Chương 27: chương 29 - 30

Chương 29

Chiếc tàu Pilgrim Pride nhỏ, chật, tối tăm, và đầy mùi mốc. Nó được vài tổ chức cứu trợ của Mỹ góp tiền mua lại của một hãng buôn và nay do Hội Phụ Nữ Cứu Trợ New York điều hành chính thức. Nó đã đi được bốn chuyến, chở hàng nghìn dân tị nạn chiến tranh từ châu u đến New York.

Hội Phụ Nữ Cứu Trợ New York (HPNCTNY) được nhiều người và nhiều tổ chức khắp nước Mỹ yểm trợ hoạt động. Hội đã thuê một đoàn thủy thủ chuyên nghiệp để lái chiếc Pilgrim Pride.

Những người đi trên tàu này đều trong tình trạng nghèo khó, ở từ nhiều xứ khác tìm đến Paris để được chở qua Mỹ. Có nhiều người đã đi bộ hàng mấy tuần, hàng tháng, có cả trẻ em, không nhà không cửa. Có nhiều người đã đói ăn từ lâu, chưa từng thấy biển, chưa đi tàu bao giờ...

HPNCT không thuê được bác sĩ đi theo tàu săn sóc người tị nạn, nhưng đã thuê được một nữ y tá trẻ tuổi có khả năng và nhiệt tình. Trên các chuyến đi xa thì công việc của cô y tá này rất quan trọng. Cô ta đã từng đỡ đẻ chín trường hợp, cấp cứu bốn vụ đau tim, và lo liệu sáu vụ bị chết trên tàu.

Cô y tá này tên là Nancy Townsend, đã quen với chuyện những người đói khát, thất vọng, nạn nhân lâu dài của chiến tranh... Mỗi chuyến đi từ Paris có nhiều người không đến được New York. Phần nhiều vì quá yếu không chịu nổi hải hành. Nhưng cũng có nhiều người trông mạnh mẽ nhưng lại ngả nửa chừng đường.

Hôm nay cô gái đi từ Pyrenees chạy đến tìm Nancy Townsend báo rằng có một nữ hành khách đang hấp hối ngay dưới chỗ giường cô gái ấy nằm.

Nancy đến ngay, bắt mạch cho Ariana, bảo mọi người lui ra, vì họ cứ xúm lại nhìn, lo ngại cho nàng có thể chết trong đêm. Hai ngày hôm trước, tức là vào ngày thứ tư kể từ khi rời cảng Le Harve, đã có một người chết rồi.

Nancy cho dời Ariana đến một phòng trống. Lúc này tay chân Ariana cứ bị co quắp, và sốt dữ dội. Nancy tận tâm cứu chữa, nhưng Ariana vẫn cứ mửa liên miên. Vào ngày cuối của cuộc hành trình bảy ngày thì Ariana mửa liên miên và ngất xỉu. Nàng không nhớ được một chữ tiếng Anh, nói với cô y tá Nancy bằng tiếng Đức, cô này chẳng hiểu gì, chỉ nghe Manfred, Papa, Gerhard, Hedwig...

Buổi sáng cuối cùng, Ariana nhìn cô y tá với đôi mắt đau đớn, nhưng có vẻ bớt sốt. Nancy mỉm cười nói:

- Hy vọng cô đỡ hơn rồi đấy.

Ariana gật đầu rồi ngủ một giấc, không được nhìn thấy cảnh tượng khi tàu vào cảng New York.

Một quan chức đặc biệt xuống tàu gặp cô y tá, nghe qua các lời tường trình, rồi hỏi:

- Cô thấy trường hợp này thế nào? - Nếu Ariana mắc một chứng bệnh gì thì sẽ không được lên bờ.

- Tôi không thể nói chắc như thế nào. Có lẽ cô này đã bị hành hạ hoặc bị nhốt trong trại tập trung gì đó. Ông xem xét thử.

- Không bị vết thương, bệnh truyền nhiễm, hay cùi hủi gì chứ?

- Tôi không thấy gì. Nhưng cô ta mửa rất nhiều. Ông xem lại, không biết cô ta bị nội thương gì chăng.

Cô Nancy nhìn viên chức cứu trợ, và nói tiếp:

- Tôi không chắc chắn gì lắm về trường hợp cô này.

- Không sao, cô Townsend. Chắc cô bận bịu vì vị khách này lắm nhỉ. Nay cô hẳn vui lòng chuyển qua cho chúng tôi.

Cô y tá mỉm cười:

- Vâng, tôi nghĩ là chuyển qua quý ông, cô ta sẽ có cơ may sống lại được. Nhưng chắc phải lâu...

- Tôi cũng thấy thế... - Ông ta châm thuốc hút và lên nhìn hành khách đang xuống cảng. Ông ta đợi lúc lâu thì có hai nhân viên trực đưa cáng lên khiêng bệnh nhân. Ariana cựa mình, nhìn lơ mơ cô y tá. Nàng không biết các chuyện xảy ra chung quanh. Nàng được đưa rời khỏi tàu. Thực sự ra thì nàng cũng chẳng cần biết đang đến đâu...

Chương 30

- Ariana... Ariana... Ariana... - Nàng nghe tiếng gọi xa xăm, không rõ là tiếng mẹ nàng hay bà vú Fraulein Hedwig, nhưng nàng không thể nào trả lời được... Nàng cảm thấy mệt mỏi ghê gớm...

- Ariana... - tiếng gọi vẫn dai dẳng, một hồi lâu, Ariana cố mở mắt...

Một phụ nữ cao lớn mặc đồ đen đang đưa tay vuốt tóc Ariana, khi bà ta bỏ tay xuống, Ariana thoáng thấy một chiếc nhẫn kim cương trên tay trái bà ta.

- Ariana? - Nàng vẫn không thể nhớ chuyện gì đã xảy ra. Nàng đang ở đâu? Người phụ nữ này là ai? Mọi thứ trong đầu nàng như rời rạc lộn xộn. Nàng đang nằm trên tàu thủy chăng? Hay nàng đang ở Paris?... Berlin?

- Cô có biết cô đang ở đâu không? - Người phụ nữ hỏi bằng tiếng Anh. Ariana nhìn bà ta như muốn bà ta cho biết xem nàng ở đâu. Bà ta nói:

- Cô đang ở New York đấy. Chúng tôi đưa cô vào bệnh viện đây để săn sóc cho cô.

Bà Ruth Liebman ngừng giây lát, đoạn hỏi:

- Cô có thấy đỡ hơn chút nào không?

Bác sĩ đã cho bà Ruth biết là họ không hiểu tại sao cô Ariana này lại kiệt sức như vậy, có lẽ chỉ vì mửa quá nhiều khi đi tàu thôi. Điều đáng ngại là cô này không thiết gì nữa cả, cô có thể để liều, không muốn sống. Cần phải có một người giúp đỡ cô ta tỉnh trí lại. Các bác sĩ đã báo cho bà Ruth Liebman, Hội trưởng của Hội Phụ Nữ Cứu Trợ New York, và bà ta đã thân hành đến thăm Ariana. Bà ta nhìn Ariana mà không biết gì hơn về nàng cả. Chỉ biết là qua sự sắp xếp của Jean-Piere De Saint Marne, họ chấp thuận đỡ đầu cho nàng đến Mỹ. Bà ta cũng chỉ biết sơ sài về ông Jean-Pierre như một hội trưởng hội người tị nạn ở Paris.

Bà ta có hai con bị chết trong trận Nhật đánh Trân Châu Cảng. Bây giờ bà còn hai con gái và một trai. Bà cũng đã gặp nhiều chuyện không may trong chiến tranh. Khi chiến tranh chấm dứt bà đã tình nguyện vào Hội Phụ Nữ Cứu Trợ New York.

Lúc này Ariana vẫn nhắm nghiền mắt lại. Nàng hỏi khe khẽ:

- Sao tôi nằm đây?

- Vì cô đi tàu bị đau nặng, Ariana ạ. Chúng tôi mong là cô tỉnh lại.

Ariana mỉm cười đầy vẻ cay đắng.

Bà Ruth đỡ đầu nàng dậy, cho nàng nhắp một chút nước súp, rồi để nàng nằm xuống lại. Bà nhìn đôi mắt đờ đẫn của Ariana. Rõ ràng cô gái này hoàn toàn tuyệt vọng ở cuộc sống.

Bà hỏi nhỏ nhẹ:

- Ariana, cô là người Đức à? - Ariana vẫn nhắm mắt, nhưng gật đầu. Bà Ruth lại đưa tay dịu dàng cầm tay Ariana. Có lẽ cô gái này cần có người để thổ lộ nỗi niềm, để chia sẻ những sợ hãi đang ám ảnh.

- Cô rời nước Đức một thân một mình sao, Ariana?

Nàng gật đầu. Bà Ruth khích lệ:

- Cô thật là can đảm. Cô đi mất bao xa?

Ariana nhìn khuôn mặt tử tế của bà Ruth, có vẻ nghi ngờ bà, nhưng rồi nàng cũng đáp:

- Tôi đi gần chín trăm cây số... mới qua được Pháp. Dù bà Ruth có là mật vụ, cảnh sát, thì nàng cũng chẳng cần, chẳng sợ gì nữa.

Bà Ruth Liebman trái lại thì là một người thích làm công tác xã hội từ thuở còn trẻ. Bà là người không bao giờ chịu mất hy vọng trong một việc gì. Bà ngồi lặng lẽ nhìn Ariana, muốn hiểu rõ nỗi buồn của nàng để tìm cách giúp đỡ, cứu vớt cho nàng. Bà lấy giọng thật dịu dàng để hỏi:

- Thế gia đình thì sao Ariana?

Nghe đến đấy Ariana khóc một hồi lâu. Rồi như được vơi nỗi lòng, nàng gượng ngồi dậy, lắc đầu, và nói:

- Chết hết rồi bà ạ... cha tôi... em trai tôi... và... - Nàng định nói "và chồng tôi", nhưng nàng không tài nào nói tiếp được. Bà Ruth ôm nàng vào vòng tay bà, và nói:

- Ariana, cô không nên nhìn lại quá khứ làm gì. Phải nhìn tới tương lai. Đây là một xứ sở mới cho cô, một cuộc đời mới cho cô...

Ariana bỗng cảm thấy như được nằm trong vòng tay một người mẹ. Nàng khóc nức nở. Bà Ruth tiếp:

- Ariana, nhưng người mà cô yêu thương ấy không rời bỏ cô đâu, họ sẽ ở mãi cùng cô trong tâm tư... - Bà nghĩ đến chồng bà... đến đứa con trai đã chết mà bà vẫn còn thương nhớ.

Ariana bỗng như thấy một niềm hy vọng nơi người đàn bà dịu dàng này, nàng hỏi:

- Bây giờ tôi phải làm sao đây bà nhỉ?

- Trước đây cô đã làm nghề gì? - Hỏi xong bà Ruth mới thấy mình ngớ ngẩn. Cô gái này trông còn trẻ quá. Bà hỏi lại:

- Cô đã đi làm chưa?

Ariana lắc đầu, nói:

- Cha tôi là một người làm ngân hàng. Đúng ra, sau chiến tranh tôi phải đi học Đại học. - Nàng ngắm mắt lại rồi nói tiếp: - Nhưng chuyện đó bây giờ đã xa quá rồi, không còn ý nghĩa gì nữa cả...

- Cô bao nhiêu rồi Ariana?

- Hai mươi ạ. - Còn nhỏ hơn cả chính con của bà nữa ! Hai mươi tuổi mà phải lưu lạc xa xôi đến thế? Tại sao người ta lại giết cha mẹ của cô ta? Bà Ruth cảm thấy đau thương cho Ariana. Bà cảm thấy rõ ràng là Nazi đã hại cô gái xinh đẹp này. Thật tội nghiệp. Bà cố cầm nước mắt để khỏi khóc.

Hai người lặng yên một lúc lâu thật lâu. Rồi bà Ruth mới nói:

- Cô phải quên hết những gì đã qua. Quên tất cả. Và phải có một cuộc đời mới. Từ hôm nay, Ariana ạ, mọi chuyện đều mới đấy. Một ngôi nhà mới, một đất nước mới, những bạn bè mới, thế giới mới.

Ariana nhìn bà Ruth với đôi mắt thất thần và hỏi:

- Ai bảo trợ cho tôi, thưa bà?

- Trước hết là cô yên tâm cho khoẻ đã. Chúng tôi đã thu xếp rồi...

Nhưng sự thật là cho đến lúc này bà Ruth chưa biết gia đình mà bà đã hỏi thăm có chịu nhận Ariana không. Đấy là một gia đình Do Thái có cửa tiệm, họ muốn có một cô gái đứng bán hàng. Nhưng họ lại thích một cô gái Pháp hơn là Đức. Và lại là một cô gái khoẻ mạnh, chứ đang nằm nhà thương, thì ích lợi gì?

Bỗng một ý nghĩ chợt đến với bà Ruth. Bà sẽ thuyết phục chồng bà mướn Ariana làm việc gì đó ở hãng chăng. Bà đứng dậy và nói với nàng:

- Mọi việc sẽ tốt đẹp cả.

- Tôi còn phải nằm ở đây bao lâu ạ? - Ariana nhìn chung quanh phòng bệnh viện. Đây là một phòng riêng xa cách các phòng khác vì Ariana đã liên tiếp kêu ré trong các cơn ác mộng của nàng. Sáng nay bà Ruth đã nghe nói là họ sẽ đưa nàng trở lại các phòng bình thường. Bà nói với Ariana:

- Cô chỉ nằm bệnh viện vài ngày nữa thôi. Cô khoẻ hơn một chút là chúng tôi đón cô. Yên tâm nằm đây nhé!

- Lạy Chúa, không biết đồ đạc của tôi đâu mất rồi!

- Không sao đâu Ariana. Cô y tá trên tàu đã trao chiếc vali của cô cho chúng tôi, và người ta đã bỏ vào phòng khóa kỹ cho cô. Đừng lo.

Tuy nhiên Ariana nhìn xuống tay mình thì không còn chiếc nhẫn của Manfred cũng chẳng còn chiếc nhẫn kim cương của mẹ nàng. Bà Ruth thấy nàng nhìn là hiểu ngay, bà nói:

- Cô y tá đã giữ giùm tất cả những đồ quý giá cho cô.

Rồi bà nhỏ nhẹ tiếp:

- Cô hãy tin chúng tôi. Chiến tranh đã chấm dứt rồi. Bây giờ cô được an toàn yên ổn.

Bà Ruth bấm chuông, một người y tá bước vào, bà ta thảo luận gì đó, và lát sau người y tá đem chiếc vali vào cho Ariana. Nàng hỏi ngay:

- Thế hai chiếc nhẫn của tôi? - Nàng nói tiếng Anh hơi thô thiển. Người y tá nói:

- Cô có đeo nhẫn à? - Người y tá đi ra ngoài một lát, trở vào với một chiếc bì thư, đưa cho Ariana. Nàng mở ra thì thấy hai chiếc nhẫn. Nước mắt nàng trào ra. Nàng đeo thử vào thì thấy vô cùng lỏng lẻo, vừa chúc tay xuống, hai chiếc nhẫn đã rơi trên bụng nàng. Nàng nhận ra mình đã đau nặng và sút giảm kinh khủng hơn nàng đã tưởng rất nhiều. Hai mươi hai ngày kể từ ngày nàng rời Berlin... Nàng tưởng như hai mươi năm đã trôi qua... Bốn tuần trước nàng còn nằm trong vòng tay êm ấm của Manfred, thế mà nay sẽ không còn bao giờ thấy mặt chồng được nữa. Nàng ôm chặt chiếc nhẫn cưới vào bụng nàng, nằm khóc nức nở.

Rồi Ariana lần hồi tỉnh lại. Nàng ngồi dậy mở chiếc vali, đồ đạc vẫn còn nguyên vẹn, kể cả bó thư từ, cuốn sách Shakespeare, các bức ảnh gia đình của Manfred mà nàng đã gói đem theo...

Ariana mở cuốn sách Shakespeare ra, chiếc nhẫn hồng ngọc cha nàng cho vẫn còn đấy. Tất cả còn đầy đủ, kể cả bức ảnh chụp Manfred mặc quân phục Quốc Xã mỉm cười nhìn cô gái mười chín tuổi đầy hạnh phúc...