Chương 19: Vào nhầm phòng
Chú ngựa kia nỗ lực đứng lên, bú sữa ừng ực. Rồi nó sẽ lớn lên, chạy nhanh chạy khỏe, uy dũng giúp đời. Dù nó có phải rời xa mẹ cũng sẽ là một con ngựa chạy nhanh, tự sinh tồn tốt.
Đi loanh quanh theo chân bé Linh, một buổi chiều yên ả cũng trôi qua nhanh chóng. Tôi phát hiện ra trong vườn nhà ông Lý còn có một khu chuyên trồng dược liệu. Nhìn đám cây được chăm sóc nghiêm ngặt còn có người canh giữ, chuyên chăm sóc cây tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi đến hỏi:
“Đây là vườn cây gì vậy?”
Chị Xoan thấy tôi hỏi thì trả lời:
“Thưa mợ! Đây là vườn thảo dược chuyên dụng dành cho cậu cả. Trong vườn có một số loại cây thảo dược quý hiếm, chăm sóc rất khó, lên núi cũng không tìm được nữa.”
Tôi thấy tuy mảnh vườn này nhỏ hơn nhiều so với những khu vực khác nhưng lại có đến năm người làm. Hơn nữa năm người này lại mặc quần áo màu xanh da trời riêng biệt, trên ống tay áo có thêu hình giống như hình cỏ ba lá, màu xanh lá cây nhạt. Cả năm người đều là con trai, tuổi cũng từ hai mươi đến ba mươi tuổi.
“Quần áo của mấy người này lạ quá.”
“Thưa mợ, họ đều là những người trước đây được thầy lang n chỉ dạy cách trồng và chăm sóc thảo dược. Tuy là người làm nhưng chỉ chuyên về trồng và chăm sóc cây, ngoài ông Lý thì họ không nghe ai sai bảo hết.”
Tôi cảm thấy rất mới lạ, bất ngờ. Nhìn vào trong vườn thuốc tôi thấy rất nhiều loại. Cũng có một số loại mà tôi chưa được học đến. Tôi móc từ trong ruột tượng ra cái iphone5 rồi chụp lại mấy tấm ảnh. Sau đó nhét vào trong túi áo. Bé Linh lúc này còn đang đuổi theo con bướm trắng nên không để ý, còn chị Xoan nhìn thấy chiếc điện thoại của tôi thì ánh mắt là lạ nhưng không hỏi nhiều. Tôi cất điện thoại vào trong ruột tượng da mà bà nội để lại, sờ vào bên trong tự nhiên động vào một cái túi nhỏ bên trong. Nhưng tôi nhớ bản thân không hề có cái túi này. Tôi lôi ra, thấy nó có mùi thơm giống như trầm hương. Có lẽ là mẹ tôi để vào. Nghĩ vậy tôi cũng không suy nghĩ nhiều nữa.
Tôi thấy Linh đuổi theo con bướm mãi mà không được, con bé nhảy lên bắt mà bướm trắng bay lên cao đi mất rồi. Nhìn thấy hình ảnh này trong lòng tôi cảm thấy bình yên lạ thường. Lúc này, một người hầu từ bên trong chạy ra:
“Thưa mợ cả, cô năm, mời hai cô vào trong dùng bữa.”
Mặt trời đã ngả về tây, sắc trời nhuộm lúc này cũng không còn sớm nữa. Không trung vạn vật nhuộm một màu xanh lam tối tăm báo hiệu màn đêm sắp đến. Tôi dắt tay bé con đi vào, trên đường đi đèn đã được thắp sáng trưng nhất là trong khu vực nhà ở. Chị Xoan biết tôi còn lạ lẫm, dẫn tôi đi rửa chân tay rồi đến nhà ăn.
Đến nơi, ở đây vẫn chưa ai tới, tôi ngại ngùng đứng bên ngoài sân ngắm hoa. Bởi vì bước vào thì ở nơi xa lạ lắm quy tắc thế này chẳng biết bản thân có làm gì sai không. Người còn chưa vào cửa mà đã làm sai thì tốt nhất là đứng ngoài quan sát rồi làm sau. Tôi đang nhìn bông hoa hồng rung rinh trong gió thì ông Lý Quan, bà Huế cùng mọi người đến. Tôi nhìn qua, lễ chào ông bà theo quy chuẩn.
“Con đến rồi đấy à, sao không vào trong ngồi mà đứng đây. Mau, mau vào đây.”
Ông Lý Quan nhiệt tình, hồn hậu, thân thiết vẫy tôi vào. Tôi đi theo ông, không ngờ ông Lý Quan lại thân thiện đến thế, khác hẳn với hình ảnh khó tính, ngang tàn ngày tôi gặp ông làm pháp sự cho bà nội. Trên bàn ăn đã đầy đủ đồ ăn bao nhiêu màu sắc. Ông Lý Quan ngồi ở ghế chính, bên trái là bà Huế, ông Lý chỉ tôi ngồi xuống bên phải ngay gần ông, tiếp theo là cậu ba, vợ chồng cậu tư, bé Linh thì nhất quyết ngồi ngay cạnh tôi.
Chiếc bàn dài hình chữ nhật không biết làm từ gỗ gì được chạm khắc bốn cạnh tinh xảo, sang trọng. Trên bàn ăn không ngừng được lấp kín bằng những món ăn ngon mà người làm mang lên. Tôi nhìn nhiều món ăn trong khi nhà cũng chẳng nhiều người trong lòng cảm thấy rất lãng phí. Tôi không biết vì hôm nay là ngày đặc biệt hay ngày nào cũng dùng bữa như thế này.
Tôi ngồi im nhìn mọi người, bắt chước mà làm theo. Ai nói gì tôi cũng học sửa đổi theo thân phận mà nói. Ông Lý nhìn tôi cười cười gật đầu. Có lẽ ông cũng nhìn ra sự vụng dại nhưng lại cố tỏ ra trấn tĩnh của tôi. Khác với suy nghĩ của tôi, bữa cơm diễn ra rất rất thoải mái. Hơn nữa có ông Lý nói chuyện gần gũi lại ôn tồn, nói về những chủ đề mà tôi có thể tiếp chuyện.
Bỗng chốc tôi có cảm giác ở đây cũng không đáng sợ, không căng thẳng quá. Nhưng mà tôi còn chưa kịp an lòng thì nhìn sang ánh mắt của con Lệ đứng sau bà Huế cứ nhìn tôi chăm chăm. Tôi chẳng hiểu sao cô ta chỉ là một người ở thôi nhưng cũng dám lườm nguýt tôi. Dù gì thì tôi cũng sắp thành mợ cả của cái nhà này, tuy tôi tuổi có nhỏ, chồng tôi có là người thực vật thì cô ta cũng làm gì có chỗ mà thể hiện quyền uy ở đây? Chắc hẳn phải có gì đó hay nó có chỗ chống lưng ở cái nhà này. Mặc dù cô ta hơn tuổi tôi, nhưng những hành động mà cô ta làm và vụ việc ngoài đình hôm nọ khiến tôi không cảm thấy tôn trọng cô ta chút nào.
Ngày đó ở đình về, buổi chiều hôm sau chú Tín nói người đàn ông ở đình đúng là bị con Lệ sai bảo. Quả nhiên trong cái nhà này có người không muốn cho tôi đặt chân vào. Tôi nhìn một lượt thấy ai cũng đáng nghi. Bà Huế, thằng cha Phú dê xồm, vợ hắn ta,... Những người thuộc dòng khác này là đáng nghi nhất.
Theo tục lệ của làng, tài sản của người mất sẽ để lại chín phần cho con cả nếu không có di chúc. Mà ông Lý Quan bao nhiêu năm nay chưa từng thôi hi vọng cầu cứu tứ phương để cho con trai tỉnh dậy. Thế mới biết ông còn yêu thương cậu cả nhường nào. Có lẽ vì thế mà bên chi bè Huế càng dè chừng, sợ cậu tỉnh dậy.
Bữa cơm xong xuôi, tôi lại lên phòng khách ngồi chờ. Lần này là chờ đến giờ hợi (9-11h tối) mới đến gặp cậu cả. Ông Lý Quan dặn dò tôi đường đi, phòng của cậu ở đâu. Bởi vì từ đây đến đó tôi không được thấy mặt người khác, cũng không được để mặt người khác thấy tôi. Thế nên tôi phải một mình đi đến phòng cậu Gia Đức.
Còn tận hai tiếng nữa mới đến giờ. Tôi mường tượng và vẽ lại sơ đồ trong đầu, định hình gian phòng ở chỗ nào trong viện. Ông Lý đã nói cửa phòng cậu dán hai chữ Hỷ màu đỏ to nhất dãy, không phòng nào có nên không sợ nhầm. Thế nhưng tôi không biết rằng nếu tôi làm theo lời ông thì đời này coi như tàn rồi.
Tôi ngồi chơi điện thoại chán thì cũng đến 9 giờ tối. Để đề phòng, tôi lấy cái khẩu trang đen trong ruột tượng ra đeo lên. Đây là cái khẩu trang tôi mang từ thành phố về, chỉ dùng khi đi lên núi nhưng tôi luôn mang bên người. Thật may lúc này lại có việc cần dùng đến. Khẩu trang bị nhuốm mùi trầm thơm thơm thư thái, ngửi vào tinh thần tỉnh táo, minh mẫn rất dễ chịu.
Tôi cầm cây đèn lồng ở ngoài cửa, nhìn bốn phía xung quanh lạ lùng, khung cảnh tối đen, chỉ có ánh trăng chiếu xuống mờ nhạt. Chiếc đèn lồng bên trong thắp một ngọn nến chỉ đủ soi sáng phạm vi vài bước chân. Sáng nay tôi đã biết “thủ tục” hành trình tối nay của tôi.
Nếu “chồng” tôi bình thường thì trong trường hợp còn để tang người thân, hai người cầm hai cây đèn lồng, tìm nhau nói chuyện. Thế nhưng là tôi, thì tôi phải một mình đi ra. Anh chồng của tôi còn đang ở trong phòng ngủ ngon kia kìa. Anh ta đâu có biết đến mấy thứ hủ tục này. Tự nhiên tôi lại nghĩ người thực vật mà như anh cũng có phúc đấy. Ít nhất anh vẫn có người yêu thương, lo lắng cho anh, chăm sóc cho anh. Còn anh nằm đó, chẳng biết gì cả nên khổ hay vui cũng như nhau.
Tiếng dế kêu inh tai, tiếng ve cũng chưa ngớt, hơn chín giờ tối, tầm này ở thành phố đèn đuốc sáng trưng, người đi tấp nập, cuộc sống về đêm đông vui nhộn nhịp. Trái lại ở quê, tám giờ người ta đã đi ngủ rồi. Giờ nhìn trong “phủ” tối om chẳng ánh sáng (tôi cứ gọi là phủ đi, vì ở đây rộng lắm, như phủ của quan của chúa ngày xưa). Tôi biết hôm nay đặc biệt tắt hết đèn điện đèn đuốc để tôi cọc đi tìm trâu đây mà.
Nghĩ đến việc đường nào cũng phải làm nên tôi theo trí nhớ lời dặn của ông Lý Quan đi về phía trước. Đến cột màu xanh thì rẽ trái, rồi lại rẽ trái rồi rẽ phải… Trên hành lang, chiếc đèn lồng sáng nhờ nhờ khiến đứa quen đèn điện như tôi nhìn cũng chả được bao xa. Trong tiết trời nóng nực của mùa hè, không khí oi bực kèm theo bộ quần áo nhiều lớp này khiến tôi khó chịu. Gió đêm tuy có man mát làm dịu đi nhưng cả ngày không tắm, mồ hôi túa ra vẫn khiến tôi bức bối.
Bỗng nhiên tôi ngửi thấy một mùi hương gì đó rất lạ, dường như có người đi theo tôi. Tôi đưa tay vào ruột tượng, rút con dao bấm ra giấu trong lòng bàn tay. Một tiếng mèo kêu lên rợn cả người giữ màn đêm đông đặc.
“Méoooo.”
Tôi giơ đèn về phía tiếng mèo, một con mèo đen lao nhanh chạy đi như bị ma đuổi. Nó vừa chạy vừa gào lên “méo méoooooo méooooooo”. Tôi không thấy người lại quay lưng đi tiếp nhưng trong lòng vô cùng cảnh giác.
Đúng lúc này, khi tôi quay lại lại thấy một cái mặt nạ treo ngay trước mặt. Cái mặt nạ hình quỷ treo ngay trước mặt tôi, nếu không phải tôi đã đề phòng thì chắc chắn đã ngất xỉu lâu rồi. Tôi giật thót mình lùi về sau, theo phản xạ đá bay cái mặt nạ. Cái mặt nạ đỏ không biết làm từ chất liệu gì bị đá vào cột vỡ toang. Tuy là kiềm chế được bản thân không bị kinh hãi quá độ nhưng tim tôi đã đập thình thịch rồi. Đột nhiên tôi thấy quãng đường vài chục mét này sao mà nó lại dài đến thế. Người làm việc này là ai?
Tôi đến gần cái mặt nạ vỡ tung toé dưới đất, nhặt lên mảnh vỡ, đặt đèn lồng rồi ngồi xổm xuống. Bật đèn pin điện thoại iphone lên chụp ảnh, lại sờ lên cái mặt nạ đỏ tươi, tôi thấy một lớp bột mịn màu đỏ, toả ra thứ mùi là lạ khi nãy. Tôi không nán lại lâu sợ có biến, cầm một mẩu mặt nạ nhét vào dưới viên gạch rồi tiếp tục đi tiếp.
Tôi cứ ngỡ sẽ có biến tiếp theo nhưng không ngờ hanh thông thuận lợi. Đứng trước cánh cửa có hai chữ “hỷ” đỏ chót, tôi định bước vào. Nhưng đột nhiên có tiếng động ở phòng bên cạnh nên tôi lại dừng bước. Bật đèn pin điện thoại lên tôi bắt đầu sinh nghi. Dãy phòng này có năm phòng, phòng dán chữ “hỷ” là phòng thứ hai từ ngoài vào. Bốn phòng hai bên cửa gỗ bình thường, không được trạm khắc, Riêng phòng ở giữa, bên trong có ánh nến, cửa gỗ được chạm khắc rồng bay phượng múa.
Tôi đi lên trên, sờ vào cánh cửa của phòng chính giữa, thấy có vết keo dính còn sót lại và dấu vết giấy bị xé. Vừa đúng hai bên. Tôi nhìn phòng dán chữ “hỷ” lại nhìn phòng này, trong lòng có suy đoán. Tôi hé nhẹ cánh cửa bên phòng chữ “hỷ” sau đó bẻ một cành cây có đầu móc, móc vào cánh cửa và đặt đèn lồng ở đó, còn tôi thì bước vào trong phòng chính giữa. Đúng như tôi đoán, cậu cả đang nằm ở đây. Tôi chạy đến bàn, thổi phù một hơi sau đó chạy ra cửa kéo mạnh cái cây để cánh cửa mở ra rồi rút cành cây về trong phòng này.
Nghe tiếng cửa đập mạnh, một giọng đàn ông ở phòng bên hét toáng lên:
“Ối mợ cả ở đây làm gì. Người đâu mợ cả vào nhầm phòng…”
Tôi thấy vài người chạy lại, bà Huế cũng hối hả chạy ra. Có người dán lại chữ “hỷ” sang bên cánh cửa bên này, đèn lúc này đã bật sáng trưng cả phủ.
“Có chuyện gì? Có chuyện gì? Sao mợ cả lại vào nhầm phòng?”
Giọng bà Huế chói lọi giữa đêm khuya.
Tôi nhìn qua khe cửa, thấy mọi người đã đông đủ, ông Lý Quan cũng vừa đến. Ai cũng nghe thấy giọng bà Huế nói oang oanh chắc nịch, Tên Phú kia ra vẻ hoảng hốt nói:
“Cái gì? Chưa gặp chồng đã vào nhầm phòng thằng ở. Đúng là vô phúc…”
Bốp!
Thằng Phú còn chưa kịp nói hết câu đã bị ông Lý cho một bạt tai. Mấy người đang nhốn nháo lặng im phăng phắc nhìn ông Lý sắc mặt đen thui. Chị Xoan trong đám đông, sắc mặt lo lắng. Con Lệ khinh khỉnh định nói gì bị bà Huế lườm cho lại ngậm miệng lại. Tôi ở trong tối nhìn ra ngoài sáng, mọi thứ ở trong mắt tôi rõ mồn một.
Đang xem biểu hiện mỗi người tự nhiên tôi thấy gáy hơi ngưa ngứa như có ai thở hơi vào, thế nhưng quay lại thì chẳng thấy ai. Tôi lau mồ hôi, da gà tự nhiên nổi hết lên.
“Bật đèn trong phòng, cô Nguyễn ra đây!” - Ông Lý sắc mặt tỏ ra nghiêm trọng nói.
Hoá ra trong phòng bên kia vẫn còn tối, chưa bật điện. Tôi chỉ nghe tiếng người hét lên ban nãy liên tục xin tha, nói lỗi không phải của hắn. Vậy thì chắc chắn là lỗi của tôi rồi.
“Có phải cô Nguyễn không muốn lấy cậu cả nên…”
Con Lệ bạo miệng lên tiếng, chưa kịp nói xong chị Xoan đã vả cho cô ta mấy bạt tai. Con Lệ ôm mặt, chỉ vào chị Xoan:
“Mày… mày… “
Ông Lý lúc này đang bực dọc, con Lệ nói nhiều ông không chịu nổi nữa:
“Lôi con Lệ ra tát năm mươi cái!”
Con Lệ mặt xám ngoét nhưng không dám nói thêm. Hai người kéo con Lệ đi. Không khí lúc này vô cùng yên tĩnh, ngay cả tiếng ve cũng ngừng bặt, tiếng dế cũng im ru.
“Cô Nguyễn…”