Không bao lâu sau khi Thái tử bị phế, Bát bối lặc vì phạm vào tội kéo bè kết đảng, mưu cầu trữ vị (vị trí Thái tử) mà bị Hoàng thượng bãi miễn tước vị bối lặc, tiếp sau đó, Tam bối lặc trên triêu đường khai ra việc Đại bối lặc yểm bùa nguyền rủa Thái tử tại phủ đệ riêng, khiến Thái tử có những hành vi thất thố, cũng đồng thời khẩn cầu Hoàng thượng phóng thích Thái tử.
Chỉ trong hai tháng ngắn ngủi mà triều đình bão táp mưa sa, tất cả quan viên lớn nhỏ trong kinh thành cùng các thương gia có liên quan đều cảm thấy bất an, ai ai cũng lo sợ bản thân bị tra ra có liên hệ với một đảng phái nào đó. Những lời đồn đại bay khắp kinh thành, bao nhiêu phiên bản cũng nối nhau xuất hiện.
Trong hậu viện của phủ Tứ bối lặc, nữ nhân nào đó được nghe chuyện không biết chán, bày đủ loại hoa quả hạt dưa ra trước mặt rồi yên ổn ngồi nghe kịch, muốn xem trò vui đương nhiên phải có mấy thứ như nước trà hay hạt dưa thì mới đúng vị, vở kịch lần này đúng là diễn biến còn ngoạn mục hơn trăm lần so với phim truyền hình của ba trăm năm sau gộp lại.
Hơn nữa mỗi lần Tiểu Thúy kể xong một chuyện, Thục Lan liền đưa ra bình luận cho khỏi nhàm chán. Ví dụ như chuyện của Đại bối lặc, rõ ràng là bị người giăng bẫy hãm hại. Đại bối lặc nếu muốn yểm bùa hại Thái tử thật thì việc gì phải thực hiện ở ngay trong phủ của mình? Mà nếu hắn có làm ở phủ của mình đi nữa thì lúc Thái tử xảy ra chuyện lẽ nào hắn không biết di dời nhân chứng vật chứng hay tiêu hủy chứng cứ đi?! Lại còn mong chờ người khác vào phủ mình bắt quả tang sao? Theo Thục Lan, Đại bối lặc xui xẻo không biết đã làm chuyện gì tồi tệ rồi bị Khang Hi gia biết được, hơn nữa chuyện này lại vượt quá sức chịu đựng của lão nhân gia người, cho nên ông ta mới để Tam bối lặc ra mặt, hủy cơ hội lên làm Thái tử của Đại bối lặc, khiến cho hắn cả đời cũng không thể ngóc đầu lên được. Nói không chừng cả chuyện phế Thái tử lần này cũng do một tay Khang Hi gia sắp xếp để cảnh cáo mấy vị hoàng tử đang rục rịch, nhắc nhở bọn họ đừng quá kiêu ngạo. Dùng Thập Tam a ca Dận Tường để cảnh cáo Tứ bối lặc, đây chắc là sự trừng phạt nhẹ nhất trong những vị hoàng tử có dã tâm.
Dận Đề bị tước phong vị Trực Quận Vương, Thái tử đã bị phế Dận Nhưng được phóng thích nhưng vẫn ở tạm Đông cung, Thập Tam a ca cũng được giải trừ cấm túc. Sau khi nghe được tin này, Tứ phúc tấn Ô Lạt Na Lạp Thị lập tức cho mở tiệc mừng Thập Tam a ca và phúc tấn, trên danh nghĩa là để an ủi và xả xui cho Thập Tam a ca. Sau khi cơm no rượu say thì Thập Tam phúc tấn Triệu Giai Thị ở lại hàn huyên một vài chuyện phụ nữ với Tứ phúc tấn Ô Lạt Na Lạp Thị, các nam nhân thì rời đến thư phòng bàn công chuyện của bọn họ.
Vừa bước vào thư phòng ở Hinh Thần uyển, các nam nhân đã nhìn thấy một thân ảnh đang tất bật trước giá sách.
“Nàng đang tìm gì vậy?’ Dận Chân hỏi, lần đầu tiên trong đời hắn thấy có người lật sách nhanh như vậy.
“Ta đang tìm điển cố và xuất xứ của câu thành ngữ súng bắn chim đầu đàn(*)”.
Bạn học Thục Lan vẫn không quay lại, tiếp tục chăm chỉ tìm trong sách, còn buột miệng hỏi: “Ngươi có biết quyển sách nào có không?”
(*) Thương đả xuất đầu điểu, đồng nghĩa với câu “Cây to đón gió lớn”.
“Súng bắn chim đầu đàn?” Đới Đại trầm tư, đúng là một câu nói thâm ảo!
“Đúng vậy, loài sáo đen (bát ca điểu) thông minh như vẹt, cũng có thể học nói tiếng người, thế nhưng không được rực rỡ sắc màu như vẹt mà toàn thân đen nhánh một màu, thân mình lại nhỏ nhắn, ngươi không biết à?” Thục Lan quay người lại, vừa ngẩng đầu nhìn lên liền méo mặt, nàng vội vàng để sách trong tay xuống, cung kính vung khăn thi lễ: “Bối lặc gia cát tường, Thập Tam a ca cát tường, Đới tiên sinh cát tường. Vừa rồi thiếp thân thất lễ, thiếp thân không nhận ra các vị, còn tưởng là nha hoàn Tiểu Thúy của mình. Nếu gia và các vị muốn nghị sự thì thiếp thân sẽ không quấy rầy, Thục Lan xin cáo lui”. Lần này trước khi rời khỏi thư phòng Thục Lan cũng không quên rút hai quyển sách trên giá mang đi.
Sau khi Đông Giai Thị Thục Lan đi khỏi, căn phòng bỗng trở nên yên tĩnh, cuối cùng vẫn là Dận Tường mở miệng trước: “Sắp tới Hoàng a mã sẽ bàn chuyện lập trữ (lập Thái tử) trên triều. Nghe nói đám người A Linh A, Vương Hồng Tự() sẽ ủng hộ Bát ca”. Hắn nói tới đây thì ngừng lại, mấy người trong phòng không hẹn mà cùng nghĩ tới lời Đông Giai Thị Thục Lan vừa nói: súng bắn vào đầu Bát ca điểu(*), đây là trùng hợp hay là nhắc nhở?
(*) A Linh A là người tộc Nữu Hỗ Lộc thị, là đại thần dưới triều vua Khang Hi, em trai Ôn Hy Quý phi của vua Khang Hi.
Vương Hồng Tự là một nhà Sử học của triều Thanh.
(**) Có thể hiểu là đưa Bát a ca lên làm “cây cao đón gió”, làm vật hi sinh.
“Lúc này mà ủng hộ Bát a ca thì thời cơ chưa chín”. Đới Đại nhận định. “Bát a ca vừa mới bị bãi bỏ tước vị Bối lặc, Hoàng thượng vẫn chưa nguôi giận, bây giờ nói ra chẳng khác gì thêm dầu vào lửa”.
“Vậy thì phải xem con chim này là dại dột thò đầu ra, bị xách cổ lôi ra hay là bị lừa đi ra…”
Đới Đại nghĩ một chút rồi ôm quyền: “Tứ bối lặc, Đông thứ phúc tấn… còn chỉ điểm gì nữa không?” Hắn hơi ngạc nhiên.
“Phục vị cho Thái tử – một lần không hơn”.
“Ngụ ý phải chăng là…” Đôi mắt Đới Đại mở lớn, sao có thể như vậy?!
“Tùy Dương đế làm đứa con hiếu thảo mười tám năm mới lên được ngôi Hoàng đế”.
Một lúc lâu sau, Đới Đại nặng nề gật đầu một cái, mặc dù hắn vẫn không tin tưởng suy đoán trước nhưng ý kiến phía sau cũng là một kế sách hay: “Thứ phúc tấn nói có lý”.
“Lỗ Thái”.
“Dạ”.
“Đến Đông phủ, nói Ngạc Luận Đại khi thượng triều phải ủng hộ lập Bát a ca”.
“Rõ”.
“Sẽ không ai nghi ngờ việc Đông gia ủng hộ Bát ca chứ?”
“Trên đời không có kẻ địch nào là vĩnh viễn, đặc biệt là tại nơi như triều đình, mọi người đều lợi dụng nhau cả thôi”.
“Vâng”.
“Đây là lời của Đông Giai Thị Thục Lan. Ta vẫn có cảm giác nữ nhân này dường như chuyện gì cũng hiểu, chuyện gì cũng thấu, luôn nhàn nhã đứng ngoài cuộc nhìn chúng ta diễn trò. Lần này cảm giác ấy càng thêm rõ ràng. Mà ta… lại vô cùng ghét cảm giác không nắm được toàn cục trong tay”.
“Tứ ca, những chuyện thứ phúc tấn làm từ trước tới giờ đều không gây tổn hại cho chúng ta. Có phải huynh đã nghĩ quá nhiều rồi không?”
“Ta biết, tính cách của nàng ấy rất lười nhác sợ phiền toái. Thế nhưng cách nhìn, cách giải thích mọi chuyện của nàng ấy… Đông gia không thể dạy dỗ được một nữ nhân như thế”.
“Vậy thì sao? Không phải Tứ ca ưa thích và thưởng thức vị Đông Giai Thị Thục Lan trước mặt này ư? Có lẽ lúc ở Đông gia nàng hiểu che giấu tài hoa của mình là cần thiết, nàng cũng không có tiếng tăm gì trong suốt một năm sống ở phủ Tứ a ca đấy thôi. Có thể thấy nàng ấy cũng là người cẩn thận”.
Dận Chân không trả lời.
Đêm đó, trong lúc phẩm trà sau khi ăn tối, Dận Chân bỗng hỏi Đông Thục Lan: “Nàng nghe câu súng bắn vào đầu Bát ca điểu ở đâu vậy?”
“Tứ gia, không phải là súng bắn vào đầu Bát ca điểu mà là súng bắn chim đầu đàn. Thiếp thân cũng không biết câu này từ đâu tới nên mới phải lật sách tìm mà”. Thục Lan ấp hai tay vào chén trà, ngẩng đầu suy nghĩ một lát, “A, có lẽ phúc tấn biết, sáng sớm mai đi thỉnh an thì tiện thể hỏi người một chút”. Thục Lan quay đầu lại: “Nhưng tại sao gia lại đột nhiên hỏi về câu này?”
“Đột nhiên nghĩ đến câu nói kia là nàng chứ không phải ta”.
“À à. Nhưng mà gia không cảm thấy những lời này rất chuẩn xác sao? Nếu quả thật không tìm được xuất xứ của nó thì rất có thể câu thành ngữ này là lần đầu tiên xuất hiện. Ta đây không phải sẽ là người sáng tác ra sao? Trước kia đâu có súng, chỉ có ném thương(*) thật mạnh mà thôi, mà ‘chim’ ở đây cũng chỉ có thể là gà, vịt, ngỗng hoặc đà điểu linh tinh. Ta không tin có người dùng thương mà lại ném rơi được bồ câu hay chim sẻ bay giữa không trung…” Giọng Thục Lan càng ngày càng nhỏ, càng về sau thì càng giống lầm bầm tự nói.
(*) Một loại vũ khí:
Thấy tiểu nữ nhân nào đó đang ngập dần trong ảo tưởng, Dận Chân bất đắc dĩ lắc đầu, “Nàng lại nghĩ đi đâu thế?”
“Ngày mai ta muốn ăn ngỗng nướng. Nếu không có ngỗng thì vịt nướng, gà nướng cũng được. Chim sẻ với chim bồ câu quá ít thịt, toàn xương là xương, ăn không đã”. Vừa nói, mỗ Lan vừa quay đi: “Tiểu Thúy”.
“Tiểu thư, Tiểu Thúy nhớ kỹ rồi, sáng mai lập tức cho người đi làm”.
“Nàng đúng là, chuyện nọ xọ chuyện kia”.
“Đâu có, không phải vừa nói đến súng bắn chim đầu đàn sao? Chim kia rơi xuống chẳng lẽ lại không ăn? Như vậy sẽ rất lãng phí”.
Thật tức cười, Dận Chân bác bỏ ý nghĩ lúc trước, chắc chắn nữ nhân này nhắc tới súng bắn vào đầu Bát ca điểu hoàn toàn do trùng hợp. Nói không chừng bởi vì nàng bỗng dưng muốn ăn gà, vịt, ngỗng gì đó nên mới nhớ đến câu thành ngữ kia mà thôi.