Hết kì một năm lớp một, trong xóm có gia đình chuyển đi. Đó là nhà Phong.
Mẹ tôi nói, cô Khánh được cơ quan cử đi nước ngoài làm việc, nên gia đình họ có thể sẽ định cư ở bên đấy. Tôi không biết định cư là gì, tự cho rằng, nó giống như khi về quê thăm ông bà ngoại, đi lâu lắm thì qua Tết cũng phải trở lại.
Nghe ông nói thêm, vì Phong thông minh nên chú Dương và cô Khánh muốn cậu ấy được đào tạo trong môi trường chuẩn bên tây. Những buổi đi học cuối cùng của Phong với chúng tôi, con Yến và con Mai buồn so. Phong lần lượt nắm tay từng đứa mỗi lượt đi đi về về. Tôi xòe tay ra thì cậu ấy không chịu nắm, nói rằng đã nắm rồi. Mỗi đứa chỉ có vinh hạnh được nắm tay một lần duy nhất thôi.
Tôi không so đo mấy việc ấy, mặt vẫn hớn hở cười đùa. Cậu ấy đi mấy ngày rồi lại về, còn phải lên lớp hai, lớp ba với chúng tôi nữa chứ, đi làm sao lâu được. Bọn trẻ con hàng xóm kéo tới nhà Phong chơi rầm rầm, tôi vẫn thản nhiên học bài như thể luôn có niềm tin về cậu ấy, giống như cái chun bám lấy cái quần vậy, không bao giờ cha xa, câu này là ông ví von tôi với Phong.
Phong ném bịch kẹo M&M trước vở chép chính tả của tôi.
“Tao sắp đi mà mày không buồn à?”
“Cậu sẽ trở về mà!”
Tôi khẳng định như đinh đóng cột.
“Tao có cho kẹo để mày ăn đâu?!”
“Vậy để làm gì?”
Phong xếp những viên kẹo socola màu mè lên mặt bàn, bảo tôi lấy viên bi của mình ra. Viên bi trong suốt, bé tẹo teo. Cậu ấy đặt nó lên trên những viên kẹo, cách một đoạn, bảo tôi nhòm thẳng từ trên cao xuống.
Tôi thấy sắc màu, không chỉ có màu hồng hay màu vàng, mà có rất nhiều. Rồi cậu ấy đi về, trong khi đó tôi còn rất thích thú với viên bi của mình.
Ông xin mẹ cho cháu gái nghỉ bữa học thêm để tạm biệt gia đình chú Dương, nhưng tôi sợ không theo nổi mấy thứ “What is your name? How are you?...” nên bảo mẹ cho đi học. Cô giáo dạy kèm của tôi dữ lắm, còn bọn trong lớp toàn đứa học khá. Mới lại học hai tiếng rồi về, lúc ấy có chín giờ hơn, còn sớm chán.
Thế mà khi học về, căn nhà bên cạnh đã trống hoang, tôi chỉ nhìn được qua khe cửa vì nó bị đóng kín.
Con Yến và Mai khóc như mưa, mấy thằng con trai hàng xóm tiu nghỉu, lúc ấy tôi mới thấy hụt hẫng biết nhường nào.
Tôi mới biết, cái không bao giờ gặp lại giống như từ giờ đến chết sẽ không còn được thấy Phong nữa.
Vậy mà,
Tôi chưa kịp nói lời tạm biệt Phong.
Cũng chưa giả lại số bi cậu ấy nhờ giữ hộ.
Mai mua tặng Phong một cái kiếm siêu nhân,
Yến viết cho Phong một bức thư,
Còn tôi, chẳng có gì, tôi chỉ nhớ, lần cuối cùng gặp cậu ấy, tôi đã nói:
“Cậu sẽ trở về mà!”
Từ ngày Phong đi, hành lang nhà chúng tôi vắng vẻ hẳn, cả ba đứa ngẩn ngơ ngồi trong nhà suốt, ngắm nhìn bức ảnh gia đình một chồng hai vợ một con. Cứ nghĩ đến chết không được Phong bắt nạt nữa, tôi khóc thét lên. Đêm đông trời đột ngột mưa lớn, như muốn xóa sạch những vết chân chúng tôi từng đi qua.
Sau đó vào cuối năm học lớp hai, gia đình Yến chuyển đi. Mẹ bảo nhà nó có điều kiện đến ở khu đô thị mới, nó theo học trường gần nhà luôn. Đó là trường điểm nên chất lượng học tốt hơn, phù hợp với sức học khá giỏi của nó.
Còn tôi với Mai Mít.
Nó bảo:
“Càng lớn, bọn mình sẽ càng lạnh lùng đó!”
Tôi không hiểu.
So với lúc Phong chuyển đi, chúng tôi không khóc dữ dội như thế. Nhưng tôi vừa viết thư vừa mua quà cho Yến.
Cho tới hết cấp I, thì gia đình Mai Mít cũng dọn đi, bố mẹ nó làm ăn khấm khá hơn trước nên mua được một căn hộ có sổ đỏ hẳn hoi, không còn cảnh ở thuê như nhà tôi nữa.
Ngày nó chuyển đi, tôi khóc nhiều hơn bao giờ hết.
Những người bạn thân thiết cứ lần lượt rời xa tôi mãi. Tôi chỉ sợ đến chết không còn được gặp họ nữa.
Nhưng thi thoảng tôi vẫn gặp Mai Mít đạp xe qua đây, nó nhớ những kỉ niệm của một thời con nít. Điều đó khiến tôi an ủi được phần nào.
Khu nhà cấp bốn giờ chỉ còn vài ba nhà ở, chẳng ai thèm thuê nữa nên cả tầng hai chỉ có mình nhà tôi. Tôi càng ngày càng ngơ hơn trước, nhiều lúc thẫn thờ ôm cột nhà ôn lại kỉ niệm của đứa trẻ mới học lớp một. Đối với tôi đó là quãng thời gian đẹp đẽ và hoàn hảo nhất cuộc đời.
Lúc này tôi đã thích đọc Đô-rê-mon, còn đọc rõ to cho ông bà nghe nữa. Nhưng tôi không còn ngủ chảy dãi…
Lớp sáu của tôi cũng có Phong, nó cũng thích bắt nạt tôi lắm, nó bảo đứa ngờ nghệch như tôi là của hiếm, tỷ người mới có một.
Nhưng nó không phải Phong Anh. Tên của nó đâu có xếp ngay cạnh tên tôi, mà ở mãi tít gần cuối cuốn sổ điểm.
Cũng có cả Mai. Nhưng nó không bao giờ đòi Phong lấy nó làm vợ lẽ.
Những người bạn mới của tôi rất tốt, chỉ có điều họ không thể thay thế vị trí của những kỉ niệm đã khắc sâu vào tâm trí tôi.
Mỗi lần nghĩ về Yến, tôi nhớ nó trong bộ váy hồng ngày sinh nhật.
Nghĩ đến Mai, tôi hình dung hồi nó ba tuổi, khóc dữ dội khi bị Phong ăn mất cây kẹo nó để dành cả tuần.
Tới Phong, tôi nghĩ tới Lâm Phong, tới bài hát “Con chim vành khuyên” ngày nào.
Mỗi người thân thiết của chúng ta, luôn có một hình ảnh đẹp đẽ nào đó chực chờ ùa về mỗi khi nhắc đến họ.