các truyền thuyết ở châu u và Ấn Độ, mỗi trang đều trích dẫn các điển cố sự tích, có quá nhiều thuật ngữ chuyên môn chẳng khác nào những công trình khảo cổ học. Sách này đâu có dành cho các cô gái!
Khi Xuân Vũ đang cố đọc tiếp thì một tiếng thét vang lên khiến cô sợ sởn gai ốc.
Tiếng thét của Văn Nhã. Cô bạn còm nhom đang co rúm người bên cửa sổ, cứ như là vừa trông thấy ma.
Tiểu Cầm lập tức đỡ bạn dậy, hỏi chuyện gì đã xảy ra. Xuân Vũ cũng nơm nớp bước đến bên cửa sổ, nhìn ra ngoài. Trong bóng tối, chỉ nhìn thấy mấy thân cây to, chứ không có gì khác lạ.
Văn Nhã mặt trắng bệch thật đáng sợ, mồ hôi trán đang ròng ròng chảy xuống. Cô vừa đi vừa bò về giường của mình, nắm chặt tay Tiểu Cầm, miệng nói: “Con khỉ… con khỉ…”
“Cậu nói gì thế?”
Tiểu Cầm không hiểu là chuyện gì, chỉ biết vỗ vỗ vào lưng bạn.
Con khỉ? Xuân Vũ lập tức nghĩ đến bộ phim kinh dị nổi tiếng của Nhật Bản.
Văn Nhã co ro ôm chặt hai vai, vẫn chưa thôi kinh hãi, nói: “Mình nhìn thấy… ngoài cửa sổ… có con khỉ… nó nhe răng cười với mình!”
“Cậu nhìn thấy một con khỉ ở ngoài kia?” Tiểu Cầm nói nốt cả câu của bạn: “Ngoài kia có con khỉ nó cười với cậu ư?”
Văn Nhã gật đầu lia lịa và chỉ tay ra cửa sổ.
Xuân Vũ mở toang cánh cửa, gió lạnh ùa vào căn phòng, cô lấy tay che miệng, ngó nhìn. Tối quá, không nhìn thấy gì cả.
“Trong trường đại học sao lại có khỉ vượn gì được? Đêm hôm giá rét thế này, dù khỉ ở đâu chạy ra thì cũng phải chết cóng mới phải!” Tiểu Cầm giúp Văn Nhã chỉnh trang mái tóc rối bời, nói nhỏ nhẹ: “Chỉ là ảo giác của cậu mà thôi!”
“Không! Tuyệt đối không thể là ảo giác! Tớ nhìn thấy con khỉ đang bám trên cây, thật mà!”
Văn Nhã nói rất nghiêm chỉnh, hoàn toàn không có vẻ bịa chuyện.
Xuân Vũ thì lắc đầu, rồi đóng cửa lại. Cô biết, cái cây ngoài kia đã rụng sạch lá, và lại càng không có chuyện khỉ biết cười! Tiểu Cầm tiếp tục an ủi Văn Nhã, dỗ bạn hãy ngủ đi, đừng nghĩ đến con khỉ gì gì nữa.
Thế là tắt đèn cho sớm, ba cô gái với ba tâm trạng khác nhau, đi ngủ. Bầu không khí trong căn phòng nặng nề, cứ như nằm trong quan tài.
Xuân Vũ nằm giường tầng trên, chui trong chăn, nhắm mắt. Cô nghĩ đến chuyện đến thư viện chiều nay.
Sao mình lại nghĩ đến chuyện ấy nhỉ? Cô thầm trách mình, rồi gắng điều chỉnh tâm trạng, hít thở cho đều để mau ngủ được. Nhưng đúng lúc này tín hiệu tin nhắn đã vang lên.
Cô vội cầm di động đưa vào trong chăn, chỉnh âm lượng đến mức cực tiểu, phải ghé sát tai mới nghe thấy. Màn hình màu xanh nhạt hiện lên số máy của đối phương gửi tin…
[PHẦN 6]
Cô vội cầm di động đưa vào trong chăn, chỉnh âm lượng đến mức cực tiểu, phải ghé sát tai mới nghe thấy. Màn hình màu xanh nhạt hiện lên số máy của đối phương gửi tin…
Số xxxxx741111
Lại là số máy này? Xuân Vũ hơi chột dạ. Cô nhìn thời gian trên màn hình: đúng 12 giờ đêm. Cô đã đoán ra nội dung tin nhắn:
“Bạn đã vào tầng 2 địa ngục, rời khỏi sân sau của Phủ tiến sĩ, hãy lựa chọn: 1. Đại sảnh; 2. Tiểu lâu; 3. Địa cung.”
Xuân Vũ nhớ rồi, đúng thế, lúc nửa đêm qua nhắn tin, mình đã chọn sân sau của Phủ tiến sĩ ở thôn vắng, rồi bị đẩy xuống giếng, nghe được câu chuyện bi thảm của “điển thê”.
Xuân Vũ không cần suy nghĩ, chọn luôn “tiểu lâu” rồi gửi tin số 2.
Nằm chờ vài giây sau, cô nhận được tin nhắn thứ 2:
“Bước lên tiểu lâu bạn sẽ thấy một căn phòng hơi sáng, nhấp nước bọt chọc thủng giấy dán cửa nhìn vào, sẽ thấy cây nến đang cháy, một cô gái mặc áo trắng đang ngồi bên bàn trang điểm.”
Xuân Vũ ngây nhìn mẩu tin nhắn, khoảng mờ tối trong chăn phía sau màn hình di động, rất giống ánh nến âm âm trong một căn phòng cổ xưa.
Tiếp đó cô lại nhận được tin nhắn:
“Bạn sẽ thấy cô ta đang soi gương, khoan thai chải đầu, tay phải cầm lược tay trái vuốt mái tóc, ngàn sợi tóc huyền đổ xuống như một thác nước màu đen. Bây giờ cô ta quay đầu lại, nhìn thẳng vào mắt bạn, ánh mắt dữ dằn…”
Trong thoáng chốc, Xuân Vũ đã cảm thấy trước mặt có đôi mắt ấy đang nhìn vào cô từ căn phòng cổ xưa, ánh sáng nhợt nhạt hắt vào đôi tròng mắt bí hiểm ấy, hình như đang muốn nói với cô điều gì. Khi Xuân Vũ đang run rẩy trong chăn, bỗng cảm thấy cái giường chao đi, rất giống như mọi ngày Thanh U lên giường của mình. Chẳng lẽ bạn ấy đã về? Đúng lúc này lại có tin nhắn nữa:
“Bạn rất sợ hãi nhưng không bỏ chạy, bạn đẩy cửa bước vào thì thấy trong phòng không có một ai, chỉ có cây nến đang cháy, chiếu lên tấm bình phong bốn cánh sơn son, trên đó vẽ 4 bức tranh.”
Ký ức đáng sợ lại hiện ra, Xuân Vũ lắc lắc đầu nhưng không sao có thể quên đi được.
Lại một tin nhắn gửi tiếp:
“Nhưng rồi bạn lại nhìn thấy cô gái áo trắng, đang ở trong tranh trên bình phong, cô ta tên là Yên Chi.”
Khi đầu óc Xuân Vũ chực nổ tung thì giai điệu “Phá gió đông” của Châu Kiệt Luân lại vang lên – đó là tiếng chuông điện thoại di động của cô.
Gần như đồng thời với tiếng chuông reo, cô nghe ngay. Có những tiếng thở kỳ quái của đối phương, cứ thở sâu một hồi lâu mà không nói gì. Xuân Vũ cố hạ thấp giọng: “Này, nói đi chứ? Ai đấy?”
Sau vài giây, đối phương đã lên tiếng:
“Chào cô Tiểu Chi, tiểu nữ là Yên Chi.”
“Tiểu Chi?”
Xuân Vũ sững sờ không kịp phản ứng gì. Rồi cô nhớ ra rằng Tiểu Chi là nickname mà đêm qua mình mới công bố. Giọng cô gái này cũng rất quái dị, cô ta là cô gái trong tranh hay sao? So với “điển thê” đêm qua, thì Yên Chi còn có vẻ cổ điển hơn, cứ như là nhân vật cách đây vài trăm năm.
“Cô đã từng nghe tiếng sáo đêm khuya chưa?”
“Không! Xin đừng nói nữa. Tôi biết cô định kể với tôi chuyện gì rồi.”
Đối phương im lặng một lát, rồi cái âm thanh ấy lại đột ngột xuất hiện:
“Tiểu Chi, người bạn thân nhất của cô chết rồi, đúng không?”
Nghe đến đây, Xuân Vũ lại thấy run sợ: “Sao cô biết?”
“Đương nhiên tôi biết! Bạn cô tên là Thanh U!”
Giọng nói cực kì quái dị, không giống tiếng phát ra từ miệng con người. Xuân Vũ thấy kinh hãi, nhưng cô vẫn can đảm hỏi: “Cô biết Thanh U à? Tại sao cô ấy chết? Cô cho tôi biết với!”
Đối phương hơi ngừng lại, rồi cất giọng lơ lớ chẳng ra nam chẳng ra nữ, na ná giọng những người “đổi giới tính” Thái Lan:
“Cắn… lưỡi!”
Xuân Vũ bất chợt cảm thấy miệng mình đắng chát, cô định nói, nhưng răng cô đã cắn phải lưỡi, đau điếng, suýt nữa thì cô kêu thét lên. Máy di động vẫn đang áp vào tai, vọng ra âm thanh lạnh lùng:
“Bây giờ cô đã biết nỗi đau đớn của Thanh U rồi chứ?”
Xuân Vũ bất chợt không nói nên lời, chỉ khẽ cắn vào lưỡi mà đã đau kinh khủng, thế mà Thanh U lại cắn đứt lưỡi của mình, thế thì bạn ấy đã phải đau đớn kinh khủng đến đâu!
Khi Xuân Vũ đã thấm thía hiểu rõ, thì đối phương đã kết thúc cuộc đối thoại.
Lúc này cô mới chú ý đến số máy gọi tới: vẫn là số xxxxx741111.
Khi nỗi khổ đau về cái lưỡi đã nguôi ngoai, đầu óc cô đã tỉnh táo trở lại rất nhiều. Nhân vật ở đằng sau làn sóng điện ấy là ai? Lẽ nào là “điển thê” hoặc là “Yên Chi” trong tấm bình phong?
Xuân Vũ vừa nghĩ đến đây thì tiếng “tít tít” lại vang lên.
Đây là tin nhắn cuối cùng trong đêm nay:
“Bạn đã đi qua tầng 2 địa ngục, bước vào tầng 3.”