Chương 370: Chờ mong

Lúc ấy Thiển Thủy Thanh nghiêng đầu nói với Mộc Huyết bên cạnh:

- Trước hết hãy đem số chiến mã còn dư phát cho những chiến sĩ trước kia từng là kỵ binh, những người khác chỉ có thể để cho bọn họ vất vả một thời gian trước đã. Sau khi chiếm hai nơi còn lại, bảo mọi người luyện tập thuật cỡi ngựa, nói cho bọn họ biết rằng thời gian của bọn họ cũng không nhiều.

- Nhưng chúng ta không có nhiều chiến mã như vậy…

- Sẽ có, hãy tin ta. Rất nhanh thôi…

Thiển Thủy Thanh khẳng định.

Sau khi đại phá trấn Lao Sơn ngày Mười Hai tháng Sáu, Thiển Thủy Thanh mang theo chiến sĩ Thiết Huyết Trấn và tù binh của Quân đoàn Ưng Dương cũ đã được cứu vội vàng chạy tới Thạch Cương. Ngày Mười Sáu tháng Sáu đuổi tới Thạch Cương, khởi xướng tấn công quân trấn thủ ở Thạch Cương, ngày hôm sau lên đường chạy tới vịnh Kim Sa.

Ngày Hai Mươi Mốt tháng Sáu, Thiển Thủy Thanh đuổi tới vịnh Kim Sa, nơi đây là mỏ vàng quan trọng nhất của Đế quốc Kinh Hồng. Sau khi Thiển Thủy Thanh cứu tù binh, cướp đi được rất nhiều vàng, đồng thời phá hủy hầm mỏ, máy móc, thu công cụ, xua đuổi công nhân, đốt cháy phòng ốc, hủy nguồn khai thác, biến vịnh Kim Sa thành một nơi hoang vắng trong vòng hai ngày.

Cho tới bây giờ đều là phá dễ mà xây khó, sau khi bị Thiển Thủy Thanh phá hoại như vậy, khu vực khai thác mỏ ở vịnh Kim Sa nếu muốn khôi phục lại việc khai thác mỏ cũng phải mất tối thiểu là một năm rưỡi. Lúc này, sau khi Thiển Thủy Thanh đánh chiếm ba doanh tù binh, ngoài chiến tích tiêu diệt được hơn một vạn tên địch, phá hỏng mỏ khai thác vàng của người Đế quốc Kinh Hồng, quan trọng nhất là hắn còn thu được hơn một vạn bảy ngàn chiến sĩ. Lúc này nhân số của Thiết Huyết Trấn đã tăng vọt lên hơn ba vạn người, tính ra binh lực còn nhiều hơn cả thời kỳ vừa mới tiến vào Đế quốc Kinh Hồng, thanh thế cũng làm cho người ta sợ hãi hơn.

Lúc này, thậm chí thành Bá Nghiệp vẫn còn đắm chìm trong mộng đẹp, hoàn toàn không biết biến cố vừa xảy ra ở miền Trung.

Bồ câu truyền thư bay loạn xạ đương nhiên khiến cho ngươi nên nhận được tin tức không thể nào nhận được, nhưng cũng khiến cho người không nên nhận được tin tức lại sớm nhận được.

Ngày Hai Mươi Bảy tháng Sáu, từ khi Thiển Thủy Thanh bắt đầu tấn công Lao Sơn tới nay đã nửa tháng trôi qua, thành Bá Nghiệp mới nhận được tin ba doanh tù binh bị cướp. Lúc này khắp thiên hạ đã biết rõ tin này, thậm chí ngay cả Xích Đế cùng với Thừa tướng và Đại Nguyên soái của ông ta ở Đại thảo nguyên Tây Phong xa xôi cũng biết tin này sớm hơn Lương Khâu Húc một ngày.

Nghe nói rằng dưới tình huống chiến sự Lao Sơn xảy ra mười lăm ngày sau mới biết được tin, Lương Khâu Húc nổi trận lôi đình, lại mất thêm nửa tháng nữa mới hoàn toàn minh bạch là bồ câu đưa tin xảy ra vấn đề. Sau đó Lương Khâu Húc khiển trách Trọng Thúc Dạ, lại phát hiện ra vị Chiến thần khi xưa đã uống thuốc độc tự vẫn, thi thể đã khô cứng lại.

Mà trong thời gian một tháng quý giá này, toàn Đế quốc Kinh Hồng đều đã bị Thiển Thủy Thanh đánh cho nghiêng ngã. Thiển Thủy Thanh sau khi có được lực lượng trợ giúp mới, lập tức triển khai một số hành động phản kích mạnh mẽ nhắm vào người Đế quốc Kinh Hồng. Mà đây cũng là hành động phản công quân sự mang ý nghĩa chính thức sau nửa năm sống kiếp sống chạy trốn của Thiết Huyết Trấn.

o0o

- Giết!

Cùng với một tiếng rống to mạnh mẽ phá trời không, tiếng tù và cất cao khúc nhạc tiến công.

Trên một vùng trống trải mênh mông, hàng ngàn hàng vạn bóng người tạo nên một cơn cuồng phong mãnh liệt quét ngang đất bằng, tấn công vào tòa thành lung lay sắp đổ. Vô số chiến sĩ miệng ngậm cương đao, chân leo thang mây ra sức trèo lên đầu thành. Bọn họ giận đến nỗi hai mắt trợn trừng, điên cuồng gầm rống, lông tóc dựng đứng, xuất ra huyết tính sục sôi cuồng dã từ tận đáy lòng.

Một chiếc xe phá thành nặng ngàn cân dưới hợp lực của mấy mươi chiến sĩ đẩy nhanh về phía cửa thành. Đầu khúc gỗ khổng lồ trên xe được bọc một lớp sắt lá dày, nhìn qua giống như một chiếc tay rồng đang giương nanh múa vuốt, toát ra khí tức chết chóc lạnh thấu xương.

Ầm! Ầm! Ầm!

Ba tiếng nổ liên tiếp vang lên, cửa thành bằng gỗ dày nặng không thể ngăn nổi lực va chạm nặng như núi, kêu lên vài tiếng răng rắc cuối cùng như báo cáo rằng mình đã hoàn thành sứ mạng, sau đó tan vỡ thành những vụn gỗ bay tung tóe đầy trời.

Nhìn khắp chiến trường, cờ xí chợt thay đổi, một làn sóng thiết kỵ hùng dũng xông ra.

Vó ngựa cuồn cuộn, bụi bốc đầy trời, còn có bầu máu nóng sục sôi không ngừng tăng vọt theo đội thiết kỵ xông tới, mang theo bầu không khí sặc mùi chết chóc.

Cơn lũ thiết kỵ cuốn tới hết sức hung hăng, bụi đất bốc lên mù mịt, nhắm về phía cửa thành đã đổ của địch xông tới. Bọn họ múa tít chiến đao, bắt đầu đại khai sát giới với quân thủ thành, máu tươi trong giờ phút này đổ ra như suối, màu đỏ đã trở thành tông màu chủ đạo trong thế giới này, quét mắt nhìn qua, sóng đỏ gần như muốn nuốt chửng cả thiên hạ.

Thiển Thủy Thanh ngồi trên lưng ngựa, lặng lẽ theo dõi thời gian.

- Đã hai canh giờ!

- Báo Tướng quân, cửa thành Tứ Bình đã bị phá, quân ta đang toàn diện tiến vào!

Lính liên lạc chạy tới báo.

- Ta đã thấy.

Thiển Thủy Thanh lạnh nhạt đáp:

- Nói với Tông Trác… giỏi lắm!

Lính liên lạc phi ngựa quay về:

- Các huynh đệ, Thiển Trấn Đốc nói, các ngươi giỏi lắm!

- Rống!!!

Binh sĩ trên đầu tường cùng với binh sĩ dưới cửa thành đồng thời rống lên như điên cuồng, giống hệt ác ma từ địa ngục xuất hiện chốn nhân gian, làm cho tất cả các binh sĩ Đế quốc Kinh Hồng còn muốn phản kháng cảm thấy vô cùng sợ hãi.

Tiếng kèn ra lệnh tấn công toàn diện rốt cục đã nổi lên, rất nhiều chiến sĩ bắt đầu tiến vào thành Tứ Bình, truy quét tàn dư, chiếm lĩnh thành thị.

Thiển Thủy Thanh quét mắt nhìn bầu trời rộng lớn bao la, dưới bầu trời xuất hiện một ráng đỏ, ánh sáng của hy vọng đang chầm chậm dâng lên…

o0o

Ngày Hai Mươi Bốn tháng Sáu, sau khi rời khỏi vịnh Kim Sa một ngày, Thiển Thủy Thanh lập tức phát động đợt phản kích điên cuồng đối với khắp nơi trên Đế quốc Kinh Hồng, lần phản kích này khác với tất cả các trận chiến trước kia. Thiết Huyết Trấn trước kia khi gặp phải những thành thị phòng thủ chặt chẽ kiên cường, cho rằng không thể đánh thì sẽ không đánh, cố gắng đi vòng theo đường nhỏ ngang qua những làng thôn nhỏ, đồng thời cũng tìm vật tư và các thứ cần thiết để sinh tồn ở những nơi này. Bởi vậy đại quân của Thiết Huyết Trấn thường là mỗi ngày chạy qua vài nơi, thậm chí là mười mấy nơi để tiến hành công tác sưu tập vật tư. Nếu gặp phải quân địch có nhân số quá đông thường là lẩn tránh, cố gắng không đối đầu trực diện, dựa vào ưu thế tốc độ cao để đánh du kích.

Nhưng thể loại du kích chiến bởi vì bối cảnh đặc thù của nó, cho nên tới bây giờ cũng không thể trở thành loại hình chủ đạo trong chiến tranh. Bởi vậy Thiển Thủy Thanh sau khi đạt được một số quân có sức khỏe đầy đủ, lại nhân cơ hội thực lực của Đế quốc Kinh Hồng bị hao tổn nặng nề vì chiến sự xảy ra liên miên, thực lực hai phe kẻ tăng người giảm, hắn bèn thay đổi trạng thái tác chiến.

Hắn bắt đầu có kế hoạch khởi xướng công kích nhắm vào một ít thành thị có hệ thống phòng ngự nghiêm mật, chứ không chọn đường vòng mà đi như trước nữa. Thủ đoạn cường công ở một mức độ nhất định để giành lấy thắng lợi, rốt cục đã được xuất hiện trong sự an bài chiến lược của Thiển Thủy Thanh. Vì tranh thủ thời gian, thậm chí Thiển Thủy Thanh có thể chấp nhận tổn thất binh lực ở một mức độ nhất định.

Vì chuyện Bát Xích tráo đổi bồ câu đưa tin, hiện giờ mạng lưới thông tin liên lạc của Đế quốc Kinh Hồng đang trong tình trạng như một người mù. Thiển Thủy Thanh chính là muốn lợi dụng cơ hội hiếm có này để hoàn thành nhiệm vụ mang tính chuyển đổi giai đoạn chiến lược, mà từ trước tới nay hắn rất muốn hoàn thành nhưng không có cách nào để hoàn thành: thông qua chiến đấu trên quy mô lớn giết chết hay sát thương đại đa số binh lực của Đế quốc Kinh Hồng, tranh thủ cơ hội sống còn rất tốt cho Thiết Huyết Trấn ở nơi đây.

Trước đây, mặc dù trong lần bao vây tiêu diệt thứ hai, thứ ba của Đế quốc Kinh Hồng, Thiển Thủy Thanh đều đạt được thắng lợi mang tính đột phá. Nhưng đối với một cánh quân đơn độc trong lòng địch mà nói, tiêu diệt một số lượng lớn quân địch có ý nghĩa hơn rất nhiều so với tiêu diệt một ít tinh binh của địch. So với lần bao vây tiêu diệt thứ ba tiêu diệt được sáu vạn quân tinh anh, Thiển Thủy Thanh rất muốn tiêu diệt mười vạn quân ô hợp hơn. Mặc dù ở trên chiến trường, mười vạn quân ô hợp không thể nào sánh ngang được với sáu vạn tinh binh của Tô Nam Vũ và Thế Quân Dương, nhưng đối với người Đế quốc Kinh Hồng cần thành lập một tấm lưới phòng ngự khổng lồ mà nói, thật ra quân phổ thông với số lượng khổng lồ mới là nền tảng cho sự an toàn của cả quốc gia. Nếu muốn tung hoành trên đất địch, như vậy tiêu diệt quân địch với số lượng nhiều sẽ có ý nghĩa hơn xa so với tiêu diệt một ít tinh binh. May mắn là Cơ Nhược Tử xem như đã giúp hắn một đại ân về phương diện này.

Dưới tính toán như vậy, mười hai thành thị nằm ở miền Trung và Nam Đế quốc Kinh Hồng như các thành Tứ Bình, Thanh Nham, Duyên Châu… bị Thiển Thủy Thanh vung tay một cái đưa vào danh sách phải tấn công. Thông qua chuỗi tấn công liên hoàn này, hoàn thành mục đích chiến lược của Thiển Thủy Thanh: Tiêu diệt một số lượng lớn quân địch, cướp đoạt vật tư tài nguyên, làm quân địch kinh sợ, nêu cao uy danh của quân ta.

Mười hai thành thị phải đánh chiếm hết trước trung tuần tháng Bảy, cái nào cần lấy đi thì lấy hết, kẻ nào cần giết thì giết hết. Nhất là nhu cầu cấp bách của Thiết Huyết Trấn trước mắt là cần đổi mới vũ khí trang bị, các loại khí giới quan trọng dành cho các trận chiến với quy mô lớn. Thiển Thủy Thanh muốn cho Thiết Huyết Trấn một lần nữa trở thành một cánh quân thiện chiến, mà chuyện này cần phải chiếm một số thành thị mới có thể hoàn thành.

Lúc này thành Tứ Bình đã bị chiếm, nhưng đại chiến chỉ vừa mới bắt đầu.

Giục ngựa chạy trên đường lớn trong thành Tứ Bình, Thiển Thủy Thanh dẫn đầu, theo sau ngoài Thủy Trung Đường, Phương Hổ còn có các tướng của Quân đoàn Ưng Dương cũ như Tông Trác, Lữ Bân, Quan Hải Sơn… Một vạn bảy ngàn tù binh, ngoại trừ lấy ra tám ngàn người để bổ sung binh lực bị tổn thất cho năm Doanh dưới trướng Thiết Phong Kỳ và Linh Phong Kỳ, còn lại chín ngàn người căn cứ theo khu vực được chia làm ba Doanh: Lao Sơn Doanh do Tông Trác, Thạch Cương Doanh do một tên Doanh Chủ là Thiều Phi Chí, Kim Sa Doanh do một tên Khúc trưởng là Thi Thành phụ trách. Trong đó sở dĩ Thi Thành có thể nhận trọng trách Doanh Chủ, là vì trong doanh tù binh ở vịnh Kim Sa, hắn là người có uy vọng cao nhất. Từng sống kiếp sống lao động khổ sai, tên Khúc trưởng nho nhỏ này không chỉ một lần cứu mạng chiến hữu mình mà phải vào sinh ra tử, thậm chí cũng vì chiến hữu của mình mà chịu tra tấn đòn roi. Tên hán tử cứng cỏi như được đúc thành từ sắt thép này đã đấu tranh hết lần này đến lần khác với đám quân coi giữ hung ác như lang sói, cuối cùng nhờ vậy mà được mọi người kính yêu và ủng hộ.

Doanh tù binh và quân doanh có sự khác nhau rõ ràng, những quan quân trước khi bị bắt làm tù binh ở địa vị cao, nhưng vào trong doanh tù binh rồi chưa chắc đã là nhân vật có thể khiến cho tất cả mọi người nghe theo như trước. Cũng giống như học sinh giỏi trong trường học, ra ngoài xã hội chưa chắc đã có năng lực leo cao. Trong hoàn cảnh ở doanh tù binh không được thấy ánh mặt trời, rất cần loại người khẳng khái xả thân giúp đỡ chiến hữu bị nạn, có kiến thức, có đầu óc, gặp chuyện bình tĩnh, đáng được mọi người tôn trọng để gánh vác trọng trách lãnh đạo tất cả mọi người. Dưới tình huống như vậy, cho dù người được cấp trên khen ngợi cũng không có ý nghĩa gì, chỉ có người được cấp dưới kính yêu mới là đáng giá.