Chương 8: 4. NGHỀ TỰ DO NHẤT?

*4. NGHỀ TỰ DO NHẤT? *

Mark Douglas - một chuyên gia tâm lý hàng đầu trong lãnh vực trading khuyến cáo: “Sự hấp dẫn thực sự của trading là mỗi cá nhân có sự tự do không giới hạn để biểu lộ xúc cảm, một sự tự do đã bị phủ nhận trong phần lớn cuộc đời của hầu hết mọi người. Trong môi trường trading, chúng ta tự tạo ra hầu hết các qui tắc, chỉ có rất ít ràng buộc giới hạn đối với cách thức chúng ta tự thể hiện mình. Mỗi người sẽ chịu các thách thức tâm lý rất riêng biệt bởi vô số khả năng được tạo ra và sự tự do không giới hạn trong việc tận dụng các khả năng đó mà rất ít người được trang bị kỹ năng hoặc nhận thức về chúng và người ta không thể khắc phục một vấn đề khi chính họ còn không nhận biết được nó.”

Như vậy, Mark Douglas đã chỉ ra được sự hấp dẫn thực sự của nghề trading là “sự tự do không giới hạn” và đây cũng chính là mối nguy hiểm lớn nhất của nó. Bạn biết là có nhiều thị trường tài chính giao dịch suốt 24 giờ mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần với rào cản kỹ thuật hầu như không có và mỗi cá nhân bất kể sống ở đâu, trình độ thế nào đều có thể cùng tham gia thị trường. Nếu như đời sống trong xã hội có các luật lệ điều chỉnh, đi lại trong đô thị có luật giao thông, làm việc có qui định giờ giấc, … thì nghề trading khác hoàn toàn. Nó giống như đi đường rừng, bạn thích chọn hướng nào thì cứ đi, thích mua bán gì thì cứ làm với sự hỗ trợ của vô số các phương pháp giao dịch.

Thực tế thì sự tự do này có được như bề nổi thế không? Bạn hãy tham khảo chia sẻ của một trader từng trải nhiều trong nghề:

“Nhiều đêm khi vợ và con ngủ tôi vẫn chong mắt nhìn vào cái mấy cái screen trước mặt. 4, 5 tiếng đồng hồ trong đêm trôi qua nhanh như nữa tiếng. Đến khi hé mành nhìn ra ngoài mới thấy ánh sáng ban mai lấp lé lên. Và cũng không có buồn ngủ nữa. Người tỉnh như sáo, nhưng thần kinh căng thẳng như một sợi dây cung. Cho đến khi close position rồi thì chừng nữa tiếng sau cảm thấy mệt và buồn ngủ. Xong rồi lăn ra ngũ như chết. Bà xã tôi đã nhiều lần hỏi: Nếu còn trẻ lại anh chọn nghề này nữa không? Thật tình tôi không biết trả lời như thế nào. Tôi chỉ biết có nghề này. Bỏ nó ra, tôi như con cá ra khỏi nước. Thậm chí, ngồi chung nói chuyện với người quen. Nếu không nói về financial markets tôi cũng không biết nói cái gì.

(…) Nói thiệt nhé. Nhiều khi nằm mà mong Trời đừng sáng. Nhìn ánh sáng lé loi lên là rầu lắm. Không gì hạnh phúc bằng chiều thứ 6 khi tiếng kẻng của NYSE vang lên chấm dứt một tuần đầy giao động. Hạnh phúc là thế đấy. Người thấy nhẹ nhõm. Bước ra thang máy để đi xuống lòng tự nhủ. Còn hai ngày bình yên cuối tuần. Mừng quá. Nhưng bắt đầu chiều chú nhật là thấy buồn. Ngồi ăn cơm bên gia đình mà mặt cứ lầm lì lo lắng cho ngày mai. 5 chiều giờ Cali là Tokyo mở cửa. Lúc ấy chưa có Internet như bây giờ, phải chạy lên hãng để coi Bloomberg....Phu nhân tưởng mình là điên nặng độ.....Hm...nổi buồn của một trader còn nhiều lắm. Who still wants to be a trader?” - VietCurrency.

Bạn thấy đấy, chúng ta thường nhấn mạnh sự tự do vô cùng của nghề trading, nhưng thực ra đó chỉ là biểu hiện bề ngoài mà thôi! Ngay từ khởi đầu, sự hoàn toàn tự do lựa chọn đã là một sự trói buộc, càng nhiều lựa chọn sẽ càng nhiều khó khăn, phân vân phiền não. Khó khăn nhất là sự dính mắc nội tâm vào thắng thua, thành bại, được mất, v.v... còn trói buộc hơn rất nhiều so với đa số các công việc khác, biểu hiện ở tình trạng mất ăn mất ngủ vì trading, tâm trí luôn bị ám ảnh, làm việc không thể dời mắt khỏi màn hình…

Nói như vậy không có nghĩa những trói buộc trên là do nghề trading gây ra. Nó chỉ là yếu tố tác động bên ngoài thôi (duyên bên ngoài); chủ yếu vẫn là mỗi người chúng ta tự tạo ra để trói buộc mình mà không hay biết (nhân bên trong). Tự do hay không là do thái độ nội tâm của chính bạn đối với công việc chứ không phải bản thân công việc như câu nói nổi tiếng của Thiền sư Viên Minh:

“Tự do là ung dung trong ràng buộc

Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau”