Chương 14: Chương 2 HIỂU NGHỀ

**Chương 2

HIỂU NGHỀ **

Có lẽ nhiều người đã từng nghe nói “trading là trò chơi mà tổng số bằng 0” (trading is a zero-sum game) hay là “tiền chạy từ túi người này sang túi người khác” và những người tham gia thị trường tài chính chẳng qua là giành giật tiền của nhau thôi (*). Theo tôi thì hành vi “giành giật” này đúng mà cũng không đúng.

Tất cả mọi sự việc tồn tại đều có lý do của nó cả. Các thị trường được hình thành xuất phát từ nhu cầu huy động và trao đổi vổn, mua bán hàng hóa, hoán đổi tiền tệ trong xã hội và để chúng có thể hoạt động được thì cần phải có tính thanh khoản, tức là phải mua đi bán lại nhanh chóng. Trading hỗ trợ chức năng này và từ đó hình thành những dòng chảy liên tục, cuốn hút người này vào và đẩy bật người khác ra theo những qui luật vận động đặc thù của nó. Như vậy, khách quan mà nói thì bản thân thị trường chỉ vận động như nó được tạo ra và hầu hết mọi người tham gia trading đều có cùng cơ hội tìm kiếm lợi nhuận và chịu trách nhiệm với sự tự do lựa chọn của mình.

Nếu nhìn sâu hơn một chút thì thấy có sự khác biệt. Có những cá nhân, tổ chức tham gia thị trường với ưu thế về kinh nghiệm, tiền bạc, mối quan hệ,… chủ động dùng mánh khóe thủ đoạn tung tin đồn, cung cấp số liệu sai lệch, đẩy giá, đè giá, bẫy giá đủ kiểu nhằm giành giật tiền của người khác. Những đối tượng có quyền lực này là “tiêu cực” nhưng cũng là một thành phần không thể thiếu của thị trường (thường gọi là “đội lái”) khác với phần đông nhà đầu tư tham gia thị trường chỉ dựa vào cung cầu thị trường và thông tin nhận định của mình.

Theo con đường Phật dạy thì chúng ta chỉ nên kiếm sống bởi những nghề nghiệp chân chính không hại mình, hại người (chánh mạng). Tôi có suy nghĩ về nghề trading chỉ là một công việc bình thường không tà không chánh; tùy thuộc vào thái độ của người tham gia mà nó trở thành tà hay chánh. Bạn có thể thấy một bác sĩ trong nghề y cao quý vẫn có thể hành động bất chấp đạo đức nghề nghiệp để thu lợi cá nhân hoặc người ta lợi dụng công tác từ thiện để bỏ túi riêng. Còn trong trading thì các “ma đầu” kiếm sống làm giàu từ nghề này chắc chắn có thái độ không chân chính rồi (cố ý hại người) nhưng nếu chúng ta bị cám dỗ, cuốn trôi trong công việc, tàn phá sức khỏe bản thân, tự gây đau khổ cho chính mình và người thân... thì cũng tự hỏi xem mình có kiếm sống đúng đắn không (tự hại mình)?

Trước khi đi vào phần trình bày nghề nghiệp cụ thể, tôi xin nêu ra 4 điều kiện cơ bản giúp thành công mà Đức Phật gọi là Bốn Điều Như Ý (Iddhipāda) để bạn suy ngẫm trước khi bước vào con đường trading:

1.Có nhu cầu hay nguyện vọng chính đáng (Chand’iddhipāda)

2.Có chuyên cần nỗ lực để thực hiện (Viriy’iddhipāda)

3.Có quyết tâm không thối chí nản lòng (Citt’iddhipāda)

4.Có nhận thức rõ tiến trình thực hiện (Vimams’iddhipāda)

(*) thị trường chứng khoán thì có thể khác nếu bạn đầu tư cổ phiếu để nhận cổ tức.