Chương 1: Chuyến Xe Cuối Số 13

Chương 1

Tôi hơn ba mươi tuổi, là tài xế xe bus.

Cũng là tài xế trẻ nhất trong đội lái của công ty.

Có lẽ sẽ có rất nhiều người cho rằng, mới có tí tuổi đã lái xe bus là một chuyện rất không có tiền đồ.

Nhưng tôi chẳng quan tâm, tôi không ăn trộm không ăn cướp, tự lực cánh sinh, trừ vụ không có người yêu ra, những cái khác đều không kém ai.

Ngày nào tôi cũng lái xe ra khỏi trạm đúng năm giờ sáng, đến bảy giờ thì quay lại trạm xuất phát đầu tiên, chiều lại chạy một chuyến nữa, chừng bốn rưỡi là tan làm rồi.

Một người ăn no cả nhà không sợ đói, ngày ngày lấy đó làm vui, cuộc sống bình thản nhẹ nhàng.

Ông Ngô là đội trưởng của chúng tôi, người Hồ Bắc.

Bình thường chuyện lớn chuyện nhỏ trong đội xe đều phải để ông ấy thông qua một lượt, có câu là "trên trời có chim chín đầu, dưới đất có người Hồ Bắc" mà.

Ông ấy chính là một con chim chín đầu già đầu lõi đời, không có lợi không làm.

Chủ nhật là phiên tôi nghỉ, vừa hay làm một giấc mộng xinh.

Trong mơ tôi thấy mình yêu Phạm Băng Băng.

Ăn cơm, xem phim, tay dắt tay, tự nhiên nghe thấy cả thế giới bỗng bao trùm trong tiếng nhạc Nét đẹp nhất của dân tộc.

Ban đầu tôi còn bực, còn chưa đến giờ nhảy quảng trường, sao đã bật nhạc rồi?

Sau đó tôi bừng tỉnh trong ánh mắt ngơ ngác của Phạm Băng Băng.

Tôi lần lấy điện thoại đang kêu điên cuồng trên bàn, ấn nút nghe, bực bội chửi: "Điên à mà gọi điện giờ này."

Đầu bên kia im thít, rồi từ từ vọng sang giọng Hồ Bắc đặc sệt của ông Ngô.

"Tiểu Lý, anh Ngô đây, cậu đang ở nhà hả, đừng ngủ nữa, mau sang công ty đi, họp gấp."

Tuy rất không muốn nhưng vẫn phải vâng khẽ một tiếng rồi cúp máy.

Công ty mà đã có việc thì cho dù đang nghỉ thì cũng phải đến, đây là chế độ chung rồi.

Rửa ráy qua loa xong, ăn cũng chẳng buồn ăn mà lao thẳng đến, phòng làm việc của ông Ngô lúc này đã chật cứng người.

Tôi len vào trong phòng, ông Ngô thấy tôi đến rồi bèn gật đầu với tôi, nói: "Được rồi, người đến đủ rồi, vào việc thôi, tuần trước thành phố ra thông báo, muốn thêm một chuyến xe từ đây đến nhà máy giấy, hôm nay chúng ta sẽ cùng thảo luận quyết định tài xế cho chuyến xe này."

"Hả? Nhà máy giấy? Chỗ đấy hẻo lánh chẳng có mấy người, thông xe ra đấy cho ai đi?"

Ông Ngô vừa dứt tiếng, trong đám đông đã có người lầm bầm.

Ông Ngô nghe vậy cau mày đáp: "Anh đừng quan tâm xem có người hay không, thành phố đã bảo thêm rồi, anh không phục thì anh đi tìm lãnh đạo mà nói, anh lèm bèm cái gì?"

Mọi người thấy ông Ngô cáu rồi, không ai dám thắc mắc nữa, ông Ngô nhìn nhìn rồi nói tiếp: "Chuyến xe này mỗi ngày chỉ chạy một vòng là tan ca, tài xế nào nhận thì lương thêm 500 tệ tiền trợ cấp."

Câu này vừa dứt, đám đông lại ồn lên.

"Mỗi ngày chạy một chuyến, còn kiếm nhiều hơn người khác 500, thế thì tôi nhận."

"Tôi cũng nhận."

Thấy mọi người đều nháo nhào lên, ông Ngô liếc nhìn, cười bảo: "Mọi người xem, họ Ngô tôi có bao giờ không giành chuyện tốt về cho mọi người chưa? Nghĩ xem người ngày nào mọi người cũng anh Ngô anh Ngô, có để mọi người gọi mất công không?"

Câu này vừa nói xong, có mấy người hay bợ đít bắt đầu vỗ tay. Tiếng vỗ tay bôm bốp vang lên, ông Ngô càng cười tươi roi rói.

Đôi mắt liếc lại nhìn khắp nơi, tôi cứ cảm thấy ánh mắt này của ông Ngô sai sai, quả nhiên, ông Ngô lại nói tiếp: "Công việc với tiền nong tôi không nói nữa nhé, chỉ có thế thôi, ừ, là chuyện tốt, nhưng có một xíu bất tiện, ừ, chuyến này là xe đêm."

"Cái gì chứ, xe đêm? Biết ngay mà sao lại chạy có một chuyến, lại còn thêm tiền, xe đêm chạy ra nhà máy giấy làm gì vậy? Đón ma à?"

"Đúng rồi, tôi nghe nói bên thôn Đường Oa Tử ấy không sạch sẽ gì cho cam, hay đồn ma cỏ lắm."

"Nghe mấy người nói kìa, ma đâu mà ma, đàn ông con trai to tướng còn sợ bóng tối à, bên đó có thôn mà, có người báo lên với thành phố là dân trong thôn ban ngày vào thành phố mua bán, tối không về được, để tiện cho dân trong thôn đi lại nên thành phố mới phê chuẩn thêm chuyến này đấy."

"Cái gì chứ, dân trong thôn này bán đồ ăn trong chợ đêm ít cũng phải đến mười giờ tối, thế thì chuyến xe này mấy giờ mới được đi?"

Ông Ngô mím môi, cười hề hề đáp, "Mười một giờ đêm đi."

Nhà máy giấy nằm ở tít mãi ngoại ô, mười một giờ đi từ bến xe ra, dù đêm không bị tắc đường thì cũng phải mất một tiếng đồng hồ mới đến nơi. Cũng tức là, từ nhà máy giấy quay lại đây cũng đã mười hai giờ đêm rồi.

Nghĩ đến đây, tôi từ bỏ ý định nhận chuyến này, dựa vào khung cửa, ngáp một cái.

Thấy mọi người không ai chịu nhận, ông Ngô gượng gạo khụ một tiếng, nói: "Ôi dào, mọi người làm tài xế lại còn phải chọn đường chọn giờ nữa à?"

Ông Lý không nghe nổi nữa.

"Ông Ngô này, không phải tụi này không muốn đi, mà là trong nhà còn vợ còn con, ông nói xem xe đêm lúc về cũng hai ba giờ sáng rồi, trẻ con chúng nó cũng ngủ hết rồi, đến lúc thi thố cũng phiền chúng nó ra."

"Đúng, nhà tôi cũng có con nhỏ, lớp 9 rồi, còn thi lên cấp ba."

"Nhà tôi cũng có, lớp mười hai rồi, thi đại học."

"Con nhà tôi năm ba rồi, thi cao học."

...

Để không phải lái chuyến xe đêm này, con cái mấy người kia cho dù bình thường bao nhiêu tuổi, giờ cũng đều sắp phải thi hết.

Tôi đang chửi thầm trong bụng thì hình như ông Ngô liếc thấy tôi trong đám người, cười đầy ý đồ: "Tiểu Lý, nói như đám thanh niên các cậu thì cậu vẫn còn là cẩu độc thân nhỉ, chưa có con cái gì đâu đúng không?"

Cả một đám tài xế già xoẹt một cái đổ dồn mắt sang, tôi nghẹn lời, còn chưa để tôi nói thì một bàn tay đã đặt lên vai tôi.

"Tiểu Lý, cậu vẫn còn trẻ, đang là lúc dốc sức kiếm tiền, làm tốt nhé."

Tôi đang định lên tiếng thì lại một cái tay nữa vỗ lên vai tôi.

"Tiểu Lý, xe đêm ít người lại còn không tắc đường, không vất đâu, với cả đêm nhiều cô ra bắt xe lắm, phải biết nắm bắt cơ hội chứ."

Còn chẳng cho tôi mở miệng từ chối, cái đám này, cứ như đã hẹn nhau từ trước, vội vàng cười hề hề đạp cửa chạy mất.

Chẳng mấy chốc đã đi sạch bách, trong phòng chỉ còn tôi với ông Ngô.

Nếp nhăn trên mặt ông Ngô xô hết vào với nhau, cứ như một cái bắp cải khô nhăn nheo, ông ta nói với tôi, ngoài cười mà trong chẳng cười: "Tiểu Lý, sự đã thế này thì cậu cũng đừng chối nữa, thế này đi, tôi xin thêm cho cậu 200 nữa, thế tức là hơn người khác 700 rồi đấy."

Tôi nghe mà buồn cười, đang định quẳng cho ông ta một câu chửi tục thì ông Ngô lại giành trước, nắm lấy tay tôi, đặt chiếc chìa khóa xe vào lòng bàn tay tôi, nói: "Cậu không cần lo chuyến ban ngày nữa, tôi sắp xếp cho, sau này cứ lái cái 2386 đậu ở góc tây bắc ấy, có việc gì cứ nói với tôi, anh Ngô đây trông cả vào cậu đấy."

Tôi đang định mở miệng thì ông Ngô đã xua tay, giơ chân đi ra ngoài.

Đã thò nửa người ra ngoài cửa rồi còn ngoái lại nói với tôi: "Ây dà tiểu Lý à, thông báo từ tuần trước mà anh Ngô đây của cậu tối qua mới nhớ ra, hơi gấp gáp quá nên là tối nay cậu phải đi luôn rồi nhé, đúng mười một giờ rời bến đấy, cấm được quên nghe chưa."

Từ lúc bắt đầu cho đến khi nhận việc xong xuôi, tôi vẫn chẳng nói được câu nào, cứ ngơ ngơ ngáo ngáo mà đổi chuyến.

Nhìn chiếc chìa khóa trong tay, dở khóc dở cười, cơ mà nghĩ lại thì cũng thôi. Kiếm thêm 700 tệ, chuyến này tháng nào cũng có thể hút một điếu thuốc ngon rồi.

Lúc ăn cơm ở nhà ăn, ông Đường bưng khay cơm ngồi xuống cạnh tôi, nói nhỏ với tôi vẻ thần bí:

"Chú em sao đấy, anh nghe bảo lão Ngô để chú chạy chuyến đêm đi nhà máy giấy hả?"

Tôi cho một miếng cơm trắng vào miệng, gật đầu.

"Mẹ nó chứ, chú em bị ngu à, cái đường đi nhà máy giấy đấy không dễ chạy đâu."

Tôi ngửi thấy mùi vấn đề trong câu nói của ông Đường, bèn quay lại nhìn vẻ mặt nghiêm túc của ông ta, "Sao thế anh, không phải chỉ là xe đêm thôi à, không sao đâu, em đây dương khí thịnh, lại còn trai tơ, em sợ gì."

Ông Đường nghe vậy bèn lắc đầu, bất lực nói tiếp: "Chú đến công ty chưa lâu, có mấy chuyện chú không biết, chú tưởng đám già đó sợ tối sợ về muộn ảnh hưởng đến con cái nên không nhận chuyến đi nhà máy giấy đấy chắc?"

Tôi nghe vậy là thấy sai lắm rồi, để đũa xuống hỏi: "Sao thế anh, còn chuyện gì khác nữa ạ?"

Ông Đường cười gượng, đè giọng xuống nói: "Tuyến đi nhà máy giấy đấy có từ mười năm trước rồi, sau đó tài xế chuyến đấy chạy ca tối, cho cả xe người lao xuống hồ chứa nước, chú nói xem có lạ kỳ không?"

Tôi cười hiểu, nói: "Anh ơi cái nghề tài xế như mình ấy, xảy ra tai nạn cũng là bình thường mà, có gì đâu mà lạ."

"Không lạ hả?" Ông Đường cuống lên, để đũa xuống rồi ghé sát đầu vào tai tôi mà nói nhỏ: "Tài xế thứ hai, thứ ba cũng kéo cả xe người xuống hồ đấy, có nửa năm mà ba tài xế, kéo theo ba xe người, đi sạch."

Nụ cười trên mặt tôi cứng đờ, tôi hỏi ông Đường: "Chuyện lớn như thế mà sao em chưa nghe bao giờ vậy."

Ông Đường ngẩng lên nhìn xung quanh, thấy không ai để ý bên này mới nói tiếp: "Chuyện lớn như thế mà chú hóng được thì mới tài, thành phố ra mặt bồi thường, bít hết tin tức từ đời nảo đời nào rồi. Rồi đấy, mới thay ông chủ tịch mới đấy, chắc lại ông nào không tin ma quỷ nên mới cho chạy lại chuyến đêm đấy rồi."

Tôi nghe ông Đường nói xong, bụng tức anh ách.

Ông Ngô chắc chắn biết vụ này, thế mà lại nhét cho tôi, mẹ nó chứ chơi đểu nhau vãi nồi.

Ông Đường thấy sắc mặt tôi khó coi, vỗ vỗ tôi bảo: "Chú em, anh em mình thân nhau nên anh mới bảo chú vụ này, chắc chỉ là tai nạn bất ngờ do đường xấu thôi, nếu đã nhận rồi thì chú để ý thêm chút là được."

Tôi gật đầu, móc một hộp Phù Dung Vương mới mua đưa cho ông Đường.

"Anh Đường, cảm ơn anh, em mới đến công ty được một năm, cũng chỉ có mình anh là bạn."

Ông Đường đẩy ra, lo lắng nói: "Chú khách sáo thế làm gì, có việc thì cứ tìm anh, anh già giúp được chắc chắn sẽ giúp chú."

Cuối cùng tôi vẫn dúi bao thuốc cho ông Đường, xã hội bây giờ, chưa cần cái gì khác, chịu nói thật với mình đã là bạn tốt rồi.

Ăn tối xong, tôi đùng đùng đi kiếm ông Ngô tính sổ, nhưng ông ta đi đâu mất tăm.

Thấp thỏm ngồi chờ ở ký túc đến mười rưỡi, nơm nớp mãi, cuối cùng vẫn ngồi vào ghế lái của chiếc xe số 13 biển 2386.

Nắm lấy vô lăng quen thuộc, lòng bàn tay lại toát mồ hôi.

Tôi nghiến răng, bụng nghĩ, không việc gì phải sợ hết, bố vẫn còn là trai tơ kia mà.

Nghĩ vậy, tôi khởi động xe, lúc đi qua phòng bảo vệ, tôi lơ đãng liếc vào bên trong.

Liếc một cái thôi mà làm tôi giật hết cả mình.

Bác già trong phòng bảo vệ đang đứng bên cửa sổ, mắt trợn to, kinh hoàng nhìn về phía tôi!!