Chương 8: Cô Cornelia Bryant ghé chơi

Tháng Chín năm ấy là một tháng Chín sương vàng khói tím tại vũng Bốn Làn Gió… một tháng Chín của những ngày đẫm nắng và những đêm ngụp lặn trong ánh trăng, hay phập phồng những vì sao. Không một trận bão nào làm xây xước tháng Chín, không cơn gió dữ nào thổi qua. Anne và Gilbert thu xếp tổ ấm của họ, lang thang trên bờ biển, dong thuyền trên vịnh, đánh xe quanh Bốn Làn Gió và Glen, hay qua những con đường rừng cô tịch mọc đầy dương xỉ quanh vịnh cảng; tóm lại, họ đã có một tháng trăng mật mà bất cứ cặp tình nhân nào trên thế giới cũng phải ghen tị.

“Nếu cuộc sống có phải dừng lại ngắn ngủi ngay bây giờ thì nó vẫn vô cùng đáng sống, nếu chỉ nhờ bốn tuần vừa qua, phải không anh?” Anne nói. “Chắc chúng ta sẽ chẳng bao giờ có lại bốn tuần hoàn hảo đến thế nữa đâu… nhưng chúng ta đã có. Mọi thứ… gió, thời tiết, bạn bè, căn nhà mơ ước… đã thông đồng với nhau để làm cho tháng trăng mật của chúng ta thật diệu kỳ. Chưa có đến một ngày mưa từ lúc chúng mình đến đây.”

“Và chúng ta cũng chưa cãi nhau lần nào,” Gilbert trêu.

“À, ‘đấy là một lạc thú hoãn được chừng nào tốt chứng đấy,’ ” Anne trích. “Em rất vui là chúng mình đã quyết định trải qua kỳ trăng mật tại đây. Những ký ức của chúng ta về nó sẽ luôn thuộc về nơi này, trong ngôi nhà mơ ước của chúng ta, thay vì rải rác khắp những nơi chốn xa lạ.”

Có một âm sắc lãng mạn và phiêu lưu nhất định trong không gian căn nhà mới của họ mà Anne chưa bao giờ tìm thấy ở Avonlea. Ở Avonlea, mặc dù cô đã sống trong tầm nhìn thấy biển, biển chưa bao giờ bước vào đời cô một cách mật thiết. Ở Bốn Làn Gió, biển bao bọc lấy cô và gọi cô không ngớt. Từ mọi ô cửa sổ căn nhà mới của mình, cô thấy được một góc luôn biến đổi nào đó của biển. Tiếng rì rầm ám ảnh của nó luôn ở trong tai cô. Những chiếc tàu ngày ngày dong vào vịnh để cập cầu cảng ở Glen, hay giương buồm trở ra trong ánh hoàng hôn, đến những bến bờ chưa biết chừng cách cả nửa vòng trái đất. Những thuyền cá lướt đôi cánh trắng xuống kênh nước vào buổi sáng, và trở về trĩu nặng vào ban đêm. Thủy thủ và dân chài đi trên những con đường cảng đất đỏ quanh co, vui vẻ và hài lòng. Lúc nào cũng có cảm giác mọi điều đang sắp sửa xảy ra - những cuộc phiêu lưu và những chuyến đi. Đường ở Bốn Làn Gió ít phẳng lặng, ổn định và mòn cũ như đường ở Avonlea; những ngọn gió của sự đổi thay thổi tràn qua chúng; biển vẫy gọi liên hồi những cư dân trên bờ, và ngay cả những người có thể không trả lời tiếng gọi đó cũng cảm nhận được sự hào hứng và biến động và bí ẩn cũng như những tiềm năng của nó.

“Giờ thì em hiểu vì sao một số người nhất định phải ra biển,” Anne nói. “Cái khao khát đến với tất cả chúng ta, lúc này hay lúc khác - ‘dong buồm vượt ra ngoài biên giới của hoàng hôn’ - hẳn phải mãnh liệt lắm một khi nó nảy nở trong ta. Em không ngạc nhiên khi thuyền trưởng Jim chạy theo tiếng gọi của nó. Em không bao giờ nhìn một con tàu lướt ra ngoài kênh nước, hay một con chim mòng tung cánh qua đồi cát, mà không ao ước mình cũng ở trên boong tàu hoặc có cánh, không phải như một chú bồ câu ‘tung cánh hòa bình’, mà như một con mòng biển, sải cánh bay ra vào tận trái tim của một cơn bão.”

“Em sẽ ở nguyên đây với anh, bé Anne ạ,” Gilbert nói vẻ lười biếng. “Anh sẽ không cho em rời khỏi anh bay vào các tâm bão nọ kia đâu.”

Họ đang ngồi trên bậc thềm sa thạch đỏ vào một buổi chiều muộn. Vẻ bình yên tuyệt diệu ngự trị khắp chung quanh hai người trong đất và biển và trời. Những chú mòng biển màu bạc đang bay lượn trên đầu họ. Đường chân trời viền những dải mây mỏng dài màu hồng hồng. Một điệp khúc gió và sóng du ca thì thầm xâu chỉ qua không gian nín lặng. Những bông cúc tây tím nhạt đong đưa trên những đồng cỏ khô mù sương giữa căn nhà và vịnh cảng.

“Các bác sĩ phải thức cả đêm trông người bệnh chắc chẳng máu phiêu lưu lắm đâu nhỉ,” Anne ngoan ngoãn nói. “Nếu đêm qua mà anh được ngủ ngon, Gilbert ạ, thì anh cũng sẽ sẵn sàng cho một chuyến bay tưởng tượng giống em thôi.”

“Đêm qua anh đã làm việc tốt, Anne ạ,” Gilbert nhẹ nhàng nói. “Dưới Chúa, anh đã cứu một mạng người. Đây là lần đầu tiên anh có thể thật sự thừa nhận điều đó. Trong các trường hợp khác có lẽ anh cũng giúp phần nào; nhưng mà, Anne ạ, nếu đêm qua anh không ở lại nhà Allonby mà tay bo chiến đấu với thần Chết, thì người phụ nữ ấy đã chết trước lúc trời sáng rồi. Anh đã thử nghiệm một phương pháp chắc chắn trước đây chưa bao giờ được làm thử ở Bốn Làn Gió. Anh nghi là thậm chí nó còn chưa được thử nghiệm ở bất cứ nơi nào khác ngoài bệnh viện. Đây là một phương pháp mới ở bệnh viện Kingsport từ mùa đông trước. Anh đã không bao giờ dám thử nếu anh không hoàn toàn chắc chắn là không còn bất cứ cơ hội nào khác. Anh đã liều… và đã thành công. Kết quả là, một người vợ và một người mẹ tốt đã được cứu để sống thêm nhiều năm hạnh phúc và hữu ích. Lúc anh đánh xe về nhà sáng nay, khi mặt trời ló lên trên cảng, anh đã cảm tạ Chúa vì anh đã chọn nghề mình đang làm. Anh đã đánh một trận cừ và đã thắng - em hãy nghĩ đi Anne, chiến thắng Kẻ Hủy Diệt Vĩ Đại. Đây là điều anh mơ ước từ rất lâu rồi khi chúng ta cùng nhau nói về những điều ta muốn làm trong đời. Giấc mơ ấy của anh đã trở thành sự thật sáng hôm nay.”

“Đấy có phải là giấc mơ duy nhất của anh đã trở thành sự thật không?” Anne hỏi, hoàn toàn biết rõ đại ý câu trả lời của anh sẽ là gì, nhưng vẫn muốn nghe lại một lần nữa.

“Em biết mà, bé Anne,” Gilbert nói, mỉm cười nhìn mắt cô. Vào giây phút ấy chắc chắn có hai con người hoàn toàn hạnh phúc ngồi trên bậc thềm của một căn nhà trắng nhỏ trên bờ vịnh cảng Bốn Làn Gió.

Đúng lúc đó Gilbert nói, đổi giọng, “Có phải anh đang thấy một con tàu trang bị đủ đồ nghề đang dong buồm hướng lên đường vào nhà mình không nhỉ?”

Anne nhìn và bật dậy.

“Chắc là cô Cornelia Bryant hoặc là bà Moore đến hỏi thăm đấy,” cô nói.

“Anh vào văn phòng đây, và nếu đấy là cô Cornelia thì anh cảnh cáo em là anh sẽ nghe lén đấy,” Gilbert nói. “Từ những gì nghe được về cô Cornelia, anh kết luận là cuộc chuyện trò với cô ấy sẽ không nhàm chán đâu, đấy là nói nhẹ nhất rồi đấy.”

“Có thể là bà Moore.”

“Anh không nghĩ bà Moore có dáng người như vậy. Hôm trước anh thoáng thấy bà ấy làm việc trong vườn, và, mặc dù đứng xa quá không nhìn rõ được, anh nghĩ bà ấy trông khá thanh mảnh. Bà ấy có vẻ không thích giao thiệp xã hội cho lắm khi mà vẫn chưa đến hỏi thăm em, mặc dù bà ấy là láng giềng gần nhất của chúng ta.”

“Chí ít thì bà ấy cũng không thể giống như bà Lynde, bằng không thì trí tò mò đã mang bà ấy đến rồi,” Anne nói. “Người khách này, em nghĩ, là cô Cornelia.”

Đúng là cô Cornelia; hơn nữa, cô Cornelia không đến chỉ để thăm hỏi đám cưới ngắn gọn và xã giao. Cô cắp theo một bộ đồ nghề đựng trong một cái gói to đùng, và khi Anne mời cô ở lại cô đàng hoàng cởi chiếc mũ đi nắng to uỳnh, được gắn lên đầu cô, bất chấp những cơn gió tháng Chín xấc láo, bằng một dải băng chun chật ních buộc dưới một búi tóc vàng nhỏ chặt. Không kim băng cài mũ cho cô Cornelia, cảm ơn nhé! Dây chun đã là đủ cho mẹ cô, và chúng cũng đủ cho cô. Cô có khuôn mặt tươi tắn, tròn trịa, trắng hồng, và đôi mắt nâu vui vẻ. Cô không giống một “bà cô già” truyền thống tí nào, và có gì đó trong cung cách của cô chiếm ngay được cảm tình của Anne. Với sự nhanh nhạy bản năng trong việc tìm kiếm những tâm hồn đồng điệu, cô biết cô sẽ thích cô Cornelia, bất chấp một số khác biệt chưa xác định về chính kiến, và những khác biệt rõ ràng về cách ăn mặc.

Không ai ngoài cô Cornelia đến thăm nhà mà lại khoác lên mình một cái tạp dề sọc xanh trắng và một chiếc áo choàng màu sô cô la với hoa văn in hình những bông hồng to tướng vương vãi trên đó. Và không ai ngoài cô Cornelia có thể trông đường hoàng và phù hợp khi ăn mặc như thế. Giá kể cô Cornelia có bước vào một cung điện để thăm hỏi cô dâu của một hoàng tử, thì cô trông cũng sẽ đường hoàng và hoàn toàn làm chủ bản thân y như vậy. Cô sẽ lê cái viền váy hoa hồng của mình trên mặt sàn đá cẩm thạch cũng với vẻ vô tư lự như thế, và cô cũng sẽ bình thản tiến hành quá trình làm cho nàng công chúa kia tỉnh ngộ nếu nàng ta manh nha có ý nghĩ rằng việc sở hữu một gã đàn ông, dù đấy là hoàng tử hay nông dân, là một cái gì đáng để mà khoác lác.

“Ta có mang theo đồ nghề đây, cháu Blythe, cưng ạ,” bà nhận xét, tháo ra một ít vật liệu rất thanh nhã. “Ta đang vội làm cho xong cái này, và không còn thì giờ đâu để mà bỏ phí nữa.”

Anne nhìn với chút ngạc nhiên chỗ vải trắng trải khắp trên lòng cô Cornelia. Rõ ràng đấy là một chiếc váy cho trẻ con, và nó mới đẹp làm sao chứ, những viền những nếp bé tí ti. Cô Cornelia chỉnh lại kính và chú mục vào thêu những đường chỉ thật là tinh tế.

“Cái này là cho Fred Proctor ở trên Glen,” bà tuyên bố. “Chị chàng sắp sinh đứa thứ tám tới nơi rồi, mà chưa chuẩn bị cho nó lấy một cái áo cái quần nào. Bảy đứa trước đã mặc nát tất cả những gì chị ta may cho đứa thứ nhất, và chị ta không bao giờ có thì giờ hay sức lực hay tinh thần để may thêm cái gì nữa. Người đàn bà ấy đúng là một tu sĩ tử vì đạo đấy, tin ta đi, cháu Blythe ạ. Khi chị ta cưới Fred Proctor ta đã biết chuyện sẽ thành ra như thế nào rồi, một gã đồi bại và hấp dẫn. Sau khi hắn lấy vợ hắn hết hấp dẫn mà chỉ tiếp tục đồi bại. Hắn uống rượu vào rồi hắn bỏ bê gia đình. Đúng là đồ đàn ông! Ta cũng không biết Proctor làm thế nào mà giữ cho con cái chị ta ăn mặc tử tế nếu hàng xóm không đỡ cho nữa.”

Như Anne sau này sẽ biết, cô Cornelia là người hàng xóm duy nhất mất công lo cho sự tử tế của mấy đứa nhỏ nhà Proctor.

“Khi nghe tin đứa trẻ thứ tám này sắp chào đời ta đã quyết định sẽ làm vài thứ cho nó,” cô Cornelia nói tiếp. “Đây là cái cuối cùng và ta muốn làm cho xong luôn hôm nay.”

“Nó rõ ràng là rất đẹp ạ,” Anne nói. “Cháu sẽ lấy bộ đồ thêu của cháu và chúng ta sẽ có một nhóm may vá nhỏ gồm có hai người. Cô may đẹp quá, cô Bryant ạ.”

“Ừ, ta là thợ máy khéo nhất vùng này đấy,” cô Cornelia nói bằng giọng thản nhiên. “Phải thế chứ còn gì nữa! Chúa ơi, ta may đồ còn nhiều hơn cả nếu ta có một trăm đứa con ruột, tin ta đi! Ta nghĩ ta thật là đồ ngốc, ta thêu tay trên cái váy này cho một đứa con thứ tám. Nhưng, Chúa ơi, cháu Blythe, cưng ạ, làm sao đổ lỗi cho nó vì nó là đứa con thứ tám được, và ta thì đại loại hy vọng nó có một cái váy thật xinh, như thể nó là một đứa con được mong chờ vậy. Chả ai thèm cái con bé tội nghiệp đó cả… thế nên ta bày vẽ thêm chút xíu trên mấy thứ đồ của nó chỉ riêng vì điều đó.”

“Bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể tự hào về chiếc váy đó,” Anne nói, cảm nhận ngày càng mạnh mẽ là mình sẽ thích cô Cornelia.

“Ta đoán cháu đã nghĩ ta sẽ chẳng bao giờ đến hỏi thăm cháu,” cô Cornelia nói tiếp. “Nhưng đang là tháng gặt, cháu biết đấy, và ta bận lắm… rất nhiều công nhân làm thêm lởn vởn xung quanh, ăn nhiều làm ít, đúng là đồ đàn ông. Ta định sang hôm qua, nhưng lại phải đến dự đám tang của bà Roderick MacAllister. Ban đầu ta nghĩ đầu mình nhức quá, không thể nào vui vẻ được nếu mà đi. Nhưng bà ta một trăm tuổi lận, và ta lúc nào cũng tự hứa với lòng là sẽ đi dự đám tang của bà ta.”

“Đám tang có… ừm, thuận lợi không ạ?” Anne hỏi, nhận thấy cửa phòng làm việc đang he hé.

“Cái gì cơ? À, có, đám tang hoành tráng lắm. Bà ta quan hệ rộng lắm. Có tới hơn một trăm hai mươi cỗ xe trong lễ đưa tang. Có một hai chuyện tức cười xảy ra. Ta tưởng ta chết tới nơi khi thấy lão già Joe Bradshaw, vốn không theo đạo và chưa bao giờ hắt bóng lên cửa một cái nhà thờ nào, lại hát bài ‘An toàn trong vòng tay của đức Jesus’ nhiệt tình hăng hái tới mức đó. Ông già nổi danh hát hay… chính vì thế ổng không bỏ qua một đám tang nào. Bà già Bradshaw tội nghiệp trông không có vẻ gì là thích hát hò… nai lưng phục vụ chồng con đã mệt chết ra rồi. Thỉnh thoảng ông già Joe lại lên đường đi mua cho bà vợ một món quà nhưng rồi lại lôi về nhà một món máy móc nông trại mới nào đó. Đúng là đồ đàn ông! Nhưng một người đàn ông mà không bao giờ đi nhà thờ, ngay cả nhà thờ Giám lý, thì trông mong được gì? Ta thật mừng khi thấy cháu với bác sĩ trẻ trong nhà thờ Trưởng lão hôm Chủ nhật đầu tiên các cháu tới đây. Không Trưởng lão thì không có bác sĩ bác siếc gì với ta sất.”

“Tối Chủ nhật tuần trước chúng cháu mới đi nhà thờ Giám lý đấy ạ,” Anne ranh mãnh nói.

“Ồ, ta đoán bác sĩ Blythe thỉnh thoảng cũng phải đi nhà thờ Giám lý, nếu không thì sẽ mất bệnh nhân bên đó.”

“Chúng cháu thích bài giảng đạo hôm đó lắm,” Anne bạo gan tuyên bố. “Và cháu nghĩ lời cầu nguyện của vị mục sư Giám lý là một trong những lời cầu nguyện hay nhất cháu từng được nghe.”

“Ồ, ta không nghi ngờ chuyện thằng cha ấy biết cầu nguyện. Ta chưa bao giờ nghe ai cầu nguyện hay hơn ông già Simon Bentley, lúc nào cũng say, hoặc sắp say, mà càng say thì ông ta cầu nguyện càng hay.”

“Mục sư Giám lý rất đẹp trai,” Anne nói, vì lợi ích của cánh cửa phòng làm việc.

“Đúng, hắn khá chải chuốt,” cô Cornelia đồng ý. “Ồ, và rất chi nữ tính. Và hắn nghĩ cô gái nào nhìn hắn cũng sẽ sa bẫy tình yêu với hắn… như thể một mục sư Giám lý, cà lơ phất phơ như một tên Do Thái, là cái quý báu lắm ấy! Nếu cháu và bác sĩ trẻ mà nghe lời khuyên của ta, thì các cháu không nên dính dáng nhiều đến đám Giám lý. Phương châm của ta là… nếu đã là người của Giáo hội Trưởng lão, hãy cư xử cho ra người Trưởng lão.”

“Cô không nghĩ là người theo Giáo hội Giám lý cũng được lên thiên đường như người theo Giáo hội Trưởng lão sao?” Anne hỏi, không cười cợt.

“Chuyện đó đâu đến lượt chúng ta quyết định. Nó nằm trong những bàn tay cao hơn chúng ta, cô Cornelia nghiêm trang nói. “Nhưng ta sẽ không dây dưa với bọn họ trên mặt đất, dù ta có thể phải làm thế trên thiên đường. Cái gã mục sư Giám lý này chưa lấy vợ. Ông trước thì có vợ, và vợ ông ta là cái thứ ngờ nghệch, đồng bóng nhất ta từng thấy. Có lần ta nói với chồng cô ta rằng ông ta lẽ ra nên đợi tới khi cô ta lớn rồi hãy lấy làm vợ. Ông ta bảo ông ta muốn được huấn luyện vợ. Đúng là đồ đàn ông!”

“Cũng hơi khó xác định chính xác khi nào thì con người ta lớn,” Anne bật cười.

“Cháu nói đúng đó cưng. Một số người mới sinh ra đã trưởng thành rồi, và số khác đến tám mươi tuổi cũng chưa lớn, tin ta đi. Cái bà Roderick ta mới đó cũng không bao giờ lớn. Một trăm tuổi rồi bà ta vẫn ngốc y như hồi lên mười.”

“Có lẽ vì vậy mà bà ấy sống lâu đến thế,” Anne gợi ý.

“Chắc vậy. Ta thà sống năm mươi năm biết điều còn hơn một trăn năm ngơ ngốc.”

“Nhưng cứ thử nghĩ thế giới này sẽ tẻ nhạt biết bao nhiêu nếu ai ai cũng đầy lý trí,” Anne nài nỉ.

Cô Cornelia coi thường mọi cuộc đôi co về thơ thẩn vần vèo vớ vẩn.

“Bà Roderick là một người nhà Milgrave, và nhà Milgrave chưa bao giờ có mấy đầu óc cả. Cháu trai của bà ta, Ebenezer Milgrave, hồi xưa còn bị mất trí cả mấy năm trời kia. Hắn tưởng mình chết rồi và thường nổi cơn tam bành với cô vợ vì cô ta không chịu chôn hắn. Phải tay ta là ta chôn luôn!”

Cô Cornelia trông quyết tâm sắt đá tới mức Anne gần như có thể hình dung ra cô với một con dao bầu trong tay.

“Cô không biết người chồng nào tốt hết sao, cô Bryant?”

“Ồ, có, đầy… ngoài kia kìa,” cô Cornelia nói, vẫy tay qua cửa số mở về phía khu nghĩa trang nhỏ của nhà thờ phía bên kia cảng.

“Nhưng mà còn sống ấy… đi lại bằng xương bằng thịt ấy?” Anne khăng khăng.

“Ồ, cũng có vài tay, để thấy là với Chúa mọi thứ đều có thể,” cô Cornelia thừa nhận một cách miễn cưỡng. “Ta không phủ nhận là chỗ nọ chỗ kia cũng có một vài gã đàn ông lạc loài, nếu tóm được sớm và huấn luyện đúng cách, và nếu mẹ gã đã tét mông gã ra trò từ trước, có thể thành ra người tử tế. Chồng cháu này, cũng không đến nỗi tồi, xét theo tiêu chuẩn đàn ông, từ những gì ta nghe được. Ta đoán,”… cô Cornelia nhìn Anne một cái sắc lẻm qua cặp kính… “cháu cho rằng trên đời này không có ai như chồng cháu.”

“Không có đâu ạ,” Anne đàng hoàng nói.

“À ờ, ta từng nghe một cô dâu nói câu đó một lần rồi,” cô Cornelia thở dài. “Jennie Dean lúc cưới đã nghĩ không có ai như chồng cô ta trên đời này. Và cô ta nói đúng… làm gì có! Đúng quá đi mà, tin ta đi! Hắn ta dẫn cô ta vào một cuộc đời kinh khủng… và lúc cô ta hấp hối thì hắn đang tán cô vợ thứ hai của hắn. Đúng là đồ đàn ông! Tuy nhiên, ta hy vọng sự tự tin của cháu có cơ sở hơn, cưng ạ! Bác sĩ trẻ đang được tiếng lắm. Lúc đầu ta sợ là không được đâu, vì bà con quanh đây lúc nào cũng nghĩ bác sĩ Dave già là bác sĩ duy nhất trên thế giới. Bác sĩ Dave không khôn khéo gì cho lắm, chắc chắn rồi… toàn nói chuyện dây thừng trong nhà có người treo cổ thôi. Nhưng dân tình hễ đau bụng là quên để bụng. Nếu bác ấy mà là mục sư thay vì bác sĩ thì đừng hòng người ta tha thứ cho bác ấy. Ta thấy là cả hai đứa đều là người Giáo hội Trưởng lão và không có gã Giám lý nào ở quanh đây, cháu có thể cho ta biết ý kiến thẳng thắn của cháu về mục sư của chúng ta được không?”

“Chà… thật tình… cháu… ừm,” Anne ngần ngừ.

Cô Cornelia gật đầu.

“Chính xác. Ta đồng ý với cháu, cưng ạ. Chúng ta đã phạm một sai lầm khi thuê ông ta. Cái mặt ông ta trông đúng như một trong mấy cái bia mộ dài và hẹp trong nghĩa trang, nhỉ? Đáng lẽ người ta nên khắc lên trán ông ta dòng chữ ‘Thiêng liêng trong ký ức’ mới phải. Ta sẽ không bao giờ quên được bài đầu tiên ông ta giảng lúc về đây. Nó nói về việc tất cả mọi người nên làm việc mà họ thấy hợp với mình nhất… một đề tài rất hay, dĩ nhiên; nhưng những minh họa ông ta dùng chứ! Ông ta nói, ‘Nếu các bạn có một con bò và một cây táo, và nếu bạn buộc cây táo trong chuồng rồi trồng con bò trong vườn, bốn chân giơ lên, liệu bạn sẽ lấy được bao nhiêu sữa từ cây táo và mấy quả táo từ con bò?’ Trần đời cháu đã bao giờ nghe thứ gì như vậy chưa cưng? Ta mừng hết lớn là hôm ấy không có gã Giám lý nào ở đó… bằng không thì chúng nó lải nhải bình loạn cả đời chẳng hết. Nhưng cái ta không thích nhất ở ông ta là thói quen đồng ý với tất cả mọi người, dù người ta có nói chuyện gì. Nếu cháu nói với ông ta, ‘Ông là đồ cà chớn,’ ông ta sẽ nói, kèm theo cái nụ cười nuột nà, ‘Đúng, chính thế.’ Một mục sư phải có nhiều chính kiến hơn tí chứ. Nói dài nói ngắn, nói tóm lại là, ta xem ông ta là một gã mục sư chết tiệt. Nhưng, dĩ nhiên, đó là giữa ta với cháu thôi nhé. Dân tình có người nghĩ vợ ông ta ăn mặc vui vẻ qua, ta thì bảo là khi bà ta phải sống với một cái mặt như vậy thì bà ta cần cái gì đó để làm mình vui lên chứ. Cháu sẽ không bao giờ nghe ta kết tội một phụ nữ vì quần áo của cô ta. Chồng cô ta không quá keo kiệt xấu tính mà cho cô ta ăn diện là ta mừng hết lớn rồi. Nói vậy không phải là bản thân ta quan tâm đến quần áo gì lắm đâu. Phụ nữ chỉ mặc đẹp để chiều lòng đàn ông, và ta không bao giờ hạ mình tới mức đó. Ta đã sống một đời bình lặng, dễ chịu, và chính là vì ta không bao giờ để ý một xu tới những gì đàn ông nghĩ.”

“Sao cô ghét đàn ông thế, hở cô Bryant?”

“Chúa ơi, cưng à, ta không ghét họ. Họ không đáng. Ta chỉ đại loại là coi thường họ. Ta nghĩ ta sẽ thích chồng cháu nếu nó tiếp tục như nó đã bắt đầu. Nhưng ngoài nó ra thì hai người đàn ông duy nhất trên thế giới ta thấy có chút tác dụng là ông bác sĩ già và thuyền trưởng Jim.”

“Thuyền trưởng Jim đương nhiên là tuyệt vời rồi,” Anne đồng ý nhiệt thành.

“Thuyền trưởng Jim là người tốt, nhưng ông ấy cũng làm ta bực mình theo một kiểu khác. Người ta không làm sao cho ông ấy bực mình lên được. Ta đã cố gắng hai mươi năm nay mà ông ấy vẫn điềm tĩnh. Làm ta khá là bứt rứt. Mà ta đoán cái bà ông ấy đáng lẽ đã lấy làm vợ thể nào cũng vớ được một gã ngày nổi khùng hai bận.”

“Bà ấy là ai thế ạ?”

“Ồ, ta không biết, cưng ạ. Ta chẳng nhớ thuyền trưởng Jim có bao giờ để ý tới ai không. Ông ấy đã chớm già từ hồi ta bắt đầu nhớ được. Ông ấy bảy mươi sáu tuổi rồi, cháu biết đấy. Ta chưa bao giờ nghe được bất cứ lý do gì khiến ông ấy chịu cảnh độc thân, nhưng chắc chắn là có lý do, tin ta đi. Ông ấy đi biển cả đời cho mãi đến năm năm trước, và không có xó xỉnh nào trên trái đất mà ông ấy chưa chọc mũi vào. Ông ấy với Elizabeth Russell là bạn chí cốt, cả đời luôn ấy, nhưng họ chưa bao giờ có chút ý nghĩ yêu đương gì. Elizabeth chẳng bao giờ lấy chồng, mặc dù cũng có nhiều cơ hội. Hồi trẻ bà ấy đẹp lắm. Cái năm hoàng tử xứ Wales đến thăm đảo, bà ấy đang đến chơi nhà ông chú làm nhân viên chính phủ ở Charlottetown, thế là bà ấy được mời dự buổi vũ hội. Bà ấy là cô gái đẹp nhất ở đấy, và hoàng tử nhảy với bà, thế là tất cả đám phụ nữ khác không được ông ta nhảy cùng liền phát rồ lên, vì địa vị xã hội của họ cao hơn bà ấy và họ nói ông ta không nên bỏ qua họ. Elizabeth rất chi là tự hào vì điệu nhảy ấy. Đám ác mồm nói đấy là lý do vì sao bà ấy không lấy chồng… không chịu nổi bất cứ người đàn ông bình thường nào nữa sau khi đã nhảy với một hoàng tử. Nhưng không phải vậy đâu. Có lần bà ấy kể cho ta biết vì sao… đó là vì bà ấy có tính khí nóng như lửa nên bà ấy sợ không thể sống yên bình với ông nào hết. Bà ấy nóng tính thật ấy chứ… thỉnh thoảng bà ấy thường phải đi lên lầu cắn cho cái tủ com mốt mấy miếng để hạ hỏa mà. Nhưng ta bảo đấy không phải là lý do để không lấy chồng nếu bà ấy muốn. Không lý gì chúng ta phải để cho bọn đàn ông độc quyền nóng tính, phải vậy không, cháu Blythe cưng?”

“Bản thân cháu cũng hơi nóng tính đấy ạ,” Anne thở dài.

“Thế là tốt con ạ. Vậy mới không dễ bị giẫm đạp lên, tin ta đi! Ôi kìa, đám cúc vàng của cháu nở đẹp chưa kìa! Vườn nhà cháu trông ổn đấy. Elizabeth tội nghiệp chăm bẵm khu vườn này ghê lắm.”

“Cháu yêu nó lắm,” Anne nói. “Cháu rất mừng là nó toàn những loại hoa lỗi mốt. Nói về làm vườn, chúng cháu muốn nhờ một người đào chỗ đất nhỏ phía sau rặng linh sam lên và trồng mấy cây dâu tây cho chúng cháu. Gilbert bận quá, mùa thu này anh ấy sẽ chẳng có thời gian cho việc đó đâu. Cô có biết chúng cháu có thể thuê ai được không?”

“À, Henry Hammond trên Glen làm mấy việc đó. Chắc là thằng cha đấy cũng được. Lúc nào hắn cũng quan tâm đến tiền công hơn là công việc, đúng là đồ đàn ông, và hắn chậm hiểu đến nỗi có khi đứng đơ ra năm phút mới phát hiện ra là mình đã đơ. Cha hắn ném một gốc cây vào người hắn lúc hắn còn bé mà. Một quả tên lửa nhẹ nhàng dịu dàng, phải không nào? Đúng là đồ đàn ông! Nhưng hắn là người duy nhất ta có thể giới thiệu cho cháu. Hắn sơn cho ta cái nhà hồi mùa xuân năm ngoái. Giờ trông khá là xinh đẹp đấy chứ, cháu có nghĩ vậy không?”

Anne được cứu nhờ tiếng đồng hồ điểm năm giờ.

“Chúa ơi, trễ vậy rồi đó hả?” cô Cornelia la làng. “Lúc vui vẻ thì thời gian trôi cái vèo vậy đó! Thôi, ta phải vác xác về nhà đây.”

“Không được đâu! Cô phải ở lại dùng trà với bọn cháu chứ,” Anne nhiệt thành nói.

“Cháu mời ta vì cháu nghĩ cháu nên mời, hay vì cháu thật sự muốn thế?” cô Cornelia hất hàm hỏi.

“Vì cháu thực lòng muốn thế.”

“Thế thì ta sẽ ở lại. Cháu thuộc lớp người quen của Joseph.”

“Cháu biết là chúng ta sẽ là bạn bè mà,” Anne nói, với một nụ cười mà chỉ những người có cùng đức tin đó mới được nhìn thấy.

“Đúng là như thế, cưng ạ. Cảm ơn Chúa, ta có thể chọn bạn mà chơi. Ta phải chấp nhận bà con họ hàng như họ vốn thế, và phải lấy làm biết ơn nếu không có con chiên ghẻ nào trong nhà. Mà ta cũng chả có nhiều họ hàng gì cho cam… không có ai gần hơn đám anh chị em họ xa xa. Ta là một linh hồn khá cô đơn, cháu Blythe ạ.”

Có một nốt nuối tiếc trong giọng cô Cornelia.

“Cháu hy vọng cô có thể gọi cháu là Anne,” Anne bộc phát kêu lên. “Như thế nghe sẽ thân mật hơn. Mọi người ở Bốn Làn Gió, trừ chồng cháu, đều gọi cháu là bà Blythe, làm cháu thấy mình như người lạ ấy. Cô có biết tên cô rất gần với cái tên mà cháu khao khát lúc cháu còn bé không. Cháu ghét tên ‘Anne’ và tự gọi mình là ‘Cordelia’ trong tưởng tượng.”

“Ta thích tên Anne. Đấy là tên mẹ ta. Cứ tên kiểu cũ là hay nhất và ngọt ngào nhất theo ý ta. Nếu cháu định đi dọn bữa trà thì nên gọi bác sĩ trẻ ra nói chuyện với ta đi. Nó nằm trên chiếc sofa trong cái văn phòng đó từ lúc ta đến, cười sắp chết vì những gì ta nói nãy giờ.”

“Làm sao cô biết?” Anne kêu lên, hoảng hồn trước ví dụ về khả năng nhận biết phi thường này của cô Cornelia đến nỗi không buồn chối cho lịch sự.

“Ta thấy nó ngồi cạnh cháu lúc ta đi bộ trên đường, và ta biết mánh khóe của đám đàn ông,” cô Cornelia vặn lại. “Đó, ta đã may xong cái váy nhỏ của ta rồi, cưng ạ, và đứa bé thứ tám có thể chui ra bất cứ khi nào nó thích.”