Chương 10: Chương 12

Chương 12

Tiếng xe máy rít lên, xé màn đêm ra làm hai mảnh xanh thẫm. Hai chiếc cánh bóng tối dang rộng, bay phần phật, trở thành người đồng hành bám sát bên tôi. Tôi giữ chặt tay lái, mở căng mắt nhìn về phía trước. Bao nhiêu thời gian đã mất? Bao nhiêu con đường đã ở lại sau lưng? Yên xe phía sau tôi trống trải. Chẳng có gò má nương tựa dịu dàng. Chẳng còn hơi thở ấm và nhẹ. Chỉ là một phát hiện thoáng qua, nhưng làm nỗi cô độc trong tôi đậm lên bất thần. Chưa bao giờ, kể ngày rời nhà ra đi, tôi cảm thấy trống rỗng đến như vậy. Một nửa vỏ não tôi, cái nửa tỉnh táo, lạnh lẽo bên ngoài điều khiển xe chạy. Nửa còn lại hướng vào bên trong, không nguôi sôi sục, như miệng núi lửa nóng chảy, vỡ ra các bọt khí đớn đau. Bộ quần áo bảnh choẹ đắt giá. Khoé miệng cười nhếch tự tin. Đôi bàn tay với những ngón dài xanh tái. Từng phần, từng phần của Bảo chậm rãi hịên ra. Đồng thời, tôi gắng sức phục dựng hình ảnh của Châu. Chiếc váy lụa mềm. Khăn len rộng buông trên khuỷu tay dài. Hương thơm dịu ngọt của nước hoa có mùi táo. Ký ức chung của họ về âm nhạc. Những cuộc sống đồng dạng, dễ dàng và vô tư lự... Tất cả các mảnh rời rạc ấy dần dần tìm đúng vị trí, như một trò chơi xếp hình, gắn kết vào nhau, hoàn toàn tương thích. Tôi vỡ lẽ. Đúng rồi, Châu thuộc về thế giới ấy. Cô bước ra từ thế giới ấy và cô sẽ quay về với nó. Chẳng qua, tôi chỉ là một khoảnh khắc chuếnh choáng, giúp Châu bước lạc ra ngoài nhịp điệu đều đặn nhàm chán thời điểm nào đó mà thôi. Ừ, sự nỗ lực, tình cảm chân thành mà tôi tin tưởng như cái phần tốt đẹp của thế giới này dùng vào việc gì chứ? Rốt cuộc, chỉ cần một cái áo đẹp, một vẻ ngoài sành điệu cũng có thể giành mất của tôi người mà tôi thương yêu...

Mới tuần trước, tôi đọc lại Gatsby vĩ đại. Quyển sách cũ khiến tôi nằm im, thẫn thờ nghĩ về sự sụp đổ chuỗi ảo giác mà chàng Gatsby khốn khổ đã bỏ ra cả tuổi thanh xuân để theo đuổi, nỗi thất vọng lớn lao. Thật không sao ngờ được, chỉ một tuần sau, lúc này đây, chính tôi đang trải nghiệm tình huống chua xót ấy. Càng nghĩ, nỗi cay đắng càng dâng trào, làm mắt tôi mờ đi, như phủ một màn sương đục. Tôi lên gas. Bánh xe lướt trên đường nhựa như trượt trên dải lụa trơn mượt. Một chiếc xe tải ngược chiều, đèn sáng choá. Cũng như tôi, nó lao với tốc độ kinh hoàng. Chỉ một tích tắc, tôi sẽ bị hất tung lên. Rơi xuống. Nghiền nát như cám. Cho đến khi tấp xe vào lề đường, tôi mới nhận ra tình huống khủng khiếp vừa vượt qua. Mùi cá khô mà chiếc xe hàng chở đầy còn phảng phất trong không khí. Cả mùi nhựa khen khét khi bánh xe thắng gấp. Không, tôi chẳng sợ hãi gì sất. Tôi cũng chẳng cảm thấy may mắn vì đã thoát chết. Tuy nhiên, các ngón tay tôi run lẩy bẩy, các múi cơ lồng ngực co thắt, đau điếng. Phản ứng của cơ thể với cái chết nhìn thấy trước mắt. Tôi dừng hẳn xe, tắt máy, gạt chống, ngồi thừ trên yên. Ừ, nếu lúc này có điếu thuốc, thì tôi cũng thử hút một chút. Tôi hoàn toàn bình tĩnh. Nhưng đằng sau trạng thái tê liệt ấy, tôi sững sờ với ý nghĩ vừa khám phá ra: Tôi không mạnh như tôi tuởng. Chẳng có ai là quá mạnh mẽ. Biên giới của cuộc sống và cái chết sao thật mỏng manh. Sẽ có lúc nào, tôi cần nương tựa vào một ai đó. Cũng như bây giờ, đang có một ai đó cần được nương tựa vào tôi.

Tôi đang ngồi bên cánh đồng ngoại ô. Những thân cây bạch đàn trồng hai ven đường lờ mờ trong bóng tối. Ánh sáng mờ nhạt của vầng trăng như một con thú cuộn tròn, ẩn mình sau các vệt mây nhờ nhờ xám. Gió đêm chạy cuồng khắp chốn, giật lìa từng túm lá khô xác trên cành, quật ngang vào mặt tôi. Lạnh, nhưng gió xua tan các phỏng đoán muộn phiền. Suy nghĩ trong tôi lại trôi về Châu. Kể từ sau buổi tối đầu tiên bên nhau, tôi biết, tôi gắn kết với cô bằng một điều gì còn lớn hơn cả tình yêu. Trước kia, mỗi khi nghĩ về cánh con gái, ý nghĩ tôi thường chỉ chạm đến lớp vỏ ngoài: Việc tỏ tình, những buổi đi chơi, các giận hờn, nỗi nhớ nhung, vài thói quen buồn phiền hay dễ chịu. Nhưng với Châu, mọi việc hoàn toàn chệch ra ngoài cái phác thảo tầm thường ấy. Cô đau yếu, cô thường níu chặt lấy tôi, sợ hãi mỗi khi tôi biến mất. Cô trao tặng cho tôi cảm giác trưởng thành và vững tin vào bản thân. Bởi qua cô, tôi nhận ra mình có thể là chỗ dựa ột ai khác ngoài mình. Ngược lại, điều mà cả Châu lẫn tôi đều chưa biết, là tôi cũng cần cô, thiết tha chẳng kém. Nếu không có Châu, hẳn tôi đã là một kẻ bê tha, sống bừa bãi với những đồng tiền kiếm được. Một kẻ trống rỗng, lạnh nhạt, đầy nghi hoặc, chẳng còn tin vào điều gì tốt lành... Thốt nhiên, điều gì đó trong tôi tỉnh ra. Tôi giật thót. Phải chăng tôi đã cư xử chẳng khác nào một tên ngốc, ghen tuông u tối và hoang dại. Tại sao tôi lại bỏ mặc Châu, để cô còn lại một mình với cái gã chơi piano ba trăm lần chết băm ấy chứ?

Tôi quay về thành phố. Mưa bụi lất phất. Tôi chẳng màng dừng lại trùm áo mưa. Ý nghĩ có thể Châu vẫn chờ tôi bên ngoài sân khấu tôi xui khiến tôi lao đi. Lao như điên. Nhanh, nhanh nữa. Những vệt đèn đường. Những chiếc xe hàng ban đêm lừ đừ chạy vào thành phố. Những người đi làm ca đêm mệt mỏi túa ra túa ra khỏi các cánh cổng nhà máy tối đen, co ro trên xe, hối hả trở về nhà... Ai cũng cần tìm về cái bến đậu của họ, dù ngắn ngủi. Và tôi cũng thế.

Cổng nhà hát lớn. Ánh sáng trắng đục dưới những vòm lá cổ thụ. Cánh cổng đóng kín. Tôi nhảy xe lên lề. Không có ai cả. Nhưng trong một vệt bóng đổ của cây cổ thụ, chỗ bức tường gấp khúc, hình như có bóng người động đậy. Tôi xuống xe, tiến lại gần. Một đôi tình nhân bụi đời đang ôm nhau. Thấy tôi nhìn sững, gã thanh niên buông cô gái ra, tiến tới, nhanh như chớp, đấm thẳng vào mũi tôi, kèm một lời rủa cục cằn. Sau đó, gã thản nhiên quay về với cô ả có mái tóc đỏ rực. Tôi xuống đường, vòng qua khu trung tâm thành phố. Đồng hồ bưu điện chỉ gần 1 giờ. Một ngày mới đã sang. Hai ngàn cuối cùng trong tài khoản mobile của tôi vừa vặn tan biến. Ý định gọi điện cho Châu phá sản...

Một quán cà phê nhỏ đèn vàng bên khu phố Tây. Trông quen quen. Phải rồi, nơi này tôi đã từng đón vị khách đầu tiên khi bắt đầu vào nghề xe ôm. Tấm bảng điện thoại công cộng treo dưới bảng tên quán làm tôi mừng húm. Tôi ghé vào. Tôi run run bấm số của cô. Giọng đọc nghẹt mũi thông báo số máy ngoài vùng phủ sóng. Ban nãy, lúc xem kịch, Châu cẩn thận khoá máy. Lẽ nào, cô vẫn chưa sử dụng lại mobile từ lúc tan vở đến giờ. Tôi tê điếng với ý nghĩ cô đang vui vẻ cùng Bảo và lũ bạn bè của họ ở một quán xá nào đó. Cô ấy dễ với mình, thì cũng có thể... Ý nghĩ đen tối bay qua đầu. Không, tôi không thể để cho sự tưởng tượng đê hèn ấy xâm chiếm. Lưỡng lự thật lâu, tôi quyết định sẽ gọi về số nhà cô. Dù việc phải đối thoại với những giọng nói kẻ cả làm tôi nóng lạnh. Những tiếng tút tút báo máy bận. Hình như ai đó sử dụng net ban đêm. Tôi buông ống nghe. Lúc ra khỏi quán cà phê đêm, tôi vấp chân, suýt đâm sầm vào một người đàn bà ngồi dặt dẹo trên chiếc ghế chân cao. Cô ta ngẩng nhìn tôi. Đôi mắt sâu hốc hắt ra ánh nhìn hờ hững, lơ đãng. Chóp mũi thẳng căng trắng toát. Chỉ có khuôn miệng biểu cảm ghê rợn, nó rúm ró, phơi bày một nỗi đau đớn bí ẩn. Ánh hồi quang của trí nhớ bất thần ập về. Người chơi đàn violon mà tôi từng chở đi trong đêm, qua các điểm diễn. Ôi chao, chỉ có vài tháng mà chị ta biến đổi đến không ngờ. Người chơi đàn không nhận ra tôi. Làm sao mà nhận ra chứ. Chị ta vươn tay, chạm nhẹ vào vai tôi, xin một điếu thuốc. Giọng nói kéo dài, khản đặc. Kinh nghiệm lăn lóc ngoài đời báo cho tôi biết chị ta nghiện hàng trắng. "Không có!" - Tôi đáp, run run. Chị ta nhìn tôi, nở nụ cười ma quái: "Tôi sắp chết rồi!". Tôi sởn gai ốc. Thọc tay vào túi áo chemise mặc ngoài, còn vài chục ngàn, tôi đưa cho chị ta nốt. Những ngón tay lạnh đẫm mồ hôi, khiến tôi rùng mình. Chạy về hướng nhà Châu, bỗng dưng tôi tức giận. Tức đến muốn vỡ bụng. Tại sao khi bao nhiêu người thèm được sống, sung sướng với từng ngày còn được nhìn thấy mặt trời trên trái đất này, lại có những kẻ tự nguyện lao thẳng vào cái chết? Tại sao điên rồ và ngu xuẩn như vậy chứ?

Cổng nhà Châu. Tôi bấm chuông. Người giúp việc hoảng hốt mở ô cửa sổ nhỏ trên cổng, đưa mắt nhìn ra. Ơn Chúa, đây là người dễ chịu nhất trong nhà Châu. Mắt bác ấy trợn tròn khi nhận ra tôi:

- Cô nhà đâu? - Câu hỏi thì thào ném về tôi.

- Châu chưa về ư, bác? - Tôi bỗng hiểu ngay. Sống lưng lạnh toát.

- Cô ấy đi với cậu mà! - Giọng bác ta cất cao hơn, gần như the thé.

Không nói thêm gì nữa, tôi nhảy lên xe, lại phóng vút đi. Tôi đảo qua tất cả những nơi tôi và cô nhóc từng đến. Cửa rạp xem phim. Quán cà phê. Các lối mòn viền ngoài công viên... Vắng vẻ. Trống trải. Những cánh cửa đóng kín như những con mắt say ngủ, thờ ơ với nỗi lo thắt lòng trong tôi. Càng về sáng trời càng lạnh. Tôi chỉ còn niềm xác tín mạnh mẽ: Châu không đi với ai hết. Nếu vậy lúc này cô nơi đâu? Mưa làm mặt tôi ướt mèm. Đưa tay chùi mặt, tôi nhận ra có một vệt ấm nóng, đỏ tươi. Máu mũi tôi đang chảy. Cú đẫm đáng nể của gã bụi đời. Tôi đi lòng vòng, càng lúc càng tuyệt vọng. Kim trên đồng hồ xe báo sắp hết xăng. Tôi đành phải quay về nhà trọ.

Con hẻm quen thuộc. Mùi hoa mận nhan nhát trong mưa cũng quen thuộc. Điều khác thường thuộc về một bóng người ngồi trên tường rào. Cái dáng ngồi mảnh khảnh quá đỗi thân thuộc. Chiếc váy lụa nổi lên trắng mờ trong bóng tối quá đỗi tinh khiết, dịu dàng. Cô nhóc ngủ, cái đầu nghiêng nghiêng gục trên đầu gối. Chiếc khăn choàng len tuột xuống bờ tường, cuộn quanh chỗ cô ngồi. Hệt như một con cá trắng muốt bay lên khỏi đám bọt nước xanh lơ...

"Châu!" Tôi thì thầm gọi. Cô nhóc mở choàng mắt, tỉnh táo ngay, như chưa hề ngủ thiếp đi. Một phản ứng đến là kỳ lạ. Và cô mỉm cười với tôi ngay, chẳng trách móc gì, chỉ nói giản dị: "Em chờ anh lâu quá!". Tôi đưa tay, ôm ngang lưng, đỡ cô nhóc bước xuống. Cái váy lụa dính bết nước mưa. Người cô nóng rãy. Trong bóng tối, mà đôi môi cô nổi lên, như một viên than nhỏ đỏ rực. Suốt đêm còn lại, trong cái giường của tôi, cô nhóc sốt cao chưa từng thấy. Tôi ngồi im bên cạnh, ủ trong tay mình bàn tay nhỏ xíu, lúc bình tĩnh, lúc lại sợ phát điên lên.

Trận sốt lần ấy khiến sức Châu suy sụp nhanh không sao tin nổi. Cô lại phải nhập viện. Những buổi sáng, tôi đứng im lìm bên cửa, nhìn lên trời. Các ý nghĩ mọc lên trong đầu tôi, liên tiếp, rậm rạp, như một cánh rừng nhiệt đới mùa mưa. Tôi nghĩ về Minh, chị tôi, với các mong muốn không rõ hình thù. Tôi bỗng nghĩ về Xuyên, về nỗi thèm khát được thương yêu, được ấm áp của cậu ta, về hy vọng lạc lối khi chọn cuộc sống biết rõ tận cùng chỉ là một dấu chấm đã được tô đen. Rồi tôi nhớ về em gái tôi, con bé Hoan, sự gắn bó chân thành, bất vụ lợi phải chăng chỉ còn khi người ta chưa phải đâm đầu vào cuộc sống vất vả, với đủ mọi vật lộn tầm thường cho sự tồn tại trần trụi? Người ta sống để làm gì, nếu cuối đường là sự cô độc, bị lãng quên như bà chủ nhà của tôi? Năm tháng cuốn trôi. Có người sống đến già. Có người phải chọn điểm dừng sớm. Nhưng không bao giờ được đánh mất thương yêu. Không bao giờ được khô cạn niềm hy vọng. Những kẻ như tôi không được phép ích kỷ, chỉ sống cho riêng mình. "Anh ạ..." - Tiếng cô nhóc gọi khẽ, vang lên sau lưng. Tôi ngoảnh lại. Không, Châu vẫn ở đây. Hiện tại mạnh hơn hết thảy. Khi tôi còn nhìn thấy đôi mắt trong veo ấy, nụ cười rạng rỡ ấy, thì tôi không được nghĩ gì khác.

Tôi lại mua một chiếc kèn trumpet đồ chơi màu đỏ. Tôi thổi mãi. Cho cô nhóc và cho tôi. Âm thanh cao vút, như chiếc chìa khoá mở ra cánh cửa cho phép tôi chạm vào cảm giác bí ẩn: Niềm hạnh phúc được yêu thương. Niềm hạnh phúc vì mỗi ngày cuộc sống lại tràn vào mắt, vào tai, vào phổi, vào tâm hồn tươi trẻ của chúng tôi.