Ta tên là Trình Thi Ngữ, theo như Thập Tam thúc mắc bệnh Tây Thi gió thổi qua là đổ kể lại, cái tên này xuất phát từ những hi vọng tốt đẹp mà a mã gửi gắm trên người ta. Có chữ “Thi” bởi vì thuở thiếu thời ngạch nương ta không giỏi thi từ ca phú, vậy nên để bù đắp cho khuyết điểm này, tên của ta có một chữ “Thi”; về chữ “Ngữ”, nghe nói khi chưa tạ thế, ông nội từng khen ngạch nương ta là đệ nhất mồm miệng của Đại Thanh quốc, rất giỏi lý luận, không có đối thủ, vậy nên mọi người hi vọng là tài ăn nói của ta cũng có thể tốt như ngạch nương.
Có điều cữu gia gia (người ông bên ngoại) lại lén lút kể cho ta một phiên bản khác, rằng vào lúc chọn tên, người muốn ta có một cái tên nhàn nhạt, người muốn tên ta phải có ý thơ, ngạch nương khi ấy lại tưởng “Thi Ngữ” là “thất ngữ”, nghĩa là á khẩu không biết nói gì. Nói cách khác, ngạch nương sợ hậu sinh khả úy, không muốn ta hơn về khoản ăn nói nên mới chọn cái tên này.
Mặc dù ta tin rằng cữu gia gia không nói dối, có điều, Thập Tam thúc cũng đâu có lí do gì để lừa gạt ta? Nhưng sau khi ngẫm lại, ta thấy ngạch nương của mình đúng là không giống những bà mẹ khác thật. Từ bé đến giờ mẹ đều không bồng bế ta, chỉ thích đùa nghịch ta, chẳng khác gì trêu chọc chó con mèo con!
Ví dụ như khi mẹ “giúp” ta tết một búi tóc cao ngất ngưởng trên đỉnh đầu, sau đó còn lấy gương cho ta soi, để ta biết thế nào là “đầu củ hành*”! Khi đó, ta mới ba tuổi, từ đó về sau, a mã nghiêm cấm không cho ngạch nương chạm vào một sợi tóc trên đầu ta.
(*) Về chuyện hát ru, ta chưa nghe thấy mẹ hát bao giờ, có điều dì Thúy Thúy (Tiểu Thúy) kể, hồi ta còn rất nhỏ, ngạch nương từng thử hát hai câu, nhưng vì giọng hát quá khủng bố, làm cho ta khóc thét nên mẹ quyết định từ bỏ. Vì vậy mà đứa trẻ người gặp người thích, hoa gặp hoa nở như ta mới tránh được một kiếp già trước tuổi, sớm có nếp nhăn vì không ngủ đủ giấc. Cũng vì chuyện lần đó mà a mã phải hỏi riêng cữu gia gia, xem hồi xưa loại người vô trách nhiệm nào phụ trách dạy nhạc lý cho ngạch nương.
[Có cô bé đang ngồi trên một tảng đá ở hoa viên, môi chu ra, hai hàng lông mày nhíu chặt, chăm chú nghĩ ngợi. Phía sau cô bé là một nha hoàn đang cầm ô, che nắng nóng cho tiểu thư nhà mình.] Dận Chân đi ngang qua hoa viên, liếc mắt thấy nữ nhi nhà mình không chút thục nữ ngồi xếp bằng trên tảng đá lớn trầm tư. Tứ gia mày hơi nhíu lại, đi tới trước mặt nữ nhi, ho khan một tiếng. Trình Thi Ngữ cả kinh, vội vàng thả chân xuống đất, đứng lên phủi phủi nếp nhăn trên váy, bày ra bộ dạng thục nữ, “A mã cát tường”. Lại còn thi lễ rất quy củ.
“Đang nghĩ ngợi gì vậy?”
“Hôm nay cữu gia gia kể cho con […] A mã, cuối cùng là ai nói thật?” Đau đầu quá, Trình Thi Ngữ hỏi xong liền có chút hối hận vì thấy mình nói quá nhiều.
Tiểu Thi Ngữ nhìn sang tảng đá nãy giờ mình vẫn ngồi, hai mắt chớp chớp, tay nhỏ bé vươn ra, kéo vạt áo Dận Chân: “A mã mệt mỏi rồi, a mã ngồi xuống đi”.
Dận Chân hất vạt áo sang bên, ngồi lên tảng đá, rồi bế Thi Ngữ lên đùi mình: “Con nghĩ là ai nói thật?”
Thi Ngữ cọ cọ đầu vào ngực Dận Chân, cữu gia gia quá mập mạp, vừa ngồi lên liền thấy như bị lún vào trong; Thập Tam thúc nhìn qua đã thấy yếu ớt, mỗi lần Thi Ngữ ngồi trong lòng đều phải cẩn thận từng li từng tí, sợ ngồi vỡ; người Tam ca lại quá cứng, ngồi lên không khác gì tảng đá; tiểu Thi Ngữ sau cùng vẫn thích ngồi trong lòng a mã nhất, da thịt đàn hồi, ngực lại ấm áp, mềm cứng vừa phải.
Tiểu Thi Ngữ không nhịn được lấy tay gãi đầu, rồi lắc lắc tóc, lúc đưa tay lên nhìn thì phát hiện một sợi tóc rụng bị mắc dưới móng tay. Ô, mới chỉ gãi mấy cái thôi mà! Khuôn mặt nhỏ nhắn của Thi Ngữ nhăn lại thành một đống, sau khi ngẩng đầu nhìn nửa cung tròn không tóc tỏa sáng trên đầu a mã, khuôn mặt của Thi Ngữ càng nhăn nhó kinh khủng hơn: không, ta nhất định không thể để giống a mã, vì dùng não quá độ mà tóc rụng sạch sẽ! Nhưng tại sao a mã cứ hết lần này đến lần khác bắt người ta phải tự động não? Chẳng lẽ tại a mã ít tóc nên cũng muốn người khác phải xấu như mình? Nhưng ngạch nương nói, a mã là nam nhân, nam nhân ít tóc như vậy không bị coi là xấu, thậm chí còn tiết kiệm được nến thắp mỗi ngày, bởi vì trán có tác dụng phản quang, ngược lại nếu bé gái không có tóc thì sẽ không ai thèm lấy, còn không được ăn thịt. Tiểu Thi Ngữ bị làn khói u tối bao vây triệt để.
Đúng lúc này, tiểu gia hỏa bỗng thoáng thấy dì Thúy Thúy bê một hộp gỗ quen thuộc đi ở đằng xa, chắc chắn là để giấu kem! “Phốc” một tiếng, đã thấy Thi Ngữ trượt khỏi người a mã mình, bao nhiêu nghi vấn, quấn quýt hay lễ nghĩa đều không còn quan trọng. Cô bé vén tà váy, vắt chân lên cổ mà chạy. Lần trước với lần trước nữa, chỉ vì tới trễ mà bị ngạch nương vô tâm ăn hết sạch kem, thậm chí còn hùng hồn tuyên bố “ai đến trước là của người đó”, nếu nhìn thấy thứ gì mình muốn thì tuyệt đối không được do dự, phải ra tay thần tốc. Vậy nên Thi Ngữ khắc sâu mấy chữ sau: lễ nghĩa không thể làm cơm ăn. Vì chuyện này mà cữu gia gia từng giận đến bay cả ria mép, mắng ngạch nương dạy hư trẻ con, ngạch nương lại bảo đây là một trong các bí kíp sinh tồn. Có điều mấy chuyện đó không quan trọng, bây giờ vấn đề lớn nhất là ăn-được-kem!
Đông Thục Lan thấy con gái mình vọt vào cửa, hai má đỏ ửng, thở không ra hơi, thế nhưng một chút phản ứng cũng không có, vẫn tiếp tục vùi đầu vào bát ăn.
Nhìn thấy trên mặt bàn tròn lớn không có thứ gì, khóe mắt Trình Thi Ngữ ươn ướt: chẳng lẽ lại chậm mất rồi? Nhưng mà, nhất định không được khóc, ngạch nương bảo khóc là một trong nhiều cách để giải tỏa tâm tình, nhưng nó lại là một cách rất vớ vẩn, bởi vì nó chỉ khiến cho người yêu mình, thương mình cùng đau lòng, khổ sở mà thôi, nói chung là người thân khổ mà kẻ thù lại vui. Thi Ngữ nghe xong không hiểu là ý gì, chỉ biết đại khái là nước mắt của mình không có tác dụng gì trước ngạch nương. Có điều, Thi Ngữ nhớ rất rõ, sau khi nghe ngạch nương nói xong những lời này, vẻ mặt a mã trở nên rất quái dị, thật là khó hiểu. Vậy nên, tiểu Thi Ngữ liền thuật lại những lời của ngạch nương cho cữu gia gia nghe, nghe xong mặt cữu gia gia cũng giật giật, thật sự rất thần kì; Thi Ngữ tiếp tục thí nghiệm, chạy đến viện của Thập Tam thúc kể lại chuyện “khóc luận” một lần nữa, Thập Tam thúc há miệng nhưng nói không ra tiếng nào, cuối cùng vẫn là Thập Tam tẩu lắc đầu cười cười: “Đã sớm biết Tứ tẩu không phải là người bình thường, không cần lấy làm lạ”.
Cuối cùng tiểu Thi Ngữ tò mò cũng tìm được người tình nguyện giải quyết nghi hoặc trong lòng mình nên hỏi vội: “Mấy lời này có gì kì quái ạ? Tại sao vẻ mặt của mọi người lại lạ như vậy?”
“Một khóc, hai nháo, ba thắt cổ là mấy thủ đoạn các cô nương hay dùng nhất, nhưng đúng như những lời ngạch nương của con nói, nếu đã không ai để ý thì làm những chuyện đó cho ai nhìn? Chỉ uổng công lại khiến cho người ta thêm chán ghét mà thôi”.
Mặc dù chưa hiểu hết nhưng tiểu Thi Ngữ vẫn cố thuộc nằm lòng những lời này, xem ra ngạch nương nói gì đều rất có lí. Nước mắt của tiểu Thi Ngữ dù không dùng được với ngạch nương, nhưng với những người khác thì vẫn có tác dụng. Quả nhiên, Tiểu Thúy vừa nhìn thấy bộ dạng “muốn khóc nhưng nhẫn nhịn” đáng thương của Thi Ngữ, liền nhũn đến tận xương, vội vã lấy bát kem từ trong hộp gỗ trên bàn trà đặt xuống trước mặt tiểu thư nhỏ nhà mình. Nước mắt rút đi, cái đầu nhỏ của tiểu Thi Ngữ lập tức chôn vào bát kem.
Sau khi thấy đáy, lại dùng lưỡi liếm qua bát một lượt, Trình Thi Ngữ lúc này mới hết hi vọng ngẩng đầu lên, gọi: “Ngạch nương”.
“Gì?”
“Thập Tam thúc nói tên con có chữ ‘Thi’ vì thi từ ca phú của ngạch nương quá kém, mong con sau này không giống ngạch nương; cữu gia gia lại nói con có tên này vì nó đọc giống ‘thất ngữ’, nghĩa là á khẩu không nói gì, ngạch nương vì sợ con ăn nói giỏi hơn, hậu sinh khả úy nên mới đặt vậy”.
“Vậy nên?”
“Vậy nên, ngạch nương à, ai mới là người nói thật?” Tiểu Thi Ngữ nằm úp sấp trên mặt bàn, chớp chớp đôi mắt to vô tội.
Thục Lan còn chẳng buồn liếc mắt một cái, “Đây mà coi là vấn đề sao?”
“… ?” Miệng nhỏ há rồi lại ngậm, không biết nên nói gì.
“Bất luận là một người nói thật, hay cả hai nói thật, hay cả hai nói dối thì chuyện tên con là Trình Thi Ngữ không thể nào thay đổi được. Vậy nên đây không thể coi là một vấn đề, nó đã là sự thật. Mà truy cứu những việc đã không thể thay đổi được là một chuyện hết sức vô nghĩa. So với việc lãng phí thời gian ở những chuyện vô nghĩa, chi bằng trước tiên xét xem chuyện đó có đáng để mình hao tâm tổn trí, vò đầu bứt tai, nhưng lại không thu hoạch được gì hay không”.
Không đáng. Chưa cần tới một giây để đưa ra quyết định.
Dận Chân đứng nghe ngoài cửa phòng khẽ nhếch miệng, xem ra để tiểu Thi Ngữ trò giỏi hơn thầy như Long Khoa Đa hi vọng thì đường còn xa lắm.