Cuối thu đầu đông, trời đất cũng dần chuyển mình. Từng mảng màu xanh tươi sớm đã mờ nhạt, chỉ còn lại một sắc nâu sồng khẳng khiu cùng tầng tầng vàng úa thê lương. Bầu trời cuối thu cũng đã mất đi cái vẻ trong xanh vốn có, thay vào đó là một thứ xám xịt buồn bã khiến cho người ta mỗi khi nhìn lên bầu trời đều cảm thấy nặng nề. Thi thoảng, vài cơn gió buồn mang theo khí lạnh đầu đông vội vã lùa qua khiến cho không ít kẻ rùng mình vì lạnh. Trong cái se lạnh đầu mùa, lòng người thổn thức mơ màng nghĩ về quá khứ đã qua, bao kỉ niệm vui buồn tựa như mới xảy ra ngày hôm qua mà giờ đã quá xa vời khiến người ta không khỏi thở dài một tiếng cảm thán. Đông lại về, đời người liệu còn mấy mùa đông! Kinh đô! Trái ngược với thứ cảm xúc buồn mang mác đang sóng vai mùa đông bước đến, người dân thành Đông Long lúc này lại rộn ràng náo nức hơn bao giờ hết. Khoa thi được triều đình tổ chức mỗi ba năm lại chuẩn bị diễn ra, biết bao sĩ tử từ khắp mọi miền trên tổ quốc đều tụ tập về chốn kinh kì náo nhiệt khiến cho bầu không khí nơi đây càng lúc càng được hâm nóng. Trên đường phố, dòng người qua lại rạo rực, có những sĩ tử lần đầu đến kinh đô dạo chơi mở rộng tầm mắt, lại có những người đã trải qua mấy khoa thi muốn tìm lại một chút kỉ niệm xưa; có những kẻ thi nhân tự do đi tìm cảm hứng, cũng có những người buôn bán muốn kiếm chút tiền trong mùa thi cử này. Cả một tòa thành rộng lớn giờ đây đều ngập tràn một thứ cảm xúc rạo rực khó tả chờ mong khoa thi bắt đầu. Hòa vào cùng dòng người tấp nập nhộn nhịp ấy, nhóm Nguyễn Phong theo chỉ dẫn của gã lính gác cổng thành dần tìm đến nơi đăng ký thủ tục khoa cử. Dọc đường đi, Văn Thái và Trần Duy không ngừng cảm thán về sự náo nhiệt của kinh đô, thậm chí ngay cả Nguyễn Phong cũng có phần bất ngờ với sự náo nhiệt của kinh đô lúc này. Thật không thể tưởng tượng được đã có bao nhiêu sĩ tử từ trên khắp cả nước đổ về nơi này, nếu có một thống kê cụ thể thì chỉ e con số này cũng phải lên đến hàng triệu. Mặc dù trên đường rất đông đúc, thế nhưng nhóm người Nguyễn Phong đi lại cũng không vất vả chút nào. Nguyên lực của mỗi người lúc này đều tỏa ra bên ngoài, hòa hợp cùng với nguyên tố trong trời đất tạo thành một thứ cảm giác tự nhiên lạ thường. Mỗi bước họ bước đi đều là bước theo dòng chảy của nguyên tố, chính vì vậy mà giữa dòng người tấp nập họ vẫn có thể thoải mái bước đi không gặp chút cản trở nào. Sau gần hai tiếng đồng hồ dạo bước trên những con đường kinh đô, cuối cùng bốn người Nguyễn Phong cũng đã đến được nơi đăng kí thủ tục thi cử: Quốc Tử Giám. Nhìn từ ngoài vào, tổng thể kiến trúc của Quốc Tử Giám ở nơi đây cũng không có bao nhiêu khác biệt so với Văn Miếu ở kiếp trước của Nguyễn Phong hay là những giáo trường tại các thành thị trung tâm trên khắp Đại Việt Quốc. Cửa giáo trường lúc này đã mở rộng, người ra người vào náo nhiệt vô cùng, đa phần là sĩ tử đến hoàn tất thủ tục đăng kí, thi thoảng còn thấy một vài vị quan bận rộn hoàn tất các công đoạn chuẩn bị cho kì thi. Vũ Ngôn dường như rất quen thuộc với Quốc Tử Giám nên cũng chẳng ngạc nhiên gì cảnh tượng này, ông nhanh chóng đi trước dẫn đường cho mấy người Nguyễn Phong. Bước qua một loạt các cổng lớn nhỏ, đi qua hàng loạt những sân lớn hồ rộng, cuối cùng Vũ Ngôn dẫn ba người Nguyễn Phong bước đến trước một khu nhà lớn, cũng chính là nơi lo liệu những công việc hành chính của Quốc Tử Giám. Bốn người vừa bước vào cửa liền gặp một vị quan cũng đang đi tới. Từ trang phục của vị quan này có thể nhận ra đây là một vị quan cửu phẩm chuyên lo việc văn thư ở Quốc Tử Giám. Vị quan này bộ dáng có vẻ vội vàng, dường như đang có chuyện quan trọng cần lo. Ông ta bước đi hấp tấp, nhanh chóng vượt qua bốn người Nguyễn Phong. Thế nhưng ngay khi vừa nhìn thấy Vũ Ngôn thì vị quan này liền ngạc nhiên kêu lên một tiếng, sau đó liền nở một nụ cười chào hỏi Vũ Ngôn: “Vũ sư phụ, lâu rồi không được gặp ông. Ông lại dẫn học trò lên kinh dự thi đấy à?” “Ha ha, thì ra là Hoàng lễ sinh. Năm nay tôi lại đưa học trò lên kinh dự thi, phải phiền ông chiếu cố rồi.” “Ồ, lại là chuyện thủ tục chứ gì. Việc đó thì đơn giản, vừa hay tôi cũng có việc thuận đường, đi nào, chúng ta vừa đi vừa nói chuyện” Hoàng lễ sinh gặp mặt Vũ Ngôn thì rất vui vẻ, việc thủ tục của ba người Nguyễn Phong cũng được ông ta nhận lời giúp đỡ. Năm người cùng đi đến khu vực đăng kí, nhờ có Hoàng lễ sinh dẫn đường mà họ không gặp bất cứ cản trở nào, nhanh chóng được làm thủ tục đăng kí. “Hãy điền thông tin cá nhân vào tờ giấy này rồi điểm chỉ kí tên.” Một vị quan phụ trách việc đăng kí đưa cho ba người Nguyễn Phong mẫu đơn đăng ký, bên trên yêu cầu khai báo đầy đủ thông tin cần thiết. Nguyễn Phong khá bất ngờ đối với những thủ tục tiên tiến như thế này, nhưng nghĩ lại cẩn thận thì mọi việc cũng là hợp lý, bằng không thì mấy vạn sĩ tử đến đăng ký chỉ e riêng phần làm thủ tục này cũng đã tốn không biết bao nhiêu thời gian rồi. “Đại ca, anh định đăng ký thi khoa nào, ở đây có hai khoa văn và võ này.” Trần Duy đang điền thông tin liền quay sang hỏi Nguyễn Phong, Văn Thái cũng quay lại tham khảo ý kiến. Nguyễn Phong không cần nghĩ ngợi liền trả lời ngay: “Đương nhiên là đăng ký thi cả hai khoa rồi. Các cậu thì sao, cũng đăng kí thi cả hai khoa chứ?” “Ha ha, anh cứ đùa. Tôi chỉ định chiếm lấy giải võ thôi, còn giải văn thì nhường cho người khác là được rồi.” Trần Duy trả lời câu hỏi của Nguyễn Phong một cách hài hước khiến cho cả ba cùng bật cười. “Văn Thái, cậu định thế nào?” “Tôi cũng chỉ đăng ký ban võ thôi, băn văn thì tôi đành bắt chước Trần Duy nhường cho người khác vậy” Nộp lại mẫu đăng ký đã điền đầy đủ thông tin, ba người liền được chỉ dẫn bước sang phòng kế tiếp. Tại đây bọn họ được một vị quan phân cho ba chiếc chìa khóa cùng với thẻ chứng minh thân phận thí sinh, có thẻ này thì mới có thể bước vào trường thi được. Chiếc thẻ chứng minh này nhìn sơ qua thì có vẻ đơn giản, nhưng thực sự lại không hề tầm thường chút nào. Mỗi một thí sinh khi nhận thẻ chứng minh đều phải thấm một giọt máu lên thẻ để xác nhận, sau này khi bước vào trường thi chỉ cần lấy chiếc thẻ này ra kiểm tra bằng trận pháp đặc biệt liền có thể xác nhận được người thi có đúng là chủ nhân của chiếc thẻ hay không. Đây cũng là một phương pháp cần thiết để đảm bảo tính trung thực trong kì thi, đồng thời cũng giúp triều đình dễ dàng kiểm soát danh tính thí sinh hơn. Sau khi mọi thủ tực đã hoàn tất, ba người Nguyễn Phong liền bước ra khỏi khu vực đăng kí. Bên ngoài sân, Vũ Ngôn và Hoàng lễ sinh dường như đang bàn chuyện quan trọng, vẻ mặt của cả hai người đều cẩn thận vô cùng. Nhìn thấy ba người Nguyễn Phong bước đến, hai bậc tiền bối cũng tạm dừng câu chuyện lại. “Ha ha, hậu sinh khả úy, chỉ cần nhìn bộ dáng các cháu là đã có thể thấy được tài năng kiệt xuất rồi. Không biết là các cháu đã đăng kí thi ban nào vậy?” “Ngài đã quá khen ngợi bọn cháu rồi. Cháu tài sức có hạn, cũng chỉ dám đăng kí thi khoa võ mà thôi ạ.” “Cháu cũng vậy, chỉ đăng kí thi khoa võ thôi ạ.” “Các cháu thật quá khiêm tốn rồi. Ta nghĩ Đại Việt sắp sửa có thêm hai vị dũng tướng rồi đấy. Còn cháu thì thế nào, có phải là sắp sửa trở thành một vị quan thanh liêm chuyên lo cho dân chúng hay không?” Hoàng lễ sinh lại quay sang hỏi Nguyễn Phong, trong ánh mắt chợt lóe lên hai luồng ánh sáng. Trong mắt ông, cả ba người Nguyễn Phong, Văn Thái, Trần Duy giống như những viên ngọc thô, tuy chưa được mài giũa nhưng vẫn tỏa ra thứ khí chất cao quý của ngọc. Đặc biệt là thanh niên trước mắt này, hắn tạo cho ông một cảm giác rất đặc biệt, tuy nhìn sơ qua thì có vẻ là loại đá vô cùng bình thường, nhưng nếu trải qua mài giũa ắt sẽ thành một viên ngọc sáng nhất, đẹp nhất. Chính vì lẽ ấy nên ông rất quan tâm đến người thanh niên đặc biệt này. “Ngài quả thật đã đánh giá cháu quá cao rồi. Có thể ra làm quan giúp dân giúp nước chính là mong ước lớn nhất của cháu, cho nên lần này cháu cũng xin cố hết sức mà thôi. Cháu đã đăng ký cả hai ban văn võ rồi ạ.” “Ồ, cả hai ban ư! Ha ha, đúng là có chí lớn đấy. Nếu vậy thì ta chúc cháu đạt được thành tích cao ở cả hai ban nhé, triều đình hẳn sẽ rất trọng thị bậc nhân tài như cháu đấy. Nghe nói năm nay những người có thể đạt thành tích cao ở cả hai ban đều sẽ được hoàng thượng đích thân khen thưởng đó.” Nói đến đây thì Hoàng lễ sinh liền lui về phía sau, nhường chỗ cho bốn thầy trò nói chuyện với nhau. Vũ Ngôn đối với các học trò của mình thì rất tin tưởng, không dặn dò dài dòng gì mà chỉ nói một câu: “Cố gắng lên, ta tin tưởng các trò sẽ đạt thành tích cao” Ra đến ngoài cửa giáo trường, Vũ Ngôn tạm thời chia tay với các học trò. Ba người Nguyễn Phong đã đăng kí tham gia khoa thi nên được phân chỗ ở do triều đình chuẩn bị, còn Vũ Ngôn trong thời gian sắp tới sẽ ở lại nhà của Hoàng lễ sinh. Bốn thầy trò sau khi chia tay liền chia làm hai đường. Ba người Nguyễn Phong tranh thủ thời gian rảnh rỗi liền đi tham quan kinh đô Đông Long, đến tận khi trời đã ngả tối mới có ý định quay về Nghênh Sĩ Viện. Đúng lúc này, chợt có một cậu bé chừng mười một mười hai tuổi chạy đến trước mặt bọn họ: “Các anh có phải là Nguyễn Phong, Văn Thái và Trần Duy không ạ?” Ba người nghe câu hỏi của cậu bé liền ngạc nhiên vô cùng, không ngờ một người xa lạ lại có thể biết rõ tên bọn họ như vậy: “Đúng vậy, làm sao em lại biết được tên anh?” “Có người nhờ em nhắn với các anh là: tối nay mời các anh đến lầu Ngưng Bích gặp mặt.” “Ồ, lại có người mời chúng ta ư? Có khi nào đây là một cái bẫy không?” Trần Duy cẩn thận lên tiếng hỏi, thế nhưng ngay sau đó hắn đã tự phủ nhận nghi vấn này. Nơi kinh đô này bọn họ nào có thù oán với ai, vì vậy không thể nào bị người khác rắp tâm mưu hại được. Mà dù có thực sự muốn mưu hại ba người bọn họ thì cũng chẳng phải mất công mời bọn họ đến lầu Ngưng Bích làm gì, trực tiếp cử cao thủ vây giết bọn họ là xong, dù sao bọn họ cũng chỉ là ba sĩ tử “bình thường” mà thôi. “Thế nào, chúng ta đi chứ?” Văn Thái lên tiếng hỏi Nguyễn Phong. “Đi, đương nhiên là phải đi rồi. Này nhóc, anh mới vừa đến kinh đô nên chưa thông thuộc đường, em dẫn đường cho bọn anh nhé.” Cậu bé được nhờ liền gật đầu đáp ứng ngay, nó nhanh chóng chạy phía trước, dẫn dường cho ba người Nguyễn Phong tiến đến lầu Ngưng Bích