Nghi thức tráo chứng nhận diễn ra vô cùng nhanh chóng. Các thí sinh sau khi được tổng kết điểm, đã có thể phân loại chứng nhận. Tính thêm điểm ở vòng cuối cùng, đạt được tổng hai mươi điểm sẽ được loại trung bình, ba mươi điểm sẽ là loại khá, bốn mươi điểm là loại giỏi và bốn mươi lăm điểm sẽ là loại xuất sắc. Nguyễn Phong đạt thành tích cao trong tất cả các bài kiểm tra, điểm thi đạt đến bốn mươi tám điểm, nếu không phải vì nhắc bài cho Trần Duy mà bị trừ mất hai điểm, hắn đã đạt điểm tuyệt đối. Trần Duy điểm không được tốt như vậy, tổng của bốn vòng mới được có ba mươi điểm, cũng nhờ vòng cuối cùng mà may mắn vượt lên, đạt đến thành tích khá. Văn Thái lần này bị Lý Ngưu đả thương, ở vòng thi cuối cùng cũng không thể tiếp tục hết, chỉ được xếp hạng sáu, vì vậy tổng điểm bống vòng của hắn là ba mươi lăm, cũng có thể coi là không được như ý. Sau phần trao chứng nhận, Nguyễn Bảo lại lên lễ đài, diễn thuyết một lần nữa. “Kính thưa các vị hương thân phụ lão cùng toàn thể dân làng Vĩnh Thái, lần này tôi lên đây, cũng chỉ có hai việc muốn nói. Đầu tiền là chúc mừng các thiếu niên của làng ta đã hoàn thành lễ thành niên mà cách tốt đẹp, đây là điều đáng mừng với tất cả mọi người, vì thanh thiếu niên đều là tương lai của chúng ta, là những người sẽ đảm đương vai trò bảo vệ và xây dựng tổ quốc trong nay mai. Xin mời tất cả mọi người tặng cho những thiếu niên tài giỏi này một tràng pháo tay để ủng hộ cho thành tích mà họ đã đạt được”. Hưởng ứng lời của Nguyễn Bảo, tiếng vỗ tay rào rào vang lên, dân làng đều vui mừng vì các thiếu niên. Chờ cho tiếng hoan hô đã lắng xuống, Nguyễn Bảo lại tiếp tục nói về vấn đề thứ hai. “Tiếp theo, tôi muốn nói về một việc rất quan trọng. Tôi mới nhận được công văn của triều đình gửi xuống tất cả các địa phương, thông báo về việc hai năm sau triều đình sẽ mở khoa thi tuyển chọn nhân tài. Tất cả mọi người, độ tuổi từ mười lăm trở lên, đều có thể đi đến kinh đô, tham dự kỳ thi này. Nếu đạt được thành tích tốt, có thể ra làm quan, vinh quy bái tổ, cũng là một điều hiển hách trong đời người. Ngoài ra, kỳ thi có phân hai bên là thi văn và thi võ. Mỗi người đều có thể tham gia một trong hai kỳ thi, hoặc là tham gia cùng lúc cả hai đều được. Văn, võ đều có phân trạng nguyên, người nào đạt được thành tích này, sẽ được gặp mặt trực tiếp hoàng thượng, có cơ hội được phong cho chức quan lớn. Vì vậy nếu như ai có mong muốn ra làm quan, thì nên cố gắng rèn luyện ngay lập tức, cơ hội luôn có cho mọi người”. Nghe được tin triều đình mở khoa thi, dân làng xôn xao hẳn lên, mọi người đều bàn luận về việc đi tham gia khoa cử lần này. Hai khoa thi văn võ đều là truyền thống khoa cử từ trước đến giờ của Đại Việt quốc, cứ mỗi ba năm đều tổ chức một lần. Văn vô đệ nhất, võ vô đệ nhị, tuy nói như vậy nhưng sự thực thì mỗi khoa thi đều phân ra trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa ba vị trí đứng đầu, chính vì vậy ai cũng hào hứng thảo luận, liệu năm nay người ở vùng nào sẽ đạt được ba vị trí này. Đại Việt quốc năm ở phía đông nam của Nam địa, phía bắc giáp với vùng Trung địa, phía đông và nam giáp với biển, cả quốc gia trải dài hơn bảy nghìn cây số từ bắc xuống nam, hình dáng lãnh thổ uốn lượn, như một con rồng nằm ở nơi tiếp giáp giữa đất liền và biển khơi. Từ bắc xuống nam, Đại Việt quốc cũng chia là ba miền là bắc, trung, nam. Kinh đô của Đại Việt quốc, trấn Kinh Bắc, cố đô đều nằm ở miền Bắc. Miền Trung là vùng tiếp giáp với biển nhiều nhất, vì vậy cũng hứng chịu thiên tai hàng năm nhiều nhất. Cứ mỗi năm và khoảng cuối hè sang thu, bão từ ngoài biển lại đổ bộ vào miền Trung, gây ra rất nhiều thiệt hại. Ở miền Trung cũng có rất nhiều vùng nổi tiếng, tiêu biểu như vùng An Tĩnh, nổi tiếng về những tấm gương vượt khó học tập, đạt thành tích cao trong các khoa thi của triều đình. Miền Nam, khí hậu quanh năm nóng bức, thời tiết phân biệt thành hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Nam bộ Đại Việt nổi tiếng là kho gạo của quốc gia, với sản lượng lúa gạo hàng năm đều lớn kinh người. Nam bộ cũng gắn liền với thành tích khai phá quốc gia của các vị tiên đế, mở ra lãnh thổ rộng lớn của Đại Việt quốc ngày nay. Ở vùng nam bộ, có tỉnh Bình Phú, nổi tiếng về truyền thống võ thuật, không chỉ nam giới luyện võ mà ngay cả nữ giới cũng luyện võ, được mệnh danh là cái nôi của võ thuật Nam bộ. Mỗi vùng miền lại có đặc trưng khác nhau, nhưng anh tài thì không đâu không có, chỉ cần có cơ hội là sẽ hiển lộ tài năng, mà khoa thi mỗi ba năm này chính là cơ hội tốt nhất đối với họ, không ai đoán trước được liệu nhân tài vùng nào sẽ tỏa sáng trong mỗi khoa thi. Nguyễn Phong nghe được thông báo về khoa thi, trong lòng cũng kích động vô cùng. Hắn trước đây vẫn luôn mơ ước được trở về thời cổ đại, tham dự khảo thí của triều đình, hiển lộ tài năng, làm quan giúp nước. Nay đã có cơ hội, không có lí do gì mà không thực hiện điều mong ước của bản thân. Trong đầu đã có quyết định, Nguyễn Phong dự định sẽ đề nghị với sư phụ và cha về chuyện đi thi, tin chắc là họ sẽ đồng ý cho Nguyễn Phong đi dự thi. Buổi tối hôm ấy, trong nhà họ Nguyễn tổ chức bữa tiệc lớn, mừng cho Nguyễn Phong đạt thành tích cao trong buổi khảo thí thành niên. Không khí trong bữa tiệc vô cùng sôi nổi, họ hàng thân thích, cô dì chú bác đều chúc mừng Nguyễn Phong. Tối hôm nay, Nguyễn Phong đã bắt đầu uống rượu, tiếp rượu với mọi người. Sang tuổi mười lăm, đã trải qua lễ thành niên, đàn ông con trai đều phải biết uống rượu, chính vì vậy, ai ai cũng chúc rượu cho Nguyễn Phong. Đợi sau khi bữa tiệc kết thúc, mọi người đã ra về hết, Nguyễn Phong lúc này mới tìm đến Nguyễn Bảo và ông ngoại. Trong căn phòng khách, chỉ có ba nam nhân, một người vẻ mặt đỏ rực, có vẻ như đã say rượu, ngồi ở vị trí chính chủ. Một người thì bộ dáng đã già lão nhưng tinh thần vẫn minh mẫn, ánh mắt chứa niềm vui vô hạn, đang ngồi bên ở ghế đầu bên phải. Một người còn lại bộ dáng thanh niên, khuôn mặt anh tuấn, trên mặt còn mang chút sắc đỏ, có lẽ là đã uống rượu nhưng vẫn chưa say. Ba người này chính là Nguyễn Phong cùng cha và ông ngoại hắn. Lúc này Nguyễn Phong tiến lên, thưa chuyện với hai bậc tiền bối của mình. “Cha, ông ngoại, con dự định sẽ tham gia và khoa thi hai năm sau. Đây là cơ hội hiếm có, mỗi ba năm mới có một lần, cũng là cơ hội tốt để con thi thố tài năng. Hy vọng cha và ông ngoại ủng hộ con đi thi” Nguyễn Bảo nghe thấy con trai nói chuyện chính sự, khuôn mặt đỏ ửng có vẻ say đột nhiên tỉnh táo hẳn lên, hơi rượu dường như đã bay đi đâu hết. Võ giả luyện tập đến trình độ cao, đã có thể điều khiển cơ thể một cách tùy ý, các loại tác nhân bên ngoài, như hơi men, hoàn toàn có thể bị ép ra ngoài trong tích tắc. Nguyễn Bảo sau khi đã tỉnh táo hơn, câu đầu tiên nói ra chính là đồng ý cho Nguyễn Phong đi thi. “Phong à, quyết định của con rất đúng đắn. Đời người ngắn ngủi, chẳng biết được mấy chục cái ba năm, cơ hội ngay trước mặt, không tranh thủ thì đợi đến khi nào. Làm nam nhi, chí tại bốn phương, phải biết quyết đoán nắm lấy cơ hội, không thể suốt ngày ru rú ở nhà được. Cha trước đây, vì lo cho hương hỏa của dòng họ Nguyễn, nên mới phải ở lại làng Vĩnh Thai này cả đời. Con là con trai cha, ta hy vọng con có thể thay cha đạt thành công danh, làm rạng rỡ dòng họ Nguyễn” Lời Nguyễn Bảo nói ra tràn đầy chờ mong và hy vọng. Hắn cũng từng một phen muốn thỏa chí tang bồng, nhưng lại bị gia sự gò bó, làm lãng phí gần nửa đời người. Giờ đây con trai hắn cũng đã có hai, vấn đề hương hỏa không cần phải lo lắng. Hắn đặt niềm hy vọng lên người Nguyễn Phong, mong sao đứa con trai này có thể giúp mình đạt thành chí hướng khi xưa. Ông ngoại Nguyễn Phong ngồi một bên, nghe được quyết định của đứa cháu này, cũng gật gù đồng ý. Đời người ngắn ngủi, ông cũng đã ngoài bảy mươi, không còn cơ hội vùng vẫy xông pha, nhưng đứa cháu này thì mới chỉ bắt đầu cuộc đời, cơ hội còn rất nhiều. Trước mắt cũng là một cơ hội tốt, ủng hộ cho nó nắm lấy cơ hội này, cũng coi như thỏa được phần nào chí nam nhi của mình. Nhận được sự ủng hộ của cha và ông ngoại, Nguyễn Phong cảm động vô cùng. Biết rõ trên vai mang theo niềm hy vọng của các bậc tiền bối, Nguyễn Phong càng thêm quyết tâm, đặt ra mục tiêu giành lấy thành tích cao nhất trong cuộc thi sắp tới, báo đáp một phen mong mỏi của cha, ông.