Chương 243: Thiển thị binh pháp (Thượng)

Ngày Mười Hai tháng Sáu năm Một Trăm Lẻ Bảy lịch Thiên Phong, Thiển Thủy Thanh chính thức xuất bản quyển Thiển thị binh pháp cho người đời chiêm ngưỡng.

Quyển Thiển thị binh pháp vừa ra đời đã làm cho các quan viên trong triều chấn động.

Binh thư đọc qua thấy như đơn giản nhưng có ý nghĩa phi phàm, ảnh hưởng sâu xa, mang đầy sắc thái văn hóa hấp dẫn, có thể người khác không biết, nhưng Nam Sơn Nhạc hiểu rất rõ ràng.

Không ai ngờ được Thiển Thủy Thanh tự nhốt mình trong phủ một thời gian không làm gì cả, cuối cùng lại viết ra một quyển binh thư như vậy. Mặc dù một chiêu này không phải nhằm đả kích Nam Sơn Nhạc, nhưng nó còn hơn là đả kích, mức độ nặng nề của nó vượt xa những đòn đả kích của Thiển Thủy Thanh trong quá khứ.

Mà Thương Dã Vọng cũng giật mình kinh hãi đối với quyển Thiển thị binh pháp của Thiển Thủy Thanh, nghe nói sau khi ông ta xem xong, không nhịn được phải vỗ bàn khen ngợi hết lời.

Hội triều hôm ấy, vì chuyện quyển Thiển thị binh pháp mà lập tức trở nên sôi nổi hẳn lên.

Trầm Dục của Ty Lễ Nghi được Nam Sơn Nhạc xúi giục, đứng ra vạch lỗi thiếu kinh nghiệm cầm quân của Thiển Thủy Thanh, căn bản là không đủ tư cách sáng tác binh thư, hành vi này chẳng qua là để lấy lòng mọi người mà thôi. Các tướng như Chu Đan Tâm của phủ Quân Vụ liền châm chọc khiêu khích, nói rằng những kẻ có tài năng thật sự trong thiên hạ, kinh nghiệm không quan trọng, mà quan trọng là có năng lực hay không. Kinh nghiệm của Trầm đại nhân có thừa, nhưng năng lực có lẽ còn kém một chút.

Một trận đại chiến võ mồm lập tức được triển khai, tiếng tranh cãi ồn ào huyên náo tới mức Thương Dã Vọng phải cất tiếng quát ngay trên triều.

Sau đó, Thương Dã Vọng ra lệnh cho Đại học sĩ của Chương Tu Các là Văn Mạc mở binh thư ra đọc cho tất cả cùng nghe.

Văn Đại học sĩ theo lệnh mở binh thư ra đọc, dần dần những tiếng hít thở sâu càng ngày nổi lên càng nhiều:

“Kẻ chưa đánh mà mưu toan chiến thắng, đương nhiên phải tính toán rất nhiều, người chưa đánh mà mưu toan không thắng được, cũng phải tính toán không ít. Tính toán nhiều mới thắng được, tính toán ít không thắng, huống chi là không tính toán? Từ đó có thể thấy rằng chiến cục trong thiên hạ, nhìn vào chuyện tính toán vạch kế hoạch trước khi đánh ắt có thể biết được thắng hay bại. Kẻ dùng binh giỏi, điều động quân không cần tới hai lần, vận chuyển quân lương không cần tới ba chuyến, lấy lương thực của quân địch dùng cho quân mình, ắt lương thực sẽ không thiếu. Dùng binh phải thần tốc, chưa nghe qua kẻ nào đánh lâu mà mang lại ích lợi cho quốc gia, cũng chưa từng nghe qua kẻ nào dùng binh đánh lâu mà thắng lợi. Kẻ không biết cái hại của chuyện dùng binh chậm chạp, không thể nào biết cách dùng binh cho giỏi.

Dùng binh quý ở chỗ tốc chiến tốc thắng, không quý trọng đánh chậm chạp rề rà. Phương pháp dùng binh, chiếm toàn quốc của địch là thượng sách, đánh tan quân địch là hạ sách. Bách chiến bách thắng, không giỏi cũng thành giỏi, không đánh mà thắng, càng giỏi hơn. Thượng sách là dùng mưu, kế đó là giao chiến, kế nữa là chinh phạt, hạ sách là công thành. Phép công thành bất đắc dĩ lắm mới phải dùng, vì nếu hao binh tổn tướng mà không hạ được thành, ắt trở thành tai họa. Phép dùng binh, quân ta đông gấp mười quân địch thì bao vây, đông gấp năm thì tấn công, đông gấp đôi thì chia ra tiêu diệt. Chỉ có kẻ biết người biết ta, lấy khỏe đánh mệt, lấy thực đánh hư mới có thể trăm trận trăm thắng.

Trong đạo dùng binh, vừa phải có mưu lược vừa phải mạnh mẽ, không có kế nào là không thể dùng, không có phép nào là không khả thi, giữa lúc sống chết nguy nan, phải lập tức vứt bỏ đạo của người quân tử! Đạo dùng binh không có đạo lý nào là thường thắng, nhưng có phương pháp khiến cho bất bại. Gặp kẻ không thể thắng thì ta thủ, gặp kẻ có thể thắng được thì ta công. Kẻ giỏi về phòng thủ, nấp dưới chín tầng đất, kẻ giỏi tấn công, động trên chín tầng trời, như vậy mới có thể tự bảo vệ mình mà toàn thắng. Khi một Tướng quân bất bại gặp một Tướng quân thường thắng, đương nhiên Tướng quân bất bại sẽ có hy vọng giành phần thắng hơn.”

Từng lời từng chữ trong quyển Thiển thị binh pháp này làm cho mọi người trong triều nghe đến nỗi trợn mắt há mồm.

Đây không đơn giản chỉ là một tác phẩm sao chép lại, mà Thiển Thủy Thanh còn thêm vào rất nhiều hiểu biết của mình về chiến tranh. Chỉ vài đoạn vừa kể trên đối với các tướng trong Đế quốc mà nói, có thể xem như xua tan mây để thấy ánh mặt trời, tiến hành phân tích hết sức chu đáo về chiến tranh từ cá nhân cho tới toàn quốc, đứng trên góc độ chiến lược của toàn cục.

Thiển Thủy Thanh trình bày vô cùng sâu sắc và trực tiếp, hắn gọi thẳng chiến tranh là đại sự thứ nhất của quốc gia, ở nơi sống chết, không thể không giết. Một trận chiến có chất lượng cao, đầu tiên là ở chỗ phòng ngừa chu đáo, chuẩn bị càng đầy đủ, phần thắng càng nắm chắc. Ngoài ra, dùng binh không quý ở chỗ đánh lâu, mà quý ở chỗ tốc chiến tốc thắng, dùng mưu thì có thể dùng bất cứ thủ đoạn tồi tệ nào, không cần e ngại pháp luật, chiến tranh càng không có đạo quân tử, xin mời quân tử tránh xa ra một chút.

Quan trọng nhất là, Thiển Thủy Thanh vạch ra từ căn bản rằng, chiến tranh không có phương pháp nào là thường thắng, chỉ có đạo giữ cho bất bại mà thôi. Từ xưa tới nay các danh tướng anh hùng, sở dĩ có thể lập nên kỳ công cái thế không phải là vì bọn họ có bí quyết chiến thắng nào đó trong tay, mà là bọn họ nắm giữ bí quyết làm thế nào để không bại trận. Khi hai Tướng quân tài giỏi gặp nhau, người nào gần với khả năng bất bại hơn, hy vọng thắng lợi của người đó càng lớn hơn một chút.

Khi Tướng quân thường thắng gặp gỡ Tướng quân bất bại, Tướng quân bất bại sẽ thắng.

Tư tưởng trong quyển Thiển thị binh pháp hoàn toàn trái ngược với tư tưởng quân sự của Đế quốc Thiên Phong từ trước tới nay, một mặt coi phương thức chủ động tấn công tích cực là quan trọng nhất trong chiến trận, một mặt vạch ra tư tưởng sâu xa tiềm ẩn của chiến tranh, làm cho mọi người trong triều nghe thấy đều khiếp sợ.

Tuy nhiên, sự chấn động kia chỉ mới bắt đầu.

Quyển Thiển thị binh pháp này, Thiển Thủy Thanh chia ra thành hai mươi chương, đó là một hệ thống được trình bày bao gồm hình thức quốc gia, chiến lược tổng thể, tính toán địa hình, địa thế, địa lợi, thiên thời, tố chất binh sĩ, cung ứng tài nguyên, phương pháp dùng binh, thưởng phạt các tướng, bên cạnh đó còn có rất nhiều ví dụ quân sự thực tế để tham khảo cơ bản.

Thiển thị binh pháp chỉ ra rằng: “Tiến quân bất ngờ ở nơi tưởng chừng không có bất ngờ, đi ngàn dặm mà không mệt mới có thể xông vào nước địch như vào chỗ không người. Địch tấn công, ắt vì công mà không thể thủ, địch phòng thủ, ắt vì phòng thủ mà không thể tấn công. Kẻ giỏi tấn công, địch không biết thủ như thế nào, kẻ giỏi phòng thủ, địch không biết phải công vào đâu. Ẩn nấp như vô hình không tiếng động, ắt có thể giáng cho địch những đòn chí mạng. Tiến quân sao cho địch không thể cản, đánh vào chỗ hư, lui quân sao cho địch không thể đuổi theo vì không kịp.

Về mặt kế sách phải hiểu rõ sự được mất, tác chiến phải nắm rõ động tĩnh của địch, địa hình phải biết những nơi hiểm trở, tính toán thà dư còn hơn thiếu. Đạo dùng binh, lấy xảo trá mà lập, hành động phải nhanh nhẹn linh hoạt, biến hóa lúc hợp lúc phân, nhanh như gió, ổn như núi, nóng như lửa, ngấm ngầm khó biết, động như sét đánh. Chiếm lấy từng vùng, sau đó mở rộng ảnh hưởng, hành động quyền biến.”

Lúc nghe tới phần này, Chu Đan Tâm không nhịn được kêu to:

- Hay cho câu “Lấy xảo trá mà lập, hành động phải nhanh nhẹn linh hoạt, biến hóa lúc hợp lúc phân, nhanh như gió, ổn như núi”. Thiển Thủy Thanh, lúc ngươi đánh Chỉ Thủy đúng là làm như vậy, Chu Đan Tâm ta hôm nay hoàn toàn khâm phục ngươi!

Thiển Thủy Thanh chỉ mỉm cười nói:

- Quyển binh thư này nhân cảm xúc mà viết ra, còn rất nhiều chỗ cần sửa chữa, xin các vị nghe xong chỉ giáo giùm!

Chu Đan Tâm đáp:

- E rằng phải làm phiền Thiển Tướng quân chỉ điểm cho chúng ta. Quyển binh thư này tuyệt đối là binh thư hay nhất mà lão Chu ta đã đọc từ trước tới nay, có thể nói là lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu. Quả nhiên Thiển Tướng quân là kỳ tài ngút trời, không chỉ có thể đánh thắng trận, còn có thể viết ra binh thư truyền bá, đời sau biết tới quyển binh thư này, nhất định Thiển Tướng quân sẽ lưu danh thiên cổ.

Thiển Thủy Thanh khẽ khom người với Chu Đan Tâm:

- Không dám, không dám, Chu đại nhân khen ngợi quá lời!

Lúc hắn quay đầu lại, sắc mặt Nam Sơn Nhạc đã xám như tro tàn.

o0o

Hôm ấy, Thiển Thủy Thanh xuất ra Thiển thị binh pháp đã chuẩn bị tỉ mỉ, làm cho triều đình Đế quốc Thiên Phong chấn động một phen. Từ Hoàng đế cho tới văn võ bá quan đều vô cùng bội phục vị Tướng quân trẻ tuổi thiên phú hơn người này. Quyển binh thư này có thể nói là tác phẩm quan trọng nhất mà Thiển Thủy Thanh đặt nền móng cho địa vị đại sư về binh pháp cho mình trong tương lai. Mặc dù sau đó, Thiển Thủy Thanh cũng viết thêm vài tác phẩm lý luận quân sự để bổ sung, đúc kết kinh nghiệm, nhưng không còn tác phẩm nào làm chấn động toàn đại lục như quyển binh thư này.

Sau đó không lâu, quyển Thiển thị binh pháp này được truyền bá rộng rãi trên phạm vi toàn đại lục.

Quyển binh thư này bằng vào bút pháp sắc bén, sự quen thuộc về chiến tranh, tầm nhìn rộng rãi trên nhiều góc độ, tư tưởng chiến tranh vô cùng rộng lớn tinh thâm, cùng với lý luận chiến thuật mới mẻ hoàn toàn, làm cho kinh sợ toàn đại lục. Gần như mỗi người sau khi xem xong quyển binh thư này đều bị thuyết phục, chỉ có thể thở dài tấm tắc ngợi khen. Các tướng lĩnh quân sự nổi danh của các quốc gia phải kêu lên thất thanh, rằng Đế quốc Thiên Phong đã có người kế tục, Thiển Thủy Thanh ắt sẽ kế thừa y bát của Liệt Cuồng Diễm, trở thành Chiến thần của Đông đại lục, thậm chí còn có thể trở thành đệ nhất Chiến thần của toàn đại lục.

Nghe nói tướng trấn thủ Hàn Phong quan là Cô Chính Phàm sau khi được quyển binh thư này, trước tiên xem qua toàn bộ, sau đó suy tư một hồi lâu rồi mới nói:

- Đại địch tương lai của Đế quốc Kinh Hồng không phải là Liệt Cuồng Diễm, mà chính là Thiển Thủy Thanh. Nếu không trừ người này, Đế quốc Kinh Hồng vĩnh viễn không có một ngày được bình yên!

Vương hầu Tháp Lan của Đế quốc Mạch Gia, sau khi đọc qua quyển binh thư này lập tức dâng biểu lên Hoàng đế Đế quốc Mạch Gia, xin phân phát quyển binh thư này cho tất cả tướng lĩnh cao cấp của Đế quốc Mạch Gia, lệnh cho tất cả phải dốc lòng học tập đạo dùng binh của Thiển Thủy Thanh trong đó.

Đại nguyên soái Tư Ba Tạp Ước của Công quốc Thánh Uy Nhĩ sau khi xem quyển binh thư này, thở dài một tiếng:

- Một ngày còn có Thiển Thủy Thanh ở Đế quốc Thiên Phong, e rằng Công quốc Thánh Uy Nhĩ chỉ có thể theo sau người khác!

Ngoại trừ các nước xung quanh Đế quốc Thiên Phong ra, thậm chí Nhai quốc ở cực Bắc, Phong quốc ở cực Nam, Đại Đế quốc Tây Xi ở cực Tây đều tỏ ra hưởng ứng quyển binh thư này này vô cùng mạnh mẽ, vừa kinh sợ trước tài năng của Thiển Thủy Thanh, đồng thời cũng tỏ vẻ thán phục không thôi.

Thậm chí Quốc chủ của Phong quốc còn nói thẳng rằng:

- Đại lục Quan Lan từ ngàn năm nay chưa có một người nào có thể phân tích và trình bày về đạo dùng binh một cách tinh tế và tỉ mỉ như Thiển Thủy Thanh. Thiển Thủy Thanh hắn quả là anh hùng cái thế, hàng trăm năm nữa chưa chắc đã có ai có thể vượt qua!

Ngay cả dũng tướng của Đại Đế quốc Tây Xi, Chiến thần Tây đại lục thanh danh hiển hách Cách Long Đặc, nghe nói sau khi được quyển binh thư này lập tức nhốt mình trong phòng ba ngày không ra khỏi phòng.

Sau ba ngày, câu đầu tiên của Cách Long Đặc sau khi ra khỏi phòng chính là: “Ta đã hoàn toàn hiểu rõ quyển binh thư này, Thiển Thủy Thanh, ngươi là đối tượng mà ta khao khát được giao thủ nhất, ta hy vọng có thể gặp được ngươi trên chiến trường!"

Theo Thiển thị binh pháp truyền khắp thiên hạ, danh vọng của Thiển Thủy Thanh cũng lên như thuyền lên theo nước. Không ai có thể hoài nghi rằng, vị tướng lĩnh trẻ tuổi chỉ bằng vào hơn một vạn người mà đánh hạ cả Chỉ Thủy này là nhờ vào vận may hay nhờ vào đối thủ yếu ớt kém cỏi. Vị trí đại tông sư về binh pháp của Thiển Thủy Thanh, nhờ vậy đã hết sức vững vàng.

Theo sự xuất hiện của quyển binh thư này, địa vị của Thiển Thủy Thanh trong lòng Thương Dã Vọng càng vững chắc hơn xưa. Cũng theo đó, chính là áp lực nặng nề đè lên đôi vai Nam Sơn Nhạc.

(Những đoạn binh thư ở trên được viết bằng cổ văn, không phải là văn bạch thoại. Vì trình độ có hạn, nên mình chỉ có thể dịch phỏng ý mà thôi, chắc chắn không thể nào tránh khỏi có sai sót, mong quý độc giả vui lòng châm chước, đa tạ!)