Chương 10: Bàn Có Năm Chổ Ngồi

Mới đó đã gần bốn tháng. Vườn bạch đàn của chúng tôi bây giờ đã tươi tốt, xanh um, có cây cao tới hai mét. Các vườn cây láng giềng của các lớp tám, lớp chín khác cũng vậy. Mới ngày nào đây, khu vườn còn là một miếng đất hoang đầy cỏ rác vậy mà thoáng một cái, mặt đất đã phủ đầy màu xanh và bóng mát. Mỗi buổi sáng, ngồi trong lớp học nhìn ra những ngọn cây bạch đàn nhú bên ngoài cửa sổ, lòng chúng tôi thấy vui lạ lùng.

Trong giờ sinh hoạt lớp, sau khi thằng Hùng hớn hở báo về kết quả cây trồng, thầy Dân không tiếc lời khen gợi chúng tôi, đặc biệt là tổ năm, bởi vì hàng cây tổ năm lớn đều nhất và được rào chắn kỹ lưỡng nhất. Mấy đứa trong tổ tôi phấn khởi ra mặt, nhất là thằng Đại. Nó nhìn tụi tôi cười cười như để chia sẻ niềm vui trong lòng nó. Riêng tôi, tôi chỉ vui vừa phải bởi vì ngẫm nghĩ kỹ tôi thấy mình chẳng xuất sắc gì trong việc chăm sóc cây của tổ.

Lớp tôi có mười tổ. thằng Hùng phân công mỗi tổ phụ trách tưới cây mỗi ngày, đủ mười ngày thì giáp vòng trở lại. Kể từ ngày bị làm tự kiểm trước lớp về vụ tráo cây của thằng Tấn, bản thân tôi cũng có nhiều thay đổi. Chiều nào trực tưới cây tôi cũng vô trường, không "bận việc nhà" hay "bệnh hoạn" đột ngột như trước kia. Nhưng đó chỉ là sự tiến bộ so với chính tôi thôi chớ so với những đứa trong tổ thì chẳng ăn thua gì. Đại là tổ trưởng thì khỏi nói. Chỉ kể ba đứa còn lại thôi. Quang nhà xa hơn tôi. Bảy sức khỏe yếu hơn tôi. Hiền "bận việc nhà" chính đáng hơn tôi. Vậy mà không đứa nào nghỉ tưới cây lấy một bữa. Chiều nào trực vườn, nhỏ Hiền đổi ca với má nó. Má bán buổi chiều, con bán buổi tối.

Đó là chưa kể trong những buổi trực, Quang còn lên gặp dì Ba mượn cuốc về và mấy đứa xúm lại cuốc cuốc đào đào. Quang nói làm như vậy cho đất xốp, thoáng, cây mau lớn. Tôi thì chẳng khi nào rớ tới cây cuốc. Tưới nước xong, tôi coi như hoàn thành nhiệm vụ và tếch ra sân trước chơi đá cầu với tụi học sinh buổi chiều. Cái chính là do tôi lười nhưng một phần khác do Bảy cứ lải nhải bên tai tôi:

- Một tam giác có đường cao vừa là trung tuyến là tam giác gì?

- Muốn phân tích biểu thức khai triển của lập phương một nhị thức ta phải làm sao?

- ...

Ngay trong khi học nhóm, ngồi vô bàn đàng hoàng, chưa chắc tôi đã nghĩ ra nữa là đang lúc tưới cây. Bảy hỏi câu nào tôi bí câu đó, lòng đã bực, lại thêm thằng Quang cứ ngứa mồm xía vô:

- Trời ơi, dễ ợt vậy mà không nhớ!

Khiến tôi nổi điên. Nhưng Quang thì không đáng kể. Ngán nhất là nhỏ Hiền. Nó vừa tưới cây vừa lắng nghe cuộc truy bài nhóm tôi. Thấy tôi ấp a ấp úng không trả lời được, chắc nó chê tôi ghê lắm. Nghĩ tới đó, tôi nóng ran mặt mày, gắt:

- Hỏi gì hỏi hoài! Đây là giờ lao động chớ đâu phải giờ học!

Bảy chưng hửng:

- Mày nói gì lạ vậy? Giờ nào ôn bài chẳng được! Tuần trước, chi đội phát động phong trào "Ôn bài mọi nơi, truy bài mọi lúc", mày quên rồi sao?

- Vậy tới lượt tao hỏi mày nè! Trong câu "Anh bộ đội ấy vai đeo ba lô nặng trĩu", vị ngữ là gì?

- Là cụm chủ-vị "vai đeo ba lô nặng trĩu" chớ gì!

Nó trả lời trúng phóc càng làm tôi điên tiết:

- Còn câu này "Thằng Bảy ngốc nghếch cứ hỏi luôn mồm". Chủ ngữ là gì? Ai hỏi luôn mồm?

Bảy đỏ mặt:

- Dẹp mày đi! Tao không thèm trả lời.

Chỉ đợi có vậy, tôi tuyên bố:

- Mày không học nữa thì thôi nghen! Tao ra sân trước chơi đây.

Đại nãy giờ im lặng theo dõi cuộc "ôn lại cho nhớ" giữa hai đứa tôi, bỗng thấy tôi phá ngang và sắp sửa chuồn, nó kêu lên:

- Ơ ... sao lại ...

Nhưng mặc cho nó kêu, tôi chạy tuốt.

Chính vì những lẽ đó mà hôm nay được thầy Dân khen, tôi không cảm thấy vui lắm. Thậm chí tôi còn cảm thấy ngường ngượng với mấy đứa trong tổ.

Sau khi tổng kết các phong trào thi đua trong tuần, thầy Dân nói:

- Còn khoảng mười hôm nữa là đến ngày Kỷ niệm thành lập quân đội nhân dân. Đó là dịp để tất cả chúng ta, người lớn cũng như trẻ em, bày tỏ lòng biết ơn các anh chiến sĩ. Sỡ dĩ ngày hôm nay đất nước thanh bình, các em được bình yên học tập dưới mái trường chính là nhờ các anh chiến sĩ ngày đêm xông pha sương gió, chịu đựng bao nhiêu hy sinh gian khổ để giữ gìn biên cương Tổ Quốc.

Nói xong, thầy kêu chúng tôi mỗi đứa viết một lá thư và gởi một món quà cho các anh bộ đội. Khoảng ba, bốn ngày nữa, anh Quý, tổng phụ trách đội, sẽ cùng đi với các anh chị bên Quận đoàn ra thăm biên giới phía bắc, ảnh sẽ mang thư và quà đến tận tay các chiến sĩ.

Thằng Chí thắc mắc:

- Thưa thầy, chúng em phải gởi quà gì ạ?

- Quà gì thì tùy khả năng các em, không cần phải thứ đắt tiền. Các em có thể gởi những món quà vừa khả năng của mình đồng thời lại tiện dụng cho các anh bộ đội như khăn tay, xà phòng, bút chì, bàn chải đánh răng, bao thư v.v...

Nghe vậy thằng Quang vỗ vai tôi, khoe:

- Nhà tao có hai cục xà phòng mới tinh. Ba tao mới mua hàng tiêu chuẩn.

Tôi nhún vai:

- Tưởng gì! Xà phòng ở nhà tao thiếu gì!

Đúng lúc đó, nhỏ Hiền quay sang:

- Anh của bạn Đại là bộ đội đó nghen!

Tụi tôi tròn mắt:

- Thiệt không?

- Thiệt chớ! Hôm trước ảnh về phép, Hiền gặp đàng hoàng!

Bảy chớp mắt:

- Dám kỳ này anh nó nhận được quà của nó lắm à!

Nhỏ Hiền lúc lắc đầu:

- Không có đâu! Anh Quý mang quà ra phía bắc, còn anh của bạn Đại đóng ở phía tây nam, làm sao nhận được!

Bảy và Quang cứ xuýt xoa hoài về cái khoản "có anh đi bộ đội" của Đại khiến tôi phát ghen. Chà, kể ra có một ông anh bộ đội cũng oai thiệt! Nhưng không sao, tôi sẽ có cách "oai" của tôi.

Trưa đó, tôi hỏi ba tôi:

- Ba cho con xin một cục xà phòng nghen ba?

- Thì xà phòng trong nhà muốn xài thì lấy xài chớ hỏi gì?

Tôi ngập ngừng gạ tiếp:

- Ba... mua cho con bàn chải đánh răng nữa nghen?

Ba tôi đang bận đọc báo, ông gật gù dễ dãi:

- Ừ.

Thấy chiều hướng có vẻ thuận lợi, tôi lấn tới:

- Rồi ba cho con xin một xấp bao thư nữa hén?

Lần này thì ba tôi buông tờ báo xuống, quay nhìn tôi:

- Con làm gì mà xin đủ thứ vậy? Con viết thư cho ai mà xin bao thư?

Tôi ấp úng:

- Con... đâu có viết thư cho ai.

Ba tôi càng ngạc nhiên:

- Ủa, thằng này lạ! Vậy con lấy bao thư làm gì?

Tôi đành phải thú thật:

- Con làm quà cho các anh bộ đội.

Ba tôi đập bàn đánh rầm một cái khiến tôi giật mình nẩy người:

- Làm quà cho bộ đội thì nói ngay là làm quà cho bộ đội, có gì mà phải xin với xỏ!

Vậy là ba tôi đồng ý. Nhưng tôi chưa chịu thôi:

- Bút chì nữa nghen ba?

- Ừ, bút chì.

- Cả khăn tay nữa!

- Thì khăn tay!

Ba tôi gật đầu nốt. Trong khi tôi đang hùng hổ "tấn công" ba tôi thì thằng Tin ôm cặp chạy ào vô nhà, hét toáng:

- Ba ơi ba, ba cho con một cục xà phòng nghen ba? Con tặng các anh bộ đội!

*

  • *

Hôm cả lớp mang quà lên nộp, tôi nở nang mày mặt vì gói quà của tôi to nhất. Tụi bạn đứa thì đem xà phòng, đứa thì đem giấy bút, còn tôi thì đem đủ thứ. Ngoài các món quà mà đứa nào cũng có, tôi còn gởi các anh bộ đội hai gói trà và một cây thuốc lá Mai. Thực ra trà thuốc không phải do tôi nghĩ ra mà ba tôi tự động mua và chia cho tôi một nửa, Tin một nửa. Nhưng món quà của tôi sẽ giảm đi một phần ý nghĩa nếu không có chiếc khăn tay thêu hàng chữ "Kính tặng các anh bộ đội yêu quý của chúng em", phía dưới là một hàng chữ nhỏ "Phan Thanh Huy, họs sinh lớp 8A2, trường phổ thông cơ sở Bình Minh". Những hàng chữ này tôi nhờ nhỏ Hiền thêu giùm. Tụi con gái lớp tôi mỗi tuần học hai tiết nữ công nên đứa nào cũng biết thêu thùa, đan móc. Nhỏ Hiền là một trong những đứa thêu đẹp và nhanh nhất. Nó thêu cả hai tay trông cứ như máy.

Tôi chìa cái khăn của tôi ra khoe với Bảy:

- Khăn của tao có thêu hàng chữ đẹp không mày?

- Đẹp! Nhưng khăn của tao đâu có thua gì khăn của mày!

Nói xong, Bảy đưa khăn của nó cho tôi coi. Tôi ngạc nhiên khi thấy trên đó những hàng chữ giống hệt trên khăn tôi. Quang cũng rút khăn của mình ra:

- Khăn tao cũng đẹp vậy!

Té ra nhỏ Hiền thêu khăn dùm cho cả tổ chứ không phải chỉ mình tôi. Vậy mà tôi cứ tưởng bở, cho là nhỏ Hiền có thiện cảm đặc biệt với mình. Con nhỏ này, thiệt chẳng ra làm sao! Tuy nhiên điều đó không làm tôi bớt sung sướng khi chung quanh tụi bạn cứ trầm trồ:

- Úi cha, gói quà của thằng Huy nhiều quá tay, tụi bây ơi!

*

  • *

Chiều ngày hăm hai tháng mười hai, thầy Dân dẫn cả lớp đi xem triển lãm kỷ niệm ngày thành lập quân đội.

Hôm trước, nhỏ Kim Liên dặn chúng tôi:

- Đi xem triển lãm, các bạn nhớ đem theo giấy viết để chép tư liệu và ghi cảm tưởng của mình nghe chưa!

Tưởng gì chớ điều đó tôi đã dặn trước Bảy và Quang rồi, thậm chí tôi còn nhắc cả Đại và Hiền nữa.

Nhà triển lãm nằm cạnh Thảo cầm viên. Khi chúng tôi đến, ở đó đã mở cửa, người ra kẻ vào tấp nập. Rất nhiều học sinh các trường khác trong thành phố đến tham quan. Có cả học sinh ở các tỉnh lân cận nữa.

Thầy Dân bắt chúng tôi xếp thành hai hàng đứng đợi trước bậc thềm còn thầy thì đi vào trình giấy giới thiệu với các anh bộ đội trực trước cửa.

Quang đứng sau lưng tôi cứ nhấp nhổm dòm sang Thảo cầm viên:

- Lát nữa xin thầy Dân qua bên ấy chơi nghen mày!

- Qua coi kiến hả? - Tôi chọc.

- Dẹp mày đi! Giỡn dai nhách!

Lát sau, thầy Dân ngoắc chúng tôi vô. Phòng triển lãm lớn thật là lớn, chung quanh treo la liệt tranh ảnh và trưng bày vô số hiện vật. Chính giữa phòng là tượng Bác Hồ, cao gấp mấy lần người thật.

Nhưng khi anh bộ đội huớng dẫn bắt đầu nói thì tôi mới biết căn phòng chúng tôi vừa bước vô chỉ là một phần nhỏ của nhà triển lãm:

- Căn phòng này trưng bày và giới thiệu những hình ảnh và hiện vật của thời kỳ quân đội ta mới thành lập. Những căn phòng kế sẽ lần lượt giới thiệu các thời kỳ tiếp theo trong quá trình trưởng thành của quân đội cho đến ngày toàn thắng 1975 và sau đó, cho đến ngày hôm nay. Bây giờ xin mời các đồng chí và các em bắt đầu xem từ chỗ này...

Anh bộ đội vừa nói vừa giơ cây gậy nhỏ và dài trên tay chỉ vô một tấm ảnh, bắt đầu dẫn giải:

- Đây là hình chụp đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ngày 22-12-1944, tại một khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉng Cao Bằng, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Đảng và Bác Hồ ủy nhiệm đã tuyên bố thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Người đội nón đen, tay cầm tờ giấy ở trong hình là đồng chí Võ Nguyên Giáp...

Tôi nhìn lên tấm hình, tò mò ngắm nghía cái "đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân" ít ỏi kia. Ăn mặc xuềnh xoàng, đủ cỡ đủ kiểu, chẳng đồng phục gì ráo, người nào cũng có bòng gạo đeo quanh vai, trông chẳng oai phong lẫm liệt chút xíu nào, vậy mà chỉ muời năm sau, cái đội quân này đã giáng cho giặc Pháp một đòn sấm sét ở Điện Biên Phủ làm chấn động cả thế giới, thật đáng kinh ngạc và khâm phục!

Anh bộ đội lại chỉ sang những hình ảnh và hiện vật khác, tiếp tục giới thiệu. Anh nói giọng bắc nhưng rõ ràng, rành mạch, dễ nghe. Theo sự dẫn dắt của anh, chúng tôi ngược thời gian theo bước chân các anh bộ đội đi qua những chặng đường chống Pháp gian lao. Cả lớp, kể cả những đứa nghịch nhất, cũng im lặng chăm chú nghe. Một số đứa hí hoáy ghi chép. Tôi thì tò mò dòm những khẩu súng lạ mắt kê trên những bục gỗ và cố lại gần đọc những hàng chữ ghi trên đó.

Khi chúng tôi bước qua phòng thứ hai, một anh bộ đội khác đón chúng tôi. Còn anh bộ đội cũ thì quay lại phòng mình để tiếp tục hướng dẫn tốp người tham quan mới. Cứ như vậy, chúng tôi đi xem hết phòng này đến phòng khác, nhiều ơi là nhiều! Các anh bộ đội làm công việc hướng dẫn, có cả các chị bộ đội nữa, thật là giỏi, không cần nhìn vô sách mà cứ nói thao thao về các trận đánh, giới thiệu các chiến dịch và giảng giải tỉ mỉ các hiện vật trưng bày.

Tổ chúng tôi đi xúm xít cạnh nhau. Cũng như tôi, mấy đứa kia ngoảnh đầu ngoảnh cổ ngắm không thiếu một thứ gì. Thằng Quang có tật táy máy, thấy gì lạ cũng đưa tay sờ. Nó mâm mê cái nỏ, nhận xét:

- Hồi đồng khởi ngộ quá mày hén! Đánh giặc bằng mấy thứ này, tức cười ghê!

Tức cười thiệt! Kế cái nỏ là mấy ngọn giáo, mũi bằng gỗ, không biết hồi đó chiến sĩ ta sử dụng như thế nào! Tôi đang thắc mắc thì Đại chỉ một khẩu súng:

- Cây súng này ngộ chưa cà!

Tôi nhìn theo tay Đại chỉ và thấy một ống sắt giống như khúc tre có chân chống, không ra vẻ gì là một vũ khí hết. Sau khi đọc những hàng chữ ghi chú, chúng tôi mới biết đó là súng ngựa trời của du kích Củ Chi dùng trong ngày đồng khởi. Nhưng điều đó chưa lý thú bằng phát hiện của Quang:

- Súng AK báng xếp của anh hùng Lê Mã Lương, tụi mày ơi!

Truyện Lê Mã Lương trong thư viện trường đứa nào cũng đã đọc qua nên khi nghe Quang reo lên, chúng tôi vội vàng xúm lại quanh khẩu AK đã đi vào huyền thoại kia. Cả mấy đứa tổ khác cũng đổ dồn lại, trầm trồ và sờ tay vào nòng súng mát lạnh. Thằng Tú còn tính nhấc cây súng lên đeo thử nhưng thầy Dân không cho.

Lát sau, tới phiên Bảy hô hoán:

- A, súng của chị Út Tịch nè!

Vẻ mặt Bảy hớn hở như bắt được vàng. Gần đây, nó rất mê chuyện mẹ con chị Út Tịch nên khám phá ra khẩu súng của chị đối với nó cũng quan trọng như Crít-tốp Cô-lông khám phá ra châu Mỹ. Tụi tôi lại bu lại. Đó là một khẩu cạc-bin báng xếp. Nhà sinh vật tỏ vẻ nghi ngờ:

- Phải súng của chị Út Tịch thiệt không mày?

Bảy hất hàm:

- Chớ gì nữa! Mày đọc tờ giấy chú thích kia kìa!

Quang gãi cổ:

- Thì của chị Út Tịch. Nhưng chắc gì là chị Út Tịch trong sách. Sách là người ta chỉ bịa ra thôi!

Bảy lộ vẻ lúng túng. Tôi liền giải vây:

- Không phải cuốn sách nào cũng tưởng tượng ra đâu. Chị Út Tịch là nhân vật có thiệt. Chị tên là Nguyễn Thị Út, được phong anh hùng. Nhà văn Nguyễn Thi đi dự đại hội anh hùng, gặp chị Út Tịch nên về viết cuốn "Người mẹ cầm súng".

Bảy liếc Quang:

- Đó, thấy không! Tao nói chị Út Tịch là chị Úy Tịch mà!

Nhưng cái thằng Bảy này, mặc dù gần đây đã có nhiều tiến bộ nhưng cái "máu điệp viên" vẫn còn chảy âm ỉ trong người nó. Chính vì vậy mà cây cạc-bin của chị Út Tịch cũng không giữ chân nó lâu hơn bức ảnh chụp đài quan sát trên ngọn cây của anh Thái Văn A ở đảo Cồn Cỏ. Chính từ trên đài quan sát được ngụy trang ở giữa tầng trời này, anh Thái Văn A đã bắn rơi máy bay Mỹ. Nó đứng ngắm hoài tấm ảnh, miệng hít hà:

- Ổ phục kích này hết sẩy hén mày! Phải chi tao được trèo lên đó một lần!

Nghe nó ao ước, tôi phì cười:

- Cái chân của mày đi dưới đất còn chưa xong nữa là leo lên cây!

Bảy thì vậy, còn Quang thì dán mắt vô những tấm ảnh chụp đàn voi thồ lương thực và vũ khí trên Tây Nguyên. Nó vừa coi vừa nói gì đó với Đại và nhỏ Hiền, còn hai đứa này thì vểnh tai nghe một cách chăm chú. Tôi nhón gót đi sè sẹ lại sau lưng, và đúng như tôi nghĩ, nhà sinh vật đang thao thao bất tuyệt về đời sống của voi:

- ... Khi voi bị phạm lỗi, người quản tượng xử phạt rất nghiêm, có trường hợp người ta mang con voi phạm lỗi ra bãi voi làng cho những con voi khác trừng trị...

Tôi tính chọc nó chơi nhưng thấy nó đang say sưa diễn thuyết nên thôi và lảng đi chỗ khác. Đập vô mắt tôi là một cái lưỡi cuốc cũ mèm, han gỉ, lại nhỏ bằng nắm tay. Tôi vừa lạ lùng về kích thước lưỡi cuốc vừa băn khoăn không hiểu cái lưỡi cuốc vứt đi này có gì hay ho mà cũng được trưng bày. Giữa bao nhiêu thứ vũ khí oai vệ khác chung quanh, cái lưỡi cuốc cũ kỹ nằm trơ vơ một cách lạc lõng. Tôi lại gần lẩm nhẩm đọc hàng chữ chú thích: "Đây là lưỡi cuốc của bà Võ Thị Thơi ở Củ Chi đã dùng để đào hầm trong hai mươi bảy năm liền". Tôi như không tin vô mắt mình. Trong hai mươi bảy năm, một khoảng thời gian dài dằng dặc, dài gấp đôi thời gian tôi có mặt trên đời, một người phụ nữ chân yếu tay mềm đã đào địa đạo bằng chính cái lưỡi cuốc nhỏ nhoi này. Kinh khủng! Tôi liền ngoắc mấy đứa trong tổ lại coi.

Nhỏ Hiền đọc tờ giấy liền le lưỡi:

- Thiệt là đáng nể! Hiền chắc chẳng khi nào làm được như vậy!

Con nhỏ nói lãng nhách! Nếu nó làm được như bà Võ Thị Thơi thì tên tuổi nó đã được trưng bày ở đây rồi còn gì!

Thằng Quang sờ tay lên lưỡi cuốc, chắc lưỡi:

- Đào riết, lưỡi cuốc mòn hết trơn, còn lại có chút xíu!

Không biết tụi bạn nghĩ sao chớ cái lưỡi cuốc cổ lỗ kia khiến tôi bâng khuâng ghê lắm. Nghĩ đến hình ảnh một người phụ nữ ngày đêm miệt mài đào hầm đánh Mỹ suốt gần ba chục năm, tôi cảm thấy một điều gì giống như là nỗi xấu hổ dâng lên trong lòng. Nhất là khi nãy, tôi rất ngỡ ngàng khi nhìn thấy chiếc xe đạp thồ đường Trường Sơn. Chiếc xe đạp rất đặc biệt. Vành hai lớp, căm to, vỏ cũng to. Chính giữ ghi-đông chần thêm một miếng sắt hìng tam giác, từ đó bắt song song với phụt hai que sắt lớn chạy thẳng xuống đùm. Mỗi bên tay cầm còn được nối dài thêm bằng một đoạn tầm vông. Chính chiếc xe đó đã thồ biết bao nhiêu tấn hàng đi trên đường núi cheo leo, hiểm trở, có khi vừa mở rừng vừa đi, ngày cũng như đêm, đưa lương thực, vũ khí, thuốc men ra mặt trận. Người thồ hàng không cỡi trên xe mà đi bộ, hai tay cầm hai đoạn tầm vông nối dài từ tay lái. Coi chiếc xe rồi nhìn lên các tấm hình chụp cảnh đoàn xe thồ đang làm nhiệm vụ mới thấy hết sức lao động kỳ diệu và ý chí sắt thép của con người.

Đi xem triển lãm về, bên cạnh những ấn tượng mới mẻ khác, hình ảnh xe đạp thồ và cái lưỡi cuốc mòn gỉ kia đã làm tôi nghĩ ngợi rất lâu.

Thằng Đại không biết gì về những nghĩ ngợi đó cho nên sáng hôm sau, khi tới lớp, thấy tôi lúi húi xới đất ngoài vườn cây, nó ngạc nhiên một cách thích thú:

- Ủa, sao hôm nay mày siêng bất tử vậy nè!