Chương 28: 1.1 TIẾN TRÌNH TÂM (Tiếp)

*B. Quá trình nhận thức trong trading *

Thực tế là hầu hết chúng ta không thể quan sát trực tiếp được tiến trình tâm sinh diệt diễn biến quá nhanh như trình bày ở trên, trừ các bậc giác ngộ. Ở đây, chúng ta chỉ vận dụng hiểu biết này để lý giải quá trình nhận thức xảy ra trong tâm thức trader, từ đó hiểu về cơ chế mà phiền não được sinh ra.

Trong nghề trading, đối tượng của tâm chỉ tác động qua 3 cửa là mắt (đọc tin tức, quan sát bảng điện, đồ thị…), tai (nghe bàn tán, bình phẩm, khen chê), ý (các hình ảnh, kinh nghiệm giao dịch trong quá khứ…) và tâm nhận biết đối tượng qua cái thấy của mắt, cái nghe của tai và cái biết của ý.

Giả sử bạn chưa có một hiểu biết gì về nghề trading thì khi vô tình nhìn vào bảng điện, xem kết quả giao dịch trên TV, đọc tin tức trên báo chí hoặc nghe người khác nói chuyện (nhãn môn, nhĩ môn hướng tâm) thì bạn chỉ thấy đó là những con số, hình ảnh, tin tức xa lạ nên không chú ý nhiều và thường không có phản ứng gì (tốc hành tâm không khởi lên) vì chưa xảy ra quá trình định danh, định tướng đối tượng theo hệ thống các qui ước, ký hiệu, luật lệ chế định trong thị trường.

Sau này, do một cơ duyên nào đó, bạn bắt đầu làm quen với thị trường tài chính và trang bị các kiến thức chuyên môn, rồi bắt đầu hiểu ra là các tin tức, tín hiệu, biến động giá trên thị trường có thể mang lại nguồn lợi nhuận lớn thì bạn sẽ chú ý, soi xét chúng nhiều hơn. Quá trình tích lũy kiến thức tăng lên theo thời gian và tự động được lưu trữ vào kho chứa vô thức (bhavanga). Kể từ đó, các thông tin liên quan đến thị trường tác động đến tai mắt của bạn sẽ được bạn đem ra so chiếu, đánh giá, kết luận… Kiến thức lưu trữ ở đây mang nặng tính chất chủ quan, lệch lạc do bạn chưa có trải nghiệm và phần nhiều chúng đến từ sách báo, internet.

Tiếp theo, nếu thận trọng thì bạn có thể sẽ tập giao dịch giả lập (demo) để kiểm định lại các kiến thức đã thu thập, vận dụng để phán đoán xu hướng thị trường, học hỏi kinh nghiệm; và rồi những kinh nghiệm này cũng được ghi vào kho chứa vô thức. Chúng trở thành cơ sở để so chiếu khi bạn đối diện thị trường trong lần tiếp theo. Cùng với đó, từ khi có hiểu biết về thị trường, bạn bắt đầu nảy sinh ham muốn, đố kỵ khi nghe thấy người khác khoe khoang làm giàu từ thị trường. Tuy nhiên, phản ứng của tốc hành tâm trong giai đoạn này vẫn chủ yếu dựa vào kiến thức chuyên môn và các trải nghiệm chưa bị bóp méo nên bạn có thể giao dịch demo khá thành công và chưa bị dính mắc nhiều vào phiền não.

Tới đây, có thể bạn cho rằng mình đã đủ kiến thức kinh nghiệm để tham gia thị trường một cách thực sự. Bạn bắt đầu giao dịch với tài khoản thật và có thể gặp khá nhiều thuận lợi vì bạn ra quyết định vẫn dựa trên kiến thức chuyên môn thuần túy và trải nghiệm các giao dịch có lãi với cảm giác chiến thắng tiếp tục được sao lưu vào ký ức (kiểu “cờ bạc đãi tay mới”). Khi ấy, bạn nhìn thị trường toàn “màu hồng” cho đến lúc những thua lỗ nặng đầu tiên được ghi nhận. Bấy giờ, bạn sẽ nhìn lại thị trường bằng con mắt khác, bằng các hình ảnh đã bị bóp méo kèm các cảm xúc vui buồn (nội cảnh) và ý thức sẽ làm việc mất sáng suốt. Điều này cũng giải thích tại sao khi cùng đối diện một con sóng lớn thì một trader lâu năm kinh nghiệm có thể giao dịch không hiệu quả bằng một trader mới vào nghề. Lý do là người trader kinh nghiệm đã có các “vết sẹo” trong tâm thức quá nhiều và bị cảm xúc đối kháng, sợ hãi khống chế nên anh ta phản ứng né tránh theo các hình ảnh quá khứ (tiến trình ý môn đơn thuần) trong khi người trader mới vào nghề chỉ phản ứng dựa trên kiến thức chuyên môn cơ bản. Thường thì các hình ảnh khởi lên tùy duyên tác động và các hình ảnh mới xảy ra có ấn tượng sâu sắc hơn (mang nặng cảm xúc) sẽ là đối tượng ưu tiên cho tốc hành tâm phản ứng nắm giữ hay xua đuổi (tham hay sân) trong khi các kiến thức chuyên môn thuần túy sẽ mờ nhạt, không được ý thức chọn lựa. Bởi vì tâm trí có quán tính suy nghĩ quá nhiều trong cuộc sống hàng ngày của bạn nên các ý nghĩ về thị trường, về giao dịch thắng thua,… có thể khởi lên bất chợt ngay cả khi đang nghỉ ngơi hay làm công việc khác. Khi ý môn thấy các hình ảnh giao dịch tiêu cực thì liền xuất hiện các phản ứng dính mắc, đối kháng đòi giải quyết gây ra căng thẳng lo lắng, thậm chí làm trader mất ăn mất ngủ.

Quá trình đan xen giữa tích lũy kiến thức và kinh nghiệm, trong đó chứa đầy rẫy các hình ảnh đã bị ô nhiểm bởi các phản ứng hỉ nộ ái ố làm cho nội tâm trader trở nên quá rối rắm phức tạp, giống như “bãi chiến trường’ vậy. Nếu tiếp tục thiếu tỉnh thức, trader sẽ vô tình sử dụng chúng làm nguyên liệu để tiếp tục sản xuất ra phiền não cho chính mình và những người xung quanh.