Jiddu Krishnamurti (1895-1986) *là nhà đạo sư dị thường nhất thế kỷ 20, đã tự giải tán tổ chức tôn giáo mà Ngài được chọn làm giáo chủ từ khi còn thơ ấu trong khi tổ chức này đã có tới hơn 5 triệu tín đồ. Ngài là một danh nhân giác ngộ; được Liên Hợp
Quốc tôn vinh; được rất nhiều người với đủ mọi thành phần xã hội ngưỡng mộ – trong đó có Ngài Đạt Lai Lạt Ma & Nhà khoa học danh tiếng - giáo sư tiến sĩ vật lí David Bohm .*
“Chiều hôm qua nó bắt đầu đột ngột, trong căn phòng nhìn ra con phố náo nhiệt; sức mạnh và vẻ đẹp của điều ấy trải rộng từ căn phòng tràn ra luồng giao thông trên phố, băng ngang khu vườn và vượt qua những ngọn đồi. Nó bao la và tinh khôi ngay đó; nó hiện diện ngay đó vào buổi chiều, và vừa khi mình vào giường nó cuồng nộ và mãnh liệt, một niềm hân hoan và đẹp đẽ vô cùng. Không thể quen thuộc được với nó vì nó luôn đổi khác, luôn luôn có điều mới mẻ, một phẩm chất mới, một ý nghĩa tinh tế, một ánh sáng mới, một điều gì đó chưa từng thấy trước kia. Nó không phải là một món đồ để lưu giữ, để nhớ lại hay xem xét khi rảnh rỗi; nó ngay đó và không suy nghĩ nào với đến được để cảm nghiệm hay lưu giữ, vì trí não lặng yên và thời gian không hiện diện. Nó ngay đó và mọi suy nghĩ trở nên câm lặng.
Sinh lực mạnh mẽ của cuộc sống luôn luôn ngay đó, cả đêm và ngày. Nó vô hướng, không va chạm, không lựa chọn và không nỗ lực. Nó ngay đó với sự mãnh liệt đến nỗi suy nghĩ và cảm giác không thể chụp bắt để định hình nó theo sự thêu dệt, kinh nghiệm và đòi hỏi của chúng. Nó ngay đó với sự tràn trề mà không gì có thể làm suy giảm. Nhưng khi chúng ta cố gắng tận dụng nó, định hướng cho nó, chụp bắt nó trong khuôn khổ kinh nghiệm của mình thì chúng ta sẽ cố vặn vẹo nó cho vừa với khuôn mẫu, kinh nghiệm và kiến thức của mình.
Chính tham vọng, tị hiềm, tham lam đã làm suy giảm sinh lực của nó khiến gây ra xung đột và đau buồn; sự tàn nhẫn của tham vọng, dù cá nhân hay tập thể, làm biến dạng sự mãnh liệt của nó, gây ra căm thù, đối kháng, xung đột. Mỗi một hành động tị hiềm đều làm hư hoại năng lực này, gây ra bất mãn, khốn khổ, sợ hãi, và kèm theo nỗi sợ hãi sẽ có cảm giác tội lỗi, lo âu, và nỗi khổ muôn đời do hành động so sánh và bắt chước. Chính cái năng lượng hư hoại này tạo ra các nhà tu, tướng lãnh, chính trị gia và trộm đạo. Cái sinh lực vô hạn đã trở nên bất toàn bởi khao khát được trường tồn và an ổn, là mảnh đất màu mỡ cho các ý tưởng cằn cỗi, sự tranh giành, sự nhẫn tâm và chiến tranh; đó chính là nguyên nhân của sự xung đột muôn đời giữa người và người.
Khi dẹp được các thứ này qua một bên, với sự ung dung chứ không phải bằng nỗ lực, chỉ lúc đó mới có cái sinh lực mạnh mẽ này, cái sinh lực chỉ hiện hữu và nở hoa trong tự do.
Chỉ trong tự do nó mới không gây ra xung đột và buồn đau; chỉ lúc đó nó mới nở ra vô hạn. Nó là sự sống không có bắt đầu và chấm dứt; nó là sự sáng tạo bao hàm cả tình yêu lẫn hoại diệt. Sinh lực bị định hướng một chiều sẽ dẫn đến một thứ: đó là xung đột và đau buồn; sinh lực được dùng để toàn bộ cuộc sống được hiển lộ ra là niềm vui vượt ngoài mọi lượng định.”
* Eckhhart Tolle (1948-đến nay): *Sau khi tốt nghiệp Đại học Luân Đôn, ông trở thành một nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge. Năm hai mươi chín tuổi, một sự chuyển hóa tâm linh sâu sắc đã làm thay đổi hoàn toàn những gì ông từng nghĩ về chính mình và hướng đi của đời ông. Từ đó ông đã dành hết tâm sức để tìm hiểu, vận dụng và đào sâu thêm vào sự chuyển hóa này, đánh dấu một bước khởi đầu cho hành trình kiên trì đi vào nội tâm.
“Mãi cho đến tuổi ba mươi, tôi luôn sống trong tâm trạng hầu như không ngừng lo âu, thỉnh thoảng gặp phải những thời kỳ u uất đến mức chỉ muốn tự sát cho rảnh nợ. Nay nhắc lại tôi tưởng chừng như mình đang nói về quãng đời quá khứ xa lạ nào đó hay về cuộc đời của một ai khác vậy. Một hôm vào năm tôi 29 tuổi, tôi thức giấc lúc nửa đêm với cảm giác cực kỳ kinh hãi. Trước kia tôi thường thức giấc với cảm giác như vậy nhiều lần, nhưng lần này cảm giác ấy mãnh liệt chưa từng có. Sự im lặng của đêm khuya, dáng vẻ lờ mờ của đồ đạc trong căn phòng tối, tiếng xe hơi rì rầm từ xa vọng lại – mọi thứ rất xa lạ, rất thù nghịch, và hoàn toàn vô nghĩa đến nỗi tôi cảm thấy ghê tởm mọi thứ. Nhưng cái làm tôi ghê tởm nhất chính là sự tồn tại của bản thân mình. Tiếp tục sống với gánh nặng khốn khổ này để làm gì? Tại sao tôi cứ phải lao vào cuộc đấu tranh không phút ngơi nghỉ này cơ chứ? Tôi cảm thấy tận đáy lòng mình sự chờ mong bị hủy diệt, để không còn phải tồn tại nữa, giờ đây còn mạnh mẽ hơn cả bản năng muốn tiếp tục sống.
Ý tưởng lặp đi lặp lại mãi trong đầu tôi là: “Tôi không thể sống với mình được nữa”. Rồi tôi chợt nảy ra một ý nghĩ thật kỳ quặc: “Tôi là một hay hai người? Nếu tôi không thể sống với chính mình, vậy thì hẳn phải có đến hai cái tôi: Tôi và cái tôi của mình, là cái tôi không thể chung sống được. Nhưng có lẽ chỉ có một cái là thật thôi”.
Sự nhận biết kỳ lạ này làm tôi sững sờ đến nỗi tâm trí đột nhiên ngừng bặt. Tôi vẫn ý thức trọn vẹn, nhưng không còn suy nghĩ nữa. Rồi tôi thấy mình như bị cuốn hút vào một cơn lốc xoáy trùng trùng năng lượng. Thoạt đầu cơn lốc ấy chuyển động rồi gia tốc dần lên. Tôi cảm thấy cực kỳ khiếp hãi, cơ thể tôi bắt đầu run lên cầm cập. Tôi nghe thấy tiếng nói: “Chống cự vô ích”, như thể phát ra từ bên trong lồng ngực mình. Tôi thấy mình bị hút vào một khoảng không trống rỗng, như thể khoảng trống ấy ở bên trong chứ chẳng phải bên ngoài người tôi. Thình lình không còn nỗi sợ hãi nào nữa, rồi tôi để mình rơi tọt vào khoảng không trống rỗng ấy. Sau đó tôi chẳng còn nhớ gì nữa.
Tôi bị đánh thức dậy bởi tiếng chim hót líu lo bên ngoài cửa sổ. Trước đây tôi chưa bao giờ được nghe một âm điệu du dương đến thế. Cùng lúc ấy, mặc dù mắt vẫn còn nhắm mà tôi lại thấy hình ảnh một viên kim cương quý giá. Phải, nếu viên kim cương có thể phát ra tiếng thì âm điệu phải như thế. Tôi mở mắt. Tia nắng ban mai xuyên qua tấm màn. Chẳng có ý nghĩa nào trong đầu, tôi cảm thấy vô vàn ánh sáng tràn ngập hơn hẳn bình thường. Ánh sáng êm dịu xuyên qua tấm màn kia chính là tình yêu. Nước mắt tôi trào ra. Tôi đứng dậy đi tới đi lui quanh căn phòng. Tôi nhận ra căn phòng quen thuộc, nhưng đồng thời tôi biết rằng mình chưa thực sự thấy như vậy trước kia. Mọi thứ đều tươi tắn, tinh khôi, như thể vừa mới bước vào hiện hữu. Tôi nhặt vài thứ lên, một cây bút chì, một chai nước uống, kinh ngạc trước vẻ mỹ miều và sinh động của chúng.
Ngày hôm đó tôi đi quanh thành phố với cảm giác vô cùng kinh ngạc trước sự diệu kỳ của cuộc sống trên trái đất, như thể tôi vừa mới được sinh ra trên cõi đời này vậy.
Trong những tháng kế tiếp, tôi sống trong trạng thái thanh bình và hạnh phúc sâu sắc, không hề gián đoạn. Sau đó nó giảm thiểu cường độ dần dần, hoặc có vẻ như vậy bởi vì trạng thái đó đã trở thành tự nhiên. Tôi vẫn có thể sinh hoạt trong cuộc sống bình thường, dù tôi nhận ra rằng những gì mình đã từng làm chẳng thêm được gì vào cái tôi vốn đã sẵn có.
Dĩ nhiên, tôi biết điều gì đó có ý nghĩa thật sâu đậm đã xảy ra cho mình, nhưng lúc ấy tôi không hiểu được nó. Mãi vài năm sau đó, nhờ đọc nhiều tác phẩm bàn về tâm linh và tiếp xúc với nhiều vị đạo sư tôi mới biết mọi người đang tìm kiếm các biến cố đã xảy ra cho tôi. Tôi hiểu rằng áp lực thống khổ kinh khủng đêm hôm đó đã buộc ý thức của tôi xóa tan ảo tưởng đồng hóa tâm trí vào Cái Tôi khốn khổ và đầy sợ hãi. Sự giải trừ đó toàn triệt đến nỗi Cái Tôi giả tạo khốn khổ này tức thì sụp đổ, giống như nắp van vọt ra khỏi món đồ chơi căng đầy hơi. Cái còn sót lại khi ấy chính là bản tánh chân thật của tôi, là bản thể hiện tiền vĩnh hằng của tôi: tức là ý thức trong trạng thái thuần khiết trước khi đồng hóa với hình tướng bên ngoài. Về sau tôi cũng học được cách tiến vào lãnh địa phi thời gian và vĩnh cửu nội tại, mà khởi thủy tôi thấy giống như một khoảng không trống rỗng và vẫn hoàn toàn ý thức mọi việc. Tôi lưu trú trong trạng thái hạnh phúc và kỳ diệu không thể tả được, nó còn sung mãn hơn cả kinh nghiệm ban sơ mà tôi vừa kể trên nữa. Có dạo tôi không còn điều kiện mưu sinh nào cả, lại chẳng có quan hệ thân thuộc gì, không việc làm, không nhà cửa, không giấy tờ tùy thân. Tôi trải qua gần hai năm ngồi trên ghế đá công viên trong trạng thái hân hoan mãnh liệt nhất.
Nhưng kinh nghiệm dù có đẹp đẽ thế mấy đi nữa cũng đến rồi đi. Có lẽ điều quan trọng hơn bất cứ kinh nghiệm nào khác là dòng chảy thanh bình chẳng bao giờ rời khỏi tôi kể từ lúc đó. Có lúc nó rất mãnh liệt, hầu như sờ thấy được, và người khác cũng có thể cảm nhận được. Có lúc nó chìm khuất bên dưới, giống như một giai điệu xa xôi.
Sau này, đôi khi có người đến gặp tôi nói rằng: “Tôi muốn có được thứ đã xảy đến cho ông, liệu ông có thể tặng lại cho tôi, hay chỉ bảo cho tôi cách tìm thấy nó không?” Và tôi đáp:
“Bạn vốn đã sẵn có rồi. Bạn không cảm nhận được chỉ vì tâm trí bạn quá huyên náo đó thôi”.