Dịch giả: Nguyên Dũng
…
Tôi đã ở trong tù được bảy năm và được giảm án vì có thái độ cải tạo tốt.
Vừa được thả ra đã nhận được vài cuộc gọi di động từ vài người lạ.
Trong đó đều là mấy vị ông chủ mà tôi đã từng làm việc trước đây gọi, bọn họ vô cùng khẩn khoản muốn tôi qua làm việc cùng, có người còn trả 100.000 tệ một tháng, thậm chí còn ra giá 200.000 tệ, cung cấp ô tô đi hẳn hoi.
Trong đó có hai cuộc gọi đến từ hai nơi lần lượt là Phan Gia Viên ở Bắc Kinh và Thẩm Dương Đạo ở Thiên Tân.
Sau khi cân nhắc suy nghĩ tôi đều từ chối.
Tôi ban đầu khi bước chân vào ngành này đã là một sai lầm, dù giàu có chỉ sau một đêm nhưng cũng phải trả giá đắt, bảy năm đằng đẵng, tôi từ một chàng trai sạch sẽ bóng bẩy trở thành một ông chú bụng phệ ngoài ba mươi.
Cô bạn gái tôi quen biết hồi đó, chắc bây giờ con cái cũng lớn đùng rồi…
Tôi một thân một mình không người thân, cuối cùng chọn đến Đại Lý.
Tôi mua một cửa hàng nhỏ bên hồ Nhị Hải và mở một siêu thị nhỏ, mỗi ngày không có việc gì bèn ra biển đi dạo hóng gió biển, cuộc sống của tôi khá nhàn nhã, thoải mái.
Địa chỉ của siêu thị nhỏ nằm trên đường Thương Sơn Đông, cạnh Le Mart, bạn bè nào muốn đến chơi, tôi sẽ đãi trà.
Cách đây không lâu chẳng phải có tin phát hiện ra nền văn minh cổ đại của nhà Thục, còn khai quật được chiếc mặt nạ vàng khiến cả nước kinh ngạc hay sao. Kỳ thực con đường làm giàu của tôi cũng có chút gì đó liên quan đến những thứ này, mà nhắc tới sẽ không thể thiếu hai thứ đó chính là: Đồ cổ và trộm mộ.
Mấy năm trước những bộ phim điện ảnh truyền hình lên sóng như Ma thổi đèn, Đạo mộ bút ký, Hoàng kim thuật… vô cùng được khán giả yêu thích. Giờ đây rảnh rỗi, tôi cũng viết đôi chút về những chuyện của ngành này.
Những thứ cao siêu kiểu Thiên Đỉnh Vân Cung hay Nộ Hải Tiềm Sa tôi chưa được nhìn thấy, bản thân cũng không có Hoàng Kim Đồng, nhưng tôi đã bước vào nghề kinh doanh đồ cổ từ năm 16 tuổi, và tôi thực sự đã tận mắt nhìn thấy rất nhiều điều mà người bình thường không thể hiểu được.
Bắt đầu kể từ đâu nhỉ, hay là bắt đầu từ đầu đi!
Tôi sinh ra ở một ngôi làng miền núi nhỏ phía đông bắc Trung Quốc, gần huyện Mạc Hà, nơi có mùa đông lạnh đến mức có thể khiến người ta chết cóng.
Bà đã nuôi tôi lớn, tôi chưa bao giờ gặp cha mẹ mình chứ đừng nói đến việc hỏi tên họ là gì.
Người xưa có câu “cách bối thân” (1) . Hồi còn bé tôi rất nghịch ngợm, không nghe lời thầy dạy, học lực kém, quanh năm đội sổ xếp cuối lớp.
Khi đó trong thôn có phụ trợ sinh hoạt phí, hình như mỗi tháng được hơn 80 tệ, còn có trợ cấp cho trẻ mồ côi và hộ nghèo đặc biệt, hơn 100 tệ mỗi tháng, gia đình tôi nói không quá thì chính là kiểu gian khổ sống qua từng ngày.
Khi còn học cấp 2, tôi đã bị cuốn hút bởi chương trình Truy tìm kho báu của đài truyền hình trên ti vi hàng ngày, những chiếc chai lọ nhìn chẳng có mấy giá trị sử dụng, không được người ta coi trọng nhưng lại được các chuyên gia tiết lộ chúng có thể được bán với giá hàng chục nghìn tệ. Đó là đồ cổ, có thể đổi lấy nhà mới, đổi được xe sang!
Dạo đó tôi cứ nói dối bà là nhà trường bảo mua đồ dùng học tập, bà cho tiền tôi lập tức chạy ra nhà sách mua hết sách có nội dung về đồ cổ về xem.
Cuốn sách đầu tiên mà tôi nhớ đã đọc là “Năm Mươi Kho Báu Từ Cổ Tuyền”, do Đại lão tiên sinh xuất bản, một cuốn sách rất dày.
Cổ tuyền là tên gọi khác của tiền cổ nói chung, cuốn sách này thực sự đã khiến tầm mắt của tôi mở mang ra rất nhiều, kể từ đó tôi trở nên cuồng đồ cổ.
Tôi lục tung các hộp, tủ trong nhà, lừa các bạn cùng lớp không hiểu biết, rủ các bạn lấy trộm đồng xu từ nhà riêng và bán lại cho tôi đồng giá 5 xu mỗi đồng.
Tôi tằn tiện tiết kiệm, thậm chí tới cơm căng tin cũng không dám ăn, sau này còn bán thêm một đống sách giáo khoa với giá bảy tệ. Việc học của tôi cũng ngày càng tệ, thầy giáo chỉ cần nhìn thấy là lắc đầu thở dài, nói tôi hết thuốc chữa rồi, tôi chính là mầm bệnh cho xã hội.
Lúc đó tôi đã bỏ ngoài tai lời thầy giáo, chỉ một lòng nuôi mộng làm giàu, dù có trở thành mầm bệnh cũng phải trở thành mầm bệnh giàu có.
Vào năm thứ ba trung học cơ sở, khi kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông đang đến gần, tôi 16 tuổi.
Bà ngoại vô tình bị gãy chân khi đang quét tuyết trong sân, chi phí y tế và phẫu thuật cộng lại lên tới hơn 3.000 tệ.
Hoàn cảnh gia đình như của chúng tôi ngay đến 600 tệ cũng không có nổi, tôi vẫn còn nhớ rất rõ, lúc đó bà tôi nằm trên chiếc giường đất, đắp một chiếc chăn dày và đêm đến là khóc.
Chú tôi hồi đó có mở một số trang trại ở Tuyết Hương, huyện Mạc Hà, công việc kinh doanh cũng tương đối phát đạt, vì vậy tôi đã đến nhà chú để vay tiền mua thuốc cho bà.
Tuy ngoài mặt không nói gì, nhưng có một lần tôi lén nghe thấy chú gọi mình là sao chổi, nhà chúng tôi nghèo khó an cư lạc nghiệp, tiền cho vay đi cũng coi như là của đánh rơi, còn xui cô tôi đừng quan hệ với hai bà cháu tôi nữa.
Đêm đông năm ấy, tôi ở ngoài trời một mình suốt ba tiếng đồng hồ, mặc quần áo dày cộp cũng vô ích trong cái tiết trời rét buốt âm 30 độ ở huyện Mạc Hà.
Tuổi trẻ cuồng ngạo, lời nói của người chú đã mạnh mẽ đập tan lòng tự trọng của một chàng trai trẻ.
Tôi siết chặt số tiền đã vay và thề trong lòng:
- Ta! Hạng Vân Phong thề nhất định phải trở nên vượt trội, đứng trên mọi người.
Sau đó tôi bỏ học, nói chính xác là tôi thậm chí không có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, cho nên có thể coi là văn hóa chỉ ở mức tiểu học.
Ba nghìn tệ, ngoại trừ tiền phẫu thuật và mua thuốc cho bà nội, còn lại 753 tệ, tôi lén giữ lại.
Tôi không chỉ thu mua tiền cổ mà còn đến nhà người khác ở các làng lân cận để tìm thu đồ sứ và đồng xu cũ.
Người nông thôn chỉ nghĩ rằng đồng xu cũ có giá trị, còn đâu về những loại chai lọ, bát đĩa hay đồ sứ, họ đều không hiểu và cũng không quan tâm lắm.
Ngày ngày đọc sách và học các cách kiểm định bảo vật, tôi dần dần có được một số tầm nhìn cơ bản.
Tôi đã trả 100 tệ cho một cặp chổi lông gà màu xanh nước biển của cuối triều đại nhà Thanh; một vài lọ phấn tự chế của phụ nữ hồi Dân Quốc với giá dưới 200 tệ; và 180 tệ ba chiếc bát men sứ trắng giữa triều đại nhà Thanh, chỉ tiếc là ba chiếc bát này có hoa văn móng gà, bảo quản không tốt, đã xuất hiện vài đốm vàng mất thẩm mĩ.
Trước đây tôi cũng đã để dành một túi nhỏ tiền cổ, ước chừng có khoảng 200 đồng, phần lớn tiền đồng xu là tiền nhà Tống và tiền nhà Thanh, trong đó nhiều nhất là Càn Long, Hoàng Tống, Nguyên Phong… Thực ra những loại tiền này số lượng còn lại lớn nên không có giá trị lắm. Trong số đó, thứ khiến tôi hài lòng nhất chính là ba món đồ tiền Ung Chính có hình thức tương đối đẹp. Tôi biết loại tiền Ung Chính Thông Bảo này có thể đáng giá một ít tiền, chỉ có điều tôi không biết cụ thể giá trị của nó tại thời điểm đó là bao nhiêu.
Sau khi mua những thứ này, tôi đã tiêu tổng cộng hơn 500 tệ, và chỉ còn lại chừng 240 tệ, hồi đó mức lương trung bình hàng tháng cũng chỉ hơn 300 tệ mà thôi.
Tôi có mối quan hệ tốt với một bạn nữ cùng lớp vào thời điểm ấy, và cô ấy đã giúp tôi bằng cách cho mượn hai chiếc vali kéo 30 inch.
Những món “bảo vật” tôi thu được tổng cộng gồm 11 món đồ gốm sứ và một túi nhỏ đựng tiền đồng cổ, tôi gói cẩn thận và bọc chúng bằng chăn để không bị vỡ, đồng thời nhồi rất nhiều xốp vào trong.
Vậy mà cũng nhét đầy hai chiếc vali lớn và một chiếc ba lô.
Bà nội không hiểu chuyện tôi làm, nói tôi vô công rồi nghề, toàn đi làm chuyện không đâu, nói là thật phí công nuôi tôi. Nhà cô chú và người trong làng hầu như cũng biết.
Không ít người chỉ trỏ nói ra nói vào sau lưng tôi.
Tôi chịu đựng những cái nhìn khinh miệt và mặc kệ sự khó hiểu của người khác, sáng ngày 17 tháng 12 âm lịch, tôi thu dọn đồ đạc và rời khỏi huyện Mạc Hà.
Lúc đó trong đầu tôi nghĩ người Bắc Kinh chắc hẳn là người giàu nhất, đồ cổ sưu tầm được tất nhiên phải bán cho người Bắc Kinh, hơn nữa tôi đã từng khao khát được đến Phan Gia Viên một lần.
Từ Mạc Hà không có xe chạy thẳng đến Bắc Kinh, tôi chỉ có thể đi tàu đến Tứ Bình, sau đó từ Tứ Bình di chuyển đến nhà ga Bắc Kinh.
Cả hành trình dài hơn 2.000 km và mất hơn 50 giờ, để tiết kiệm tiền, tôi chọn loại ghế cứng rẻ nhất.
Tôi mang theo hai chiếc va li lớn và đeo một chiếc ba lô lớn phía sau lưng, đầu tóc bết dầu còn quần áo thì lấm lem, hành khách trong nhà ga thỉnh thoảng chỉ trỏ và thì thầm nói tôi thế nọ thế kia.
Tôi chưa bao giờ đi xa nhà, đây là lần đầu tiên tôi đi tàu, mà lại chỉ có một mình.
Mua vé xong trong người tôi chỉ còn chưa đầy 100 tệ, nếu mà không bán được đồ thì ngay cả vé khứ hồi cũng không mua được chứ đừng nói là ăn cơm.
Đồ ăn trên tàu rất đắt, tôi không dám tiêu tiền, chỉ uống nước đun sôi để nguội từ chiếc bình mang theo, đến khi đói đến mức hoa mày chóng mặt tôi mới mua một túi bánh quẩy với giá 4 tệ.
Đây là lần đầu tiên một đứa trẻ nông thôn quê mùa đến thành phố Bắc Kinh hoa lệ, mọi thứ đều mới mẻ và thậm chí đây cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy những người kiểm tra an ninh ở nhà ga.
Lúc đó dù còn nhỏ tuổi, nhưng tôi không sợ người lạ và khá dạn dĩ, dám bắt chuyện với mọi người, nói chuyện xã giao xong tôi hỏi họ đường đến chợ đồ cổ Phan Gia Viên, chị bán vé rất nhiệt tình, chỉ cho tôi đi tàu điện ngầm rồi làm thế nào để chuyển tuyến.
Đi tuyến 9 từ trạm Bắc Kinh Tây, sau đó xuống trạm Lục Lí Kiểu và đổi sang tuyến 10, xuống tại trạm Phan Gia Viên.
Cũng may trí nhớ của tôi không tệ, không bị đi lố đường, khi đó tàu điện ngầm chỉ có 2 tệ/lượt, chỉ cần chưa xuống trạm sẽ không có ai tới làm phiền.
Khi xuống ga tàu điện ngầm, trên vỉa hè có biển “đường trơn đi cẩn thận”, tôi một tay xách túi, tay còn lại kéo hai va li hàng lớn, đi lại cũng khá khó khăn.
Đi bộ qua cầu Hoa Uy, cuối cùng tôi đã nhìn thấy tấm biển vàng ghi chữ “Chợ đồ cổ Phan Gia Viên” dựng ngoài cổng phía bắc.
- Cuối cùng cũng đến nơi rồi…
...
(1) Thế hệ cách nhau thì càng thương nhau.