Chương 3: Cuộc Đời và Nghề Nghiệp

******CUỘC ĐỜI *******

“Cuộc đời chỉ có độc nhất một thứ: đó là phút giây hiện tại, ngoài cái ấy ra không còn thứ gì khác nữa. Phút giây hiện tại bất tận này chính là không gian trong đó, cuộc đời bạn được phô diễn, nó là yếu tố duy nhất không thay đổi. Toàn thể đời sống đang diễn ra ngay trong phút giây này; không có lúc nào mà đời sống của chúng ta lại không diễn ra trong phút giây hiện tại”. - Eckhart Tolle.

“Một trong những nguyên nhân chính gây xung đột là có một trung tâm, một tự ngã, một bản ngã, là cặn bã của mọi ký ức, của mọi kinh nghiệm, của mọi tri thức. Trung tâm đó luôn luôn cố gắng thích ứng với hiện tại hoặc nuốt chửng hiện tại vào nó – cái hiện tại là ngày hôm nay, là mọi khoảnh khắc gồm có thách đố và đáp ứng của cuộc sống. Nó muôn đời diễn dịch bất cứ gì nó gặp theo ngôn ngữ của những điều đã biết. Những gì đã biết là tất cả nội dung của hàng ngàn ngày hôm qua, và với mớ cặn bã đó, nó cố gắng gặp gỡ hiện tại. Từ đó nó cải tiến hiện tại và trong chính quá trình cải tiến đó nó thay đổi hiện tại, và rồi tạo ra tương lai. Trong quá trình quá khứ diễn dịch hiện tại và tạo ra tương lai, bản ngã, cái tôi, cái trung tâm này bị trói buộc. Đó chính là chúng ta.” – Krishnamurti.

“Nhìn thẳng vào hiện thể cái đang là là chân lý, và tất cả mọi sự khác đều là chạy trốn thoát ly, chứ không phải chân lý, không tự hiểu bản thân thì nhất định rốt ráo rồi cũng đi đến hỗn loạn ảo tưởng. Vì thế, thực tại cái đang là không phải ở tận đằng xa hun hút. Thực tại ở đây, bây giờ, ngay lập tức. Sự vĩnh cửu hoặc sự thiên thu phi thời gian là ngay bây giờ và một kẻ bị vướng kẹt vào lưới thời gian không thể nào hiểu cái bây giờ ấy được.” – Krishnamurti.

“Cuộc đời sinh ra để giác ngộ chứ không phải để thành công. Thành công cao nhất là giác ngộ ra sự thất bại. Thất bại không phải để rút kinh nghiệm cho thành công về sau mà thất bại chính là thành công. Nói cho dễ hiểu thì thất bại của cái ta ảo tưởng chính là thành công của pháp chân như thực tánh. Cuộc đời quả là một quy trình hoàn hảo cho sự giác ngộ nhưng là bất toàn cho cái ngã cầu toàn.” - Viên Minh.

“Buông là thái độ để yên mọi sự mọi vật như nó đang là và chỉ thấy nó như nó đang là thôi chứ không cho là, phải là, sẽ là gì cả. Nếu là thật sự buông thì tánh biết rỗng lặng trong sáng sẽ thấy pháp một cách hoàn hảo, và tánh biết tự nhiên sẽ tự biết lúc nào nên thả lỏng, lúc nào nên dụng công, mà không cần bản ngã xen vào phân vân tính toán.” - Viên Minh.

“Vi vô vi nhi vô bất vi” (Không làm gì mà không gì là không làm). - Lão Tử.

******NGHỀ NGHIỆP*******

Dưới đây là lá thư nghề nghiệp mà tôi đã tham vấn Thiền sư Viên Minh, trụ trì chùa Bửu Long, Q9, TPHCM.

Câu hỏi:

Kính thưa Thầy,

Câu hỏi của con thuộc về nghề nghiệp và mong Thầy dùng tuệ giác soi sáng giúp con.

Nghề của con được gọi nôm na là đầu cơ trong thị trường tài chính (chứng khoán, vàng, ngoại hối) mà tỉ lệ thất bại lên đến 90-95% theo thống kê. Nguyên lý vận hành thị trường này hầu như là tiền chạy từ túi người này sang túi người khác (zero-sum game) và bị thúc đẩy bởi 2 lực chính: lòng tham và nỗi sợ của con người; lằn ranh giữa kinh doanh và cờ bạc hết sức mong manh. Đây cũng chính là lý do mà tỉ lệ thất bại trong nghề này cao như vậy và hậu quả có thể từ nợ nần đến tan vỡ hạnh phúc hoặc thậm chí phải tự sát.

Con đã tham gia thị trường này trong nhiều năm và nhờ thái độ chú tâm vào công việc chứ không theo đuổi làm giàu nhanh chóng nên con vẫn giữ được sự sáng suốt. Điều khác thường của nghề này là khi một người quan sát biến động của giá trên bảng điện tử và mức lãi lỗ thay đổi thì các cảm xúc, ý nghĩ, ham muốn dấy khởi liên tục, mạnh mẽ và khống chế người đó. Mọi kỷ luật, nguyên tắc giao dịch đặt ra đều bị phá vỡ rất dễ dàng.

Sau một thời gian dài vật lộn, con đã hiểu ra là kiến thức, kinh nghiệm, kể cả phương pháp giao dịch tốt nhất cũng không giúp gì được nhiều. Gạn lọc lại, con thấy rằng chỉ còn vài nguyên lý giao dịch và sự tĩnh lặng trong tâm mình là chìa khóa chinh phục thị trường này. Do đó, con đã tìm hiểu về thiền và liên tục quan sát tâm mình, nhận biết mọi cảm xúc, ham muốn phát sinh khi làm việc. Con xem mỗi giờ phút ngồi quan sát thị trường đều là thời gian thiền tập và nhờ vậy, con đã kiếm được lợi nhuận từ nó.

Thật không ngờ cái nghề khắc nghiệt này lại là phương tiện hữu hiệu dẫn con vào con đường tâm linh. Thật tuyệt, Thầy ạ! Con đang thực hành sống với giây phút hiện tại, ở đây và bây giờ. Tuy nhiên, đối với nghề nghiệp thì con vẫn còn băn khoăn về các điểm sau:

1.Lợi nhuận con kiếm được là xuất phát từ mất mát của người khác. Con phải hiểu và xử sự như thế nào về mặt tâm linh, thưa Thầy?

2.Có phải những người đang sát phạt trong thị trường này đang phải học bài học của họ không, thưa Thầy? Có cần phải cố gắng giúp họ thoát ra không? Thực tế là rất khó khăn vì đa số họ đang bị khống chế bởi bản ngã nặng nề.

Con cám ơn Thầy và chúc Thầy luôn mạnh khỏe.

*Trả lời: *

1)Tất cả thế gian pháp đều là Phật pháp nếu như chúng ta biết lấy đó làm bài học giác ngộ. Không ai không từng trải qua cái đúng, cái sai, cái thiện, cái ác mà giác ngộ giải thoát được cả. Khái niệm thiện - ác, đúng - sai chỉ giúp người học đạo thấy ra hai mặt tương đối của cuộc sống và cuối cùng vượt lên cái tương đối ấy mới gọi là giải thoát. Khi nào thấy được - mất, hơn - thua, thành - bại, vinh - hư, vui - khổ... đều chỉ là bài học giác ngộ chứ không phải là mục đích phấn đấu để chọn lựa lấy bỏ thì sẽ không còn là vấn đề nữa. Thực ra thị trường chứng khoán không hẳn hoàn toàn cho người tham lợi, mà vẫn có mặt tích cực của nó, khi biết đầu tư đúng cách và biết sử dụng lợi nhuận cho đúng tốt.

2)Như thầy đã nói trên, cũng giống như trong việc giác ngộ, chỉ khi đầy đủ căn duyên mới khai ngộ được, nếu chưa thì vẫn phải để mọi người học bài học của mình trong đời sống để thật sự thấy ra thế nào là

vô thường, khổ, vô ngã thì sẽ tự giác ngộ sự thật. Cuộc đời tự nó có ý nghĩa là trường học giác ngộ mà mỗi người phải tự mình trải nghiệm, chiêm nghiệm và chứng nghiệm bản chất sự thật. Sự thật có hai mặt chân đế và tục đế (*) mà người giác ngộ phải thấy ra cả hai. Nếu chưa thấy rõ sự tương đối của tục đế thì cũng không thể thấy được sự tuyệt đối của chân đế. Như vậy khi nào thấy đủ nhân duyên cần giúp họ thấy ra sự tham đắm của mình trong lãnh vực này thì cứ giúp để họ tự thấy ra.

*() Chân đế là sự thật trong bản chất tự nhiên của mọi sự mọi vật, hay nói cách khác là sự thật như nó đang là. Tục đế là sự thật do con người chế định hoặc quy ước với nhau về sự vật hay những vấn đề trong cuộc sống, nói cách khác là sự thật mà con người cho là, nghĩ là, hay công nhận với nhau là. *