67.Ngày … tháng … năm….
Lời của anh Trung nói làm tôi xấu hổ, miếng băng trên tay do Bằng dán đã ba ngày nay tôi không chịu thay ra, trông nó bẩn như con nít nghịch đồ hàng. Tôi cười cho đỡ thẹn, rồi cắm cổ ăn cho xong tô hủ tíu với đầy nhóc tôm do anh đã gắp qua cho tôi hết.
“Anh không ăn tôm à?” – Tôi thuận miệng hỏi.
“Không, nó có nhiều canxi nên tốt cho phái nữ hơn. Nữ giới thường dễ bị loãng xương…” – Anh giải thích chân thật, tôi bất thình kêu lên – “Ôi trời, đúng là bác sĩ có khác.”
Lần đầu tiên tôi thấy anh cười tươi đến vậy, một nụ cười trẻ con tóat ra từ gương mặt người đàn ông đĩnh đạc, tuổi đời đã xấp xỉ 30. Tôi thầm nghĩ, nếu định mệnh không xui khiến có sự xuất hiện của Bằng, có lẽ tôi đã nên duyên với anh rồi.
Tôi chỉ có thể “Uh” một tiếng trống không khi An hỏi. Tôi không biết nói gì bây giờ, có phần vì tôi thấy hổ thẹn quá. Ngày nào tôi còn bảo rằng tôi chắc chắn không rời xa nơi này. Thực lòng tôi đã bị Thục cướp mất tình yêu với quê hương rồi. Tôi thậm chí đã không hề suy nghĩ thêm gì, cứ thế mà quyết. Lúc bấy giờ có thể trong tôi chỉ còn nỗi khát khao được ở bên cạnh Thục, bất chấp tất cả.
An đưa tay khẽ khàng đặt lên má tôi, cô ấy ngắm tôi rất lâu. Ngắm, chứ không phải nhìn. Tôi thấy bối rối, tim hơi loạn nhịp. Chưa lần nào An như thế với tôi cả.
“Tớ sẽ nhớ cậu lắm.” – An thì thầm, giọt nước mắt đọng trong khóe mắt lăn dài – “Cậu sẽ sống được ở đó sao, Bằng của tớ?”
Tôi thấy cổ mình nghẹn lại.
Anh Trung đưa tôi về nhà, nhìn tôi vào thang máy rồi mới quay xe ra. Trước khi tạm biệt anh còn khuyên tôi nên thay băng, rửa vết thương để tránh bị hầm, ủ vi khuẩn, nhiễm trùng. Vì thế tôi đành phải tháo miếng băng “tình yêu” mà mình đã cố giữ suốt mấy ngày qua.
Vết thương đã lành miệng, nhưng vẫn để lại sẹo sâu, và vì chỉ mới vài ngày, nên tôi còn thấy đau đau.
“Anh ta đi rồi hử?” – Tấn hỏi vọng ngòai cửa phòng tắm, chỗ tôi đang đứng trước lavabo. Tôi quay ra trả lời nó – “Uh, nhưng sẽ trở lại.”
“Vậy hả? Rồi hai người làm Romeo và Juliet àh? Chị biết chắc ba sẽ không chấp nhận mà.” – Tấn nói giọng thương hại tôi. Tôi giũ tay cho khô nước, lau sơ qua rồi đi ra ngòai, không đáp thêm về câu Tấn đã cảnh cáo. Bởi tôi cũng biết con đường phía trước đầy gian nan, và điều quan trọng, tôi không giống như Juliet, dù rất yêu, tôi cũng không bao giờ có thể làm tổn thương ba mẹ mình.
“Tớ không biết.” - Tôi đáp rồi đứng dậy – “Tớ sẽ thích nghi thôi. Cậu đừng lo… thỉnh thoảng vào thăm tớ nhé.”
An đưa tay quệt nước mắt, mỉm cười rồi đứng lên theo tôi – “Ừh, cậu có tình yêu mà. Tình yêu sẽ giúp cậu quên hết mọi thứ, về Hà Nội, về ban nhạc đường phố, về Bánh tôm Hồ Tây, và…cả tớ nữa.”
Đó là một lời hờn dỗi, tôi biết, nó rõ ràng quá còn gì. Dù cười tươi nhưng đôi mắt An có nét hụt hẫng, buồn man mác, khiến tôi không khỏi chạnh lòng, phải gấp rút rời khỏi đó trước khi cảm thấy hối tiếc mà thay đổi quyết định.
Tôi đã quên không nói với cô ấy điều này – tôi sẽ không quên bất cứ điều gì cả. Đặc biệt là cô ấy.
68.Ngày … tháng … năm….
Tôi trốn không dám gặp mẹ, sợ bà có thể sẽ…giết tôi mất nếu biết tôi vào Nam sống để gần người yêu – một cô nàng Sài Gòn chính gốc. Tôi chỉ đánh một cái điện cho đứa em gái, bảo nó rằng “Anh phải vào Sài Gòn một thời gian. Có việc gì cứ liên lạc bằng di động với anh.”
Tôi hành quân vào Nam cũng như lần trước chỉ với một chiếc ba lô – vài bộ đồ và ít tiền bạc, còn bộ trống tôi cũng để lại cho nhóm, vì họ cần một người chơi trống mới. Khi tôi ra sân bay, hoàn toàn cô độc, súyt chút tôi đã rơi nước mắt. Không ai buồn tiễn tôi. Họ giận tôi, cũng đúng thôi.
Nhìn xuống Hà Nội lần nữa, tôi thấy hình như mình đã đánh đổi quá lớn để có Thục.
Buổi sáng họp xong, chị Tuyết túm áo tôi đưa ột tờ báo, nói – “Nó vì em phải không?”
Trên trang báo chị Tuyết đã mở sẵn, tôi đọc được dòng tiêu đề lớn chính giữa– “Tay trống Gia Bằng rời nhóm Roam Band – cú sốc lớn.”
Tôi không trả lời chị Tuyết được, vì mải chúi mũi vào bài báo. Phóng viên đặt rất nhiều câu hỏi với anh Khoa – “Gia Bằng sẽ solo hay sang nhóm khác?”, rồi, “Anh ấy sẽ đi đâu?”… nhưng anh đều tránh né trả lời trực tiếp.
Một chút hoang mang xâm chiếm tôi. Vậy là anh sẽ vào, hôm nay là ngày thứ năm. Nhưng tôi đã không nghĩ tới việc Bằng phải từ bỏ nhóm, để vào đây cùng tôi. Quá lớn để bắt anh phải hy sinh, tôi có ích kỷ lắm không?
Tin tôi tách ra khỏi nhóm đã tràn ngập trên các báo Thông tin Văn hóa, tội nghiệp anh Khoa luôn là người phải đứng mũi chịu sào. Lúc xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tôi gặp lại cô tiếp viên hôm nọ, người đã cho tôi vào sau khi nghe câu chuyện về ‘25 minutes’.
“Anh còn nhớ Linh không?” – Cô ấy cười thân thiện – “Linh có đọc báo, anh bỏ nhóm để vào đây?”
“Uh..nhớ..” – Tôi ậm ừ, có chút xấu hổ – “Lần ấy anh không trễ phút nào chứ?”. Linh nháy mắt.
Tôi cười gật đầu – “Không, rất kịp thời. Cảm ơn Linh nhé.”
“Không có chi, khi nào đám cưới thì mời Linh nha.”
Thoáng chốc tôi đã không còn nhận ra cô gái khó tính hôm trước, đúng là con gái Sài Gòn, mưa nắng thất thường thật. Họ cởi mở chỉ sau một lần quen biết, cứ như đã thân nhau từ hồi nào rồi ấy.
Tôi thấp thỏm suốt từ sau khi đọc tờ báo, ngồi trước máy vi tính mà con chữ cứ nhảy múa. Tôi vào web tra tất cả các chuyến bay từ Hà Nội vào, nhẩm tính thời gian.. Bằng sẽ đi chuyến lúc mấy giờ?
“Em cứ như cô công chúa đang chờ hòang tử đến đón vậy.” – Chị Tuyết chọc ghẹo, chìa cho tôi miếng thơm có muối ớt. Tôi còn lòng dạ nào mà ăn uống nữa, trời ơi.
Tôi cứ vài phút lại mở điện thoại ra, xem có ai nhắn không, rồi lại bấm số Bằng, nhưng cuối cùng vẫn không gọi. Nỗi bồn chồn mỗi lúc một lớn dần.
Và điện thoại tôi reo.
“Đoán xem tớ đang ở đâu nào?”
69.Ngày … tháng … năm….
Tôi đã gọi điện đến công ty Thục để hỏi địa chỉ, tôi muốn dành cho cô ấy một sự bất ngờ. Tôi đứng ở dưới cổng chính tòa nhà, gọi cho cô ấy. Giọng Thục đứt quãng – “Ở …Sài Gòn à…vào rồi à?”
“Dĩ nhiên. Tớ đã nói là vào.” – Tôi cố kèo cưa – “Nhưng quan trọng là tớ ở đâu giữa Sài Gòn? Kinh độ mấy, vĩ độ bao nhiêu?”
“Kinh độ 301 , Vĩ Độ đường Hòang Diệu, vị trí ngay trước cửa công ty KHÔNGYAKI” – Thục nói rành mạch trong điện thoại, tôi ngạc nhiên và đưa mắt nhìn quanh. Cô ấy ở đâu nhỉ?
“Nhìn lên đi.” – Thục nói nhẹ nhàng. Tôi ngước lên cao và thấy bóng cô ấy ở cửa sổ. Tôi bỏ điện thoại xuống và vẫy cô ấy.
Tôi chạy như bay ra thang máy, nó cứ chỉ số hai hoài. Tôi ở tầng 4, bực quá. Thế là tôi lao xuống thang bộ. Trò này sao giống…trên phim?
Mấy đồng nghiệp đổ xô chen nhau ra cửa sổ để nhìn xuống, tò mò về “chàng trai Hà Nội có giọng dễ thương” như lời đồn của Hằng. Tôi mặc kệ. Chị Tuyết còn ráng chọc thêm một câu – “Coi chừng té lăn quay đấy cô nương!”
Mà tôi cũng tưởng mình té thật, tôi chạy không thua gì phim hành động rượt đuổi. Để rồi, nhìn thấy Bằng ở đó, mái đầu không đội nón, để tóc lòa xòa, giữa cái nắng chói chang của buổi xế trưa Sài Thành, tay nắm quai đeo Ba lô, cười với tôi.
Thục mặc chiếc áo sơ mi màu hồng, tay áo dài vấn lên cao quá khủyu và một chiếc váy đen công sở. Cô ấy cột tóc phía sau, để lộ chiếc cổ thanh tú và đầy quyến rũ. Tôi bước tới…
Không có cái ôm nào đâu. Giữa chỗ công ty mà, Thục sẽ không làm thế, dù tôi muốn ôm cô ấy vô cùng.
“Sao vậy?” – Tôi hỏi khi thấy cô ấy cứ đứng như pho tượng – “Không chào mừng tớ sao?”
“Cảm ơn…” – Cô ấy chỉ nói khẽ và hỏi tôi – “Phải bỏ…nhóm nhạc sao?”
Nhắc tới nhóm nhạc, tôi lại thấy đau nhói, nên tôi bảo cô ấy đừng hỏi về chuyện đó nữa.
Tôi biết cảm giác của Bằng lúc này, và lẽ ra tôi không nên hỏi đến. Tôi bước nhẹ lên, luồng tay qua eo Bằng, và ôm anh. Mặc kệ những ai đang trố mắt nhìn, cười khúc khích, hay xì xầm to nhỏ. Tôi chỉ gục đầu lên vai anh, nói rất rõ – “Em yêu anh”.
Đó cũng là câu đầu tiên tôi thốt ra với một người, trong suốt quãng đời 23 năm của mình. Tôi chưa từng nói như thế với Duy.
Nhưng tôi không hề u mê, tôi biết rõ mình đang làm gì và nói gì. Tôi sẽ không hối hận cho dù sau này Bằng có là con người thế nào đi nữa. Yêu, thế thôi.
Tôi như dạo bước giữa thiên đường.
Thôi rồi, mẹ ơi, An ơi, anh Khoa ơi, Hà Nội ơi… Thằng Bằng của mọi người đã bị bắt cóc từ đây, nó chết ngay khoảnh khắc này rồi, đừng ai mong kéo nó ra khỏi cô ấy. Đời này kiếp này, nó sẽ bám nàng như … ký sinh trùng, bởi nàng yêu nó – tình yêu thực sự.
Tôi bỏ ba lô và ôm chặt cô ấy hơn, để cảm nhận cái tình yêu cháy rực, không chỉ của tôi, mà còn của cả Thục nữa. Những nuối tiếc, do dự suốt hôm qua nay đã tan biến, tôi tin mình đã quyết định đúng.
Vì chúng tôi yêu nhau.
70.Ngày … tháng … năm….
Thế giới của tôi từ sau hôm ấy như một bông hoa hồng đỏ rực rỡ, tỏa hương thơm ngát nhưng cũng không thiếu gai góc. Mẹ tôi và chị Hai không phản đối, nhưng họ cũng không ủng hộ, họ không thích hỏi gì về Bằng – bạn trai tôi. Điều ngạc nhiên là Tấn rất đồng tình với tôi, nó làm tôi hơi ngỡ ngàng. Tôi biết ơn vì điều đó, nó cho tôi cảm giác là ít ra mình không cô đơn.
Về ba, có một chiến tranh lạnh nổ ra giữa hai cha con tôi. Ba không lên chung cư thăm tôi, mỗi khi tôi về ông cũng bỏ vào phòng không thèm ăn cơm. Tôi mang café vào thì ông giả bộ ngủ, chẳng buồn ngó tới mặt tôi nữa.
Nhưng bù lại, tôi có một tình yêu hạnh phúc.
Tôi tìm được việc không mấy khó khăn, vì trước đã từng làm giao gas nên tôi cũng có bằng lái xe, giờ rất hữu ích cho công việc giao… nước khoáng. Tôi không muốn bỏ trống, nên buổi tối tôi đến bar hôm trước đã chơi, vì họ nói đang thiếu một tay trống giỏi. “Giỏi” hay không thì tôi không biết, nhưng tôi đã bảo họ đừng để nhiều người biết tôi là một thành viên của Roam Band.
Tôi vận động một chị nọ ở tầng hai cùng chung cư với Thục cho thuê căn phòng mà chị đã thông báo chỉ cho “SV nữ thuê”. Với tài mồm mép của tôi thì chỉ cần mất nửa ngày, chị ấy cũng phải chấp thuận, dù vẫn cố đặt ra những nội quy khắc khe.
Sao cũng được, ở càng gần nàng càng tốt. Hehe.
Mỗi ngày, Bằng đưa tôi đi làm bằng…xe tải chở nước Lavie. Có thể hơi mắc cười như tôi thấy chuyện đó thật … lãng mạn. Những người cùng công ty cứ hay trêu tôi là “công chúa nước suối” mỗi khi Bằng đưa tôi đến. Họ bảo tôi có anh bạn trai đáng yêu quá, nhưng tôi không mấy vui vẻ vì thường là mấy cô gái khen, kèm theo câu – “Tán khéo ghê.”
Điều đó có nghĩa là anh ta cũng dùng “năng khiếu bẩm sinh” để đùa cùng các cô, làm các cô vui cười. Hừ. Bực thật đấy.
Mà khi tôi bực mình, mặt tôi trông chẳng khác nào Bà La sát.
“Tớ về nhé.” – Tôi vẫy tay chào cô tiếp tân của KHÔNGYAKI, và cô ấy cũng cúi chào vui vẻ, quay sang Thục – “Ngồi trong xe đó vui không chị?”
Thục hơi cười nhưng rõ ràng là nụ cười miễn cưỡng, nhạt thếch, có vẻ không vui. Tôi đỡ lời – “Tìm một anh bạn như tớ thì sẽ biết chứ gì.”
Cô bạn Hằng tiếp tân đánh tôi một phát nhẹ, rồi cười hi hi, nói – “Có một người nào như anh đang available là em không bỏ qua đâu.”
“Đấy!” – Tôi húych Thục, cố để chọc cô ấy cười – “Em thấy anh lúc nào cũng có người chờ giành không?”
Nhưng cô ấy không cười, buông lỏng một câu với cả tôi và Hằng – “Thế thì hai người quen nhau đi.”, rồi đi luôn ra xe, không bước lên.
Bằng đuổi theo đưa tay ôm eo kéo tôi lại, tôi cố gỡ tay anh ta ra.
“Em giận gì thế?” – Bằng vừa nói vừa cười, vẫn chẳng thể nghiêm túc được.
“……Không giận gì hết….”
Tôi nói lẫy, vừa gỡ được tay Bằng ra, tôi đi một mạch ra ngoài tìm xe…ôm. Bằng đứng đó la to – “Không ai dám chở em đâu. Hehe”
Gì? Không có ai dám chở tôi á? Xí!!!!
71.Ngày … tháng … năm….
Chẳng biết anh ta trong thời gian qua đã vận động hành lang thế nào mà toàn bộ các chú, các anh xe ôm gần công ty quen đều cười toe không chịu chở tôi. Ngay cả đồng nghiệp nam cũng từ chối cho quá giang. Có tức không cơ chứ!
Gã bạn trai của tôi cứ đứng cho tay vào túi quần, húyt sáo, làm tôi muốn điên lên. Tôi đi bộ luôn để tìm trạm xe. Chỉ đến khi đó, Bằng mới chạy theo nắm tay tôi lại – “Thôi mà, anh sai. Sorry!”
Có thế chứ.
Thục là vậy, quen cô ấy rồi tôi mới biết Thục rất khó tính, hay dỗi, và lần nào tôi cũng phải “Anh sai, Sorry!” dù không biết mình có tội gì. Trong tình yêu thì nam giới luôn chịu thiệt, biết sao được. Cô người yêu của tôi là tiểu thư mà.
Tiểu thư… tôi nhớ hồi ấy mình đã từng mắng Thức rằng Thục không phải tiểu thư. Cô ấy cũng nói cô ấy không phải. Nhưng giờ thì tôi lại thấy cô ấy giống. Kén ăn, nấu nướng kém ^^, ham ngủ..v…v..
“Em…tiểu thư thật đấy.” – Tôi buột miệng nói khi đang nghĩ tới chuyện này. Thục tròn mắt – “Sao? Em tiểu thư hồi nào?”
Không hiểu sao tôi ghét bị người ta gán cho cái mác tiểu thư, mặc dù đôi lúc, tôi cũng thấy mình tiểu thư quá. Còn nhớ lần đi du lịch với công ty, tôi chẳng tài nào ngủ lều được. Chị Tuyết lúc ấy còn bảo, tôi chắc chỉ toàn ngủ trên long sàn thôi.
“Thì em có biết nấu ăn đâu, chỉ toàn mua trong siêu thị...” – Bằng nói bâng quơ. Thì ra là chuyện bếp núc, hèn gì người ta nói đường đến trái tim người đàn ông là thông qua…bao tử. Tôi bị khích tướng liền vênh mặt – “Ai nói vậy? Tại em không muốn làm thôi…”
Và thế là, Thục bảo tôi chở cô ấy ngang chợ, để cô ấy mua các thứ chuẩn bị một bữa tối, mà theo cô ấy – “tuyệt hơn ở nhà hàng năm sao”. Cái vẻ mặt tự tin của Thục làm tôi buồn cười đến chết được, cứ như Yan Can Cook thì Thục cũng Can Cook vậy.
Tôi đánh vòng cho xe trả về công ty, rồi đi bộ đến chợ để chờ cô ấy. Thục xách hai cái bị to đầy rau củ, tôi vội đỡ hộ - “Món gì thế?”
“Canh soup, món này em khoái nhất.” – Thục cười bí hiểm.
Hôm nay Tấn đi học buổi tối nên nó sẽ về sau 9h, vì vậy tôi mới có can đảm nấu một bữa ăn cho người yêu. Nếu để Tấn biết vụ này, nó mà không trêu chọc tôi suốt thì nó không phải em tôi rồi.
Bằng ngồi ở bàn ăn, khua hai chiếc đũa gõ vào chén thành những âm điệu vui tai, đúng là…tay trống. Tôi cũng vừa hòan tất nồi canh soup nấu xương hầm và hai con cá chiên, sau hơn một tiếng vật lộn với nó.
Tôi mang ra trong niềm háo hức chờ đợi….
Bằng ăn, không có chút cảm giác nào.
Tôi không phủ nhận là Thục nấu cũng không tồi, có thể còn rất ngon nữa vì tôi có thể cảm nhận được mùi hương hấp dẫn của các món ăn. Tuy nhiên tôi không thấy thích, không một cảm giác “ngon” thực sự. Tôi nhớ những món ăn Hà Nội vô cùng.
Tôi thèm ăn canh rau muống dầm sấu chua, tôi thèm cà cuống kho với mắm tôm, tôi thèm bún ốc, chả quế, và thèm…bánh tôm Hồ Tây nữa. Chưa bao giờ tôi thấy nhớ Hà Nội như lúc này, bát cơm và đôi đũa trên tay tôi bỗng nặng chịnh, khô khốc và vô cảm.
Thoáng bắt gặp ánh mắt Thục nhìn tôi, tôi vội nhắp một miếng cá, tặc lưỡi – “Chà, ngon thật.”
Anh ta nói dối. Tôi đọc được một nỗi buồn chán nào đó trong đôi mắt sâu thẳm và đầy ắp tâm trạng của Bằng. Rõ ràng, anh không thích ăn những món này, sao phải cố giả vờ là thấy chúng ngon? Tôi bỗng chốc thấy mình không thể bước vào bên trong Bằng, có một bức tường vô hình nào đó được xây kín đáo, mỗi khi anh như thế.
“Ngon thật sao?” – Tôi chỉ hỏi vờ vịt. Bằng nhoẻn miệng cười đại khái, rồi cố lùa cho hết chén cơm.
Khoảnh khắc đó, tôi nhận ra mối quan hệ giữa hai chúng tôi có một vết răng không khớp.