Tôi sờ tay vào trong ruột tượng vẫn còn chiếc khăn thấm máu độc và mảnh vỡ mặt nạ hôm qua. Tôi nghĩ về đến nhà sẽ nhờ bố xem xem đó là những thứ gì.
Tôi trở về nhà cùng mọi người, đến nhà, sau khi định thần lại tôi mới kể lại một loạt chuyện ngày hôm qua. Từ mùi hương kỳ lạ, chiếc mặt nạ cho đến có người cố tình đổi giấy dán tường nữa. Tôi đưa cho bố chiếc khăn sáng nay tôi lau máu, mảnh vỡ mặt nạ sáng nay tranh thủ mang theo. Duy chỉ có giấc mơ hoang đường buổi tối là tôi không kể. Tôi không muốn mẹ tôi lo lắng vì chuyện này.
Bố tôi xoa nhẹ mảnh mặt nạ lại mài một chút ra bà, đưa lên mũi ngửi, mặt tái xanh. Sau đó tiếp tục cầm lấy khăn tay đã thấm đầy máu đen của tôi, bố tôi tức giận cả mặt đỏ bừng lên.
“Yến lại đây bố bảo.”
Bố tôi vạch đầu tôi ra sau đó lại nhìn lên cổ tay, cổ sau đó gật gật đầu.
“May mắn!”
Tôi và mọi người đứng ở đó nghe cũng chẳng hiểu gì, mặt ai cũng toàn là nghi hoặc. Cuối cùng cô Lễ không kiên nhẫn được nữa hỏi:
“Đây là có chuyện gì vậy anh Nhân?”
“Có người hạ độc con bé, may mà có người cứu.”
Tôi lúc này mới rùng mình một cái. Bởi vì ban đêm, trước khi đi ngủ tôi đã đóng hết cửa lại rồi, có người cứu tôi vậy họ đi bằng đường nào? Hay là ngoài cửa chính ra còn có cửa khác để vào?
“Hôm qua có lúc nào con bỏ ruột tượng ra không?”
Lúc này tôi mới nhớ ra. Gật đầu: “Đêm qua con quên ruột tượng ở trong nhà tắm. Sáng nay mới đeo lại vào người.”
“Bố quên không dặn con là phải luôn đeo theo người, bố để gói thuốc trừ độc ở đó. Gói thuốc xin của thầy Nhẫn, tránh mọi loại độc. Thảo nào con lại bị trúng. Đúng là ông bà phù hộ, con phước lớn mạng lớn được người châm cứu đẩy độc ra mới còn sống khỏe mạnh.”
Tôi nghe vậy trong lòng lại càng bất ngờ hơn. Đúng là bố mẹ tôi đã chuẩn bị chu toàn hết rồi nhưng một khi người ta đã muốn hại thì không từ thủ đoạn.
“Trên mặt nạ này có độc, mê hương nhưng cũng nhạt phai đi nhiều. Loại hương này nếu không có thuốc giải thì sẽ khiến bản thân bị hoang tưởng, ảo giác. Còn độc này thì khiến cho người trúng độc cả người tê liệt co cứng, liều cao có thể gây chết người.”
“Thật là ác độc.”
Nghe bố giải thích xong, không gian trong phòng lâm vào một khoảng trầm tĩnh, nặng nề. Mọi người nhìn tôi trong lòng lo lắng, kinh hoàng. Tôi mới chỉ đến đó một ngày mà xảy ra bao nhiêu chuyện, sau này tôi vào đó làm dâu thì phải làm sao đây. Bố tôi nói mọi người:
“Đừng lo, con bé từ giờ là đồ đệ của thầy Nhẫn, nó sẽ biết phải làm gì. Giờ hai bố con đi gặp thầy, chỉ còn một tháng nữa là con bé về làm dâu nhà người ta rồi. Phải tranh thủ thời gian.”
Cả nhà gật gật đầu, mọi người dặn dò tôi. Thằng Hiếu cũng nắm tay tôi bịn rịn. Giờ nó cũng phải quay về thành phố, nó nói mấy hôm nữa sẽ xin về đây một hai tuần ở với tôi. Tôi và nó nói chuyện thêm mấy câu, dặn dò vài thứ rồi thay quần áo theo bố đến nhà thầy Nhẫn.
Gian nhà tranh hôm nay mở rộng cửa, ngoài sân những sào thuốc phơi trong bóng râm trải khắp khu vực. Chưa bước vào sân nhưng một mùi thuốc đặc trưng, thơm thơm của thảo dược đã lan ra không gian xung quanh. Hương thơm này khiến người ta có cảm giác thư thái như đi trong rừng cây yên bình vậy. Một cậu bé dược đồng (người theo học phụ giúp thầy thuốc) đang thái thảo mộc, phân vào từng cái xảo* tre khác nhau để lên giá phơi. Cậu bé này dáng người dong dỏng cao, đôi mắt đen láy sáng ngời đầy tinh thần, làn da màu nâu đồng khỏe mạnh, tóc cắt ngắn, quần áo đơn sơ nhưng sạch sẽ.
Thấy tôi bước vào, cậu bé chạy ra chào đón rồi đưa tôi vào trong nhà.
“Bác và chị vào trong này, ông em đợi hai người từ sáng đến giờ.”
Cậu bé nhanh nhẹn dẫn vào trong gian nhà tranh chính giữa. Ông Nhẫn đang ngồi cạnh bàn trà, một bên thì ngửi ngửi mấy cây thuốc, một bên thì để mấy chiếc lọ khác nhau, bên trong cũng là những loại bột có màu sắc khác biệt. Tôi và bố bước vào, cúi chào ông theo lễ.
“Đến rồi, hai người ngồi xuống đây!” - ông chỉ tôi và bố ngồi xuống bàn trà “Kiến đi pha trà khổ qua cho ông.”
“Dạ, thưa ông.”
Hóa ra cậu bé kia tên là Kiến. Cậu bé cầm lấy khay trà mang ra bên ngoài, một lúc sau thì đi vào, rót trà mời mọi người.
“Yến đến đây rồi thì từ ngày mai, buổi trưa một giờ chiều bắt đầu theo ta học.”
“Vâng ạ.”
“Cả gia đình nhà con, cảm tạ ơn ông thu nhận con bé.” - Bố tôi nói xong thì lấy khăn tay mà tôi lau máu đen đồng thời lấy ra mảnh mặt nạ vỡ mà tôi nhanh tay giấu đi mang về.
“Ông ơi, con có chuyện cần nhờ, mong ông xem xét. Chẳng là hôm qua con bé đến nhà ông Lý Quan, bị người ta hạ độc.”
Tôi nhìn ông Nhẫn vẻ mặt điềm tĩnh vẫn ngồi nhấm nháp ngụm trà khổ qua, một làn khói mỏng từ chén trà bay lên phủ qua bộ râu trắng tinh của ông. Nhìn ông lúc này giống như một người đắc đạo không màng thế sự, khác hẳn với vẻ chật vật ngày tôi gặp ở chợ dạo trước.
“May mà ông cho người mang túi phòng độc này sang, nếu không… Con đội ơn ông nhiều lắm.”
Tôi nghe thấy vậy vô cùng kinh ngạc, bất ngờ. Hoá ra túi thuốc trong ruột tượng này là ông Nhẫn chuẩn bị cho tôi. Lẽ nào ông đoán được sẽ có người hạ độc tôi. Chẳng để tôi nghi ngờ lâu, ông nói:
“Độc ở khăn tay này, độc trên mặt nạ này nếu ngấm lâu ngày với lượng nhỏ thì không có dấu hiệu gì đáng ngờ, cả người xanh xao gầy mòn rồi kiệt sức mà chết. Nếu sử dụng liều cao thì chết bất đắc kỳ tử chỉ trong thời gian nửa tiếng. Không kịp uống thuốc hoặc không ép độc ra kịp thời đều chết. Đặc biệt là người chết xong sẽ không khám nghiệm ra là trúng độc. Chỉ có khi ép độc phun ra mới thấy máu độc.”
Tôi hít một hơi sâu, lông trên người dựng ngược. Ai mà âm độc, hiểm ác đến thế. Nếu người đứng sau thật sự là bà Huế thì…
“Loại độc này có nguồn gốc từ đâu ạ sư phụ?”
Tôi hỏi một câu, sư phụ tôi - ông Nhẫn vuốt chòm râu bạc như cước nhìn tôi, ánh mắt sáng ngời như sao gật gật đầu.
“Loại độc này phải tự phối theo phương thuốc. Mà các vị thuốc này hoàn toàn có thể tìm ở trên núi ở làng Hoè này, duy nhất chỉ có một loại thảo dược là kim tử yên thì rất khó tìm kiếm. Bình thường kim tử yên được dùng để làm thuốc giải độc, thế nhưng trong phương thuốc này lại là chất dẫn để khiến độc đi vào tâm mạch người bệnh.”
Tôi ngơ ngẩn và nghi hoặc hỏi: “Nó giống như chìa khoá mở cửa ạ?”
“Đúng vậy!” - Sư phụ vuốt chòm râu cười ha hả rồi nói tiếp: “Ở chỗ ta loại độc nào cũng có thể giải được. Con theo học hết được kiến thức đời ta thì không sợ bất cứ loại độc nào.”
Tôi ngại ngùng xấu hổ: “Con chỉ cần học được một chút chút chút của sư phụ là tốt lắm rồi ạ.”
Sư phụ nói chuyện thêm vài câu, bố tôi về trước còn tôi thì ở lại đây bắt đầu ngày học tập đầu tiên. Chỉ là tôi không ngờ ông lại kiểm tra lại kiến thức mà bố tôi dạy lúc trước. Rất may là mới học nên tôi nhớ vô cùng rõ ràng, trả lời ông vanh vách.
Ông lấy một quyển sách giấy bìa đã cũ đưa cho tôi. Nhìn cuốn sách tương đối dày, cũ nhưng được bảo quản cẩn thận nên vẫn tương đối chắc chắn. Trên bìa ghi “Châm Cứu Tổng Biên”
Tôi mở trang đầu tiên ra bên trong lại là chữ viết tay. Quyển sách này e là sư phụ tự tay biên soạn, là học thức cả đời của ông.
“Con đọc sách này trước, chiều mai ta sẽ kiểm tra.”
Thời gian cứ thế trôi đi, một ngày của tôi bắt đầu lúc 5h sáng với việc luyện võ, buổi chiều đến nhà tranh học y dược, buổi tối lại cùng bố ôn bài học tên thuốc. Ngày lại ngày qua đi chẳng mấy chốc cũng đến bốn mươi chín ngày của bà. Hôm nay tôi được nghỉ cả sáng lẫn chiều. Ông Phúc và sư phụ tôi đều được mời đến bốn chín ngày của bà nội tôi. Ông Phúc cùng anh Thể và anh Thế bình thường nghiêm khắc là thế nhưng lúc không học thì rất vui tính lại hay chọc cười tôi. Sư phụ tôi lần này đến, thằng bé Kiến mang theo mấy thang thuốc. Là thuốc an thai. Bởi vì thím Hoài nhà tôi đã có thai rồi. Chú Tín và thím vui mừng lắm, từ ngày có thai chú thím thắp hương cảm tạ gia tiên vô cùng thành khẩn.
Chú thím thấy sư phụ tôi đến, đon đả ra chào, mọi người hết sức thân mật vui vẻ. Gia đình chú Nghĩa cũng về, thằng Hiếu chạy vào dấm dúi vào tay tôi túi to túi nhỏ đồ trên thành phố. Nó báo tôi hồ sơ xét thẳng vào đại học của tôi đỗ rồi, chú Nghĩa làm giấy tờ bảo lưu giúp tôi. Tôi bất ngờ lắm cứ đứng thẫn thờ ra. Bởi vì tôi không biết nên vui hay buồn nữa. Tôi đã hứa sẽ tự thi đại học nhưng vì không thi được nên bố mẹ vẫn bảo tôi làm hồ sơ xét tuyển. Vì tôi tham gia đội tuyển quốc gia, cũng có chút thành tựu nên liều mà làm. Thấy tôi ngây ra như phỗng thằng Hiếu huých vào vai tôi:
“Không phải cảm ơn em làm gì, từ mai em theo chị đi học. Mùa hè này ở quê sẽ đáng nhớ lắm đây.”
Sau đó nó thì thầm vào tai tôi “em sẽ tìm cách cứu chị ra khỏi làng.” xong nó nháy nháy mắt nhìn tôi cười.
Hôm nay đã bốn mươi chín ngày của bà, cả nhà quyết định làm đồ chay cho bà và mời sư thầy đến tụng kinh hồi hướng cho bà. Xong xuôi, nhìn mâm cỗ chay đủ đầy sắc vị chẳng khác gì một mâm cỗ mặn. Mọi người không còn quá nhiều sự đau lòng về người đã khuất mà chỉ kể những chuyện vui vẻ khi bà còn sống. Hoặc đó chính là cách duy nhất để người ta tiếp tục cuộc sống này, chôn giấu những buồn đau bên trong lòng mình, để giữ lại khoảnh khắc mà người đã mất lưu lại. Người thân đã khuất sẽ không chết đi khi vẫn còn thân bằng quyến thuộc nhớ về họ. Chỉ là họ chuyển vào sống trong tim của những người còn ở lại mà thôi. Tôi nghe mọi người kể về bà lẳng lặng mà nghe mà nhớ. Nhớ từng hình ảnh chầm chậm tuổi thơ ùa về. Nhớ từng lời từng câu và dặn. Tôi sờ lên chiếc vòng tay đơn bạc ở cổ tay, cảm giác như bà vẫn đang ngay ở cạnh tôi, bảo vệ tôi, che chở cho tôi.
Buổi sớm hôm sau, tôi vẫn gánh nước đi bộ quanh làng. Tốc độ của tôi càng ngày càng nhanh, thằng Hiếu mặc bộ võ phục đen như tôi, lần đầu gánh nước trông nó vô cùng chật vật, thảm hại. Cái thân hình cao mét tám của nó đối nghịch với cái gánh nước, nhìn nó thở hồng hộc tôi cười cười trêu nó.
Nó tuy mặt đỏ tía tai vẫn còn đấu khẩu với tôi:
“Chị ngày xưa chắc chắn còn thảm hại hơn em, cứ cười đi, mấy hôm nữa biết tay em.”
Đúng là nghĩ lại thì nó hơn hẳn tôi mấy ngày đầu. Ít ra dù vất vả, với lợi thế là đôi chân dài và sức lực của con trai thì nó cũng đuổi được theo tôi. Tuy rằng là chân nó cũng phồng lên, mặt hồng mũi trắng, lỗ tai phun khói, mồ hôi nhễ nhại nó vẫn theo được tôi. Kể ra thì ông trời đúng là ưu ái nó. Đã cho nó bộ chân dài, sự đẹp trai lại cho nó người chị họ tuyệt vời như tôi.
“May mà có chị đúc kết kinh nghiệm truyền thụ mày mới đi nhanh được như thế đấy.”
Nó nhìn tôi:
“Cái tính tự sướng này của chị không biết bao giờ mới chữa được.”
Một ngày trôi qua rồi lại đến một ngày. Thằng Hiếu theo đôi đi học y, hái thuốc, học võ. Sư phụ tôi nhìn nó cũng thích lắm, cho nó theo học nhưng không nhận làm đồ đệ. Ông nói nhận nó làm dược đồng phụ giúp thôi. Nói thì là vậy nhưng ông dạy cả ba đứa chúng tôi như nhau, chẳng để riêng ai phần nào. Một ngày, tôi và Hiếu về hơi muộn vì đường trên núi trơn trượt, trời đổ mưa không báo trước, lúc tôi hái thuốc về đến sân cỏ của sư phụ đã hơn 6h tối rồi. Trời vẫn còn sáng nhưng bình thường giờ này chúng tôi đã tan học về nhà. Tôi thấy trong nhà có một người đàn ông cao lớn, mặt che vải đen, đội mũ che mặt đi ra bên ngoài vừa hay va vào vai tôi.
Cái người này thật hay, va vào tôi còn không xin lỗi mà vội vã chạy thẳng. Tôi nhìn sau lưng người này, cảm giác quen quen nhưng không nhớ ra ở đâu. Tôi chưa từng thấy ai đến ngôi nhà tranh của sư phụ, tuy tò mò muốn hỏi nhưng lại thôi. Tôi nghĩ bản thân không nên tò mò quá nhiều chuyện của người khác. Đặc biệt là của sư phụ tôi - người có rất nhiều bí mật.
(Cái xảo: Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm phơi rau củ quả)
Nếu yêu thích đừng ngại để lại bình luận dưới các chương truyện của mình nha. FB mình là Dạ Nguyệt Thanh Khâu, rất hân hạnh được kết bạn! https://www.facebook.com/tranthom1995/
Nhóm đọc truyện của mình trên fb: https://www.facebook.com/groups/1066847937217483/
Cảm ơn bạn đã yêu thích bộ truyện của mình! Đây là stk của mình. Đừng ngại ủng hộ mình nha, bao nhiêu cũng nhận ạ hihi.
Stk: 0731000861915
Tên tk: Tran Thi Thom
Ngân hàng vietcombank
Bạn đang đọc truyện của Dạ Nguyệt Thanh Khâu, chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!)