Poirot ngừng tại cửa ra vào của Wedderburn Gallery để ngắm một bức tranh trình bày ba con bò có màu sắc sặc sỡ, với thân hình dài quá khổ và trên mình chúng là bóng dáng các cái cối xay gió to đùng và rắc rối. Tất cả như được sắp xếp lại một cách ngẫu hứng.
- Đáng chú ý, phải không ông? Một giọng nó ngọt như mật thốt lên.
Một người đàn ông, giữa hai lứa tuổi, đứng cạnh ông, phô ra hàm răng thật trắng.
- Nét vẽ tươi mát làm sao...
Hai bàn tay mũm mĩm của người đàn ông huơ trong không khí như để vẽ lên những đường lượn.
- A?
Poirot bị kéo tới sau những tấm màn dài màu xám, trong một căn phòng có những bức tường đầy tranh hiện đại. Ông dè dặt phát biểu một vài nhận xét, được người hướng dẫn khuyến khích khéo léo.
- Những ý nghĩ của ông thật là đáng chú ý. Chúng chứng tỏ là ông có những nhận xét rất tinh tế. Thiên hạ thường ưa những gì gây ngay ấn tượng, như cái này... chẳng hạn.
Ông ta quay về phía một bức vẽ màu xanh dương và xanh lá cây chỉ vẽ có một góc.
- Ông đã nhận thấy, không nghi ngờ gì nữa, chất lượng của tác phẩm? Tôi dám nói rằng - Đây chỉ là ý kiến cá nhân mà thôi - Đó là một kiệt tác của Raphael.
Poirot cùng ông ta đứng một lúc ngắm một viên kim cương màu da cam nằm chếch với cặp mắt con người và treo trên một thứ có thể là một mạng nhện.
Sau khi đã nhận thấy một điểm chung trong khiếu thưởng thức nghệ thuật giữa hai người, không một ai tìm cách rút ngắn đi cuộc nói chuyện. Poirot lợi dụng tình hình:
- Tôi nghĩ rằng có một cô là Frances Cary đã làm việc ở đây cho ông?
- À, cô Frances. Một cô gái thông minh, rất nghệ sĩ và nhiều năng lực. Cô ấy vừa từ Bồ Đào Nha trở về sau khi đã tổ chức ở đó một cuộc triển lãm cho chúng tôi. Một thành công lớn.
- Người ta nói với tôi rằng cô ấy có nhiều giúp đỡ cho những tài năng mới?
- Quả vậy, Frances quan tâm nhiều tới những người đang tìm tòi, đang làm việc. Mùa xuân năm ngoái, cô ấy có đề nghị tôi tổ chức một cuộc triển lãm nhỏ cho một nhóm nghệ sĩ chưa có tên tuổi. Một sự thành công nhỏ. Báo chí có đề cập tới, không ồn ào, tất nhiên rồi. Phải, Frances có những người được cô ấy nâng đỡ.
- Cái anh David gì đó... Tôi đã quên mất tên rồi. Dường như cô Frances đã có một sự đánh giá về anh ta?
- Ông có nghĩ rằng đó là Peter Cardiff không? Hắn là người đang được cô Frances bảo vệ, Frances đã ngồi làm mẫu cho hắn đấy.
- À! David Baker, đó là cái tên mà tôi cần biết.
- Hắn không quá tồi đâu. Theo ý tôi thì không được độc đáo lắm. Hắn thuộc về cái mhóm mà tôi vừa nói nhưng hắn không được chú ý tới nhiều. Một tay vẽ nghiệp dư có năng khiếu, không hơn.
Poirot trở về nhà. Sau bữa ăn trưa, trong lúc ông đang ngồi trong cái ghế bành, với ly cà phê ở trong tầm tay thì chuông điện thoại reo.
- Bà Oliver, thưa ông, George lên tiếng, đặt máy nghe cạnh ông.
Poirot miễn cưỡng cầm lấy máy nghe. Ông không muốn nói chuyện với bà Oliver. Ông có cảm giác là bà ta sẽ đề nghị ông làm một việc gì đó mà ông không muốn tiến hành.
- Ông Poirot?
- Đúng tôi.
- Nay ông hiện đã tới đâu rồi?
- Tôi đang ngồi trong cái ghế bành... Tôi đang suy nghĩ.
- Có thế thôi à?
- Đủ cho hiện tại rồi.
- Nhưng... ông phải tìm cho ra người con gái chứ? Có lẽ cô ấy đã bị bắt cóc rồi!
- Có khả năng! Tôi vừa nhận được cái thư của người cha. Ông ta yêu cầu tới báo cáo cho ông biết sự tiến triển của cuộc điều tra của tôi.
- Vậy những tiến triển đó là gì?
- Trong lúc này, chưa có gì.
- Xem nào! Ông Poirot, ông phải khẩn trương lên chứ?
- Cả bà nữa!
- Ông muốn nói gì vậy?
- Rằng bà đừng thúc ép tôi như vầy nữa!
- Vì sao ông không đi tới Chelsea, nơi mà tôi đã bị đập đầu ấy?
- Bà muốn người ta đập luôn tôi nữa hả?
- Tôi không hiểu nổi ông! Tôi đã cung cấp cho ông một hướng đi bằng cách tìm ra người con gái trong tiệm cà phê...
- Tôi biết, tôi biết.
- Và cái người đàn bà đã nhảy từ cửa sổ?
- Bà ấy cũng giống như nhiều người phụ nữ khác. Trước tiên, họ còn trẻ và xinh đẹp, tiến hành nhiều mối tình, sau đó, họ ít trẻ và ít xinh đẹp hơn nhưng vẫn tiến hành nhiều mối tình hơn, cho tới tàn tạ họ thấy mình thật bất hạnh, liền bắt đầu nốc rượu, tưởng tượng mình bị ung thư hay một căn bệnh nào đó vô phương cứu chữa, và đến một lúc nào đó, bị nỗi tuyệt vọng và sự cô đơn dày vò, họ liền nhảy ra ngoài cửa sổ.
- Ông đã bảo cái chết của bà ta rất là quan trọng... có thể soi một tia sáng vào sự việc cơ mà?
- Tôi đã trót tin như vậy.
- Đáng tiếc... Hết lời bình luận, bà Oliver cúp máy.
Poirot ngồi dựa ngửa vào lưng ghế, ra dấu cho George lấy cái ly cà phê đi và cả cái máy nghe, bắt đầu suy ngẫm về những gì mà mình đã biết hoặc chưa biết. Để làm rõ ý nghĩ của mình, ông nói lớn tiếng, lập đi lập lại ba câu hỏi quen thuộc:
- Ta đã biết gì? Ta hy vọng gì? Ta phải làm gì?
- Ta đã biết gì?
Ông đã biết quá nhiều sự việc! Ông gạt câu hỏi này ra và đi qua câu kế tiếp.
- Ta hy vọng gì?
Thật ra, ông có thể luôn luôn tin tưởng vào những tế bào xám của ông hẳn sớm hay muộn câu trả lời cho vấn đề mà hiện nay ông chưa hiểu rõ lắm.
- Ta phải làm gì?
Không chút do dự trong vấn đề này. Ông phải tới thăm ông Andrev Restarick, người đang tuyệt vọng về cô con gái và sẽ trách cứ ông rất nhiều vì đã không trả lại được con gái cho ông ta. Poirot rất hiểu điều này và có cảm tình với nhà kinh doanh, nhưng ông ngán ngẩm việc phải gặp mặt trong một ngày bất lợi như vậy. Ông chỉ còn một cách duy nhất là quay số điện thoại và thông báo về sự việc.
Nhưng trước đó, ông phải trở lại câu hỏi mà ông đã tạm gạt ra.
- Ta đã biết gì?
Ông biết rằng Wedderburn Gallery là một địa điểm đáng nghi ngờ. Cho tới giờ, nó đã thành công trong công việc theo đúng luật lệ, tuy nhiên, nó cũng không ngần ngại móc túi vài nhà triệu phú ngu dốt bằng cách bán cho họ những bức tranh mờ ám tính xác thực.
Ông nhớ lại cái gã đàn ông, có cái ngón tay mũm mĩm, hàm răng trắng và kết luận ông không có cảm tình với con người đó. Ông đánh giá con người do có khả năng thành công trong những phi vụ bất lương trong lúc vẫn khéo léo giữ được bề ngoài kinh doanh hợp pháp. Và cái tên David Baker kia, cái con công ấy? Chàng trai này luôn sẵn sàng lao vào mọi cuộc mua bán chợ đen, cưới một cô gái thừa kế giàu sụ vì tiền chứ không vì tình yêu; nếu có dịp là để mình được mua bằng tiền. Đó cũng là sự đánh giá của ông Andrew Restarick và ông ấy chắc là có lý. Ít ra...
Ông suy nghĩ về Restarick, căn cứ vào bức chân dung được treo trên tường nhiều hơn về con người thực. Bộ mặt với các đường nét đầy cá tính, cái cằm nhô ra, dáng dấp rất kiên quyết. Poirot để tâm trí của ông nghiêng về phía bức chân dung của người vợ, những đường nét chua chát của cái miệng... Có lẽ, ông sẽ đi tới Crosshedge một lần nữa để nhìn kỹ hơn, tìm xem có dấu hiệu gì có thể ảnh hưởng tới cá tính của Norms... Norma! Không! Ông chưa nên suy nghĩ tới cô này. Còn ai nữa?
Còn bà Restarick trẻ mà Sonia nghi ngờ là có một người tình bởi vì bà ta thường đi Luân Đôn. Poirot cho rằng Sonia đã lầm. Theo ý ông, người đàn bà trẻ tuổi này đã đi thăm những bất động sản phù hợp với bà ta, những căn hộ sang trọng, những ngôi nhà trong vùng Mayfair, tóm lại tất cả những gì có thể mua được bằng tiền.
Tiền... Dường như Poirot nhận thấy tất cả các lối đường mòn đã hiện lên trong trí óc ông đều đi tới cái từ đó: TIỀN.
Cho tới giờ, không có gì chứng minh cho ý nghĩ của nhà thám tử cho rằng cái chết bi thảm của bà Charpentier là một tác phẩm của Norma cả. Không có bằng chứng, không có động cơ và tuy nhiên, ống thấy dường như có một sợi dây liên hệ không thể chối cãi được. Người con gái đã tự tố cáo có thể là mình đã phạm vào một vụ giết người, và một vụ chết người đã diễn ra trong một hay hai hôm trước đó. Cái chết đã xảy ra trong ngôi nhà của Norma. Nếu cái chết đó không liên quan gì tới sự vụ thì đó là một sự trùng hợp quá lạ lùng. Ông lại nghĩ tới cái bệnh bí ẩn của Mary Restarick, một sự kiện đơn giản tới mức nó trở thành kinh điển. Một vụ đầu độc mà thủ phạm có thể là một người nào đó trong nhà. Mary Restarick đã tự đầu độc mình? Chồng của bà ta đã tìm cách đầu độc người vợ của mình? Hay là Sonia? Norma? Tất cả đều dẫn tới chỗ nhận xét cô này chính là thủ phạm.
Poirot thở dài, đứng dậy và yêu cầu George gọi cho ông một xe tắc xi. Ông không nên lỡ hẹn với Restarick.