Chương 8
K
hi taxi đến gần nhà tôi ở Phisboro, dạ dày tôi thắt lại.
"Thật là buồn cười vì người đàn ông phía trước cũng bảo taxi chờ phải không Gracie?".
"Vâng ạ, nhưng con là Joyce!", tôi trả lời, chân tê cứng.
"Bây giờ người ta hay làm vậy khi đi cắt tóc hả con?".
"Làm cái gì bố?".
"Bảo taxi chờ ở ngoài ...".
"Con không biết!".
Ông dịch người ra ngoài rìa chỗ ngồi, chồm lên gần anh tài xế. "Bây giờ người ta hay làm như vậy, khi đến tiệm cắt tóc hả Jack?".
"Thường làm cái gì?".
"Bảo taxi chờ họ bên ngoài?".
"Từ trước đến giờ, tôi chưa bao giờ được yêu cầu chờ như thế ...", anh tài xế lịch sự giải thích.
Bố thư thả ngồi trở lại phía sau. "Bố cũng nghĩ vậy đó, Gracie!".
"Con là Joyce mà!", tôi ngáp.
"Joyce. Nó là sự ngẫu nhiên. Con có biết sự ngẫu nhiên là gì không?".
"Con biết!". Chúng tôi vừa quẹo qua khúc cua vào con đường về nhà quen thuộc và dạ dày tôi thắt lại.
"Chẳng có cái gì ngẫu nhiên kỳ lạ như thế cả!", bố kết luận, mặc dù tôi đã nói là đồng ý trước đó rồi. "Chắc chắn là không", ông tự nói với mình. "Không thể có những điều như vậy. Patrick kìa!", ông vẫy tay. "Bố hi vọng ông ấy không vẫy tay chào lại!".
Bố gặp ông bạn này ở Câu lạc bộ thứ Hai, chật vật đi với hai tay vịn vào khung đỡ. "Và David đang dắt chó đi dạo ...". Ông lại vẫy tay mặc dù David đang dừng cho con chó ghếch chân "tè" và nhìn đi chỗ khác. Tôi nhận ra bố cảm thấy mình rất oai trên chiếc taxi. Hiếm khi nào ông phải trả tiền đi lại nhiều như thế, ông chỉ đi bộ quanh quẩn gần nhà hay cùng lắm là cách một trạm xe buýt.
"Ôi, nhà đây rồi!", ông thốt lên. "Tôi trả anh bao nhiêu, Jack?", ông chồm người lên phía trước lần nữa, ông lấy hai tờ năm euro từ trong túi ra.
"Cho xin ... hai mươi euro!".
"Cái gì?", bố nhìn lên đầy kinh ngạc.
"Con sẽ trả, bố cất tiền vào đi!". Tôi đưa anh tài xế hai mươi lăm euro và bảo anh ta không phải thối lại. Bố nhìn tôi như thể tôi vừa lấy một lít bia từ tay ông rồi đổ xuống cống.
Tôi và Conor sống trong một ngôi nhà liên kế bằng gạch đỏ ở Phisboro từ khi chúng tôi cưới cách đây mười năm.
Mấy căn nhà này được xây dựng từ những năm bốn mươi, và hàng năm chúng tôi đều chi tiền để làm mới lại. Cuối cùng, nó trở thành ngôi nhà mà chúng tôi yêu quý. Một hàng rào sơn đen xung quanh sân vườn nhỏ phía trước, ở đó có những bụi hoa hồng mà mẹ tôi đã trồng. Bố cũng sống trong căn nhà giống như vậy nhưng cách hai con đường. Đó là ngôi nhà mà tôi sống thời ấu thơ, rồi liên tục học hành, và mỗi khi quay lại đó là tôi lại nhờ đến những năm tháng thơ dại của mình.
Cửa nhà tôi mở ra ngay khi chiếc taxi vừa quay đầu xe. Cô hàng xóm, Fran, cười với tôi khi tôi đang đứng tại cửa nhà mình. Cô nhìn chúng tôi với vẻ ngượng nghịu, lúng túng, né ánh mắt tôi khi tôi quay nhìn lại. Tôi sẽ phải làm quen với những ánh nhìn như thế.
"Ô, tóc của con!", cô thốt lên, liền sau đó rút lại lời. "Cô xin lỗi, ý cô là cô phải đi ngay khi con về nhà". Cô mở rộng cửa và kéo một cái túi phía sau. Cô mang một chiếc găng hình bông cúc đại đóa lớn bên tay phải.
Bố cũng đầy vẻ căng thẳng và tránh nhìn vào mắt tôi.
"Cô làm gì ở đây vậy, cô Fran? Sao cô lại vào nhà con?", tôi cố gắng giữ lịch sự nhưng việc một người vào nhà tôi mà không được tôi cho phép đã làm tôi bất ngờ tức điên lên.
Cô nhìn bố. Bố nhìn bàn tay cô và húng hắng ho. Cô nhìn xuống, cười bối rối, rồi cởi găng tay ra. "Ồ, bố con đã đưa chìa khóa cho cô. Cô nghĩ ... À, cô mới để tấm thảm ở ngoài hành lang cho con. Cô hy vọng con thích nó!".
Tôi nhìn cô chằm chằm với một sự bối rối cao độ.
"Không sao, cô sẽ đi ngay đây!". Cô đi ngang qua tôi, chộp lấy cánh tay tôi, nắm chặt nhưng không nhìn vào mắt tôi. "Bảo trọng nhé con!". Cô đi dọc theo con đường và kéo cái túi có gắn bánh xe phía sau.
"Bố", tôi nhìn bố một cách giận dữ, "Chuyện này là thế nào?". Tôi đi nhanh vào phía sau nhà, nhìn tấm thảm lau chân cáu bẩn nằm trên tấm thảm màu be của tôi. "Sao bố lại đưa chìa khóa nhà con ột người gần như là xa lạ, để cô ta có thể tự tiện vào nhà và bỏ lại thảm lau chân ở đây? Con đâu có tốt bụng, dễ tính dữ vậy!".
Bố cởi cái mũ lưỡi trai ra và mân mê bằng hai tay. "Cô ấy không phải là người lạ đâu con. Cô biết con từ hồi con mới từ nhà bảo sinh về!".
Đó chẳng phải là chuyện nên nói lúc này và ông biết điều ấy.
"Con không quan tâm", tôi lắp bắp. "Đây là ngôi nhà yêu quý của con, chứ không phải của bố! Bố không thể làm như thế được ... Con ghét cái tấm chùi chân xấu xí dơ bẩn đó!". Tôi nắm một góc tấm thảm, kéo nó ra ngoài và đóng sầm cửa lại. Tôi đang nổi cáu và lại gào lên với bố lần nữa. Nhưng ông không để ý đến những câu gào thét của tôi. Ông tái nhợt, tay run run, mải nhìn xuống đất với một vẻ buồn buồn. Mắt tôi dõi theo ánh nhìn của ông.
Nhiều vết bẩn màu nâu, giống như nhang giọt rượu đỏ, vương vãi trên tấm thảm màu be. Nó đã được làm sạch, nhưng lông thảm bị chải ngược như cố xóa đi cái gì đó đã nằm ở đây. Vâng, máu của tôi.
Tôi gục đầu vào hai tay mình.
Giọng bố khe khẽ, đầy tổn thương. "Bố nghĩ sẽ tốt hơn cho con khi con về nhà và những dấu vết đó đã được xóa đi ...".
"Bố ...".
"Cô Fran đã đến đây mỗi ngày một chút và thử nhiều cách để xóa hết vết bẩn. Cái tấm lau chân là do bố đề nghị ....", ông hạ giọng, "Con không thể trách cô ấy!".
Tôi nghe lòng mình đầy hối hận.
"Bố biết con thích mọi thứ trong nhà đều mới và hòa hợp với nhau", ông nhìn xung quanh, "nhưng cô Fran và bố không có những thứ đó".
"Con xin lỗi bố. Con không biết chuyện gì đã xảy ra với con. Con xin lỗi vì đã gào lên với bố. Bố đã giúp con rất nhiều suốt cả tuần nay. Con sẽ ... con sẽ gọi điện cho cô Fran để cảm ơn cô ấy!".
"Ừ!", ông gật đầu, "Bố sẽ để con xử trí việc này. Bố sẽ mang tấm thảm chùi chân trả cho cô Fran. Bố không muốn những người hàng xóm thấy nó ở phía ngoài và nói lại với cô ấy".
"Không, con sẽ để nó lại chỗ cũ. Nó quá nặng cho bố để mang đi trả. Con giữ nó và sẽ trả lại cho cô ấy sau ...". Tôi mở cửa, lấy lại tấm thảm từ hành lang bên ngoài. Tôi kéo nó vào trong nhà với một sự trân trọng và để nó nằm đè lên đúng cái nơi mà tôi đã mất đứa con của mình.
"Con thật lòng xin lỗi bố!".
"Không sao đâu con!". Ông khập khiễng đi về phía tôi và vỗ nhẹ vai tôi.
"Bố biết con đang trải qua một khoảng thời gian khó khăn. Bố quanh quẩn gần đây, khi nào cần thì con cứ gọi!".
Tôi nhìn theo cái dáng đi với cổ tay đánh nhẹ, chiếc mũ lưỡi trai sờn trên đầu, cách ông khập khiễng bước từng bước trên đường. Những cử chỉ quen thuộc và bình yên. Ông khuất nơi góc đường và tôi đóng cửa lại. Một mình. Yên tĩnh. Chỉ có tôi và căn nhà. Cuộc đời vẫn tiếp tục bất kể chuyện gì đã xảy ra. Có vẻ như phòng trẻ con trên lầu đang lúc lắc làm rung tường và sàn. Thình thịch.
Thình thịch. Giống như tiếng vọng của con tim. Nó đang cố gắng xô ngã bức tường và đẩy máu tràn xuống cầu thang, đến hành lang, đến từng ngõ ngách.
Tôi đi ra khỏi cầu thang, thơ thẩn quanh các phòng. Mọi thứ dường như vẫn ở chỗ cũ. Tôi xem kỹ hơn. Cô Fran đã sắp xếp lại ngăn nắp cả. Tách trà tôi uống không còn nằm trên bàn cafe trong phòng khách. Vòi nước và chạn đựng bát đĩa sáng bóng. Xuyên qua nhà bếp là cánh cửa dẫn ra vườn sau. Những bụi hồng của mẹ trồng dọc theo chân tường. Cây phong lữ màu đỏ thắm lú nhú trên mặt đất.
Phòng trẻ con trên lầu vẫn còn đập mạnh.
Tôi chú ý đến ánh sáng đỏ của chiếc máy điện thoại trả lời tự động. Bốn tin nhắn. Tôi liếc danh sách số điện thoại và nhận ra là số của những người bạn.
Quay đi khỏi chiếc máy điện thoại, tôi biết mình không có khả năng nghe những lời chia buồn của họ lúc này. Rồi tôi đứng lại. Tôi quay trở lại. Xem danh sách một lần nữa.
Nó đây rồi. Tối thứ Hai, lúc 7 giờ 10 phút. Lần nữa lúc 7 giờ 12 phút. Cơ hội thứ hai để tôi nhấc ống nghe. Cuộc gọi này đã làm tôi bị té cầu thang, và làm mất đi cuộc sống của con tôi. Ai đó để lại lời nhắn. Với những ngón tay run run, tôi nhấn nút "play".
"Xin chào, đây là công ty cho thuê băng đĩa Xtra- vision ở Phisboro. Chúng tôi gọi để hỏi về đĩa DVD Ca khúc Giáng sinh. Theo sổ sách của chúng tôi thì bạn đã trễ một tuần. Xin bạn vui lòng gửi trả lại sớm!".
Tôi hít thật sâu vào. Nước mắt chảy ra. Tôi đã mong đợi điều gì? Một cuộc gọi có giá trị bằng sự mất mát một đứa bé? Có phải đó là điều quá gấp để tôi vội vàng như thế? Đó là điều xứng đáng để tôi mất đứa con?
Toàn thân tôi run lên. Tôi cảm thấy mình muốn nổi cơn thịnh nộ. Hơi thở của tôi cũng run run. Tôi đi qua phòng khách. Tôi nhìn thẳng vào đầu DVD.
Nằm trên đầu máy DVD là cái đĩa mà tôi thuê trong lúc chăm sóc đứa con gái đỡ đầu. Tôi chụp lấy cái đĩa DVD, nắm chặt nó trong tay tôi, siết chặt như thể tôi có thể bóp chết cuộc sống của nó. Tôi ném mạnh xuyên qua phòng. Nó đập mạnh vào khung ảnh để trên cây piano, làm vỡ tan lớp kiếng của bức hình cưới và trầy luôn lớp tráng bạc của tấm hình.
Tôi há hốc mồm và hét lên, hét bằng tất cả sức mình, hét với âm lượng cao nhất có thể. Và rồi tiếng hét trở nên sâu và trầm, chứa đầy nổi thống khổ. Tôi hét lên lần nữa, kéo dài cho đến khi hết hơi. Tiếng hét nối tiếp tiếng hét phát ra từ trong lòng, từ trong nơi sâu thẳm trái tim tôi. Tôi cứ để tiếng hét phát ra xen lẫn với tiếng cười não nề buột chặt lấy tâm trạng thất vọng. Tôi hét và tôi hét cho đến khi hết hơi, cháy cả cố họng.
Trên lầu, phòng dành cho trẻ sơ sinh vẫn tiếp tục rung động. Thình thịch, thình thịch. Nó ra hiệu cho tôi, rằng trái tim của ngôi nhà đang đập một cách man dại. Tôi đi đến cầu thang, bước lên tấm thảm chùi chân, bước lên từng nấc thang. Tôi chụp lấy lan can, cảm giác quá yếu để nhấc chân lên. Tiếng đập ngày càng to theo từng nấc thang, cho đến khi tôi lên được trên lầu, đối diện với cánh cửa ở phòng của con. Tiếng đập dừng lại. Tất cả mọi thứ đều đứng yên. Tôi lướt những ngón tay trên cánh cửa, áp má tôi vào nó, sẵn sàng chấp nhận bất cứ điều gì xảy ra. Rồi tôi nắm lấy tay nắm, và mở cửa.
Bức tường đã sơn được một nửa chào đón tôi. Màu hoa vàng nhạt. Mùi thơm ngòn ngọt. Cái giường cũi với vài con vịt nhỏ màu vàng đang đung đưa phía trên. Hộp đồ chơi được trang trí bằng những chữ cái to. Chấn song treo hai con búp bê.
Chú thỏ nhồi bông đang ngồi trong giường cũi. Nó cười ngơ ngẩn với tôi.
Tôi cởi giày ra và đi chân trần trên lớp thảm mềm, cố hết sức bám vào thế giới này. Đóng cửa lại. Không một tiếng động. Tôi nhặt con thỏ lên và mang nó đi xung quanh phòng trong khi tay tôi lướt qua những quần áo đồ chơi trẻ con và những đồ đạc sáng bóng trong phòng. Tôi mở hộp nhạc đồ chơi và nhìn vào con chuột nhỏ bên trong chạy vòng vòng theo miếng bơ, phát ra điệu nhạc ngân nga đầy mê hoặc.
"Mẹ xin lỗi, Sean!", tôi thì thầm như bị nghẹn ở cổ họng. "Mẹ xin lỗi rất, rất nhiều".
Tôi ngồi xuống sàn, bó gối lại, ôm con thỏ đang nở nụ cười hạnh phúc một cách vô thức. Tôi nhìn con chuột đồ chơi lần nữa. Nó đang chạy vòng vòng trong chuồng, đuổi theo miếng bơ mà nó sẽ chẳng bao giờ bắt được. Đóng sầm cái hộp lại, tiếng nhạc ngưng và tôi bị rơi vào khoảng không yên lặng.