Chương 416: Mối uy hiếp từ thảo nguyên



Người thảo nguyên thích cuộc sống tự do tự tại, từ cách ăn uống đến sinh hoạt đều tràn đầy bản sắc của dân tộc di cư, hàng năm mỗi độ Đông - Xuân đều phải tụ tập lại thành đoàn mà di chuyển các nơi. Vì vậy bọn họ không có chỗ ở cố định, không hề xây dựng nhà cửa bằng gạch đá, loại lều trướng có thể tháo dỡ bất cứ lúc nào chính là ngôi nhà di động của bọn họ. Nam nhân trưởng thành trong hoàn cảnh mênh mông rộng mở như vậy, đại đa số đều hào sảng, có khí phách. Âm nhạc của bọn họ mang tính thẳng thắn hồn nhiên, tuy có phần cục mịch nhưng hào phóng.

Bởi vì tài nguyên trên thảo nguyên hết sức nghèo nàn, cho nên có một phần rất lớn người của các dân tộc du mục trên thảo nguyên nhờ vào cướp bóc mà sinh sống. Cướp bóc và giết chóc đã khống chế sự phát triển dân cư trên thảo nguyên, thêm vào hoàn cảnh tài nguyên nghèo nàn đã hình thành một thế cục vô cùng tế nhị, cũng giống như quan hệ giữa sói và dê. Có thể nói rằng trăm ngàn năm qua, mọi người trên thảo nguyên đều sinh tồn và phát triển dưới điều kiện như vậy.

Nhưng khi có một ít chí sĩ trên thảo nguyên ý thức ra rằng, nếu cứ kéo dài mãi như vậy, người thảo nguyên chỉ có thể làm tiêu hao lực lượng của mình trong đấu tranh nội bộ liên miên bất tuyệt, bọn họ bắt đầu thử dùng vũ lực hùng mạnh tổ chức các bộ tộc lại với nhau, thành lập quốc gia thống nhất, phát triển nên thành thị, hình thái sinh tồn trên thảo nguyên lập tức có chuyển biến.

Hoàn cảnh an nhân do hòa bình mang lại đã dẫn đến chuyện dân cư tăng trưởng, lượng tài nguyên hữu hạn trên thảo nguyên không thể cung ứng cho quá nhiều người sinh tồn, đấu tranh nội bộ không còn tồn tại, mâu thuẫn về tài nguyên dần dần hiển hiện vô cùng kịch liệt, phương pháp giải quyết chỉ có hai: Thứ nhất, mở rộng nguồn cung ứng tài nguyên. Thứ hai, chuyển nguy cơ ra bên ngoài.

Dưới tình huống như vậy, mọi bộ tộc trên Đại thảo nguyên Tây Phong đã đưa ra một quyết định chung: Cướp đoạt bên ngoài để chuyển nguy cơ.

Vì như vậy, gần như hàng năm người thảo nguyên đều phải xông ra khỏi thảo nguyên tiến hành tấn công bên ngoài ở một mức độ nhất định, đoạt lấy nhiều tài nguyên phục vụ cho cuộc sống và phục vụ cho chiến tranh, để thỏa màn nhu cầu của bản thân. Nhưng theo tộc quân ngày càng mở rộng, nhu cầu của người thảo nguyên cũng ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Chuyện chỉ xâm lược một chút vùng sát biên giới của các quốc gia khác, đánh cướp chút thức ăn đã không còn có thể thỏa mãn nhu cầu khổng lồ của bản thân bọn họ. Mà một ít thủ lĩnh có địa vị cao của các bộ tộc cũng ngày càng trở nên tham lam hơn, cho nên nhu cầu lớn hơn nữa đã được lên kế hoạch: Toàn diện chiếm lĩnh khu vực phồn hoa nhất trên đại lục.

Hành vì xâm lược xuất phát từ nhu cầu của bản thân này, chính là nhu cầu không thể thiếu trong nội bộ của bất cứ dân tộc nào đang trong quá trình phát triển lớn mạnh. Nó không thể dùng ý chí con người mà thay đổi được, cho du một vị Quốc chủ anh minh đến đâu, cũng không có cách nào ngăn chặn khát vọng này của tộc nhân trong nước. Đối mặt với tình huống như vậy, một cuộc xâm lược có quy mô lớn nhất của Đại thảo nguyên Tây Phong trong lịch sử đại lục Quan Lan, năm ấy do Đại đế Sa Tư Hãn thanh danh hiển hách đã được khởi xướng. Đây có thể nói là cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất trong thời kỳ dùng hàng nguội, gần như liên lụy đến tất cả các quốc gia. Rất nhiều danh tướng anh hùng vì ngăn cản cuộc xâm lược của Đại thảo nguyên Tây Phong này mà ngã xuống trong chiến đấu. Mà thanh danh anh dũng của người thảo nguyên cũng nhờ vậy mà trở nên nổi tiếng.

Bọn họ đánh ra khỏi thảo nguyên, xông vào những thành thị nông nghiệp phồn hoa, vơ vét những thương phẩm quý hiếm, lưu luyến trong thế giới văn minh tốt đẹp phồn hoa này, rất lâu không muốn rời đi. Nhưng cuối cùng bọn họ vẫn bị các quốc gia trên đại lục liên kết ra tay đánh bại, sau khi tổn thất hàng trăm vạn chiến sĩ tinh anh, người thảo nguyên bị ép phải lui về lại thảo nguyên. Bởi vì Đại thảo nguyên Tây Phong hoang vắng, vật tư nghèo nàn, người của các quốc gia khác rất ít khi đặt chân đến nơi này, lại thêm sau lần này bọn họ đã bị thương tổn hết sức nặng nề, cho nên liên minh đại lục không mở cuộc truy kích trên quy mô lớn. Mà dưới tình huống như vậy, người thảo nguyên giống như một bầy sói ngủ đông, bọn họ âm thầm liếm miệng vết thương, rình mò sát sao các quốc gia chung quanh, lặng lẽ chờ đợi thời cơ ngóc đầu trở lại.

Mà hiện tại, cơ hội mà bọn họ chờ đợi đã bao lâu, rốt cục đã tới.

Ngày Bốn tháng Mười Một năm Một Trăm Mười lịch Thiên Phong. Đại Đế quốc Tây Xi tuyên bố xuất binh đánh Đế quốc Thiên Phong, cũng đưa ra thỉnh cầu mượn đường với ba nước Phong, Khâu, Á Đề, nhưngtừ chối.

Ngày Năm tháng Mười Một. Đại Đế quốc Tây Xi vốn đã chuẩn bị tốt tất cả các hạng mục chiến tranh như trưng binh, điều binh, động viên, dự trữ...từ rất nhiều năm trước, ngang nhiên tuyên bố sẽ cứ đi ngang ba nước để tiến quân đại lục mà không cần sự đồng ý của họ. Phàm là có kẻ nào ngăn trở sẽ bị coi là địch nhân của Đại Đế quốc Tây Xi, diệt ngay lập tức.

Ngày Tám tháng Mười Một, Đại Nguyên soái Cách Long Đặc của Đại Đế quốc Tây Xi phát động tám mươi vạn đại quân từ ba đường tấn công ba nước. Trong đó, quân hữu lộ do kẻ đứng đầu Bát Tuấn của Đế quốc là Sấm Châu Vượng phụ trách tấn công Khâu quốc. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ám sát Quý Cuồng Long, Sấm Châu Vượng nhân màn đêm buông xuống vội vàng quay về. Khi hắn xuất hiện trở lại, đã là Đại tướng cầm quân của Đế quốc. Quân tả lộ cũng có hai mươi vạn do một trong Bát Tuấn là Khống Đạt Lạp phụ trách tấn công Á Đề. Bốn mươi vạn đại quân trung lộ do Cách Long Đặc đích thân chỉ huy, thẳng một đuờng tấn công Phong quốc.

Ngày Mười Tám tháng Mười Một, sau gần mười ngày, Sấm Châu Vượng đã liên tục đánh hạ sáu thành thị của Khâu quốc, có thể nói chia đều ra cứ hai ngày thì đánh được một thành. Trong đó hơn phân nửa thời gian còn phải chạy, tốc độ tiến công như vậy quả thật hết sức thần tốc.

Ngày Hai Mươi Hai tháng Mười Một, quân tả lộ do Khống Đạt Lạp dẫn dắt cũng đã toàn diện đánh tới Á Đề. Hai quốc gia bị Đại Đế quốc Tây Xi tấn công kêu khổ không thôi, thông cáo khẩn cấp vốn khi trước mỗi ngày đưa ra một cái, lúc này là mỗi ngày mười cái, không ngừng hô hào các quốc gia khác tạm ngừng việc binh đao, cùng chống cường địch.

Ngày Hai Mươi Sáu tháng Mười Một, mười vạn đại quân tiên phong trong đại quân trung lộ của Cách Long Đặc cũng đã đánh tới thành Dương Quang của Phong quốc, cách kinh đô của Phong quốc là thành Phong Diệp quãng đường khoái mã chạy trong hai ngày. Phong quốc toàn diện báo nguy trên toàn quốc, binh mã các nơi nhanh chóng rút về, thề chết cũng phải bảo vệ kinh đô thành Phong Diệp.

Nếu cứ tiếp tục với tốc độ như vậy, có thể chỉ trong vòng ba tháng. Đại Đế quốc Tây Xi sẽ tiêu diệt được ba nước, coi như bốn nước chung quanh chỉ còn lại Lê quốc mà thôi.

Người Lê quốc hiển nhiên cũng đã ý thức được sự tình nguy cấp, trong giờ phút này không còn hứng thú cãi nhau với người Kinh Hồng về việc đất đai. Ngược lại, bọn họ một lần nữa phái ra sứ giả đi đến khắp các quốc gia, thỉnh cầu ngưng chiến, nhất là Công quốc Thánh Uy Nhĩ.

Sau khi Tháp Lan đại bại, Thiển Thủy Thanh tùy ý tung hoành, Công quốc Thánh Uy Nhĩ dùng lực của một nước mà chống lại Đế quốc Thiên Phong và Độc Lập lĩnh. Cho dù Tư Ba Tạp Ước có là kỳ tài ngút trời đi chăng nữa, cũng không có đủ lực xoay chuyển tình thể, rốt cục người Công quốc Thánh Uy Nhĩ có ý đồ cầu hòa. Nhưng chiến tranh từ xưa tới nay vẫn vậy, chỉ có phe thắng lợi mới có tư cách yêu cầu hòa bình, làm sao có chuyện phe thất bại có quyền đưa ra điều kiện?

Người Công quốc Thánh Uy Nhĩ muốn ngưng chiến, nhưng Đế quốc Thiên Phong và Độc Lập lĩnh lại không muốn. Người Đại Đế quốc Tây Xi muốn đánh tới đây cũng cần phải có một quãng thời gian nữa, thừa dịp lúc này, thôi thì chúng ta thanh toán luôn nợ cũ cho xong...về phần thỉnh cầu của các nước Phong, Khâu xin giúp Đế quốc Thiên Phong, Độc Lập lĩnh cũng vậy, bao gồm cả các nước như Kinh Hồng. Liên minh các thành thị tự do...chỉ toàn là cổ vũ nhiệt tình bằng miệng, hết sức tán thành với các nước Phong, Khâu, đồng thời đưa ra những lời khiển trách mạnh mẽ nhất với Đại Đế quốc Tây Xi, chỉ là không có ai giúp đỡ bằng thực chất, dù chỉ là một hạt gạo.

Theo cách nhìn của Thương Dã Vọng, tuy rằng Đại Đế quốc Tây Xi hùng mạnh thật, nhưng nếu liên kết lực lượng cả ba nước Thiên Phong, Kinh Hồng, Chỉ Thủy lại chưa chắc thực lực đã thua kém bọn họ. Hơn nữa còn có Độc Lập lĩnh trợ giúp, cuộc chiến này cũng chưa biết hươu chết về tay ai.

Đại Đế quốc Tây Xi có ý đồ mượn Đế quốc Thiên Phong làm bàn đạp xâm lấn đại lục, Thương Dã Vọng dễ thường không muốn mượn tay người Đại Đế quốc Tây Xi tiêu diệt một vài nước địch nhân ư? Một khi các nước Phong, Khâu bị diệt, kẻ đạt được ích lợi chính là người thắng trong toàn cuộc chiến tranh này. Bất kể là Đế quốc Thiên Phong hay Đại Đế quốc Tây Xi, hai đại Đế quốc này giao phong với nhau, kết quả cuối cùng chính là người thắng sẽ có được tất cả chiến lợi phẩm của phe thất bại.

Theo như vậy mà nói, một quốc gia hùng mạnh muốn xâm lấn một quốc gia yếu ớt, sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Điểm khó khăn lớn nhất chính là danh không chính, ngôn không thuận. Ý niệm mâu thuẫn dân tộc, tinh thần ái quốc, ủng hộ Quốc chủ của mình trong bất cứ quốc gia nào cũng chiếm một địa vị cực kỳ quan trọng. Bởi vậy cho dù bạn có được binh lực hùng mạnh trong tay, sau khi đánh chiếm hoàn toàn được một quốc gia, thông thường cũng phải tốn tâm huyết rất lớn trong chuyện thống trị. Bạn sẽ phải đối mặt với đủ các loại phiền phức, thế lực ở các địa phương phản kích, thậm chí là cả kẻ thù bên ngoài thừa cơ xâm nhập. Chỉ có chấn chỉnh sau một thời gian dài, dùng thời gian và hiệu suất quản lý cao để hóa giải tâm trạng đề phòng của quốc dân, lúc ấy mới có thể hoàn thành thống nhất về mặt tinh thần. Mà thống nhất về mặt này thông thường không thể xảy ra trong một đời Quốc chủ hiện tại, màcần một, hai đời Quốc chủ kế tiếp cùng cố gắng.

Bởi vậy nếu một quốc gia muốn thực hiện hành vi thôn tính một quốc gia khác, thời cơ tốt nhất chính là chờ cho Quốc chủ của đối phương kém cỏi bất tài, đối xử hà khắc với thần dân, bóc lột dân chúng, khiến cho dân chúng trong nước sống cảnh lầm than. Lúc ấy mới lấy danh nghĩa trừng trị kẻ xấu, cứu lấy dân lành mà xuất binh, ắt thường là thành công mỹ mãn. Nếu như không, cho dù có đánh chiếm nước khác dễ dàng, nhưng muốn giữ được lâu dài thật vô cùng khó khăn.

Đây cũng là lý do vì sao thủy chung Đế quốc Thiên Phong vẫn phải ưu tiên thống nhất Đế quốc Đại Lương cũ. Ba nước vốn là người cùng tộc, về mặt văn hóa, tư tưởng có điểm chung rất lớn, thống trị trong tương lai sẽ có rất nhiều tiện lợi. Chỉ Thủy suy yếu đã lâu, dân chúng đói khổ không chịu nổi, vì vậy cho nên Đế quốc Thiên Phong mới có thể đánh một trận là thành công. Mà so ra Kinh Hồng, cũng chỉ có thể đối xử bằng thân phận thuộc quốc trước đã, sau đó thì hành sách lược ngoài sáng độc lập nhưng trong tối thì thống trị, dùng thời gian xóa đi dấu vết, cuối cùng cũng sẽ hòa nhập tự nhiên như nước chảy thânh dòng.

Mà nếu muốn chiếm lĩnh các nước như Đế quốc Mạch Gia, Công quốc Thánh Uy Nhĩ, Phong, Khâu...khó khăn sẽ lớn hơn rất nhiều, ít nhất trong lúc Thương Dã Vọng còn sống, ông ta sẽ không chấp nhận sách lược chỉ dựa vào vũ lực hùng mạnh mà hoàn thành việc thống nhất.

Nhưng chiến tranh trên đại lục Quan Lan nổ ra, đồng thời còn có chuyện Đại Đế quốc Tây Xi xâm lấn, chính là cơ hội của người Đại Đế quốc Tây Xi. Đồng thời cũng là cơ hội của Đế quốc Thiên Phong. Khi Đại Đế quốc Tây Xi mượn khẩu hiệu tiêu diệt người Đế quốc Thiên Phong bắt đầu xâm lược đại lục, người Đế quốc Thiên Phong cũng có thể lấy khẩu hiệu như vậy để phân công, mục đích của cả hai phe chỉ có một: Chính là những quốc gia yếu nhỏ nhưng thơm phưng phức ở miền Trung đại lục Quan Lan.

Mượn tay đối phương tiêu diệt trợ lực của phe mình, lấy tư thế kẻ cứu thế xuất hiện trước mọi người, hoàn thành thuận lợi mục đích tiếp quân các nước, đây là chuyện mà cả Xích Đế và Thương Dã Vọng cùng kỳ vọng, nhưng cũng chỉ có thể có duy nhất một người hoàn thành hoặc đạt được mục tiêu.

Cũng vì như vậy, đối mặt với sự mạnh dạn đầy bạo lực của người Đại Đế quốc Tây Xi, thái độ của người Đế quốc Thiên Phong là trước sau như một chỉ quan tâm tới chuyện trước mắt, đánh cho thật tốt trận chiến hiện tại, vận mệnh của toàn bộ đại lục cũng vì vậy mà trở nên rối như mớ bòng bong, khiến cho người ta khó có thể thấy rõ thế cục.

Mà khi các vị Quốc chủ của các quốc gia trên đại lục còn đang hết sức lao đao bận rộn vì chuyện người Đại Đế quốc Tây Xi tiến công, vị Đại Nguyên soái của Đại Đế quốc Tây Xi Sa Khố Nhi Luân Cách Long Đặc, người chỉ cần giậm chân một cái là có thể khiến cho cả đại lục phải rung chuyển, hiện giờ đang ở trong đại trướng của mình, cùng các Tướng quân phụ tá phân tích thế cục chiến tranh trong tương lai.

...**

- Hậu phương vừa đưa tin tới, bệ hạ hy vọng vào đầu mùa Xuân năm sau, toàn diện chiếm lĩnh ba nước, trong vòng ba tháng hoàn toàn giải quyết chiến sự ở ba nước, vì thế bệ hạ muốn phái thêm hai mươi vạn đại quân giúp đỡ Đại Nguyên soái để chấn nhiếp Lê quốc, cảnh cáo các quốc gia còn lại.

Người vừa nói chuyện chính là Bố Nhĩ Can, còn được người ta gọi là Độc Xà, một trong Bát Tuấn của Đế quốc. Tên này có bề ngoài gầy gò mà cao, đôi mắt trông vô cùng âm hiểm, khiến người khác trông thấy không muốn tới gần, cũng là một viên chiến tướng lòng dạ tàn độc nhất của Đại Đế quốc Tây Xi. Ngồi bên cạnh hắn là một tên Tướng quân đầu hói khoác một chiếc áo da lớn, tên là Lý Long, cũng là một trong Bát Tuấn của Đế quốc, có biệt danh lừng lẫy Tướng quân Đồ Tể, trời sinh có tính háo sát tàn bạo. Lúc này hắn đang ra sức xé một miếng thịt dê nướng, vừa cho vào miệng nhai nhồm nhoàm vừa cất giọng nói khiến người nghe không rõ lắm:

- Bệ hạ cũng quá cẩn thận rồi, chỉ là một ít rác rưởi mà thôi. Theo như ta thấy, chỉ cần bốn mươi vạn đại quân là đủ để đánh tan bọn chúng, cần gì phải tăng binh.

Gỗ trên thảo nguyên thiếu thốn, các loại vật liệu dụng cụ bằng gỗ cũng không có nhiều, các hán tử thảo nguyên trời sinh tính tình hào sảng càng thích trực tiếp lấy tay bốc thịt, dùng chén lớn uống rượu. Dù là nhân vật có bề ngoài nho nhã như sấm Châu Vượng cũng có thói quen bốc cơm ăn, vì vậy nên mới bị các quốc gia đại lục khinh miệt là bọn người man rợ, ăn lông ở lỗ. Nhưng có điều là càng man rợ càng có được thực lực chiến đấu hùng mạnh, văn minh không ngăn được sự xâm lược của man rợ. Trong thời kỳ này vẫn chính là lúc các dũng sĩ can đảm cường tráng xưng bá thiên hạ.

- Không thể nói như vậy được, hiện giờ nội loạn xảy ra liên tiếp trên đại lục, chúng ta mới có cơ hội. Trước mắt vẫn có nhiều người chưa hiểu rõ rằng rốt cục chúng ra định chuẩn bị cho thật tốt rồi mới đánh chiếm, hay là định đánh một hơi cho đến cùng. Cho nên có một số kẻ, như các nước nhỏ, thành nhỏ, hay Liên minh các thành thị tự do, vẫn duy trì thái độ ngồi chờ xem thế cục. Mà nếu quốc gia ta tiến thêm một bước phát binh tấn công Lê quốc, lúc ấy các nước nhỏ, thậm chí bao gồm cả Kinh Hồng sẽ không còn đánh tới mức náo nhiệt như hiện tại. Ý của bệ hạ cùng lão Thừa tướng chính là muốn trước khi bọn chúng hoàn toàn phản ứng lại, tranh tiên để chiếm lợi ích lớn nhất cho chúng ta. Dùng hết khả năng để giảm tổn thất xuống mức thấp nhất, mà chiếm được đất đai, của cải và tài nguyên nhiều nhất. Đồng thời ra sức kéo dài thời gian các cường quốc trên đại lục chiến đấu với nhau, trước hết ổn định vững chắc những vùng chúng ta đã chiếm, sau đó mới tiến hành giai đoạn thứ hai của đại kế tiến công.

Bố Nhĩ Can nói.

Phụ tá Tùng Can bên cạnh cũng gật đầu nói:

- Bố Nhĩ Can Tướng quân nói rất đúng, địch nhân của chúng ta không phải là một, hai quốc gi, mà là toàn bộ đại lục. Nếu muốn chiếm được khu vực rộng lớn như vậy, nhất định phải nghĩ cách chia để trị bọn họ, sau đó lấy thế như trời giáng đánh vào một phương. Mặc dù nhân số trăm vạn đại quân không ít, nhưng so với toàn đại lục mà nói, cũng không gọi là nhiều. Sau này chúng ta còn phái ra nhiều bộ đội, nhiều dân chúng hơn nữa để tiếp quản, khống chế những thành thị đã chiếm lĩnh được. Ta thấy không bao lâu nữa, chiến sự ngày càng tiến triển, bệ hạ sẽ còn phái nhiều người tới hơn nữa. Hai mươi vạn đại quân này chỉ là nhóm đầu tiên mà thôi.

- Chỉ sợ không phải đơn giản như vậy. Ta lại nghe nói rằng viện quân lần này, đều là các bộ tộc khác xuất binh tạo thành, tộc Tây Xi chúng ta gần như không có phái quân tham chiến.

Lý Long hừ lạnh.

Các bộ tộc trên thảo nguyên rất đông, mặc dù tộc Tây Xi là bộ tộc lớn nhất trên thảo nguyên, cũng thành lập nên Đại Đế quốc Tây Xi, nhưng các bộ tộc nhỏ dưới sự thống trị của Đế quốc này có tới hơn trăm cái. Còn những bộ lạc nhỏ lại lên tới số ngàn. Lần này Đại Đế quốc Tây Xi xuất binh bao gồm toàn là tinh anh chủ lực của các bộ tộc lớn, một số bộ tộc, bộ lạc nhỏ không có tham chiến.

Lúc này Lý Long vừa nói như vậy, mấy tên Tướng quân trong trướng đồng thời hừ lạnh:

- Nếu quân ta đại thắng, mang về nhiều chiến lợi phẩm, lúc ấy bọn chúng lại thèm đỏ mắt muốn tham gia.

Những bộ tộc, bộ lạc nhỏ thực lực tất nhiên không mạnh, nhưng nhờ vào số nhiều, nếu gom lại hết vào một chỗ, cũng có thể có một cánh đại quân lên tới vài chục vạn. Cánh quân hai mươi vạn tới lần này toàn bộ đều là do bộ tộc nhỏ tạo thành, rõ ràng là 'chiến lược' tộc lớn ăn thịt, tộc nhỏ húp nước.

Đối với chuyện này, Cách Long Đặc không có ý kiến gì, ông ta ngồi ngay chính giữa đại trướng suy nghĩ hồi lâu, sau đó nốc một ngụm rượu lớn, buông bát xuống cất tiếng nói:

- Chiến tranh luôn cần phải có chốt thí hy sinh, nếu chúng ta đã ăn hết phần thịt ngon lành béo bở, vậy những phần xương còn lại cũng cần phải có người ra tay giúp đỡ. Hiện tại đã có người tình nguyện nhảy ra giúp chúng ta xử lý phần xương ấy, vậy tội gì chúng ta phải tức giận từ chối? Diện tích đại lục Quan Lan rất lớn, tuy rằng Đế quốc có quá nhiều bộ tộc, nhưng cũng có thừa địa phương để phân chia. Mọi người cũng đừng nhìn một vài mảnh đất cỏn con trước mắt, mà phải phóng tầm mắt xa hơn nhìn về tương lai. Nếu như có hai mươi vạn đại quân tới giúp, vậy chúng ta cũng không nên nhiều lời oán trách. Không phải là thành Phong Diệp chưa chiếm được ư? Cứ giao cho bọn họ đi đánh là xong. Các nước chung quanh chịu áp lực của chúng ta đã từ lâu, tên nào tên nấy hết sức đáng thương, có cố gắng vắt cũng chẳng ra được vài giọt nước. Cứ để hai mươi vạn đại quân kia lãnh phần xương cứng, cơm thừa canh cặn, còn đại quân ta tập họp thực lực, đánh chiếm phần thịt béo bở phía sau có phải hơn không? Công Quốc Thánh Uy Nhĩ là trung tâm của cả đại lục, kinh đô của sự giàu có, quốc gia của những vàng bạc châu báu chất đầy. Mọi người chừa lại chút sức lực, đợi đến khi đánh Công quốc Thánh Uy Nhĩ hãy dùng!

Cách Long Đặc vừa dứt lời, các tuớng bật cười ha hả.

Trong mắt Cách Long Đặc thoáng hiện một vẻ để phòng nhanh như chớp rồi biến mất. Lúc này trong đầu ông ta chợt hiện lên một hình bóng, là Thiển Thủy Thanh.

Nếu Đại Đế quốc Tây Xi tiến công Công quốc Thánh Uy Nhĩ, như vậy giờ phút giao thủ cùng Đế quốc Thiên Phong và Thiển Thủy Thanh cũng đã sắp sửa tới rồi...Đối với tân Chiến thần chỉ trong vài năm liên tiếp diệt hai quốc gia, xưng hùng đại lục này, trong lòng ông ta cũng thầm dâng lên chiến ý.

Lúc này ông ta đang thầm nghĩ, hãy để Cách Long Đặc ta kết thúc truyền kỳ của ngươi...

...*

Hô...hát...

Những tiếng hô làm hiệu kéo thuyền trên mặt sông không ngừng vang lên, dây thừng in hằn thành những dấu đỏ tươi trên những tấm lưng trần. Cùng với công việc vất vả của những người kéo thuyền này, đại thuyền trên sông cũng vang lên những tiếng đếm nhịp: "Một...hai, một...hai...Rất nhiều thủy thủ ra sức chèo theo nhịp, phối hợp với những người kéo thuyền cùng nhau cố gắng vượt qua khúc sông nhỏ hẹp này.

Từng chiến thuyền nối đuôi nhau thành một chiến tuyến kéo dài, tạo thành một con rồng lớn trên mặt nước, toát ra khí thế uy vũ của mình trên dòng sông Ác Lãng.

Sông Ác Lãng là một con sông lớn có tiếng là hung dữ nhất trong lãnh thổ Đế quốc Mạch Gia. Nó giống như một hán tử có tính tình ngang ngược, luôn luôn dâng những con sóng lớn mênh mông hung dữ, thả sức biểu lộ tính cách ngang tàng.

Sông Ác Lãng hiểm ác chủ yếu là vì Hoành Môn hạp, Hoành Môn hạp là một hạp cốc nổi tiếng bên trong Đế quốc Mạch Gia. Sau khi sông Lan Thương khí thế mênh mông tiến nhập vào Đế quốc Mạch Gia, nó phân ra một nhánh khác ở vùng Hoành Trúc lĩnh, đây chính là đầu nguồn của sông Ác Lãng. Sau khi phân nhánh ở Hoành Trúc lĩnh mà ra, sông Ác Lãng bắt đầu chảy thẳng về phía Đông, sau khi chảy ngang những nơi như Hoành Sơn, Thất Lý hạp thì tiến vào Hoành Môn hạp, cuối cùng chảy xuống vùng châu thổ ở cuối nguồn. Trong quá trình này, giữa Hoành Môn hạp và cuối nguồn xuất hiện một vết gãy địa chất rất lớn, cho nên hình thành thác nước Hoành Môn hạp. Mà sông Ác Lãng vốn rộng lớn cũng vì vậy mà lập tức thu hẹp lại chỉ còn một phần ba, nước sông tới đó dồn lại, thế nước đột ngột tăng lên mạnh mẽ. Sông Ác Lãng vốn êm đềm khi chảy qua đoạn này, chợt trở nên gào thét hung tợn.

Sông Ác Lãng vì vậy mà trở nên hoành hành ngang ngược gần như vào mùa Hạ hàng năm đều bạo phát một trận thủy tai rất lớn. Nơi mà nó đi qua tường đổ nhà xiêu, vuờn ruộng hoang vu, có thể nói là khu vực hoang tàn cằn cỗi nhất trong Đế quốc Mạch Gia. Miền Trung của Đế quốc Mạch Gia vốn là đất thịt, cũng là khu lương thực có sản lượng cao, mà miền Tây lại là đất cát, nên sản lượng lương thực chỉ có hạn. Phù sa do sông Ác Lãng mang tới chảy về phía Đông, thuộc loại sông chứa nhiều phù sa điển hình, hàng năm mang tới khoảng năm ngàn vạn tấn phù sa. Bởi vậy nên lòng sông nơi này mỗi năm mỗi cao, thế nước cũng mỗi năm mỗi lớn, thủy tai cũng mỗi năm mỗi nặng nề hơn. Dù rằng vùng sông Ác Lãng thiếu thốn các loại cây trồng, nhưng về mặt xây dựng kiến trúc lại có chỗ rất độc đáo.

Việc xây dựng ở vùng sông Ác Lãng rất thuận tiện, đa số đều dùng đất sét dưới sông mà xây, cát cũng lấy ngay tại chỗ. Bọn họ dùng công nghệ đặc biệt chế tạo gạch nung bằng đất sét, xây nên nhà cao cửa rộng, nhưng đặc biệt đại đa số nên nhà đều nằm trên sườn dốc, kiến trúc cao lớn hùng vĩ, lại không kém phần đặc sắc. Nổi tiếng nhất trong đó chính là thành Trầm Sa của Đế quốc Mạch Gia.

Đứng trên boong chiếc Xích Long hiệu. Thiển Thủy Thanh đã thấy được mơ hồ hình dáng hùng vĩ của thành Trầm Sa.

Từ sau khi quyết định ko quân xuống phía Nam ngăn chặn sáu mươi vạn đại quân Đế quốc Mạch Gia quay về, Thiển Thủy Thanh dẫn theo quân hắn chạy thẳng một mạch xuống phía Nam không nghỉ. Dọc đường bọn họ chỉ tìm kiếm thêm thuyền, tập trung dân chúng cướp đoạt tài nguyên, sau đó lên đường đi gấp. Đại quân chia làm hai lộ, một lộ do Mịch Tử Âu dẫn dắt đội kỵ binh dẫn đầu, trách nhiệm chính là càn quét lực lượng phản kháng trên đất liền. Lộ còn lại do Thiển Thủy Thanh đích thân dẫn dắt, đi theo đường sông bọc lên phía trước.