Chương 21: Chương 21

Bức Sự phong thánh của Washington, do Constantino Brumidi hoàn thiện năm 1865, là một bức bích hoạ rộng gần 420 mét vuông phủ kín trần Nhà tròn.

Được mệnh danh là "Michelangelo của Điện Capitol", Brumidi tuyên bố mình có khả năng trang trí Nhà tròn điện Capitol y như Michelangelo đã làm với Nhà nguyện Sistine bằng cách vẽ một bức bích hoạ lên tấm toan cao nhất gian phòng, tức trần nhà của nó. Cũng như Michelangelo, Brumidi đã thực hiện các tác phẩm tuyệt đẹp của mình ở Vatican. Tuy nhiên, Brumidi di cư sang Mỹ năm 1852, bỏ thánh điện lớn nhất của Chúa để đến với một thánh điện mới, Điện Capitol, công trình giờ đây kiêu hãnh với những tác phẩm bậc thầy của ông - từ bức tranh vẽ như thật ở Hành lang Brumidi 1 tới trụ ngạnh trần phòng Phó Tổng thống. Nhưng chính bức tranh khổng lồ trải kín Nhà tròn Điện Capitol mới được hầu hết các sử gia coi là kiệt tác của Brumidi.

Robert Langdon ngước nhìn bức bích hoạ phủ kín trần nhà. Anh thường thích thú quan sát phản ứng kinh ngạc của sinh viên trước hình ảnh kỳ lạ trong tranh, nhưng lúc này đây, anh chỉ thấy bế tắc vì một cơn ác mộng không sao lí giải nổi.

Giám đốc Sato đứng bên cạnh, tay chống nạnh, cau mày nhìn trần nhà cao tít bên trên. Langdon cảm nhận được bà ta cũng có phản ứng như bao người lần đầu dừng bước ngắm bức tranh ở ngay trái tim nước Mỹ…

Hoàn toàn bối rối.

Không chỉ riêng bà đâu, Langdon nghĩ thầm. Với hầu hết mọi người, càng ngắm Sự phong thánh của Washington, họ càng thấy nó lạ lùng.

- George Washington ở ngay trung tâm ấy. - Langdon nói, trỏ lên phần chính giữa mái vòm cao tới hơn 50 mét - Các vị thấy đấy, ông mặc áo choàng trắng, đang bước lên mây, dưới đám mây là một người thường, mười ba thiếu nữ hộ tống theo sau. Đây chính là thời điểm phong thánh… là quá trình Washington biến thành thần linh.

Sato và Anderson không nói năng gì.

- Gần đó - Langdon tiếp tục - các vị có thể thấy một loạt nhân vật xa xưa, lạ lùng: đó là các vị thần cổ đại. Họ đang trao cho cha ông chúng ta những tri thức tiên tiến. Kia là thần Minerva, đang truyền cảm hứng công nghệ cho các nhà phát minh vĩ đại như Ben Franklin, Robert Fulton, Samuel Morse - Langdon lần lượt chỉ rõ từng nhân vật - Trên kia, thần Vulcan giúp chúng ta tạo ra cỗ máy hơi nước. Cạnh đó, thần Neptune giảng giải cách đặt đường cáp xuyên đại dương. Kế bên là thần Ceres, nữ thần ngũ cốc và là nguồn gốc tạo ra từ ngũ cốc (cereal), bà ngồi trên chiếc máy gặt McCormick, công trình mang tính đột phá trong nông nghiệp, giúp Hoa Kỳ trở thành nước sản xuất lương thực hàng đầu thế giới. Bức tranh này công khai khắc hoạ cảnh tiền nhân của chúng ta tiếp nhận nguồn tri thức lớn lao từ các thần linh - Anh cúi đầu, nhìn Sato - Tri thức là một sức mạnh, và tri thức đúng đắn giúp con người thực hiện được những điều kỳ diệu, những nhiệm vụ phi thường.

Sato thu ánh mắt, nhìn trả Langdon và xoa xoa gáy.

- Lắp đặt đường cáp điện thoại thì liên quan gì đến việc làm thần!

- Có lẽ đúng như vậy với một người hiện đại, - Langdon đáp - Nhưng với George Washington, nếu biết chúng ta có khả năng trò chuyện với mọi người tận bên kia đại dương, bay nhanh bằng tốc độ âm thanh và đặt cả chân lên mặt trăng thì ông ấy sẽ cho rằng việc làm của chúng ta thật kỳ diệu, và tưởng chúng ta đều thành thần tiên cả rồi - Anh ngừng một lúc - Nhà Vị lai chủ nghĩa Arthur C. Clarke từng nói, "Các công nghệ tiên tiến chẳng khác biệt phép màu là mấy".

Sato mím môi, rõ ràng đang suy nghĩ rất ghê. Bà ta liếc xuống bàn tay, rồi nhìn theo hướng ngón trỏ duỗi thẳng lên mái vòm.

- Giáo sư, gã đó bảo ông là "Peter sẽ chỉ đường". Phải vậy không nhỉ?

- Vâng, thưa bà, nhưng…

- Chỉ huy, - Sato nói, rời mắt khỏi Langdon - anh có thể giúp chúng tôi quan sát bức tranh gần hơn được không?

Anderson gật đầu.

- Có một lối đi hẹp chạy vòng xung quanh bên trong mái vòm.

Langdon ngước nhìn cái lan can nhỏ xíu ngay bên dưới bức vẽ và cảm thấy toàn thân cứng đờ.

- Không cần phải lên tận đó đâu.

Trước đây, anh đã từng bước trên lối đi hẹp ít người thăm viếng đó cùng một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và vợ ông ta, anh gần như ngất xỉu do chóng mặt trước độ cao quá lớn và lối đi quá nguy hiểm.

- Không cần sao? - Sato gặng hỏi - Giáo sư, chúng ta biết có kẻ cho rằng căn phòng này chứa đựng một cánh cổng khả dĩ giúp gã trở thành thần thánh; chúng ta có một bức bích hoạ mô tả quá trình thay đổi của một con người thành một vị thần, và chúng ta có một bàn tay chỉ thẳng lên bức vẽ đó. Dường như tất cả mọi chi tiết đều giục chúng ta đi lên trên.

- Thực ra, - Anderson xen vào, mắt ngước nhìn trần - ít người biết rằng có một khoang bát giác bên trong mái vòm, mở ra mở vào được như một cánh cổng, quý vị có thể nhìn qua đó và…

- Khoan đã, - Langdon nói - ông nhầm đường rồi đấy. Cánh cổng mà gã kia đang tìm kiếm là một cánh cổng tượng trưng, một cánh cổng không tồn tại. Khi gã nói "Peter sẽ chỉ đường", là gã đang ẩn dụ. Động tác chỉ tay với ngón trỏ và ngón cái chĩa thẳng lên trên là một biểu tượng quen thuộc của những Bí ẩn cổ xưa, từng hiển hiện trong nghệ thuật cổ đại trên khắp thế giới. Động tác y hệt như thế này từng xuất hiện trong ba kiệt tác mã hoá nổi tiếng nhất của Leonardo da Vinci là Bữa tiệc Ly, Sùng bái Magi và Thánh John Người rửa tội. Nó là một biểu tượng về sự liên hệ huyền bí giữa con người với Chúa.

Thương hạ tương liên. Giờ đây, cách lựa chọn từ ngữ kỳ quái của gã điên bắt đầu hé lộ đôi phần hữu lý.

- Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nó cả. - Sato nói.

Vậy thì hãy xem kênh ESPN, Langdon nghĩ bụng, anh luôn thích thú khi thấy những vận động viên chuyện nghiệp chỉ tay lên trời để cảm tạ Chúa sau khi ghi bàn hoặc về đích. Anh tự hỏi liệu có bao nhiêu người biết rằng họ đang tiếp tục một truyền thống từ thời tiền Công giáo là cảm ơn sức mạnh huyền bí của bề trên, nguồn sức mạnh mà trong một thời khắc ngắn ngủi đã biến cải họ thành một vị thần có khả năng thực hiện những điều kỳ diệu.

- Tôi tiết lộ một điều may ra có ích cho bà chăng, - Langdon nói - bàn tay của Peter không phải là bàn tay đầu tiên xuất hiện kiểu này trong Nhà tròn.

Sato nhìn Langdon như nhìn một người mất trí.

- Ông nói sao cơ?

Langdon chỉ chiếc điện thoại Blackberry của Sato.

- Hãy tìm cụm từ "George Washington Zeus" trên Google thử xem.

Sato có vẻ không tin tưởng lắm nhưng vẫn bấm bàn phím.

Anderson nhích lại gần, chăm chú nhìn qua vai bà ta.

Langdon nói:

- Nhà tròn này từng có một bức điêu khắc rất lớn hình George Washington để ngực trần… được khắc hoạ như một vị thần. Ông ngồi theo tư thế giống thần Zeus trong đền Pantheon, ngực trần, tay trái cầm một thanh kiếm, tay phải giơ lên với ngón cái và ngón trỏ duỗi ra.

Rõ ràng Sato đã tìm thấy một bức hình trên mạng, bởi vì Anderson đang đăm đăm nhìn chiếc Blackberry của bà ta, vẻ kinh ngạc.

- Xem nào, đó là George Washington ư?

- Phải, - Langdon nói - Được mô tả như thần Zeus.

- Nhìn tay ông ấy kìa, - Anderson nói, vẫn ngó đăm đăm qua vai Sato - Tay phải ông ấy ở tư thế y hệt như tay Solomon.

Thì tôi đã nói đấy thôi, Langdon nghĩ thầm, tay Peter không phải là Mật Thủ đầu tiên xuất hiện trong căn phòng này. Khi pho tượng George Washington cởi trần của Horatio Greenough được trưng bày lần đầu tại Nhà tròn, nhiều người đã đùa rằng chắc Washington đang cố lên trời để tìm vài bộ quần áo. Tuy nhiên, khi quan niệm tôn giáo của nước Mỹ thay đổi thì những lời bình phẩm bông đùa lại biến thành tranh cãi, và pho tượng bị dời tới một nhà kho trong khu vườn phía đông. Hiện nay, nó ngự tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia của Viện Smithsonian, nơi ai nhìn thấy cũng phải tin ngay rằng nó là một trong những mối hên hệ cuối cùng với thời đại Washington, khi người cha của đất nước nhìn xuống Điện Capitol như một vị thần… chẳng khác gì thần Zeus nhìn xuống đền Pantheon.

Sato bấm một số nào đó trên chiếc Blackberry, rõ ràng nhận thấy đã đến lúc phải kiểm tra với nhân viên của mình.

- Các anh tìm được gì? - Bà ta lắng nghe một cách kiên nhẫn - Tôi hiểu… - đoạn nhìn thẳng vào Langdon, sau đó đưa mắt sang bàn tay Peter - Anh chắc chứ? - Sato nghe một lúc lâu hơn - Được rồi, cảm ơn - Cuối cùng bà ta tắt máy và quay lại phía Langdon.

- Nhân viên hỗ trợ của tôi đã làm một số nghiên cứu và xác nhận sự tồn tại của cái mà ông gọi là Mật Thủ, chứng thực mọi điều ông kể: từ năm dấu hiệu trên đầu ngón tay là ngôi sao, mặt trời, chìa khoá, vương miện và đèn lồng đến thực tế rằng bàn tay này là một lời mời cổ xưa để nắm bắt tri thức bí mật.

- Tôi rất mừng, - Langdon đáp.

- Đừng vội, - bà ta đáp lại cộc lốc - Chúng ta lâm vào đường cùng rồi, trừ phi ông bằng lòng hé lộ hết những điều ông đang che giấu.

- Thưa bà?

Sato bước tới gần anh.

- Chúng ta lại trở về điểm xuất phát, thưa Giáo sư. Ông cung cấp cho tôi toàn những điều tôi có thể tham khảo được từ các nhân viên của mình. Vì thế tôi phải hỏi ông lần nữa. Tại sao người ta dụ ông tới đây tối nay? Điều gì khiến ông trở thành trường hợp đặc biệt? Điều gì ông biết mà người khác không biết?

- Chúng ta đã nói hết lúc nãy rồi, - Langdon phản đối - Tôi không hiểu tại sao gã này lại cho rằng tôi biết điều gì đó.

Langdon rất muốn gặng hỏi làm thế quái nào mà Sato lại hay tin anh có mặt ở Điện Capitol tối nay, nhưng anh không đề cập đến.

Chẳng đời nào Sato nói ra.

- Nếu tôi biết bước tiếp theo; - anh bảo - tôi sẽ nói với bà. Nhưng tôi không biết. Theo truyền thống, Mật Thủ là do đại sư đưa cho môn đệ. Và sau đó, rất nhanh sau đó, một loạt chỉ dẫn sẽ xuất hiện tiếp theo bàn tay… chỉ dẫn về bất cứ thứ gì, chẳng hạn về đền thờ, về tên ồng thầy sẽ dạy dỗ người đó. Nhưng gã này chỉ để lại cho chúng ta năm hình xăm? Khó lòng… - Chợt Langdon ngừng bặt.

Sato nhìn anh.

- Có chuyện gì thế?

Ánh mắt Langdon dõi trở lại bàn tay. Năm hình xăm. Anh bỗng nhận ra rằng những gì mình đang nói có thể không hoàn toàn đúng.

- Giáo sư? - Sato gọi giật giọng.

Langdon nhích dần về phía cái vật ghê gớm kia. Peter sẽ chỉ đường.

- Tôi sực nảy ra ý nghĩ rằng gã điên có để lại một thứ gì đó trong bàn tay nắm chặt kia, một bản đồ, một lá thư, hoặc một vài chỉ dẫn.

- Không có đâu, - Anderson góp ý - Các vị thấy đấy, ba ngón tay nắm không chặt lắm.

- Ông nói đúng, - Langdon đồng ý - Nhưng với tôi… - Anh cúi rạp xuống, cố gắng nhìn phía dưới các ngón tay để xem phần lòng bàn tay bị che khuất của Peter - nó không nhất thiết phải viết trên giấy.

- Viết bằng hình xăm chăng? - Anderson nói.

Langdon gật đầu.

- Ông có nhìn thấy gì trên lòng bàn tay không? - Sato hỏi.

Langdon cúi xuống thấp hơn, cố nhìn lên phần bên dưới các ngón tay nắm hờ.

- Góc này khó nhìn quá. Tôi không tài nào…

- Ôi chao - Sato thốt lên và bước lại gần anh - Cứ nậy cái vật khốn kiếp ấy ra.

Anderson bước tới chắn đường bà ta.

- Thưa bà! Nên đợi pháp y rồi hẵng chạm…

- Tôi muốn có câu trả lời - Sato đáp, bước nhanh qua viên Chỉ huy.

Bà ta cúi rạp xuống, gạt Langdon ra xa bàn tay.

Langdon đứng lên và như không tin vào mắt mình khi thấy Sato rút từ trong túi ra một cây bút, cẩn thận luồn nó xuống dưới ba ngón tay co quắp. Sau đó, bà ta lần lượt cạy các ngón tay lên cho tới khi bàn tay mở hoàn toàn. Lòng bàn tay phơi ra rất rõ.

Sato ngước mắt nhìn Langdon, gương mặt thoáng nụ cười.

- Lại đúng nữa, thưa Giáo sư.

--- ------ ------ ------ -------

1 Hành lang Brumidi là phần hành lang uốn vòm được trang trí công phu thuộc tầng 1 của khu Thượng viện trong Điện Capitol.