Mẹ tôi nói rất đúng, có người ôm ngủ sẽ an tâm và không bị bóng đè. Tôi vừa nằm xuống đã ngủ luôn, một giấc ngủ thẳng đến khi mặt trời lấp ló trên ngọn tre thì có người mở cửa đi vào.
Thấy động tĩnh, tôi vội “xếp” lại tư thế cho cậu Đức nghiêm chỉnh rồi nằm xuống nhắm hờ mắt như thể mình chưa tỉnh. Người đến bên giường từng bước khẽ khàng, có bàn tay động nhè nhẹ vào cánh tay tôi.
“Mợ ơi, mợ!”
Là giọng chị Xoan. Tôi từ từ mở mắt ra, thấy vậy chị Xoan bưng một thau nước ấm để lên kệ để thau gần giường, nói với tôi:
“Cậu mợ trúng mê hương nên hôm nay ông miễn cho mợ lên nhà dâng trà, ăn sáng”.
Tôi ngồi dậy với lấy khăn mặt chị Xoan vừa vắt xong. Nước ấm trên khăn truyền đến cảm giác thoải mái khiến tôi tỉnh táo hơn nhiều. Đúng là giờ tôi mới sực tỉnh ra là bản thân chưa để ý đến những việc cần làm trong phủ. Mà tôi tạm gọi là phủ đi, vì trong nhà ông Lý quan rất rộng, tôi cũng chẳng biết phải gọi là gì cho đúng nữa. Trong này lại có nhiều khu vực, từ khu nhà chính cho đến các viện, các phòng khác nhau. Khu vực đông tây nam bắc là nơi ở của bà Huế, cậu Đức, Minh, Phú.
“Chị Xoan, ở đây con dâu phải làm gì mỗi ngày vậy chị?”
Chị Xoan chuẩn bị kem đánh răng vào bàn chải cho tôi, nhìn tôi cười rồi nói:
“Ở đây, các mợ chỉ cần ăn uống, giao lưu với mấy người nhà giàu làng bên thôi mợ. Có chăng thì làm thêm ít sổ sách. Nhưng mà giờ sổ sách chủ yếu là do bà Huế với lại mợ tư làm. Mợ tư mấy năm gần đây cũng không động vào sổ nữa, cả ngày chỉ ở trong viện. Mà mợ đừng gọi tôi là chị nữa, tôi… ngại. Ai nghe thấy lại không hay.”
“Ở đây thì có sổ sách gì mà làm? Chị đừng ngại, tôi… tôi gọi chị xưng tôi, tôi cũng ngại lắm. Nếu ở ngoài chắc chắn là phải xưng em mới phải phép chứ.”
Nhìn chị Xoan đỏ bừng mặt kích động, tôi cũng không hiểu tại sao nữa. Chị cúi gằm mặt xuống, chờ tôi đánh răng xong thì vội vã ôm chậu thau đi. Tôi không biết mình có nói gì sai không mà lại khiến chị như thế. Tôi thở dài một hơi, nhìn anh Tích rửa mặt vệ sinh răng miệng cho cậu Đức.
Lúc này trong đầu tôi tự nhiên vang lên lời bố nói. Dù gì anh ta cũng là chồng tôi trên danh nghĩa, tôi cũng muốn làm gì đó cho anh ta. Ít nhất là tìm cách nào đó để cải thiện sức khỏe cho anh ta. Tôi nghĩ là làm, cần lấy một chiếc khăn nhúng vào nước ấm, lau chân tay cho anh.
“Anh để đó, để tôi giúp cậu Đức. Từ giờ mỗi sáng tôi sẽ giúp cậu lau rửa.” - Tôi vừa làm vừa nói.
“Mợ… mợ cả… Việc này là việc của người ở đợ. Mợ… mợ không phải làm.” - Cậu ta run run nói. Tay đã ngưng lại việc.
Tôi thấy thế vừa tỉ mẩn lau sạch sẽ vành tai, chiếc cổ của cậu Đức rồi vừa cười nói:
“Đây là chồng tôi cơ mà, anh Tích không phải ngại. Từ nay mỗi sáng anh Tích chuẩn bị cho tôi nước thảo mộc, lát nữa tôi ghi cho anh. Dùng nước thường này cũng được nhưng nếu thêm chút thảo dược thì sẽ thư thái hơn.”
Tôi vén lại tóc, buộc giúp anh. Lúc này tôi mới ngắm nhìn kỹ gương mặt này ở khoảng cách gần như thế.
Nét của anh là kiểu nét đàn ông, góc cạnh, cứng rắn chứ không phải kiểu thư sinh. Tôi vẫn không thể hiểu được tại sao anh là người thực vật lâu như thế mà cơ thể vẫn không teo tóp đi chút nào. Anh Tích thấy tôi chủ động lau rửa thì e ngại nhưng cũng không dám nói gì nhiều. Dưới sự giúp đỡ của anh Tích, tôi lau vòm ngực lại lau lưng cho anh. Còn “bên dưới” đương nhiên là tôi vẫn phải nhờ anh Tích vệ sinh.
Xong xuôi, tôi giơ tay bắt lấy mạch của cậu Đức thì phát hiện mạch đập hữu lực, khỏe mạnh bình thường. Tôi nhìn cậu nghi ngờ. Tại sao một người thế này lại là người thực vật? Nhân lúc không có chị Xoan và anh Tích ở đây, tôi lấy ngọn tóc của tôi cù vào chân cậu, lỗ mũi, lỗ tai của cậu, rồi lại cù vào nách và mạn sườn cậu, có lúc tôi lại nhéo lên má lên tay nhưng cậu không hề có phản ứng gì hết, một chút cử động cũng không. Gương mặt kia vẫn điềm nhiên chẳng đổi sắc, ngón tay ngón chân không hề động đậy. Cuối cùng tôi kết luận đúng là cậu bất tỉnh thật sự rồi. Bởi vì làm gì có ai chịu được cơn buồn lâu đến thế. Sự việc lạ lùng này tôi phải hỏi sư phụ Nhẫn của tôi mới được.
Tôi ngồi xoa bóp chân tay, xem lại cử động các khớp rồi bắt mạch, ghi ra giấy những đặc điểm thể trạng cơ thể của cậu. Nào ngờ đang làm thì một giọng nói ngoài cửa vang lên:
“Con đang làm gì thế?” - Ông Lý Quan không biết đứng ở cửa từ bao giờ. Ông thấy tôi đang ngồi ghi chép, bắt mạch thì tiến vào trong hỏi.
“Cháu… à con… con chỉ muốn xem thân thể cậu có chỗ nào không ổn, con muốn chăm sóc cậu.” - Vì bất ngờ nên tôi hơi giật mình đáp lại ông.
Ánh mắt ông hiền từ, nhìn tôi gật đầu. Ông nói:
“Sau này con cứ để đám hạ nhân làm việc này. Sức vóc phụ nữ làm sao làm được việc này. Đi theo ta.”
“Đây là phận làm vợ, con cũng mong góp chút sức mọn chăm lo cho cậu.”
Ông Lý Quan thấy tôi nói thế thì gương mặt hiện lên ý cười, ông vuốt chòm râu trắng như cước gật đầu. Tôi đứng cạnh ông nhìn ba người ở khiêng cậu vào xe lăn. Không biết ông muốn đưa cậu đi đâu?
Tôi cứ thế đi theo ông Lý Quan, cậu Đức được người ở đẩy xe đi trước. Tôi đi bên cạnh ngay sau ông Lý, cả đường đi ông nói rất nhiều, ông giới thiệu về khu vực nhà ở, phòng bếp, phòng chứa củi, phòng chứa đồ, phòng của người ở. Tôi cố gắng ghi nhớ trong lòng.
Cậu Đức được đẩy đến một khu vực sân tập, ở đây còn có một đình hóng mát. Trên sân cỏ xanh mướt được chăm chút cẩn thận này có vài người làm đang cắt tỉa cỏ, nhổ cây dại mọc lẫn vào. Ở đây có nhiều thứ hình thù kỳ lạ, trông tương đối giống các loại máy hỗ trợ vận động nhưng hoàn toàn được làm bằng gỗ. Giờ là gần tám giờ sáng, mặt trời mùa hè sáng tỏ xuyên qua cây xà cừ cổ thụ in xuống những bông hoa nắng xuống thảm cỏ. Bóng râm của cây xà cừ lớn đến mấy chục mét vuông, che luôn khả khu đình hóng mát này.
Ông Lý bảo tôi ngồi xuống đình hầu trà ông. Nhưng thực chất là ngồi uống trà nói chuyện phiếm. Một đĩa bánh rán, một đĩa kẹo lạc cùng một khay trà tinh mỹ được đặt trên bàn. Trong này không biết đây là loại trà gì nhưng màu sắc trông giống như hổ phách, mùi thơm dìu dịu khiến người ta hít vào mà chẳng muốn thở ra chỉ vì muốn lưu giữ chúng trong người lâu thêm một chút.
Thấy tôi như say như mê, ngửi hương, thử trà, ông Lý thích thú lắm. Ông nói đây là trà Bát Tiên. Cả cái làng này chỉ còn một cây duy nhất trên ngọn núi Bồ đề phía Đông của làng. Cây đã hàng trăm năm tuổi, mỗi năm cũng chỉ hái được hơn chục cân búp, sao đi cũng chỉ còn lại vài cân, dùng cả năm, rất quý giá.
Tôi tròn mắt ngạc nhiên, hỏi chuyện ông lại không quên đánh mắt về phía sân cổ. Mấy người ở vừa cố định cơ thể cậu cả vào chiếc “máy” vừa giúp cậu “vận động” thân thể. Nhìn hình ảnh kỳ công này, giờ tôi mới hiểu tại sao cậu nằm mãi một chỗ mà không viêm loét hoại tử, cũng không bị teo cơ.
Có lẽ ông Lý đọc được suy nghĩ của tôi nên giải thích thêm:
“Thằng Đức số khổ, bé tý đã bị bệnh mà thành người thực vật. May thay có thầy Nhẫn có bài thuốc quý, giúp nó cơ thể còn phát triển và giống như người bình thường. Chỉ cần mỗi tuần châm cứu một lần và vận động mỗi ngày để máu huyết lưu thông thì sẽ không có vấn đề gì.”
Tôi há hốc miệng trước lời giải thích của ông. Bởi vì theo như bài thuốc đó thì việc này đúng là thần kỳ. Người sống thực vật từ nhỏ mà lại có thể thông qua bài thuốc để phát triển bình thường, lại còn châm cứu mà giúp cơ thể cường tráng, mạch máu lưu thông, huyết áp ổn định như một người khỏe mạnh. Nếu bài thuốc này truyền ra bên ngoài, chắc chắn là có không ít người muốn sở hữu nó, không chỉ thế, đó còn là một thứ hi vọng cho rất nhiều người.
“Vậy thầy Nhẫn có nói khi nào cậu Đức tỉnh dậy không ạ?”
Ông Lý bỗng nhiên trùng mắt xuống, nhìn ra phía cậu Đức đang được hỗ trợ vận động, giọng nói trở lên vô định.
“Thầy Nhẫn cũng không còn cách nào khác. Thầy nói còn một chút hi vọng tuy rất nhỏ bé. Nhưng ta luôn tin con trai của ta sẽ tỉnh lại. Nó là mệnh cát tướng, nghìn năm hiếm gặp, ta không tin nó lại cứ nằm đó mãi, uổng phí mệnh trời.” - Ông Lý vừa nói vừa dần dần bình tâm lại, ánh mắt trùng xuống kia cũng trở lên kiên định, giọng nói dần dần tự tin hơn. Ông nhìn tôi, ánh mắt sáng ngời, dõng dạc tuyên bố:
“Không lâu nữa đâu, cậu Đức sẽ tỉnh lại, con chính là hi vọng duy nhất của nó.”
“Con á? Con đâu biết làm gì?” - Tôi ngỡ ngàng hỏi lại.
“Đúng, chính là con. Con chính là người mà ông trời gửi tới để giúp nó.” - Ông nói giọng chắc nịch.
Đúng lúc này, bà Huế từ đâu đi đến, tôi thấy thế đứng lên chào cho phải phép, sau đó xin phép ra chỗ cậu cả. Tôi không biết hai ông bà nói gì mà chỉ chăm chú tập trung vào chỗ cậu Đức.
Nhìn người ta vận động cho cậu, dù là chỉ thông qua các loại dụng cụ mà dưới tiết trời mùa hè, cậu vẫn đổ mồ hôi. Tôi thấy thương bèn lấy khăn ra lau mồ hôi cho cậu.
“Tập như thế này đến bao giờ mới xong?”
Tôi tính toán cũng phải được ba mươi phút rồi thế nên hỏi người làm. Có lẽ những người này chuyên về chăm sóc cho cậu tập luyện và vận động nên sẽ rõ ràng thời gian tập của câu. Một anh trai vạm vỡ, to khỏe lại nhanh miệng nói:
“Thưa mợ, mỗi ngày tập hai tiếng, sáng một lần, chiều tối một lần, mỗi lần tập luyện một tiếng.”
“Cậu tập như thế này từ bao giờ vậy?”
Tôi nhìn cậu ta vừa nói tay vẫn không ngưng nghỉ, tiếp tục truy hỏi.
“Thưa mợ, cậu tập thế này từ bé mợ ạ. Ngay từ khi cậu vừa mới bệnh, ông đã cho làm những thứ này để cậu vận động. Mỗi ngày phải uống thuốc đúng giờ, không được sai ngày nào mợ ạ.”
Thì ra là thế. Ông Lý thật sự rất yêu thương cậu con trai này. Bao nhiêu năm như thế mà ông vẫn kiên nhẫn đợi chờ, không bỏ cuộc. Một người cha như ông cũng là một người đã dành hết tình cảm và thương yêu cho con. Tôi quay ra nhìn về phía đình hóng mát thấy hai ông bà đang nói chuyện với nhau, gương mặt ông căng lên có vẻ đang không vui. Bà Huế đứng dậy rời đi. Tôi nhìn cậu cả mồ hôi nhễ nhại, đứng nói chuyện thêm với những người làm này, thu thập được thêm không ít thông tin.
Giờ tôi phải tìm cách và lý do chính đáng để ra ngoài mỗi ngày còn tìm hiểu về ngôi miếu kia với lại đến chỗ thầy Nhẫn để học nữa. Giờ hình như là đã có cách rồi. Mỗi sáng người trong nhà họ Lý phải lên núi lấy cây liêu xạ về xông cho cậu Đức. Từ nay tôi sẽ cố nhận lấy công việc này.
Nếu yêu thích đừng ngại để lại bình luận dưới các chương truyện của mình nha. FB mình là Dạ Nguyệt Thanh Khâu, rất hân hạnh được kết bạn! https://www.facebook.com/tranthom1995/
Nhóm đọc truyện của mình trên fb: https://www.facebook.com/groups/1066847937217483/
Cảm ơn bạn đã yêu thích bộ truyện của mình! Đây là stk của mình. Đừng ngại ủng hộ mình nha, bao nhiêu cũng nhận ạ hihi.
Stk: 0731000861915
Tên tk: Tran Thi Thom
Ngân hàng vietcombank
Bạn đang đọc truyện của Dạ Nguyệt Thanh Khâu, chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!)
Cảm ơn mọi người đã dành thời gian để đọc truyện của mình! Rất vui được kết bạn ạ.