Chương 560: Chặt đầu thị uy

Ai cũng hiểu đây là vở kịch do hoàng đế và Đường Kính Chi hợp nhau diễn thôi, nhiều người nghĩ, cứ cho y nói xong rồi lấy lý do ngăn cản là được.

- Tuân chỉ.

Đường Kính Chi giọng vang vang:

- Vi thần xin tiến cử những vị lương tướng kiêu dũng thiện chiến sau. Thứ nhất Quan tướng quân của tây doanh, thứ ai giáo uy Vũ Nguyên Lãng của tây doanh, thứ ba giáo úy Tề Vệ Quốc của tây doanh ... Thứ mười tám tướng quân Hà An của đông doanh ... Thứ ba mươi giáo úy Trình Hưng Quốc của đông doanh.

Đường Kính Chi đọc liền ba mươi cái tên và chức vị, toàn bộ là những người được hoàng đế phái nổi xưởng điều tra, đã ngả theo thế lực của các vị hoàng tử.

Nghe Đường Kính Chi khởi tấu, bốn xung quanh lặng ngắt như tờ, các vị hoàng tử nhìn y với vẻ mặt không sao tin nổi.

Tên này điên rồi sao? Không ngờ đem toàn bộ thuộc hạ của bọn chúng lập thành danh sách dài đọc ra, chẳng lẽ y không sợ bọn ta liên quân, hợp lực lật đổ hoàng đế?

Không chỉ các vị hoàng tử, mà các quan viên cũng há hốc mồm! Một số thậm chí còn hoài nghi, tên Đường Kính Chi này chẳng lẽ là người vị hoàng tử nào đó gài vào bên cạnh hoàng đế.

Nếu không sao y lại dám làm chuyện ép các vị hoàng tử liên hợp lại với nhau như thế.

Xét binh lực ở kinh thành hiện nay mà nói, hoàng đế nắm bắc đại doanh, năm nghìn cầm quân bảo vệ hoàng cung, ba nghìn quân sĩ thủ thành, cùng gần vạn xưởng vệ, đúng là mạnh hơn bất kỳ hoàng tử nào, nhưng nếu các vị hoàng tử liên quân, hoàng đế sẽ ở vào thế yếu tuyệt đối.

Trình các lão vốn luôn cho rằng Đường Kính Chi ở bên hoàng đế hiến kế hiến mưu, nịnh bợ lấy lòng, còn được phong tước, ắt phải là tâm phúc của hoàng đế, song lúc này nhìn thế nào cũng giống gian tế của kẻ khác.

Ông ta định lên tiếng phản đối thì hoàng đế tuyên bố:

- Đường ái khanh quả nhiên không phụ sự kỳ vọng của trẫm, nghiên cứu tướng lĩnh trong kinh thật tỉ mỉ. Nếu như bách quan trong triều ai cũng biết lo cho giang sơn xã tắc như khanh, vương triều ta còn sợ gì không hưng thịnh, chuẩn tấu!

Cả đám hoàng tử biến sắc, còn bách quan trong triều bùng nổ, chuẩn rồi, hoàng tử nghĩ gì mà chuẩn tấu rồi!

- Hoàng thượng thánh minh.

Đường Kính Chi nói một câu làm làm ba vị đại học sĩ muốn nhảy tới bóp cổ y. Một vị quan viên tứ phẩm hùng hổ bước ra nói:

- Hoàng thượng, vi thần thấy Trung Nghĩa bá không hiểu chuyện gì hết, những tướng lĩnh đó quả thực có tài có uy, nhưng nếu phái hết họ đi thì lấy ai bảo vệ kinh thành? Từ khi thái tổ lập quốc tới nay, dù là nguy cơ cực lớn trăm năm trước cũng không có chuyện điều tới ba đại doanh đi dẹp loạn, vả lại thái tổ sở dĩ lập bốn đại doanh là để kiềm chế lẫn nhau, tránh cho có kẻ mang lòng dạ bất chính tạo phản, nên thần kiên quyết phản đối.

Quan viên đó vừa dứt lời, hoàng đế trẻ có chuẩn bị trước, không cho ai kịp lên tiếng đã quát:

- To gan, ngươi dám nói những lời chia rẽ lý gián, nói mau, có phải ngươi là tai mắt do Phúc Thọ vương gài vào triều đình không?

- Không, vi thần không ...

Quan viên đó ấp a áp úng chưa nói hết lời đã bị hoàng đế trẻ cắt ngang:

- Dù ngươi không phải, nhưng lúc trẫm muốn điều binh dẹp loạn, ngươi lại lên tiếng vu khống tướng lĩnh trong quân, ly gián quân thần nghi kỵ lẫn nhau, tội không thể dung thứ. Người đâu, lôi ra ngọ môn chém đầu thị chúng.

- Vạn vạn lần không thể.

Trình các lão thấy vậy quỳ xuống ngăn cản, song hoàng đế đã sớm có chuẩn bị, không đợi ông ta nói đỡ, năm cấm quân hộ vệ cao lớn xông tới như hổ lang, nắm cánh tay quan viên đó kéo ra ngoài.

- Hoàng thượng, thần không có ý ly gián các vị tướng lĩnh ... Thần chỉ vì muốn bảo vệ an toàn của hoàng thượng ..

Quan viên đó không ngừng la hét vùng vẫy, nhưng hoàng đế trẻ không thèm nhìn xoay lưng lại phía bách quan, tỏ ý không nghe ai can gián.

Chốc lát sau có một quân sĩ dùng khay mang đầu quan viên kia vào.

Thuận vương nhìn quan viên đó một cái rồi khép mắt lại, thầm nói trong lòng, đi thanh thản, bản vương nhất định không bạc đãi người nhà của ngươi.

Quan viên đi theo Thuận vương bị chém đầu, khiến đám hoàng tử biến sắc!

Hiện giờ trong kinh, trừ hoàng đế ra thì thế lực của Thuận vương là lớn nhất, nếu như liên quân phát động binh biến, cuối cùng cũng chỉ có Thuận vương là được lợi, mấy vị hoàng tử nuôi tham vọng vương quyền làm sao cam tâm.

Nhị hoàng tử Minh Dị là con thứ, song luận thứ tự lớn nhỏ, nếu hoàng đế bị lật đổ, hắn lên ngôi báu là điều thuận theo lý, cho nên hắn tất nhiên không chịu dâng hoàng vị lên cho lão Thất, nếu như liều mạng binh biến rốt cuộc chỉ làm vị vương gia thì thà tới đất phong cho xong.

Thế là Nhị hoàng tử ra hiệu, lại có quan viên đi ra ngăn cản.

Hoàng đế muốn ép đám đệ đệ cùng ra tay để quét sạch một mẻ, cho nên quan viên nào ra can, hắn bới móc câu chữ, chụp cho cãi mũ rối loạn lòng quân, xúi bẩy lý gián, sai người chặt đầu nốt.

Chết liền hai người, các vị hoàng tử mặt cực kỳ khó coi, chỉ có Thuận vương là vẫn đứng im, mắt khép hờ như không có chuyện gì xảy ra.

- Hoàng thượng, thần thấy Trung Nghĩa bá tấu lên rất hợp lý, Phúc Thọ vương ở Hải Châu lâu năm, lại sinh được đám con văn võ song toàn, nếu không phái đi những vị tướng kiêu dũng thiện chiến nhất, khó mà dẹp được loạn sớm.

Chu Du thấy bách quan bị hai cái đầu đầm đía máu chấn nhiếp không còn dám nói gì nữa thì lên tiếng:

Người Chu gia đều nghe Chu Du, cho nên mười mấy người hưởng ứng tức thì.

Hoàng đế trẻ hít sâu một hơi lệnh:

- Hạ chỉ cho các tướng lĩnh được Trung Nghĩa bá nhắc tới chỉnh đốn quân sĩ, sáng sớm mai nhổ trại lên đường dẹp loạn.

- Hoàng thượng thánh minh.

Đường Kính Chi và hơn mười quan viên đồng thanh.

Nơi này có gần trăm viên quan, nên những lời hưởng ứng nghe lưa thưa, không có mấy khí thế.

Ba vị nội các đại học sĩ lòng như lửa đốt, song hoàng đế đã quyết, không nghe bọn họ, nên ngoài lo lắng bọn họ chẳng làm được gì, những quan viên phe bảo hoàng cũng tâm trạng tương tự.

Thánh chỉ được ban, mọi người lại đi khóc tang cho hoàng thái hậu rồi giải tán.

Quan viên túm năm tụm ba vừa rời đi vừa bàn tán, Tam hoàng tử Minh Huyên và Ngũ hoàng tử Minh Chiêm đột nhiên tới trước hoàng đế khom mình thi lễ.

Minh Huyên béo mập, mặt đầy sợ hãi, dáng vẻ biết rõ đại sự sắp xảy ra, muốn ra sức che dấu nhưng không che dấu được, nơm nớp lo sợ nói:

- Hoàng thượng, thần đệ từ sau khi được phong là Hà Nội vương lúc nào cũng muốn sớm ngày tới đất phong của mình, giáo hóa bách tính. Hiện giờ thái hoàng thái hậu đã cưỡi hạc về trời, nghi thức đã đủ, xin hoàng thượng cho thần đệ về đất phong.

- Hoàng thượng, thần cũng muốn lập tức được lên đường tới đất phong.

Ngũ hoàng tử mặt gầy ốm xanh xao, đứng một lúc mà người lúc nào cũng như chực ngã tới nơi.

- Nhưng mai hạ táng thái hoàng thái hậu rồi.

Hoàng đế trẻ muốn đám đệ đệ đi sớm tên nào hay tên đó, nhưng không thể gật đầu thống khoái như thế.

- Bẩm thoàng thượng, thần đệ từ sau khi phong vương, vì thái hoàng thái hậu ốm bệnh mà ở lại kinh quá lâu rồi, chuyện này trái với tổ chế. Đi vào lúc này, tin rằng về sau xuống dưới hoàng tuyền, thái hoàng thái hậu cũng không trách thần đệ thiếu hiếu thảo.

Tam hoàng tử khẩn nài:

Ngũ hoàng tử phải vịn vào Tam hoàng tử mới đứng vững, gật đầu phụ họa liên hồi.

Hoàng đế trẻ khuyên vài câu, thấy ý hai người này đã quyết mới đồng ý.

Tam hoàng tử ở kinh không có thế lực gì, nhưng đứng sau lưng Ngũ hoàng tử là Chu gia, đợi hắn rời kinh, hoàng đế trẻ không lo đám Chu Du gây ra sóng gió gì nữa.

Mấy ngày qua Chu Du đứng đầu Chu gia luôn đứng về phía hoàng đế, cho nên hắn yên tâm về mấy người này.