Chương 4: ....

Roddy đi thơ thẩn trong vườn. Chàng băng qua bãi cỏ rộng, đi dọc theo một lối nhỏ lát đá rồi vào trong khu vườn rau có tường bao quanh. Vườn này được trồng trọt và giữ gìn gọn ghẽ. Chàng tự hỏi rồi đây mình và Elinor có ở Hunterbury không. Chàng nghĩ rồi sẽ như vậy. Chàng thích thế. Chàng ưa cuộc sống đồng quê. Chàng hoài nghi đôi chút về Elinor. Có lẽ nàng thích sống ở London hơn.

Hơi khó mà biết mình ở đâu với Elinor. Nàng không thổ lộ nhiều nàng cảm nghĩ như thế nào về mọi chuyện. Chàng thích nàng về điểm này. Chàng không ưa những kẻ mở tung ý nghĩ và tình cảm, những kẻ cho rằng người khác muốn biết tất cả cái cơ chế nội tâm của họ. Tính dè dặt giữ gìn thì bao giờ cũng nhiều thú vị hơn.

Chàng nhận thấy Elinor thực là hoàn hảo. Nàng không làm cho ai phải bực mình, mất lòng. Người ta cảm thấy thích thú khi ngắm nàng, nghe nàng nói năng dí dỏm. Tóm lại nàng là người bạn đời khả ái nhất.

Chàng tự đắc nghĩ thầm: "Ta thật may mắn lắm mới có được nàng. Chẳng hiểu nàng thấy gì ở một kẻ tầm thường như mình".

Bởi vì Roderick Welman mặc dù hay cả ưa chóng chán, nhưng không có tính tự cao tự đại. Chàng thực lấy làm lạ vì sao Elinor lại ưng thuận kết hôn với mình.

Cuộc đời trải rộng ra ở trước chàng khá êm đềm đẹp đẽ. Biết rõ mình đang ở đâu, điều đó bao giờ cũng là một sự may mắn. Chàng nghĩ Elinor và chàng sẽ thành hôn sớm. Nếu Elinor muốn thế, cũng có lẽ nàng muốn để chậm lại đôi chút. Không nên hối thúc nàng. Ban đầu sẽ gay go đấy. Nhưng chẳng có gì cần băn khoăn cả. Chàng thành thực mong ước cô Laura sẽ còn sống lâu. Bà là người thân yêu, luôn luôn tốt với chàng, kêu chàng đến ở đây trong những kỳ nghỉ, và luôn luôn quan tâm đến những việc chàng làm.

Chàng không còn nghĩ đến cái chết hiện thời của bà nữa (trí óc chàng thường thoát ra khỏi bất cứ sự phiền muộn cụ thể nào). Chàng không thích hình dunh quá rõ rệt một nỗi buồn phiền nào cả. Ừ nhỉ, rồi mình sẽ rất thoải mái sống ở đây, nhất là mình sẽ có nhiều tiền để được như vậy. Chàng tự hỏi không biết cô mình đã để lại tài sản như thế nào. Thật ra điều đó chẳng quan hệ gì. Đàn bà thường lưu tâm đến vấn đề tiền của để lại sẽ thuộc về vợ hay chồng. Nhưng Elinor thì không thế. Nàng rất tế nhị, chẳng để ý nhiều đến việc tiền bạc.

Chàng nghĩ "Không, chẳng có gì đáng băn khoăn cả - dù có điều gì xảy ra".

Chàng ra khỏi khu vườn rau qua cái cổng ở phía cuối. Từ đó chàng thơ thẩn đi vào khu rừng nhỏ có thủy tiên trổ bông. Cố nhiên bây giờ đã hết rồi. Nhưng ánh nắng xuyên qua rặng cây còn tỏa ra màu sáng xanh rất đẹp.

Đúng lúc ấy chàng chợt thấy một nỗi bồn chồn kỳ lạ - niềm xao xuyến êm dịu trước kia. Chàng cảm thấy, có một cái gì - một cái gì mà mình chưa từng thấy - một cái gì mà mình muố, mình muốn...

Làn sáng xanh vàng rực, bầu không khí êm đềm - cùng với chúng là nhịp mạch rộn ràng, là luồng máu xao động, là sự nôn nóng bất ngờ.

Một cô gái đi xuyên qua hàng cây tiến lại phía chàng - cô gái có mái tóc nhợt nhạt và làn da ửng hồng.

Chàng nghĩ, "Đẹp ơi là đẹp, đẹp khó tả xiết!"

Có một cái gì nắm chặt lấy chàng; chàng đứng lặng yên, như thể tê cóng bất động. Chàng cảm thấy trái đất chợt quay cuồng đảo lộn, say sưa chuếnh choáng khác thường!

Cô gái bỗng dừng, rồi tiếp tục bước. Nàng tiến đến chàng đang đứng im lặng sửng sốt.

Nàng hơi ngập ngừng nói:

- Cậu có nhớ ra tôi không, cậu Roderick? Đã lâu lắm rồi mà. Tôi là Mary Gerrard, ở khu nhà săn.

Roddy nói:

- Ồ, ồ - thế ra cô là Mary Gerrard?

Nàng nói:

- Dạ.

Rồi rụt rè nói tiếp:

- Cố nhiên tôi đã thay đổi nhiều, kể từ khi cậu gặp tôi.

Chàng nói:

- Đúng rồi, cô đã thay đổi nhiều. Tôi không nhận ra cô nữa.

Chàng đăm đăm nhìn nàng, không nghe thấy tiếng bước chân đi ở phía sau. Mary nghe thấy, liền ngoảnh lại.

Elinor đứng im một lát, rồi nói:

- Chào Mary.

- Chào cô Elinor. Rất mừng được gặp cô. Bà Welman mong cô xuống lắm.

Elinor nói:

- Phải, đã khá lâu rồi. Cô O⬙Brien bảo tôi đi kiếm cô. Cô ta muốn đỡ bà Welman dậy; cô ta nói em vẫn thường làm việc đó với cô.

Mary nói:

- Em tới ngay bây giờ.

Nàng dời bước, bổ nhào chạy đi. Elinor trông theo. Mary chạy lẹ làng uyển chuyển, duyên dáng trong từng cử động.

Roddy nói khẽ:

- Atalanta (tên cô gái đẹp chạy rất giỏi trong truyền thuyết Hy Lạp).

Elinor không đáp. Nàng lặng thinh vài phút, rồi nói:

- Gần đến bữa trưa rồi. Ta nên về thôi.

Hai người đi bên cạnh nhau tiến về phía nhà.

* * *- Ồ! Lại đây, Mary. Đang chiếu một phim vĩ đại - về Paris. Truyện của một tác giả bảnh lắm, đã từng được làm ô-pê-ra.

- Anh rất tử tế, anh Ted ạ, nhưng tôi thực không muốn đi xem.

Rted Bigland tức giận nói:

- Bây giờ tôi chẳng thể nào mời được cô, cô Mary. Cô khác lắm, khác trước nhiều lắm.

- Không, không phải vậy đâu, anh Ted.

- Cô khác hẳn trước. Tôi cho là cô đi xa học cái trường lớn ấy ở Đức. Bây giờ cô hơn đứt chúng tôi rồi.

- Không phải thế, anh Ted ạ. Tôi không như vậy đâu - nàng sôi nổi nói.

Chàng trai rắn rỏi, cường tráng mặc dầu tức giận, ngắm nàng đánh giá:

- Phải, cô khác trước. Cô hầu như một tiểu thư vậy, cô Mary.

Mary hơi chua chát nói:

- Hầu như thì chẳng hay lắm đâu, phải thế không nào?

Chàng chợt thông cảm nói:

- Không, tôi nghĩ không phải thế.

Mary nói mau:

- Dù sao, bây giờ thì còn ai để ý đến cái đó nữa? Tiểu thư với công tử, và tất cả những cái như thế.

- Phải rồi, chẳng còn quan hệ như trước - Ted tán thành, nhưng trầm ngâm nói - Dù sao đi nữa, vẫn còn có một cảm nghĩ. Lạy Chúa, này cô Mary, cô trông giống như một bà bá tước vậy.

Mary nói:

- Cái đó chẳng có nghĩa gì lắm đâu. Tôi đã từng thấy có những bà bá tước trông hệt như những con mụ quần áo rách tã.

- Ừ, cô biết tôi muốn nói gì rồi.

Một hình dáng oai nghiêm, đồ xộ, bận đồ đen bảnh bao, đi xông tới chỗ hai người. Mắt liếc nhìn họ sắc bén.

Ted chệch sang bên mấy bước, nói:

- Chào bà Bishop.

Bà Bishop yểu điệu nghiêng đầu nói:

- Chào Ted Bigland, chào Mary.

Bà lướt qua rất mau, như con thuyền buồm lộng gió.

Ted kín cẩn trông theo bà.

Mary thầm nói:

- Bà ta thật giống hệt một bà công tước.

- Ừ, bà ta trông bề thế lắm, luôn luôn làm cho tôi có cảm giác nóng bỏng ở bên trong cổ áo.

Mary chậm rãi nói:

- Bà ta không ưa tôi.

- Cô nói vô lý lắm.

- Đúng thế đấy. Bà ta không ưa tôi. Lúc nào bà ta cũng cáu kỉnh với tôi.

- Bà ta ghe đó - Ted gật đầu, ra vẻ ta đây khôn ngoan - Tất cả chỉ là thế thôi.

Mary ngờ vực nói:

- Tôi nghĩ có thể là như thế.

- Đúng là thế đấy, chỉ là vì thế. Bao nhiêu năm nay bà ta làm quản gia ở Hunterbury, cầm đầu, sai phái mọi người, mà bây giờ cái bà già Welman kia lại ưa thích cô, thế là bà ta phải cáu! Tất cả là thế.

Vẻ băn khoăn thoáng hiện trên trán, Mary nói:

- Tôi ngu ngốc quá, nhưng tôi không sao chịu nổi khi thấy có người nào không ưa mình. Tôi muốn ai cũng thích tôi.

- Chắc chắn là đàn bà chẳng ưa gì cô, cô Mary ạ. Họ ghen tức vì nghĩ rằng cô quá xinh đẹp.

Mary nói:

- Tôi nghĩ ghen ghét là một thói khủng khiếp.

Ted chậm rãi nói:

- Có thể là như vậy - thế nhưng nó vẫn cứ có đó. À, tuần trước tôi xem một phim hay lắm ở Alledore. Clark Gable đóng. Truyện kể về một gã triệu phú bỏ lơ vợ rồi bị cô vợ giả đò trả đũa. Lại còn có một gã khác...

Mary chuyển bước nói:

- Rất tiếc, anh Ted ạ. Tôi phải đi đây, Trễ rồi.

- Bây giờ cô đi đâu?

- Tôi đến uống trà với bà điều dưỡng Hopkins.

Ted nhăn mặt nói:

- Thú gì mà kỳ cục vậy. Bà ta là con mụ lắm điều nhất làng này. Chõ cái mũi dài vào đủ mọi thứ chuyện.

Mary nói:

- Bà ta luôn luôn tử tế với tôi.

- Ồ, tôi không nói bà ta có gì tệ hại. Nhung bà ta lắm mồm quá.

Mary nói:

- Thôi, chào anh Ted.

Nàng vội vàng bước đi, để lại anh chàng đứng trông theo bực tức.

* * *Bà điều dưỡng Hopkins ở trong một túp nhà nhỏ tận cuối làng. Lúc Mary tới, thì bà vừa mới về và đang cởi giải mũ.

- À, cháu đây rồi. Cô về hơi trễ. Bà lão Caldecott lại trở bệnh. Đến phiên cô phải băng bó, nên về chậm. Cô trông thấy cháu đứng với Ted Bigland ở cuối đường.

Bà Hopkins nhanh nhẹn ngước lên đốt bếp ga dưới ấm nước.

Bà nheo mũi nói:

- Anh ta có gì đặc biệt với cháu không?

- Không. Anh ta chỉ mời cháu đi xem chiếu bóng.

- Cô thấy rồi - bà Hopkins nói liền ngay - Cố nhiên anh ta là một chàng trẻ ngoan, làm việc ở ga-ra cũng không tồi lắm, cha anh lại là nhà nông giỏi nhất vùng này. Dù sao, cháu ạ, hình như cháu không phải là để làm vợ Ted Bigland đâu. Cháu trí thức như thế thì làm vợ anh ta làm sao được. Nếu là cháu thì rồi đây cô sẽ đi học nghề xoa bóp. Cháu sẽ được đi đó đi đây, được gặp gỡ nhiều người, và thời giờ thì dù ít hay nhiều cũng là của riêng mình.

Mary nói:

- Cháu sẽ ngẫm nghĩ việc này. Hôm trước bà Welman có nói với cháu. Đối với việc này bà rất nhiệt thành. Đứng là là cô nói vậy. Bà không muốn cháu đi xa ngay lúc này. Bà nói bà rất nhớ cháu. Thế nhưng bà bảo cháu không cần phải lo lắng về tương lai, bà sẽ giúp cháu.

Bà Hopkins hoài nghi nói:

- Mong sao bà ta đã viết xuống bằng giấy trắng, mực đen. Người bệnh thì kỳ quặc lắm.

Mary hỏi:

- Cô có nghĩ là bà Bishop thực sự ghét cháu không - hay chỉ là cháu tưởng tượng ra thế?

Bà Hopkins nghĩ ngợi một lát rồi nói:

- Cô phải nhận là bà ta có vẻ mặt ủ rầu. Bà ta là một trong số những người không thích thấy bọn trẻ vui chơi, cũng không thích làm gì cho họ. Có lẽ bà ta cho rằng bà Welman hơi quá yêu mến cháu, vì thế bực mình.

Bà vui vẻ cười:

- Nếu là cháu thì cô chẳng cần băn khoăn, Mary ạ. Cháu mở bao giấy ra đi, có một cặp bánh rán trong đó đấy.