Do vai trò chủ chốt của yếu tố chánh niệm (chú tâm) trong thực hành nên tôi trích lại ở đây một số đoạn để bạn đọc tham khảo thêm:
“Chỉ cần nhận diện thôi, không cần phải làm gì khác. Thực tập chánh niệm bắt đầu bằng sự nhận diện một cách thuần túy tất cả những gì đang xảy ra trong ta và xung quanh ta. Nhận diện mà không cần phê phán. Không cần nghĩ rằng điều đang xảy ra là đáng buồn hay đáng vui. Bông hoa tươi thì biết là bông hoa tươi, bông hoa héo thì biết là bông hoa héo. Tâm đang giận hờn thì biết đây là nỗi giận hờn đang ở trong ta. Không cần phải công phá, không cần phải đè nén. Bí quyết của sự thực tập là ở chỗ này.” - Thiền sư Thích Nhất Hạnh
“Bằng cách cẩn thận không bị lôi kéo vào những cuộc “đối thoại” hay cãi vã với kẻ xâm nhập (tức là các chướng ngại nảy sinh), chúng ta sẽ không cho nó lý do để ở lại lâu; và trong nhiều trường hợp, những chướng ngại ấy sẽ sớm bỏ đi như một vị khách không được chủ nhà tiếp đón niềm nở… Hãy cứ để những kẻ xâm nhập ấy đến rồi đi. Cũng như tất cả mọi tiến trình thân-tâm đang tiếp diễn vô tận, trôi qua trước con mắt quan sát của chúng ta trong pháp hành ghi nhận thuần túy, chúng sanh lên, sau khi sanh lên, chúng lại diệt đi.
(…) Trong cuộc sống có rất nhiều trường hợp chỉ cần một khoảnh khắc suy xét ngắn ngủi cũng đủ để ngăn chặn một bước đi sai lầm, và từ đó tránh được cả một chuỗi dài đau khổ và tội lỗi, khởi đầu chỉ từ một giây phút thiếu suy nghĩ. Nhưng làm thế nào để kiềm chế được những phản ứng vội vàng, hấp tấp và thay thế bằng những khoảnh khắc chánh niệm và suy xét?
Làm được điều đó lại còn phụ thuộc vào khả năng chặn đứng và tạm dừng, hãm phanh lại đúng lúc – và điều này chúng ta có thể học được bằng cách thực hành ghi nhận thuần túy… Tâm quan sát sẽ luôn có mặt, giúp chúng ta tạm dừng và chặn đứng, ngay cả khi bị bất ngờ, khi bị lôi cuốn, cám dỗ hay cáu giận đột ngột.
(…) Nhờ khả năng tịnh chỉ (giữ yên) để ghi nhận thuần túy, hay dừng lại để suy xét một cách trí tuệ, thường là sự lôi cuốn, cám dỗ đầu tiên của tham dục, làn sóng cáu giận đầu tiên, màn sương mê mờ đầu tiên của tâm si sẽ biến mất ngay mà không gây ra rắc rối nghiêm trọng nào. Dòng những tiến trình tâm bất thiện bị chặn đứng lại ở thời điểm nào là phụ thuộc vào mức độ chánh niệm của chúng ta. Nếu chánh niệm sắc bén, nó sẽ chặn được một loạt những suy nghĩ hay hành động bất thiện từ rất sớm, trước khi chúng lôi mình đi quá xa. Phiền não sẽ không lớn mạnh vượt quá mức độ ban đầu, do đó sẽ bớt cần đến nhiều nỗ lực để kiểm soát chúng, nghiệp tạo ra sẽ ít hơn, hoặc là không có.
(…) Sự chú ý liên tục đem đến một bức tranh toàn cảnh đầy đủ hơn về đối tượng trên tất cả các góc độ. Nói chung, ấn tượng đầu tiên chúng ta cảm nhận được từ bất cứ đối tượng giác quan hay một ý tưởng nào đó đều chỉ là đặc điểm nổi bật nhất của nó; chính điểm này thu hút sự chú ý của chúng ta tới khi sức tác động của nó đạt đến đỉnh điểm. Song đối tượng cũng thể hiện những khía cạnh, đặc tính cùng những chức năng khác, ngoài những điều chúng ta cảm nhận được đầu tiên. Những điều này có thể không rõ nét hoặc không thú vị đối với chúng ta; nhưng có thể lại quan trọng hơn. Có rất nhiều trường hợp, ấn tượng đầu tiên của chúng ta hoàn toàn là sai lầm. Chỉ khi chúng ta tiếp tục duy trì sự chú ý xa hơn cảm nhận ban đầu đó thì đối tượng mới tự thể hiện ra đầy đủ hơn. Khi làn sóng nhận thức đầu tiên thoái lui, thì sức mạnh của thành kiến/tư kiến (đánh giá, suy nghĩ chủ quan) cũng giảm dần; và chỉ khi đó, trong giai đoạn kết thúc, đối tượng mới thể hiện được nhiều chi tiết mở rộng, một bức tranh hoàn chỉnh hơn về chính nó. Chính vì vậy, chỉ nhờ sự chú ý liên tục chúng ta mới đạt tới được sự hiểu biết rõ ràng hơn về các thuộc tính của đối tượng.” - Thiền sư Nyanaponika
Sau cùng, chúng ta có thường xuyên là tỉnh thức trong hiện tại không?
Thiền sư Thích Thanh Từ kể lại rằng trong kinh Lăng Nghiêm, Phật đưa tay lên hỏi ngài Anan: “Ông thấy không?”. Ngài Anan thưa: “Dạ thấy.” Phật để tay xuống, hỏi: “Thấy không?” Ngài Anan thưa: “Dạ không thấy.” Ngay đó Phật liền quở: “Ông đã quên mình theo vật!” Tại sao vậy?
Đây là câu chuyên nhỏ mà chúng ta ít quan tâm, chứng tỏ chúng ta cũng từng quên mình theo vật. Phật đưa tay lên, ngài Anan thấy cái tay. Phật để tay xuống, ngài Anan thấy không có cái tay, chớ không phải không thấy. Thế mà Ngài trả lời “không thấy” nên mới bị Phật quở. Đâu phải cái tay mất mà mất cái thấy. Cái thấy là mình, cái tay là cảnh. Không thấy là không thấy cái tay, chứ cái thấy vẫn hiện tiền. Cái thấy hiện tiền mà nói không, đó là quên mình chạy theo vật. Tất cả chúng ta đều quên mình như vậy.
Phật lại dạy ngài La-hầu-la đánh chuông “boong” rồi hỏi ngài Anan: “Ông nghe không?” Ngài Anan trả lời: “Dạ nghe.” Lát sau, tiếng chuông bặt, Phật hỏi: “Nghe không?” Ngài Anan thưa: “Dạ, không nghe”. Phật bảo ngài La-hầu-la đánh chuông một lần nữa và cũng hỏi y như vậy, ngài Anan cũng trả lời y như vậy. Phật quở: “Ông quả là quên mình theo vật!” Như vậy là sao? Trả lời như thế nào mới đúng? Đánh tiếng chuông “boong” hỏi nghe không thì trả lời “Nghe”. Khi tiếng chuông bặt, hỏi nghe không, trả lời “Không nghe”. Như vậy là đồng hóa cái nghe với tiếng chuông làm một. Nhưng tiếng chuông là cảnh, cái nghe là mình. Cảnh hết chứ cái nghe đâu có mất. Tiếng chuông mất mà bảo “không nghe” tức là quên mình, chỉ biết cảnh thôi. Chúng ta tự kiểm xem lâu nay mình mê hay tỉnh. Thực tế là chúng ta đang mê mà không biết mình mê lầm!
Thêm một ví dụ nữa,
Vị thầy tâm linh Eckhart Tolle đề nghị làm thử nghiệm thú vị sau: “Hãy nhắm mắt lại và tự nhủ: “Tôi thắc mắc liệu ý nghĩ kế tiếp của tôi sẽ là gì?” Rồi hãy thật cảnh giác chờ đợi ý nghĩ kế tiếp xuất hiện. Hãy làm giống như chú mèo rình hang chuột vậy. Ý nghĩ nào sẽ ló ra khỏi miệng hang đây? Hãy thử ngay bây giờ đi.”
Kết quả là phải chờ đợi khá lâu ý nghĩ đó mới xuất hiện.
Thật vậy! Bao lâu chúng ta còn ở trong trạng thái hiện trú toàn triệt, bấy lâu chúng ta còn thoát khỏi suy nghĩ mông lung. Chúng ta tĩnh lặng, mà vẫn cảnh giác cao độ. Ngay khi sự chú ý tỉnh thức của chúng ta chìm xuống dưới một mức nhất định thì ý nghĩ liền ùa đến. Sự náo động tâm trí quay lại; tĩnh lặng mất đi. Chúng ta sẽ quay trở lại trong thời gian tâm lý.”
Hàng ngày, nếu chúng ta càng mải mê suy nghĩ vọng tưởng thì mức độ tỉnh thức của chúng ta càng thấp và mức độ phiền não của chúng ta càng tăng. Nào, giờ bạn hãy thử nhìn lại mình một chút xem sao!