Phá luật
Benjamin và Fidelio đến trước thềm nhà Charlie cùng một lúc. Benjamin biết ngay tức khắc rằng cậu trai trông vui vẻ này là thầy giáo dạy nhạc của Charlie. Bởi lẽ, cậu ta một tay xách hộp nhạc, tay kia xách hộp đàn vĩ cầm. Với lại, trông cậu ta mang dáng dấp nghệ sĩ. Chúng tự giới thiệu với nhau và Fidelio nhấn chuông cửa.
Nội Bone ra mở.
“Về đi,” bà nói với Benjamin. “Charlie sắp sửa học nhạc. Mày đến chỉ vướng víu thôi.”
“Không đâu,” Fidelio nói. “Chúng cháu sẽ chơi một bản tam tấu. Cần có Benjamin.”
“Tam tấu?” Nội Bone nhướng một bên chân mày xám, rậm rì lên. “Ta không tin.”
Benjamin toan quay đi thì Fidelio níu cánh tay nó lại. “Chúng cháu cần bạn ấy, thưa bà Bone,” Fidelio khăng khăng. “Giáo sư Saltweather, trưởng khoa nhạc, bảo chúng cháu phải tập nhóm nhạc để Charlie quen dần với việc tham gia lớp học.”
“Hừm. Bọn con nít chỉ nói dóc. Khỏi tin đi.” Nhưng có lẽ vì cũng không chắc đó là lời nói dối hay thật, cho nên bà để cho Benjamin vô.
Lúc Fidelio và Benjamin bước vô thì Charlie đang luyện thang âm.
“Có tiến bộ đấy,” Fidelio khen. “Hôm nay chúng ta sẽ làm ồn dữ lắm đây, bởi vì cả ba đứa sẽ cùng hòa tấu.” Nó mở hộp nhạc lôi ra một ống sáo và đưa cho Benjamin.
“Em không biết cách chơi...” Benjamin mở miệng.
“Rồi sẽ biết ngay,” Fidelio nói.
Đúng vậy, không đầy mười phút sau, Benjamin đã thổi được sáo. Ba thằng gây ồn ào khủng khiếp. Charlie nơm nớp lo nội Bone có thể hiện ra trút mưa bão xuống đầu chúng vào bất cứ lúc nào. Nhưng không! Thật là một cảm giác tuyệt vời khi có thể gõ đàn cật lực, cười nói hết cỡ và hát vang cả đầu, lấy cớ là cho học tập. Nó chờ đến khi Fidelio cho nghỉ mới bàn tới chuyện cái thùng.
Cuối cùng, khi Fidelio đặt cây vĩ cầm xuống, Charlie nói lẹ:
“Tụi em có một việc, anh Fidelio à. Và tụi em muốn hỏi liệu anh có thể giúp được không.”
“Được chứ,” Fidelio nhiệt thành. “Nói tiếp đi.”
Charlie kể cho Fidelio nghe về cái thùng bị khóa và đám chìa khóa. Nó bỏ qua không nói về đứa bé. Nó không biết Fidelio có đủ tốt để nó nói ra được điều đó hay chưa.
“Cho nên hai em muốn anh giấu giùm cái hộp chứ gì,” Fidelio nói. “Dễ ợt. Nhà anh đầy thùng đựng nhạc cụ. Anh có thể giấu cái thùng của tụi em dưới những cái hộp khác.”
“Vấn đề là, tụi em đang bị theo dõi,” Charlie nói. “Các bà cô của em biết cái thùng đang được giấu ở nhà Benjamin. Cho nên chúng ta phải tìm một cái gì đó to to để đút cái thùng vô và khiêng đi.”
“Để anh mang cái thùng mộc cầm của ba anh tới,” Fidelio sốt sắng. “Nó to khổng lồ luôn. Mắc cười là chính các em cũng thấy mình đang bị theo dõi. Tại anh dám thề là hôm nay anh có thấy thằng Asa Pike ở bên kia đường. Nó cải trang, như mọi khi vẫn thế. Nó học kịch nhưng không diễn xuất được. Hôm nay nó khoác áo trùm dài, đội nón quái chiêu, đeo ria mép giả. Nhưng bất cứ khi nào trông thấy Asa là anh cũng nhận ra nó liền... Nó có đôi mắt vàng khè, hung tợn như mắt sói.”
“Và tóc đỏ phải không?” Charlie hỏi. Thằng bạn của Manfred có cặp mắt vàng.
“Chính nó đấy. Nó là thằng hầu của Manfred Bloor. Nó có thể làm bất cứ điều gì cho thằng kia. Kể cả bán đứng mẹ nó, nó cũng dám làm.”
Charlie kể cho Fidelio nghe về vụ thôi miên.
“Anh có nghe nhiều lời đồn đại về Manfred,” Fidelio nói rành rọt. “Họ nói nếu ai không đứng về phe nó, thì có thể bị... tàn hại mãi mãi. Anh khuyên tụi em nên tránh xa nó ra.”
Cửa bật mở và nội Bone thò đầu vô.
“Ta đoán chừng là mấy đứa đã học xong,” bà nói.
“Bà đoán rất đúng, thưa bà Bone,” Fidelio nói. Nó bắt đầu thu dọn nhạc cụ và tập nhạc.
Charlie và Benjamin nhìn theo Fidelio ra cửa, nhưng trước khi đi hẳn, Fidelio nói:
“Hẹn gặp lại ngày mai, Charlie. Và hẹn sớm gặp lại em, Benjamin!”
Charlie nhìn quanh quất khắp con đường trước khi đóng cửa lại. Không hề thấy bóng dáng Asa Pike, hay bất cứ ai mặc áo dài và đeo ria giả. Quay qua Benjamin, nó thì thào:
“Hôm qua bồ có trông thấy cái mặt mình không, khoảng lúc bữa trà ấy?”
Benjamin ngạc nhiên quá đỗi:
“Mình thấy mặt bồ trong hũ ya-ua. Làm mình muốn bịnh luôn,” nó nói.
“Xin lỗi bồ nha, đó chỉ là một thí nghiệm thôi.”
Benjamin cố đoán xem đó là loại thí nghiệm gì, nhưng rồi lại quyết định là nó không muốn biết nữa.
Nội Bone cho phép Benjamin ở lại dùng bữa trà, nhưng nó bị tống cổ về ngay sau đó, để Charlie còn đóng gói hành lí và chuẩn bị cho ngày đầu tiên tới Học viện Bloor.
“Con không cần phải mang theo nhiều đâu,” mẹ Charlie nói khi bày ra bộ đồ ngủ mới. “Thứ Sáu con sẽ lại về nhà mà.”
Charlie ước gì mẹ nó đừng đưa nó bộ đồ ngủ in hình gấu Teddy, nhưng vì không muốn bị coi là vô ơn, nên nó yên lặng. Nó sắp bỏ vô túi một chiếc sơ-mi sạch, đồ vệ sinh cá nhân, vớ, đồ lót để thay đổi... và cái áo chùng màu xanh da trời.
“Mẹ nghĩ con phải mặc cái này, Charlie,” mẹ nó nói, lôi chiếc áo chùng ra. “Mẹ đã thêu tên tắt của con ở phía sau bằng chỉ xanh lá cây, coi đây này. Tại mẹ không còn chỉ màu nào khác.”
Charlie đẩy cái áo chùng trở lại:
“Tới đó con mới lấy ra mặc.”
Ngày mai, vì là ngày đầu tiên, nên mẹ nó sẽ đưa nó tới cổng Học viện. Mọi thủ tục giấy tờ đăng kí nội Bone đã lo liệu xong cả. Thứ Sáu nó sẽ về nhà bằng xe buýt đầu đường Filbert.
“À, còn một thứ này nữa có thể con sẽ muốn mang thêm,” mẹ nó lẩm bẩm.
Cô rời phòng và, một loáng sau khi quay lại, cô cầm một gói giấy mềm màu trắng.
“Họ bảo con sẽ đeo cà vạt màu xanh da trời,” cô nói. “Và nội Bone đã mua cho con một chiếc, nhưng mà...”
Cô bẻ oặt gói giấy mềm và rút ra một chiếc cà vạt xanh da trời. Ở một đầu cà vạt có thêu một chữ “Y” màu vàng trang trí bằng lụa bóng.
“Cái này là của ba con,” cô bảo Charlie. “Chữ ‘Y’ tức là Yewbeam, mặc dù họ của ba con là Bone, nhưng ba mang dòng máu Yewbeam, và do đó phải mang trọng trách đi học ở Bloor. Nhà Yewbeam rõ ràng là có quan hệ với nhà Bloor.”
“Quan hệ là sao? Ý mẹ là anh em họ?” Charlie tự hỏi tại sao trước đây mẹ nó lại không đề cập đến khía cạnh quan trọng như thế này.
“Anh em họ xa.”
“Có liên quan gì đến một ông Vua Đỏ không mẹ?” Charlie hỏi.
“Ba của con hay nhắc đến ông ấy.”
“Sao nội Bone lại đưa con chiếc cà vạt không có thêu chữ ‘Y’?”
“Có lẽ để chờ con phải tự khẳng định mình trước đã, Charlie. Có thể họ nghĩ con sẽ lạc đường lạc lối... giống như ba Lyell của con vậy.”
Cô đút chiếc cà vạt vô giỏ xách của Charlie.
“Với lại, con không bao giờ biết đâu, có thể con sẽ cần tới nó.”
Khi mẹ đi khỏi, Charlie lấy chiếc cà vạt ra xem xét. Chất liệu mềm và bóng, có lẽ bằng lụa hay bằng xa-tanh. Nó áp cà vạt lên mặt và hít hít. Có mùi giông giống như mùi mẹ nó, khi mẹ còn quần áo đẹp đẽ để mặc. Tất cả những bộ đồ đẹp nhất của mẹ đều sờn cũ. Bất giác, Charlie chợt nhận ra, bây giờ mẹ nó trông có hơi rách rưới.
Sáng hôm sau, ngoại Maisie dọn cho Charlie một dĩa điểm tâm đầy tú hụ. Ráng lắm nó cũng chỉ trệu trạo nhai được một chút thịt lợn xông khói, không hơn. Bụng nó lại đang nhộn nhạo cả lên.
Nhà bếp hình như toàn những người cũng đang hồi hộp. Ngay cả ông cậu Paton cũng có mặt.
“Đáng ra ta lái xe tới đó, nhóc con,” ông bảo Charlie. “Nhưng quanh đó một dặm không có chỗ đậu xe. Giáo viên ở đó chỉ khư khư giữ chỗ đậu xe cho họ thôi.”
Tất cả mọi người đều lộ vẻ không thoải mái, biết rằng dù gì thì ông cậu Paton cũng không thể ra ngoài vào ban ngày, sau đó nội Bone bảo:
“Đã kêu taxi rồi. Tới bây giờ.”
“Con không muốn đi Taxi,” Charlie kêu lên. “Trông con như thằng khùng vậy.”
Trong nước mắt và những nụ hôn của ngoại Maisie, trong một cái vẫy tay của ông cậu Paton, và trong một nụ cười trang nghiêm của nội Bone, Charlie và mẹ nó bị tống đại vô chiếc taxi. Họ được thả xuống bên lề một con đường dẫn tới Học viện, và đi bộ qua một quảng trường thời Trung cổ, có sỏi và đá cuội bao quanh một đài phun nước bằng đá, hình đàn thiên nga. Thẳng tới là một tòa nhà xám, cao vọi, nguy nga và mang vẻ cổ xưa. Những bức tường cặp sát quảng trường cao cỡ một tòa nhà năm tầng, với những cửa sổ của một trong hai tòa tháp. Mặt cô tái mét, và trong một thoáng, Charlie nghĩ là mẹ nó sắp xỉu đến nơi.
“Có chuyện gì vậy, mẹ?” Nó hoảng hốt.
“Mẹ nghĩ là có ai đó đang nhìn mẹ,” cô lẩm bẩm. “Charlie, mẹ phải đi ngay đây.”
Cô hôn nó thật lẹ rồi quày quả băng qua quảng trường.
Charlie lúc này mới nhận ra những đứa trẻ khác đến bằng những xe buýt, đậu ở cuối quảng trường. Trong chớp mắt, nó bị bao kín bởi những đứa trẻ nhảy nhót, chạy, đi bộ, và la hét, tất cả đều bận áo chùng xanh da trời, hoặc xanh lá cây hoặc màu tím.
“Charlie, mặc áo chùng vô!” Một giọng nói vang lên. “Nếu không sẽ bị rắc rối đấy.”
Fidelio len lỏi từ đám đông chộn rộn, chui ra.
“Em có mang áo chùng không vậy? Anh quên mất không dặn em.”
“Có.” Charlie lôi tấm áo chùng từ giỏ xách ra và mặc vô.
“Tốt, giờ thì đi với anh,” Fidelio nói. “Đi sát vô. Sáng thứ Hai trường náo nhiệt lắm.”
Giờ thì chúng đã vô trong một khoảng sân lát gạch. Khi Charlie theo sau Fidelio, mắt nó chợt chạm phải một trong những ô cửa sổ nhìn xuống sân. Mảng tường xám bên dưới ô cửa sổ loang lổ những vết nám đen kịt.
“Đó là nơi Manfred suýt bị thiêu chết,” Fidelio thì thầm, giọng rin rít.
“Trong đám cháy?” Charlie hỏi.
Chúng đã tới một lối vô, có hai cánh cửa mở toang, được trang trí bằng những bức phù điêu bằng đồng. Charlie sợ hãi nhìn chòng chọc vô những bức phù điêu. Nó thấy mình bước vô một hành lang dài, nền đá, và thình lình, tất cả những tiếng cười, tiếng la thét tắt lịm. Chỉ còn nghe tiếng bước chân nện lộp cộp lên nền đá.
Ráng không để Fidelio lọt khỏi tầm mắt, Charlie chen lấn vượt qua đám trẻ đang đi lại như mắc cửi trong hành lang và biến mất vô những cánh cửa bên trên có treo hai cây kèn trumpet bắt chéo nhau.
Chúng sắp đến nơi thì, bỗng nhiên, một tiếng thét kinh hãi thét lên, rồi ai đó giật mạnh áo chùng của Charlie. Nó quay lại thì nhìn thấy một nữ sinh tóc nhuộm tím ngã sóng xoài trên nền đá. Trông con nhỏ thật quái đản: ngoài mái tóc tím và áo chùng tím, nó còn dán một miếng hình màu tím trên trán và mang giày màu tím, gót giày gập đôi lại. Chiếc ba lô của nó rơi xuống, xổ ra, sách bút văng tung tóe.
“Xin lỗi,” con nhỏ nói xong, bật cười khúc khích. “Giày là lí do làm tôi xiêu vẹo hoặc xiêu lòng.” Rồi nó bò ra cười ngặt nghẽo.
Charlie định giúp cô nàng đứng dậy thì một giọng ra lệnh:
“Để đó, Bone!”
Asa Pike, cũng màu tím rịm, đứng nhìn trợn trừng xuống con nhỏ.
“Olivia Vertigo, luật lệ đâu? Nhắc lại coi!”
Lồm cồm bò dậy, cô nữ sinh ngâm nga:
“Im lặng trong hành lang
Không được nói lan man
Im lặng khi bị ngã
Không được khóc hay la,
Lá! La! La! Lá! La!”
Asa chộp cánh tay con nhỏ.
“Láo xược là chuyện không đùa được,” nó sủa. “Đi theo tao.”
Rồi nó bắt đầu lôi xềnh xệch con bé đi khỏi.
“Sách của tôi,” Olivia rền rĩ.
Charlie hốt vội đống sách với bút văng tứ tán, trong khi Fidelio, đặt một ngón tay lên môi, đi tìm ba lô của Olivia và giúp Charlie cho tập, sách vô.
Ngay khi chúng đi qua cánh cửa bên dưới hai cây kèn trumpet bắt chéo, Fidelio bảo:
“Giờ thì tụi mình nói được rồi.”
Chúng vô một căn phòng để áo khoác lát gạch bông, với những dãy tủ ngăn chạy suốt hai bức tường, và những hàng mắc áo hai bức tường còn lại. Một dãy bồn rửa xếp đều giữa phòng.
“Rồi nhỏ đó sẽ gặp chuyện gì?” Charlie hỏi.
“Nó chắc chắn sẽ bị cấm túc nhưng tức là, phải nghe một bài rao giảng nổi da gà của Manfred, và sau đó không được phép về nhà cho đến Chủ Nhật. Nó cũng mới vô đây thôi, nhưng đã bị cấm túc những hai lần rồi. Đáng lí ra nó đã bị đuổi học rồi nếu như không có tài đóng kịch xuất sắc. Có một lần anh được phái đến lớp của nó để tìm thầy Irving, đúng ngay lúc nó đang diễn một màn độc thoại... Mê hồn luôn.”
Fidelio chỉ cho Charlie tủ đựng đồ của nó, rồi dẫn Charlie tới hội trường, có sàn được lót ván gỗ sồi. Một nhóm nhạc công đang đứng ở trên sân khấu, say sưa tấu nhạc cụ.
“Trước tiên tụi mình sẽ hát bài Học viện Ca, sau đó mới đăng kí lớp học,” Fidelio nói.
Charlie theo chân Fidelio tới những băng ghế dài ở hàng phía trước. Từ từ, thính phòng đông dần những nam sinh, nữ sinh trong áo chùng xanh. Chắc phải đến hàng trăm đứa trẻ từ mười một đến mười tám tuổi. Charlie nghĩ có lẽ nó là nhỏ nhất, cho đến khi một thằng bé loắt choắt sà tới ngồi bên cạnh nó.
“Chào anh,” thằng bé con cất tiếng. “Em là Billy Raven.”
“Anh là Charlie Bone!” Charlie nói.
Thằng nhỏ toét miệng cười. Tóc nó trăng phau và mắt màu đỏ sậm, rất lạ.
“Em bị bạch tạng,” nó giải thích. “Em nhìn không rõ, nhưng em nghe rất thính.”
“Coi bộ em hơi nhỏ so với trường Bloor hả?” Charlie nói.
“Năm nay em bảy tuổi,” Billy đáp. “Em là con mồ côi nên người ta đưa em vô đây. Ngoài ra, em còn có phép thuật.”
“Anh cũng vậy,” Charlie lúng búng.
Billy nhìn Charlie, hớn hở.
“Em rất vui,” nó thì thào. “Giờ thì tụi mình có ba người.”
Charlie không có thời giờ hỏi xem ai là nhân vật thứ ba có phép thuật, bởi vì một người đàn ông cao lêu khêu, tóc trắng đã bước ra sân khấu.
“Giáo sư Saltweather đấy,” Fidelio nói thầm. Nó ngồi cạnh Charlie, phía bên kia.
Có năm giáo viên dạy nhạc khác đang ở trên sân khấu: hai phụ nữ trẻ, một ông già đeo mắt kiếng, một ông trông vẻ vui nhộn, tóc quăn tít, và một người nữa. Charlie thấy mình cứ nhìn chằm chằm vô ông này nhưng chưa bao giờ nó trông thấy một bộ mặt vô hồn như thế. Ông ta cao, quắc thước, tóc đen, rõ ràng đã quên chải đầu. Nét mặt của ông không hề biểu lộ sự thay đổi nào, dù chỉ một lần, ngay cả khi dàn nhạc dạo lên và tất cả mọi người cất tiếng hát.
Khi bài hát tập họp chấm dứt, Fidelio dẫn Charlie tới cánh cửa bên hông sân khấu. Một tấm biển treo ở cửa đề: THẦY PALTRY - KÈN SÁO.
“Gặp lại em giờ giải lao nha,” Fidelio nói. “Anh tới lớp đàn dây của cô Chrystal đây.”
“Những giáo viên trên sân khấu khi là ai vậy?” Charlie hỏi.
“Ừm, em sẽ học lớp thầy Paltry già... Không ai tị với em chuyện đó đâu... rồi đến thầy O’Connor, dạy ghita và mấy thứ đại loại vậy. Hai cô giáo kia dạy đàn dây. Giáo sư Saltweather dạy kèn đồng và hợp xướng.”
“Còn thầy đứng phía đầu nhưng cái ông cao cao ấy?”
“À, Thầy Pilgrim.” Fidelio nhăn mặt. “Thầy dạy piano nhưng hầu như không ai học lớp thầy cả. Thầy rất lập dị.”
“Lập dị là sao?”
“Thầy không bao giờ nói gì cả. Mình sẽ không thể biết được mình học tốt hay dở. Ba anh dạy anh chơi piano. Ba anh dạy ở trường thường. Anh phải đi đây. Trễ mất.”
Vậy là, ba của Fidelio dạy trong một trường bình thường. Vậy thì phải như thế nào mới được là giáo viên của Bloor? Thú vị thật, Charlie nghĩ. Nó nhìn người bạn mới bay vèo qua hành lang tới một cánh cửa khác, rồi đi vô lớp thầy Paltry - Kèn Sáo.
Thầy Paltry không thích những đứa trẻ có phép thuật. Ông tỏ rõ thái độ này cho Charlie thấy. Bọn trẻ có phép làm ông mất thì giờ. Chúng có những biệt tài của riêng chúng, nhưng những biệt tài đó chẳng có ích lợi gì cho ai cả, theo như thầy Paltry thấy thế.
Vào cuối buổi học kém thoải mái và vô tích sự đó, Charlie được bảo là phải đem cất áo chùng trong phòng mắc áo để ra vườn chạy.
“Thưa, vườn ở đâu ạ?” Charlie hỏi.
Nó nghĩ đây là một câu hỏi chíng đáng, nhưng thầy Paltry lại xem như thế là làm phiền.
“Chứ trò nghĩ nó ở đâu?” Ông nạt nộ.
May thay, Charlie gặp Fidelio trong phòng mắc áo.
“Tất cả mọi người đều phải ra vườn chạy sau tiết học đầu tiên,” nó bảo Charlie. “Đi theo anh.”
Khu vườn chẳng hề giống như cái mà Charlie vẫn thường gọi là vườn. Nhìn ngút tầm mắt mà vẫn không thấy đầu kia đâu. Cũng chẳng có tường hay hàng rào. Sau lưng Học viện nhìn ra một sân chơi rộng bát ngát, nơi bọn trẻ đi bộ hay chạy thành từng đám hai, ba đứa, và thỉnh thoảng có đứa chạy một mình. Một khu rừng rậm rạp bao quanh sân chơi, và phía xa xa, thấp thoáng một bức tường xám, đo đỏ, mất hút vô trong rừng cây. Fidelio bảo Charlie rằng đó là khu bỏ hoang.
“Hàng trăm năm trước, nó là một lâu đài nguy nga,” Fidelio kể. “Nhưng giờ chỉ còn là một đống hoang tàn đổ nát. Mái sụp gần hết, nhưng vẫn còn vài lối đi rợn cả người, mấy bức tượng rất quái đản, cầu thang thì mục nát. Cây mọc đầy xung quanh lâu đài, mọc cả ở bên trong, làm lâu đài trông càng giống như có Manfred vậy.”
“Anh đã ở trong đó lần nào chưa?” Charlie hất hàm về phía bức tường trông ghê sợ.
“Anh ấy hả?” Fidelio ngoác miệng cười. “Cứ đến mùa đông, vào cuối tháng 11, là tụi này lại chơi trò hủy diệt ở đó. Tất cả mọi người đều phải vô đấy, cho dù có muốn hay không. Hai năm trước, có một con bé đi vô và không bao giờ đi ra nữa!”
Fidelio bắt đầu chạy quanh sân, và Charlie chạy bên cạnh.
“Sao đó họ có tìm thấy con bé ấy không?” Nó hỏi.
“Không bao giờ,” Fidelio nói. Nó hạ thấp giọng. “Người ta nói trước đây cũng đã từng xảy ra chuyện như vậy rồi. Chỉ tìm thấy áo chùng, nhưng không bao giờ thấy... ờ... ờ...”
“Xác?” Charlie gợi ý.
Fidelio gật đầu.
“Tự dưng biến mất thôi.”
Sau 15 phút chạy, một tiếng còi săn rúc lên, vang vọng khắp sân, và bọn trẻ líu ríu, lũ lượt quay trở vô tòa nhà.
“Tiết học lúc nãy của em là tệ lậu nhất đấy,” Fidelio bảo Charlie. “Không gì ngán ngẩm hơn thầy Paltry. Tiếp theo sẽ là tiết tiếng Anh, tụi mình cùng học chung, nhưng trước tiên phải lấy áo chùng đã. Tụi mình chỉ được cởi ra để chạy hay chơi trò chơi thôi.”
Khi Charlie vô phòng để áo khoác, áo chùng của nó đã biến mất. Trên mắc chỉ còn treo một cái áo rách te tua, với những vết xé lởm chởm ở một góc.
“Mặc vô đi, Charlie,” Fidelio khuyên. “Thế còn hơn không. Chắc có đứa nào lấy lộn áo của em rồi.”
Charlie không mặc cái áo rách tươm bươm đó.
“Không phải áo của em. Nhỡ đâu ai vô kiếm lại thì sao,” nó nói.
Fidelio có vẻ bồn chồn, thấp thỏm:
“Thôi nào, Charlie. Làm ơn mặc vô đi, không thì phiền phức lắm.”
Nhưng Charlie nhất định không mặc. Nó đã không biết phiền phức mà Fidelio nhắc tới là phiền phức gì. Nếu biết, chắc chắn nó đã làm theo lời bạn.
Giáo viên môn tiếng Anh, thầy Carp, là một người vạm vỡ, mặt đỏ gay. Ngay khi Charlie bước vô, không áo chùng, đôi mắt hí rị của thầy Carp liền gắn tịt vô nó. Cái thằng Charlie này, thầy muốn biết, nó đang nghĩ gì đây? “Trang phục thiết yếu” đâu rồi?
“Nếu thầy định nói tới áo chùng, thì thưa thầy, em không tìm thấy nó đâu cả,” Charlie nói một cách vô tư.
Thầy Carp cầm một cây ba-toong. Thầy vụt đánh ‘đét’ xuống mặt bàn.
“Đi ra!” Thầy rít lên.
“Nhưng, thưa thầy,” Fidelio nói. “Đó không phải là lỗi của trò ấy.”
“Im, Gunn!” Thầy Carp quát. Thầy to con nhưng giọng nói lại hơi the thé.
“Trò,” thầy chỉ cây gập vô Charlie. “Ra ngay!”
Không muốn gây ra thêm rắc rối nữa, Charlie vội vã rời khỏi phòng học, lẹ hết sức. Nhưng khi đã ra đến ngoài rồi, nó lại không biết phải đi đâu. Nó cứ đứng ngây như phỗng bên cạnh bức tường và nhìn trân trân xuống tiến sảnh dài, vô cánh cổng đôi cao lớn dẫn ra thế giới bên ngoài. Tiền sảnh đá lạnh toát, và ý nghĩ phải ngủ đêm tại Học viện Bloor càng lúc càng đáng ngán ngẩm.
Ngay khi Charlie nghĩ tiết tiếng Anh có thể đã hết, và Fidelio có thể đến giúp nó tìm chiếc áo chùng bị mất, thì có người ló ra khỏi cánh cửa tít đằng kia hành lang. Đó là Asa Pike.
Thằng tóc đỏ nhếch cho Charlie một nụ cười ác hiểm và bước lại gần.
“Ố ồ, phải Charlie Bone đây không,” Asa cười hềnh hệch. “Tao thấy mày đã phạm luật ngay ngày đầu tiên.”
“Phạm cái gì?” Charlie nói.
“Tao có kêu mày mở mồm không vậy?” Asa ngưng cười. “Áo chùng của mày đâu?”
“Tôi không biết.”
“Đi gặp huynh trưởng ngay.” Asa thộp tay sau gáy Charlie và đẩy nó dọc theo hành lang. Charlie thấy chúng đang tiến về phía cánh cửa đề: HUYNH TRƯỞNG.
Asa mở cửa và đẩy Charlie vô trong.
Có một đám con trai lớn hơn ở trong phòng, nằm ngồi ngả ngớn trên những ghế bành và ghế tựa. Vài đứa liếc mắt nhìn Charlie rồi lại đọc sách hoặc tán dóc tiếp.
Bên dưới một cửa sổ ở tít cuối phòng có một cái bàn dài, và đằng sau bàn là Manfred Bloor ngồi, khoác áo chùng tím. Đối diện Manfred, có hai chiếc ghế. Trên một trong hai chiếc ghế là con bé tóc tím đang ngồi, đu đưa bàn chân. Asa ấn Charlie ngồi vô chiếc ghế còn lại. Olivia nhe răng cười với nó.
“Không áo chùng,” Asa mách.
Charlie vội quay đi khỏi ánh mắt chằm chặp của Manfred. Nó không muốn bị thôi miên lần nữa.
Manfred khệnh khạng hỏi:
“Không ai nói cho mày biết nội quy sao, Charlie Bone?”
“Không,” Charlie nhìn sượt qua đầu Manfred.
“Người ta gửi nội quy học sinh trước khi nhập học mà. Mày không nhận được sao?”
“Không,” Charlie nhìn chong chong ra cửa sổ đằng sau Manfred. “Chắc là người ta cho bà nội em và bà quên đưa cho em.”
Xem ra rất có khả năng nội Bone đã chủ tâm giấu tờ nội quy đi, Charlie nghĩ, để gài cho nó rơi vô rắc rối.
Manfred mở một cái hộp đựng hồ sơ màu đỏ, rút ra một tờ giấy và đưa cho Charlie:
“Nội quy đấy. Xem và học đi, Bone.”
Rồi, hướng sang Olivia, nó nói:
“Còn mày, Olivia Vertigo, coi bộ mày không thể học nổi nội quy. Anh sẽ phạt cấm túc cả hai đứa bay vào đêm thứ Sáu. Cha mẹ tụi bay sẽ được thông báo về vụ này. Họ sẽ đến đón tụi bay vào thứ Bảy.”
“Anh không được làm thế,” Charlie nhổm dậy, phản đối. “Đây là tuần đầu tiên của em. Mẹ em sẽ...”
“Mẹ?” Manfred nó, vẻ khinh khỉnh.
“Mẹ?” Asa lặp lại. “Trong cái trường này chúng tao không nói tới mẹ.”
“Những bà mẹ không tồn tại ở đây!” Manfred thêm vô, giọng hắc ám.