Chương 19: HỌC HỎI VÀ RÈN LUYỆN

*3. HỌC HỎI VÀ RÈN LUYỆN *

Có một câu chuyện kể thế này:

“Hồi xưa có một ông thợ mộc đến cung điện đẽo bánh xe cho Đức Vua. Thấy Đức Vua đang trang nghiêm chăm chú đọc cái gì đó, bèn hỏi:

–Tâu bệ hạ, bệ hạ đang đọc cái gì vậy?

Vua đáp:

–À, trẫm đang đọc kinh điển của Thánh hiền.

Ông thợ mộc cười nói:

–Làm gì có chuyện đó, thưa bệ hạ! Đó chỉ là cặn bã của Thánh nhân mà thôi!

Vua tức giận:

–Này, này! Đừng có láo xược! Sao ngươi dám nói như vậy! Nếu giải thích không trôi thì trẫm chém đầu, rõ chưa?

Ông thợ mộc vẫn bình tĩnh, trình bày với Đức vua:

–Tâu bệ hạ! Thần có đứa con trai. Bởi thần là thợ mộc giỏi nên thần cố truyền nghề cho đứa con trai yêu dấu. Thần bảo nó cầm búa như thế này, cầm đục như thế này, đẽo như thế này, cưa như thế này… sự tinh xảo là ở những góc độ như thế này này…. Thần đã cố gắng cặn kẽ chỉ bày từng li từng tí, từng động tác một, từng bí quyết một. Vậy mà nó vẫn không học được hết những thiện xảo của thần muốn trao truyền. Đấy mới chỉ là cái nghề thợ mộc bình thường, huống chi cái chuyện “Thánh Nhân”. Thánh Nhân là cái gì tâu bệ hạ. Ôi! Cả một đời sống siêu phàm, nhận thức cao việt, trí tuệ minh triết, nghĩa là toàn bộ, tất cả cuộc đời phong phú, sinh động của một vị Thánh – chỉ được ghi trong vài hàng, vài câu ngắn gọn, khô chết của văn tự; đó là chưa kể phần nhiều là hư cấu, mà Đức Vua có thể hiểu được cả con người của vị Thánh sao, thưa Đức Vua?

Thế là nhà Vua phải công nhận kiến giải của ông thợ mộc là đúng.”

(Thực tại hiện tiền, Viên Minh)

Cùng một lẽ đó, chúng ta dễ thấy rằng sự thành công của các thần tượng trading không chỉ là những gì họ ghi chép lại. Mặc dù những dị biệt về tính cách, hoàn cảnh lối sống dẫn đến các phong cách trading khác nhau, họ vẫn phải trải qua một quá trình vật lộn với thị trường, trằn trọc với bản thân, kiên trì điều chỉnh nhận thức và hành vi đến khi chinh phục được nghề trading. Họ là người chỉ đường nhưng bạn đi đường: tự đi, vấp ngã, đứng dậy chiêm nghiệm để tiếp tục đi. Tôi rất thích một câu nói của ai đó, “Chúng ta là sản phẩm của chính mình” - là sự kết quả tổng hợp của quá trình suy nghĩ, hành động, nói năng của mỗi chúng ta từ trước đến giờ. (Đạo Phật gọi là nghiệp). Mời bạn đọc thêm chia sẻ của một trader thực thụ, mô tả vấn đề này trong nghề trading:

“Một điều mà tôi thường khuyên mọi người về các “danh nhân” trong trading. Đó là chúng ta không bao giờ (xin nhấn mạnh câu này) làm được như họ. Cho dù người đó là Buffett, Soros hay là Darvas đi nữa. Mỗi chúng ta có một tư duy đặc biệt về lối nhìn đời, cách thức sinh sống. Từ đó mới tạo ra kiến thức cho mỗi cá nhân. Từ kiến thức đó chúng ta mới xài nó mà kiếm tiền nuôi bản thân. Soros, Buffett hay Darvas là những con người có kiến thức khác chúng ta. Họ làm giàu trong một thời điểm khác chúng ta. Mỗi thời mỗi khác. Bắt chước họ chưa hẳn là một phương cách thành công. Trên đời này bao nhiêu người đã sùng tín Buffett, hành động theo Buffett theo Soros, mua sách của Buffett/Soros về đọc, để rồi trở thành một Buffett thứ 2? Hay chỉ bằng 1/1000 của Buffett/Soros? Câu trả lời một cách khẳng định là: CHƯA. Darvas cũng thế. Không người thứ hai. Thế thì tại sao chúng ta lại cần họ? Trading rất là cá nhân (personal). Tại vì sao? Vì nó xuất phát từ kiến thức mà ra. Từ kiến thức đưa đến lập luận; từ lập luận đưa đến hành động. Hành động sẽ có đúng sai. Kiến thức sẽ giúp ta mài dũi hành động cho đến khi hoàn hảo. Trading là thế đấy. Khi kiến thức chúng ta chưa bằng thần tượng của mình thì làm sao mình có thể bắt chước được họ? Một trong những lỗi lầm của những người mới bước vào trading là kiếm một “bóng cây” để dựa. Nhưng từ từ họ sẽ nhận thức được rằng bóng cây kia chỉ là ảo. Tại sao là ảo? Tại vì mỗi thời điểm của market là khác nhau.” – VietCurrency Trong đạo Phật có nói đến Tam huệ học gồm Văn, Tư, Tu. Văn là học, học rồi suy gẫm nhận xét là Tư. Tu là ứng dụng điều đã học vào cuộc sống. Cùng nguyên lý này, bạn có thể hình dung là đa số người hành nghề trading sẽ trải qua quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi đối với hai mặt sau:

-Về nghiệp vụ: Bạn có thể đọc nhiều sách vở, tìm kiếm các hệ thống giao dịch, tham dự các khóa đào tạo, học hỏi từ bạn bè, diễn đàn... để tìm hiểu thị trường (nếu may mắn, bạn sẽ tiếp cận được kiến thức đúng đắn và kỹ thuật giao dịch phù hợp với bản thân ngay từ đầu). Sau đó, bạn có thể giao dịch giả định (demo), kiểm chứng lại (backtest), sàng lọc các kiến thức thu thập được, ghi nhận các qui luật vận động của thị trường, thay đổi và trau chuốt hệ thống giao dịch để làm tăng độ chính xác của dự báo và để kiểm soát rủi ro vốn tốt hơn. Khả năng quan sát tinh tế và so chiếu nghiêm túc sẽ giúp rút ngắn phần này.

-Về bản thân: Khi bỏ tiền vào tài khoản để giao dịch thực, bạn sẽ đối diện với bản thân mình, tự phát hiện ra sự phi lý trong hành động trading và thừa nhận yếu tố tâm lý đóng vai trò quyết định trong quá trình giao dịch. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể nhanh chóng chuyển sang nghiên cứu yếu tố tâm lý vì sự mơ hồ của nó và sự chối bỏ từ bản thân mỗi người. Trong quá trình va chạm với thị trường, bạn sẽ tự phát hiện và đưa các giải pháp cho các vấn đề của chính mình và điều chỉnh dần dần. Thời gian của giai đoạn này dài hay ngắn phụ thuộc vào cá tính mỗi người và một khi sai lầm càng ít đi cũng là lúc lợi nhuận bắt đầu tăng lên. Giải pháp của Đạo Trading là hãy liên tục quan sát và chiêm nghiệm các diễn biến tâm lý của chính mình trong mọi hoạt động trading để tự điều chỉnh (sẽ được trình bày chi tiết trong phần Hiểu Mình).