Lúc Điền Quý vào phòng, cả cái phòng trọ đã lúc nhúc mười bốn đời nhà chuột.
Chuột trên bục cửa, dưới sàn, trên tay ghế, trên cột kèo, đâu đâu cũng thấy lúc nhúc đám chuột đồng lông màu nâu đất. Có đứa kêu chít chít, có con vuốt lông, thậm chí có vài đôi chuột còn muốn sản sinh đời thứ mười lăm trong gia phả ngay trên giường của anh chàng.
Ngồi trên gối đấu của Điền Quý là một con chuột cụ, to như con chó, mắt lờ mờ đỏ ngầu.
Bấy giờ, anh chàng mới sực nhớ đêm qua đã bảo bọn chuột đến lấy gạo, nhưng rồi phải đi đến tòa soạn giải quyết vụ lên báo, thành ra lại quên đi mất. Điền Quý ho khan một tiếng, rút lá bùa trong túi ra, nói với con chuột cụ:
“Này cụ, cụ bảo con cháu cụ tránh đường cho con đi thì mới lấy gạo được chứ? Còn nếu cụ không chịu đi, con chỉ có cách gọi Bát Long Cẩu ra thôi.”
Chuột cụ tu luyện lâu năm đã thành tinh, vốn còn định đe dọa phủ đầu anh chàng. Thế nhưng nghe thấy Điền Quý định gọi Bát Long Cẩu thì tá hỏa, vội vàng kêu lên một tiếng, bảo bọn chuột tản đi gần hết.
Điền Quý nghiêng đầu, nhìn chuột cụ một cái, vẻ khó chịu.
Chuột ta vội vàng bảo mấy con chuột con, chuột cháu dọn lại căn phòng. Nào là lông rơi, nào là cứt chuột, lại đuổi hết bọn gián bọn rệp trong phòng. Những chuyện người thường phải nai lưng cả buộn, bọn nó làm nhoắng một cái là xong. Điền Quý vừa gật gù đứng xem, vừa nói:
“Xời, Bạch Tuyết tầm này chắc cũng chỉ đến thế này, cô Tấm hồi sinh cũng chỉ được đến thế thôi.”
Chuột cụ thấy anh chàng tự dưng so sánh mình với công chúa cổ tích, sống lưng lạnh run lên một cái.
Điền Quý thấy bọn chuột làm đâu ra đấy, bèn lấy trong túi quần ra một quả chuông nhỏ, một cái túi vải điều. Anh chàng đặt túi ra trước mặt, một tay lắc chuông, một tay bắt quyết, miệng lẩm nhẩm đọc chú. Cái tủi ải điều đang trống rỗng bỗng dưng phồng lên, mãi đến khi một hai hạt gạo nếp trào ra khỏi miệng túi mới ngừng lại.
Anh chàng nói với chuột cụ:
“Chỗ này đủ cho đàn mấy người ăn một năm liền, nhưng có một điều kiện nhỏ...”
“Lại còn điều kiện nữa?? Biết thế này thà thằng Khoai không giúp mày.”
Chuột cụ rốt cuộc cũng không nhịn được nữa, buột miệng nói.
Khoai trong lời lão chính là con chuột mặc áo trấn thủ, đội mũ cối hôm qua.
Điền Quý nói:
“Thực ra cũng không có gì, chỉ khuyên các người chú ý kế hoạch hóa gia đình một chút. Người ta nói rồi, no cơm ấm cật thì dậm dật... một vài nơi. Các người chỉ ăn với đẻ, trong một năm khéo cả cái tỉnh này đi tong mất. Đến lúc đấy thằng Quý này sẽ là nguyên nhân gây họa, không ra tay giải quyết thì không xong. Mà lão chắc cũng biết danh tôi rồi. Thằng này cái gì cũng giỏi, chỉ kém mỗi vụ nương tay với kiềm chế. Không cẩn thận các người tuyệt chủng cũng đừng có trách tôi không báo trước.”
Lão chuột biết anh chàng này chẳng phải hạng tầm thường, mà túi lụa điều Điền Quý cho, lấy ra hàng vốc gạo cũng không vơi, đủ thấy chính là cái phép niêu cơm không cạn của Thạch Sanh, Nguyễn Minh Không thuở nào. Người biết được phép thần này há lại đơn giản?
Bọn chuột chạy cả, Điền Quý mới thở phào, quăng mình lên giường định đánh một giấc.
Lúc này, ngoài cửa mới có tiếng nói rụt rè của Phượng Ngân:
“Quý... Quý ơi, bọn nó đi chưa?”
“Lũ chuột ấy hả?? Đi rồi.”
“Vậy à?”
Sau một tiếng thở phào nhẹ nhõm mà Điền Quý nằm trong phòng cũng nghe thấy, cánh cửa được đẩy ra. Phượng Ngân thò đầu vào, ngó quanh một lượt, hết trái lại phải, hết trên trần lại dưới gầm bàn gầm ghế. Mãi đến lúc cô nàng chắc chắn không còn một bóng chuột nào thì mới đi vào phòng.
“Ôi mẹ ơi, đừng bảo cái cô nàng dám cương với vua ma rừng, một mình chấp năm bảy thi binh lại sợ chuột đấy nhé!”
“Hai chuyện này hoàn toàn không liên quan gì đến nhau.”
Phượng Ngân sẵng giọng, nói đoạn lại lầu bầu:
“Bảo tôi đánh bọn ma, quỷ thần thần bí bí thì dễ ợt. Nhưng cái đống lắt nhắt ấy, chân bé bé bò lộm cộm, người bao nhiêu là bệnh, ghê muốn chết. Hơn nữa, ai ra cái luật sợ cái gì phải có lí do cụ thể?”
Điền Quý bật cười.
Thật ra, anh chàng thừa hiểu nỗi sợ của con người lắm khi rất phi lí, người ngoài như mình không thể giải thích được, thậm chí có thể thấy đấy là bình thường.
Phượng Ngân ho khan, hắng giọng hỏi:
“Tối nay có đi gặp anh Nam không?”
“Mưa thế này không đi được.”
Điền Quý lắc đầu, nhìn ra ngoài cửa sổ. Cơn mưa vẫn nặng hạt, vẫn xối xả, trông chẳng có vẻ gì là sắp tạnh cả.
“Tại sao? Một con mưa thôi mà?”
“Với chúng ta thì là một cơn mưa quèn, nhưng sông âm nơi người vớt xác hành nghề kết nối với mọi nguồn nước ở Việt Nam, thành ra lũ lên lũ xuống phức tạp lắm.”
Anh chàng nói xong, lại ngồi nhổm người dậy, bảo:
“Nhưng đúng thật là chúng ta cần đi một nơi.”
Hai người lấy ô, cùng rời khỏi quán trọ Hương Rừng. Thế nhưng dọc đường đi ngang qua cửa hàng tạp hóa lại gặp một đứa trẻ mắc mưa, đang ngồi khóc nức nở. Điền Quý ngồi xổm xuống với nó, hỏi:
“Ê, sau lại ngồi đây khóc thế?”
“Con về muộn, sợ bị mẹ đánh.”
Điền Quý thở dài, bấm ngón tay mấy cái, hỏi:
“Vì chuyện này mà ngồi ở đây khóc hai mươi mấy năm à? Con làm thế ảnh hưởng đến bác chủ tiệm lắm.”
“Con...”
Đứa bé ngẩng đầu, da thịt nó bắt đầu tróc ra, để lộ xương nửa khuôn mặt trắng hếu, một bên mặt còn lại cháy xém, bỏng và đầy vết máu.
Anh chàng không tỏ vẻ sợ sệt gì, lấy trong túi áo ra một tấm giấy đỏ, chấm máu gà đồng viết mấy chữ, đoạn gấp thành một cái máy bay giấy.
“Con lên đây ngồi, chú đưa về với mẹ. Yên tâm, có chú bảo rồi, mẹ không đánh đâu.”
Cậu bé ma nghe thấy được gặp lại bố mẹ, mừng rỡ như muốn khóc. Nó vội vàng hóa thành đứa nhỏ chỉ to bằng ngón tay cái, ngồi lên cái rãnh gấp.
Điền Quý thổi vào đuôi máy bay một cái, tấm giấy gấp màu đỏ bỗng lững thững chuyển động, bay vào màn mưa tầm tã.
Trong tiếng mưa vẳng lại câu cảm ơn nghẹn trong tiếng nấc của đứa nhỏ.
“Anh... sao biết nó là ma??”
Phượng Ngân ghé tai anh chàng, hỏi khẽ.
Ban nãy, cô nàng còn tưởng nó là đứa trẻ bình thường, ngồi khóc vì mắc mưa nũa chứ.
Điền Quý bảo:
“Nó không có bóng.”
Bấy giờ, trong tiệm tạp hóa lại có một bà cụ già lẫm chẫm bước ra, dáo dác nhìn chung quanh như tìm người. Anh chàng bèn nói:
“Nếu bà tìm cậu bé khóc nhè thì con đưa nó về rồi.”
Bà cụ nghe vậy, phản ứng đầu tiên là giật mình, sau đó bèn cười hiền hậu:
“Vậy à? Tốt quá.”
Bà già lấy trong nhà ra một tờ báo đưa cho Điền Quý, rồi kể:
“Hồi trước chỗ này là một trường tiểu học, thằng bé này đứng chờ mẹ đón, không ngờ hôm ấy giặc nó đánh bom. Bố mẹ thằng bé thì trốndưới hầm trú ẩn không đến được, còn nó thì cứ ngồi chờ. Bom nổ. Nó vẫn chờ. Rồi cứ lúc nào trời mưa to là nó hiện lên, khóc gọi bố mẹ. Thoáng cái mà đã hai mươi năm rồi.”
Anh chàng chỏ vào cái bàn thờ con kê gần cửa, bảo:
“Bà đây là??”
Bà cụ thều thào:
“Bà là cô giáo của nó. Sau khi hòa bình thì trường học xây ở chỗ khác, bà thì về đây mở cái tiệm tạp hóa, cho có tiếng trẻ con nói cười, mà họng bị thương không đứng trên bục giảng được nữa. Vậy mà gặp lại được đứa nhỏ hồi ấy.”
Nói rồi, bà cụ bảo:
“Bà nghe hễ ai mà chết bất đắc kỳ tử, mất xác thì ma sẽ bị chôn chặt ở một chỗ, không tài nào đi đâu được. Cậu có thể giúp thằng bé về nhà hưởng hương hỏa, có cái mộ đàng hoàng tử tế thì chắc là cao tay ấn lắm.”
Anh chàng nhún vai, nói:
“Cũng thường bà ạ. Thôi, bọn cháu còn có chút việc, xin phép được đi trước.”
Bà cụ bảo:
“Thế thì già không phiền cậu nữa. Ở đây già có miếng ngọc này, chắc cậu sẽ cần nó hơn già, thôi thì tặng người có duyên vậy.”
Bà cụ lấy ra một miếng ngọc chạm trổ cầu kỳ, tặng cho anh chàng.
Điền Quý cũng định từ chối, nhưng bà cụ cứ nài nỉ mãi, cuối cùng anh chàng cũng phải nhận. Anh chàng cám ơn bà lão rồi kéo Phượng Ngân đến quán Ba Thước.
oOo
Vừa xuống giếng, bà già mặc đồ thế kỷ trước – cụ của Bắc – đã chống nạnh đứng trước cửa. Hai người bọn Điền Quý vừa xuất hiện, bà đã ưu ái dành cho cả hai một ánh mắt mang hình hai viên đạn.
“Được quá nhể?? Gửi cả một đống ma đến đây ăn chùa ở đậu mà còn dám vác mặt đến à?”
“Thì cháu cũng vì giải quyết chuyện này mới đến đây. Mà cũng có vài người chứ mấy, đâu đến nỗi một đống?”
Anh chàng cười khì khì, chẳng có vẻ gì là bối rối hay hối hận cả.
“Một vài thì không cần nuôi à? Tiên sư nhà mày. Mày nghĩ chúng nó đến đây ở thì ai cơm bưng nước rót?”
Phượng Ngân không hiểu hai người đang nói gì, cứ mắt tròn mắt dẹt mà nhìn.
Điền Quý bèn giải thích:
“Hôm qua đánh nhau ở bãi tha ma, mình chả phá banh chành mấy ngôi mộ ra là gì. Mả như nhà của ma ấy, bây giờ mả bị phá thì phải có chỗ cho họ trú tạm, chờ người nhà hoặc địa phương xây lại.
Chứ để họ lang thang, chẳng mấy mà thành cô hồn dã quỷ, lại ám vào đâu hoặc nhà ai thì mệt lắm.”
“Nên thằng này chọn quán của bà, tiên sư nhà nó chứ.”
Bà cụ thở dài, đoạn dẫn hai người vào trong.
Quán Ba Thước hôm nay quả nhiên đã đông đúc, chật chội hơn ngày thường.
Bà còng – mẹ Bắc – hớt hải hết chạy đông lại chạy tây, vừa thắp hương vừa nấu nước chè, vắt quất, rửa điếu. Bắc thì bận bán gà ở trên mặt đất nên chẳng giúp gì được mẹ.
Vẫn như lần đầu đến quán, Điền Quý vừa xuất hiện, các hồn ma đã yên tĩnh lại hẳn, không còn chành chọe chí chóe nhau nữa. Cả bọn tự giác nhường ra một con đường, để trống riêng một bàn kê sát tường cho hai người bọn họ.
Điền Quý thả người lên băng ghế, bà cụ chủ quán ngồi đối diện với anh chàng, mặt hằm hằm yêu cầu một lời giải thích thỏa đáng.
Anh chàng bèn ngó cái ghế cuối cùng mà Phượng Ngân đang ngồi, đối diện bức tường, bảo:
“Này, đổi ghế không?”