Chương 4: P1-C4: Ký tự

Hồi bé, ta sống trong căn nhà này,” thầy kể, “và ta đã nhìn thấy những điều có thể làm cho ngón chân cái của con cong quéo lại, nhưng chỉ có ta là nhìn thấy được, và cha ta từng đánh đập ta vì tội nói láo. Có thứ gì đó từng trèo lên khỏi hầm rượu. Chắc hẳn với con cũng thế. Ta nói đúng chứ?”

Tôi gật đầu.

“Chà, cũng chẳng có gì đáng lo đâu, anh bạn. Chỉ lại là một vãn hồn khác thôi, một mảnh của linh hồn lầm lạc đã chuyển đến điều tốt đẹp hơn. Nếu không bỏ phần sai trái của mình lại sau lưng, thì hẳn linh hồn ấy sẽ mắc kẹt lại đây vĩnh viễn.”

“Ông ấy đã làm gì vậy hả thầy?” tôi hỏi, giọng tôi thoáng vọng lại từ trần nhà.

Thầy Trừ Tà buồn bã lắc đầu. “Ông ấy là một người thợ mỏ có hai lá phổi hỏng quá rồi nên không thể làm việc được nữa. Suốt ngày suốt đêm ông ấy chỉ có ho khan và cố gắng thở trong khi vợ ông làm việc nuôi cả hai người. Bà ấy làm công trong một hiệu bánh, nhưng thật đáng buồn cho cả hai người này, vì bà ấy quá đẹp. Chẳng có mấy người phụ nữ mà con có thể tin tưởng được đâu và những cô xinh đẹp là những người không đáng tin nhất.

Chuyện còn tệ hơn vì ông ấy là người hay ghen và bệnh tật khiến ông càng thêm quá quắt. Một đêm nọ, bà vợ đi làm về muộn nên ông cứ mãi đến bên cửa sổ, đi tới đi lui, càng lúc càng thấy nóng giận vì ông nghĩ vợ mình đang ở cùng người đàn ông khác.

Cuối cùng, khi bà vợ về tới, ông ấy đã giận đến mức dùng một tảng than to đập vỡ đầu vợ. Rồi ông mặc cho vợ mình nằm chết dần trên sàn nhà, trong khi mình đi xuống hầm rượu đào một cái huyệt. Khi ông trở lên thì bà vợ vẫn còn sống nhưng không thể cử động mà cũng không thể la lên được. Đấy chính là nỗi kinh hoàng đã ngấm vào chúng ta, bởi đấy là những gì người phụ nữ ấy cảm thấy khi ông chồng bế bà mang xuống bóng tối dưới tầng hầm. Bà đã nghe thấy tiếng ông ấy đào huyệt. Bà biết chồng mình định làm gì.

Khuya cùng đêm ấy, người thợ mỏ tự kết liễu đời mình. Đây là một câu chuyện buồn, nhưng dù bây giờ cả hai người bọn họ đã yên nghỉ, vãn hồn của ông ấy vẫn còn đây cùng những ký ức của bà vợ, và cả hai thứ đó đều rất mạnh đến mức có thể tra tấn những kẻ như chúng ta. Chúng ta nhìn thấy những điều mà người khác chẳng thể nào thấy được, việc này vừa là ân phước lẫn lời nguyền. Nhưng này, điều ấy rất hữu ích trong công việc của chúng ta đấy.”

Tôi rùng mình. Tôi cảm thấy tội nghiệp cho người vợ bị giết hại lẫn cho bác thợ mỏ đã giết vợ mình. Thậm chí tôi còn thấy tội nghiệp cho cả Thầy Trừ Tà nữa. Cứ tưởng tượng bạn phải sống hết thời thơ ấu trong căn nhà như thế này mà xem.

Tôi nhìn xuống cây nến được tôi đặt chính giữa bàn. Nến đã cháy gần hết và ngọn lửa đang chấp chới tia sáng cuối cùng, nhưng thầy lại chẳng tỏ ra dấu hiệu gì là muốn đi lên lầu trên. Tôi không thích bóng phản chiếu trên mặt thầy. Nó trông như thể đang dần dần thay đổi, như thể thầy đang mọc ra một cái vòi ngay mũi vậy.

“Con có biết ta đã vượt qua nỗi sợ hãi bằng cách nào không?” thầy hỏi.

“Dạ thưa không.”

“Một đêm nọ, ta đã kinh sợ đến nỗi thét toáng lên trước khi kịp ngậm miệng lại. Ta làm cho mọi người thức giấc, và trong cơn thịnh nộ bố ta đã tóm lấy gáy ta, mang ta xuống hầm rượu này. Rồi ông ấy lấy búa niêm chặt cửa lại.

Lúc ấy ta vẫn chưa lớn lắm. Khoảng bảy tuổi là cùng. Ta leo ngược lên mấy bậc thang, gào thét vỡ cả phổi, cào cấu đấm đá vào cánh cửa. Nhưng bố ta là người sắt đá nên ông đã bỏ ta lại một mình trong bóng tối và ta phải ở đấy hàng tiếng đồng hồ, mãi cho đến khi bình minh đã ló dạng từ lâu. Một chốc sau đó, ta bình tĩnh trở lại và con biết lúc ấy ta đã làm gì không?”

Tôi lắc đầu, cố không nhìn vào mặt thầy. Hai mắt thầy đang long lên sáng rực làm thầy trông như con sói hơn bao giờ hết.

“Ta leo xuống mấy bậc thang rồi ngồi đó, nơi hầm rượu này, trong bóng tối. Đoạn ta hít vào ba hơi thật sâu rồi đối mặt với nỗi sợ hãi của mình. Ta đối mặt với chính bóng tối, là điều đáng sợ nhất trong mọi điều, nhất là cho những người như chúng ta, bởi vì trắc trở xảy đến với chúng ta từ bóng tối. Chúng săn lùng lấy chúng ta bằng những tiếng thì thào và hiện hình thành những thứ chỉ có mắt chúng ta mới nhìn thấy được. Nhưng ta đã đối mặt như thế, và khi ta rời khỏi căn hầm thì điều tồi tệ nhất đã qua.”

Lúc ấy, cây nến chảy hết ra và tắt ngúm, dìm hai thầy trò chúng tôi vào bóng đêm đen kịt.

“Thế đấy anh bạn,” Thầy Trừ Tà bảo. “Chỉ còn lại con, ta và bóng tối. Con có thể chịu được không? Con có thích hợp làm chân học việc cho ta không?”

Giọng của thầy nghe khang khác, như là trầm hơn và hơi kỳ. Tôi hình dung ra thầy đang bò hai tay hai chân, lông sói phủ khắp mặt, răng cỏ mọc dài ra. Tôi run lập cập chẳng nói được lời nào cho đến khi hít sâu vào đến hơi thứ ba. Chỉ đến lúc ấy tôi mới trả lời thầy. Đấy là lời bố tôi hay nói khi ông phải làm việc gì đó không dễ chịu hay dễ dàng gì.

“Rồi phải có ai làm thôi,” tôi đáp. “Vậy thôi cứ để con làm cho rồi.”

Chắc hẳn Thầy Trừ Tà cho là câu ấy buồn cười, bởi vì tiếng cười của thầy vang khắp căn hầm rồi rầm rập dội lên những bậc thang, chạm trán với một hồi sấm đùng đang vọng xuống.

“Gần mười ba năm trước,” thầy kể, “một lá thư dán niêm được gửi đến cho ta. Lá thư ngắn gọn đề cập thẳng vấn đề và được viết bằng tiếng Hy Lạp. Mẹ con là người đã gửi thư. Con có biết thư viết gì không?”

“Không ạ,” tôi lí nhí đáp, lòng băn khoăn không biết tiếp theo lại là chuyện gì đây.

“Bà ấy viết, ‘Tôi vừa hạ sinh một bé trai, bé là con thứ bảy của người con trai thứ bảy. Tên bé là Thomas J. Ward và bé là món quà tôi dành tặng cho Hạt. Khi bé đủ trưởng thành cứng cáp, chúng tôi sẽ báo cho ông. Hãy đào tạo thằng bé cho thật tốt. Thằng bé sẽ là chân học việc giỏi nhất mà ông từng có và nó cũng sẽ là người học việc cuối cùng.”

“Chúng ta không sử dụng phép thuật đâu anh bạn,” Thầy Trừ Tà bảo, trong bóng tối, giọng thầy không khác gì tiếng thì thào. “Những đồ nghề chính yếu trong công việc của chúng ta là kinh nghiệm thực tiễn, lòng can đảm và biết ghi chép thật chính xác. Mà trên hết, chúng ta không tin vào đồn đoán tiên tri. Chúng ta không tin rằng tương lai là mặc định. Vậy nên nếu những gì mẹ con viết lại trở thành sự thực, thì đấy là do chúng ta đã biến chúng thành hiện thực. Con có hiểu không?”

Giọng thầy mang chút hơi hướm giận dữ nhưng tôi biết không phải là giận tôi, nên tôi chỉ gật đầu trong bóng tối.

“Về vấn đề con là món quà của mẹ con dành tặng cho Hạt, mỗi một học trò học việc của ta đều là con trai thứ bảy của người con thứ bảy. Vậy nên con đừng có bắt đầu nghĩ mình là gì đặc biệt đấy. Trước mắt con còn có rất nhiều điều phải học và gian nan phải trải qua.”

“Gia đình có thể là điều phiền hà,” ngưng một lát rồi thầy nói tiếp, lúc này giọng thầy đã dịu lại, vẻ giận dữ đã tiêu tan. “Bây giờ ta chỉ còn lại hai người anh. Một người là thợ sửa khóa và bọn ta qua lại bình thường, nhưng còn người anh kia đã chẳng hề nói chuyện với ta hơn cả bốn mươi năm qua rồi, cho dù ông ấy vẫn còn sống nơi đây, tại Horshaw này.”

Đến khi chúng tôi rời khỏi ngôi nhà thì cơn giông đã tự tan biến đi và mặt trăng lồ lộ hiện rõ. Lúc Thầy Trừ Tà đóng cửa trước lại, lần đầu tiên tôi để ý thấy những gì được khắc trên mặt gỗ.

Thầy Trừ Tà hất đầu về phía dấu khắc. “Ta dùng những ký hiệu như vầy để cảnh báo những kẻ nào có được khả năng đọc hiểu dấu hiệu này hoặc là chỉ để khuấy động trí nhớ của ta một chút. Con sẽ nhận ra ký tự Gamma[1] trong tiếng Hy Lạp. Đấy là ký hiệu cho một hồn ma hay một vãn hồn. Dấu chữ thập ở góc dưới bên phải là số 10 trong số La Mã, là mức độ thấp hơn cả trong mọi cấp bậc. Bất cứ thứ nào lớn hơn 6 thì chỉ là một vãn hồn. Trong căn nhà ấy chẳng có thứ gì có thể làm hại con, nếu con dũng cảm. Hãy nhớ lấy, bóng tối tồn tại nhờ sợ hãi. Hãy dũng cảm lên thì vãn hồn chẳng thể làm được gì.”

Giá như ngay từ đầu tôi đã được biết nhỉ!

“Vui lên đi nào anh bạn,” thầy bảo. “Mặt con gần xệ xuống tận giày rồi kìa! À, có lẽ thứ này sẽ làm con hăm hở lên tí.” Thầy lôi từ trong túi ra một miếng phô mai màu vàng, bẻ ra một mảnh nhỏ đưa cho tôi. “Nhai lấy đi, nhưng đừng có nuốt hết một lúc đấy.”

Tôi theo chân thầy đi xuống con đường lát sỏi. Không khí ẩm thấp, nhưng ít ra trời không mưa, và về hướng Tây, những đám mây trông như những cụm len cừu đang bắt đầu tan tác ra thành từng dải tả tơi trên nền trời.

Chúng tôi rời khỏi ngôi làng và tiếp tục đi về hướng Nam. Một nhà thờ nho nhỏ tọa lạc ngay ven rìa làng, nơi con đường rải sỏi biến thành lối mòn sình lầy. Nhà thờ trông như bị bỏ hoang – nóc nhà thủng vài viên ngói và trên cửa chính sơn đã bong tróc từng mảng. Từ khi rời khỏi ngôi nhà chúng tôi dường như chẳng nhìn thấy ai, ấy vậy mà lại có một người đàn ông lớn tuổi đứng trên lối cửa vào nhà thờ. Mái tóc ông ta bạc trắng, dài lõng thõng, nhờn nhờn và rối bù.

Từ bộ quần áo màu đen trên người cho thấy ông ta là cha xứ, nhưng khi chúng tôi tiến đến gần, chính vẻ mặt của ông ta mới là điều làm tôi chú ý. Ông ta đang cau có nhìn chúng tôi, cả gương mặt méo mó vặn vọ. Và rồi, bỗng nhiên, ông ta đưa tay làm dấu thánh to đùng, đúng ra là khi bắt đầu làm dấu ông ta nhón chân lên, rướn ngón tay trỏ bên bàn tay phải của mình thật cao hết mức chĩa lên trời. Trước đây tôi đã từng trông thấy cha xứ làm dấu thánh, nhưng cái dấu to như thế, kèm theo cử chỉ cường điệu, hầm hầm giận dữ như thế thì chưa thấy bao giờ. Vẻ giận dữ hình như là dành cho chúng tôi.

Tôi đoán là ông này có bất hòa gì với Thầy Trừ Tà đây, hay là bất mãn với việc thầy làm. Tôi biết công việc ấy làm cho đa phần người ta thấy lo lắng, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ai phản ứng như thế cả.

“Có chuyện gì với ông ta thế ạ?” tôi hỏi khi chúng tôi đã đi qua ông ta đến một cự ly an toàn để ông ta không thể nghe lỏm được.

“Đám cha xứ ấy mà!” Thầy Trừ Tà gắt, sự giận dữ rõ nét trong giọng thầy. “Họ biết hết mọi điều nhưng chẳng nhìn thấy gì cả! Và cái ông vừa nãy là tay chán nhất trong cái đám ấy. Người anh kia của ta đấy.”

Tôi muốn biết nhiều hơn nhưng cũng cảm nhận được là không nên hỏi han gì thêm nữa. Tôi thấy dường như có rất nhiều điều cần phải học hỏi về Thầy Trừ Tà và quá khứ của thầy, nhưng tôi có cảm giác rằng đấy là những điều thầy chỉ kể cho tôi nghe khi thầy thấy vui và sẵn sàng chia sẻ.

Vậy nên tôi chỉ đi theo thầy về hướng Nam, vác trên vai cái túi nặng trịch của thầy và suy nghĩ về những gì mẹ tôi đã viết trong thư. Mẹ chẳng bao giờ là người nói ngoa nói đại. Mẹ chỉ nói những điều cần nói, thế nên mỗi một từ mẹ nói đều là sự thật. Thầy Trừ Tà đã bảo tôi rằng chẳng thể làm được gì nhiều với đám vãn hồn, nhưng mẹ đã từng một lần làm cho vãn hồn trên Đồi Treo Cổ phải im tiếng.

Trong loại công việc này thì việc là con trai thứ bảy của người con thứ bảy chẳng có gì đặc biệt cả – bạn phải là người như thế mới được nhận vào học việc với Thầy Trừ Tà. Nhưng tôi biết có điều gì đó khác làm cho mình khác biệt.

Tôi cũng là con của mẹ tôi nữa.