Chương 17: NGHIỆP VỤ (Tiếp)

*a. Sự lệnh lạc giữa giá và chỉ số kinh tế. *

*(Đồ thị được trích từ "Sentiment in the Forex Market: Indicators and Strategies To Profit from Crowd Behavior and Market Extremes" by Jamie Saettele) *

Giá cả thị trường biến động không những lệch lạc với các loại tin tức mà còn không có mối tương quan ổn định với các chỉ số kinh tế. Jamie Saettele - cựu Chiến lược gia trưởng của FXCM đã dành nhiều thời gian để so sánh mối quan hệ giữa các chỉ số kinh tế quan trọng của Mỹ (được công bố định kỳ) và chỉ số USD($DXY) kéo dài khoảng 30 năm. Ông đã ghi nhận được kết quả sau:

Bảng lương phi nông nghiệp (NFP): số liệu cho thấy không có quan hệ ổn định nào cả!

GDP: sự tăng trưởng GDP không làm cho đồng tiền mạnh lên. GDP và chỉ số USD biến động ngược chiều nhau cho đến năm 2005.

Cán cân thương mại: chỉ số này ổn đinh và tăng lại sau năm 2005 nhưng USD tiếp tục giảm.

CPI: mối quan hệ với chỉ số USD hầu hết là âm.

Fed fund rate: không có quan hệ ổn định nào cả.

* b. Cơ sở của kỹ thuật MINH SÁT GIÁ là bám sát thực tế giao dịch trên thị trường. *

Vào những năm đầu thế kỷ 19, Richard Demille Wyckoff (1873–1934) đã bỏ công sức nghiên cứu bản chất của thị trường thông qua các cuộc nói chuyện, phỏng vấn, nghiên cứu và làm việc với các traders rất thành công thời đó như Jesse Livermore, E. H. Harriman, James R. Keene, Otto Kahn, J.P. Morgan và đã đúc kết được những kết quả có giá trị, phản ánh được thực tế diễn biến thị trường. Bạn hãy đọc kỹ bài “Phán đoán thị trường dựa theo hành động của chính nó” của R. Wyckoff để hiểu cơ sở của kỹ thuât MINH SÁT GIÁ và cũng lưu ý rằng thời kỳ đó chưa có máy vi tính, đồ thị phải vẽ tay và tốc độ thông tin lan truyền rất chậm.

“Công việc của Wall Street là tài trợ tài chính cho các công ty và bán chứng khoán – cổ phiếu và trái phiếu - do sự tài trợ này tạo ra. Một số chứng khoán thì tốt, một số khác thì không. Những người “sản xuất” và bán chứng khoán cho công chúng là những người hiểu giá trị của chúng nhất. Công chúng hiểu biết khá ít về giá trị của chúng trừ một số chứng khoán đã được cọ xát, tức là những chứng khoán đã lưu hành đủ lâu dài trên thị trường và đã tạo được hình ảnh về mức thu nhập và giá trị nội tại.

Trong mọi trường hợp, ngân hàng tài trợ phát hành và các đại lý phân phối đã thanh toán cho các chứng khoán đó bằng tiền mặt, dịch vụ hay bảo lãnh tiêu thụ chúng. Mục đích của họ là đưa ra thị trường những cổ phiếu hay trái phiếu đó với mức cao nhất có thể được. Quá trình marketing này được thực hiện thông qua các nhà phân phối dưới các hình thức bán riêng lẻ, bán công khai hay nhờ niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Trong trường hợp niêm yết, người ta quảng cáo cổ phiếu bằng cách tạo ra giao dịch sôi động trên bảng điện. Nếu giá tăng dần và khối lượng giao dịch lớn thì chúng sẽ thu hút được người mua và nhờ đó, những người đang kiểm soát cổ phiếu này sẽ thoát ra lượng cổ phiếu họ đang nắm giữ.

Sự tài trợ đôi khi được tiếp tục sau khi đã tạo được thị trường cho cổ phiếu của một công ty. Các ngân hàng hoặc các tổ chức khác giao dịch cho chính họ. Sau khi một cổ phiếu được lưu thông, các nhà tài trợ cố gắng tạo ra một thị trường ổn định và hỗ trợ giá làm sao tốt nhất mà không phải mua lại quá nhiều cổ phiếu. Khi cổ phiếu được phân phối hoàn toàn và thu hút được đủ người quan tâm để tạo thành một thị trường tức là có thể tự vận hành dưới điều kiện bình thường thì các ngân hàng, tổ chức tài chính hay nhà tài trợ ban đầu có thể chấm dứt sự điều phối và chuyển sang một cổ phiếu khác mà hứa hẹn một cơ hội kiếm tiền mới.

Có những đội lái bắt đầu quan tâm đến cổ phiếu đó và điều phối nó. Nói chung, thường có một hoặc vài nhà tài trợ tay to thao túng mỗi cổ phiếu, đôi khi là có nhiều nhóm. Khi các đội lái nhận thấy cơ hội thu lợi nhuận, họ sẽ tích lũy cổ phiếu, đẩy giá khi gặp điều kiện thuận lợi và sau đó xả bán. Hoặc họ có thể bán khống, đè giá và mua lại.

Không ai có thể phủ nhận hiện tượng cá lớn nuốt cá bé ở Wall Street. Các đội lái lớn không thể thao túng thành công nếu không có một đám đông đủ lớn; có nghĩa là nếu chỉ có 10 nhóm lớn quan tâm đến một cổ phiếu nào đó và không có đám đông thì các nhóm này phải xâu xé lẫn nhau và không khó gì nhận ra động thái của mỗi nhóm khác. Nhưng khi có đám đông tham dự thì cuộc chơi của đội lái trở nên dễ dàng hơn.

Kỹ thuật đọc bảng điện và đồ thị giúp bạn nhận diện và thu lợi từ các động thái thao túng giá và đầu cơ nội bộ; giúp phán đoán hướng đi sắp tới của cổ phiếu bằng cách ước lượng mối quan hệ cung cầu của nó. Thỉnh thoảng, bạn có thể thấy được điều đó qua quan sát biến đổi giá nhưng nếu kết hợp được với khối lượng giao dịch thì bạn có thêm một yếu tố quan trọng và rất hữu ích.

Thông qua đánh giá mức cung cầu, bạn có thể xác định xu hướng của toàn bộ thị trường và của các cổ phiếu riêng rẽ; xác định cổ phiếu nào để mua hay bán và quan trọng hơn hết là khi nào mua bán.

Bạn luôn luôn nhắm đến các cơ hội hứa hẹn nhất; có nghĩa là các cổ phiếu có khả năng thay đổi sớm nhất, nhanh nhất và đi xa nhất. Bạn không muốn dính vào những thứ mà không có lý do thuyết phục và bạn muốn tránh những rủi ro không đáng.

Khi nghiên cứu bảng điện hay đồ thị, bạn hãy cố gắng để ý các biểu hiện đẩy và ép giá. Hãy nghiên cứu đồ thị không phải với con mắt so sánh hình dạng các mẫu hình mà từ góc nhìn về hành vi của cổ phiếu; thấy ra động cơ của những người đang kiểm soát nó; và thấy ra mỗi thành công hay thất bại của bên mua bên bán khi họ giành giật nhau để kiểm soát mỗi bước đi của cổ phiếu.

Sự giành giật luôn tiếp diễn. Bảng điện cho thấy chi tiết của tất cả điều này. Đồ thị cho phép bạn chọn ra một phần hay một giai đoạn thị trường để nghiên cứu nó.

Diễn biến trên bảng điện giống như một bộ phim đang chuyển động. Nó cho thấy lượng cung hay cầu chi phối theo từng giây phút trong ngày. Giá khớp thường biểu thị sức mạnh hay sự suy yếu của cung cầu: mạnh lên khi bên mua chiếm ưu thế và yếu đi khi lượng chào bán vượt quá khả năng bên mua. Tất cả các giai đoạn từ thờ ơ đến sôi động, từ mạnh mẽ đến suy yếu, từ đè nén đến bùng vỡ, từ đỉnh xuống đáy của thị trường – đều được ghi nhận trung thực trên bảng điện. Tất cả các biến đổi này, dù nhỏ hay lớn, đều là biểu hiện do cung cầu tạo ra. Bằng cách chuyển các dữ liệu hiện thị trên bảng điện qua đồ thị để nghiên cứu và phán đoán thị trường (bằng cách phân đoạn theo thời gian), bạn có thể diễn dịch động thái của nó khá chính xác.

Giờ đây bạn đang sẵn sàng để học phương pháp này và tốt nhất là bạn hãy chuẩn bị tâm trí cho nó bằng cách bỏ đi hầu hết các thứ mà bạn dựa vào từ trước đến nay để đánh giá và ra quyết định như là mẹo, tin đồn, bài viết trên báo tạp chí, phân tích, báo cáo, cổ tức, thống kê các yếu tố kinh tế và chính trị; và đặc biệt là các lý thuyết trading nửa mùa được giảng giải trong các phòng họp và trong những quyển sách phổ thông về thị trường chứng khoán.

Bạn không cần thiết phải xem xét bất kỳ yếu tố nào kể trên vì sự tác động của tất cả chúng đã được cô đọng lại cho bạn trên bảng điện/đồ thị. Bảng điện đã làm cho bạn điều mà bạn không thể làm nổi là cô đặc tất cả các yếu tố này (tất cả những thứ mà người khác dùng làm cơ sở cho hành động mua bán của họ) thành hiệu ứng kết hợp mọi hành vi mua bán trên thị trường.

Bạn hãy lấy ra từ bảng điện hay đồ thị một vài dữ kiện thực thích hợp cho mục đích của bạn. Các dữ kiện đó là: (1) biến đổi giá, (2) khối lượng, hay là cường lực giao dịch, (3) mối quan hệ giữa biến đổi giá và khối lượng, (4) thời gian cần thiết để hoàn tất khoảng chuyển động của giá.

Nhờ vậy, bạn được trang bị tốt hơn những người được cung cấp tất cả các thông tin tài chính, thống kê, v.v.. từ khắp thế giới.

Do đó, tôi khẳng định rằng:

Bạn không bao giờ cần đọc bất kỳ thứ gì trên trang tài chính của báo chí trừ giá cổ phiếu và khối lượng giao dịch.

Bạn không cần phải chú ý đến tin tức, doanh thu, cổ tức hay báo cáo tài chính của các doanh nghiệp.

Bạn không bao giờ cần phải nghiên cứu tình hình tài chính và kinh doanh.

Bạn không cần hiểu về các thống kê công nghiệp hay vận tải, thị trường tiền tệ, tình hình mùa màng, các báo cáo của ngân hàng, ngoại thương hay tình hình chính trị.

Bạn có thể hoàn toàn bỏ qua hàng ngàn lời mách nước, tin đồn, báo cáo và đặc biệt cái gọi là thông tin nội gián tràn ngập Wall Street.

Bạn có thể bỏ đi tất cả các thứ này một cách hoàn toàn và rốt ráo.

Trừ phi làm như vậy, bạn sẽ không thể nào đạt được kết quả tốt nhất từ công việc của mình trên thị trường.”

Thật thú vị là một bài thơ tình nổi tiếng của nhà thơ người Nga - Sylva Kaputikyan có thể được diễn dịch dưới góc nhìn của một trader theo phương pháp mô tả ở trên. Anh ta chỉ nên nhìn và tin vào “đôi mắt” của thị trường:

Em bảo: anh đi đi - (cạm bẫy)

Sao anh không ở lại

Em bảo: anh đừng đợi - (cạm bẫy) Sao anh vội về ngay?

Lời nói thoảng gió bay - (tin tức, phân tích...)

Đôi mắt huyền đẫm lệ Sao mà anh ngốc thế? Không nhìn vào mắt em - (giá, khối lượng)