“Quỷ Thiên Linh??”
Điền Mục tròn mắt nhìn sấp giấy và cái bút đang lơ lửng trước mặt bằng vẻ kinh ngạc. Cậu chàng thậm chí còn không nhận ra mình vừa nhắc lại y sì câu nói lúc trước của “ông bác”, có chăng chỉ dưới dạng một câu hỏi mà thôi.
Cây bút múa trên giấy:
“Đúng. Tuy không có bằng chứng cụ thể, nhưng bảy tám phần là mụ ta luyện thứ tà thuật khét tiếng này.”
Điền Mục:
“Thực ra… cháu muốn hỏi Quỷ Thiên Linh là cái gì?”
Cây bút giật bắn một cái, vọt lên quá đầu cậu chàng. Dường như “ông bác” vừa mới bị câu hỏi bất thình lình của Điền Mục làm cho giật nảy. Cậu thanh niên dám chắc “ông bác” chuyên xui dại mình từ bé vừa ho khan một cái. Ông ta thường hay như thế mỗi khi bị hớ.
Trên giấy xuất hiện một dòng chữ:
“Tao quên béng, tà thuật này thất truyền đã hơn hai trăm năm nay rồi. Đừng nói là tay mơ như mày, các hành giả cấp cao như bố mẹ mày cũng chỉ có vài người từng nghe qua cái tên của nó mà thôi. Thực ra, “Quỷ Thiên Linh” là cách hành giả chính phái gọi nó, còn kẻ luyện thuật thì tự xưng là Thần Thiên Linh.”
Điền Mục che miệng giấu một nét cười, bụng thầm nhủ:
“Cho đáng đời, ai bảo cứ thích trò úp úp mở mở thần thần bí bí cơ.”
Trên tờ giấy lại hiện lên mấy dòng chữ:
“Quỷ Thiên Linh là một tà thuật do quỷ tạo ra, dạy lại cho những kẻ ác tâm. Cụ thể thuật này thế nào thì tao cũng không rõ lắm, nhưng thuật nuôi quỷ nhi ở các nước láng giềng, thuật nuôi cương thi của Tàu, Thiên Linh Cái và Quỷ Nhập Tràng nước ta đều là các tà thuật phái sinh từ thuật mẹ này.”
“Cũng có nghĩa… thành phẩm cuối cùng luyện ra vừa có thân thể của cương thi, vừa vô hình vô ảnh như quỷ nhi, lại còn có cả lực nguyền rủa của Thiên Linh Cái ấy ạ?”
Điền Mục chỉ nghĩ thôi mà rùng mình. Tà thuật đáng sợ như thế, khó trách những kẻ luyện thuật này dám gọi nó là Thần Thiên Linh.
Cương thi của Trung Quốc ngay cả trong giới hành giả Việt Nam cũng nức tiếng là thân thể rắn chắc, lại có cả độc xác rất mạnh, cực kì khó chơi. Trong lịch sử, từng có mấy lần biên giới xuất hiện xác chết hóa thành cương thi, pháp sư hai nước phải hợp sức tiêu trừ, thành ra giới hành giả Việt Nam đã biết đến sự đáng sợ của chúng cả mấy trăm năm nay rồi.
Thuật quỷ nhi, người Thái gọi là Kumantong, người Mã Lai gọi là Toyol, là thuật nuôi một linh hồn thai nhi trong nhà. Người lành thì dùng để cầu tài chiêu vận, kẻ ác thì sai đi cướp của hại người. Khác với những hình ảnh thường thấy trên các loại hình nghệ thuật giải trí, điểm đáng sợ nhất của một quỷ nhi nằm ở chỗ nó được luyện thành từ bào thai đã chết. Hình dáng của một linh hồn được quyết định bởi ý thức của nó. Một tồn tại chưa sinh ra nhận thức như bào thai, đương nhiên linh hồn của nó cũng không có hình hài cố định nào cả. Cho dù có dùng mắt Âm Dương để nhìn thì cũng chỉ thấy được một làn sương mỏng lúc tan lúc hợp, khó mà tóm được tung tích của chúng.
Trong giới hành giả vẫn thường có lời lí giải: hồn là thanh, phách là trọc, hồn là động, phách là tĩnh. Khi chết hồn tự tại bay đi, trở thành các hồn ma người ta vẫn thấy. Còn phách bị thân thể bó buộc, sau sẽ cùng thịt xương tiêu tán vào đất bụi.
Người chết vào giờ linh hoặc chết thảm, hồn những tưởng mình còn sống, ở lại xác không đi. Người thi thuật dùng cây chuối, là vật mang tính âm, thường là nơi quỷ ma trú ngụ cốt để giam giữ phần hồn của người chết, không cho bay mất.
Hồn không đi thì phách không tan, kế đó lấy xác thân làm cơ sở, lấy cây chuối làm vật dẫn, đảo khách thành chủ, phách cắn nuốt hồn. Sau bảy tuần, ba hồn tiêu biến, trong xác người sẽ có mười phách. Đối với người Á Đông, cửu cửu quy nhất, số chín là lớn nhất. Cây chuối khi đó phát huy diệu dụng, tụ hội mười phách làm một, trở thành ác linh. Lúc ấy tà thuật Thiên Linh Cái sẽ thành.
So với cương thi và quỷ nhi, ác linh này có sát khí và oán khí nặng nhất.
Mà thuật Quỷ Thiên Linh, nếu đã là thuật mẹ, thì có lẽ nó sẽ có đầy đủ tất cả ưu điểm của ba loại tà thuật phái sinh. Điền Mục không rùng mình sao được?
Cậu chàng gãi gáy, nói:
“Bác này, thế giờ tính sao? Con có mỗi con dao thường, tơn tởn xông vào khác nào đi chết?”
“Ông bác” bèn viết lên giấy, đáp rằng:
“Tất nhiên là tao không điên mà bắt mày vào đó một mình, dù sao một tội phạm cỡ con mụ kia thì cũng hơi quá sức với mày. Nhưng mày nói đúng, trước hết phải đi lấy thêm binh khí cái đã.”
Điền Mục nói:
“Nơi này thì tìm đâu ra vật có âm khí và sát khí nặng như dao Quan Đinh của con?”
“Ông bác” viết lên giấy, vẫn bằng cái giọng úp úp mở mở khiến kẻ khác tức điên:
“Cứ đi rồi biết.”
oOo
Điền Mục, “ông bác”, thêm một con ngựa ma phóng như bay về phía tây, độ mươi phút thì đến một căn nhà ba gian, xây theo kiểu truyền thống làng quê bắc bộ, ngói đỏ gạch xanh, trông có vẻ u tĩnh. Ngoài cửa kê một cái ghế con, dưới chân ghế la liệt đầu lọc thuốc lá và vỏ chai rượu nếp rỗng không.
Cậu thanh niên nhảy xuống khỏi lưng con Tam Vĩ Ô Vân, đưa mắt hết liếc ngang lại ngó dọc, phát hiện gian nhà này nằm cách biệt hẳn so với phần còn lại của ngôi làng, nhà dân gần nhất cũng cách đó cả hai ba trăm mét là ít. Khí lạnh lặng lẽ tràn ra từ cánh cổng bỏ ngỏ, khiến Điền Mục rùng mình một cái.
Đây là nhà tang, thường dùng để liệm quan tài, tổ chức tang lễ.v.v… Ở thành phố đất chật người đông, nơi này thường ở ngay trong lòng khu dân cư, còn dưới quê một là đất rộng, hai là người ta cũng tin ma quỷ hơn, nên mới cố tình xây nhà tang lễ cách xa chỗ có người sống. Vậy mới tạo nên vị trí biệt lập như bây giờ.
Điền Mục vặn cổ kêu canh cách, ngoài mặt cười khì khì, trong bụng thì âm thầm tự kiểm điểm. Quả thực là cậu ta chưa trải sự đời nhiều, vừa gặp chuyện đã bắt đầu cuống lên, không giữ được cái đầu lạnh, từ đấy không suy nghĩ được thấu đáo chu toàn. May có “ông bác” đi cùng, nên mới nhớ tới nhà tang lễ này.
“Bác này, chỗ này tuy là âm khí nặng thật, nhưng dầu sao cũng chỉ là chỗ chôn cất người thôn quê bình thường. Tìm đâu ra thứ có sát khí nặng như dao Quan Đinh đây?”
Một tờ giấy đứt ra, bay đến trước mặt Điền Mục, trên chỉ ghi hai chữ “không gấp”. Cậu chàng thấy “ông bác” như thế thì cũng không hỏi gì nhiều nữa, đẩy cổng bước vào sân.
Trên đường đến làng dọ thám, Điền Mục đã có nghiên cứu sơ bộ về ngôi làng. Làng Ngô nằm về phía nam thủ đô, vừa có núi vừa có sông, trước đây đại đa số dân làng sống bằng nghề nông, hoặc nghề mộc. Gần đây, nhà nước cho mở khu công nghiệp ở sát cạnh, thành ra công nhân nơi khác đổ về làng thuê trọ rất đông. Số dân làng trong mấy năm ngắn ngủi tăng lên gần gấp ba, bây giờ là hai mươi ngàn người.
Bùng nổ dân số, lại thêm khu công nghiệp mới mở khó tránh khỏi xảy ra tai nạn, mới dẫn đến nhà tang lễ làng Ngô bị quá tải. Điền Mục đoán rằng, có lắm khi người chết phải để trong nhà tang lễ mấy ngày trời mới tổ chức ma chay được. Quan tài không được mai táng hạ thổ lâu ngày, toả ra tử khí rất đậm. Cứ thế lưu cữu mấy năm trời ắt sẽ tạo nên một vùng đất tụ âm có âm khí nồng nặc vô cùng.
Âm khí nặng như vậy, pháp sư bình thường tuyệt nhiên sẽ không dám cứ thế mà bước vào, thể nào cũng phải giở tài phép hộ thân ra. Song Điền Mục là người nửa sống nửa chết, thành ra âm khí này đối với cậu ta chẳng những không hại mà còn có lợi.
Cậu chàng phăm phăm toan đi vào phòng liệm thì ống tay áo bên trái đã bị người ta nắm lấy, kéo đi. Biết là “ông bác” ra hiệu, cậu ta bèn nhắm mắt đưa chân, tự hỏi là tại sao không đến nơi âm khí nồng hậu nhất, mà lại đi về nơi loãng nhất trong nhà làm gì?
Nhà tang lễ có cửa quay về hướng tây, từ cửa ra vào đi sang trái thì tức là hướng nam. Theo ngũ hành, nam thuộc hỏa. Còn theo bát quái, thì phía nam thuộc quẻ càn là trời, hoặc quẻ ly là lửa, tùy theo ta xét đến là tiên thiên bát quái hay hậu thiên bát quái.
Điền Mục là người mù dở về phong thuỷ địa lí, những thứ cao siêu như bát quái cậu chàng chỉ học được lõm bõm chút da lông, nên cũng không rõ cụ thể quẻ càn quẻ ly của Bát Quái có công dụng gì. Nhưng hồn ma bóng quế cõi âm thường né hướng nam ra thì cậu chàng cũng biết.
Phía nam nhà tang lễ có một trái nhà, tuy không lớn nhưng trông vẫn có vẻ bề thế oai nghiêm hơn hẳn những nơi còn lại. Điền Mục đẩy cửa đi vào, phát hiện đây là nơi để ban thờ, hai bên có bày giá đựng vũ khí. Các thứ nghi trượng để thờ làm toàn bằng gỗ, vân thớ rất đẹp.
Chính giữa có tượng thần tay cầm chuôi gươm, rắn dài quấn lấy thân kiếm, rùa lớn lấy mai chống vào mũi kiếm. Té ra là nơi thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ – bắc trấn trong Thăng Long tứ trấn.
Phía nam dương khí mạnh bao nhiêu, thì phía bắc âm khí mạnh bấy nhiêu. Nơi đây thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ hòng áp chế âm khí của người chết, không phải không có lí. Song việc “ông bác” dẫn cậu chàng đến đây chỉ càng làm Điền Mục thắc mắc. Chả nhẽ lấy đồ lễ ra biếu xén, hối lộ để “bà” thả Vũ Thanh??
Phải biết thứ mà bọn quỷ ma kinh khiếp không phải đồ lễ hay đồ thờ, mà là vị được thờ cúng. Việc rải muối quanh nhà lúc cúng lễ Vu Lan, hay hình vẽ của hai thần Uất Luỹ và Trà đuổi được quỷ ma đều là vì thế.
Hành giả không dùng vật mang dương khí trừ ma, mà phải dùng vật âm và mang sát khí bù vào cũng là có nguyên do cả. Tuy dương khí khắc chế quỷ hồn tốt hơn, nhưng như thế vong linh cõi âm cũng không dám hiện thân, thì biết bắt kiểu gì?
Cứ hiểu nôm na, vật mang dương khí như người cứng vía, quỷ ma không dám trêu vào song bản thân người đó cũng sẽ không thấy được vật âm gian, trừ khi là chết đi rồi thì không nói. Trái lại, vật mang âm khí như người yếu vía, dễ bị trêu chọc, nhập xác, thì mới tương tác được với sinh linh cõi âm. Liền đó mới thêm sát khí thật nặng, để thay thế công dụng sát thương ma quỷ của dương khí. Dao Quan Đinh được tạo ra cũng theo nguyên lí này.
Một nơi thờ thần linh thiêng hết mực, âm khí đã loãng mà sát khí càng chẳng thấy đâu, thì đào đâu ra thứ thay thế được dao Quan Đinh?
Thấy thằng cháu đang đứng ngu ngơ như bò xem khẩu hiệu, “ông bác” bèn giải thích:
“Đang thắc mắc tại sao lại đến đây hử?”
“Lẽ nào… bác định thỉnh Huyền Thiên Trấn Vũ xuống?”
Điền Mục lắp bắp, hỏi.
“Ông bác” rất mạnh, cậu thanh niên hiểu rất rõ chuyện này. Nhà họ Điền đã hợp tác với ông gần năm trăm năm nay chứ đâu có ít? Song… do không có mắt Âm Dương nên chẳng ai rõ “ông bác” rốt cuộc trông ra sao, lai lịch thế nào. Mãi tới tận hôm nay, Điền Mục mới biết “ông bác” có qua lại với Táo quân, quan hệ hình như còn rất tốt. Nhưng ông Táo dù gì cũng chỉ là chức nhỏ, không thể so được với thần Huyền Thiên Trấn Vũ.
“Ông bác” đáp:
“Chuyện nhỏ nhặt thế này cần gì mời ông ta? Thấy giá đựng nghi trượng hai bên không, mày rút thanh long đao bày ở hàng thứ ba bên trái ra đây cho tao.”
Điền Mục ngó quanh liếc dọc, giá binh khĩ bày chục món, có cái cậu ta biết có cái không. Đến hàng thứ ba thì thấy một thanh đao gỗ tuốt trần, lưỡi đao dài gần bảy chục phân, có đầu rồng mõm ngắn ngậm chặt lưỡi đao. Song ngoại trừ vẻ ngoài đẹp mắt ra thì đây cũng là đồ giả bằng gỗ, âm khí chẳng có mấy mà sát khí lại càng không.
Một tờ giấy bay tới trước mặt Điền Mục, trên đề lời hướng dẫn gãy gọn của “ông bác”:
“Mày lấy máu bôi vào mắt rồng, rồi dùng thuật gọi hồn là được.”
Điền Mục không hiểu lắm, song nếu “ông bác” đã nói thì ắt là có nguyên do của ông, bởi vậy bèn làm theo. Cậu chàng đưa đao lại gần mặt, bấy giờ mới phát hiện đầu rồng trang trí trên thân đao được đẽo gọt rất tỉ mỉ, chi tiết rõ ràng từ lỗ mũi đến cái răng nanh không sót một món, trông thần vận như vật sống vậy. Cậu chàng bèn lấy dao bếp cứa vào ngón tay, lấy máu bôi vào mắt rồng.
Máu vừa chạm tới đao thì lập tức ngấm sâu vào thớ gỗ. Điền Mục thấy thế, lập tức lẩm nhẩm đọc chú gọi hồn, tức thì lỗ mũi đầu rồng phụt ra hai luồng khí trắng, cuốn quanh chuôi đao mãi không dứt. Điền Mục bỗng thấy đao trên tay nặng trĩu đi, âm khí và sát khí phả ầm ầm vào mặt, hơn dao Quan Đinh của cậu ta phải mấy lần là ít.
“Ông bác” thấy cậu chàng vẫn chưa hiểu vì sao lại có cơ sự này, vừa bực vừa buồn cười, bèn viết tiếp vào giấy:
“Nhà tang lễ sở dĩ bày tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ắt là để trấn áp quỷ ma không cho đến lai phạm linh đường, vừa để tiêu trừ oán khí của hồn vía người vừa mất. Mày thấy bát hương trên ban thờ cắm chi chít chân hương cháy tàn hay không? Điều ấy chứng tỏ, ở chỗ của người sống, gian phòng này thường xuyên nghi ngút khói hương của trăm họ.”
Điền Mục chợt xen vào:
“Hương hỏa dân gian, lại thêm thần uy của đức Huyền Thiên Trấn Vũ, ý bác là những đồ nghi trượng này rất có thể đã thông linh?”
“Cũng còn tạm được.”
“Ông bác” đáp gọn lỏn, ngó lơ cả điệu cười trừ của thằng cháu. Tuy Điền Mục không nói ra miệng, nhưng người chăm cậu chàng từ bé đến lớn như “ông bác” há lại không nhìn ra cậu ta đang tự trách bản thân? Mang tiếng là đi bắt ma, vậy mà “ông bác” hỏi câu nào cũng không đáp được…
Hẳn là Điền Mục nghĩ vậy.
“Ông bác” nhếch mép, thực chất cũng khó mà trách được chuyện cậu chàng yếu hơn tổ tiên, từ kiến thức cho tới kinh nghiệm. Khác với đời trước, lúc Điền Mục sinh ra nhà nước đã thi hành chính sách giáo dục phổ cập, ngoại trừ luyện tập để làm một hành giả, cậu ta còn phải đảm bảo việc học văn hóa ở trường nữa.
“Ông bác” làu bàu:
“Cũng tại con bé Ngân… cứ bắt thằng này phải đủ điểm vào đại học tử tế trước rồi mới được làm hành giả. Như thời của mình có cần học hành quái gì đâu, biết cầm đao chém người là có thể gây dựng cả cơ đồ rồi. Nhưng thôi… ai bảo nó là mẹ thằng Mục.”
Tất nhiên, những gì ông ta nói Điền Mục không nghe được dù là một chữ.
Cái gọi là “thông linh”, cũng tức là một đồ vật vô tri giác sinh ra linh hồn mới, trở thành vật có ý thức. Nếu vật đó làm ác, thì quá trình này gọi là thành tinh, còn nếu là thiện thì các hành giả gọi là hóa tiên.
Điều kiện để một vật không có sinh mạng, vô tri vô giác hình thành linh tính của chính mình khá là mơ hồ, nhưng khả năng là có liên quan đến việc nương nhờ thần phật, hoặc hương hỏa cúng dường của nhân gian.
Đồ nghi trượng nơi đây hội tụ cả hai “điều kiện” trên, khả năng có linh tính khá cao. Mà sở dĩ “ông bác” bảo cậu chàng dùng thuật gọi hồn, ấy là để gọi “linh” của thanh đao gỗ này từ làng Ngô của người sống về đây, trợ giúp tấn công đình làng.
Song… thực ra đây cũng là một lần đánh cược.
Ở trên đã nói, hành giả tồn tại từ thời cổ xưa, có lẽ văn minh con người vừa bắt đầu thì đã xuất hiện những kẻ đi lại giữa hai cõi âm dương. Thế mà qua chừng ấy năm, lớp lớp nhân tài sinh ra rồi ngã xuống, các hành giả vẫn không nắm được cụ thể bằng cách nào mà một vật vô tri có thể “thông linh”, sinh ra linh hồn mới. Tất thảy, vẫn đang dừng ở giả thuyết và phỏng đoán mà thôi.
“Ông bác” lại viết lên tờ giấy, lần này là một câu hỏi:
“Biết tại sao lại chọn đao không?”
Điền Mục gãi gáy, nói:
“Là do… bác thích đao?”
“Đúng, nhưng chưa đủ. Có ba nguyên do. Thứ nhất, lối đánh của long đao khác với dao găm, không dùng để đâm được, nên coi như là một lần luyện tập cho mày. Thứ hai, có ngựa báu như Tam Vĩ Ô Vân, không dùng đao thật là phí phạm. Cuối cùng, là do cái đầu rồng.”
Điền Mục bèn nói:
“Hai ý trước thì cháu hiểu. Với tốc độ của Tam Vĩ Ô Vân, đà chém của đao sẽ rất mạnh. Nhưng cái đầu rồng thì sao ạ?”
“Ông bác” từ tốn viết:
“Nói cho đúng thì nó không phải rồng, mõm rồng dài như mõm cá sấu chứ không ngắn như này. Đấy là con thứ bảy của rồng, tên là Nhai Xải, bản tính hiếu sát khát máu. Rồng ta từ thời Lý – Trần đã có bản tính ôn hòa, lành hơn rồng Trung Quốc, nên trên vũ khí mới dùng Nhai Xải thay vào.”
Bấy giờ, cậu chàng mới “ồ” lên một cái. Hèn gi “linh” vừa nhập mà thanh đao gỗ đã có sát khí nặng như thế, hơn xa dao Quan Đinh. Ngẫm lại, cho dù không mất con dao làm từ đinh quan tài thì chắc hẳn “ông bác” cũng không để Điền Mục cầm con dao ngắn cũn như thế xông vào đánh đình làng.
Đối phương có ưu thế số đông, dao Quan Đinh có lợi hại gấp năm bảy lần thì chẳng mấy chốc cậu ta cũng bị khốn giữa vòng vây quân thù.
Hà huống, so với dao găm, long đao dài hơn hai mét, lưỡi đến hơn sáu chục phân. Đối với người không nhìn thấy ma như Điền Mục, vung bừa một thanh sẽ dễ trúng hơn.
“Ông bác” thấy cậu chàng thích thú như thế, lại thầm nghĩ:
“Ôi cái thằng ngố này. Để rơi ba lô vào tay con mụ hành giả kia mà cứ tỉnh bơ như không, tí thể nào cũng no đòn cho xem.”
oOo
Mười hai giờ trưa…
Mặt trời rốt cuộc cũng ló ra sau những đám mây, từng tia nắng mùa đông yếu ớt rọi xuống mặt hồ. Nắng vàng ôm lấy sóng, bồng bềnh như khiêu vũ, ẩn ẩn hiện hiện trong làn nước màu ngọc mắt mèo. Quả thực là một cảnh đẹp.
Nếu đứng từ trên cầu đá giữa hồ nhìn ngắm có lẽ càng đẹp hơn.
Song, cảnh vật có nên thơ cách mấy cũng không tài nào che giấu nổi hiểm nguy trùng trùng đằng sau.
Điền Mục và Tam Vĩ Ô Vân dừng bước bên bờ hồ, dưới gốc cây đa.
Lúc này không thấy tờ giấy nào bay bên cạnh, thành ra cũng chẳng rõ “ông bác” của cậu có theo cùng không hay lại tót đi đâu rồi. Song… chả có nhẽ ông ta lại để một hành giả non trẻ như Điền Mục vào đối đầu với “bà” một mình?
Con Tam Vĩ Ô Vân lắc đầu, mũi phun phì phì, đôi mắt ngựa ngó chằm chằm về phía ngôi đình làng, trông có vẻ cảnh giác. Điền Mục vỗ bờm ngựa mấy lần, nó cũng lắc đầu không chịu tiến thêm lấy nửa bước.
“Chuyện này là sao?”
Điền Mục nghĩ bụng, thầm thấy khó hiểu trước hành động của con ma ngựa. Song bấy giờ chuyện giải cứu Vũ Thanh đã gấp như lửa sém lông mày, cậu chàng không còn cách nào ngoài nhảy xuống khỏi lưng ngựa, quay lại kiểm tra thật kỹ cái túi ni lông xem đã có đủ gia vị khắc chế con gà và bọn lợn chưa. Sau khi đã chuẩn bị cẩn thận, cậu chàng mới hít sâu một hơi, xách đao lên định tự mình vào đình. Tam Vĩ Ô Vân hí dài, chạy ngoặt ra trước, dùng thân mình cản lối không cho Điền Mục đi.
Cậu chàng ngừng lại, nghĩ kỹ một hồi, rồi hỏi:
“Này anh ngựa đẹp trai, chẳng nhẽ “bà” đã dàn quân ở đình đón lõng hai đứa mình?”
Con ngựa ma gật đầu.
Phản ứng của Tam Vĩ Ô Vân khiến Điền Mục sầm mặt lại, cuống họng đắng ngoét như ăn bồ hòn. Trong cuộc tấn công vào trường Hoàng Hoa Thám để lấy hành, lá chanh và riềng, hồn ma dưới trướng “bà” đều sợ con ngựa ma một phép. Bọn họ có thể ung dung vào vườn sinh học mà không bị cả biển ma xâu xé đều là nhờ Tam Vĩ Ô Vân cả.
Ấy thế mà giờ đây đến cả con ngựa ma cũng chùn bước, chứng tỏ bọn ma đang dàn trận trong đình chẳng đơn giản tẹo nào. Mà kể cũng phải. Đã biết hồn ma bình thường không dám làm gì con ngựa ma của “ông bác”, chẳng nhẽ lại còn dùng đến chúng? Họa chăng có là kẻ ngu mới thế.
“Bà” tất nhiên chẳng phải kẻ ngu, mà là một tội phạm bị giới hành giả truy nã gần bốn mươi năm nay.
Điền Mục sững người lại…
“Chờ đã! Bà ta từng là hành giả! Lẽ nào… âm binh của mình???”
Như để khẳng định suy nghĩ vừa chợt nảy ra trong đầu Điền Mục, con Tam Vĩ Ô Vân vừa gật đầu, vừa dùng ánh mắt thông cảm nhìn cậu chàng.
Điền Mục cắn chặt răng, xoay trở thanh đao trong tay mấy vòng.
“Lần này khó rồi đây.”
Cậu chàng thầm nghĩ.
Đám ma dữ dưới trướng của “bà” tuy là đông, nhưng dù sao cũng chỉ là hồn của người thường, nông phu là chính. Nhưng âm binh của Điền Mục thì khác. Họ là quân tướng chết trận ở sa trường, có cung nỏ khí giới trong tay thì đã đành, đáng sợ nhất là kỷ luật thép. Cho dù phía trước có là “ông bác” thì họ cũng sẽ không nề hà xông lên, muốn dùng khí thế của Tam Vĩ Ô Vân chèn họ lui bước như đã làm với bọn ma ở trường là chuyện bất khả thi.
Hơn nữa, đối với người không có mắt Âm Dương như Điền Mục, đấu với âm binh lại càng bất lợi. Trong âm binh phù cậu ta mang theo, có hơn một nửa là cung thủ. Với một hành giả không thể nhìn được ma như Điền Mục, đây vốn dĩ là một chiến thuật hiệu quả. Dùng cung tên dồn cho đối thủ không thể tiếp cận bản thân là cách mà người nhà họ Điền hay sử dụng nhất.
Lúc này, ưu thế đã biến thành thử thách chết người.
Những vũ khí của âm binh mang theo đương nhiên không phải thực thể, mà là một phần linh lực của họ hóa thành. Đối với Điền Mục, những ngọn giáo mũi tên ấy đều là vô hình.
Đó là lí do con ngựa ngăn cậu ta lại.
Đấu với quân ma bình thường, Điền Mục còn cậy đao dài vung bừa vung bãi được một lúc. Nhưng nếu địch thủ là âm binh thiện chiến, chưa đi được mươi bước e là đã bị bắn cho thủng lỗ chỗ như cái rá rồi.
Quả là chuyện nan giải.
Bấy giờ, cậu chàng bỗng chặc lưỡi một cái, sau đó nhìn xuống thanh đao trong tay mình.
Thứ này có linh của Nhai Xải, không biết liệu có tác dụng gì không?
Điền Mục còn đang suy tính xem phải làm cách nào mới có thể tấn công được vào đình làng, thì bỗng nhiên cửa đình mở toang ra. Tên bác sĩ mình mặc áo blu, tay đút túi quần, mồm huýt sáo líu lo đi ra ngoài, mãi đến giữa cầu đá mới ngừng lại.
Hắn thọc ngón út vào, ngoáy lỗ tai hai cái, sau đó gọi với về phía Điền Mục và Tam Vĩ Ô Vân:
“Ê! Truyền nhân họ Điền, cả anh ngựa thần kia nữa.”
Thấy một người một ngựa vẫn không hề phản ứng gì, gã cũng chẳng thèm để ý, mà tiếp tục nói:
“Nếu đã đến thì là khách. Mẹ tôi bảo mời hai vị vào uống miếng nước.”
Điền Mục quay sang chỗ con ngựa ma, nói:
“Anh ngựa đẹp trai, lúc này nếu là các vị cha chú trong nhà tôi, chắc hẳn sẽ giả vờ thuận theo, xem xem bọn chúng có ý đồ gì có đúng không?”
Tam Vĩ Ô Vân gật đầu, vó cọ vào đất, chân sau đá một cái về phía đình làng.
Điền Mục cười gằn, nói:
“Thế thì đúng ý em rồi!”
Cậu chàng giục cương, gót chân đánh vào bụng ngựa. Con ngựa ma chồm dậy, hí vang một tiếng chấn động, sau đó bốn vó khua một cái, gần như hóa thành một làn khói đen xẹt qua khoảng không. Theo đó, tiếng cười của cậu hành giả trẻ cũng vang vọng bốn phía.
Điền Mục cúi người, ngực áp gần sát bờm ngựa, cán đao bằng gỗ gác sau lưng. Hai chân cậu chàng quặp chặt lấy bụng ngựa, tay không cầm đao nhả cương, mó vào túi gia vị lấy nắm lá chanh.
Điền Mục ghé sát tai con ngựa ma, nói nhỏ:
“Trăm sự nhờ anh.”
Tam Vĩ Ô Vân hất đầu, không cất tiếng hí, cũng không cọ vó ra dấu gì cả. Chỉ có đôi mắt của nó là thay đổi. Ánh mắt thoáng chốc đã mất hẳn vẻ giảo hoạt tinh ma, trở nên dữ dội như ánh chớp.
Con ngựa ma đang chạy nước đại như bão táp thì bỗng nhiên chồm vó, ngoặt phắt sang trái, phóng qua thành cầu. Điền Mục ngoái đầu nhìn, chỉ kịp thấy nền đá tóe lửa mấy lần, đoán chừng là âm binh thủ trên tường, trên mái nhà nã tên về phía họ.
Thế nhưng…
Tránh vỏ dưa thì gặp vỏ dừa.
Cây cầu đủ cho ba người đi sóng vai, đối với một con ngựa chạy nhanh như Tam Vĩ Ô Vân thì lại quá hẹp. Nó chỉ phóng người một cái là đã bay ra quá thành cầu hơn năm mét.
Bên dưới là mặt hồ.
Đình làng chẳng những được xây theo thế Âm Dương Lưỡng Giới Trận, nó còn là một lô cốt quân sự thu nhỏ. Bốn cây cầu đá hóa giải chiến thuật biển người vây thành, cái ao bao quanh ngôi đình chẳng khác nào một con hào. Nếu chẳng may trượt chân, hoặc bị đánh rơi xuống nước, thì có khác nào thành cái bia ngắm cho quân thủ thành? Bốn cây cầu cách rất xa nhau, trừ khi biết bay, bằng không không thể nào nhảy từ cây cầu này sang cây cầu kia.
Rơi xuống ao, bì bõm bơi giữa dòng, khác nào tự biến bản thân thành cái bia ngắm?
Nay hà cớ gì, Tam Vĩ Ô Vân lại nhảy xuống nước?
Điền Mục đang lo bỏng cả ruột gan, thì chợt phát hiện con ngựa ma đang đứng trên mặt ao như dưới đất bằng. Tam Vĩ Ô Vân lắc cổ hí một cái, sau đó bốn vó khua như bay, lao vút đi như một mũi tên màu đen xé xuyên qua mặt ao.
Mặt nước không ngừng rung chuyển, từng cột nước thi nhau bắn tung lên không trung. Trước mũi ngựa, bên cổ ngựa, sau đuôi ngựa, đâu đâu cũng có. Những cột nước chết chóc… tạo thành từ mũi tên bắn trượt của âm binh.
Bọt nước bị ánh nắng chiếu xuyên qua lóng lánh như ngọc.
Tam Vĩ Ô Vân vẫn không dừng vó, bất chấp trận mưa tên đang nã xuống xối xả chung quanh. Con ngựa ma chạy vòng quanh các trụ cầu, lợi dụng cây cầu như một tấm khiên chắn. Tam Vĩ Ô Vân vừa nhanh vừa linh hoạt, tránh hết đợt tên này đến loạt tên khác bằng một sự uyển chuyển đến không tưởng, bất chấp trong đình làng có bao nhiêu âm binh trấn thủ đi chăng nữa.
Nhờ đó, mà khoảng cách giữa Điền Mục và tên bác sĩ cứ dần dần được thu hẹp lại.
“Lên nào anh ngựa!”
Điền Mục quát to lên một tiếng, ngựa ma bèn búng mình nhảy vọt lên cầu, đứng ngay trước mặt tên bác sĩ. Cậu chàng vung nắm gia vị về phía trước, đoạn vung đao phạt một nhát nhè ngay đỉnh đầu đối thủ. Tên bác sĩ vội vàng đưa tay lên che mặt theo bản năng.
Lưỡi đao bằng gỗ, thế mà xé thịt chặt xương ngọt như cắt bơ vậy. Điền Mục vung đao một nhát đã chém phăng được cánh tay của tên bác sĩ, làm nó rơi tòm xuống hồ. Hiển nhiên, đao gỗ chém được người là do tác dụng của thần thú Nhai Xải.
Điền Mục còn chưa kịp vui, thì đón đầu cậu chàng đã là một nắm đấm to đùng chỉ có độc ba ngón. Tam Vĩ Ô Vân hí lên một tiếng, chồm dậy lấy chân trước đỡ đòn. Chỉ nghe ầm một cái, gió mạnh tạt ra bốn phía, cầu đá dưới chân nứt toạc rồi đổ sập một mảng. Đá lớn rơi xuống ao ầm ầm, làm nước văng lên cả mấy mét.
Tam Vĩ Ô Vân mượn lực cú đấm của đối thủ, chở Điền Mục an toàn rút ra đến giữa cầu.
Bấy giờ, tên bác sĩ đứng ở đầu cầu đối diện, cánh tay còn sót lại dài chấm đất, thoạt nhìn vô cùng mất cân đối. Hắn cười gằn vẻ dữ tợn, lấy cánh tay còn sót lại túm tóc mình, nói bằng một giọng khọt khẹt khó nghe:
“Ngẹc nhiên hông con?”
Hắn xé toạc nhúm tóc trên đầu, lộ ra thứ gì hồng hồng đỏ đỏ đang động đậy bên dưới. Sau đó, lớp da người trên thân gã bắt đầu trượt xuống như cây thay lá. Da càng rụng bớt thì thân mình hắn càng cao bổng lên, đến lúc mẩu da cuối cùng rơi xuống thì đã lộ nguyên hình một tên hộ pháp đầu lợn cao gấp đôi người thường.
Té ra, “tên bác sĩ” xuất hiện trước mặt cậu chàng và con ngựa ma lại là do một trong ba con lợn hóa thành.
Điền Mục kéo cương ngựa, cười tủm tỉm:
“Cũng không hẳn.”
Tên lợn khịt mũi, nhặt cánh tay bị chém đứt lên ấn vào bả vai. Bình thường, chỉ trong chớp mắt là thịt xương đứt lìa sẽ lành lại như cũ. Thế nhưng, lúc này nó mới chợt nhận ra xương thịt đứt lìa không thể tái tạo được.
Ngạc nhiên này chưa đi, bất ngờ khác đã tới.
Lúc con lợn ngẩng đầu dậy, thì lưỡi đao của Điền Mục đã cắm phập ngay cổ họng nó. Đôi mắt rồng con bằng gỗ như trợn trừng lên, sát khí lẫm nhiên phả vào mặt kẻ thù. Trong một khoảnh khắc rất ngắn, con lợn tưởng chừng trong cặp mắt bằng gỗ kia lướt qua một chút gian giảo.
Lưỡi đao tự rút ra khỏi cổ họng con quái vật, xoay tròn trên không trung rồi bay ngược trở lại trong tay Điền Mục.
Ầm.
Thân hình khổng lồ của con lợn ngã vật ra đất, máu tươi rỉ ra, nhuộm đẫm cả cây cầu.
oOo
Điền Mục gác đao, thở phào.
May lần này không bị lừa.
Ngay từ lúc “tên bác sĩ” xuất hiện, Điền Mục đã ôm bụng nghi ngờ rồi.
Bằng vầng trăng máu, “bà” chắc chắn đã biết chuyện con chó bị cậu chàng xử lí. Chẳng có nhẽ, đã biết tỏng còn để “tên bác sĩ” ra chịu chết?
Chỉ trừ phi “tên bác sĩ” xuất hiện trước mặt cậu chàng không phải do con gà biến thành như lần ở trường Hoàng Hoa Thám.
Tức là, khả năng rất cao đối thủ là một trong ba con lợn hóa thành.
Cậu chàng chưa tiếp xúc với ba con lợn được bao lâu, sao mà biết được chúng không thể biến thành “tên bác sĩ”?
Điền Mục có hai lựa chọn khi thấy tên bác sĩ. Một, ném nắm lá chanh ra. Nếu là con gà thì cậu ta thắng, còn nếu chẳng may đối phương là con lợn thì e là phải ăn đấm. Hai, ném nắm hành ra, nếu là con gà thì chẳng bị gì, nhược bằng nếu may mắn “bà” xếp con lợn ra cản lối, thì cậu chàng có thể thuận tay giết luôn đối thủ.
Hai lựa chọn, một có nguy hiểm, một cùng lắm là chẳng mất gì, tất nhiên ai cũng biết phải chọn thế nào.
Việc đám quân ma ngừng cung để cậu chàng tiếp cận tên bác sĩ càng khẳng định suy đoán của Điền Mục. Việc cậu chàng bị đánh văng ra giữa cầu, không tài nào xông được vào đình thì chắc hẳn không nằm ngoài tính toán của “bà”.
Điều duy nhất nằm ngoài dự tính của Điền Mục là sức chiến đấu của Tam Vĩ Ô Vân.
Tuy là đêm qua con ngựa ma từng xông vào giữa ba con lợn, cứu cậu chàng rồi bỏ chạy, song phần nhiều cũng là dựa vào tốc độ và vị trí thuận lợi. Nếu lúc đó Điền Mục không kích động bọn lợn ném cậu chàng xuống đất, e là con ngựa ma khó có thể cứu được cậu chàng dễ dàng như thế.
Ít nhất, cho đến hồi nãy Điền Mục vẫn cho là Tam Vĩ Ô Vân có sức chiến đấu không nổi trội gì lắm.
Song, việc con ngựa cản thay cậu một đấm đã thay đổi cái nhìn của cậu chàng về nó.
Tam Vĩ Ô Vân đã mạnh như thế, thì rốt cuộc “ông bác” kia còn như thế nào nữa?
Bây giờ nghĩ đến, cậu chàng mới thấy kì quái. “Ông bác” đã là vong thủ hộ của nhà họ Điền gần năm trăm năm nay, hợp tác với không biết bao nhiêu đời truyền nhân của dòng họ. Thế nhưng, ghi chép về ông trong gia tộc họ Điền lại ít đến thảm thương. “Ông bác” có thân phận gì lúc còn sống? Ông ta mạnh đến đâu? Chẳng ai biết cả.
Nhờ Tam Vĩ Ô Vân, cung thủ ma trong đình không tài nào bắn trúng Điền Mục được, thành thử cậu ta mới có thì giờ đi nghĩ những chuyện này.
Nhưng lại có một vấn đề khác phát sinh…
Mưa tên rất dày, các nhóm âm binh hỗ trợ nhau, xạ tuyến đan thành một tấm lưới dày, cực kì kín kẽ nghiêm mật. Ngựa ma muốn né được hết các loạt tên cũng đã phải trốn đông lủi tây mãi. Xông vào trong đình? Quả thực là chuyện khó bằng lên trời.
Hai bên lại rơi vào thế cầm đồng, chẳng ai làm gì nổi ai. Thế nhưng, Điền Mục biết mình càng dây dưa lâu ngoài này thì Vũ Thanh sẽ càng nguy hiểm hơn. Thời gian của cô nàng tựa như cát trượt khỏi kẽ tay…
Chợt, cậu chàng ngẩng đầu lên. Một tờ giấy từ đâu chầm chậm đậu lên chóp mũi Điền Mục.