Chương 97: Chuyến xe buýt rất muộn

Điền Quý xì xụp húp bát phở nóng hôi hổi, rồi thở ra một hơi thư thái. Cái hàng phở gánh nằm ngay trên mỏm cống, giữa hai cái cây cổ thụ ở ngã tư đường này là chỗ anh chàng hay mò đến nhất. Bên cạnh Điền Quý, có mấy bà cô đang vừa ăn món “bốc mả”, vừa nói chuyên tíu tít ra chiều thích thú.

“Bốc mả” nghe tên thì kinh dị vậy thôi, chứ thật ra là xương ninh nước phở còn thừa, chủ quán bán rẻ lại cho người ta. Mấy cái xương cục, xương ống lóc ra chắc dính được cỡ một phần ba lạng thịt, thế nhưng đã từng có thời người ta thích món này lắm. Vừa gỡ xương nóng, vừa nói chuyện rôm rả, tìm đâu được thêm cốc trà đá thì cũng có cái thú của nó.

Thế nhưng thời buổi bây giờ kinh tế phát triển, cái món của người nghèo như “bốc mả” cũng dần dần chỉ còn là tiếng vọng của một thời đã xa.

Điền Quý thả tiền phở vào cái mũ cối dựng bên hòn gạch, anh hàng phở cười, gật đầu một cái. Người ta xưa nay vẫn gọi anh này là phở Bộ Đội, vì anh chủ gánh thường hay mặc áo lính, đội mũ cối đi bán.

Nghe anh kể thì có hôm nọ mưa bất chợt, quần áo ở nhà phơi ướt hết cả, anh này bí quá mới lấy đại bộ quân phục của bố mặc tạm. Ấy thế mà dân họ thấy lạ, ai đời có bộ đội đi bán phở bao giờ, thế là kéo đến ăn thử. Lâu dần thì nó thành cái thương hiệu, người ta nhớ cái hương vị của anh thì tìm đúng cái người mặc áo xanh, đội mũ cối mà đến ăn.

“Đang tâm trạng à? Thất tình?”

Anh hàng phở vừa thu dọn gánh, vừa cười hỏi Điền Quý.

Ăn đến món “bốc mả” tức là nước dùng hết rồi, người bán phở sẽ thu gánh.

Điền Quý nhún vai, nói:

“Ở đất thủ đô này bí bách quá, đi một bước là khó một thước. Đôi khi chỉ ước cứ lang bạt quách ở mấy vùng khác cho dễ.”

Mấy bà đang ngồi ăn “bốc mả” nghe thấy thế, thì bắt đầu to nhỏ dè bỉu anh chàng là dân tỉnh lẻ, nên ở quê quách đi đừng lên Hà Nội nữa. Anh hàng phở hắng giọng một cái, rồi cười:

“Ai cũng vì mưu sinh cả thôi, đúng không?”

Tất nhiên, anh hàng phở hiểu sai ý của Điền Quý, nhưng anh chàng cứ mặc kệ, không phản bác làm gì cả. Mà mấy bà cô kia chắc cũng biết mình lỡ lời, vô duyên nên cứ cúi xuống gặm xương, không khí trở nên kì quái nên chẳng còn ai tán dóc với nhau nữa.

Anh hàng phở đã dọn gánh, thu bàn thu ghế đâu vào đấy xong xuôi. Gánh phở con một bên là nồi không, một bên là một đống thứ lỉnh kỉnh nằm yên vị trên đôi vai rắn rỏi. Anh ta cười lên một cái, hỏi:

“Quê ở đâu đấy?”

“Làng bé tẹo, có nói anh cũng chẳng biết đâu.”

Điền Quý nhún vai, nói gọn lỏn.

Anh hàng phở không gặng hỏi thêm, mà bảo:

“Tớ quê Nam Định, sau này có gì giúp đỡ nhau nhé.”

Nhìn bóng lưng anh hàng phở khuất dần sau những con phố, Điền Quý mới ngáp một cái dài. Nhìn đồng hồ kiểm tra, thấy đã sắp tới giờ có chuyến xe buýt cuối cùng, anh chàng bèn rảo bước băng qua các ngã tư chằng chịt.

Điền Quý đi bộ chừng năm phút, thì đến một vườn hoa con con, xa xa có cái bốt nước từ thời đất nước còn bị đô hộ. Người ta nói đá xây nên cái tháp này lấy từ chính hoàng thành ngày xưa, trông cứ như lô cốt. Bấy giờ, đường đã vãn người, thành phố về đêm chìm vào giấc ngủ có một không khí hoàn toàn khác. Giữa cái yên bình và chậm rãi dường như hãy còn tàn dư của cuộc sống nhộn nhịp đô hội ban ngày. Giữa khoảng không gian lặng ngắt, cái bốt nước nằm chình ình ra giữa ngã sáu trông lại càng cao lớn hơn.

Điền Quý đi vòng qua bốt nước, ra đến trước giao lộ. Nằm khuất bên ngách cái công trình bằng đá to đùng kia là một hàng ba thùng thư đứng sát cạnh nhau, so với tháp đá thì trông nhỏ nhắn xinh xắn lắm. Ba cái hòm thư, riêng cái thùng đứng giữa lại một màu vàng chóe, khác hẳn với màu xanh dìu dịu của hai cái thùng hai bên, như thể một loại ám hiệu ám chỉ hòm thư ở giữa không tầm thường.

Một trò đánh lạc hướng cơ bản.

Anh chàng túc tắc đi đến chỗ ba hòm thư, lật tay lấy trong túi ra một xấp tiền giấy. Điền Quý tung chân đá một cái vào bên thân thùng thư màu xanh, nằm ngoài cùng bên trái. Lập tức, thân trước hòm thư hơi bung ra khỏi đáy, để lộ một cái khe hở con con, vừa đủ để người ta nhét tiền vào.

Sau khi Điền Quý thảy mấy tờ giấy bạc vào cái rãnh vừa được tạo thành, tức thì từ chỗ nhận thư có một tấm vé xe buýt được đẩy ra ngoài. Xong xuôi đâu đấy, phần thân trước của hòm thư lại từ từ chạy về chỗ cũ, rồi gắn khít vào đáy hòm. Hai miếng thép chẳng ai tác động mà liền thành một dải, cứ như được hàn vào với nhau vậy.

Điền Quý cầm vé xe, rồi ngồi chờ trên hàng ghế đá xếp dọc vườn hoa.

Mười giờ đêm...

Một chiếc xe buýt không số từ từ lăn bánh tiến lại, rồi dừng ngay trước mặt anh chàng. Trên chỗ lau kính dựng một cái biển đề “xe về ga-ra” to tướng, tài xế còn rất có tâm để môt cái đèn pin chiếu sáng rỡ cái biển báo để người ta còn biết là xe này không chở khách.

Ở Hà Nội, chuyến xe cuối cùng là chín giờ tối.

Cửa xe mở, Điền Quý lập tức tiến lại. Chân vừa đặt lên bậc thang đầu tiên thì đã nghe giọng lão tài xế mắng như tát nước:

“Mù à? Xe này về ga-ra!”

Lão vừa nói vừa nhổ toẹt một bãi nước bọt, khịt mũi đánh “sụt” một cái, ra chiều khinh khỉnh. Điền Quý đưa tấm vé ra, lão nhìn quanh nhìn quất một hồi rồi ra hiệu cho anh chàng nhanh đi vào.

Điền Quý vào xe, không ngồi mà nằm trên ghế, ngửa mặt lên trần, hai tay đặt ngay bụng.

oOo

Nếu ai thấy mấy chương gần đây thay đổi đột ngột, không có kết nối với nội dung truyện trước đó thì là do các trang web truyện khác (không phải do tác giả tự đăng) bưng truyện về mà không giữ chương giới thiệu quyển mới.

oOo

Cửa xe đóng lại nghe xịch một cái, nằm ở cuối xe cũng nghe rõ mồn một. Sau đó, tiếng lão tài xế cất lên, lần này giọng lão đã tử tế hơn:

“Cậu muốn đi đâu?”

“Hàng Mã.”

“Được rồi.”

Lão tài xế xoay cái mũ lưỡi trai ra sau, đoạn nhấn ga. Chiếc xe không số hiệu bắt đầu lao đi như vũ bão, nhìn qua cửa kính chỉ thấy phố xa hai bên lao đi vùn vụt, nhanh đến độ cứ như các ngôi nhà đã bị ép thành một dải vậy.

Xe chạy như điên như dại mà êm ru, cứ lặng phăng phắc. Ngồi trong xe không nghe lấy nổi một tiếng máy nổ, không nghe thấy được một tiếng bánh xe rít trên mặt đường. Cái xe buýt không số lao đi trong im lặng, hệt như một bóng ma.

Điền Quý đếm nhẩm đúng mười ba giây, thì tài xế đã giục:

“Đến Hàng Mã rồi đấy. Xuống xe đi.”

Bên ngoài chiếc xe không số, là một góc phố nhỏ vắng teo, nhà cửa hai bên đường đóng cửa im ỉm.

Đèn đường phả thứ ánh sáng yếu ớt xuống con phố vắng, giấy vàng mã người ta đốt còn thừa chưa kịp dọn bay từ vỉa hè bên này sang vỉa hè bên khác. Phố đã vắng người, nhưng ngay cả lũ dơi, lũ chuột, mèo hoang chó hoang cũng không thấy tăm hơi đâu cả. Khung cảnh phố đêm vắng vẻ có mấy phần cô tịch, mấy phần lạnh lẽo, mùi tử khí phảng phất trong không khí.

Dưới ánh đèn đường, một ông cụ lao công luống tuổi đang cầm cái chổi tre, quét lá rụng và giấy vàng mã vào thành đống. Lão cứ mải mê với công việc, nan chổi khua đi khua lại trên đường cuốn tung lên một đám bụi đất. Ánh đèn đường rọi theo từng bước chân của lão, giống như đèn pha sân khấu vậy.

“Người trẻ bây giờ tệ quá. Tiền giấy đốt không hết, đốt không hết là chết.”

Lão vừa làm, vừa ngâm nga nói một câu nói gở.

Điền Quý bước lại gần ông cụ lao công, bấy giờ lão mới ngừng tay, quay sang nhìn anh chàng. Mặt lão gầy gò và hốc hác, trên mặt đeo một cái khẩu trang vệ sinh. Đôi mắt lờ đờ đỏ quạch những tia máu nhìn về phía anh chàng. Lão cất tiếng khản đặc, hỏi:

“Cậu tìm ai?”

Giọng lão cất lên, mà như có nước đá đổ vào tai. Điền Quý rùng mình một cái, nuốt khan rồi mới trấn tĩnh lại được.

“Đêm tìm tiếng kẻng, không sợ mấy thứ khác nẻo người đi.”

Anh chàng hắng giọng, rồi nghiêm túc đọc ám hiệu.

Lão lao công già “à” lên một cái, sau đó đôi mắt lão nhìn anh chàng đã thay đổi. Một đôi mắt đen xì, tròng mắt trắng dã như vôi nhìn như muốn xoáy vào linh hồn Điền Quý, khiến anh chàng lạnh cả người.

Bị mắt quỷ nhìn, chỉ cần là người sống thì đều sẽ thấy rất khó chịu ngứa ngáy.

Lão lao công húng hắng ho một cái, tấm khẩu trang lão đeo chợt có một vệt đen xì hiện lên.

“Ra là hành giả. Nói. Tìm lão có việc gì?”

Lúc này, tuy lão vẫn đeo khẩu trang, song Điền Quý có thể đoán được thứ gì đang hiện lên trên da mặt lão: vết hoen xác chết, còn gọi là thi ban.

Anh chàng nói:

“Chỗ con ở có mấy thứ âm tà quấy phá, nhưng không rõ có phải là ở quận khác chạy đến hay không, nên không dám tiếm quyền. Nay nhờ bác lưu ý ít nhiều.”

Nói đoạn, Điền Quý thuật lại chuyện thằng Nghĩa gặp phải, cũng nói luôn vụ con chim lợn đến kêu ở trường tiểu học.

Lão lao công mắt quỷ nghe xong, ậm ừ một

“Được rồi. Là việc phải làm của người gác đêm bọn ta.”

Vừa dứt lời, thì lão lấy trong ngưc áo ra một cái kẻng, một cái dùi, đều làm bằng sắt. Lão đánh kẻng lên ba bốn lần, tiếng kẻng tan vào trời đêm như muối bỏ vào nước. Điền Quý mơ hồ cảm nhận được trong bóng tối đang có một vài thứ bắt đầu chuyển động.

Lão lao công mắt quỷ nhìn anh chàng, nhếch mép:

“Được đấy thằng nhóc, biết thế nào là nhập gia tùy tục. So với bọn lỗ mãng kia thì hơn nhiều.”

Ông ta vừa dứt câu, thì đã quăng cho Điền Quý một phong bao thư. Làm xong xuôi đâu đấy, lão lại nhặt cái chổi lên, cắm cúi quét dọn. Giấy vàng mã theo từng nhát quét được dồn vào thành đống, càng lúc càng cao hơn.