Chương 152: Sóng ngầm

Tôi tỉnh giậy thấy đang nằm trên sập, trên bàn cũng chẳng có ngọn nến nào cả. Kể cũng phải. Tôi đến căn nhà này chỉ mang một túi bánh mì, vài bộ quần áo và một ít tiền mặt. Hôm qua bận bịu đi tìm việc cả ngày, làm gì có thời gian mà mua nến? Có lẽ chuyện đêm qua chỉ là một giấc mơ, do tôi cứ đắn đo chuyện tờ giấy vàng mãi mà thôi.

Tôi vơ một bộ quần áo trong ba lô, đang định đi tắm, thì phát hiện tràng hạt bằng gỗ mà sư trụ trì cho tôi hôm qua đã đứt tung dứt tóe từ bao giờ. Những hạt gỗ tròn rơi vãi cả ra đất. Chẳng có nhẽ giấc mơ đêm qua là thật? Ý nghĩ này làm sống lưng tôi lành lạnh. Chắc không phải đâu. Có lẽ là lỗi sản xuất thôi.

Tôi tự an ủi mình như vậy.

Tôi đang định mò ra cửa thì đã thấy tiếng đập cửa thình thình ngoài ngõ. Dũng đứng bên ngoài, nhìn vào trong sân, có vẻ lo lắng lắm. Thấy anh ta như thế, tôi cũng không muốn để Dũng phải chờ, chẳng kịp vệ sinh cá nhân đã chạy ra.

“Anh Dũng. Tìm em có chuyện gì thế?”

“May. May quá. Anh tưởng chú cũng có chuyện gì.”

Thấy tôi, Dũng có vẻ nhẹ nhõm hẳn, không thèm che giấu gì thở phào một hơi. Mà cái lời anh ta nói ban nãy có vẻ là lạ. Tôi nghèo rớt mồng tơi, trộm có vào cũng chả có gì mà lấy thì có thể có chuyện gì được?

Như đoán được ý nghĩ của tôi, Dũng nói:

“Sư cụ ở chùa viên tịch rồi.”

oOo

Hai anh em dắt nhau lên chùa, lúc này đã có một đống người đứng chen lấn lúc nhúc. Tôi loáng thoáng nghe được tiếng xuýt xoa của chòm xóm, bảo rằng kẻ nhẫn tâm đối xử tàn tệ quá đáng với sư thầy. Lách qua đám dông, tôi mới thấy ông sư cụ hôm qua còn chia oản bẻ chuối cho mình giờ nằm chết ở dưới gốc cây, trên người có nhiều vết như dao chém, ruột cuốn quanh cổ như thòng lọng, tử trạng thảm không nỡ nhìn. Công an huyện vừa khoanh vùng, vừa bảo bà con đừng có động vào hiện trường tránh hủy mất vật chứng.

Trong đám người, tôi thấy ông cụ Lâm trợn mắt nhìn mình, ánh mắt vừa có vẻ thất vọng vừa có vẻ cảnh cáo.

Tôi len lén rời khỏi đám người, đi một lúc thì ông cụ Lâm kéo vào chỗ khuất. Cụ chợt mở con mắt trái, trong con ngươi như giấu một điểm sáng nhè nhẹ. Mắt cụ ngó tôi lom lom, rồi thở dài:

“Tôi đã dặn kỹ rồi mà anh không chịu nghe, để đến giờ hại cả ông bạn già. Chỉ tiếc cho ông ấy, không ngã xuống vì hòn đạn quân thù mà chết tức tưởi thế này. Thôi, sau này anh tự cầu phúc đi, họa may thì trong mười đường chết tìm thấy một nẻo sống để mà giữ lại cái mạng.”

“Cụ nói sư thầy mất là do con?”

“Trên xe tôi đã thấy anh có dính dáng đến vật không thuộc cõi người, hôm nay thì lại càng không nghi ngờ gì cả. Tôi chỉ không ngờ ông bạn già lại chọn cứu mạng anh. Giờ đi theo tôi vậy.”

Cụ Lâm dẫn tôi đến chỗ hàng thịt, xin mua một bát tiết gà trống còn tươi để đánh tiết canh. Tay hàng thịt vừa cắt tiết gà, vừa cười bảo:

“Tưởng cụ chay trường, té ra chưa đến hai ngày đã thòm thèm à?”

Cụ Lâm cười trừ thôi chứ không tiếp lời.

Cụ đưa tôi về nhà mình, là một căn gác nhỏ nằm khuất ở thôn đông, sau nhà có một bãi tha ma. Nhà mới tang, nên gương kính đều có dán báo cả, thành ra trong nhà hơi tối tăm. Cụ Lâm bật đèn lên, nhìn tôi vẻ nghiêm túc, hỏi:

“Chú kể xem rốt cuộc đêm qua chú làm gì rồi.”

Chợt nghe bên ngoài có tiếng chuông gió reo lên lảnh lót, lại có tiếng gì như chân người bước đi. Cụ Lâm nghe mà biến sắc:

“Giữa trưa thế này mà hiện hình được thì không phải thứ ma vớ vẩn đâu, thảo nào sư thầy thua nó.”

Cụ lấy máu gà ra, rồi nhăn mặt:

“Thằng này nhanh nhảu đoảng, nó hãm cả tiết thế này có chết không? Thôi đành dùng tạm vậy.”

Rồi cụ Lâm lấy máu gà bôi lên khe cửa, lấy muối trắng rải xung quanh chỗ ngồi.

Tôi thuật lại mọi chuyện hôm qua, từ chỗ đi soi ếch gặp giờ giới nghiêm, đến tận lúc về nhà bỗng dưng hạ quyết tâm thực hiện thuật gọi hồn. Ngay cả những chuyện như tờ giấy màu vàng chép nghi thức từ đâu mà ra, cây nến đỏ bỗng dưng có trong nhà, tràng hạt đứt tung tóe, tôi cũng đều nói lại với cụ Lâm. Quả thực thấy cái xác của sư thầy làm tôi thấy hơi hoảng, không dám giấu diếm điều gì cả.

Ông cụ nghe xong, bảo:

“Không biết là thứ gì đang tác quái, thôi cậu cứ về nhà đi. Chỗ này có cái bãi tha ma thế này chỉ e là càng nguy hiểm hơn. Việc kia tôi sẽ lo liệu.”

Tôi chào ông cụ, rồi khăn gói quả mướp đi về căn nhà tổ.

Đến trước ngõ, thấy cửa nẻo mở toang, tôi mới sực nhớ là hồi sáng vội vàng chạy theo anh Dũng, quên không khóa cổng. Từ ngoài ngõ nhòm vào, thấy ngoài bậc cửa thừa ra hai đôi giày tây mới cứng, đánh xi bóng lộn.

Ai lại đến thăm được nhỉ?

Tôi đẩy cửa phòng, bước vào, thử xem rốt cuộc ai lại đến tận cái nơi chó ăn đá gà ăn sỏi này.

“Tưởng ai, ra là bà.”

Cái người đàn bà trung niên đó ngó lơ ánh mắt và câu nói của tôi, nói giọng bình thản:

“Cậu thiếu gia sống cũng được quá đấy nhỉ?”

“Bớt nói cái kiểu vòng vo tam quốc đi. Bà đến đây làm gì? Cười vào mặt tôi à?”

Tôi lườm mụ, sẵng giọng. Cứ nhìn cái nét mặt đắc ý của mụ là tôi lại nhớ đến cái tờ di chúc trời đánh thánh đâm ấy, đến là khó chịu.

Chẳng hiểu sao, bỗng nhiên tôi lại nhớ đến đôi giày thứ hai ngoài cửa. Thế là không tự chủ được, đưa mắt ngó quanh nhà một lượt. Không biết cô ấy có đến không. Một nửa, tôi muốn thấy cái bóng người mình đang tìm kiếm đâu đấy trong góc phòng, nửa khác lại sợ cô ấy đến thật. Chẳng biết thế nào mới đúng.

Mụ Hồng cười khẩy, bảo:

“Nó ở dưới bếp ấy. Yên tâm. Giờ cô có chuyện bàn với chú mày đây.”

Đoạn mụ đưa ngón tay gõ lên một cái va li đặt trên bàn, bảo:

“Cái nhà tồi tàn cũng đếch có gì, ở chỗ hẻo lánh thế này chi cho khổ hả con? Chi bằng mày bán quách cái nhà này cho cô, kiếm lấy một khoản mà đầu tư.”

Mụ Hồng muốn mua lại căn nhà tổ của dòng họ tôi ở Kim Xá?

Tôi ngó cái va li, rồi lại nhìn mụ ta đang trưng cái mặt câng câng đắc ý đối diện. Thực tình mà nói tôi chẳng rõ mụ Hồng đang toan tính gì, hoặc mụ biết gì về miếng đất này, và tôi không muốn để mụ được như ý. Nhưng cái chuyện hôm qua, nhất là cái chết bất đắc kỳ tử của sư cụ khiến tôi do dự. Hay tôi cứ ôm tiền chạy trốn quách đi là xong. Ma quỷ yêu tinh gì ám quẻ cái đất này cứ để cho mụ Hồng mụ gánh?

“Được rồi.”

Đặt lên đong xuống một hồi, tôi quyết định nhận tiền, khế đất của cái nhà tổ này giao phứt cho mụ Hồng. Tôi xách va li lên, thu dọn đồ đạc cá nhân để cuốn gói càng nhanh càng tốt. Lúc này, mụ mới cười cười, bảo:

“Ở lại ăn bữa cơm đã. Chẳng mấy khi Hoa nó xuống bếp.”

Tính mụ này là vậy, thường hay xát muối bôi ớt vào vết thương hở của người khác như thế.

Hoa... cũng tức là con riêng của mụ Hồng, thực ra trước đây hồi đại học từng hẹn hò với tôi. Chúng tôi cũng từng có kế hoạch, sau khi ổn định sự nghiệp, mua một căn nhà nhỏ để dọn ra, rồi sẽ thưa chuyện với bố mẹ hai bên. Thế mà đùng một cái, ông già nhà tôi năm sáu mươi tuổi chẳng hiểu sao lại muốn giã từ đời góa vợ, tái giá, cưới mụ Hồng về làm tập hai. Thế là tôi và Hoa từ người yêu bỗng chốc hóa thành anh em trong nhà.

Thành thử, từ bấy đến giờ, tôi và Hoa vẫn thường tránh mặt nhau, không biết phải đối xử ra sao mới đúng. Tuy về lý mà nói tôi với Hoa chẳng máu mủ gì, pháp luật cũng không cấm, nhưng là người đâu thể sống trên rừng được? Tôi có thể chịu được lời ra tiếng vào, nhưng cô ấy không thể bị thiên hạ đàm tiếu xỉa xói được.

Huống hồ bây giờ tôi chẳng những mất việc, còn nghèo rớt thế này.

Tôi mặc kệ mụ Hồng, bước nhanh ra cửa, thế nhưng chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào lại đụng ngay phải Hoa. Cô ấy kêu “á” một cái, sau đó đỏ mặt cúi đầu nhìn sang chỗ khác. Hoa là vậy. Hướng nội, bẽn lẽn, dịu dàng và hay ngượng. Nhớ hồi còn đi học, cô ấy bị bạn đồng khoa bắt nạt cũng cam chịu. Cuối cùng, tôi và một đám nam sinh thích Hoa cùng hò nhau xỏ đám bạn hay bắt nạt cô ấy một vố, chúng mới chịu thôi.

“Anh... không ở lại à?”

“Không. Về sớm còn kịp chuyến xe khách.”

Tôi cười gượng, lách qua người Hoa ra ngõ. Đi vài bước, tôi lại đổi ý, không đi ra bến xe vội mà đến chỗ anh Dũng, lão Huy, cụ Lâm chào tạm biệt. Nhà Dũng và lão Huy thì dễ nói, thế nhưng vừa bước đến nhà cụ Lâm, tôi đã giật mình.

Nhà cụ Lâm đã bị cảnh sát phong tỏa.

Cụ Lâm cũng chết rồi.

oOo

Do là người cuối cùng đến gặp cụ, tôi được “mời” lên đồn uống nước trà, cung cấp lời khai. Mấy anh cảnh sát làng cũng chân chất, nghe tôi khai rõ là có bằng chứng ngoại phạm thì không làm khó gì cả.

Nghe mấy anh cảnh sát kể, cụ Lâm mất trong tư thế quỳ ngoài cửa nhà, mắt chảy máu, trán tựa lên cánh cửa. Trên làn cửa gỗ viết hai chữ “N.H” bằng máu. Lạ một nỗi là phòng cụ khóa trái, chìa khóa cắm bên trong phòng chỉ có độc một cái duy nhất đấy thôi. Chòm xóm khai là ông cụ này là người hành y, tính ngăn nắp, bình thường không đánh chìa dự phòng nào cả.

Cảnh sát đã lục soát cẩn thận, phòng cụ không có dấu hiệu bị phá hoại, cửa sổ vẫn còn nguyên vẹn, cũng chả có chỗ nào để hung thủ nấp.

Cái chết của cụ làm tôi thấy tội lỗi ghê gớm.

Hình như cái thứ mà tôi gọi đến tối hôm qua đang cố tình nhằm vào những người tôi quen biết. Vậy nếu giờ tôi bỏ trốn, nó có ra tay với vợ chồng Kim – Dũng, Hùng giáo viên, Sơn phụ hồ hay không?

Tôi nghĩ đến Hoa, chặc lưỡi, rồi quay lại căn nhà tổ, cố nặn óc nghĩ ra một cái lí do để ở lại.

Về đến nơi, tôi đặt va li tiền trong sân, rồi rón rén bước lên thềm. Mụ Hồng đang xì xèo nói chuyện với ai đó trên điện thoại. Giọng mụ hồ hởi lắm.

“Anh yên tâm, nó bán rồi. Rẻ bèo. Sắp tới nhà nước mở khu công nghiệp gần đây, mình mở khu trọ công nhân thì có mà vớ bẫm. Anh nhanh huy động thêm một ít vốn, tối em sẽ sang nhà bên cạnh hỏi mua.”

Ra vậy. Mụ nhắm vào ngôi nhà tổ này là vì sắp có khu công nghiệp xây gần làng Kim Xá, chứ chẳng phải do mảnh đất này có bí mật gì ghê gớm, hay Hoa quan đến yêu ma thần quỷ cả. Hai cái chết đáng sợ và lời cụ Lâm làm tôi có hơi thần hồn nát thần tính.

Tôi nói muốn ở lại nhà tổ ít hôm để nhờ người tìm chỗ thuê nhà, giấy đất thì mụ Hồng vẫn cứ giữ. Kể ra mụ cũng không tuyệt tình, nên chấp nhận. Thế nhưng cái sập tôi vẫn hay nằm giờ phải nhường cho hai mẹ con mụ, tôi thì sang chái nhà để ban thờ.

Tối đến, mụ Hồng gọi vợ chồng anh Dũng sang dùng bữa cơm.

Tôi lại nhắc Dũng rằng tối đừng đi soi ếch nữa. Anh chàng nghe xong cũng gật gù, nói bỗng dưng có hai án mạng trong thôn, có điên mới mò ra chỗ đồng không mông quạnh ban đêm. Huống hồ, bãi cỏ hôm trước bọn tôi bắt ếch chính là nằm đối diện ngôi chùa của sư cụ, cách nhau chỉ một con mương.

Thấy sắc trời đã muộn, tôi bèn định bụng đợi sáng mai đến chùa, xem xem có manh mối gì tiếp theo không. Trực giác mách bảo nếu tôi không phá giải được chuyện này, ngồi yên thì chỉ có chết. Gối đầu lên cái va li cứng ngắc, đến giờ tôi mới hiểu được thế nào là chuyện đời vô thường. Cái vật chỉ mới hôm qua đối với tôi còn là chìa khóa vạn năng, có thể giải quyết mọi vấn đề ở đời, thì nay trước mặt thứ quỷ ma không biết tên kia, lại vô dụng như đồng nát.

Đang thiu thiu ngủ, thì bỗng tôi nghe ngoài sân có tiếng lục cục, thế là trở dậy. Hôm nay trăng sáng, ánh bạc rọi xuống soi rõ khoảng sân gạch. Tôi lờ mờ thấy bóng ai thướt tha bước đi vào trời đêm. Ai như là Hoa.

Không kịp nghĩ nhiều, tôi bèn vùng dậy, đuổi theo ra cửa. Mụ Hồng và Hoa ngủ chung trên sập. Trong bóng tối, nhìn kỹ thì quả chí có một người nằm. Bình thường cái mụ này ngủ thính như mèo, thế mà nay cứ li bì như chết, cô ấy đứng dậy ra khỏi phòng cũng không tỉnh, đồ rằng có sự bất thường gì rồi. Tôi xỏ vội đôi giày, chẳng buồn đi tất, phi hộc tốc ra ngoài ngõ.

Hoa quay đầu lại, nhìn tôi một cái, thấp giọng:

“Anh... anh có nghe thấy không?”

Tôi lắng tai nghe thử, trong gió quả nhiên có tiếng gì như tiếng người rên xiết. Mảnh lắm, nhưng nghe được. Tôi lờ mờ nhận ra giọng sư cụ, cũng có cả giọng bố.

Hai bọn tôi rón rén bước trong đêm, lần theo tiếng than khóc, mãi đến lúc âm thanh bên tai chỉ còn tiếng nước chảy, tiếng ếch kêu.

Âm thanh kia dẫn bọn tôi ra chỗ con bãi cỏ bên cạnh con mương.

Dưới trăng, quạ kêu ang ác xa xa gần gần. Phía trước chỗ bãi cỏ, có một người đứng như trời trồng. Không... cũng không phải đang đứng, mà là đang trồng chuối. Cả người hắn thẳng như khúc gỗ, chân chĩa lên trăng, đầu trỏ xuống đất. Như thể phát hiện bọn tôi, cái thứ đó bèn quay lại, cộc cộc cộc cộc bật về phía tôi và Hoa. Dưới ánh đèn bão, tôi mới phát hiện té ra người này là ông sư cụ.

Sư cụ vẫn ở cái thế đầu dưới chân trên, ngoảnh mặt về phía ngôi chùa. Sau đó bỗng nhiên cụ giang ngang hai tay, chân bạnh chéo. Miệng sư cụ hé ra, nhả ra một miếng vải, đoạn nhảy ùm xuống con mương. Lúc hai bọn tôi lại gần thì chẳng thấy bóng cái thây sư thầy đâu cả.