Chương 49: Lời ghi trên rìa mộ Porthos

Aramis đứng dậy lặng lẽ rùng mình, run rẩy như một đứa bé trong cơn sợ hãi. Nhưng ông đứng dậy được mà không thể cất bước nổi. Hình như là có phần nào thân thể Porthos vừa chết đi trong người ông.

Những người Breton quây quanh ông; Aramis mặc cho họ nâng đỡ ông, lôi đến thuyền. Thế rồi khi đặt ông lên ghế gần chỗ lái, họ đỡ mái chèo khua mạnh.

Trên cả phần mặt bằng của động Locmaria bây giờ đã bị san phẳng chỉ còn có một mô đá lưu ý người qua lại. Aramis không rời mắt khỏi nơi đó, và nhìn từ xa trên mặt biển, khối đá gân guốc hiên ngang vươn thẳng lên như ngày xưa Porthos đã từng như thế, như người bạn anh hùng trung thực, con người mạnh nhất trong bốn người mà cũng là người chết đầu tiên.

Những con người dày dạn sương gió có định mệnh thật trớ trêu? Con người chân chất nhất lại gắn bó với người tinh khôn nhất, sức mạnh thân xác được sự tinh tế của khối óc hướng dẫn, thế mà trong thời điểm quyết định, khi chỉ sự cương nghị mới có thể cứu được thân xác và trí óc, thì một hòn cuội, một tảng đá, một sức nặng không ra gì lại thắng cả nghị lực, ập xuống thân xác, đánh đuổi trí tuệ đi.

Porthos cao cả! Con người sinh ra để cứu giúp kẻ khác, luôn luôn sẵn sàng hy sinh cho kẻ yếu, con người hình như được chúa ban cho sức mạnh để làm công việc ấy; lúc chết đi, ông nghĩ là để làm tròn giao kết với Aramis nhưng giao kết ấy Aramis lập nên một mình và Porthos chỉ biết được khi sự gắn bó keo sơn đòi hỏi thực hiện thôi.

Porthos tôn quý! Có ích gì nữa đâu, những lâu đài đầy đủ tiện nghi, những khu rừng đầy đủ mồi săn, những ao hồ tràn đầy cá tôm, và các hang động tràn đầy của cải? Có ích gì nữa đâu, những kẻ hầu cận xênh xang mũ áo trong đó có Mousqueton hãnh diện vì được anh trao quyền nắm giữ? Ôi Porthos cao cả.

Porthos âu lo, tích trữ vàng bạc, anh đâu có cần làm việc đến thế để làm đẹp, làm sang đời sống của anh, để rồi đến nơi bãi đất hoang vắng chỉ có tiếng chim biển kêu gào, chết đi, thân xác tan nát dưới khối đá lạnh lùng! Porthos cao cả ơi, anh đâu có cần thu vén bao nhiêu vàng bạc ấy để rồi chẳng có cả lời tưởng niệm của một thi sĩ nghèo nàn trên nấm mồ của anh!

Porthos dũng cảm ơi! Cho đến ngày nay, chắc anh vẫn còn yên nghỉ dưới tảng đá mà người đời đã lãng quên tên tuổi, không nhớ nơi chốn, khiến cho những người chăn thả cứ tưởng nấm mồ đá đó chỉ là tấm cự thạch của thời hoang sơ nào thôi.

Rồi bao nhiêu rong rêu lạnh lẽo được gió biển mơn man vỗ về sẽ mọc phủ lên, đem đá liền với đất khiến có ai đấy đi qua cũng không bao giờ tưởng được rằng một tảng đá khổng lồ như thế mà một người trần mắt thịt lại có thể cử nổi lên vai!

Aramis vẫn xanh xao, lạnh lùng nhìn bãi biển mờ dần nơi chân trời, tắt đi trong vệt sáng ban ngày cuối cùng. Không một lời thốt lên, không một tiếng thở dài sâu thẳm thoát ra từ lồng ngực. Những người Breton mê tín nhìn ông mà run rẩy. Con người im lặng này không còn là người mà đã thành tượng đá.

Tuy nhiên, chiếc thuyền có cánh buồm nhỏ giương lên đón gió rời nhanh khỏi bờ, vững vàng hướng về Tây Ban Nha, xuyên qua vịnh Gascogne đầy giông bão.

Nhưng chỉ mới khoảng nửa giờ buồm giương để cho các thủy thủ ngưng tay chèo thì họ phải vội vã khom mình trên ghế, giơ tay che mắt chỉ cho nhau một điểm trắng hiện ra ở chân trời, lặng yên như một con hải âu ru mình trong hơi thở rập rình của sóng.

Mắt người thường thấy vật đó đứng yên nhưng con mãt nhà nghề của người đi biển lại thấy nó đang rẽ sóng lao tới.

Thấy người chủ đắm chìm trong cơn đau khổ, họ không dám đánh thức dậy mà chỉ lo âu thì thầm trao đổi những lời phỏng đoán với nhau thôi. Một thủy thủ, Goennec, bạo lời đánh tiếng:

- Thưa Đức ông, ta bị săn đuổi rồi!

Aramis không trả lời gì hết; chiếc tàu vẫn tiến tới.

Thế là tự mình thu xếp, hai người thủy thủ theo lệnh chủ thuyền Yves, hạ cánh buồm xuống để chỉ còn là một điểm trên sóng, khỏi làm đích cho kẻ thù theo dấu.

Phía tàu kia, trái lại, người ta kéo thêm hai buồm mới ở hai bên. Rủi ro, lúc này là vào những ngày đẹp nhất, dài nhất trong năm, và mặt trăng sáng toả tiếp theo buổi ban ngày bất hạnh.

Như một chiếc tàu đang đuổi theo, được gió thuận, lại còn hưởng nửa giờ của buổi chiều và cả một đêm trăng tỏ. Người chủ thuyền gọi to:

- Đức ông! Đức ông! Chúng ta nguy mất! Họ thấy ta rồi, dù là chúng ta đã cất buồm đi.

Một thủy thủ thì thầm.

- Không nên lấy làm lạ: người ta nói dân thành phố có ma quỷ yểm trợ đã chế tạo các dụng cụ nhìn xa cũng thấy như nhìn gần, đêm cũng như ngày.

Aramis lấy từ trong thuyền ra một chiếc ống nhòm, vặn nút điều chỉnh rồi đưa cho người thủy thủ, nói:

- Này, nhìn đi.

Người thủy thủ đưa lên mắt và kêu lên ngạc nhiên: anh tưởng là do một phép lạ, chiếc tàu đang ở xa một tầm súng bỗng nhiên vụt tới bên cạnh. Nhưng khi lấy lại ống nhòm ra, anh lại thấy rằng tàu vẫn còn ở khoảng xa, tức khoảng cách tàu đã rút ngắn trong giây phút ngắn ngủi ấy. Người thủy thủ lẩm bẩm:

- Như thế là họ thấy ta cũng như ta thấy họ, thế phải không?

Aramis trả lời:

- Họ đang thấy chúng ta đấy.

Rồi ông trở lại vẻ lạnh lùng thản nhiên như cũ. Chủ thuyền Yves hỏi:

- Sao, họ thấy chúng ta à? Không thể được.

Người thủy thủ nói:

- Này, thầy cầm thử xem.

Người chủ thuyền đưa ống nhòm lên mắt:

- A, thưa Đức ông, phép lạ đây rồi: họ ở kia, tôi tưởng như tôi sắp sờ được họ vậy. Ít ra là hai mươi nhăm người. Tôi thấy thuyền trưởng ở đầu tàu. Ông ta cầm chiếc ống nhòm như cái này và đang nhìn chúng ta. Ô! Ông ta đang quay lại, ra lệnh, bọn kia đẩy một khẩu súng ra, nạp đạn và nhắm vào ta. Trời ơi. Hắn bắn vào chúng ta đấy!

Chiếc tàu vẫn còn cách khoảng một dặm nhưng việc động tĩnh bên đó mà người chủ thuyền đã báo thì rõ ra rồi. Một luồng khói nhỏ xuất hiện phía dưới các cánh buồm, nở ra như một đoá hoa, rồi cách thuyền khoảng một dặm, người ta thấy trái đạn lăn qua hai, ba đợt sóng, làm thành một đường dài trên biển và biến đi vô hại như viên đá của cậu học trò ném thia lia.

Đó vừa là lời đe doạ vừa là lời cảnh báo. Người chủ thuyền hỏi:

- Làm sao đây?

- Họ đánh chìm ta mất, - Goennec nói. Xin Đức ông làm phép cứu rỗi cho chúng ta.

Người chủ thuyền:

- Nhưng biết đâu nhờ đêm tối, ta có thể thoát tay họ?

- Ô, Aramis nói. Họ có đèn tàu soi theo dấu của ta.

Trong lúc đó như để chứng thực cho lời Aramis, phía trên tàu kia vụt một làn khói thứ hai bốc từ từ lên trời và giữa đó, một vòng sáng như một cây mống trời đi xuống mặt biển, cháy sáng mãi chiếu cả một phần tư dặm chung quanh.

Những người Breton khiếp hãi nhìn nhau. Aramis nói:

- Các anh thấy không, tốt hơn là cứ chờ họ đến thôi.

Các thủy thủ không buông mái chèo; thuyền không đi tới nữa, đu đưa trên đầu sóng.

Đêm đến, chiếc tàu kia cứ tiến đến. Có lẽ ban đêm họ tăng tốc độ gấp đôi. Cuối cùng nó đến vừa tầm súng tay.

Một người đã đứng trên boong, tay cầm súng, người xạ thủ đại bác bên khẩu pháo, mồi lửa cháy rực. Người ta cứ tưởng là bên kia sắp tiếp cận một chiếc thuyền chiến và sắp phải đánh nhau với một quân số đông hơn chứ không phải là đi bắt một chiếc thuyền nhỏ với bốn người. Người chỉ huy đứng trên tàu cầm ống loa kêu sang:

- Hàng đi. Thủy thủ nhìn Aramis. Aramis gật đầu.

Chủ thuyền Yves treo miếng giẻ trắng nơi đầu sào.

Chiếc tàu tiến đến như con ngựa đua.

Bên đó ném tiếp một hoả tiễn rơi cách thuyền hai mươi bước và chiếu lên sáng hơn cả ánh mặt trời. Người chỉ huy la lên từ phía bên kia:

- Ai có biểu hiện chống cự thì bắn ngay.

- Bắt sống, bắt sống, thưa thuyền trưởng! - Vài người lính thủy say sưa gào lên. - Phải bắt sống họ!

- Được rồi, bắt sống, bắt sống. - Viên thuyền trưởng nói.

Rồi ông quay sang những người Breton, kêu lên:

- Các anh không phải tội chết, trừ ông hiệp sĩ D Herblay.

Aramis hơi giật mình.

Trong khoảng khắc, mắt ông nhìn sâu xuống đại đương, trên mặt biển còn sáng lên ngọn lửa chạy dọc bên lượn sóng, toả lên trên đầu ngọn sóng khiến cho phía dưới các vực thẳm trở nên càng đen tối hơn, bí ẩn hơn, ghê gớm hơn. Những người lính thủy:

- Đức ông chắc có nghe?

- Rồi.

- Ngài ra lệnh sao?

- Nhận đi.

- Thế còn Đức ông?

Aramis cúi mình hơn về phía trước, đưa các ngón tay trắng nõn vọc trên nước biển xanh và cười như với một người bạn thân. Ông nói:

- Các anh nhận đi.

- Chúng tôi nhận hàng. - Các thủy thủ lặp lại. - Nhưng có gì bảo đảm?

- Các ông có lời hứa của một người quý tộc. - Người sĩ quan nói. -Ta thề trên cấp bậc và dòng họ ta rằng trừ ông hiệp sĩ D Herblay còn tất cả đều được khỏi chết. Ta là Phó đô đốc chiếc vương thuyền La Pomone và ta lên là Louis Constant De Bessigny.

Aramis lúc bấy giờ đang nghiêng mình phân nửa bên ngoài thuyền bỗng vụt ngửng đầu lên, đứng thẳng dậy, mắt sáng quắc môi nở một nụ cười, nói như chính ông là người chỉ huy:

- Các ông thả thang xuống đi.

Thế rồi Aramis nắm theo dây thang bước lên đầu tiên và những người thủy thủ tưởng gặp một khuôn mặt nhợt nhạt sợ hãi thì lại rất ngạc nhiên thấy ông tiến thẳng đến chỗ viên chỉ huy, dáng vững vàng, mắt nhìn thẳng, tay ra một dấu hiệu bí mật khiến cho người sĩ quan xanh mặt và phải cúi đầu xuống.

Aramis không nói tiếng nào và giơ bàn tay đến ngay trước mặt người chỉ huy, cho ông thấy chiếc nhẫn nạm đeo nơi ngón tay áp út phía trái. Khi ra dấu như thế, Aramis lấy dáng cao ngạo lành lạnh như là một vị hoàng đế giơ tay cho thần dân hôn.

Người chỉ huy đã ngẩng đầu lên, lại cúi xuống lần nữa thật cung kính. Rồi ông giơ tay hướng về phía lái, tức là phía phòng ông, và nép mình cho Aramis bước đi.

Ba người Breton kinh ngạc nhìn nhau. Cả thủy thủ đoàn đều im lặng.

Năm phút sau, viên chỉ huy gọi người phụ tá lên và ra lệnh quay mũi tàu về hướng Corogne(1).

Trong khi lệnh được thi hành thì Armis lại xuất hiện trên boong tàu, đến ngồi dựa vào lan can.

Đêm đến mà trăng chưa lên, tuy nhiên, Aramis vẫn cứ nhìn về phía Belle-Isle, Yves đi về phía người chỉ huy lúc này đã đến ngồi vào vị trí và hỏi nhỏ ông:

- Thưa thuyền trưởng, chúng ta đi về đâu thế?

Viên sĩ quan trả lời:

- Ta đi theo đường Đức ông chỉ.

Cả đêm, Aramis vẫn ngồi trên lan can tàu.

Sáng hôm sau, Yves, đến chỗ ông, thấy mặt gỗ nơi vị giám mục tựa vào ướt đẫm như có sương thấm.

- Có lẽ đây là những dòng nước mắt đầu tiên của Aramis?

Porthos tốt bụng ơi, có dòng bi ký nào có giá trị hơn nữa đâu?

Chú thích:

(1) Corogne, một thành phố thuộc Tây Ban Nha