Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa! Cái tin Nguyễn Phong được nhà vua ban hôn chẳng mấy chốc đã lan ra khắp cả thôn làng Vĩnh Thái. Đầu đường cuối chợ, đâu đâu cũng có thể bắt gặp được từng nhóm dân làng tụm năm tụm ba mà bàn tán về lễ cưới này. Có người hiếu kỳ, có người chê bai, có người lo lắng, mà cũng có cả những người mừng rỡ. Chính vì sự quan tâm đặc biệt của dân làng đến tin tức này, thế nên cái tin làng Vĩnh Thái được vua ban cho bia công danh đã vô tình bị người ta bỏ qua. Có chăng, cũng chỉ còn lại vài vị bô lão đã gần đất xa trời là còn quan tâm đến niềm vinh dự lớn lao ấy. Nhưng đáng tiếc rằng, sự cách biệt giữa các thế hệ khiến cho các cụ chẳng biết tỏ nỗi niềm ấy với ai. Thành ra, vào buổi chiều hôm ấy lại có gần chục vị bô lão đột nhiên tụ tập ở sân đình làng. Dù có vài cụ tay chống gậy mà chân còn run lẩy bẩy, thế nhưng các cụ vẫn cố đến, đến để mà gặp mặt bạn bè cũ, đến để mà chia sẻ cái niềm vui trong lòng mỗi người – một thứ niềm vui mà chỉ có riêng người già mới thấu hiểu. Lại nói, cuộc đời có lắm khi cũng buồn cười. Dù rằng tin tức về lễ cưới của Nguyễn Phong đã được lan truyền ra khắp làng Vĩnh Thái, thế nhưng một trong những người có liên quan trực tiếp đến chuyện này lại chẳng hề hay biết gì. Bất kể là bà Ba hàng thịt nói nhiều nhất chợ, hay là cô Lục bán cá có tính chanh chua, hoặc cho đến cả anh Chí nát rượu không bao giờ giữ nổi cái mồm thì ngày hôm nay cũng đều biết điều mà ăn nói cẩn thận, tuyệt không để lộ một chút hơi tiếng nào về cái tin này trước mặt một người: Tiểu Yến. Dân làng vẫn nhớ rõ, mới đầu năm trước thôi, nhà ông trưởng thôn Nguyễn Bảo đã sắm sửa đồ lễ mang đến nhà thầy đồ Vũ để hỏi cưới con gái của thầy về cho cậu cả. Và cũng chỉ mới đầu năm nay đấy, lúc mà dân làng tiễn các sĩ tử đi thi thì hai người bọn họ còn quyến luyến nhau lắm. Đến nỗi mà cậu cả Phong khi rời đi vẫn cứ ngoái đầu nhìn về phía thôn làng mãi, còn cô Yến thì cứ đứng nhìn theo đoàn sĩ tử đi xa dần, đến tận lúc bóng đoàn sĩ tử đã hòa vào trong khung cảnh núi rừng thì cô vẫn chưa chịu rời đi. Ấy vậy mà giờ lại có cái tin trời ơi này, thật đúng là đời lắm chuyện khó ngờ! “Này, bà biết tin gì chưa?” Bà cụ Còng - thực ra thì tên bà vốn chẳng phải là Còng, chỉ vì cái lưng của bà nó bị còng do ngày trẻ làm việc nặng nhiều quá nên mọi người mới gọi bà như vậy – vừa bước vào quán nước đầu chợ thì đã nghe chủ quán hỏi như vậy. Khẽ chép miệng một cái, bà mới nói: “Biết rồi, lại cái tin cậu cả Phong được vua ban hôn chứ gì? Cả làng Vĩnh Thái này chắc chỉ còn mỗi cô Yến nhà thầy đồ là chưa biết tin ấy mà thôi.” Nói rồi, bà lại chép miệng thêm cái nữa. Chủ quán nước cũng hiểu ý, nhanh tay rót cho bà một chén nước vối đặc rồi mới nói tiếp: “Ừ, bà nói cũng phải, đến cả ông nhà tôi còn biết tin ấy thì đúng là cả làng đều biết hết rồi.” Đúng lúc này, một ông thợ săn tuổi đã trung niên lại bước vào quán nước. Cánh thợ săn vào dịp cuối năm này cũng rảnh rỗi, ngoại trừ buổi đi săn lúc sáng ra thì cả ngày cũng chẳng bận bịu gì, thành ra mấy tay thợ săn lại suốt ngày lê la chỗ quán nước này để mà tán chuyện. Sau khi đã gọi một chai rượu trắng và một đĩa lầm() luộc để nhắm, ông ta mới nói: “Này, hai bà đang nói chuyện gì thế, lại nói về cái tin cậu cả Phong được vua ban hôn hả?” “Chứ còn gì nữa! Ông thử ngó xem, trong khắp cái chợ này còn ai không nói về chuyện ấy không?” “Gớm cái bà này, nói năng gì mà chua thế. Phụ nữ gì mà đanh đá như bà thì chả trách sao cái lão chồng nhà bà lại suốt ngày than vãn với anh em chúng tôi. Mà này, tôi bảo thật nhé, các bà nghĩ trong chuyện này có cái ẩn tình gì không? Chứ tôi nghe nói làm phò mã thì chỉ được cưới một mình công chúa thôi đấy. Chả nhẽ cậu cả Phong lại là loại người có mới nới cũ hay sao?” “Đúng là đồ đàn ông, chỉ suốt ngày biết bao che cho nhau. Cái cánh đàn ông các ông thì tôi còn lạ gì, có ông nào mà không ham của lạ, của mới đâu chứ? Đã thế đây lại còn là cưới con vua! Làm phò mã rồi thì có mà sung sướng cả đời ấy chứ. Bảo sao người ta chẳng bỏ vợ ở nhà.” “Này, bà đang nói ông chồng nhà bà đấy à? Ai thì tôi không biết chứ cậu cả Phong thì chắc chắn không phải là loại người như thế!” “Thế thì ông còn hỏi ẩn tình cái gì? Chả nhẽ ông muốn hỏi xem cậu cả Phong cưới công chúa rồi thì có còn qua lại với cô Yến không hả?” “Bậy nào, bà nói thế mà nghe được à? Tôi hỏi là hỏi về cái thánh chỉ ban hôn ấy. Có khi nào nhà vua ép gả công chúa cho cậu cả Phong hay không? Tôi nghe nói ngày xưa có mấy cô công chúa xấu xí toàn được gả đi bằng cách này đấy.” “Có phải hay không thì tôi chả biết, nhưng nếu đúng như ông nói thì tôi chỉ thấy khổ thay cho cô Yến thôi. Cô bé ấy với cậu cả Phong vốn là một đôi rồi, giờ lại bị chia lìa như vậy thì bảo cô ấy làm sao chịu được. Đúng thật là, rõ khổ…” “Suỵt!” Bà cụ Còng còn chưa nói dứt lời thì đã bị ông thợ săn chặn tay trước miệng, kèm theo một tiếng “suỵt” ra hiệu cho bà đừng nói nữa. Cánh thợ săn vốn quanh năm suốt tháng đi vào rừng săn bắt, thành ra người nào người nấy đều vạm vỡ khỏe mạnh, lực cánh tay cũng chẳng hề nhỏ chút nào. Bà cụ Còng bị bịt miệng đến phát đau, giằng mãi mới thoát ra được nên không khỏi bực mình mà gắt: “Này, ông làm cái gì thế hả? Có thích bịt miệng thì về nhà mà bịt miệng vợ ông, sao lại đi bịt miệng tôi?” Gắt xong một câu như vậy, bà mới phát hiện ra ánh mắt của bà hàng nước cũng đang ra hiệu cho bà. Đến lúc này thì bà cũng đã lờ mờ hiểu ra được có chuyện gì xảy ra. Quả vậy, ngay lối vào quán nước giờ đã có thêm một người, chính là Tiểu Yến. “Tiểu Yến đấy à, cháu mau vào quán uống chén nước đi cho mát. Cháu…” Bà hàng nước ngập ngừng cất tiếng mời gọi, thế nhưng tiếng của bà càng lúc càng nhỏ. Nhìn bộ dáng của Tiểu Yến lúc này, bà thật chẳng biết nên nói gì cho phải, rút cục bà đành bỏ dở câu mời, lẳng lặng nhìn về phía cô gái đáng thương kia bằng một ánh mắt đầy lo lắng. Nét bàng hoàng trên khuôn mặt của Tiểu Yến vẫn chưa tan biến, còn bó hoa trong tay đã bị nàng nắm chặt quá mà gãy vụn ra. Mấy bông hoa còn chưa kịp cắt tỉa nên vẫn còn gai, những cái gai ấy giờ lại đang đâm vào tay nàng, khiến cho bàn tay Tiểu Yến chảy máu đầm đìa. Nhưng kể cả khi lòng bàn tay bị gai cào nát thì nàng cũng sẽ chẳng kêu lấy một tiếng, bởi trong lòng nàng có một nỗi đau còn to lớn hơn nhiều. Mãi một lúc sau, ánh mắt nàng mới dần trở nên có thần, thế nhưng ẩn sâu trong đáy mắt lại là một vẻ hoang mang đầy yếu ớt: “Bác… bác nói thật chứ? Anh Phong… anh Phong đã được hoàng đế ban hôn ư?” Nhìn vẻ mặt lo lắng đến mức tội nghiệp của Tiểu Yến, cả khách lẫn chủ quán nước đều không đành lòng đáp lại câu hỏi của nàng. Rút cục, tất cả mọi người đều lặng yên, thế nhưng chính sự im lặng ấy lại trở thành câu trả lời chuẩn xác nhất. Sắc mặt Tiểu Yến bỗng dưng tái nhợt, khóe môi khẽ run rẩy như thể còn muốn nói gì đó, nhưng rút cục nàng vẫn chẳng nói thành lời. “Thôi cháu ạ, sự cũng đã rồi, chẳng bằng cháu cứ đợi thằng Phong nó trở về rồi trực tiếp gặp mặt hỏi cho ra nhẽ. Biết đâu trong chuyện này còn có lẽ gì khác thì sao?” Bà cụ Còng chậm rãi lên tiếng an ủi Tiểu Yến, hay nói đúng hơn, bà đang ra sức xoa dịu tâm lý tuyệt vọng của cô gái trẻ. Kinh nghiệm đúc kết sau hơn sáu chục năm sống trên đời đã cho bà biết rằng: trong những giây phút như thế này thì biện pháp tốt nhất để an ủi chính là cố gắng kéo dài thời gian, để cho cô gái trẻ kịp thời điều chỉnh lại tâm lý, tránh cho nàng làm ra những việc dại dột. Và lần này, kinh nghiệm ấy dường như là chính xác, bởi Tiểu Yến sau khi nghe được lời an ủi của bà cụ thì đã bình tĩnh hơn nhiều. Chẳng qua, nhìn vào đáy mắt nàng, ai cũng có thể cảm nhận được một nét buồn sâu thẳm và sự trống vắng vô cùng: “Vâng, có lẽ cháu nên đợi đến lúc gặp mặt anh Phong để hỏi cho rõ ràng. Cảm ơn bà, cảm ơn mọi người, cháu xin phép về trước.” Dứt lời, Tiểu Yến liền xoay bước rời đi, thẳng về phía giữa làng nơi có một ngôi trường học đã trở lên vắng lặng trong kì nghỉ tết. Cùng lúc ấy, trong nhà trưởng thôn Nguyễn Bảo cũng đang diễn ra một cuộc tranh luận vô cùng phức tạp. Nơi phòng khách, Nguyễn Bảo đang ngồi ở vị trí chủ vị, mà ở phía đối diện với ông chính là ông ngoại của Nguyễn Phong. Trên khuôn mặt cả hai người lúc này đều hiện rõ nét lo lắng sâu sắc, bởi bọn họ đang gặp phải một vấn đề hết sức khó khăn. Rút cuộc, Nguyễn Bảo lên tiếng trước: “Bố à, bố nghĩ sao về thánh chỉ này? Rút cục chúng ta có nên tuân theo thánh chỉ, chuẩn bị đồ lễ cho thằng Phong hỏi cưới công chúa hay không? Con thấy nếu nhà mình mà làm vậy thì quả thực là có lỗi với nhà thầy Vũ quá? Đã vậy lại còn chuốc thêm cái tiếng có mới nới cũ, ham giàu chê nghèo. Đã mang cái tiếng ấy rồi thì thử hỏi sau này bố con mình, và cả thằng Phong nữa, chúng ta còn dám gặp mặt ai trong cái thôn này nữa?” “Ài, bố cũng biết rằng làm vậy là không tốt, thế nhưng nếu giờ chúng ta kháng chỉ thì có lẽ cả nhà ta sẽ gặp họa mất. Mà dù cho nhà vua nhân từ bỏ qua cho chúng ta, thì đường công danh của thằng Phong sau này cũng sẽ gặp nhiều trắc trở, khó mà thăng tiến được. Ôi, giá mà không có đạo thánh chỉ này thì tốt biết mấy!” Lại một lần nữa, cuộc bàn bạc đi đến chỗ bế tắc. Thế rồi, có lẽ là đã quá mệt mỏi với vấn đề phức tạp này, ông ngoại Nguyễn Phong chợt lên tiếng: “Thôi con ạ, sự đâu còn có đó, chúng ta cứ chờ thằng Phong về đến nhà đã, để xem tình hình thế nào rồi mới tìm ra cách giải quyết được.” “Dạ, bây giờ bố con mình cũng chỉ biết chờ đợi thôi chứ có lằm gì khác hơn được?” Đúng lúc này, từ phía ngoài chợt vọng lại tiếng đập cửa dồn dập cắt ngang cuộc nói chuyện của hai người. Không đến một phút sau, đứa nhóc giúp việc trong nhà đã hớt hải chạy vào phòng khách, vừa thở hổn hển vừa thưa vội với Nguyễn Bảo: “Thưa ông… thưa ông, có người vừa mới đến báo rằng… cậu cả… cậu cả đã về đến đầu làng rồi ạ.” ******* (): Lầm - một loại củ chỉ có riêng ở đại lục Hồng Bàng. Hình dáng gần giống với củ lạc ở Trái Đất, nhưng có vị hơi chát, thích hợp làm đồ nhắm rượu.