Chương 17: Gặp anh chồng sắp cưới bất tỉnh mười năm

Chương 17: Gặp anh chồng sắp cưới bất tỉnh mười năm

“Hôm trước con đến cây ước nguyện gần đình làng, con trèo lên, lại thấy một cái đèn lồng. Trên đấy là ghi ước nguyện của bà mẹ ạ.”

Mọi người nghe tôi nói thế vẻ mặt ai cũng kinh ngạc. Thím Chi lúc này mới hỏi tôi:

“Bà ghi gì trên đó?”

“Trong đó bà ghi là mong gặp lại được bà Cúc thím ạ.”

Lúc này mọi người đã về gần đến cổng nhà chú Tín. Mẹ tôi buồn buồn thở dài:

“Lúc ấy bà gọi các chú vào, bà bảo chú làm cho, mẹ cũng thấy chú Nghĩa mang đèn lồng đi, đến lúc quay về báo đã xong lúc ấy bà mới trút hơi thở cuối cùng.”

Tôi nghe xong mà nghèn nghẹn trong lòng, ngực tôi nhói lên chua xót. Đến cuối đời ngay cả ước nguyện cuối cùng của mình bà cũng bất lực. Bà sống một đời hiền lành, giúp người giúp đời như thế nhưng cũng chẳng thể nào gặp được em gái mình. Chắc là lúc đó bà tuyệt vọng và khổ tâm lắm.

Vừa đi vừa nghĩ mông lung đã vào đến nhà. Trong nhà, bố và các chú, thằng Hiếu đã bày biện cỗ, thắp hương xong xuôi. Bố tôi đang đốt vàng hương cho bà.

“Mọi người về rồi à. Vào rửa chân tay rồi chuẩn bị ăn cơm đi.”

“Vâng.”

Nghe bố tôi nói thế mọi người vào cất đồ rồi đi rửa chân tay. Tôi chạy ra cùng bố đốt vàng mã. Bố tôi bảo hôm nay làm mâm cơm báo cáo gia tiên, báo cáo bà, mong bà phù hộ cho con ngày mai thuận buồm xuôi gió. Tôi kể chuyện ở phường thêu nhà bà Nga cho bố nghe. Dù bà Nga có bảo tôi giấu tung tích chiếc áo kia nhưng với bố mẹ, tôi không muốn giấu điều gì hết.

“Con phải giữ bí mật đừng để ai biết. Sang nhà đó lúc nào cũng phải mặc trên người. Nhà chú Chí có chị người làm tốt tính, chú Chí bảo từ mai sẽ đi theo con. Sau này nó cũng sẽ đi theo bảo vệ chăm sóc con. Ở nơi không ai nương tựa chí ít cũng có người để tin tưởng.”

Tôi vâng dạ nói chuyện phiếm. Bố tôi nghe chuyện Lý Gia Phú xong tay nắm đấm chặt lại. Tôi hiểu cảm giác của bố lúc này. Chỉ là tôi không biết bố lại bảo vệ và yêu thương tôi đến vậy. Tôi càng không thể biết vì tôi mà bố đã làm bao chuyện âm thầm để bảo vệ tôi chu toàn, cho tôi những điều đẹp nhất.

“Vào ăn cơm thôi.”

Mẹ tôi gọi. Tôi và bố dậy đi vào. Thằng Hiếu kéo kéo tay tôi ra bên ngoài, nhét vào tay tôi chiếc điện thoại iphone 5. Nó nói:

“Chị cầm lấy, cho chị đó, sạc đầy vào đêm mai có khi có lúc dùng đến.”

Xong nó giơ một cái điện thoại khác trên tay nó. Tôi gật gật đầu rồi hai chị em vào trong ăn cơm.

Một ngày qua đi, buổi tối tôi ngủ với mẹ, mẹ dặn dò nói chuyện thầm kín của phụ nữ. Tôi vừa nghe vừa đỏ mặt. Mẹ nhìn tôi cười cười.

“Phụ nữ rồi ai cũng phải biết. Nhưng mẹ nói cho con biết sẽ chủ động cho con hơn. Đây là chuyện bình thường của tạo hóa, của con người. Con sẽ quen dần thôi. Hơn nữa con học y không thể không biết.”

“Vâng!”

Tối nay tôi được tiếp thu mớ kiến thức siêu to khổng lồ, vô cùng bí ẩn vô cùng cuốn hút. Rõ ràng đây là những thứ mà tầm tuổi chúng tôi tò mò hay muốn tìm hiểu. Nhất là từ tầm tuổi dậy thì, trong trường học lớp sáu lớp bảy đã không ít đứa rủ rê tôi xem phim đen. Thế nhưng tôi biết nó chẳng tốt đẹp gì cho tuổi này nên dù tò mò lắm cũng kiềm chế. Thế nhưng tụi con trai thì nhiều thằng lớp chín lớp mười đã trốn mẹ làm những thứ linh tinh, xem phim linh tinh. Có lẽ đây là thế giới riêng của tụi trẻ mà chính bố mẹ cũng không thể kiểm soát được.

Hồi nhỏ, lớp chín, tôi còn nghe tụi con trai rủ nhau học nhóm nhưng lại nháy nháy mắt với nhau bảo hôm nay có “bài tập” mới hay lắm. Ôi dào tôi nghe là hiểu chúng nó nói cái gì. Bởi vì chúng nó ra hiệu với nhau. Phụ huynh thì không biết lại tưởng con cái chăm học, nếu bố mẹ không thực sự quan tâm và quan sát con kỹ càng sẽ không nhận ra sự thay đổi của con cái. Lại có những đứa ở nhà ngoan ngoãn vô cùng không ngờ ra ngoài lại là đầu gấu của trường. Nó giống như người hai tính cách vậy.

Đương nhiên cái gì cũng có nguyên do của nó. Nhưng mà tầm học sinh cấp hai cấp ba chính là độ tuổi tò mò hay bị cách thành phần xấu rủ rê nhất. Nhớ lớp tôi có một cô bạn, bị người yêu rủ rê, mới lớp mười một, mười bảy tuổi đã phải bỏ học ngang vì có bầu. Nó xinh xắn, học giỏi nhưng bố mẹ lại ít quan tâm. Đem ra nó mang hết tình cảm đặt vào thằng bạn của tôi. Cũng may thằng bạn đó đến giờ vẫn ở bên cạnh hai mẹ con nó. Và cũng may là nhà nó giàu có, nên nó cũng không phải thiếu ăn thiếu mặc gì. Nhưng làm mẹ ở cái tuổi ấy thi thoảng nó nhắn tin kể khổ với tôi. Tôi làm sao có thể hiểu được cái cảnh mười bảy tuổi đi làm dâu chứ. Vì nó chưa đủ tuổi kết hôn nên còn rất nhiều chuyện lằng nhằng không kể hết được.

Tôi và mẹ lan man kể chuyện ngày xưa, tôi cũng kể cho mẹ nghe những chuyện mà hồi đi học nghe tụi nó nói. Mẹ tôi sửng sốt. Bởi vì không ngờ những thứ này trong đám học sinh lại được lưu truyền theo cách không chính thống như thế.

“Đâu phải bố mẹ nào cũng có thời gian, điều kiện để quan tâm đến con cái. Kể ra thì có rất nhiều bố mẹ không ngờ tới trường học mà tụi nhỏ lại có thể làm ra như thế.”

“Vâng, trong trường học còn nhiều vấn đề mà người lớn không biết được đâu mẹ ạ.”

Hai mẹ con tôi nói chuyện đến đêm khuya mới đi ngủ. Trong giấc ngủ tôi mơ thấy bà, mơ thấy những ngày còn bé ở với bà. Rồi tiếng bà ru, bà kể chuyện cho tôi nghe tựa như mới ngày hôm qua vậy. Chỉ là kết thúc giấc mơ, bà đi về bên kia cầu, bà không cho tôi đi theo.

“Về đi, không được theo.”

Tôi nhất quyết đi theo bà, giữ tay bà lại mà không được. Cây cầu tan biến, chỉ còn lại một mình tôi đứng ở mảnh đất trống mông lung sương khói.

Buổi sáng tỉnh dậy đã là sáu giờ sáng. Mọi thứ đã chuẩn bị đầy đủ, mọi người cũng tập trung ở đây. Tám giờ nhà trai sang bắt đầu nghi lễ. Mọi người ăn vận quần áo lịch sự trang trọng theo văn hóa ở đây. Nam thì mặc áo dài tứ thân màu xanh, đen. Các cô các thím mặc áo tứ thân bằng lụa thêu tinh xảo, trang nhã lại tươi đẹp mà không quá màu mè.

Tôi mặc bộ áo hôm qua đặt may ở nhà bà Nga. Bên trong mặc lớp áo lót, sau đó là bộ quần áo bảo vệ rồi mới đến lớp áo bên ngoài. Trời hè nắng nóng nhưng cảm giác mặc quần áo này lại mát mẻ dễ chịu vô cùng. Giống như là vải được làm từ băng đá vậy. Tôi đội chiếc mấn hồng có gắn những dải hoa tinh xảo, lại thêm trâm phượng ngậm ngọc trên đầu. Chưa bao giờ tôi lại thấy mặc quần áo tốn thời gian và rườm rà đến thế. Cả thời gian mặc và chuẩn bị phải mất hơn một tiếng.

Mẹ tôi thoa son, điểm phấn cho tôi xong, mọi thứ đã sẵn sàng. Chẳng mấy chốc nhà trai đã đến. Đi đầu là ông Lý Quan. Ông Lý mặc bộ quần áo sang trọng màu vàng pha nâu. Tiếp theo là một người phụ nữ ăn mặc quý phái nhất nhưng tôi nhìn thấy đã chẳng có mấy thiện cảm. Bởi vì ánh mắt và khuân dung của bà ta cứ làm cho người nhìn cảm thấy ác ác, không muốn lại gần.

Đằng sau tôi thấy Lý Gia Minh, Lý Gia Phú đi khuất đằng sau và bé con Lý Gia Linh nữa. Con bé thấy tôi nhìn lại, cười tươi, mắt sáng cả lên. Một đội đằng sau bưng theo một mâm trầu cau to lớn được trang trí tinh mỹ, tươi đẹp. Tiếp nữa là mấy cặp vò rượu từ bình đất nung giống như trong phim thời xưa, lại được dán chữ hỉ màu đỏ. Rồi một cặp gà trống mái, một cặp mâm bánh kẹo truyền thống cũng được sắp xếp rất chỉn chu.

Mẹ kéo tôi vào chỗ ngồi. Nhà trai nhà gái ra nhận đồ. Đáng ra hôm nay sẽ có chồng sắp cưới của tôi sang nhưng anh ta còn đang nằm yên một chỗ nên tôi cũng chỉ cần ngồi đó cho có mặt. Mọi thứ đã có mọi người nhận thay. Ông Lý Quan vào bàn thờ thắp hương sau đó xin mọi người về nhà. Thủ tục xong xuôi, mười giờ sáng cả đoàn nhà tôi đi về nhà ông Lý.

Nhà ông Lý đã chuẩn bị đầy đủ xe, người. Tôi bước ra cửa, nhìn thấy mọi người vây quanh chật đường. Trên đường đi, hai bên đường cũng rất nhiều người đứng hai bên, trông như đi xem hội. Xe ngựa nhà ông lý rộng rãi, một xe đi được bảy tám người, lại được kết hoa hồng đỏ, hồng tím, mẫu đơn nhiều màu xinh đẹp, rực rỡ lung linh. Tôi vén rèm ra ngắm nhìn cảm thấy mọi thứ rất mới mẻ. Bỗng chốc tôi dường như quên mình là nhân vật chính trong sự kiện này.

Hôm nay là lần đầu tiên tôi đến nhà ông Lý. Cổng nhà ông Lý Quan hiện ra, vô cùng to lớn, cánh cửa dày nặng nề nhìn vào cho người ta cảm thấy khí thế quyền quý, trầm trọng. Tường vây bao quanh cũng dán đầy chữ hỉ màu đỏ. Cánh cửa nặng nề mở ra, rộng thênh thang. Đoàn người xuống xe, nhà tôi theo nhà ông Lý tiến vào bên trong. Bên trong là một khoảng sân rộng rồi mới đến nhà chính. Hai bên sân có vườn hoa xinh đẹp lại có đình hóng mát trông có vẻ là lạ.

Nhìn kiến trúc mái ngói màu đỏ cong cong mũi hài, nhà bằng gỗ sơn son trông vừa cổ điển vừa khí thế. Lối kiến trúc này cho người ta cảm giác như người bình thường bước vào một vương phủ. Vào bên trong, người làm bên ngoài đã có đến hơn chục người đi qua đi lại, tất bật rộn ràng.

Vào đến bên trong tôi lại càng bất ngờ hơn. Đúng là gia đình giàu có, có tiếng trong làng có khác. Mọi thứ được sắp đặt hoàn hảo. Hoặc ít nhất trong mắt một đứa như tôi cảm thấy rất đẹp, rất uy nghi, rất trang trọng. Theo lịch trình, buổi sáng sẽ dùng cơm ở đây, mọi người sẽ ra về trước năm giờ chiều.

Cỗ đã được bày biện sẵn trông có rất nhiều món lạ mắt mà tôi chưa bao giờ thấy trong cỗ cả. Chỉ có một điều tôi thấy được đó là mâm cỗ thịnh soạn, được chuẩn bị rất công phu, nhìn vào đã thấy ngon miệng rồi.

Mọi người ngồi vào chỗ, bố tôi đại diện nhà gái cùng với ông Lý ngồi cùng bàn nhau nói chuyện, lại làm lễ thắp hương rồi mới tuyên bố dùng bữa. Ngày hôm nay, đáng ra sẽ là ngay hai bên nam nữ gặp mặt nhau. Nhưng chàng rể lại đang ở trong phủ nên mọi người cũng không biết mặt mũi.

Trước khi đến đây mấy hôm tôi còn nghe được một chuyện. Đó là cô Thư bên làng Đa cũng là người được ngày như tôi, sinh vào ngày tháng có bát tự phù hợp với nhà cậu chủ. Nhà cô Thư bên đó tuy không giàu không quyền thế như nhà ông Lý nhưng cũng thuộc dạng có của ăn của để. Cô Thư này cũng rất cá tính. Bà mai sang hỏi cô thẳng thừng từ chối. Chỉ có điều câu nói hơi đau đớn một chút. Nghe đâu cô nói rằng: “Tôi thà ở vậy cũng chẳng về cưới một người tật nguyền ngu si còn không biết lúc nào chết.”

Tôi thấy cô Thư này nói rất đúng. Chỉ là nói trước mặt nhiều người đem ra lại thành dở. Vì nhà ông Lý mất hết mặt mũi sau này cũng không qua lại với gia đình cô Thư nữa. Mặc dù trước đó nghe nói hai gia đình cũng có quan hệ tốt lắm. Nhưng khi tôi nghe kể chuyện này, tôi cảm thấy rất vừa lòng. Cô ấy chính là nói ra điều mà tôi cũng nghĩ như thế.

Đang miên man suy nghĩ thì một người hô:

“Cậu cả đến rồi.”

Tôi nhìn theo hướng người hô lên. Thấy từ bên cửa một người đẩy cậu cả đang ngồi trên xe lăn vào. Cậu mặc một bộ quần áo màu xanh da trời bằng lụa thêu sang trọng. Gương mặt góc cạnh, nam tính, cơ thể ngồi ở xe nhưng tôi lại có cảm giác rất và vững vàng, to con hơn những gì tôi tưởng tượng. Theo ước tính của tôi cậu ta dễ cũng cao trên mét bảy.

Trước đây tôi nghĩ một người sống mười năm thực vật thì cơ thể yếu ớt, xanh xao, cơ bắp làm sao mà có thể phát triển bình thường được. Tôi từng có thời gian theo mẹ đến những trại trẻ mồ côi, ở đó cũng có nhiều bé bị bệnh tật từ nhỏ, chỉ nằm yên một chỗ. Đến khi lớn lên do không được hoạt động nên chân tay teo lại rất nhỏ, rất đáng thương. Thế nên theo suy luận của tôi người càng ít hoạt động thì chân tay sẽ càng co nhỏ lại. Không ngờ cậu cả nhà họ Lý lại ngoại lệ.

Cậu có nước da hơi nâu nhưng sáng, rắn rỏi, nam tính cực kỳ. Không hề ẻo lả hay có chút nào gọi là thư sinh cả. Nếu cậu mở mắt đứng dậy mà vác cái cuốc trên vai tôi còn tưởng là một người đàn ông lực điền ngày ngày chăm chỉ làm việc. Hoặc ở thành phố thì cũng là người chăm chỉ thể dục thể thao.

Tuy trong lòng tôi vô cùng bất ngờ nhưng tôi không tỏ vẻ gì hết. Theo lệ vào ngồi một bàn với ông Lý và bố mẹ tôi. Cậu cả được đẩy vào chỗ ngồi đối diện với tôi. Mọi người làm theo các nghi lễ chào hỏi, nhấp rượu uyên ương rồi trao đổi thức ăn và ăn cơm. Cậu cả Lý Gia Đức không thể tự tay uống rượu nên người hầu bên cạnh tên là Luận đã giúp cậu chạm chén lên miệng. Không biết có phải ảo giác hay không, tôi thấy yết hầu của cậu động một cái.

Bữa cơm diễn ra bình thường, mọi người trò chuyện vài vấn đề trong hôn lễ sắp đến. Bố tôi bàn bạc về việc rước dâu ban đêm. Còn tôi thì vừa ăn vừa chú ý đến bên cậu Đức. Thi thoảng tôi lại có cảm giác rất lạ lùng.

Bữa cơm xong xuôi, theo như thông lệ mọi người sẽ về, tôi và cậu cả sẽ trò chuyện riêng. Thế nhưng cậu ta vừa ăn xong đã được đưa về phòng riêng, để tối gặp mặt. Vì đây là tập tục riêng trong vùng, người nam và người nữ gặp nhau để quyết định có thật sự muốn bên nhau không. Tuy rằng với chúng tôi việc này chẳng có ý nghĩa gì thế nhưng vẫn phải làm cho đủ thủ tục.

Thằng Hiếu chạy ra chỗ tôi ghé vào tôi nói.

“Tối em ở bên ngoài tường, bật sóng bluetooth lên rồi. Chị có gì cần gửi thì chụp ảnh truyền qua. Em đã kết nối với bluetooth của chị rồi đấy.”

Tôi giơ một ngón cái lên khen nó thông minh. Đúng là thằng em đáng đồng tiền bát gạo của tôi. Tôi gật gật đầu.

“Sóng này truyền được từ mười đến bốn mươi mét. Càng xa càng yếu. Em nhìn rồi, e đứng ở chỗ kia thì chị phải chạy đến gần mới được. Xa quá là không ổn đâu đấy.”

Tôi nhìn theo hướng chỉ vị trí của nó, đúng là khu vực gần nhất với nhà. Chỉ là cách một bức tường cao mà thôi. Tôi gật đầu nói đã rõ ràng rồi, sau đó cảm ơn nó. Mấy đứa nhỏ tụi tôi nói chuyện phiếm, người lớn bên kia cũng có chuyện riêng.

Lúc này trong khu vực nói chuyện chia thành ba nhóm, nhóm người lớn bàn công việc. Nhóm của bên nhà gái chúng tôi và nhóm nhà trai. Bên kia có cô Thanh con nhà bà Nhã, bé Linh, cậu ba và cậu tư nhà họ Lý. Con bé Linh chẳng mấy chốc đã chạy sang bên chỗ tôi. Tôi cũng không biết tại sao con bé này vừa thấy tôi đã hay bám theo tôi như vậy. Có lẽ nó cũng giống tôi, tôi vừa nhìn thấy nó đã cảm thấy rất có thiện cảm, muốn thân cận hơn.