Chương 106: Vàng Định Công, Đồng Ngũ Xã

Hồng Hoa rụt rè bước lên mấy bước, thấp giọng:

“Tôi... bác ấy...”

“Nhìn ra cái gì rồi à?”

Cô nàng đi đằng sau, chỉ thấy cái lưng của Điền Quý. Thế nhưng có thể đoán được lúc này chắc hẳn anh chàng đang cười nhăn nhăn nhở nhở, ra chiều thích thú lắm.

Hồng Hoa cúi đầu, không biết phải nói tiếp ra sao. Ban đầu, vẻ ngoài của cửa tiệm và cách ăn mặc của bà chủ quả thật khiến cô nàng có đôi chút xem nhẹ người ta. Thế nhưng, lúc đi ngang qua chỗ bà chủ tiệm ngồi, Hoa mới giật mình phát hiện đồ vàng bạc bà ấy đeo trên người đều cực kì tinh xảo, không phải hàng làm bằng máy hay đổ khuôn mà thủ công từng đường từng nét một. Mỗi một món đều là tâm huyết của người nghệ nhân, trên đời không còn cái thứ hai nào khác. Những loại trang sức độc nhất vô nhị như vậy, trong các tiệm lớn đều dùng làm vật trưng bày không bán.

Điền Quý bèn nói:

“Các tiệm kim hoàn khác người ta làm doanh nghiệp, đẹp khoe xấu che. Còn tiệm này... Người ta nói lãng hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã là có lí do cả đấy.”

Anh chàng dừng lại, lấy một lá bùa ra đưa cho Hoa, bảo dán lên người. Chờ cô nàng làm xong đâu đấy, Điền Quý mới tiếp:

“Bon họ bán bằng danh tiếng hàng trăm năm, nên cũng chả cần quảng cáo làm gì cả. Những thứ bày ngoài tủ kính đều là hàng làm hỏng lúc người ta rèn thợ, truyền nghề, trưng ra cốt để báo rằng họ còn hoạt động thôi. Mà những người biết mà đến mua đều không đơn giản đâu.”

Anh chàng vươn vai một cái, đoạn chốt hạ:

“Khuyên cô một câu, cái đất Hà thành này không trông mặt mà bắt hình dong được đâu.”

Phía sau cửa tiệm có một khu nhà cổ, xây theo kiểu kiến trúc ngày xưa. Tường bên phải có một cầu thang đá uốn lượn lên thẳng tầng hai, bên dưới có núi giả, ao cá. Dưới chân cầu thang treo mấy giò lan, không biết chủng loại cụ thể là gì nhưng có vẻ tươi tốt lắm.

Bấy giờ, ở sân đã có một ông cụ mặc áo sờn chỉ, tựa lưng vào ghế đẩu ngồi tắm nắng. Trên lòng lão có một con chó cỏ độ một hai tuổi, lông đen lốm đốm loang lổ màu rêu. Con chó lim dim mắt, thế nhưng Hồng Hoa lại cảm thấy đôi mắt nó đang nhìn chằm chằm vào mình. Bản năng mách bảo cô nàng quay đầu bỏ chạy ngay kẻo không kịp.

Điền Quý hắng giọng, gọi:

“Cụ Hồng ơi.”

“Quý đấy à? Lâu lắm không thấy mặt. Ông nghe loáng thoáng bảo chú mày lấy vợ, đang định đến nhà đưa quà cưới đấy.”

Cụ Hồng mở mắt, nhẹ nhàng vuốt chòm râu, rồi thả con chó xuống. Con chó cỏ lững thững đi về phía hai người, dạo quanh một vòng, hít hít ngửi ngửi mãi. Thế rồi, nó lắc mình một cái cho lông rũ ra, sau đó chạy biến vào nhà.

Hoa còn chưa kịp phản ứng, thì Điền Quý đã cúi xuống, bới đống lông chó lấy ra một cái vảy đen, có lẽ rơi ra từ người con chó cỏ ban nãy. Anh chàng lau lau cái vảy lên áo, rồi nói:

“Cụ không phiền thì cho con xin nhé.”

“Sư bố anh, chỉ giỏi tham vặt. Con Bát Long của chú cũng thua kém gì con nhà tôi?”

“Cụ cứ đùa. Con nhà con nó là giống chó, sao so được với Toan Nghê nhà cụ?”

Hai người vừa cười híp mắt, vừa nói chuyện chó với nhau, không có vẻ gì là sắp bàn chuyện chính cả. Hồng Hoa tuy không hiểu hôm nay Điền Quý đưa mình đến đây để làm gì, thế nhưng cô nàng dám chắc là không phải đến nói chuyện chó. Hoa đứng nép một bên tường, kiên nhẫn chờ hai người tán phét.

Cụ Hồng và Quý nói chán, ông mới gọi người nhà trải cho một cái chiếu ngay trên hiên. Lão làm thủ thế mới, rồi nhìn Hồng Hoa, đưa một ngón tay lên môi.

Điền Quý ngồi xuống chiếu, chẳng hiểu bằng cách nào mà anh chàng lấy trong túi quần ra một tấm da lông, gấp lại thôi cũng dày cả gang tay.

Cụ Hồng lấy một que nhang, đổi lên rồi chầm chậm bước ba vòng quanh tấm chiếu, vừa đi vừa vảy cho làn khói dập dờn. Xong xuôi đâu đấy, lão mới nhẹ nhàng giở tấm lông thú ra.

Lão vuốt lên tấm da một cái, bứt một sợi lông nhấm trên đầu môi, rồi nói:

“Đây là lông chuột tinh, đạo hạnh cũng phải ba trăm năm đổ lên. Chỉ tiếc là con này từng bị phong trong mộ địa, nên giá trị của bộ lông bị giảm hai phần.”

Hoa nghe lão nói mà không nén nổi suýt thì kêu “a” một cái, cũng may là tự bịt miệng lại kịp.

Cụ Hồng nhìn sang, gật đầu một cái, rồi nhẹ nhàng khảy trên tấm da ra tổng cộng sáu cây kim mảnh dài như cái đũa cả. Ông đưa lên chấm máu ở đầu ngón tay mình, rồi gật đầu:

“Chính xác là bốn trăm hai mươi bảy năm. Thằng ranh này được đấy, vừa lên Hà Nội mà đã làm một chuyến rõ to như thế.”

Đoạn, lão kiểm tra nốt một cái răng cửa trắng nhởn to như bàn tay người lớn.

Xong xuôi đâu đấy, lão Hồng mới nói:

“Quy tắc cũ, tiền ông sẽ đưa cho chú sau. Hay chú cần ông giúp gì?”

“Cháu cần bảy viên ngọc mắt mèo loại tốt, một sợi dây xích bằng bạc trắng càng thuần càng tốt. Hết bao nhiêu cụ cứ trừ vào tiền bán hàng hôm nay của con, thiếu đâu con bù thêm.”

Cụ Hồng nghe yêu cầu của Điền Quý xong, thì im lặng. Thỉnh thoảng lão lại đưa tay lên day thái dương như đang cố nhớ về một chuyện gì đấy đã sớm trôi vào dĩ vãng. Mất một lúc lâu, lão mới vỗ tay, nói:

“Chú mày định xử lý con mèo tinh nhà lão Huy đúng không?”

“Có phải cha cái anh Võ mở công ti bên mạn La Thành không cụ?”

Điền Quý chớp mắt, hỏi lại. Bấy giờ, Hồng Hoa mới sực nhớ ra mình quên không nói cho anh chàng tên người cha đã mất của Võ.

Cụ Hồng thở dài:

“Thì cái nhà đấy chứ nhà ai? Ôi, ông đã khuyên lão ấy là giết quách con mèo ấy đi mà lão không chịu nghe.”

Rồi cụ kể lại chuyện ngày xưa thời còn chiến tranh, hai người cùng nhau đi lính thế nào. Cụ Hồng học nghề thuốc nên làm quân y, còn ông Huy thì đi tiền tuyến. Hai người từng học chung trường, lại cùng quê Hà Nội nên chẳng mấy mà chơi thân với nhau.

Cái hôm ông Huy bị sập hầm, chính cụ Hồng là người hô hào đơn vị bới đất cứu ra được. Sau sự việc ấy thì ông Huy bị hỏng hẳn một chân không đi được nữa, vì thương binh nên xuất ngũ.

Cụ Hồng hắng giọng, mắt hơi nhắm lại. Cụ bắt đầu kể một bí mật mà hồi ấy cả đơn vị không ai biết cả:

“Cái hồi ấy, lúc ông bới đất lên thì phát hiện không phải Huy kêu cứu, mà chính con mèo nó nói tiếng người. Thế nhưng, thiết nghĩ nó đã biết cứu mạng người ta, chắc không phải thứ theo đường tà đạo, nên mới để Huy nuôi. Có ngờ đâu...”

Cụ Hồng thở dài, trông không còn tinh thần như ban nãy nữa.

“Ngọc và bạc ông sẽ chuẩn bị cho chú, tiền thì thôi, chú trừ con mèo ấy cho bạn ông được yên nghỉ là được.”

“Thế đâu có được? Con cũng được con trai nhà ấy nhờ vả rồi, chuyện nào ra chuyện nấy chứ?”

Điền Quý xua tay, nói.

Cụ Hồng bảo:

“Huy từng cứu ông một mạng, chưa kịp trả ơn cậu ấy đây. Nay ông già rồi đi đứng không tiện nữa, coi như của đi thay người, chú thay ông trả ơn Huy, giữ lại nòi giống cho nhà nó.”

Cụ ăn nói khéo quá, lại thành khẩn, nên rốt cuộc Điền Quý cũng ừ.

oOo

Cụ Hồng hẹn hai ngày sau quay lại lấy đồ, rồi tiễn cả hai ra về. Điền Quý còn ngại hai vợ chồng lão Quang, không muốn về ngay nên rủ rê Hồng Hoa đi ăn kem, tiện nói chuyện con mèo nhà lão Huy luôn.

Hai người chọn một bàn ngoài, vừa hóng gió hồ vừa đợi kem đến. Điền Quý tì vào lan can sắt, lơ đễnh nhìn ra một cái bán đảo giữa hồ. Bấy giờ, mấy cánh cò đầu tiên đã bắt đầu bay về đấy, đậu ngay trên rặng liễu bóng rủ xuống mặt nước.

Anh chàng chỉ cái bán đảo cây cối um tùm, nối vào bờ bằng cái cầu khỉ treo leo, nói:

“Ngày trước ở đấy có một cái đền, nhưng bỏ hoang lâu rồi, giờ chim cò về làm tổ cả.”

Hồng Hoa cứ cúi gằm, mãi không nói câu nào.

Điền Quý nhún vai, xúc thìa kem cho vào miệng, rồi nói:

“Cô chuẩn bị tinh thần trước, hôm ấy cứ ở yên trong văn phòng, hoặc ở nhà bố mẹ. Tôi dẫn con Bát Long Cẩu đi thu phục con mèo tinh.”

“Bắt... bắt buộc phải giết nó sao?”

Rốt cuộc, cô nàng cũng lên tiếng.

Đối với hành giả như Điền Quý mà nói, câu hỏi của Hồng Hoa quả thực có phần ấu trĩ, ngây thơ không hiểu chuyện. Thế nhưng, có lẽ trong mắt cái người chưa đầy nửa tháng trước còn là người bình thường như Hồng Hoa, có lẽ cách hành xử của anh chàng là rất tàn nhẫn. Người bình thường và hành giả, trong rất nhiều vấn đề, không thể nào có cùng một cách nhìn nhận được.

Anh chàng thở dài, nói:

“Con mèo đã thành yêu tinh, là sự tồn tại không còn thuận theo lẽ tự nhiên nữa. Vật gì cũng vậy, thành yêu thành tinh mà không theo chính đạo, dám đi hại người thì phải tiêu diệt. Ấy là nhiệm vụ của hành giả. Cho dù mục tiêu là đồ vật, động vật, hay con người cũng vẫn phải ra tay, không có ngoại lệ.”

“Nhưng... nó đã ở với nhà ông Huy hai mươi năm nay rồi, chẳng nhẽ không có tình cảm gì?”

Hồng Hoa vừa nói, vừa rưng rưng muốn khóc.

Điền Quý nhún vai, nói:

“Còn nhớ lúc tôi nói chuyện với Võ không? Đứa bé mọc lông tơ trên mặt là trẻ sơ sinh. Con mèo tinh đấy nó đã chờ đến đúng cái lúc vợ chồng Võ sinh con mới ra tay, để người ta khó mà nhận ra sự khác thường của thằng bé. Nó có dự mưu từ trước, toan tính rất lâu rồi. Đấy là tình cảm mà cô bảo sao?”

Anh chàng cười dài:

“Có lẽ có những con mèo yêu quý chủ, thích ở bên chủ, bảo vệ cho chủ. Thế nhưng, cũng có cả những con mèo chỉ có hư tình giả ý mà thôi. Cô thực sự nghĩ chúng ta biết chúng nó nghĩ gì, cảm thấy gì sao? Mèo tinh đã có trí tuệ như người. Mà con người với nhau thì, chà, lừa gạt phỉnh phờ nhau còn hiếm à?”